(30+ mẫu) Viết văn bản thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận

Tổng hợp trên 30 bài Viết văn bản thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

(30+ mẫu) Viết văn bản thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận

Quảng cáo

Viết văn bản thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố: Bánh chưng

Bánh chưng là biểu tượng không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền. Từ xa xưa đến nay, mỗi dịp Tết đến xuân về, người người nhà nhà lại chuẩn bị những nồi bánh chưng rất to để đón Tết. Bởi trong tâm thức của mỗi người thì bánh chưng là món ăn mang ý nghĩa sum vầy, đoàn viên bình dị nhưng ấm áp.

Người xưa vẫn lưu truyền rằng bánh chưng ngày Tết có từ rất lâu. Mọi người vẫn tin rằng bánh chưng bánh giầy có từ thời vua Hùng thứ 6, và cho đến ngày nay thì nó đã trở thành biểu tượng của Tết truyền thống tại Việt Nam. Người đời vẫn luôn cho rằng bánh chưng minh chứng cho sự tròn đầy của trời đất và sự sum vầy của gia đình sau một năm trời làm việc tất bật, vội vã.

Cho dù là ở miền Bắc, Trung hay Nam thì bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Có thể nói đây là món ăn được chờ đợi nhiều nhất, vì ngày Tết mới đúng là ngày thưởng thức bánh chưng ngon và ấm áp nhất.

Quảng cáo

Về nguyên liệu, bánh chưng được làm từ những thứ rất đơn giản và dễ chuẩn bị; kết hợp với bàn tay khéo léo của người gói bánh. Nguyên liệu chủ yếu là gạo nếp, lá dong, thịt, đậu xanh giã nhỏ. Mỗi nguyên liệu đều được chọn lọc thật kĩ để có thể tạo nên món ăn ngon đậm đà nhất. Về phần gạo nếp thì người ta chọn những hạt tròn lẳn, không bị mốc để khi nấu lên ngửi thấy mùi thơm lừng của nếp. Đậu xanh chọn loại đậu có màu vàng đẹp, nấu nhừ lên và giã nhuyễn làm nhân. Người ta sẽ chọn thịt ba chỉ hoặc thịt nạc, trộn với tiêu xay, hành băm nhuyễn. Một nguyên liệu khác không kém phần quan trọng chính là lá dong để gói bánh. Ở một số vùng khác người ta dùng lá chuối gói bánh nhưng phổ thông nhất vẫn là lá dong.

Lá dong cần có màu xanh đậm, có gân chắc, không bị héo và rách nát. Hoặc nếu những chiếc lá bị rách người ta có thể lót bên trong chiếc lá lành để gói. Khâu rửa lá dong, cắt phần cuống đi cũng rất quan trọng vì lá dong sạch mới đảm bảo vệ sinh cũng như tạo mùi thơm sau khi nấu bánh..

Quảng cáo

Sau khi đã chuẩn bị tất cả các nguyên vật liệu thì đến khâu gói bánh. Gói bánh chưng cần sự tẩn mẩn, tỉ mỉ và khéo léo để tạo nên chiếc bánh vuông vắn cúng viếng ông bà tổ tiên. Nhiều người cần phải có khuôn vuông để gói nhưng nhiều người thì không cần, chỉ cần gấp bốn góc của chiếc lá dong lại là có thể gói được. Bao bọc xung quanh nhân đậu và thịt là một lớp nếp dày. Chuẩn bị dây để gói, giữ cho phần ruột được chắc, không bị nhão ra trong quá trình nấu bánh.

Công đoạn nấu bánh được xem là khâu quan trọng. Thông thường mọi người nấu bánh bằng củi khô, nấu trong một nồi to, đổ đầy nước và nấu trong khoảng từ 8-12 tiếng. Thời gian nấu lâu như thế là vì để đảm bảo bánh chín đều và dẻo. Khi nước bánh sôi, mùi bánh chưng bốc lên nghi ngút. Lúc đó mọi người bắt đầu cảm nhận được không khí Tết đang bao trùm lấy căn nhà.

Bánh chưng sau khi chín được mang ra và lăn qua lăn lại để tạo sự săn chắc cho chiếc bánh khi cắt ra đĩa và có thể để được lâu hơn.

Đối với mâm cơm ngày Tết thì đĩa bánh chưng là điều tuyệt vời không thể thiết. Cũng như trên bàn thờ ngày tết, một cặp bánh chưng cúng tổ tiên là phong tục lưu truyền từ bao đời nay. Bánh chưng tượng trưng cho sự trọn vẹn của trời đất, cho những gì phúc hậu và ấm áp nhất của lòng người.

Quảng cáo

Trong ngày Tết có rất nhiều lấy bánh chưng làm quà biếu, và đây chính là món quà ý nghĩa tượng trưng cho lòng thành, cho sự chúc phúc tròn đầy nhất.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, bánh chưng bốc lên nghi ngút chính là báo hiệu cho sự ấm áp của gia đình. Bánh chưng là biểu tượng ngày Tết mà không có bất cứ loại bánh nào có thể thay thế được. Vì đây là truyền thống, là nét đẹp của con người Việt Nam, cần gìn giữ và tôn trọng từ quá khứ, hôm nay và cả ngày mai nữa.

Dàn ý Viết văn bản thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố

- Mở đầu: Nêu nhan đề bài viết và giới thiệu đối tượng/ quy trình cần thuyết minh.

- Nội dung chính: Lần lượt thuyết minh về các đặc điểm có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận và có thể kết hợp sử dụng một số phương tiện phi ngôn ngữ để hỗ trợ làm rõ nội dung thuyết minh.

- Kết thúc: Khẳng định giá trị của đối tượng/ quy trình trong đời sống hoặc nêu tác dụng của việc nhận thức đúng về đối tượng/ quy trình.

Viết văn bản thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố: Bánh dẻo

Tết Trung thu, phải nói đến chiếc bánh nướng, bánh dẻo kì diệu, cũng giống như chiếc bánh chưng trong những ngày Tết Nguyên Đán và quy trình làm ra chiếc bánh Trung thu cũng thật đáng chú ý.

Bánh dẻo có hai phần: Phần áo và phần nhân. Áo bánh phải chọn gạo nếp vàng, vùng Trôi hoặc vùng Bắc Ninh, Bắc Giang. Gạo được rang rồi xay, hoặc giã nhỏ mịn, nhào với nước đường thắng ngan ngát một mùi hương bưởi. Tất cả những công đoạn kể trên đều phải do một bàn tay thợ có “nghề” đã được “hạ sơn” đảm nhiệm. Người thợ không được sai sót một khâu nào. Sai một ly đi một dặm. Lúc ra khuôn, cái bánh hiện rõ những hoa văn chìm nổi của một bông hoa nở 8 cánh hoặc 10 cánh. Khuôn mặt áo bánh dẻo mịn, bánh ngọt đậm, thơm dịu. Phần nhân bánh nhất thiết phải do thợ cả quán xuyến với những khâu quan trọng đầy bí quyết nhà nghề như: rang vừng, ủ vừng, xử lí mứt bí khẩu, mứt sen, hạt dưa, hạnh nhân, ướp nhân, tạo hương cho nhân…

Nhân của bánh dẻo chay tịnh, nặng mùi hương đồng gió nội. Mãi về sau này, người ta mới phá cách cho thêm lạp sường vào. Nhân bánh nướng được cải tiến với nhiều sáng kiến. Mỗi hiệu bánh đều muốn có phần độc đáo của mình. Vả lại bánh nướng là “em” của bánh dẻo. Nó sinh sau đẻ muộn, mới xuất hiện từ năm 1930 nên lắm trò hơn. Ngoài mứt bí, hạt dưa, nhân bánh nướng còn có thêm cả ruột quả trứng ở giữa hoặc thịt lợn quay, gà quay, lạp sường…gọi là nhân thập cẩm… Bánh nướng cũng có loại nhân chay bằng đậu xanh mịn, dừa sợi, hạt sen.

Bánh dẻo trắng trong, bánh nướng có màu vàng sẫm và vàng nhạt do chỗ nướng già, nướng non tạo ra, thường có đường kính chừng 7-8cm, chiều dày 2,5-3cm. Cứ 4 cái bánh được xếp chồng lên nhau là một cân. Ngoài giấy bọc có in nhãn hiệu đẹp và nhiều màu sắc. Đặc biệt là các hiệu người Hoa rất chú ý in nhãn hiệu thật nổi. Nhiều nhà còn đặt làm những chiếc bánh dẻo đặc biệt to bằng chiếc đĩa tây hoặc gần bằng cái mâm, trên có hình mặt trăng tròn, lưỡng long tranh châu, song phượng…

Nghĩa là người thợ làm cả cái việc tạo hình trên chiếc bánh. Bánh dẻo, bánh nướng Trung thu nói lên cái tài hoa của người thợ. Ngay cả ở các hiệu lớn của người Hoa trước đây, thợ Việt Nam cũng chiếm 70-90%. Hằng năm, cứ đến gần Tết Trung thu là các hiệu lại rộn rã cho người về các vùng lân cận, đón các phường thợ làm bánh nổi tiếng ra Hà Nội vào mùa. Các chủ hiệu ưu ái họ lắm, mỗi người được chủ hiệu phát một áo choàng trắng, mũ trắng và một đôi guốc mộc. Các cửa hàng lấy làm hãnh diện đã mời được ông Toán làng Bưởi, các ông Ba Thiện xã Cào ở tỉnh Sờn, ông Quế Xuân Tảo Sở, hoặc ông Lý Bắc Ninh.

Sự thật đã có một thời vẻ vang, các hiệu bánh Tùng Hiên, Tràng Thái, Ngọc Anh, Cự Hương, Việt Hương… đã nổi danh xa gần ai cũng biết tiếng. Bánh của họ đủ sức cạnh tranh với các hiệu người Hoa như Tây Nam, Mỹ Kinh. Từ kẻ chợ đến vùng quê, nhân dân các tinh khác không bao giờ quên, sản phẩm của họ với cái “tạng”, cái “gu” Việt Nam. Có điều, các hiệu của người Hoa chú ý nhiều đến bao bì, quảng cáo hơn. Họ tiếp khách niềm nở với đủ những chi tiết tế nhị và tỉ mỉ.

Tết Trung thu, nhà nào cũng phải có bánh dẻo. Người nghèo cũng cố mua cho con cái một vài cái bánh dẻo. Không có bánh dẻo tức là không có Tết. Người ta làm quà cho ân nhân, khách quý, bạn thân…bằng bánh Trung thu. Chiếc bánh dẻo tròn, gợi hình mặt trăng thể hiện sự tròn đầy, viên mãn.

Vào những năm 1989 – 1990, những chiếc bánh Trung thu từng tham dự các Hội chợ quốc tế ở đức và Bun-ga-ri, gây sự chú ý đặc biệt và được tặng Huy chương độc đáo. Chúng mang mùi vị, thanh sắc Việt Nam, kèm theo cái nghệ thuật thưởng thức miếng ngon tinh tế, thanh nhã. Nó cũng là biểu tượng văn hóa của Việt Nam. Chiếc bánh Trung thu sẽ trường tồn. Chúng ta mong sao có thêm nhiều người thợ tài hoa kế tục nghệ thuật làm bánh Trung thu truyền thống, không những cho mọi người mà còn cho khách nước ngoài thưởng thức mỗi khi đến với mùa Tết Trung thu.

Viết văn bản thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố: Chong chóng

Tuổi thơ không một đứa trẻ nào lại không biết đến chiếc chong chóng. Chong chóng chính là một thứ đồ chơi hết sức gần gũi và thân thuộc với lứa tuổi thiếu nhi. Đây là món đồ chơi dân gian khiến trẻ em vui khi cầm nó trong tay và người lớn thì thấy ấm áp mỗi khi trông thấy tuổi thơ ùa về.

Chong chóng được biết đến là thứ đồ chơi của trẻ em khi ra gió thì quay tít. Và đây cũng chính là thứ đồ chơi mà các em nhỏ hay chơi, khi không có gió thì các em cầm trên tay và chạy trên khắp đường làng để cho chiếc chong chóng quay tít trông rất đẹp mắt.

Chong chóng thường được làm bằng giấy, có chiếc chong chóng làm bằng lá dứa hoặc nhiều chất liệu nhẹ khác trông rất đẹp.

Chong chóng có loại hai cánh và loại bốn cánh. Chong chóng hai cánh là chiếc chong chóng bằng một que tre mỏng như chiếc đóm. Bề ngang độ gần một phân và bề dài chừng 20 phân. Đặc biệt hơn đó chính là ở hai đầu que thường dán hai mảnh giấy chữ nhật, và đó cũng chính là loại giấy hơi cứng, nó dường như có đáy quay về hai phía trái nghịch nhau. Và cũng như thay vì hai mảnh giấy chữ nhật là hai mảnh giấy hình tam giác, hai mảnh giấy có hình tam giác này lại như có đáy dán vào que tre, còn đỉnh quay trở ra ngoài. Hai mảnh giấy này, dù là hình chữ nhật hay hình tam giác cũng phải cân nhau chong chóng mới quay mạnh được. Chiếc chong chóng khi ở giữa thân que tre có dùi một lỗ nhỏ. Cũng thông qua lỗ nhỏ này mà các em nhỏ có thể xỏ một chiếc cán thường cùng bằng tre chắc chắn. Chú ý đó chính là chính chiếc cán ở đầu nhỏ hơn lỗ dùi nói trên, đầu chỉ dài vào khoảng một hai phân tây. Thế rồi đến thân cán to hơn được tiện bằng, chỉ chừa lại đầu cán.

Chong chóng bốn cánh có 4 cánh màu xanh đỏ khác nhau. Loại chong chóng này có một chiếc que tre mỏng mỏng như que đóm. Và bề ngang của nó lại có một phân có chiều dài chừng 20 cm. Ở hai đầu của chong chóng lại được dán hai đầu là hình chữ nhật như được dán trái nghịch nhau.

Nhìn kỹ sẽ thấy được chiếc chong chóng này chỉ có cán bằng tre còn thân hoàn toàn bằng giấy. Nó được cấu tạo và làm rất đơn giản, đó là một mảnh giấy vuông sau đó cắt thành tám mảnh nhưng cắt khéo léo sao cho nửa chừng mà thôi. Khi cắt xong thì các miếng của mảnh giấy như vẫn dính lại vào với nhau ở giữa một chút. Tại chính điểm chính giữa đó lấy một mảnh sau đó lại để lại một mảnh bẻ và dán lên đầu những mảnh giấy này lại với nhau. Thế là cũng đã có thể hoàn thành được chiếc chong chóng đẹp mắt với 4 cánh. Từ chỗ chính giữa mà các cánh đó dán lại với nhau rồi thì tạo ra một chiếc lỗ để có thể xỏ qua đó một chiếc cán nhỏ rồi chiếc cán nhỏ đó lại được buộc ở một chiếc gậy chắc chắn hơn. Cứ gặp những cơn gió ngược là chiếc chong chóng đó lại bắt đầu quay tít.

Trẻ con khi đi chơi chong chóng với bạn bè xong, về nhà thường lại đặt chiếc chong chóng đó bên chiếc cửa sổ. Thỉnh thoảng cơn gió thổi qua lại làm cho nó quay tít trông rất đẹp mắt.

Chong chóng là một trò chơi chung của các em nam nữ khắp nơi, các em chơi quanh năm. Trò chơi giúp các em luyện sự khéo tay, và cho các em hiểu gió có thể tạo một sức mạnh ly tâm làm cho chong chóng quay. Đây chính một món quà quý giá giúp tuổi thơ của các em thêm ý nghĩa và nhiều kỉ niệm.

Viết văn bản thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố: Kéo co

Việt Nam ta từ lâu được biết đến là quốc gia có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc mang đậm bản chất văn hóa dân tộc. Một trong số đó chúng ta không thể không nhắc đến chính là trò chơi dân gian kéo co.

Không ai biết chính xác thời gian trò chơi này được hình thành từ bao giờ chỉ biết rằng trò chơi này được tìm thấy từ những vết tích cổ đại chạm trỗ trên các ngôi mộ ở Ai Cập. Điều đó chứng tỏ con người đã nghĩ ra trò chơi này từ rất sớm, khoảng 2500 TCN. Quốc gia phong kiến cổ đại Trung Hoa cũng ưa chuộng trò chơi này đặc biệt ở thời nhà Đường và thời Tống. Quốc gia nổi tiếng thế vận hội - Hi Lạp cũng chọn môn kéo co là môn thi đấu từ 500 TCN. Kéo co bằng da cừu, da dê là hình thức mà các thuyền trưởng người Tây Âu nghỉ đến để rèn luyện sức khỏe và giải trí cho các thủy thủ của mình từ 1000 năm sau Công nguyên. Và chính trò chơi kéo co từ lâu cũng đã phổ biến trong văn hóa của người Việt Nam ta.

Kéo co có hai đội cân xứng. Dụng cụ kéo co thường là dây thừng, sợi dây dài ở giữa buộc một khăn màu, vị trí khăn nằm ngay vạch kẻ. Sau khi nhận được còi báo hiệu từ trọng tài, hai đội ra sức níu dây thừng và kéo, nếu khăn màu lệch về hướng nào thì đội bên đó thắng. Có một số nơi thay thế khăn đỏ bằng một cột tre cắm giữa sân. Nếu không có dây thừng, người chơi có thể kéo trực tiếp bằng tay. Hai người đứng trước nhất chéo tay vào nhau chắc chắn, những người sau ôm bụng người trước cứ thế đến người cuối cùng. Khi vào thế sẵn sàng, đội bên nào bị đứt đoạn là bên đó thua. Để phân thắng bại, trò chơi thường phải đấu 3 vòng, thời gian mỗi vòng tùy thuộc vào sức kéo của hai đội.

Trò chơi dân gian kéo co được ưa chuộng trên cả nước, nó được tổ chức thường xuyên ở mức độ nhỏ như trường, lớp, địa phương đến các cuộc thi kéo co hàng năm. Kéo co từng là một môn thể thao trong thế vận hội thế giới. Hiện nay trò chơi này còn nằm trong hiệp hội kéo co quốc tế ở các nước châu Âu như Hà Lan, Anh, Thụy Điển. Đây là trò chơi và cũng là là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, sức bền và tinh thần đoàn kết của người chơi. Bên cạnh đó, môn thể thao này còn vui nhộn bởi tinh thần cổ vũ cho hai đội và những pha té ngã hài hước.

Sinh hoạt văn hóa đã, đang và sẽ ảnh hưởng rất lớn cũng như mang lại niềm vui, giá trị tinh thần cho con người Việt Nam ta. Chúng ta hãy giữ gìn và phát huy nét đẹp của trò chơi kéo co nói riêng và các trò chơi dân gian khác nói chung để đất nước Việt Nam không chỉ phát triển hội nhập mà vẫn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Viết văn bản thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố: Kim chi

Khi nhắc đến Hàn Quốc chúng ta không thể nào bỏ qua món ăn “quốc dân” - kim chi trong ẩm thực của xứ Hallyu.

Kim chi được chế biến bằng cách lên men các loại rau củ và ớt, hòa quyện hương vị chua chua cay cay ngon miệng. Nguyên liệu làm chi thường là bắp cải, cải thảo, hành lá, dưa chuột, bột ớt,.. Kim chi là món ăn kèm không thể thiếu trong những bữa ăn của người Hàn Quốc. Không chỉ dừng lại là món ăn quốc dân của Hàn Quốc, kim chi còn được đông đảo du khách trên thế giới đón nhận nồng nhiệt bởi hương vị thơm ngon, độc đáo, không thể nhầm lẫn với món nào cũng với những lợi ích sức khỏe mà nó mang lại.

Nguyên lý làm kim chi là một nguyên lý tổng hòa tự nhiên. Người Hàn Quốc cho rằng muốn kim chi ngon thì phải có đủ 2 loại rau là cải thảo và củ cải. Trong đó cải thảo mọc ở trên mặt đất (biểu thị cho yếu tố Dương), củ cải mọc trong lòng đất (biểu hiện cho yếu tố Âm). Sự kết hợp giữa 2 loại rau củ này cũng được xem là sự kết hợp của 2 yếu tố Âm – Dương. Chính vì sự kết hợp này vừa có tác dụng kích thích khẩu vị của người ăn, vừa giúp cho việc điều hòa cơ thể, cung cấp chất dinh dưỡng.

Ngày nay, kim chi là loại thực phẩm “đa năng” nhất, có thể dùng làm nguyên liệu chế biến thành nhiều món ăn, hay đơn giản là ăn trực tiếp trong các bữa ăn của người Hàn Quốc. Có tới hơn 100 loại kim chi, không chỉ phổ biến ở Hàn mà còn được ưa thích tại rất nhiều nước trên thế giới. Mặc dù không ai có thể xác định được kim chi là một loại dưa chua hay salad, nhưng hương vị của nó đủ để chinh phục những người sành ăn nhất.

Kim chi mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe người dùng như: Kháng khuẩn, ngăn chặn viêm đường ruột, giúp tiêu hóa dễ dàng, ngăn ngừa béo phì, ngăn chứng xơ cứng động mạnh, chống lão hóa, giảm mỡ trong gan, chống axit hóa,… Kim chi có thể dùng trực tiếp hoặc chế biến cùng các thực phẩm khác để thành các món ăn khác nhau: Cơm rang kim chi, lẩu kim chi, mì kim chi, bánh kim chi rán, há cảo nhân kim chi, canh kim chi hầm thịt, kim chi đậu hũ,… Nhiều người nhận xét, kim chi cay được dung hòa trong các món ăn phương Tây rất thú vị. Cứ thế, kim chi vượt qua ranh giới lãnh thổ Hàn Quốc, có mặt khắp các nơi trên thế giới, trở thành món ăn quen thuộc.

Viết văn bản thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố: Nón lá

Nón lá là hình ảnh bình dị, thân quen gắn liền với tà áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Từ xưa đến nay, nhắc đến Việt Nam du khách nước ngoài vẫn thường trầm trồ khen ngợi hình ảnh chiếc nón lá – tượng trưng cho sự thanh tao của người phụ nữ Việt. Nón lá đã đi vào ca dao, dân ca và làm nên văn hóa tinh thần lâu đời của Việt Nam.

Bạn có còn nhớ trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm, chiếc nón lá hiện lên rất tự nhiên, gần gũi:

Sao anh không về thăm quê em
Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên
Bàn tay xây lá, tay xuyên nón
Mười sáu vành, mười sáu trăng lên

Như vậy mới thấy được rằng nón là là biểu tượng cho sự dịu dàng, bình dị, thân thiện của người phụ nữ Việt từ ngàn đời nay.

Chiếc nón lá ra đời từ rất lâu, khoảng 2500-3000 năm TCN. Lịch sử hình thành và lưu giữ cho đến ngày nay đã chứng tỏ được sự bền vững của sản phẩm này. Chiếc nón lá hiện diện trong cuộc sống hằng ngày của người dân việt, đặc biệt là người phụ nữ; hiện diện trong những lời kể của bà, của mẹ và hiện diện trong các cuộc thi gìn giữ nét đẹp văn hóa.

Nhắc đến nón lá thì chắc chắn mọi người sẽ nghĩ đến ngay đến Huế, mảnh đất nên thơ, trữ tình có tà áo dài và nụ cười duyên của cô gái Huế. Huế cũng được biết là nơi sản xuất nón lá với nhiều thương hiệu nổi tiếng. Những làng nghề làm nón lá ở Huế đã thu hút không ít khách du lịch ghé thăm và chọn sản phẩm này làm quà.

Để làm được chiếc nón lá đẹp thì người làm cần phải tinh tế, tỉ mỉ từ khâu lựa chọn nguyên liệu, cách phơi lá, cách khâu từng đường kim mũi chỉ. Người ta vẫn bảo làm ra một chiếc nón lá cần cả một tấm lòng là vì vậy.

Nón lá có thể được làm từ lá dừa hoặc lá cọ. Mỗi loại lá lại mang đến sự khác nhau cho sản phẩm. Thường thì những sản phẩm nón làm từ lá dừa có nguồn gốc từ Nam Bộ, vì đây là nơi trồng dừa nhiều. Tuy nhiên làm từ lá dừa sẽ không đẹp và tinh tế như lá cọ. Lá cọ có độ mềm mại, chắc chắn hơn. Khi lựa chọn lá cũng phải chọn những chiếc lá có màu xanh, bóng bẩy, có nổi gân để tạo nên điểm nhấn cho sản phẩm. Quá trình phơi cho lá mềm để dễ làm cũng cần từ 2-4 tiếng, lá vừa mềm vừa phẳng.

Khâu làm vành nón là khâu vô cùng quan trọng để tạo khung chắc chắn cho sản phẩm. Người dùng cần phải lựa chọn nan tre có độ mềm và dẻo dai. Khi chuốt tre thì cần phải chuốt tỉ mỉ để đến khi nào có thể uốn cong mà không sợ gãy. Sau đó người dùng sẽ uốn theo những đường kính từ nhỏ đến lớn tạo thành khung cho nón lá sao cho tạo thành một hình chóp vừa vặn.

Khi đã tạo khung và chuẩn bị lá xong đến giai đoạn chằm nón. Đây là giai đoạn giữ cho khung và lá bám chặt vào nhau. Thường thì người làm sẽ chằm bằng sợi nilon mỏng nhưng có độ dai, màu trắng trong suốt.

Lúc chiếc nón đã được khâu xong thì người dùng bắt đầu quết dầu làm bóng và phơi khô để dầu bám chặt vào nón, tạo độ bền khi đi nắng mưa.

Đi dọc miền đất nước, không nơi nào chúng ta thấy sự hiện diện của chiếc nón lá. Nó là người bạn của những người phụ nữ khi trời nắng hoặc trời mưa. Không chỉ có công dụng che nắng, che mưa mà nón lá còn xuất hiện trong các tiết mục nghệ thuật, đi đến các nước bạn trên thế giới. Nét đẹp văn hóa của nón lá chính là nét đẹp cần được bảo tồn và gìn giữ. Nhắc đến nón lá, chắc chắn chúng ta sẽ nghĩ ngay đến tà áo dài Việt Nam, bởi rằng đây là hai thứ luôn đi liền với nhau, tạo nên nét đặc trưng riêng của người phụ nữ Việt Nam từ ngàn đời nay.

Để giữ chiếc nón lá bền với thời gian thì người dùng cần phải khéo léo, bôi dầu thường xuyên để tránh làm hỏng hóc, sờn nón.

Chiếc nón lá Việt Nam là sản phẩm của người Việt, làm tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ, và khẳng định sự tồn tại lâu đời của sản phẩm này.

Viết văn bản thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố: Bánh trôi nước

Bánh trôi nước là món bánh cổ truyền của người dân Việt Nam, là thức quà có ý nghĩa đặc biệt thường được sử dụng trong dịp lễ lạt, cúng kiếng. Vào dịp Tết Hàn thực, bánh trôi nước là món chủ đạo, đặc trưng. Mỗi năm cứ đến dịp lễ này, nhà nhà, người người lại đổ xô đi mua bánh trôi, bánh chay về thờ cúng.

Bánh trôi nước được làm từ bột gạo, có vỏ bên ngoài trắng ngần và nhân ngọt bên trong. Khác với chè trôi nước miền Nam, bánh trôi nước miền Bắc có kích thước nhỏ, thường được ăn cùng với nước và có nhân đường phèn. Những miếng bánh trắng ngà, dẻo mịn và thơm mùi nếp cùng vị béo ngậy của tinh dầu chuối.

Theo tài liệu từ quyển Ẩm thực Việt Nam và Thế giới của tiến sĩ Nguyễn Diệu Thảo, món ăn bánh trôi nước trong Tết Hàn thực được lấy cảm hứng từ tích Con Rồng Cháu Tiên của dân tộc Việt Nam. Truyền thuyết kể rằng, vua rồng xứ Lạc Việt là Lạc Long Quân đã kết duyên cùng Âu Cơ là tiên, sinh được bọc trăm trứng chứa trăm người con. Những người con này được cho là hậu duệ của người Việt Nam bây giờ, nên mới có từ gọi “đồng bào”, ý chỉ sự gắn kết của mỗi con người Việt Nam. Những chiếc bánh trôi nước chính là biểu hiện cho truyền thống đáng quý ấy.

Trong tiết trời Hà Nội lành lành như ngày hôm nay, tôi xin được phép giới thiệu đến các bạn cách làm món bánh trôi nước, kéo mọi người xích lại gần nhau hơn.

Trước tiên, chúng ta cần chuẩn bị nguyên liệu:

  • Gạo nếp thơm: 400 gr
  • Đậu xanh xát vỏ: 200 gr
  • Đường hoa mai hoặc đường thốt nốt: 300 gr
  • Hành tím băm: 2 muỗng cà phê.
  • Gừng: 100 gr
  • Dầu ăn: 4 muỗng.
  • Vừng rang chín
  • Muối sạch: 2 muỗng
  • Đường cát trắng 2 muỗng
  • Hành tím phi thơm 100 gr.

Cách làm bánh trôi nước:

Phần 1: Chế biến nước đường

Bước 1: Gừng cạo vỏ, rửa sạch, cắt nhỏ. Sau đó thì được đập dập.

Bước 2: Đặt 500ml nước sạch cùng đường và gừng lên bếp đun sôi. Khi đun bạn nên để lửa nhỏ, dùng muỗng khuấy nhẹ để đường tan hết. Sau đó cho thêm vào nồi 1 thìa cà phê muối. Cuối cùng vặn to lửa để nồi nước nhanh sôi.

Bước 3: Khi nồi nước đã sôi bạn vặn nhỏ lửa. Đợi thêm khoảng 10 phút thì bắc xuống. Lúc này nước đã dậy lên mùi thơm ấm của gừng còn đường thì đã sệt lại.

Phần 2: Làm nhân bánh

Bước 1: Đậu xanh cần được rửa nhiều lần để sạch bụi bẩn (đến khi nước trong là được). Sau đó bạn ngâm đậu xanh với 500ml trong một cái bát lớn trong khoảng 30 phút.

Bước 2: Đậu xanh sau khi ngâm được cho vào nồi cơm điện để nấu chính. Bạn nên đổ nước xâm xấp mặt đậu để đậu chín vừa tới.

Bước 3: Khi đậu đã chín, bạn dùng muỗng lấy toàn bộ đậu ra một bát lớn. Lúc đậu còn nóng thì bạn nhanh tay tán nhuyễn sao cho sau khi tán đậu nhìn mềm, mịn là được.

Bước 4: Tiếp tục cho thêm 100gr đường cát trắng cùng 100gr hành tím phi vàng vào rồi trộn đều tay.

Bước 5: Cuối cùng bạn dùng muỗng múc từng phần đậu và nặn thành những viên tròn vừa phải cho đến khi hết lượng đậu trong bát (khoảng 8 viên).

Phần 3: Làm phần vỏ bánh

Bước 1: Cho 300ml nước sôi cùng 4 muỗng canh dầu ăn vào 350gr bột nếp thơm. Vừa đổ bạn vừa dùng tay đảo đều để không bị vón cục. Lưu ý, khi làm hỗn hợp cần được đổ từ từ và khuấy đều tay để bột có thể ngấm đủ nước. Khuấy đến khi hỗn hợp bột rất dính và ướt thì dừng tay và đậy kín chúng từ 15 tới 30 phút để bột nghỉ. Việc này giúp bột ngấm nước rồi nở ra từ từ. Lượng nước cũng ít hơn khi nhào.

Bước 2: Lót một lớp bột áo lên bàn, sau đó chuyển bột đã nhào ra khỏi tô. Bạn dùng tay để nhào số bột thành một thanh dài chừng 20cm. Lưu ý, cả thanh bột đều phải dính một lớp bột áo bên ngoài. Sau đó bạn chia thanh bột thành 8 phần bằng nhau.

Bước 3: Với mỗi phần bột bạn nặn tròn rồi ấn dẹt chúng xuống sao cho to gấp 2 lần viên đậu xanh đã nặn ở phần 2.

Bước 4: Sau khi cán dẹt, bạn cẩn thận đặt viên đậu xanh vào giữa và bọc kín lại. Phải làm sao cho lớp vỏ bánh và nhân đậu xanh dính sát nhau, không có chỗ cho không khí. Lớp vỏ bánh cũng bao trọn viên đậu bên trong. Làm như này thì khi nấu bánh sẽ không bị vỡ.

Bước 5: Dùng hai bàn tay xoa nhẹ để bánh có được hình tròn xinh và bột thì mịn. Khi xoa bạn nên làm nhẹ tay để nhân không bị lòi ra ngoài nhé!

Bước 6: Trước khi đặt chúng lên đĩa, bạn lót một lớp màng bọc thực phẩm để chúng không dính vào đĩa. Đồng thời các viên bánh cần được để cách nhau 1 khoảng để chúng không dính vào nhau.

Bước 7: Đun 500ml nước đến khi sôi thì thả nhẹ nhàng từng viên bánh vào. Sau khi thả, bạn dùng muỗng nhẹ nhàng khuấy đều để các viên bánh không dính vào nhau. Khi thấy bánh nổi lên trên mặt nước thì vớt ra (khoảng 2-3 phút).

Bước 8: Sau khi vớt bánh ra bạn cần cho ngay vào tô nước lạnh sạch. Chừng 1 – 2 phút thì vớt ra để ráo nước rồi thả vào bát nước đường đã đun sôi. Cuối cùng chỉ cần rắc thêm một chút vừng rang thơm là có thể dùng được.

Yêu cầu thành phẩm:

– Mỗi viên bánh đều nhau, trắng, bột mịn, nhân không bị vỡ. Vỏ bánh khi ăn có độ mềm dai vừa miệng. Đường trong nhân bánh phải tan hết để khi ăn có cảm giác mật chảy tràn trong miệng. Nhân bánh trôi chay phải thơm mùi đỗ xanh đã đồ chín. Đặt bánh trôi ra đĩa và chấm chút vừng lên từng viên bánh.

– Nước để ăn cùng bánh trôi chay phải có độ sánh của bột sắn, ngọt thanh của đường phèn, hương thơm thoang thoảng của hoa bưởi và vị ấm nồng của gừng.

Lưu ý giúp cho món bánh trôi được ngon:

– Bột làm bánh trôi ngon nhất là khi bạn dùng gạo nếp thơm ngâm kỹ đến khi gạo nở. Sau đó xóc với ít muối rồi đem đi xay mịn.

– Muốn nhân đỗ xanh thơm, mềm thì nên chọn loại đỗ tiêu, hạt bé.

– Khi nhào bột, ngoài việc bạn đổ nước từ từ thì cần nhào đều tay để bột không bị ướt. Nhào xong, dùng màng bọc thực phẩm bọc viên bột lại để không bị khô.

– Bột cần được vo khít, không có lỗ hổng không khí để khi đun bánh không bị vỡ.

Về cách luộc bánh

– Khi nước sôi, bạn chuyển lửa về mức trung bình, sau đó nhẹ nhàng thả từng viên bánh vào nồi.

– Bánh cần được luộc đều ở mức lửa trung bình. Nếu bạn luộc với lửa quá to thì sẽ khiến vỏ bánh chín còn nhân bánh thì sống.

– Khi bánh nổi lên bạn không nên vớt ra ngay mà dùng đũa khuấy nhẹ nhàng thêm 30s nữa cho bánh chín đều.

– Muốn bánh không bị dính vào nhau thì khi vớt ra cho ngay vào tô nước đá lạnh từ 5 tới 10 phút. Việc này giúp bánh săn lại và không bị dính vào nhau.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 11 Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn khác:

Tủ sách VIETJACK shopee lớp 10-11 cho học sinh và giáo viên (cả 3 bộ sách):

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 11

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Tài liệu giáo viên