Top 30 Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ

Tổng hợp trên 30 đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ hay nhất với dàn ý chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Top 30 Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ (hay nhất)

Quảng cáo

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ - mẫu 1

“Mây và sóng” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Ta-go. Bài thơ đã gợi ra cho người đọc cảm nhận sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng. Em bé trong bài thơ được mời gọi đến thế giới kỳ diệu ở “trên mây” và “trong sóng”. Với sự hiếu kỳ của một đứa trẻ, em đã cất tiếng hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”, “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”. Nhưng khi em bé nhớ đến mẹ vẫn luôn chờ đợi mình ở nhà, em đã từng chối đầy kiên quyết: “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”, “Làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”. Chẳng có niềm hạnh phúc nào bằng được ở bên cạnh mẹ mặc dù thế giới ngoài kia nhiều hấp dẫn. Để rồi, em bé đã sáng tạo ra những trò chơi còn thú vị hơn của những người “trên mây” và “trong sóng”. Trong trò chơi đó, em sẽ là mây, là sóng tinh nghịch nô đùa; còn mẹ sẽ là vầng trăng, là bờ biển dịu hiền, ôm ấp và che chở con. Những câu thơ giàu tính tự sự và miêu tả nhưng lại góp phần bộc lộ cảm xúc của nhân vật trong bài thơ. Ta-go đã sử dụng trong bài thơ những lời thoại, chi tiết được kể tuần tự, vừa lặp lại vừa biến hóa kết hợp với hình ảnh giàu tính biểu tượng. Bài thơ chính là một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.

Quảng cáo

Dàn ý Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ

- Mở bài: Nêu cảm nghĩ chung về bài thơ. Dẫn ra khổ thơ, đoạn thơ có nội dung hoặc nghệ thuật đặc sắc mang lại cho em nhiều cảm xúc

- Thân bài: Nêu cụ thể cảm xúc của em về yếu tố nội dung hoặc nghệ thuật đặc sắc khiến em yêu thích

Ví dụ: nêu cảm xúc về hai dòng thơ cuối của bài thơ: “Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?”. Hai dòng thơ cuối gợi cho người đọc sự xúc động, sâu lắng bởi tình cảm và tấm lòng hiếu thảo của nhà thơ. Sử dụng biện pháp tu từ hoán dụ, lấy hình ảnh “bàn tay mẹ mỏi” để chỉ người mẹ già suốt đời vì con đã không còn sức lực nữa. Tiếp đến là biện pháp tu từ ẩn dụ, dùng hình ảnh “quả non xanh” chỉ sự chưa trưởng thành, còn nôn dại, vụng về của chính mình (người con). Hai dòng thơ đã diễn tả được tâm trạng lo lắng, trăn trở, pha chút ân hận của nhà thơ: mẹ già rồi mà mình vẫn còn non nớt, vụng dại…

- Kết bài: Khái quát lại suy nghĩ của bản thân về yếu tố đã mang lại cảm xúc ấy.

Ví dụ: Hai dòng thơ thể hiện cái nhìn tinh tế, nỗi xúc động của nhà thơ và nói giúp được nhiều người tình cảm quý trọng, thương yêu mẹ vô cùng.

Quảng cáo

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ - mẫu 2

Mẹ là đề tài muôn thủa trong thi ca, Nguyễn Khoa Điềm góp nhặt vào đề tài ấy bài thơ Mẹ và quả. Xuyên suốt bài thơ là hình ảnh mẹ và quả, qua đó thể hiện sự tảo tần của người mẹ và tình yêu thương mẹ của người con. Trong đó ấn tượng hơn cả là câu thơ: còn những bí và bầu thì lớn xuống/ chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn. Hai dòng thơ gợi cho người đọc sự xúc động bởi sự vất vả tảo tần của mẹ. Hai câu thơ có sự liên tưởng so sánh độc đáo giữa giọt mồ hôi vất vả của mẹ nuôi ta khôn lớn, nó cứ dài ra, nặng thêm như những quả bầu, quả bí. Qua đó em thấy được sự hy sinh thầm lặng của mẹ, và lòng biết ơn vô bờ của người con về công dưỡng dục sinh thành của mẹ hiền. Thông qua đó em biết ơn công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, sự tảo tần hi sinh thầm lặng vì con cái của cha mẹ. Em tự hứa với bản thân sẽ cố gắng thật nhiều để cha mẹ không phải phiền lòng!

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ - mẫu 3

Quảng cáo

Bài thơ Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông là một bài thơ viết về hình ảnh cha con để nói lên những ước mơ, khát vọng. Nhiều người khi đọc bài thơ này hẳn sẽ ấn tượng với hình ảnh cánh buồm, nhưng em lại ấn tượng với hình ảnh ánh nắng in lên vai hai cha con: "Ánh nắng chảy đầy vai". "Chảy" vốn là một từ được dùng cho chất lỏng, không phải cho ánh sáng. Vậy mà nhà thơ lại sử dụng nó để miêu tả sự chiếu sáng của ánh nắng. Vậy là từ một thứ không cầm nắm được, giờ đây ánh sáng đã được cụ thể hóa. Chính việc sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ này đã làm cho câu thơ gợi cảm hơn, khiến cho người đọc có nhiều liên tưởng hơn. Bài thơ Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông không chỉ có ý nghĩa về mặt nội dung, mà ở hình thức nghệ thuật của nó cũng thật ý nghĩa vì đã tạo nên những liên tưởng gợi cảm.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ - mẫu 4

Có biết bao bài thơ viết về tình cha con nhưng em đặc biệt yêu thích và ấn tượng với bài thơ "Những cánh buồm" của tác giả Hoàng Trung Thông. Đây là tác phẩm viết rất hay về tình cảm gia đình, đặc biệt là tình cảm cha con gắn bó, thiêng liêng, sâu sắc. Trong văn bản, điều khiến em rung cảm là tình yêu thương và sự ân cần của người cha dành cho con. Lòng cha dâng lên nỗi niềm hạnh phúc khi dắt tay con đi trên bãi cát "dưới ánh mai hồng". Thấy con bước đi trên bờ biển, lòng cha "vui phơi phới". Từ "phơi phới" đã diễn tả được hết sự vui sướng của cha. Cha luôn nâng niu, trân trọng từng khoảnh khắc bên con. Cụm từ "cha dắt con đi" được lặp lại nhiều lần nhằm nhấn mạnh vào tình cảm yêu thương và sự đồng hành của cha trên bước đường cùng con chinh phục tương lai. Cha giống như cánh buồm, luôn đồng hành, dẫn bước. Đối với con, cha luôn âu yếm, nhẹ nhàng. Cha xoa đầu, mỉm cười nhìn con. Cha từ tốn giải thích cho con sự bao la, rộng lớn của đất trời: "Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa/ Sẽ có cây, có cửa, có nhà,/ Vẫn là đất nước của ta,/ Ở nơi đó cha chưa hề đi đến.". Để rồi khi đứng trước mong ước được khám phá thế giới của con, người cha dâng lên niềm hạnh phúc, vui sướng "Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận/ Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con". Có thể nói, bằng cách kết hợp giữa yếu tố tự sự với miêu tả, sử dụng từ ngữ giàu sức gợi và hình ảnh quen thuộc, gần gũi với đời sống hàng ngày, tác giả Hoàng Trung Thông đã thể hiện một cách đầy tinh tế nỗi lòng, tình cảm của người cha. Từ đây, em càng thêm yêu và trân trọng những giây phút được ở bên gia đình.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ - mẫu 5

Nhà thơ Hoàng Trung Thông đã để lại cho em những ấn tượng mạnh mẽ qua bài thơ "Những cánh buồm". Tác phẩm của ông là tiếng lòng của người cha chan chứa tình yêu thương dành cho con. Bên cạnh hình ảnh người cha ân cần, luôn quan tâm, che chở, đồng hành cùng con trên bước đường hướng đến tương lai thì hình ảnh người con lại cho em thấy được sự tin tưởng, yêu thương dành cho cha của mình. Cha và con đi dạo trên bờ biển. Con hướng mắt về phía đằng xa rồi cất lên câu hỏi đầy thơ ngây: "Cha ơi/ Sao xa kia chỉ thấy nước, thấy trời/ Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?". Từ câu hỏi của đứa con, em có thể thấy, trong lòng con, cha là người có thể giải đáp mọi băn khoăn, thắc mắc. Đồng thời, dòng thơ còn cho thấy người con luôn muốn học hỏi, tìm tòi mọi thứ. Tiếp đến, con còn là đứa trẻ mang trong mình hoài bão, khát vọng được tìm hiểu thế giới, đi đến những chân trời, vùng đất bao la, rộng lớn. Con "trỏ cánh buồm xa nói khẽ": "Cha mượn cho con buồm trắng nhé,/ Để con đi...". Câu nói ấy thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối mà con dành cho cha mình. Khát vọng của con chính là ước mơ của cha thuở nào. Hình ảnh cánh buồm vì thế cũng trở nên thật sâu sắc, chứa đựng nhiều ý nghĩa. Nó không chỉ biểu trưng cho hoài bão của bao thế hệ mà còn đại diện cho tinh thần, ý chí sẵn sàng đối mặt, đương đầu với phong ba bão táp để vươn tới thành công. Như vậy, với lời thơ dạt dào cảm xúc, chan chứa tình yêu thương và hình ảnh thơ gần gũi, nhà thơ Hoàng Trung Thông đã thể hiện một cách đầy tinh tế tình cảm của hai cha con. Qua văn bản, em càng thêm cảm phục, ngưỡng mộ trước tài năng của tác giả.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ - mẫu 6

Đối với em, một trong những tác phẩm hay viết về tình cha con là bài thơ "Những cánh buồm" do Hoàng Trung Thông sáng tác. Qua bài thơ, tác giả muốn ca ngợi tình cảm gia đình gắn bó. Trước hết, điều mà em ấn tượng nhất trong văn bản là sự ân cần, quan tâm của người cha dành cho con. Sau trận mưa đêm, cha và con cùng nhau đi dạo "dưới ánh mai hồng". Nhìn thấy con bước đi, lòng cha dâng lên một niềm vui sướng, hạnh phúc "Nghe con bước lòng cha vui phơi phới". Có lẽ, một khoảnh khắc bên con, cha luôn nâng niu, trân trọng. Đứng trước câu hỏi đầy ngô nghê, non nớt, cha có hành động rất dịu dàng, nhẹ nhàng: "mỉm cười xoa đầu con nhỏ". Đồng thời, từ tốn giải thích cho con về sự rộng lớn của biển khơi, trời đất "Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa/ Sẽ có cây, có cửa, có nhà,/ Vẫn là đất nước của ta,/ Ở nơi đó cha chưa hề đi đến.". Hình ảnh "cha dắt con đi" xuất hiện hai lần ở khổ hai và khổ bốn đã diễn tả tình yêu thương cũng như gợi lên sự đồng hành, dẫn dắt của cha trên hành trình cùng con đi đến tương lai. Để rồi, khi thấy con mơ ước đến khám phá, đi đến chân trời mới, cha hạnh phúc khôn nguôi. Ước mơ ấy của con cũng chính là hoài bão, khát vọng của cha ngày nào: "Lời của con hay tiếng sóng thầm tì/ Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm". Bên cạnh hình ảnh người cha giàu tình yêu thương là tình cảm sâu sắc và niềm tin yêu của đứa con bé nhỏ. Trong mắt đứa trẻ ấy, cha là người có thể giải đáp mọi thắc mắc, băn khoăn: "Sao xa kia chỉ thấy nước, thấy trời/ Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?". Con mong "Cha mượn cho con buồm trắng nhé,/ Để con đi...". Dòng thơ cho thấy sự tin tưởng tuyệt đối mà con dành cho cha. Đối với con, cha chính là người bạn, người đồng hành tin cậy, sẵn sàng giúp đỡ, yêu thương vô điều kiện. Ngoài nội dung, nét đặc sắc về nghệ thuật cũng góp phần tạo nên thành công cho văn bản. Tác giả đã vận dụng các biện pháp tu từ độc đáo như điệp ngữ "không", ẩn dụ chuyển đổi cảm giác "Ánh nắng chảy đầy vai" cùng hệ thống từ ngữ giàu sức gợi hình, gợi cảm. Việc đan xen, kết hợp giữa yếu tố tự sự và miêu tả đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện chủ đề, cảm hứng của bài thơ. Có thể nói, tác phẩm đem đến cho em những ấn tượng khó phai về tình cảm cha con thắm thiết.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ - mẫu 7

Mặc dù đã được đọc và học không ít bài thơ viết về mẹ nhưng em đặc biệt ấn tượng với tác phẩm "Mẹ và quả" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Bài thơ đã đem đến cho em những cảm nhận sâu sắc về tình cảm yêu thương, biết ơn của người con dành cho mẹ. Mẹ hiện lên thật giản dị, gần gũi với hình ảnh chăm bón cho "bí" và "bầu". "Những mùa quả lặn rồi mọc" như sự tuần hoàn, lặp lại không ngừng của thời gian. Quanh năm suốt tháng, mẹ vẫn cần mẫn gieo trồng, chăm bón cho bí và bầu lớn lên. Bởi vậy, "bí" và "bầu cứ dần dần "lớn xuống", "mang dáng giọt mồ hôi mặn". Đó chính là công sức của mẹ bỏ ra để ươm mầm những loài cây. Mẹ mang vẻ đẹp của người phụ nữ tần tảo, rất giàu đức hi sinh. Bên cạnh hình ảnh người mẹ, điều khiến em ấn tượng nhất đó chính là tình cảm của nhân vật trữ tình. Chứng kiến sự vất vả của mẹ, người con luôn ghi nhớ, biết ơn "Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên". Nhờ sự chăm chút, nuôi dưỡng ấy mà những đứa con mới có thể trưởng thành, khôn lớn. Cũng giống như quả bí, quả bầu phát triển là nhờ những giọt mồ hôi, nhọc nhằn của mẹ. Để rồi, hoảng hốt, sợ hãi một "ngày bàn tay mẹ mỏi" mà "Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?". Chủ thể trữ tình lo sợ một ngày mẹ già yếu còn mình thì chưa đủ chín chắn, chưa làm được những điều xứng đáng với chờ mong của mẹ. Như vậy, bằng hình ảnh thơ gần gũi, quen thuộc với đời sống thường nhật, nhịp thơ linh hoạt, cùng biện pháp tu từ độc đáo như: so sánh "Như Mặt Trời, khi như Mặt Trăng"; đối lập "Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên/ Còn những bí và bầu thì lớn xuống"; hoán dụ, nói giảm nói tránh "Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi"; ẩn dụ "Mình vẫn còn một thứ quả non xanh", tác giả đã thể hiện một cách đầy tinh tế, sâu sắc tình cảm thương yêu dành cho mẹ của mình. Qua bài thơ, em càng thêm trân trọng những phút giây bên mẹ và cố gắng học tập để mẹ vui lòng.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ - mẫu 8

Nhắc đến nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, em vô cùng ấn tượng trước sáng tác "Mẹ và quả" của ông. Đây quả là một tác phẩm hay và sâu sắc khi viết về tình mẫu tử cao đẹp, thiêng liêng, sâu nặng. Trong toàn bộ văn bản, điều khiến em yêu thích nhất chính là khổ cuối cùng: "Và chúng tôi, một thứ quả trên đời/ Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái/ Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh". Ở hai dòng thơ đầu: "Và chúng tôi, một thứ quả trên đời/ Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái", tác giả đã đem đến cho em những cảm nhận về sự trân trọng, biết ơn của người con dành cho mẹ. Nhân vật trữ tình coi mình như một loại quả. Thứ quả ấy lớn lên nhờ tình yêu thương, chăm sóc, chở che của mẹ. "Bảy mươi tuổi" chính là cột mốc quan trọng của đời người. Mẹ đã đi quá nửa cuộc đời, đã trở nên già yếu. Đây cũng là lúc mẹ mong chờ được "hái" loại quả mà mình thương yêu nhất. Mẹ muốn nhìn thấy các con khôn lớn, trưởng thành. Đặc biệt, em vô cùng ấn tượng trước tình cảm chân thành, da diết của người con ở hai dòng cuối cùng: "Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh". Câu thơ ấy khơi gợi sự xúc động, sâu lắng trong lòng người đọc bởi tình cảm và tấm lòng hiếu thảo của nhà thơ. Với biện pháp hoán dụ, lấy hình ảnh "bàn tay mẹ mỏi", tác giả muốn diễn tả sự già yếu của mẹ. Tiếp đó là biện pháp ẩn dụ "mình vẫn còn một thứ quả non xanh?", đối lập với tuổi cao, sức yếu của mẹ là sự non nớt, chưa trưởng thành của con. Con lo sợ mẹ già rồi mà mình vẫn còn vụng dại, chưa kịp trưởng thành, lớn khôn. Như vậy, bằng các biện pháp tu từ độc đáo như ẩn dụ, hoán dụ, tác giả đã diễn tả được tình cảm sâu nặng dành cho người mẹ kính yêu. Từ đây, em càng thêm trân trọng, yêu thương mẹ của mình.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ - mẫu 9

Với lời thơ mộc mạc, gần gũi, "Mẹ và quả" của Nguyễn Khoa Điềm đã để lại cho em những rung cảm và niềm xúc động sâu sắc. Bài thơ là lời giãi bày chân thành, dạt dào cảm xúc của người con dành cho mẹ. Hình ảnh mẹ hiện lên thật chân thực, rõ nét. Trong trái tim con, mẹ là người phụ nữ tảo tần, giàu đức hi sinh. Mẹ luôn vun vén bồi đắp cho những cây quả lớn lên. Quanh năm suốt tháng, mồ hôi mẹ cứ vậy mà nhỏ xuống để những mùa quả "lặn" rồi lại "mọc". Chính điều đó đã khiến cho người con thêm trân trọng, nâng niu, biết ơn sự hi sinh thầm lặng của mẹ. Ở hai câu thơ "Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên/ Còn những bí và bầu thì lớn xuống", tác giả đã sử dụng biện pháp đối lập, tương phản. Câu thơ vừa mang nghĩa tả thực, vừa mang ý nghĩa biểu trưng sâu sắc. Cả con và bầu, bí đều lớn lên từ đôi bàn tay cần mẫn và tình yêu thương của mẹ. Người con muốn bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc dành cho mẹ, người đã vì con mà vất vả, nhọc nhằn. Đến khổ thơ cuối cùng, nhân vật trữ tình "hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi". Tác giả lấy hình ảnh "bàn tay mẹ mỏi" để chỉ người mẹ đã già yếu, đến cái tuổi "gần đất xa trời". Hai dòng thơ cuối: "Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh" đã diễn tả được tâm trạng lo lắng, trăn trở, pha chút ân hận của nhân vật trữ tình. Chủ thể trữ tình lo rằng mẹ già rồi mà mình vẫn còn vụng dại, chưa kịp khôn lớn, trưởng thành. Để thể hiện một cách sâu sắc nội dung, tác giả đã sử dụng hàng loạt các biện pháp tu từ độc đáo như ẩn dụ, so sánh, hoán dụ, nói giảm nói tránh và hình ảnh gần gũi, giản dị. Qua tác phẩm, em càng thêm trân trọng những phút giây được ở bên mẹ của mình.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ - mẫu 10

Với tác phẩm "Mẹ và quả", nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã mang đến cho độc giả rất nhiều xúc cảm. Bằng việc sử dụng những hình ảnh giản dị, thân thuộc cùng giọng điệu đằm thắm, sâu lắng, nhà thơ đã tái hiện lại bức chân dung người mẹ tảo tần, lam lũ. Một tay mẹ nuôi lớn đàn con thơ, chăm lo cho những mùa quả "lặn rồi lại mọc". Hai câu thơ: "Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên/Còn bí và bầu thì lớn xuống" đã sử dụng rất thành công biện pháp đối lập. Nhờ sự nuôi dưỡng của mẹ, những đứa con trở nên ngày một cao lớn, trong khi những quả bí, quả bầu lại dần trĩu nặng, chạm xuống mặt đất. Với hình dáng "giọt mồ hôi mặn", những thứ quả đó đã nói lên sự vất vả, cực nhọc mà người mẹ phải trải qua. Tuy nhiên, "thứ quả" mẹ mong muốn được hái nhất lại là các con: "Và chúng tôi, một thứ quả trên đời/Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái". Bao công sức, hi sinh đều chỉ để đổi lại sự trưởng thành, khôn lớn của con. Nhìn bóng lưng mẹ ngày một còng xuống, số tuổi thì ngày càng cao lên, người con khéo léo bày tỏ nỗi sợ trong lòng: "Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/Mình vẫn còn một thứ quả non xanh". Nhân vật trữ tình giật mình thảng thốt, lo lắng rằng đến khi mình "chín" thì mẹ lại không còn ở bên. Qua tác phẩm, ta thấy được tình cảm và sự hi sinh cao cả của mẹ cũng như sự biết ơn sâu sắc của những đứa con với đấng sinh thành.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ - mẫu 11

"Mẹ và quả" là một tác phẩm xuất sắc của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Ngay từ nhan đề bài thơ, ta đã thấy được những ẩn ý sâu xa của người nghệ sĩ. Hình ảnh về "những mùa quả" được lặp lại nhiều lần tượng trưng cho sự chảy trôi của thời gian. Chúng cứ nối đuôi nhau "lặn rồi lại mọc", như Mặt Trời và Mặt Trăng, khiến ta cảm nhận được thời gian trôi qua với một tốc độ khủng khiếp. Điều đó đồng nghĩa với việc mẹ đang ngày một già đi, dần dần "mỏi" và không còn có thể ở mãi bên các con được nữa. Nó khiến cho nhân vật trữ tình vô cùng hoảng sợ. Cả đời mẹ vất vả, tần tảo, không màng khó khăn để nuôi các con "lớn lên", chăm giàn bầu, giàn bí "lớn xuống". Hình ảnh đối lập hết sức độc đáo kia làm cho bài thơ trở nên ấn tượng hơn rất nhiều. Những quả bí, quả bầu mang hình dáng "giọt mồ hôi mặn" hay chính công sức, thời gian mẹ đã hi sinh để nuôi lớn đàn con. Vậy mà "thứ quả" duy nhất mẹ mong lại đơn giản là sự trưởng thành, khôn lớn của đứa con ấy. Chủ thể trữ tình đã hoảng sợ, không phải vì áp lực phải thành công, mà là sợ mình sẽ không "chín" kịp lúc để báo đáp, phụng dưỡng mẹ. Mẹ vất vả vì ta suốt bao nhiêu năm, liệu ta có thể đỡ đần, lo lắng cho người trước khi tay người "mỏi"? Đó là câu hỏi, là nỗi trăn trở khôn nguôi trong lòng người con cũng như độc giả. Và giờ đây, ta mới hiểu rõ ràng hơn về nhan đề "Mẹ và quả". "Quả" có thể là bí, là bầu, là loài cây được tay mẹ vun trồng, chăm sóc và cũng là đứa con bé bỏng, ngây dại. Hai hình ảnh đặt cạnh nhau khiến cho cảm xúc của bài thơ dâng trào mãnh liệt. Qua đó, người đọc lại càng thêm yêu quý, biết ơn và trân trọng người mẹ đáng kính của mình hơn.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ - mẫu 12

Bài thơ "Mẹ và quả" của Nguyễn Khoa Điềm là một tác phẩm vô cùng ý nghĩa. Với những hình ảnh vô cùng giản dị, thân thuộc cùng giọng điệu tha thiết, nhẹ nhàng, tác giả đã đem đến cho chúng ta những thông điệp đầy xúc động về tình mẫu tử. Nhân vật chính của tác phẩm là người mẹ - một người phụ nữ tần tảo, chịu thương chịu khó, luôn hết mình để nuôi các con khôn lớn, trưởng thành. Hình ảnh mẹ hiện lên gắn liền với "những mùa quả" nối tiếp nhau, cứ "lặn" rồi lại "mọc" như Mặt Trăng, Mặt Trời. Điều đó khiến ta liên tưởng tới sự chảy trôi vô tận, phũ phàng của thời gian. Nó khiến cho những đứa con "lớn lên", những quả bầu, quả bí "lớn xuống", đồng thời cũng phủ một lớp sương trắng xóa lên mái tóc mẹ. Bờ vai mẹ đã gồng gánh cả một gia đình suốt bao năm qua, nhưng bà không cần bất cứ điều gì cho riêng bản thân mình. Ước mong lớn lao nhất của mẹ "Bảy mươi tuổi đợi chờ được hái" chính là sự khôn lớn, trưởng thành của các con. Nhắc đến đây, nội tâm nhân vật trữ tình bắt đầu hoảng sợ thời gian sẽ cướp đi đấng sinh thành, hoảng hốt vì không biết liệu đến khi "bàn tay mẹ mỏi" thì mình đã "chín" chưa hay vẫn chỉ là "một thứ quả non xanh". Với bổn phận và tấm lòng biết ơn, chủ thể trữ tình luôn mong muốn được báo đáp người mẹ đáng kính. Chắc chắn, ai trong chúng ta cũng đều có thể đồng cảm và thấu hiểu cho cảm xúc đó. Tình cảm dạt dào, sự hi sinh cao cả mà không cần hồi đáp của người mẹ đã khiến độc giả vô cùng xúc động. Qua đây, ta lại càng cảm nhận được sự thiêng liêng của tình mẫu tử, thêm biết ơn về những gì mà gia đình đem đến.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ - mẫu 13

“Những cánh buồm” là bài thơ mà tôi cảm thấy yêu thích nhất. Trong những câu thơ mở đầu, Hoàng Trung Thông đã khắc họa một không gian khoáng đãng của biển cả, với ánh mắt trời rực rỡ. Hình ảnh người cha và đứa con bước đi trên cát cho thấy sự gắn bó, gần gũi. Cha bỗng trở nên già dặn hơn, tuổi đời như trải dài trong chiếc bóng dài lênh khênh. Còn đứa con thì lại trở nên thật bé bỏng, đáng yêu trong chiếc bóng tròn chắc nịch. Hình ảnh đối lập của bóng cha và bóng con thật ngộ nghĩnh, dễ thương càng khắc sâu thêm sự khác biệt của hai thế hệ cha - con. Khi nhìn về phía chân trời, đứa trẻ đã hỏi cha răng ở đó có những gì. Câu trả lời của người cha đã khơi gợi trí tò mò của đứa trẻ về một thế giới mà ngay cả người lớn như cha của mình vẫn chưa hề đi đến. Điều đó làm con khao khát được khám phá, vì vậy mà con đã mong muốn cha mượn một cánh buồm “trắng” để con đi. Người con muốn đi khắp nơi, muốn chinh phục thế giới rộng lớn ngoài kia. Và cha đã bắt gặp chính mình trong ước muốn của con. Vậy là, giờ đây, ước mơ chưa thể thực hiện của cha sẽ được gửi gắm nơi con. “Những cánh buồm” được đánh giá là một trong những tác phẩm hay về ngôn từ, âm hưởng và có sức gợi cảm.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ - mẫu 14

Khi tìm hiểu về thơ của Hoàng Trung Thông, tôi đặc biệt yêu thích bài thơ Những cánh buồm. Mở đầu bài thơ, tác giả đã khắc họa một không gian rộng lớn của biển cả, có bãi cát trải dài cùng ánh mặt trời rực rỡ. Trong nền thiên nhiên đó, con người xuất hiện trở thành trung tâm của bức tranh. Hình ảnh cha và con bước đi trên cát gợi ra tình cảm yêu thương, gắn bó. Người cha bỗng trở nên già dặn hơn qua hình ảnh bóng “dài lênh khênh”. Còn đứa con lại thật dễ thương, bé bỏng qua hình ảnh bóng “tròn chắc nịch”. Hai hình ảnh đối lập gợi ra sự khác biệt giữa hai thế hệ. Những câu thơ tiếp viết về cuộc trò chuyện của con với cha. Đứa trẻ nào cũng có trí tò mò, nên khi nhìn về phía xa, đứa con đã hỏi xem ở đó có gì. Người cha trả lời rằng ở đó có “cây, cửa, nhà” và là nơi cha chưa đi đến. Điều này đã khơi gợi mong muốn được khám phá của đứa con. Vì vậy, đứa con đã đề nghị cha hãy mượn cho mình “cánh buồm trắng” - để có thể khám phá và chinh phục vùng mất đất mới. Lời của con đã khiến cho cha gặp lại bản thân khi còn trẻ cũng đã từng mơ ước như vậy. Có lẽ đứa trẻ nào cũng đã từng mơ ước, khao khát được khám phá thế giới rộng lớn này. Tóm lại, bài thơ “Những cánh buồm” của Hoàng Trung Thông đã gửi gắm nhiều thông điệp giá trị, ý nghĩa.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ - mẫu 15

R. Ta-go là một nhà thơ nổi tiếng người Ấn Độ. Một trong những tác phẩm của ông mà tôi cảm thấy yêu thích nhất là Mây và sóng. Em bé đang kể lại cho mẹ nghe về cuộc trò chuyện của mình với người “trên mây” và “trong sóng”. Lời kể của em bé thật hồn nhiên, ngây thơ làm sao: “Mẹ ơi, trên mây có người gọi con”, “Trong sóng có người gọi con”. Lời mời gọi khiến cho em bé vô cùng tô mò và mong muốn được khám phá thế giới đó: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”, “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”. Mặc dù thế giới của người “trên mây” hay “trong sóng” vô cùng thú vị, hấp dẫn nhưng khi nghe câu trả lời em bé đã kiên quyết từ chối. Bởi vì em “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”, “Làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”. Câu hỏi cho thấy sự gắn bó, yêu thương dành cho người mẹ. Trong mọi hoàn cảnh, em bé đều nhớ đến mẹ, mong muốn được ở bên cạnh mẹ. Vì vậy, em đã nghĩ ra một trò chơi có thể chơi cùng mẹ. Trò chơi sẽ giúp em được ở bên cạnh mẹ, không phải rời xa. Trong trò chơi đó, em sẽ là mây, là sóng tinh nghịch nô đùa; còn mẹ sẽ là vầng trăng, là bờ biển dịu hiền, ôm ấp và che chở vào lòng. Những hình ảnh hiện lên đẹp đẽ, gửi gắm cảm xúc yêu thương chân thành. Bài thơ được viết theo kiểu thơ tự sự, không bị ràng buộc bởi luật thơ, cách gieo vần. Âm điệu nhịp nhàng, hình ảnh giàu tính biểu tượng, ngôn ngữ cô đọng đã góp phần khiến cho bài thơ giàu cảm xúc hơn. “Mây và sóng” đã giúp người đọc cảm nhận được tình cảm mẫu tử chân thành, giản dị mà đẹp đẽ đến chừng nào.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ - mẫu 16

Bài thơ “Mây và sóng” của Ta-go đã gợi ra cho người đọc cảm nhận sâu sắc về tình mẫu tử. Với hình thức là một bài thơ, nhưng giàu tính tự sự giúp cho bài thơ giống như một câu chuyện kể. Nhân vật trữ tình trong bài là em bé đã được mời gọi đến thế giới kỳ diệu ở “trên mây” và “trong sóng”. Với sự hiếu kỳ của một đứa trẻ, em đã cất tiếng hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”, “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”. Sau khi nghe câu trả lời, em bé chợt nhớ đến mẹ vẫn đang đợi mình ở nhà và từ chối: “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”, “Làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”. Chẳng có niềm hạnh phúc nào bằng được ở bên cạnh mẹ mặc dù thế giới ngoài kia nhiều hấp dẫn. Để rồi, em bé đã sáng tạo ra những trò chơi còn thú vị hơn của những người “trên mây” và “trong sóng”. Trong trò chơi đó, em sẽ là mây, là sóng tinh nghịch nô đùa; còn mẹ sẽ là vầng trăng, là bờ biển dịu hiền, ôm ấp và che chở vào lòng. Như vậy, bài thơ đã mang lại những cảm xúc thật đẹp đẽ cho người đọc.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ - mẫu 17

Sau khi đọc xong bài thơ “Mẹ và quả” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, em cảm thấy vô cùng xúc động. Nội dung của bài thơ nói về tình mẫu tử - một tình cảm thiêng liêng và đẹp đẽ trong cuộc sống. Những câu thơ ngắn gọn nhưng lại giàu cảm xúc. Bài thơ chính là lời của người con, nói về công lao chăm sóc, nuôi dưỡng của mẹ. Hình ảnh người mẹ được hiện lên với vẻ đẹp tần tảo, đảm đang. Mẹ đã chăm sóc, vun trồng cho cây bầu, trái bí thật cẩn thận, để chúng có thể lớn lên đơn hoa kết trái. Cũng giống như những đứa con được mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc và yêu thương. Câu thơ “Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn/Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi” đọc lên gợi cho em sự xúc động, nghẹn ngào về nỗi vất vả, nhọc nhằn của mẹ. Bài thơ kết lại với hai câu thơ cuối đã bộc lộ sự “hoảng sợ” khi nghĩ mình vẫn còn là “một thứ quả non xanh”. Em có thể hiểu được đó là nỗi niềm lo lắng, băn khoăn khi bản thân còn chưa trưởng thành khi để mẹ vẫn phải lo lắng. Nhân vật người con trong bài thơ cũng sợ rằng không thể báo đáp được công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ. “Mẹ và quả” là một bài thơ thật giản dị, nhưng chan chứa tình cảm.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ - mẫu 18

Bài thơ “Mẹ và quả” của Nguyễn Khoa Điềm đã đem đến nhiều cảm xúc cho người đọc. Bài thơ là lời của người con, nói về công lao chăm sóc, nuôi dưỡng của người mẹ thật lớn lao, vĩ đại. Người mẹ trong bài hiện lên với vẻ đẹp tần tảo, đảm đang. Mẹ đã chăm sóc, vun trồng cho cây bầu, trái bí thật cẩn thận. Để rồi chúng được lớn lên nhờ sự vất vả lặng thầm của người mẹ biết bao năm tháng. Cũng giống như những đứa con được mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc và yêu thương. Hình ảnh “Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn/Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi” đã giúp người đọc hình dung rõ hơn về nỗi vất vả, nhọc nhằn của mẹ. Ở hai dòng thơ cuối, nhà thơ “hoảng sợ” khi nghĩ mình vẫn còn là “một thứ quả non xanh” - đó là sự lo lắng khi bản thân còn chưa trưởng thành khi để mẹ vẫn phải lo lắng. Tác giả cũng sợ rằng không thể báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ. Như vậy, bài thơ thể hiện được tấm lòng hiếu thảo, cũng như giàu tình yêu thương của người con dành cho mẹ.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ - mẫu 19

Một trong những tác phẩm hay viết về người mẹ phải kể đến “Mẹ” của Đỗ Trung Lai. Khi đọc bài thơ, người đọc có thể cảm nhận được đây là lời của người con đang bày tỏ cảm xúc về người mẹ của mình. Tác giả đã sử dụng hình ảnh cây cau vốn gần gũi và quen thuộc, để bộc lộ nỗi xót xa khi mẹ ngày càng già đi. Những hình ảnh đối lập như “Lưng mẹ còng rồi - Cau thì vẫn thẳng”, “Cau - ngọn xanh rờn, Mẹ - đầu bạc trắng” đã gợi ra sự liên tưởng về tuổi già của mẹ. Cùng với đó, nhà thơ còn sử dụng biện pháp tu từ so sánh “Một miếng cau khô – Khô gầy như mẹ” cho thấy sự già nua héo hắt của người mẹ. Trước hiện thực khắc nghiệt đó, người con đã bộc lộ cảm xúc một cách trực tiếp: “Con nâng trên tay/Không cầm được lệ” - đó là nỗi đau đớn, xót xa. Tất cả được dồn nén để rồi người con tự hỏi chính mình: “Ngẩng đầu hỏi giờ/Sao mẹ ta già?”. Câu hỏi không nhận được lời đáp. Không ai trả lời được vì sao mẹ già, cũng không ai ngăn được guồng quay của thời gian tàn nhẫn. Hình ảnh “mây bay về xa” cũng giống như mái tóc mẹ bạc hòa cùng với mây trắng trên cao thể hiện một niềm xót xa, tiếc nuối. Qua bài thơ, người đọc cũng hiểu được thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đó là hãy trân trọng những giây phút được ở bên cạnh người mẹ, biết yêu thương và trân trọng người mẹ của mình.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ - mẫu 20

Bài thơ "Tiếng gà trưa" của nhà thơ Xuân Quỳnh đã để lại trong em nhiều cảm nhận sâu sắc về tình bà cháu. Từ tiếng gà trưa nghe được được trên bước đường hành quân "Dừng chân bên xóm nhỏ/ Tiếng gà ai nhảy ổ/ Cục... cục tác cục ta" đã khơi dậy dòng cảm xúc trong lòng người cháu. Nghe tiếng kêu thân thuộc ấy, lòng cháu lại thổn thức, bồi hồi, nhớ về kỉ niệm tuổi thơ tươi đẹp bên bà. Cháu nhớ tới những hình ảnh thân thuộc, bình dị ở làng quê Việt Nam "Ổ rơm hồng những trứng/ Này con gà mái mơ...". Cháu nhớ tới người bà tần tảo, chắt chiu từng quả trứng "Cho con gà mái ấp". Cháu còn nhớ những tháng ngày sống trong tình yêu thương của bà. Bà cần mẫn chăm sóc đàn gà nhỏ để cháu được mặc bộ quần áo mới "Khi gió mùa đông tới/ Bà lo đàn gà toi/ Mong trời đừng sương muối/ Để cuối năm bán gà". Cảm nhận được tình thương bao la, thắm thiết mà bà dành cho cháu, cháu vẫn luôn vững lòng chiến đấu nơi chiến trường khói lửa. Tình yêu cháu dành cho bà như hòa cùng tình yêu quê hương đất nước, là động lực để cháu tiến bước về phía trước "Vì lòng yêu Tổ quốc/ Vì xóm làng thân thuộc/ Bà ơi, cũng vì bà/ Vì tiếng gà cục tác". Bằng biện pháp điệp ngữ "tiếng gà trưa", so sánh "Lông óng như màu nắng" cùng thể thơ năm chữ ngắn gọn đã mang đến những kỉ niệm đẹp về tuổi thơ và tình bà cháu. Bài thơ mãi để lại đấu ấn trong lòng bạn đọc bởi những hình ảnh giản dị, thân thuộc cùng tình cảm bà cháu, tình yêu quê hương, đất nước thiêng liêng, cao cả.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ - mẫu 21

Hình ảnh ông đồ già trong bài thơ "Ông đồ" của nhà thơ Vũ Đình Liên đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu đậm. Trong không khí náo nhiệt, tưng bừng của Tết, người đi chơi xuân dừng bước, ghé lại thưởng thức và ngưỡng mộ, tấm tắc trước nét chữ "Như phượng múa, rồng bày" của ông đồ già. Nhưng thời thế thay đổi, Nho học suy vi và đi vào quá khứ, con người cũng theo đó mà quên đi những giá trị tốt đẹp khi xưa. Xuân lại đến, ông đồ ngồi cô đơn, lẻ loi cùng "giấy đỏ", "mực tàu", "nghiên bút". Cảnh vật như nhuốm màu tâm trạng, trở nên lạnh lẽo, đìu hiu, buồn bã "Lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài trời mưa bụi bay". Không còn ai nhớ tới hình bóng ông đồ già bên những cành đào hồng thắm. Câu hỏi tu từ "Hồn ở đâu bây giờ?" như lời thương xót, tiếc nuối cho một lớp người tài hoa nhưng do thời thế thay đổi mà dần đi vào lãng quên. Bằng thể thơ năm chữ ngắn gọn, ngôn ngữ giản dị kết hợp với các biện pháp tu từ nhân hóa "Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu", so sánh "Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay" mang đến hình ảnh hoài niệm về ông đồ già. Qua đó, bài thơ đã bộc lộ niềm tiếc thương chân thành trước những con người tài hoa, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ - mẫu 22

“Mẹ” của Đỗ Trung Lai là một tác phẩm đem đến nhiều cảm xúc cho người đọc. Bài thơ là lời của người con bộc lộ nỗi xót xa, thương cảm khi thấy mẹ ngày một già đi. Cuộc đời của mẹ từng trải qua biết bao nỗi vất vả, nhọc nhằn. Tác giả đã mượn hình ảnh cây cau để nói về mẹ. Sự đối lập giữa mẹ và cau: “Lưng mẹ còng rồi - Cau thì vẫn thẳng” và “Cau - ngọn xanh rờn, Mẹ - đầu bạc trắng”, “Cau gần với giời - Mẹ thì gần đất” đã tạo ra một ám ảnh cho tiếng thơ tiếng lòng quặn bao nỗi thắt. Đặc biệt, hình ảnh “Một miếng cau khô - Khô gầy như mẹ” càng làm nổi bật sự giàu nua, héo hon của người mẹ. Điều đó khiến cho “Con nâng trên tay - Không cầm được lệ”. Hai chữ “nâng” và “cầm” đều chỉ động thái của tình cảm. Nếu “nâng” trang trọng kính trọng biết bao thì “cầm” lại nén bao đắng cay bấy nhiêu. Từng cặp biểu cảm được song hành tạo ra bao chất chứa, lời ít mà vọng xa. Chính đây cũng là sự vận động cảm xúc để cuối bài nhân vật trữ tình đã tự hỏi: “Ngẩng hỏi giời vậy - Sao mẹ ta già?”. Câu hỏi tu từ không nhận được lời đáp, để lại sự cô đơn, trống vắng. Không ai trả lời được vì sao mẹ già, cũng không ai ngăn được guồng quay của thời gian tàn nhẫn. Hình ảnh “mây bay về xa” cũng giống như mái tóc mẹ bạc hòa cùng với mây trắng trên cao thể hiện một niềm xót xa, tiếc nuối. Bài thơ thật cảm động, bộc lộ nỗi xót xa thưởng cảm của người con trước hình ảnh già nua của mẹ theo năm tháng.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ - mẫu 23

Đọc bài thơ "Mẹ" của Đỗ Trung Lai, em thấy rung động sâu sắc về tình cảm của người con dành cho người mẹ kính yêu. Mở đầu bài thơ, ta bắt gặp hình ảnh người mẹ với tấm lưng gầy "Lưng mẹ còng rồi/ Cau thì vẫn thẳng". Hai hình ảnh thơ trái ngược đã nhấn mạnh tâm trạng thảng thốt và nỗi đau thầm lặng trong lòng người con khi nhận ra mẹ đã già. Quy luật khắc nghiệt của thời gian một đi không trở lại làm lòng con càng thêm quặn thắt "Cau gần với trời/ Mẹ thì gần đất". Hình ảnh "cau bổ tám" càng ngày càng nhỏ gợi nên tuổi già móm mém của mẹ. Khi con dần trưởng thành cũng là lúc mẹ trở nên gầy yếu theo năm tháng: "Một miếng cau khô/ Khô gầy như mẹ". Và con càng thêm kính trọng nâng niu tình mẹ "con nâng trên tay" nhưng lại không cầm được những giọt nước mắt yêu thương xót xa. Câu hỏi ở cuối bài thơ "Sao mẹ ta già?" như là lời tự vấn chính mình, đồng thời cũng gợi nỗi cô đơn trống trải trong lòng người con. Bằng hình ảnh thơ đối lập, ngôn ngữ mộc mạc và thể thơ 4 chữ ngắn gọn đã khắc họa cho chúng ta hình ảnh người mẹ già luôn tần tảo, đảm đang. Bài thơ như lời nhắc nhở mỗi người hãy biết yêu thương, quan tâm tới mẹ cùng những người thân trong gia đình.

Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 7 hay khác:

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, KHÓA HỌC DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 7

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và khóa học dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài soạn văn lớp 7 hay nhất dựa trên đề bài và hình ảnh của sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 Tập 1, Tập 2 bộ sách Cánh diều (NXB Đại học Sư phạm). Bản quyền soạn văn lớp 7 thuộc VietJack, nghiêm cấm mọi hành vi sao chép mà chưa được xin phép.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 7 Cánh diều khác
Tài liệu giáo viên