Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (Bài thơ) hoặc tác phẩm nghệ thuật (Bức tranh, pho tượng) - Chân trời sáng tạo

Với soạn bài Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (Bài thơ) hoặc tác phẩm nghệ thuật (Bức tranh, pho tượng) trang 68, 69, 70, 71, 72, 73, 74 Ngữ văn lớp 11 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 11.

Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (Bài thơ) hoặc tác phẩm nghệ thuật (Bức tranh, pho tượng) - Chân trời sáng tạo

Quảng cáo

* Tri thức kiểu bài:

- Khái niệm:

Nghị luận về một tác phẩm văn học (bài thơ) hoặc một tác phẩm nghệ thuật (bức tranh, pho tượng) là kiểu bài nghị luận dùng lí lẽ, bằng chứng để làm rõ giá trị nội dung và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ hoặc một bức tranh, pho tượng.

- Yêu cầu đối với kiểu bài:

• Về nội dung:

+ Nêu được một số nét đặc sắc về nội dung của tác phẩm (từ ngữ, hình ảnh, chủ đề tư tưởng, cảm hứng, thông điệp...) và nghệ thuật của tác phẩm (từ ngữ, hình ảnh, bố cục, thể thơ, vần, nhịp, các biện pháp nghệ thuật trong bài thơ; chất liệu, bố cục, màu sắc, chi tiết nghệ thuật... của bức tranh/ pho tượng).

+ Có những lí lẽ xác đáng, hợp lí dựa trên các bằng chứng tiêu biểu từ tác phẩm.

• Về hình thức, đảm bảo các yêu cầu của kiểu bài nghị luận: lập luận chặt chẽ; kết hợp các thao tác nghị luận; diễn đạt mạch lạc; sử dụng các phương tiện liên kết hợp lí để giúp người đọc nhận ra mạch lập luận.

• Bố cục đảm bảo ba phần:

Quảng cáo

Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận (tên tác phẩm, tác giả, khái quát nội dung, ý nghĩa của tác phẩm hoặc nêu định hướng của bài viết).

Thân bài: Lần lượt trình bày các luận điểm về những nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật; đưa ra lí lẽ và bằng chứng đa dạng, thuyết phục để làm sáng tỏ luận điểm; các luận điểm, lí lẽ, bằng chứng được sắp xếp theo trình tự hợp lí.

Kết bài: Khẳng định giá trị của tác phẩm hoặc nếu ý nghĩa của tác phẩm đối với bản thân/ người đọc.

*Hướng dẫn phân tích tác phẩm:

* Văn bản 1: Con chào mào, một thông điệp đa nghĩa (Theo Đỗ Lai Thúy)

Câu 1 (trang 70 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Cách mở bài của văn bản trên có gì đặc sắc?

Trả lời:

- Nét đặc sắc trong cách mở bài của bài viết này là từ thực tế của việc huỷ hoại môi trường dẫn dắt vào hình ảnh chim chào mào trong bài thơ; đồng thời, nêu được tên tác giả, tác phẩm.

Câu 2 (trang 70 sgk Ngữ văn 11 Tập 2):  Các luận điểm trong văn bản bàn về vấn đề gì? Những câu nào là câu chủ đề của mỗi luận điểm?

Quảng cáo

Trả lời:

- Có hai luận điểm trong văn bản, luận điểm thứ nhất bản vẽ nét đặc sắc của nội dung, luận điểm thứ hai bàn vẽ nét đặc sắc của nghệ thuật.

- Câu chủ đề của luận điểm thứ nhất là “Về nội dung, bài thơ gợi ra những thông điệp đa nghĩa, câu chủ đề của luận điểm thứ hai là “Vẽ hình thức nghệ thuật, bài thơ có nhiều nét đặc sắc”.

Câu 3 (trang 70 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Tác giả đã sử dụng những lí lẽ, bằng chứng nào để làm sáng tỏ luận điểm?

Trả lời:

- Để làm sáng tỏ luận điểm thứ nhất, tác giả đã dùng hai lí lẽ:

+  Câu chuyện về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên;

+  Giúp người đọc phân biệt được cái đẹp và cái có ích.

- Để làm sáng tỏ luận điểm thứ hai, tác giả đã dùng hai lí lẽ:

+  Hình ảnh tượng trưng, giàu ý nghĩa;

+  Ngôn ngữ thơ giản dị, gần gũi, có sức gợi cảm, kết hợp tự sự, miêu tả và biểu cảm.

- Để tăng sức thuyết phục cho lí lẽ, tác giả đã sử dụng các bằng chứng từ bài thơ: khung nắng, khung gió, nhành cây xanh; con chào mào đầm trắng mũ đỏ; tôi ôm khung nắng, khung gió…

Quảng cáo

* Văn bản 2: Thiếu nữ chơi dàn nguyệt – tranh lụa của Mai Trung Thứ

Câu 1 (trang 71 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Nội dung luận điểm thứ nhất và luận điểm thứ hai là gì?

Trả lời:

- Nội dung luận điểm thứ nhất là nội dung bức tranh, nội dung luận điểm thứ hai là kĩ thuật vẽ tranh.

Câu 2 (trang 71 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Tác giả đã dùng những lí lẽ, bằng chứng nào để làm sáng tỏ luận điểm?

Trả lời:

- Những lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ luận điểm thứ nhất là trọng tâm bức tranh, sự hoà quyện đầy uyển chuyển và trữ tình giữa hình ảnh và âm thanh, mời gọi người xem trải nghiệm khoảnh khắc được lưu lại trong bức tranh.

- Những lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ luận điểm thứ hai là bố cục bức tranh, hướng nhìn của cô gái và phông nền bức tranh.

Câu 3 (trang 71 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Cách kết luận của bài viết này có điểm gì khác với cách kết luận của bài viết “Con chào mào”, một thông điệp đa nghĩa?

Trả lời:

- Trong khi cách kết luận của "Con chào mào", một thông điệp đa nghĩa là tóm tắt nội dung, nghệ thuật của bài thơ thì cách kết luận của "Thiếu nữ chơi đàn nguyệt” – tranh lụa của Mai Trung Thứ khẳng định giá trị cũng như vai trò của bức tranh trong việc mở ra một chương mới trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam.

Thực hành viết theo quy trình:

Đề bài (trang 71 sgk Ngữ văn 11 Tập 2): Hãy viết bài văn nghị luận về một bài thơ hoặc một bức tranh/ pho tượng mà bạn yêu thích.

Bước 1: Chuẩn bị viết

 Xác định để tài

• Tìm bài thơ hay tên bức tranh/ pho tượng mà bạn yêu thích hoặc có ấn tượng mạnh mẽ.

• Liệt kê một vài lí do khiến bạn thích hoặc có ấn tượng về tác phẩm đó.

Xác định mục đích viết, đối tượng người đọc

Để bài viết đạt được hiệu quả giao tiếp, bạn hãy tự hỏi: Tôi viết bài này nhằm mục đích gì? Người đọc bài này có thể là những ai? Họ mong chờ điều gì từ bài viết của tôi?

Thu thập tư liệu

• Để có ý tưởng viết bài nghị luận về một bài thơ, bạn hãy:

– Thu thập thông tin về tác giả, thời đại, chủ đề và cảm hứng sáng tác.

– Tìm hiểu thể thơ, bố cục, cấu tứ, từ ngữ, hình ảnh, cách gieo vần, ngắt nhịp, các biện pháp tu từ giọng điệu.... và hiệu quả của các yếu tố này đối với việc thể hiện nội dung bài thơ.

– Ghi chép những suy nghĩ của bản thân về tác phẩm.

– Tìm đọc các bài viết về bài thơ (nếu có), tham khảo các ý kiến nhận xét, đánh giá của người viết về tác phẩm, ghi chép những ý kiến sâu sắc, những ý kiến trái chiều về tác phẩm.

• Để có ý tưởng viết bài nghị luận về một bức tranh/ pho tượng bạn hãy:

– Thu thập thông tin về tác giả, thời đại, chủ đề và cảm hứng sáng tác; xác định thể loại (tranh chân dung lịch sử/ tĩnh vật/ phong cảnh/...; tượng đài/ tượng tròn).

- Quan sát kĩ bức tranh/ pho tượng trên những phương diện như: kích thước (khổ tranh, kích cỡ tượng); chất liệu tranh (sơn dầu hay sơn mài, màu nước,...)/ chất liệu tượng (cẩm thạch, đồng gỗ, thạch cao,...); hình ảnh con người/ sự vật (được thể hiện theo bút pháp tả thực hay trừu tượng); màu sắc (sáng hay tối, nóng hay lạnh, rực rỡ hay êm dịu); đường nét và hình khối (thô ráp hay mượt mà, có ranh giới rõ ràng hay mờ nhoè); bố cục; không gian được thể hiện (rộng lớn hay nhỏ hẹp, sâu hay nông, khoáng đạt, tự do hay chật chội, ngột ngạt,...).

– Tác động của các thành tố đó đối với việc thể hiện nội dung bức tranh/ pho tượng. – Tìm đọc các bài viết về bức tranh pho tượng (nếu có), tham khảo các ý kiến nhận xét, đánh giá của người viết về tác phẩm, ghi chép những ý kiến sâu sắc, những ý kiến trái chiều về tác phẩm.

• Xác định các yếu tố của bài thơ, bức tranh/ pho tượng đã kết hợp với nhau như thế nào để tạo ra một tổng thể toàn vẹn và tổng thể đó có tác động như thế nào đối với bạn.

Lưu ý: Khi ghi chép thông tin về bài thơ/ bức tranh/ pho tượng, bạn cần ghi đầy đủ nguồn tài liệu: tên tác giả, tên bài viết, tên sách/ tạp chí/ trang web, năm công bố bài viết. Nếu thông tin được tìm trên trang web thì cần ghi rõ thời điểm bạn truy cập trang web đó.

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

Tìm ý

Bạn có thể tham khảo phiếu tìm ý sau đây để xác định một số nét về nội dung và nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm:

Phiếu tìm ý

Nghị luận về một bài thơ

 

Tên bài thơ: ………………………………… Thể loại: ………………………….

Tên tác giả: ……………………………………………………………………….

Nội dung

Một số nét đặc sắc về nghệ thuật

Nêu nội dung

Nhận xét

Nét đặc sắc

Nhận xét

Đề tài

Kết cấu/ bố cục

Chủ đề

Từ ngữ, hình ảnh

Cảm hứng chủ đạo

Vần, nhịp

Thông điệp

 

Phiếu tìm ý

Nghị luận về một bức tranh/ pho tượng

 

Tên bức tranh/ pho tượng: ………………… Chất liệu: ………………………….

Tên tác giả: ………………………………… Thể loại: ………………………….

Nội dung

Một số nét đặc sắc về nghệ thuật

Nêu nội dung

Nhận xét

Nét đặc sắc

Nhận xét

Đề tài

Kết cấu/ bố cục

Chủ đề

Đường nét,

hình khối

Cảm hứng chủ đạo

Màu sắc

Thông điệp

 

Lưu ý: Bạn không cần nêu tất cả các yếu tố về nội dung và hình thức của tác phẩm mà chỉ cần nêu một số nét mà bạn cho là đặc sắc nhất để bàn luận.

Lập dàn ý

Sắp xếp các ý đã tìm thành một dàn ý.

• Giới thiệu tên tác phẩm, tác giả, khái quát nội dung ý nghĩa của tác phẩm.

• Lần lượt nêu từng luận điểm (ít nhất là hai luận điểm).

• Luận điểm thứ nhất: nêu và nhận xét về nội dung tác phẩm.

• Luận điểm thứ hai: nêu và nhận xét một số nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm. • Mỗi luận điểm cần được làm sáng tỏ bằng lí lẽ và bằng chứng.

Lưu ý: Có thể hoán đổi vị trí của luận điểm thứ nhất và thứ hai.

• Khẳng định giá trị của tác phẩm hoặc nêu ý nghĩa của tác phẩm đối với bản thân/ người đọc.

Bước 3: Viết bài

Từ dàn ý đã lập, bạn hãy viết bài văn theo một số gợi ý:

• Nêu rõ luận điểm trong câu chủ đề.

• Sắp xếp các ý theo một trình tự hợp lí.

Ví dụ: Nếu những nét đặc sắc về nghệ thuật được xếp là luận điểm thứ nhất thì bạn cần làm rõ những nét đặc sắc đó đã góp phần làm rõ nội dung tác phẩm như thế nào (luận điểm thứ hai).

• Có thể trích dẫn một số ý kiến đánh giá về tác phẩm của các nhà phê bình văn học/nghệ thuật để tăng sức thuyết phục cho lí lẽ và bằng chứng.

Lưu ý: Cách triển khai luận điểm khi nghị luận về một bài thơ và nghị luận về một bức tranh/ pho tượng có sự khác nhau (xem lại "Con chào mào”, một thông điệp đa nghĩa và "Thiếu nữ chơi đàn nguyệt” – tranh lựa của Mai Trung Thứ) để thấy rõ sự khác biệt này.

Bước 4: Xem lại và chính sửa

• Sau khi viết xong hãy kiểm tra lại bài viết của mình theo mẫu bảng kiểm ở Bài 3. Khát khao đoàn tụ (Ngữ văn 11, tập một), lưu ý đến một số khác biệt về đặc điểm của kiểu bài.

• Sau khi chỉnh sửa những điểm chưa đạt, hãy chia sẻ bài viết của mình với các bạn trong lớp.

Bài viết tham khảo:

Hồ Xuân Hương là một trong những nữ sĩ tài danh của nước ta vào nửa cuối thể kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Dù là người con gái tài danh nhưng cuộc đởi truân chuyên, hồng nhan bạc mệnh như bao người phụ nữ sống dưới xã hội phong kiến đầy bất công. Bà đã rất nhiều lần mang cái thân phận nhỏ bé ấy của người phụ nữ sống dưới chế độ cũ vào trang thơ của mình. Tự tình là một trong những sáng tác hay của Hồ Xuân Hương khi thể hiện nỗi đau đớn, buồn tủi trước những tình cảnh éo le của mình, đồng thời thể hiện khát khao mãnh liệt về hạnh phúc cuộc đời.

Bài thơ được thể hiện dưới dạng thể thơ thất ngôn bát cú đường luật. Mở đầu bài thơ là hai câu đề giới thiệu không gian và thời gian của nhân vật trữ tình:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non”

Nhà thơ mở đầu bài thơ với thời gian là một đêm khuya vắng. Người ta thường nói “đêm khuya” thường là lúc con người ta bắt đầu suy tư, đầy tâm trạng. Và ở đây với Hồ Xuân Hương cũng vậy. Thời điểm rất hợp với những tâm sự chất chứa trong lòng bà. Âm thanh “văng vẳng” của tiếng trống canh dồn cho người đọc thấy được đó là những âm thanh từ xa vọng lại cứ văng vẳng bên tai người thi sĩ. Và hẳn là một đêm đã khuya lắm rồi, yên tĩnh lắm mới cảm nhận được tiếng trống từ xa vọng lại như thế. Hai từ “hồng nhan” kết hợp với tính từ “trơ” được đảo lên đầu câu thơ như nhấn mạnh sự buồn tủi, cô đơn đến bẽ bàng của người phụ nữ. “Nước non” là một không gian rộng lớn bao la, hình ảnh ẩn dụ của cả một xã hội đầy rẫy những bất công. Hình ảnh “hồng nhan” thật nhỏ nhoi đối lập với sự rộng lớn của “nước non” càng gợi lên sự nhỏ bé, tủi hổ của người phụ nữ trước cuộc đời này. Chỉ có một hồng nhan đương đầu với nước non càng khẳng định sự trống vắng, cô lieu và sự đơn độc trong tâm hồn người thi sĩ.

Trước không gian buồn vắng, nhà thơ tiếp tục nói lên hoàn cảnh eo le và nỗi đau cho thân phận của mình trong hai câu thực:

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”

Không một ai quan tâm, không một ai để giãi bày tâm sự, người thi sĩ mượn “chén rượu” để giải tỏa cho nỗi lòng của mình. Nhưng dường như càng uống lại càng tỉnh, tỉnh lại say. Cụm từ “say lại tỉnh” cho thấy tâm trạng đau đớn, xót xa của Hồ Xuân Hương. Bà uốn say để quên đi những ưu phiền nhưng rồi cứ say lại tỉnh, và đã tỉnh lại nghĩ đến nỗi đau, ray rứt của bản thân. Không chỉ có rượu mà trong câu còn xuất hiện vầng trăng như một người bạn. Nhưng vầng trăng ấy cũng không được tròn đầy viên mãn, mà lại “khuyết chưa tròn”. Bà nhìn lên vầng trăng cũng chỉ thấy một vầng trăng “khuyết”. Đó là hình ảnh ẩn dụ cho sự dang dở trong hạnh phúc cuộc đời bà. Đúng như Nguyễn Du có viết “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Khi buồn thì nhìn đâu cũng chỉ thấy cảnh sầu mà thôi.

Từ những nỗi phẫn uất trong lòng, tâm trạng nhà thơ thêm dồn nén như muôn tức nước vỡ bờ:

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”

Nhà thơ nhìn thấy những hình ảnh thiên nhiên chỉ thấy “đất” “rêu” “mây” “đá”. Cảnh vật xơ xác, hoang tàn không một sức sống mà chỉ thấy một màu u ám, cứng nhắc. Các động từ mạnh “xiên ngang” “đâm toạc” được đảo lên đầu câu nhấn mạnh một sự đấu trọi của thiên nhiên. Sự đối chọi nhỏ bé của “rêu” với mặt đất rộng, của “mấy hòn đá” nhỏ nhoi với “chân mây” lớn như hình ảnh ẩn dụ cho cái sự bức bối, muốn phá phách, muốn vùng lên phản kháng của người phụ nữ. Đọc tơi đây, người đọc nhận thấy một sự mãnh mẽ muốn đạp lên những bất công để đòi lại công bằng cho thân phận bé nhỏ của nhà thơ. Tâm trạng ở những câu thơ này dường như dâng lên đến cao trào.

Kết lại bài thơ thất ngôn bát cú, thi sĩ quay lại với tâm trang chán nản đến ngao ngán, đau khổ trước tình duyên ngang trái, éo le:

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tỉnh san sẻ tí con con”

Từ “ngán” được đặt ở đầu câu thơ nhắn mạnh nỗi chán chường trong lòng người thi sĩ. Cụm từ “xuân đi” đối lập với “xuân lại lại” thể hiện một sự buồn chán và tẻ nhạt. Cụm từ “mảnh tình” cho thấy một thứ tình cảm nhỏ bé như một “mảnh” có thể đếm đong được. Đã nhỏ bé đến mức có thể đong đếm được lại còn phải “san sẻ” cho người khác từng “tí con con”. Cụm từ “tí con con” càng cho thấy thứ tình cảm đang phải san sẻ kia quá nhỏ bé, nhỏ bé đến mức không còn nhỏ hơn được nữa. Đọc tới đây, người đọc càng hiểu được nỗi niềm buồn đau của nữ sĩ. Điều đó cũng từng được thể hiện trong bài thơ khác:

“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”

Tự tình là một bài thơ đặc sắc của nhà thơ Hồ Xuân Hương. Bài thơ đã thể hiện sâu sắc nỗi buồn đau, tủi hổ và cô đơn của thân phận người phụ nữ trước tình cảnh éo le trong tình duyên. Qua đó cũng thể hiện niềm khát khao mãnh liệt muốn vùng lên vượt khỏi bi kịch cuộc đời ấy nhưng vẫn chưa tìm ra lối thoát. Bài thơ điển hình cho nỗi đau chung của người phụ nữ sống trong xã hội cũ, để lại những ấn tượng sâu lắng trong trái tim độc giả.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 11 Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn khác:

Tủ sách VIETJACK shopee lớp 10-11 cho học sinh và giáo viên (cả 3 bộ sách):

Săn shopee siêu SALE :

CHỈ CÒN 250K 1 KHÓA HỌC BẤT KÌ, VIETJACK HỖ TRỢ DỊCH COVID

Đăng ký khóa học tốt 11 dành cho teen 2k4 tại khoahoc.vietjack.com

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Tài liệu giáo viên