Top 30 Giới thiệu một truyện thơ hoặc một bài hát theo lựa chọn cá nhân (hay nhất)

Tổng hợp trên 30 bài Giới thiệu một truyện thơ hoặc một bài hát theo lựa chọn cá nhân hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Top 30 Giới thiệu một truyện thơ hoặc một bài hát theo lựa chọn cá nhân (hay nhất)

Quảng cáo

Dàn ý Giới thiệu một truyện thơ hoặc một bài hát theo lựa chọn cá nhân

- Mở đầu:

+ Chào hỏi và tự giới thiệu

+ Giới thiệu tên tác phẩm, thể loại, tên tác giả

+ Nêu lí do lựa chọn tác phẩm một cách thuyết phục hấp dẫn.

+ Nhận xét khái quát về tác phẩm

- Nội dung chính:

+ Giới thiệu đặc điểm nội dung và hình thức của tác phẩm.

+ Trình bày ý kiến nhận xét, đánh giá về tác phẩm/ điều thích hoặc không thích về tác phẩm/ tình cảm, cảm xúc khi đọc/ xem/nghe tác phẩm.

+ Sắp xếp các ý hợp lí, logic.

Quảng cáo

- Kết bài:

+ Tóm tắt được nội dung trình bày về tác phẩm

+ Khuyến khích người nghe thưởng thức tác phẩm.

+ Nêu vấn đề trao đổi hoặc mời gọi sự phản hồi từ người nghe.

+ Cảm ơn và chào kết thúc.

Giới thiệu một truyện thơ hoặc một bài hát theo lựa chọn cá nhân - (mẫu 1)

Xin chào thầy cô và các bạn, tôi là ….. học sinh lớp….. trường…..

Hồ Chí Minh sáng tác bài thơ “Mộ” năm 1942, trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt đó là khi nhà thơ bị giải từ nhà lao Tĩnh Tây đến Thiên Bảo. Trong suốt thời gian bị đày ải bởi chính quyền Tưởng Giới Thạch người lính khổ sai Nguyễn Tất Thành thường xuyên bị áp giải từ nhà lao này đến nhà lao khác. Trong hoàn cảnh đặc biệt đó người bình thường chắc chỉ thấy tiếng kêu rên ai oán số phận, còn với Bác người lính cách mạng có tinh thần thép thì đó chỉ là cái cớ để tâm hồn thi sĩ vút cao lên thành những áng văn thơ trữ tình dạt dào cảm xúc. Chẳng thế mà toàn bài thơ chúng ta không thấy bất kỳ hình ảnh đau khổ của người tù mà chỉ thấy khung cảnh thiên nhiên, con người nơi miền sơn cước vô cùng bình dị, quen thuộc với cuộc sống lao động thường nhật.

Quảng cáo

Mở đầu bài thơ miêu tả bức tranh thiên nhiên đặc trưng của buổi chiều tối

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không

Ánh mặt trời dần tắt hẳn, màn đêm chuẩn bị bao trùm lấy cảnh vật, đây là thời khắc con người, vạn vật sinh linh trên trái đất đều mệt mỏi và muốn tìm về với chốn bình yên để nghỉ ngơi. Đầu tiên là hình ảnh của chú chim đang mỏi cánh trên bầu trời, cánh chim ấy đã vất vả sau một ngày dài kiếm ăn khắp chốn, giờ là lúc nó tìm về với bóng cây, chốn yên bình để ngủ. Câu thơ thứ hai vẫn là nét chấm phá cảnh vật của thiên nhiên với hình ảnh của “cô vân”. Cô vân là chòm mây cô đơn, kết hợp với từ láy “mạn mạn” tức là trôi nhẹ, lơ lửng, vô định trên bầu trời. Chòm mây cô đơn lạc trôi trên bầu trời khá tương đồng với hoàn cảnh của người tù khổ sai, cô đơn, lạc lõng nơi đất khách quê người. Trong lòng vẫn luôn đau đáu một ngày được trở về với đồng bào, quê hương.

Hai câu thơ sử dụng thủ pháp đối khá quen thuộc trong thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, đối giữa “cô vân” và “quyện điểu” để tạo nên một bức tranh thiên nhiên cân xứng, hài hòa. Một vài nét chấm phá đơn giản nhưng đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên thật hữu tình, nên thơ.

Quảng cáo

Hai câu thơ sau là hình ảnh của con người, con người của cuộc sống lao động hiện ra thông qua những nét vẽ thật khỏe khoắn, rắn rỏi

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng

Hình ảnh cô gái xóm núi đang xay ngô chuẩn bị cho bữa cơm tối xuất hiện trong bài thơ là một nét vẽ bất ngờ nhưng rất hợp lý. Nó được cảm nhận thông qua cái nhìn của người tù khổ sai, nó mang một sức sống thật mạnh mẽ, tiềm tàng. Động tác xay ngô của cô gái nhịp nhàng, khỏe khoắn, từng vòng quay của chiếc cối đều, dứt khoát, “ma bao túc” rồi lại” bao túc ma hoàn”; phép lặp từ trong hai câu thơ nhấn mạnh sự cần mẫn, chăm chỉ của người lao động trong cuộc sống thường nhật, qua đó thể hiện cái nhìn trân trọng của thi sĩ dành cho con người nơi đây. Đặc biệt là hình ảnh “lô dĩ hồng” xuất hiện ở cuối bài thơ, đó là một nhãn tự có sức nặng cân cả bài thơ. Chữ hồng xuất hiện đã xua tan không khí lạnh giá nơi xóm núi hoang sơ, nó như tiếp thêm sức sống và sức mạnh cho người tù khổ sai trên con đường đi tìm lối thoát cho dân tộc. Chữ “hồng” cũng thể hiện chất thép vốn rất đặc trưng trong tập “Nhật ký trong tù”. Nó cũng khẳng định vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại trong thơ của Hồ Chủ Tịch

Bài thơ khép lại một cách bất ngờ nhưng hết sức tự nhiên, trọn vẹn. Thông qua bài thơ “Mộ” chúng ta cảm nhận vẻ đẹp của nghị lực phi thường, tinh thần mạnh mẽ không lên gân, không khoa trương mà giản dị, khiêm nhường trong thơ của Hồ Chí Minh.

Giới thiệu một truyện thơ hoặc một bài hát theo lựa chọn cá nhân - (mẫu 2)

Xin chào thầy cô và các bạn, tôi là ….. học sinh lớp….. trường…..

Nguyễn Đình Chiểu sinh thời vào lúc loạn lạc, dù sớm đỗ đạt nhưng đến năm 26 tuổi đã bị mù, ông trở về làm thầy thuốc, làm một nhà thơ. Bằng tài năng và đức độ hơn người, Nguyễn Đình Chiểu đã khiến biết bao người ngưỡng mộ. Các bài văn thơ của ông dùng để khích lệ tinh thần chiến đấu và mang tính giáo huấn cao. Lục Vân Tiên là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất trong đời thơ của ông.

Lục Vân Tiên được sáng tác vào những năm 50 của thế kỉ XIX, thể hiện khát vọng hành đạo giúp đời của tác giả và khắc họa hình ảnh đẹp đẽ của hai nhân vật: Lục Vân Tiên tài ba, dũng cảm, trọng nghĩa khinh tài; Kiều Nguyệt Nga hiền hậu, ân tình. Nội dung chính của tác phẩm này là khi Lục Vân Tiên nghe tin triều đình mở khoa thi, chàng đã vội từ biệt thầy đi đua tài.

Trên đường về, vô tình gặp cảnh Kiều Nguyệt Nga bị cướp chàng đã ra tay trượng nghĩa cứu giúp người bị nạn. Đoạn trích đã làm nổi bật vẻ đẹp phẩm chất của hai nhân vật chính là Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga.

Hình tượng Lục Vân Tiên được xây dựng theo mô típ quen thuộc của truyện dân gian, trượng nghĩa, anh tài, ra tay cứu giúp người bị nạn. Đây là nhân vật lý tưởng của văn học trung đại, thể hiện những khao khát mơ ước của nhân dân ta. Chàng mang lí tưởng lớn, lập thân lập danh giúp đời. Và trên đường về gặp chuyện bất bình, Lục Vân Tiên không hề ngần ngại mà ngay lập tức ra tay trượng nghĩa:

Vân Tiên ghé lại bên đàng,

Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô

Dù chỉ có một mình, trên tay chỉ có cây gậy nhưng Vân Tiên dám đương đầu với lũ cướp vừa đông vừa rất hung hãn. Hành động đó cho thấy tính cách anh hùng, tài năng và tấm lòng vị nghĩa của Vân Tiên. Trước sự dọa nạt của những tên cướp, Vân Tiên không hề nao núng: “Vân Tiên tả đột hữu xông/ Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang” .

Không chỉ là một người có tinh thần trượng nghĩa, mà chàng còn là người hết sức khuôn phép, lịch sự với người khác giới. Sau khi đuổi hết lũ lâu la, Vân Tiên còn tiến lại hỏi han, an ủi những người bị nạn. Không chỉ vậy, khi nghe nói họ muốn được lạy tạ ơn, Vân Tiên vội gạt ngay đi:

Khoan khoan ngồi đó chớ ra

Nàng là phận gái ta là phận trai

Dường như với Lục Vân Tiên, làm việc nghĩa là một bổn phận, một lẽ tự nhiên, con người trọng nghĩa khinh tài ấy không coi đó là công trạng. Đó là cách cư xử mang tinh thần nghĩa hiệp của các bậc anh hùng hảo hán. Bởi chàng quan niệm:

Nhớ câu kiến ngãi bất vi

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng

Vân Tiên là mẫu anh hùng lí tưởng, mà qua nhân vật này nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã gửi gắm nhiều niềm tin, mơ ước, khát vọng của mình.

Bên cạnh nhân vật Lục Vân Tiên ta còn thấy một nàng Kiều Nguyệt Nga hết sức chừng mực, nết na, hiếu thảo. Nàng xưng hô rất khiêm nhường “tiện thiếp”, cùng với đó là cách nói năng hết sức nhẹ nhàng, khuôn phép: “Làm con đâu dám cãi cha/ Ví dầu ngàn dặm đàng xa cũng đành” . Lời nói của nàng hết rõ ràng, mạch lạc, vừa đẩy đủ thông tin vừa thể hiện niềm biết ơn chân thành với ân nhân đã giúp đỡ.

Đồng thời nàng cũng là con người biết cách ứng xử, có trước có sau. Việc Vân tiên cứu nàng đâu chỉ là cứu mạng sống, mà còn cứu cả một đời trinh bạch của người con gái, bởi vậy, nàng càng biết ơn Vân Tiên hơn. Cũng bởi thế nàng áy náy không biết lấy gì đền đáp công ơn to lớn đó:

Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi

Và cuối cùng nàng đã quyết lấy thân mình, tự nguyện gắn bó cả đời với chàng trai hiệp nghĩa đó. Hàng ngày nâng khăn sửa túi để báo đáp ơn lớn của Vân Tiên đối với nàng. Những nét đẹp trong phẩm chất, trong hành xử của Kiều Nguyệt Nga đã chinh phục được tình cảm yêu mến của nhân dân.

Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga tuy ngắn ngủi nhưng đã làm nổi bật vẻ đẹp phẩm chất của hai nhân vật: Lục Vân Tiên trượng nghĩa khinh tài, Kiều Nguyệt Nga thì nết na thùy mị. Hai nhân vật đại diện cho lý tưởng của nhân dân ta. Đồng thời qua các nhân vật này cũng gửi gắm những thông điệp sâu sắc của nhà thơ.

Giới thiệu một truyện thơ hoặc một bài hát theo lựa chọn cá nhân - (mẫu 3)

Xin chào thầy cô và các bạn, tôi là ….. học sinh lớp….. trường…..

Tình ca là một bài hát được sáng tác bởi nhạc sĩ Phạm Duy vào năm 1958. Đây là một trong những bài hát nổi tiếng nhất của ông, được nhiều ca sĩ thể hiện và được nhiều người yêu thích. Bài hát có nội dung là tâm sự của một người đàn ông về tình yêu của mình với một người phụ nữ, trong đó anh ta ca ngợi vẻ đẹp, tính cách và tình cảm của cô ấy.

Tình ca có giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật cao. Về giá trị nội dung, bài hát thể hiện một tình yêu chân thành, sâu sắc và lãng mạn. Bài hát không chỉ diễn tả cảm xúc của người yêu, mà còn phản ánh tâm trạng của người được yêu. Bài hát cũng gửi gắm thông điệp về sự trân trọng và tôn trọng tình yêu, về sự hy sinh và chung thủy trong tình yêu.

Về giá trị nghệ thuật, bài hát có ngôn ngữ thơ đẹp, giàu hình ảnh và biểu cảm. Bài hát dùng nhiều so sánh, ví dụ, lặp đi lặp lại để tạo sức hấp dẫn và nhấn mạnh ý nghĩa. Bài hát cũng có giai điệu du dương, nhẹ nhàng và say đắm, phù hợp với nội dung và cảm xúc của bài hát.

Tôi rất yêu thích bài hát Tình ca của Phạm Duy. Bài hát đã làm cho tôi cảm nhận được vẻ đẹp và sức sống của tình yêu. Bài hát cũng đã khơi gợi trong tôi những kỷ niệm và mong ước về tình yêu. Tôi chọn bài hát này vì tôi thấy nó rất gần gũi và chân thực với cuộc sống và con người Việt Nam.

Giới thiệu một truyện thơ hoặc một bài hát theo lựa chọn cá nhân - (mẫu 4)

Em xin chào thầy cô và các bạn, em là ….. học sinh lớp….. trường…..

Chắc hẳn mỗi chúng ta ai cũng đã từng được đọc truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Truyện Lục Vân Tiên là một cuốn tiểu thuyết về luân lý, cốt bàn đạo làm người với quan niệm văn dĩ tải đạo. Tác giả muốn đem gương người xưa mà khuyên người ta về cương thường – đạo nghĩa.

Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) sinh ở làng Tân Khánh, phú Tân Bình, tỉnh Gia Định, xuất thân trong một gia đình quan lại nhỏ. Học giỏi, giàu lòng hiếu thảo, cả cuộc đời sáng ngời nhân nghĩa, tình yêu nước thương dân.

Cuộc đời riêng đầy bi kịch: bị mù, công danh dở dang.Tình chung đau xót: đất nước ta bị giặc Pháp xâm lăng, đất Nam Bộ mất dần vào tay giặc. Nguyễn Đình Chiếu là nhà thơ lớn của đất nước ta trong những năm dài đau thương nửa sau thế ki XIX.

Tác phẩm gồm có: Các truyện thơ: “Truyện Lục Vân Tiên". “ Dương Từ Hà Mậu", "Ngư tiều y thuật vấn đáp”. Nhiều bài thơ, bài văn tế tuyệt tác: “Chạy giặc ", “ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc", "Văn tế Trương Định ", "Văn tế nghĩa sĩ trong trận vong Lục tỉnh”, v.v... Tất cả văn thơ Nguyền Đình Chiểu đều viết bằng chữ Nôm thấm đẫm tư tưởng nhân nghĩa, giàu lòng yêu nước thương dân và căm thù giặc sôi sục.

Lục Vân Tiên là một tác phẩm tiêu biếu, độc đáo của Nguyễn Đình Chiểu, gồm 2082 câu thơ lục bát (có dị bán dài 2246 câu thơ lục bát).

Qua cuộc đời nhân vật Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga, tác giả đã ca ngợi tư tưởng nhân nghĩa, lên án bọn lừa thầy phản bạn, lũ bất lương, đồng thời khẳng định trung, hiếu, tiết, hạnh là đạo lí cao đẹp.

“Trai thời trung, hiến làm đầu,
Gái thời tiết, hạnh là câu trau mình".

Giá trị nội dung: Truyện Lục Vân Tiên là truyện thơ nôm được sáng tác vào khoảng thế kỉ XIX. Truyện gồm 2082 câu thơ lục bát được viết ra nhằm mục đích phê phán những bất công trong xã hội và truyền dạy đạo lí làm người.

Giá trị hiện thực: Tác phẩm đã lên án cái ác, cái xấu trong xã hội. Chửi thói gian ác, bất công, chửi những kẻ tráo trở, bội bạc, phản phúc như cha con Võ Công, chửi những kẻ bất nghĩa, bất nhân như Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, chửi bọn người làm ăn bất lương chuyên nghề lừa bịp, bóp nặn nhân dân (bọn thầy bói, thầy pháp, bọn lang băm).

Giá trị nhân đạo: Đề cao đạo lí làm người:

  • Xem trọng tình nghĩa giữa con người với con người trong xã hội: tình cha con, mẹ con, nghĩa vợ chồng, tình bè bạn, tình yêu thương cưu mang những người gặp cơn hoạn nạn.
  • Đề cao tinh thần nghĩa hiệp, sẵn sàng cứu khổ phò nguy.
  • Thể hiện khát vọng của nhân dân hướng tới lẽ công bằng và những điều tốt đẹp trong cuộc đời (kết thúc có hậu của truyện; thiện thắng ác, chính nghĩa thắng gian tà).

Giá trị nghệ thuật:

  • Xây dựng nhân vật theo phương thức 3: qua hành động, cử chỉ, lời nói, ít khắc hoạ ngoại hình và ít đi sâu vào nội tâm. Tác giả chỉ kể về nhân vật để nhân vật tự bộc lộ tính cách. Tác phẩm khắc họa thành công những phẩm chất đẹp đẽ cả hai nhân vật Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga.
  • Ngôn ngữ thơ mộc mạc, bình dị, gần với lời nói thông thường và mang màu sắc địa phương Nam bộ. Nó có phần thiếu chau chuốt, uyển chuyển nhưng phù hợp với ngôn ngữ người kể chuyện, rất tự nhiên, dễ đi vào quần chúng.
  • Truyện mang màu sắc Nam Bộ cả về tính cách con người, cả về ngôn ngữ địa phương.

Trên đây là những lời giới thiệu về truyện thơ Lục Vân Tiên. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe. Mong được sự góp ý của các bạn.

Giới thiệu một truyện thơ hoặc một bài hát theo lựa chọn cá nhân - (mẫu 5)

Em xin chào thầy cô và các bạn, em là ….. học sinh lớp….. trường…..

Chắc hẳn mỗi chúng ta ai cũng đã từng được lắng nghe ca khúc “Em ơi, Hà Nội phố” (thơ Phan Vũ, nhạc Phú Quang). Bài hát ấy thực sự là hoài niệm níu chân kẻ si tình.

Ca khúc phổ thơ Phan Vũ gợi cảm giác bâng khuâng, nhớ nhung về thủ đô lãng mạn nhưng cũng đầy buồn thương.

Bài hát do Phú Quang phổ nhạc năm 1986, dựa lời thơ Phan Vũ. Nhạc sĩ kể khi vào Sài Gòn sống được nửa năm, ông nhớ Hà Nội. Trong buổi trà chiều, Phan Vũ đọc cho ông nghe bài thơ Em ơi, Hà Nội phố - trường ca dài 443 câu thơ, chia làm 24 khổ. Nghe xong, Phú Quang xúc động và nói với Phan Vũ chắc chắn có một bài hát hay.

“Vẫn biết một bài ca có đáng là bao để trả món nợ ra đi, nhưng khi bài ca được viết ra, tôi đã giải thoát dù chỉ phần nào. Và dẫu chỉ là ít ỏi thì tôi cũng đã xây dựng được chút gì cho kỷ niệm về Hà Nội, nơi chứng kiến bao buồn vui của tôi trong suốt nửa cuộc đời”, nhạc sĩ bộc bạch. Ông đã chọn 21 câu thơ trong sáng tác của Phan Vũ, kết hợp cảm xúc của mình làm nên Em ơi, Hà Nội phố.

Những câu thơ Phú Quang chọn phổ nhạc gắn với hình ảnh đặc trưng của Hà Nội mà hễ mở lời, dễ dẫn dụ người nghe đồng cảm. Phú Quang rời Hà Nội năm 37 tuổi để tìm điều mới lạ cũng như muốn giã từ vài thứ phiền muộn. Ở Sài Gòn được ba tháng, ông khao khát trở về. Thế nhưng, phải 25 năm sau, ông mới quay lại Hà Nội. “Hà Nội có thể không sang trọng bằng khách sạn nào đó, không hoành tráng như thủ đô nào đó. Tôi yêu Hà Nội, tình yêu cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng tôi đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác”, Phú Quang thú nhận.

Em ơi Hà Nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ
Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm

Lời ca đầy dịu dàng mở ra thứ cảm xúc lãng mạn, tình tứ. Nhân vật chính là “em” - Hà Nội - được gọi thân mật. Hà Nội tựa như người tình, bạn tri kỷ níu chân Phú Quang. Hà Nội mơ màng và mong manh, thanh lịch. Hoàng lan, hoa sữa tồn tại như thực thể có hồn, phảng phất mùi hương rồi ăn sâu vào tiềm thức. Lối đi xưa bảng lảng bóng một người con gái.

Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông
Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông
Mảnh trăng mồ côi mùa đông
Mùa đông năm ấy tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân

Mùa đông năm 1972, Hà Nội tang tóc bởi trận dội bom của quân đội Mỹ. Nỗi mất mát đóng hình trong Em ơi, Hà Nội phố. Con chữ mộc mạc khắc sâu cảnh phố xá trơ trụi, ký ức đau thương. Hà Nội thêm cô đơn, trống vắng giữa trời đông rét buốt. Sự sống thưa thớt, bám trụ trên nền đất hoang tàn. Tiếng dương cầm như mới dứt, gây thổn thức khôn cùng. Hình ảnh chuyển hóa từ kỷ niệm của nhà thơ Phan Vũ với cô gái tên Trịnh Thị Nhàn - người ông thầm thương. Nhà Nhàn ở phố Chân Cầm. Phan Vũ si mê khúc dương cầm réo rắt và dành sự cảm mến cho cô.

Em ơi, Hà Nội phố không chỉ là lời thủ thỉ tự tình mà ẩn sâu nỗi xót xa. Phan Vũ chia sẻ: Cụm từ “ta còn em” trong từng đoạn là những hoài niệm yêu thương của tôi về Hà Nội mà đôi lần khi cần nương tựa, an ủi, tôi lại tìm về".

Ta còn em một màu xanh thời gian
Một chiều phai tóc em bay
Chợt nhòa chợt hiện
Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố
Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường
Ta còn em hàng phố cũ rêu phong
Và từng mái ngói xô nghiêng
Nao nao kỷ niệm
Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng
Chợt hoàng hôn về tự bao giờ

Vẫn còn đó Hà Nội của những hoài bão, ước mơ và hy vọng. Thế nhưng, nghệ sĩ chẳng thể trốn tránh nỗi đơn côi, phút chạnh lòng. Hình ảnh thiếu nữ ẩn hiện trong Em ơi Hà Nội phố, không rõ bóng hình, không dòng địa chỉ. Họ chợt hiện rồi chợt tan tạo cảm giác mộng mị, đủ khiến kẻ si tình vấn vương, quyến luyến. Độc bước trên con phố dài không dấu chân, kẻ sĩ hoài nhớ dãy nhà cổ tịch mịch, vẻ trầm mặc của 36 phố phường, ánh hoàng hôn buông trên sóng nước Hồ Tây.

“Em ơi, Hà Nội phố” hòa trộn giữa văn chương và hội họa. Ngôn từ chất đầy những hình khối, màu sắc tựa bức tranh. Những đường cọ chỉ chấm phá đôi nét mờ nhòe, tạo không gian lắng đọng cho người thưởng thức. “Em ơi, Hà Nội” phố đồng điệu cảm xúc của cặp nghệ sĩ Phan Vũ - Phú Quang, thể hiện tình yêu mãnh liệt và chân thành.

Phan Vũ viết “Em ơi, Hà Nội phố” trong căn gác số 4 Hàng Bún ngay sau trận trút bom. Hiện nay, tuổi ngoài 90, ông khao khát một lần trở lại Hà Nội, nơi có hương hoàng lan, hoa sữa và kỷ niệm về phụ nữ đẹp. Còn Phú Quang: “mỗi khi lòng xác xơ, tôi vội vã trở về”.

Trên đây là những lời giới thiệu về bài hát “Em ơi, Hà Nội phố”. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe. Mong được sự góp ý của các bạn.

Giới thiệu một truyện thơ hoặc một bài hát theo lựa chọn cá nhân - (mẫu 6)

Xin chào thầy cô và các bạn, tôi là ….. học sinh lớp….. trường…..

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, bên cạnh những tác phẩm thơ văn nổi tiếng của cụ Nguyễn Đình Chiểu như: Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh… thì truyện thơ Lục Vân Tiên là một tác phẩm lớn của nền văn học Việt Nam, có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa dân gian các tỉnh phía Nam.

Đây là tác phẩm được cụ Đồ Chiểu viết trước khi Pháp xâm lược đất nước ta. Tác phẩm có tổng 2.075 câu thơ với hình thức truyện kể văn vần (hay còn gọi là truyện thơ) cùng nhiều hình tượng nghệ thuật đẹp trong văn chương đã được nhân dân đón nhận, yêu thích. Trong đó, nhân vật nam chính của tác phẩm là người hết mực hiếu thảo, nêu cao lý tưởng, dũng cảm đánh cướp Phong Lai cứu dân, đánh giặc Ô Qua cứu nước. Nhân vật nữ chính Kiều Nguyệt Nga, là cô gái thủy chung son sắt với Lục Vân Tiên theo quan điểm lấy chữ nghĩa làm gốc. Các nhà nghiên cứu nhận định, tác phẩm có sức sống rất lớn trong đời sống tinh thần của nhiều thế hệ người Việt Nam, nhất là người dân Nam Bộ.

Tác phẩm Lục Vân Tiên đã thể hiện tư tưởng của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Mỗi một nhân vật trong tác phẩm không chỉ là gửi gắm niềm khát vọng, lý tưởng sống, mục đích sống, ý chí sống to lớn của cụ Nguyễn Đình Chiểu mà còn phản ánh cuộc đời của cụ. Thông qua các tuyến nhân vật, cụ đã phê phán mạnh mẽ những xấu xa của xã hội.

Những câu thơ quen thuộc trong tác phẩm Lục Vân Tiên đã đi vào lòng nhiều thế hệ như: “Trước đèn xem chuyện Tây Minh/ Gẫm cười hai chữ “nhơn tình” éo le/ Hỡi ai, lẳng lặng mà nghe/ Giữ răn việc trước, lành dè thân sau/ Trai thì trung hiếu làm đầu/ Gái thì tiết hạnh làm câu trau mình…”.

Tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên là một tác phẩm độc đáo “có một không hai” trong số những truyện thơ ở Việt Nam. Cụ đã tiếp thu được những tinh hoa của văn hóa dân gian từ cách cảm, cách nghĩ đến lời ăn tiếng nói của người dân lao động nên khi chuyển tải vào tác phẩm Lục Vân Tiên, tác phẩm đã trở nên gần gũi với dân gian và sớm được nhân dân khai thác như nguồn chất liệu cho dân ca.

Tác phẩm Lục Vân Tiên không chỉ được xuất bản ở nhiều giai đoạn, mà còn được đưa vào dưới dạng đờn ca tài tử, với hình thức “ca ra bộ” đầu tiên của hình thức đờn ca tài tử, là một bước đệm để xây dựng nghệ thuật sân khấu cải lương. Đặc biệt, từ tác phẩm Lục Vân Tiên đã cho ra đời loại hình diễn xướng Nói thơ Vân Tiên.

Hình thức diễn xướng Nói thơ Vân Tiên trên vùng đất Bến Tre đã lan tỏa và có mặt trong một không gian rộng lớn cho thấy rằng, tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên có một giá trị rất sâu sắc trong đời sống cộng đồng. “Nói thơ Vân Tiên” hiện vẫn còn được lưu giữ trong ký ức của nhiều người lớn tuổi và được truyền dạy cho các thế hệ trẻ về sau.

Thế hệ trẻ sẽ tiếp tục gìn giữ, kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của Bến Tre, trong đó, cần phát huy loại hình diễn xướng Nói thơ Vân Tiên phù hợp với điều kiện hiện nay như: trong sinh hoạt đoàn thể, trong giao lưu, trong các cuộc thi diễn…

Để tuyên truyền về các tác phẩm thơ văn của cụ Đồ Chiểu, nhất là truyện thơ Lục Vân Tiên, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh nhiều tỉnh thành trên cả nước đã nhiều năm tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử và Hội thi hóa trang Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga. Trong đó, có trình diễn lại truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có những định hướng về nội dung này. Bên cạnh những hoạt động nghiên cứu, dự kiến sẽ có lớp tập huấn cho các đối tượng như: học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức, lao động, hướng dẫn viên và những người hoạt động trong hoạt động du lịch…

Truyện thơ Lục Vân Tiên đã trở thành tác phẩm quen thuộc trong các tầng lớp nhân dân cả xưa và nay, có thể ít người nhớ hết trọn vẹn truyện thơ nhưng các tuyến nhân vật như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga… đã đi sâu vào tâm thức của nhiều thế hệ, và nhiều người vẫn nhớ vài đoạn thơ trong số ấy: “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng...”.

Giới thiệu một truyện thơ hoặc một bài hát theo lựa chọn cá nhân - (mẫu 7)

Xin chào thầy cô và các bạn, tôi là ….. học sinh lớp….. trường…..

Trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du đã phản ánh hiện thực xã hội phong kiến đương thời với bộ mặt giai cấp tàn bạo của những kẻ thống trị mất tính người. Sức mạnh của đồng tiền của danh lợi khiến cho những người phụ nữ khốn khổ trở thành món hàng cho bọn buôn phấn bán hương trong xã hội.Gia đình nhà họ Vương đang có cuộc sống vô cùng hạnh phúc bình yên nhưng lại bị một người bán tơ vu oan giá họa tai ương ập xuống đầu, khiến cho một gia đình đang hạnh phúc vướng vòng lao lý. Sau khi gia đình xảy ra biến cố bọn quan chức nha sai triều đình đã tranh thủ cướp của nhà Thúy Kiều, chúng đã được một lũ quan lại tham ô dung túng thừa nước đục thả câu vơ vét tiền của của người dân vào túi mình. Tên quan xử kiện cho cha Thúy Kiều cũng là người ăn tiền, lợi dụng chức quyền để kiếm chác.

Sức mạnh của đồng tiền nặng tựa ngàn cân nằm trong tay kẻ tàn bạo, đồng tiền thành một thế lực vô cùng mạnh nó có thể chi phối mọi giá trị đạo đức của con người, làm mất lương tri của một con người. Những người mang chức trách giúp người dân lấy lại đạo lý nhưng lại vì tiền mà bẻ cong công lý. Cuộc sống vốn nhiều nước mắt của con gái tài sắc, mười phân vẹn mười Thúy Kiều bắt đầu dùng sức mạnh, quyền lực để tạo nên thế lực kiếm những đồng tiền dơ bẩn.Giá trị nhân đạo của của Truyện Kiều thể hiện việc tác giả Nguyễn Du đề cao con người từ phẩm chất, tài năng, ngoại hình cho tới những ước mơ chân thành. Người đọc có thể cảm nhận được là Thúy Vân có vẻ đẹp vô cùng nền nã, đoan trang, hiền thục, thể hiện một con người hiền lành, có cuộc sống vô cùng bình yên hạnh phúc. Còn Thúy Kiều mang vẻ đẹp sắc sảo thể hiện một vẻ đẹp hoa nhường nguyệt thẹn.Thúy Kiều cũng là một người có tài năng xuất chúng. Xưa nay phụ nữ đẹp thường ít thông minh và tài năng. Nhưng Nguyễn Du đã cho Thúy Kiều rất nhiều ưu điểm xưa nay hiếm thấy ở một người phụ nữ. Vương Thúy Kiều có tài năng cầm kỳ thi họa, tài sắc đều mười phân vẹn mười. Với vẻ đẹp một hai nghiêng nước nghiêng thành.Giá trị nội dung của truyện được thể hiện qua giá trị hiện thực và nhân đạo. Giá trị hiện thực của tác phẩm là phản ánh hiện thực xã hội đương thời với bộ mặt tàn bạo của giai cấp thống trị.

Gia đình nhà Vương Ông đang sống bình yên, chỉ vì một lời không đâu vào đâu của thằng bán tơ “vu oan giá hoạ”, thế là cuộc sống yên lành bị phá vỡ, tai hoạ ở đâu ập xuống nhà Kiều. Để từ đó, khiến cho cuộc đời Kiều phải rẽ hướng, hướng đi mới của số phận Kiều nghiệt ngã, đau đớn, tủi hổ vô cùng.Bên cạnh đó Truyện Kiều còn lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo đã chà đạp lên quyền sống của con người, đề cao tự do và công lí. Thuý Kiều điển hình cho người phụ nữ trong xã hội xưa, mười lăm năm lưu lạc của nàng là một chuỗi bi kịch. Dường như bao nhiêu nỗi cực khổ của người đàn bà thời trước đều ập xuống vai nàng. Từ một cô tiểu thư khuê các, Kiểu trở thành hàng hoá để cho người ta mua bán, rồi Kiều bị lừa gạt bị rơi vào lầu xanh tới hai lần, đem thân đi làm lẽ, làm đứa ở, rồi bị đánh đòn, lăng nhục trở thành tội phạm ở công đường, bị sỉ nhục, đày đọa khiến cuối cùng phải tự vẫn. Cuộc đời Thuý Kiều là một bản cáo trạng đanh thép tố cáo xã hội phong kiến bất nhân. Qua nhân vật Thúy Kiều tác giả Nguyễn Du đã lên án tố cáo chế độ phong kiến tàn bạo chà đạp lên con người, lên quyền hưởng thụ hạnh phúc của những người con gái tài sắc. Vương Thúy Kiều đã vướng phải mười lăm năm lưu lạc phải rơi vào chốn lầu xanh hết lần này tới lần khác khiến cho cuộc sống của cô sống không bằng chết. Qua mười lăm năm lưu lạc không có gì mà Thúy Kiều chưa trải qua nàng cũng đã tìm cách tự vẫn nhiều lần nhưng đều được cứu giúp.

Từ một cô gái con nhà tiểu thư khuê các Thúy Kiều trở thành hàng hóa để người ta mua bán, trao đổi bị lừa gạt hết lần này tới lần khác, đem thân đi làm vợ lẽ người ta, làm gia nô, rồi bị hành hạ tra tấn đánh đòn. Thúy Kiều bị lăng nhục trở thành tội phạm ở chốn quan trường bị sỉ nhục rơi vào cảnh giết chồng, nỗi oan chồng chất. Cuộc đời Thúy Kiều là một bản cáo trạng tố cáo tội ác của chế độ xã hội xưa.Chính xã hội bất lương đó đã xô đẩy người con gái tài sắc, có đức hạnh, hiếu nghĩa rơi vào hoàn cảnh khó khăn, mất đi hạnh phúc của đời mình chịu cảnh bể dâu phong trần. Qua Truyện Kiều còn thể hiện niềm thương cảm của tác giả Nguyễn Du trước những đau khổ của con người nhất là số phận người phụ nữ như Thúy Kiều. Bên cạnh đó, Truyện Kiều của Nguyễn Du có thể người đọc khắc sâu trong lòng người đọc, bởi giá trị nghệ thuật và giá trị nhân đạo. Trong tác phẩm của ông thể hiện sự tài hoa vô cùng sắc sắc, tinh tế, nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật vô cùng sâu sắc.Tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du là một kiệt tác lừng lẫy, với bút pháp của một nhà thơ thiên tài, nghệ thuật tự sự, thể hiện sự thành công trong sử dụng ngôn ngữ của tác giả. Thông qua thiên truyện tuyệt tác này tác giả Nguyễn Du thể hiện một giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm. Nó nhằm tố cáo tội ác của một chế độ phong kiến thối nát, mục ruỗng lợi dụng thân xác phụ nữ kiếm tiền.

Tác giả Nguyễn Du thể hiện sự đồng cảm xót xa của mình với người phụ nữ công dung ngôn hạnh, tài sắc vẹn toàn đáng lẽ ra phải được hưởng cuộc sống hạnh phúc. Nhưng lại chịu nhiều bất hạnh trong cuộc sống, chịu cảnh lưu vong, cơ cực.

Giới thiệu một truyện thơ hoặc một bài hát theo lựa chọn cá nhân - (mẫu 8)

Xin chào thầy cô và các bạn, tôi là ….. học sinh lớp….. trường…..

Trong dòng chảy văn học trung đại, mỗi nhà văn, nhà thơ đều góp phần làm nên diện mạo của nền văn học Việt Nam qua nhiều tác phẩm xuất sắc thuộc nhiều thể loại khác nhau. Và khi nhắc đến Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, bạn đọc mọi thế hệ không thể không nhắc tới tác phẩm “Truyện Kiều”. Đọc những trang Kiều, người đọc như thấm thía nỗi đau mà Kiều phải chịu đựng nhưng ẩn sau đó chính là vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của nàng. Có thể nói, đoạn trích trích từ câu “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh” đến “Ai tri âm đó mặn mà với ai?” là một minh chứng tiêu biểu cho điều đó.

Trước tình cảnh đầy trớ trêu nơi chốn lầu xanh, trong Thúy Kiều luôn hiện lên bao nỗi niềm đau đớn, xót thương cho thân phận, cuộc đời của mình.

Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,

Giật mình mình lại thương mình xót xa.

Câu thơ “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh” đã mở ra thời gian ban đêm, khi những cuộc vui đã tàn, đó là thời điểm hiếm hoi Kiều được sống là chính mình, đối diện với chính mình cùng bao nỗi niềm, suy tư, trăn trở. Trong chính khoảnh khắc ít ỏi ấy, Kiều “giật mình” bởi sự bàng hoàng, thảng thốt trước thực tại cuộc sống của mình. Để rồi, sau cái giật mình ấy chính là nỗi thương mình, xót xa cho chính bản thân mình và nỗi thương mình, sự xót xa ấy của Kiều xét đến cùng chính là sự tự ý thức về nhân cách của Thúy Kiều. Trong nỗi niềm xót xa, sự cô đơn đến tột cùng ấy, Thúy Kiều đã đi tìm nguyên nhân để lí giải chúng.

Khi sao phong gấm rủ là,

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.

Mặt sao dày gió dạn sương

Thân sao bướm chán ong chường bấy thân.

Nghệ thuật đối đã được tác giả sử dụng thành công thông qua việc sử dụng hàng loạt các hình ảnh đối lập nhau, giữa một bên là “phong gấm rủ là” gợi những tháng ngày quá khứ êm đềm, hạnh phúc với một bên là những hình ảnh “tan tác”, “hoa giữa đường”, “dày gió dạn sương”, “bướm chán ong chường” để gợi lên hiện tại phũ phàng, bị chà đạp, vùi dập. Thể hiện sự đối lập giữa quá khứ với hiện tại, tác giả Nguyễn Du đã tô đậm cuộc sống cùng tâm trạng ê chề, nhục nhã, chán chường của Thúy Kiều trong hoàn cảnh đầy trớ trêu. Thêm vào đó, với việc sử dụng hàng loạt từ để hỏi “khi sao”, “giờ sao”, “mặt sao”, “thân sao” đã tạo nên giọng điệu chất vấn, Thúy Kiều như đang tự hỏi, tự dằn vặt chính bản thân mình. Trong nỗi niềm chua xót, đầy giày vò ấy, Thúy kiều đã nhận thức rõ sự đối lập đau xót và chua chát giữa ta và người.

Mặc người mưa Sở mây Tần

Những mình nào biết có xuân là gì.

Không chỉ đối lập giữa cuộc sống ở quá khứ và hiện tại, mà giờ đây, trong Thúy Kiều còn hiện hữu rõ nét sự đối lập giữa cảnh vật bên ngoài với nỗi niềm tân trạng của chính mình. Bi kịch ấy của Thúy Kiều được thể hiện rõ nét trong những tám câu thơ cuối của đoạn trích.

Đòi phen gió tựa hoa kề

Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu.

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?

Đòi phen nét vẽ câu thơ,

Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa

Vui là vui gượng kẻo là

Ai tri âm đó mặn mà với ai?

Cuộc sống nơi chốn lầu xanh ở khung cảnh bên ngoài với đầy đủ những nét thanh cao, tao nhã, phong lưu được tác giả tái hiện lại thông qua các hình ảnh giàu sức gợi “gió tựa hoa kề”, “tuyết ngậm”, “trăng thâu”, “nét vẽ”, “câu thơ”, “cung cầm”, “nước cờ”. Nhưng ẩn sâu bên trong đó là bản chất phũ phàng và đầy xót xa, đầy tủi nhục và nhơ nhớp. Và bởi vậy, cảnh vật ở nơi đây đối với Thúy Kiều chính là một sự giả tạo và nàng không thể tìm thấy bầu bạn, không thể tìm thấy tri âm và nàng thờ ơ với mọi thứ xung quanh mình. Đặc biệt, với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, tác giả Nguyễn Du đã cho thấy tâm trạng của Thúy Kiều khi sống ở nơi đây, đó chính là sự gượng gạo, tự thương, tự xót xa cho số phận của chính mình. Đặc biệt, tâm trạng đau đớn như xé lòng của Kiều được thể hiện qua việc sử dụng hàng loạt các câu hỏi tu từ.

Tóm lại, đoạn trích với việc sử dụng thành công nghệ thuật đối cùng những hình ảnh giàu sức gợi đã thể hiện một cách rõ nét và sâu sắc nỗi niềm tâm trạng, sự xót thương số phận của Thúy Kiều. Đồng thời, ẩn sau đó người đọc cũng cảm nhận được vẻ đẹp nhân cách của nàng.

Xem thêm các bài văn mẫu 11 Chân trời sáng tạo hay khác:

Tủ sách VIETJACK shopee lớp 10-11 cho học sinh và giáo viên (cả 3 bộ sách):

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 11

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Tài liệu giáo viên