5+ Viết đoạn văn phân tích 3 câu thơ đầu bài thơ Bếp lửa (điểm cao)

Viết đoạn văn phân tích 3 câu thơ đầu bài thơ Bếp lửa hay nhất, ngắn gọn với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

5+ Viết đoạn văn phân tích 3 câu thơ đầu bài thơ Bếp lửa (điểm cao)

Quảng cáo

Viết đoạn văn phân tích 3 câu thơ đầu bài thơ Bếp lửa - mẫu 1

"Bếp lửa" của Bằng Việt là những kỉ niệm về tuổi thơ gian khó, nhọc nhằn nhưng cũng đầy ấm áp bên người bà tần tảo, giàu yêu thương của tác giả. Ngay trong phần đầu của bài thơ, nhà thơ Bằng Việt đã gợi mở ra hình ảnh bếp lửa và cũng là khởi nguồn cho những tình cảm dạt dào, tha thiết của người cháu dành cho bà.

"Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa"

Hình ảnh bếp lửa "chờn vờn sương sớm" gợi ra trong tâm trí nhà thơ những gì gần gũi, ấp áp, thân thuộc nhất về tuổi thơ, về những ngày tháng bên bà. Điệp ngữ "Một bếp lửa" không chỉ gợi ra hình ảnh sống động của bếp lửa mà nó còn thể hiện được những cảm xúc tha thiết, trào dâng trong lòng tác giả. Ngọn lửa gọi về những kí ức thân thuộc, sưởi ấm tâm hồn nhà thơ bằng hơi ấm bình dị mà ấm áp bởi nó gắn với tình thương của bà. Bếp lửa "ấp iu nồng đượm" được thắp lên bởi sự ân cần, kiên nhẫn và bằng tình yêu của bà. Tình thương ấy đã giúp cháu lớn khôn, trưởng thành và giờ đây, ở một nơi xa xôi, người cháu nhớ về bà bằng tất cả sự biết ơn, kính trọng 'Cháu thương bà biết mấy nắng mưa". Trong những tháng ngày tuổi thơ gian khó, bà đã luôn ở bên, lo cho cháu từng bữa ăn giấc ngủ, bà không quản ngại nắng mưa, gian khó để nuôi cháu lớn khôn. Tình cảm của nhà thơ Bằng Việt dành cho bà cũng đã khơi dậy trong lòng người đọc những cảm xúc gần gũi, thân thương mà trên hết đó chính là tình thương dành cho bà.

Quảng cáo

Dàn ý Viết đoạn văn phân tích 3 câu thơ đầu bài thơ Bếp lửa

1. Mở đoạn

Giới thiệu tác giả, tác phẩm và 3 câu thơ đầu của bài thơ.

2. Thân đoạn

a. Hình ảnh bếp lửa gợi nhắc kí ức tuổi thơ

- Điệp ngữ "Một bếp lửa" không chỉ gợi ra hình ảnh sống động của bếp lửa mà nó còn thể hiện được những cảm xúc tha thiết, trào dâng trong lòng tác giả.

- Từ láy "chờn vờn" gợi liên tưởng đến ánh sáng lập lòe của bếp lửa khi sáng sớm.
- "Ấp iu" không chỉ gợi ra hơi ấm của bếp lửa mà còn gợi liên tưởng đến đôi tay khéo léo và tấm lòng của người nhóm lửa.

b. Tình cảm của người cháu dành cho bà

- "Nắng mưa" là những gian khó, thử thách trong cuộc sống.

- "thương" tình yêu thương, sự biết ơn, trân trọng với những tần tảo, hi sinh của bà.
→ Bà đã không quản ngại nắng mưa, giãi dầu, bà nhận về mình những vất vả, hi sinh để nuôi cháu lớn khôn, nên người.

3. Kết đoạn

Khẳng định giá trị câu thơ và bài thơ.

Quảng cáo

5+ Viết đoạn văn phân tích 3 câu thơ đầu bài thơ Bếp lửa (điểm cao)

Viết đoạn văn phân tích 3 câu thơ đầu bài thơ Bếp lửa - mẫu 2

Kí ức tuổi thơ là những gì đẹp đẽ, khó quên nhất trong cuộc đời mỗi người. Với nhà thơ Bằng Việt thì những ngày tháng tuổi thơ lại thiêng liêng, đáng quý hơn cả bởi tuổi thơ ấy gắn liền với sự tần tảo, hi sinh và cả tình thương của bà. Trong khổ thơ đầu tiên của bài thơ "Bếp lửa", nhà thơ Bằng Việt đã mở ra hình ảnh bếp lửa- hình ảnh xuyên suốt tác phẩm và những tình cảm của người cháu dành cho bà. Hình ảnh bếp lửa được gợi nhắc trong khổ thơ như hư như thực, như gần mà như xa. Bếp lửa "Chờn vờn sương sớm" là hình ảnh tả thực, trong đó bếp lửa "ấp iu nồng đượm" lại là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng, đó là ngọn lửa được thắp lên bởi đôi tay tần tảo, bởi tình yêu thương của bà. Điệp ngữ "một bếp lửa" không chỉ nhấn mạnh đến đối tượng được gợi nhắc- "bếp lửa" mà còn thể hiện được sự trào dâng của những con sóng cảm xúc trong lòng tác giả. Tuổi thơ bên bà của tác giả là những ngày tháng gian khó nhưng cũng ấm áp và hạnh phúc nhất. Sự ấm áp ấy được thắp lên bởi trái tim, tình thương của bà. Bà đã không quản ngại nắng mưa, giãi dầu, bà nhận về mình những vất vả, hi sinh để nuôi cháu lớn khôn, nên người. Tình thương của người cháu dành cho bà như vỡ òa trong câu thơ cuối của khổ 1 "Cháu thương bà biết mấy nắng mưa". Thông qua hình ảnh bếp lửa quen thuộc kết hợp với hệ thống từ láy, điệp ngữ, nhà thơ Bằng Việt đã tái hiện đầy sống động hình ảnh bếp lửa và thành công khơi dậy những tình cảm gần gũi, ấm áp về bà trong trái tim mỗi độc giả.

Viết đoạn văn phân tích 3 câu thơ đầu bài thơ Bếp lửa - mẫu 3

Quảng cáo

Bếp lửa là bài thơ hay viết về tình bà cháu. Trong 3 câu thơ đầu tiên, nhà thơ Bằng Việt đã thông qua hình ảnh bếp lửa - hình ảnh quen thuộc trong mỗi gia đình xưa để giãi bày, bộc bạch tình thương của người cháu dành cho bà. Bếp lửa đã trở thành một hình ảnh đặc biệt trong kí ức tuổi thơ của tác giả bởi bếp lửa chứa đựng bao kỉ niệm, chứa đựng cả tình thương và sự ấm áp của bà. Điệp ngữ "Một bếp lửa" được lặp lại hai lần đã thu hút sự chú ý của độc giả để từ đó khơi dậy những hình dung sống động, cảm xúc thân thuộc nhất cho độc giả. Từ láy 'chờn vờn" gợi liên tưởng đến ánh sáng lập lòe của bếp lửa khi sáng sớm. "Ấp iu" không chỉ gợi ra hơi ấm của bếp lửa mà còn gợi liên tưởng đến đôi tay khéo léo và tấm lòng của người nhóm lửa. Bếp lửa "ấp iu nồng đượm" được thắp lên bởi sự cần mẫn, chăm chút và cả tình thương của bà. Câu thơ đọc lên ta thấy được cả tấm lòng thương yêu, trân trọng của người cháu dành cho bà. "Cháu thương bà biết mấy nắng mưa", câu thơ giản dị nhưng lại chứa đựng những tình cảm thật mãnh liệt, thiêng liêng. Người cháu không chỉ cảm nhận được tình thương mà còn hiểu được cả những vất vả, gian khó của bà. Chỉ một tiếng "thương" nhưng lại chứa đựng được toàn bộ tình yêu, sự biết ơn, trân trọng của người cháu dành cho bà. "Bếp lửa" đã trở thành kí ức tuổi thơ tươi đẹp, ấm lòng, là biểu tượng đẹp đẽ nhất của tình bà cháu trong trái tim, tâm hồn của nhà thơ.

Viết đoạn văn phân tích 3 câu thơ đầu bài thơ Bếp lửa - mẫu 4

Rất nhiều tác phẩm văn học thơ, truyện ngắn được các tác giả lấy cảm hứng từ tình cảm thiêng liêng bắt nguồn từ tình cảm vợ chồng, tình mẹ con, tình đồng chí, tình yêu quê hương đất nước,... Tác giả Bằng Việt đã sáng tác bài thơ Bếp Lửa với tình cảm và niềm nhung nhớ dành cho người bà của mình khi đang du học tại Liên Xô vào năm 1963. Hình ảnh đứa cháu cùng người bà đã trải qua cuộc sống khổ cực nhưng tràn ngập tình yêu thương, chăm sóc, quan tâm, chở che trong những ngày bố mẹ đi làm xa và niềm hạnh phúc bên bếp lửa ấm áp tình thương.

"Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

..........

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa"

Hình ảnh bếp lửa được khắc họa lên từ ba câu thơ đầu qua điệp ngữ "một bếp lửa" và từ láy "chờn vờn" khiến ta có thể hình dung ra được một khung cảnh đơn sơ, giản dị nhưng ấm áp, đầy ấp tình cảm. Ngọn lửa từ bếp ấp ôm bao niềm nhung nhớ về bà, chứa đựng biết bao kỉ niệm của người cháu nhỏ và bà. Người bà ân cần nhóm nhen ngọn lửa tình cảm ấy, cũng giống như đôi tay bà chăm sóc cho cháu nhẹ nhàng quan tâm, hình ảnh người bà như làn khói từ bếp vào mỗi buổi sớm mai, hình ảnh khổ cực chăm nuôi của bà dãi dầu mưa nắng càng thắp lên trong lòng người cháu rõ rệt vết hằn nỗi nhớ. Từ hai câu đầu qua hình ảnh bếp lửa mỗi sáng đã được tác giả khắc họa lên một bếp lửa chan chứa kỉ niệm, một bếp lửa đầy ấp tình yêu, một bếp lửa sáng rực lên hình ảnh bà. Đến câu tiếp theo bao nhiêu nỗi niềm như phút chốc vỡ òa "cháu thương bà biết mấy nắng mưa", tác giả đau lòng, xót xa trước nỗi nhớ về hình ảnh bà dù mưa dù nắng nhưng vẫn lo cho cháu đầy đủ từng cái ăn cái mặc, gian truân cuộc đời bà vì cháu mà trải qua không một lời nói, bà âm thầm vì cháu mà làm mọi việc, đều là những hy sinh thầm lặng từ người bà kính yêu. Từ đây ta thấy rằng trong trái tim tác giả hình ảnh người bà thiêng liêng biết là bao, có cả một vùng trời thương nhớ về người bà, một câu "cháu thương bà" cũng sẽ đọng lại trong ta một ý nghĩa sâu sắc.

Viết đoạn văn phân tích 3 câu thơ đầu bài thơ Bếp lửa - mẫu 5

Bằng Việt làm thơ từ đầu những năm 60 và thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Bài thơ “Bếp lửa” được ông sáng tác năm 1963, khi tác giả 19 tuổi và đang học ngành Luật ở Liên Xô. Tác phẩm viết theo thể thơ tự do và được đưa vào tập thơ “Hương cây – Bếp lửa”, tập thơ đầu tay của Bằng Việt và Lưu Quang Vũ. Bằng sự kết hợp hài hòa giữa biểu cảm với tự sự, miêu tả và nghị luận, bài thơ đã xây dựng hình ảnh bếp lửa gắn liền với hình ảnh người bà và là điểm tựa khơi gợi mọi cảm xúc và suy nghĩ về tình bà cháu.  Trong biết bao kỉ niệm tuổi thơ, bếp lửa in dấu đậm nhất trong suy nghĩ của Bằng Việt. Bắt đầu từ hình ảnh thân thương, ấm áp ấy, mạch hồi tưởng của bài thơ bắt đầu:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

Khổ thơ chỉ vỏn vẹn ba câu mà đã hai lần lặp lại điệp từ “một bếp lửa”. “Bếp lửa” ấy là hình ảnh vô cùng gần gũi và thân quen với mỗi gia đình Việt Nam từ bao giờ. Từ láy “chờn vờn” vừa tả ánh sáng lập lòe và từng làn khói vương vấn của bếp lửa mới nhen buổi sớm, vừa gợi lại hình ảnh bóng bà chập chờn trên in trên vách. Kết hợp với sự mờ ảo của “sương sớm”, những mảnh ký ức ấy như ẩn hiện trong làn sương vương vấn mùi khói, không hề thiếu đi sự nồng ấm. “Ấp iu” tuy là một từ ghép nhưng lại mang âm hưởng của từ láy, vừa là sự kết hợp của ấp ủ và yêu thương, vừa gợi tả bàn tay kiên nhẫn, khéo léo và tấm lòng đong đầy yêu thương của người nhóm lửa. Sự “nồng đượm” kia không chỉ tả bếp lửa cháy đượm mà còn ẩn chứa tình cảm trân trọng của tác giả đối với người đã cần mẫn, chăm chút thắp lên ngọn lửa ấy. Hai hình ảnh sóng đôi đối nhau “chờn vờn sương sớm” – “ấp iu nồng đượm” đã tạo nên sự hòa phối âm thanh làm cho câu thơ vừa nhẹ nhàng như khói bếp vừa trĩu nặng về thời gian. Để rồi không cầm được cảm xúc, người cháu đã thốt lên : “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”, thật giản dị mà vẫn trào dâng một tình yêu thương bà vô hạn. Từ đó, sức ấm và ánh sáng của hình ảnh bếp lửa đã lan tỏa khắp bài thơ, trở thành điểm tựa để mở ra một chân trời đầy ắp kỉ niệm tuổi thơ về tình bà cháu.

Mục lục Văn mẫu | Văn hay 9 theo từng phần:

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH ĐỀ THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 9

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và sách dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Tuyển tập những bài văn hay | văn mẫu lớp 9 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Văn mẫu lớp 9Những bài văn hay lớp 9 đạt điểm cao.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Tài liệu giáo viên