Soạn bài Viết văn bản thuyết minh về một tác phẩm văn học - ngắn nhất Kết nối tri thức

Soạn bài Viết văn bản thuyết minh về một tác phẩm văn học trang 21, 22, 23, 24, 25, 26 ngắn nhất mà vẫn đủ ý được biên soạn bám sát sách Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức giúp học sinh soạn văn 11 dễ dàng hơn.

Soạn bài Viết văn bản thuyết minh về một tác phẩm văn học - ngắn nhất Kết nối tri thức

Quảng cáo

* Yêu cầu

- Giới thiệu được tác phẩm cần thuyết minh (nhan đề, tên tác giả, đánh giá chung).

- Giới thiệu khái quát về tác giả.

- Nêu được hoàn cảnh sáng tác, đặc điểm thể loại; tóm tắt được nội dung tác phẩm.

- Nêu được thông tin cơ bản về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

- Khẳng định vị trí, đóng góp của tác phẩm đối với đời sống văn học.

- Có lồng ghép các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận.

* Phân tích bài viết tham khảo

Truyện Kiều – kiệt tác của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du

1. Giới thiệu chung về tác phẩm.

Truyện Kiều là kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du và của nền văn học Việt Nam. Tác phẩm có vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của người Việt.

Quảng cáo

2. Giới thiệu khái quát về tác giả.

Ông sinh ra trong gia đình quyền quý, có truyền thống văn chương. Sống trong một thời đại đầy biến động dữ dội nên cuộc đời Nguyễn Du nếm trải nhiều thăng trầm. Ông có kiến thức uyên bác, trái tim nhân hậu và tài năng văn học bẩm sinh. Nguyễn Du để lại 250 bài thơ chữ Hán và một số tác phẩm viết bằng chữ Nôm, trong đó nổi bật nhất là Truyện Kiều.

3. Nêu hoàn cảnh sáng tác, đặc điểm thể loại.

Truyện Kiều được dựa theo tiểu thuyết “Kim Vân Kiểu truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân ở Trung Quốc.

- Tác phẩm gồm 3254 câu thơ lực bát, dựa trên cốt truyện cuốn tiểu thuyết chương hồi: Kim Vân Kiều truyện.

4. Tóm tắt nội dung tác phẩm.

- Cốt truyện Truyện Kiều được tổ chức theo mô hình cơ bản của truyện thơ Nôm với ba phần: Gặp gỡ, đính ước - Tai biến, chia li - Đoàn tụ.

- Nội dung cốt truyện: kể về cuôc đời 15 năm lưu lạc của Vương Thúy Kiều, người con gái tài sắc, đức hạnh, vẹn toàn.

5. Chú ý sự kết hợp của các yếu tố tự sự, miêu tả.

Sự kết hợp các yếu tố tự sự, miêu tả giúp bài thuyết minh hấp dẫn, dễ hiểu hơn, thu hút người đọc.

Quảng cáo

6. Làm rõ giá trị tư tưởng của tác phẩm.

- Ca ngợi, trân trọng giá trị con người, người phụ nữ.

- Niềm cảm thương, đau đớn trước số phận.

- Tiếng nói khát vọng sống, khát vọng tự do.

7. Nêu giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

Kết tinh nhiều thành tựu văn học dân tộc: cốt truyện, ngôn ngữ, xây dựng nhân vật, thủ pháp ước lệ,...

8. Khẳng định vị trí của tác phẩm trong nền văn học dân tộc.

Truyện Kiều là một kiệt tác của nền văn học, đóng góp to lớn đã được ghi nhận và tiếp tục khám phá.

Trả lời câu hỏi:

Câu 1 (trang 24 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Bài thuyết minh Truyện Kiều – kiệt tác của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du gồm những nội dung gì? Nội dung nào được tác giả xác định là trọng tâm?

Trả lời:

Quảng cáo

Bài thuyết minh gồm 5 phần chính:

1, Giới thiệu tác phẩm 

2, Giới thiệu khái quát về tác giả 

3, Hoàn cảnh sáng tác, đặc điểm thể loại, tóm tắt tác phẩm  

4, Giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm  

5, Vị trí, đóng góp của tác phẩm đối với đời sống văn học 

- Nội dung trọng tâm là phần tóm tắt tác phẩm và nghệ thuật của tác phẩm.

Câu 2 (trang 24 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Chỉ ra sự kết hợp của một số yếu tố như tự sự, miêu tả, biểu cảm hoặc nghị luận được sử dụng trong bài thuyết minh.

Trả lời:

- Tự sự: Tác giả kể khái quát về cuộc đời Nguyễn Du và tóm tắt ngắn gọn Truyện Kiều.

- Miêu tả: Miêu tả cảnh sắc, con người trong phần tóm tắt Truyện Kiều.

- Biểu cảm: Đưa ra nhận xét, cảm nhận về Truyện Kiều.

- Nghị luận: Chỉ ra và phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của Truyện Kiều.

* Thực hành viết

1. Chuẩn bị viết

- Cần ưu tiên những tác phẩm có giá trị.

2. Tìm ý, lập dàn ý

a) Tìm ý

Để tìm ý, có thể dựa vào một số câu hỏi gợi ý sau:

- Vì sao chọn thuyết minh về tác phẩm này?

- Tác giả và tác phẩm được chọn có vị trí như thế nào?

- Tác phẩm được sáng tác trong hoàn cảnh nào, bằng thể loại gì?

- Nội dung cơ bản và đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm là gì?

- Tác phẩm đã được đánh giá như thế nào trên các phương diện giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật.

- Tác phẩm có đóng góp gì cho đời sống văn học.

b) Lập dàn ý

Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.

Thân bài:

- Giới thiệu ngắn gọn về quê quán, con người và sự nghiệp văn chương của tác giả.

- Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác và thể loại của tác phẩm.

- Trình bày giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm.

Kết bài: Khẳng định đóng góp của tác phẩm cho nền văn học hoặc đời sống văn hóa của đất nước và thế giới.

* Dàn ý cho đề bài: Thuyết minh về tác phẩm Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu

1, Mở bài: Giới thiệu tác phẩm “Phú Sông Bạch Đằng” và tác giả Trương Hán Siêu

2, Thân bài:

a. Khái quát về tác phẩm:

– Hoàn cảnh sáng tác: Vương triều nhà Trần đang có biểu hiện suy thoái, có nguy cơ sụp đổ. Tác giả là một trọng thần, tình cờ dạo chơi đến sông Bạch Đằng và nhớ lại lịch sử hào hùng của dân tộc

– Cảm hứng bao trùm: Phú Sông Bạch Đằng vừa mang cảm hứng lịch sử, vừa mang cảm hứng thời thế, vừa có những triết lý được đúc rút thành bài học.

– Bố cục: 3 phần

+ Phần mở đầu (từ đầu cho đến … dấu vết luống còn lưu), giới thiệu nhân vật và lý do sáng tác.

+ Phần thứ hai (từ Bên sông các bô lão… cho đến Nhớ người xưa chừ lệ chan) là nội dung đối đáp của nhân vật “khách” và các bô lão hai bên bờ sông.

+ Phần kết thúc còn lại là lời ngợi ca của của nhân vật “khách”.

– Nhân vật “Khách” xuất hiện trong tác phẩm có thể là tác giả, cũng có thể là một nhân vật trữ tình vô danh không rõ ràng.

b. Thuyết minh nội dung tác phẩm

– Phần mở đầu, tác giả tái hiện cảnh dạo thuyền chơi sông của nhân vật “khách”

+ Khách là người yêu du ngoạn, mạnh mẽ, phóng khoáng. Ông đang mải mê ngược dòng thời gian để tìm về lịch sử hào hùng của dân tộc Đại Việt.

+ Tâm trạng của “khách” chứa chất nhiều nỗi suy tư

+ “Khách” phải chăng chính là “cái tôi” của tác giả, nhạy cảm, nặng lòng ưu ái với đất nước và lịch sử dân tộc.

– Cuộc gặp gỡ và đối đáp của “khách” với bô lão

+ “Bô lão” là chứng nhân của lịch sử, xuất hiện tạo ra không khí đối đáp tự nhiên, giúp “khách” sống lại với những trận thuỷ chiến lẫy lừng từng diễn ra ở nơi đây.

+ Những kỳ tích oai phong được gợi lên chân thực qua những hình ảnh liệt kê trùng trùng điệp điệp

+ Chiến thắng trên sông Bạch Đằng được tái hiện dưới hình thức bài thơ tự sự đậm chất anh hùng ca.

+ Chiến thắng hiển hách của dân tộc không chỉ nhờ vào địa thế hiểm trở mà còn nhờ vào nhân tài đất nước.

– Lời ca ngợi

+ Khẳng định sự tồn tại vĩnh hằng của dòng sông lịch sử và những chiến công hiển hách nơi đây.

+ Đồng thời cũng khẳng định sự tồn tại vĩnh hằng của chân lý: bất nghĩa tất yếu sẽ tiêu vong, chỉ có anh hùng là lưu danh thiên cổ.

+ “Khách” ca ngợi 2 vị vua anh minh, tài đức, thể hiện quan niệm vững chắc vào vai trò của con người trong việc “giữ cuộc điện an” – một quan niệm tiến bộ và hết sức nhân văn.

c. Thuyết minh nghệ thuật của tác phẩm

– “Phú Sông Bạch Đằng” được đánh giá là tác phẩm đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học trung đại Việt Nam.

– Cấu tứ đơn giản mà hấp dẫn, bố cục chặt chẽ, những chi tiết chọn lọc đích đáng, súc tích, liền mạch cuồn cuộn cảm hứng.

– Sự xuất hiện của nhiều điển tích, điển cố chọn lọc

– Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng thành công những câu văn ngắn dài, đan xen thêm câu thơ tạo nên âm điệu hào hùng cho tác phẩm.

3, Kết bài:

- Khẳng định lại giá trị của tác phẩm.

3. Viết

- Khi viết bài, cần chú ý trọng tâm của bài thuyết minh: cung cấp thông tin hữu ích về tác phẩm.

- Nên kết hợp thuyết minh với một số yếu tố khác (miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận,…) để tăng sức hấp dẫn cho bài thuyết minh.

- Văn phong của bài viết cần ngắn gọn, chính xác, khoa học và phù hợp với đối tượng thuyết minh; không để các yếu tố bổ trợ (miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận,…) làm chệch mục đích chính của bài viết là cung cấp thông tin.

Bài viết tham khảo

Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu là một tác phẩm tiêu biểu của văn học yêu nước thời Lý – Trần. Trương Hán Siêu là văn sĩ đời Trần, quê ở Ninh Bình. Thời trẻ, ông từng là môn khách của Trần Hưng Đạo, là người có ít nhiều đóng góp trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều Trần, là người học vấn uyên thâm, tính tình cương trực, được các vua Trần tôn là thầy, được các nho sĩ đời sau xem là một trí thức nho học chân chính của thời Thịnh Trần. Tác phẩm của ông bộc lộ tinh thần yêu non sông đất nước, tự hào về truyền thống vẻ vang của lịch sử dân tộc, đượm sắc thái trữ tình hoài cổ. Ngôn ngữ trong văn chương của Trương Hán Siêu tinh tế, lắng đọng, sử dụng thành công những hình dung từ giàu sắc thái trữ tình, giọng điệu thi phú rất uyển chuyển.

Bài Bạch Đằng giang phú được sáng tác sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông khoảng 50 năm. Bạch Đằng là con sông ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt của dân tộc như trận thắng quân Nam Hán năm 938 của Ngô Quyền, trận thắng quân Nguyên Mông năm 1288 của Trần Hưng Đạo. Đã có rất nhiều nhà thơ viết về con sông lịch sử đầy niềm tự hào này, nhưng bài “Phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu là nổi tiếng và đặc sắc nhất.

Về hình thức, Phú Sông Bạch Đằng được viết bằng chữ Hán, theo thể loại Phú (cổ thể), mượn hình thức đối đáp “chủ – khách” để thể hiện nội dung. Hệ thống câu từ của cả bài được Trương Hán Siêu xây dựng theo lối kể chuyện độc đáo. Theo như lối kết cấu thông thường ở thể phú, bài phú có thể chia thành ba phần. Phần mở đầu (từ đầu cho đến… dấu vết luống còn lưu), giới thiệu nhân vật và lý do sáng tác. Phần thứ hai (từ Bên sông các bô lão… cho đến Nhớ người xưa chừ lệ chan) là nội dung đối đáp của nhân vật “khách” và các bô lão hai bên bờ sông. Phần kết thúc còn lại là lời ngợi ca của của nhân vật “khách”.

Về nội dung, đầu bài phú, tác giả bày tỏ ước muốn được đi đây, đi đó để thưởng ngoạn và ngắm vẻ đẹp của quê hương, đất nước.

Khách có kẻ
Giương buồm giong gió chơi vơi,
Lướt bể chơi trăng mải miết.

Tác giả đã liệt kê một loạt những địa danh nổi tiếng,những nơi có vẻ đẹp được nhiều người biết đến ở Trung Quốc như: Vũ Huyệt, Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt… Đây là cách nói ước lệ tượng trưng tác giả bày tỏ niềm khao khát mãnh liệt được đi du ngoạn nhiều nơi để ngắm cảnh, để cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước ta.

Ở phần tiếp theo, ta lại thấy cảnh sông Bạch Đằng qua lời miêu tả của nhân vật khách một bức tranh sinh động, giản dị:

Bát ngát sóng kình muôn dặm,
Thướt tha đuôi trĩ một màu
Nước trời một sắc
Phong cảnh ba thu.

Thông qua một loạt những từ láy gợi hình, kết hợp với việc nhắc đến những địa danh gắn liền với sông Bạch Đằng. Tác giả đã gợi cho người đọc vẻ đẹp hùng vĩ, bát ngát mênh mông của sông Bạch Đằng. Đồng thời tác giả cũng bày tỏ được cảm xúc của mình khi đứng trước một nhân chứng lịch sử khi nhớ về quá khứ oanh liệt.

Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá
Tiếc thay dấu vết luống còn lưu

Hơn thế nữa, ta còn thấy được hào khí của quân ta trong trận chiến Bạch Đằng thông qua lời kể của các bô lão thật hào hùng và lớn mạnh qua phần bình:

Thuyền bè muôn đội, tinh kỳ phấp phới,
Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói.

Khác nào như khi xưa:
Trận Xích Bích quân Tào Tháo tan tác tro bay,
Trận Hợp Phì giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi.

Qua đó, ta thấy được những chiến công vĩ đại ấy được kể bằng giọng văn gấp gáp, khẩn trương, tái hiện được khí thế hào hùng, mang âm hưởng của bản anh hùng ca tràn đầy niềm tự hào. Lời kể của các bô lão đã nhấn mạnh được chiến thắng vẻ vang của quân dân ta và sự thất bại thảm hại của kẻ thù.

Từ đó, tác giả còn bàn về nguyên nhân của cuộc thắng lợi:

Quả là: Trời đất cho nơi hiểm trở,
Cũng nhờ: Nhân tài giữ cuộc điện an.

Theo các bô lão, thì nhân dân ta chiến thắng không chỉ nhờ địa thế hiểm trở mà còn có nhiều người tài. Một trong những nhân tài kiệt xuất thời bấy giờ là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Cuối cùng, tác giả kết thúc bài phú bằng hai lời ca. Đầu tiên là lời của các bô lão:

Sông Đằng một dải dài ghê,
Luồng to sóng lớn dồn về biển Đông.
Những người bất nghĩa tiêu vong,
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh.”

Những lời ca của bô lão cũng khẳng định được 1 triết lý vững chắc: người bất nghĩa sẽ bị diệt vong, còn anh hùng thì sẽ được lưu danh muôn thuở. Không những thế, đến đây, khách cũng nối tiếp mà ca ngợi rằng:

Anh minh hai vị thánh quân,
Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh.
Giặc tan muôn thuở thăng bình.
Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao.

Tác giả đã ca ngợi sự anh minh của vua Trần – là người có đức cao, luôn đặt quyền lợi của quốc gia lên trên quyền lợi của cá nhân. Như vậy, ta có thể thấy được nguyên nhân thắng lợi của quân ta phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó vẫn không thể thiếu được những nhân tài và người lãnh đạo có đức cao luôn biết lo cho dân, cho nước…

Qua những hoài niệm về quá khứ, Bạch Đằng giang phú đã thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc trước chiến công trên sông Bạch Đằng, đồng thời ca ngợi truyền thống anh hùng bất khuất, truyền thống đạo lý nhân nghĩa ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm cũng chứa đựng tư tưởng nhân văn cao đẹp qua việc đề cao vai trò, vị trí của con người trong lịch sử.

4. Chỉnh sửa, hoàn thiện

Đọc lại bài viết, đối chiếu với các yêu cầu của kiểu bài và dàn ý đã lập để chỉnh sửa, hoàn thiện. Chú ý các tiêu chí:

- Bài viết cung cấp cho người đọc thông tin cơ bản về tác phẩm: tác giả, nội dung chính, giá trị tư tưởng và nghệ thuật,…

- Các nội dung thuyết minh được sắp xếp hợp lí, cân đối, có trọng tâm.

- Bài viết có sự lồng ghép phù hợp giữa thuyết minh với một hoặc nhiều yếu tố bổ trợ như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận,…

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 11 Kết nối tri thức ngắn nhất, hay khác:

Tủ sách VIETJACK shopee lớp 10-11 cho học sinh và giáo viên (cả 3 bộ sách):

Săn shopee siêu SALE :

CHỈ CÒN 250K 1 KHÓA HỌC BẤT KÌ, VIETJACK HỖ TRỢ DỊCH COVID

Đăng ký khóa học tốt 11 dành cho teen 2k4 tại khoahoc.vietjack.com

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Tài liệu giáo viên