Top 30 Thảo luận ý kiến về một vấn đề của đời sống (hay nhất)

Tổng hợp trên 30 bài Thảo luận ý kiến về một vấn đề của đời sống hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Top 30 Thảo luận ý kiến về một vấn đề của đời sống (hay nhất)

Quảng cáo

Thảo luận ý kiến về một vấn đề của đời sống - mẫu 1

Thương người như thể thương thân” - đạo lý đó luôn nhắc nhở chúng ta hãy yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Vào sáng thứ bảy tuần trước, lớp em đã có buổi từ thiện đến trường tiểu học Hùng Sơn thuộc xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.

Khi nghe thầy cô phổ biến về điều kiện khó khăn trong học tập cũng như trong kinh tế của gia đình các em học sinh trường tiểu học Hùng Sơn. Lớp em đã có kế hoạch quyên góp các vật dụng sinh hoạt hằng ngày như quần áo, đồ dùng học tập như bút, thước, sách vở… Tuy là những món đồ cũ nhưng chúng em luôn hi vọng rằng sẽ giúp một phần nào đó cho cuộc sống của các bạn nơi vùng cao.

Quảng cáo

Đúng sáu giờ sáng có mặt và tập trung tại trường, chúng em với niềm hăm hở và háo hức hơn so với ngày thường khi ngồi trên xe đi đến một miền đất mới, được gặp các bạn mới. Ngồi ở trên xe, cả lớp hát những bài hát vui nhộn và quen thuộc như “Lớp chúng mình”, “Em là búp măng non”… tạo nên không khí thật náo nhiệt và “độ nóng” cho chuyến đi. Sau gần hai tiếng ngồi trên xe, tuy có hơi mệt một chút vì đường gồ ghề và nhiều ổ gà nhưng nụ cười luôn nở trên môi các bạn. Được thông báo trước, các thầy cô và các bạn ở đây đã chuẩn bị rất chu đáo và đón tiếp đoàn chúng em rất nhiệt tình và niềm nở. Các bạn mặc bộ quần áo đẹp hơn. Sân trường, lớp học được quét dọn sạch sẽ, bảng đen được lau chùi kĩ càng, bàn ghế được sắp xếp ngay ngắn.

Mọi thứ thật tươm tất và sẵn sàng để đón những vị khách từ xa đến. Ngoài kia, những vườn rau xanh tươi tốt của những lớp học bán trú được chăm sóc và làm cỏ sạch sẽ. Luống rau sạch sẽ mang lại những bữa ăn đạm bạc nhưng giàu tình đoàn kết và sự che chở lẫn nhau của các bạn ở vùng cao phải sống xa cha mẹ. Trước khi đến đây, chúng em được biết gia đình các bạn rất khó khăn, đồng thời điều kiện đi lại rất nguy hiểm. Những lúc trời mưa thì lũ quét, bùn lầy, trời nắng thì đất nứt nẻ, khô cằn. Và có thể, chính những điều đó đã tôi luyện cho các bạn học sinh nơi đây sự chăm chỉ, chịu khó.

Quảng cáo

Sau khi gửi lời chào và lời hỏi thăm tới các thầy cô và các bạn, đoàn chúng em mang những thùng mì tôm, những bao gạo, tập sách vở… từ trên ô tô xuống. Các thầy cô rất vui và xúc động, gửi lời cảm ơn sâu sắc. Các bạn học sinh thì rất hăm hở, cẩn thận nhận món quà từ chúng em. Khi phát quà xong, trời cũng đã trưa. Mọi người chia nhau đi hái rau và nấu cơm. Mọi người đều vui vẻ trò chuyện và sẻ chia công việc với nhau giúp chúng em cảm thấy rất thân thiết và gần gũi. Bữa cơm tuy rất đơn giản, nhưng mọi người ăn rất ngon miệng với tiếng cười rôm rả.

Những việc nhỏ nhoi mà bản thân có thể làm nhưng có thể đem đến niềm vui cho người khác làm bản thân mình cảm thấy có ích hơn đối với xã hội, với cuộc sống. Ở cuộc sống này có những con người đang cần lắm những tấm lòng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng”.

Khi đã thu dọn xong mọi thứ, chúng em chuẩn bị ra về cho buổi học ngày mai. Trước khi ra về, mọi người đều lưu luyến, bịn rịn chẳng muốn rời. Buổi từ thiện đã để lại cho em những kỉ niệm khó quên và có những người bạn mới thật thú vị. Hy vọng rằng sau này em có thể tham gia nhiều hoạt động từ thiện hơn nữa để làm những việc có ích.

Quảng cáo

Em rất thích những cuộc từ thiện ở quê hương, hay trường học của em, những buổi tình nguyện từ thiện giúp em rất nhiều trong cuộc sống. Đó là những bài ngoại khóa, hay những bài học thực tế để em có thể hiểu cuộc sống này nhiều hơn nữa.

Dàn ý Thảo luận ý kiến về một vấn đề của đời sống

- Mở đầu: Chuẩn bị thảo luận

+ Mục đích của buổi thảo luận này là gi?

+ Thời gian thảo luận dự kiến bao lâu?

+ Nhóm sẽ dành bao nhiêu thời gian cho mỗi ý kiến khi thảo luận?

- Phần chính: Tiến hành thảo luận:

+ Trong buổi thảo luận nhóm, người nghe của em là ai?

+ Với đối tượng người nghe đó, em sẽ chọn cách nói nào để thuyết phục?

+ Ý kiến của em về ý nghĩa của hoạt động xã hội với cộng đồng và bản thân, lí lẽ và bằng chúng để làm sáng tỏ ý kiến.

+ Những ý kiến trái chiều và phản hồi của em (dự kiến)

- Kết thúc: Sau buổi thảo luận, em hãy rút ra hai bài học kinh nghiệm cho bản thân dựa vào:

+ Những điều em và nhóm đã làm tốt, chưa tốt.

+ Giải pháp khắc phục những điều chưa tốt.

Thảo luận ý kiến về một vấn đề của đời sống - (các mẫu khác)

Tham khảo thêm các bài Thảo luận ý kiến về một vấn đề của đời sống hay khác:

Thảo luận ý kiến về một vấn đề của đời sống - mẫu 2

Xin chào thầy cô và các bạn.

Hoạt động xã hội là những hoạt động hướng vào những vấn đề tồn tại trong xã hội của con người, từ đó giúp cải thiện các vấn đề của đời sống, nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới các giá trị nhân văn.

Hoạt động xã hội gồm nhiều các hoạt động như: Hoạt động thiện nguyện, hoạt động xung kích, hoạt động hướng đến bảo vệ con người, bảo tồn di sản…

Về vai trò của hoạt động xã hội, Hoạt động xã hội chăm lo cuộc sống của cá nhân, đảm bảo điều kiện cho mọi người cùng phát triển. Bên cạnh đó, cộng đồng còn giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa lợi ích riêng và chung, quyền và nghĩa vụ.Mỗi cá nhân phát triển trong cộng đồng sẽ tạo nên sức mạnh cho cộng đồng.

Các yếu tố tạo nên cộng đồng gồm: Sự tương quan cá nhân mật thiết với nhau trên cơ sở các nhóm nhỏ kiểm soát các mối quan hệ cá nhân. Các cá nhân có sự liên hệ chặt chẽ với nhau về tình cảm, cảm xúc khi thực hiện được các công việc hoặc nhiệm vụ cụ thể. Có sự hiến dâng về mặt tinh thần hoặc dấn thân để thực hiện các giá trị xã hội. Có ý thức đoàn kết tập thể.

Ý nghĩa của các hoạt động xã hội đối với cá nhân: Hình thành được năng lực, kĩ năng làm việc tự chủ. Hình thành được năng lực, kĩ năng làm việc nhóm. Nâng cao giá trị của bản thân. Trân trọng, biết ơn với những gì mình đang có. Hình thành tình yêu thương, sự quan tâm của mình với mọi người xung quanh. Được hòa nhập với tập thể, cộng đồng.

Ý nghĩa của các hoạt động xã hội đối với cộng đồng: Đem lại lợi ích cho mọi nhà, mọi người. Phát huy sức mạnh của các cá nhân và tổ chức xã hội trong cộng đồng. Tạo cơ hội bình đẳng trong xã hội. Giúp cho đời sống trong cộng đồng trở nên tốt đẹp, bình đẳng hơn; Thể hiện sự đoàn kết, tình yêu thương giữa con người với con người; Nâng cao tinh thần trách nhiệm của mọi người trong việc xây dựng cộng đồng văn minh – phát triển.

Tổ chức các hoạt động xã hội trong trường học cũng là một trong những hướng tới của giáo dục hiện nay. Mục đích của việc tổ chức các hoạt động này là nhằm góp phần giúp HS mở rộng các mối quan hệ; tích lũy kinh nghiệm học tập và kinh nghiêm sống; có cơ hội phát huy tài năng; xả stress, giúp cho các em hăng hái học tập, có điều kiện để thể hiện thế mạnh của bản thân. Mặt khác, cũng tạo điều kiện cho GV và HS hiểu nhau hơn Thông qua các hoạt động xã hội, HS có thêm kiến thức về con người, về xã hội ngày càng phong phú, càng mở rộng; kỹ năng giao tiếp, ứng xử có văn hóa với mọi người ngày càng đa dạng, càng sâu sắc và nhuần nhuyễn hơn, bộ mặt văn hóa đạo đức của con người cùng ngày hoàn thiện hơn.

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Con người Việt Nam vốn giàu truyền thống tương thân tương ái. Những hoạt động xã hội mang đến ý nghĩa tích cực, hãy cùng lan tỏa để mang đến điều tốt đẹp cho mọi người xung quanh.

Thảo luận ý kiến về một vấn đề của đời sống - mẫu 3

Hôm nay, tôi rất vui khi được tham dự buổi thảo luận: “Học tập – trách nhiệm hay nghĩa vụ của người học sinh” . Chủ đề hôm nay tôi muốn bàn luận với các bạn đó là: Hãy từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà. Có lẽ chủ đề này vô cùng gần gũi và thiết thực với các bạn phải không nào?

Henry Brooks Adams từng nói: “Biết cách học là đủ chứng tỏ bạn thông thái”. Quả đúng là như vậy, phương pháp học tập đúng đắn sẽ tạo nên hiệu quả tích cực. Học tập là nhiệm vụ của học sinh. Để duy trì thành tích học tập tốt, bên cạnh việc chăm chú nghe giảng, học tập trên lớp, thời gian tự học thông qua làm bài tập về nhà cũng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các học sinh có thói quen không làm bài tập ở nhà.

Vậy bạn có biết tại sao học sinh chúng ta ngày càng lười làm bài tập không? Với tôi, tôi cảm thấy bài tập về nhà rất khó và làm tốn rất nhiều thời gian, vì vậy tôi thường trì hoãn việc làm bài của mình. Vậy còn các bạn thì sao? Nhiều học sinh cho rằng học tập là một nhiệm vụ bắt buộc nên luôn thực hiện nó một cách đối phó. Cũng có nhiều học sinh cho rằng thời gian học tập trên lớp là đủ và không muốn phải tiếp tục học khi về nhà. Và cũng có những học sinh cảm thấy áp lực trong học tập, chán ghét và sợ hãi việc học. Đó là những lí do hình thành thói quen không làm bài tập về nhà ở phần lớn học sinh hiện nay. Sau mỗi buổi học trên lớp, giáo viên thường giao cho học sinh một số câu hỏi bài tập để củng cố thêm kiến thức. Tuy nhiên, chỉ cần bước chân ra khỏi lớp học, đôi khi chúng ta sẽ quên ngay mọi lời giáo viên nói. Và khi trở về nhà, chúng ta bị thu hút bởi những cuộc vui, bởi những trò chơi điện tử hay đơn giản là vì lười nên không muốn làm gì cả. Thói quen làm bài tập ở nhà của học sinh hiện nay chủ yếu là đối phó. Chúng ta thường tìm lời giải trên mạng rồi chép lại mang đến lớp nộp để giáo viên kiểm tra mà không hề tự cố gắng làm bài. Hoặc chăm hơn một chút, có những học sinh sẽ tự ngồi làm bài tập về nhà nhưng chỉ làm một cách qua loa, không đầu tư nhiều thời gian và công sức. Cũng có những bạn sẽ không làm ở nhà mà đến lớp, sát giờ học mở vở ra mới nhận ra có bài tập và vội vàng làm hoặc sẽ mượn bài của các bạn trong lớp chép. Và cũng sẽ có những bạn không quan tâm đến việc có bài tập, không làm và đến lớp học với một cái đầu trống rỗng. Có lẽ những biểu hiện trên đều đã từng xuất hiện trong chính chúng ta ít nhất một lần trong đời.

Không làm bài tập ở nhà là một thói quen xấu. Vậy nếu không thể từ bỏ thói quen ấy, điều gì sẽ xảy ra? Chắc hẳn chúng ta đều biết bất kì thói quen xấu nào cũng hình thành nên những tính cách xấu. Nếu không làm bài tập ở nhà dần trở thành một thói quen, chúng ta sẽ trở thành một con người lười biếng, ì trệ, luôn phụ thuộc vào người khác. Không chỉ trong học tập mà trong bất kì công việc nào của cuộc sống, thói quen trì hoãn sẽ khiến ta không bao giờ hoàn thành được điều mình mong muốn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Câu nói ấy đến nay vẫn còn nguyên những giá trị. Học tập và tiếp nhận lí thuyết ở trên lớp thôi chưa đủ, quan trọng chúng ta cần phải biết vận dụng những kiến thức được học vào thực hành làm bài tập và áp dụng trong cuộc sống. Tự mình hoàn thành bài tập ở nhà chính là một cách giúp chúng ta rèn luyện thực hành. Nhờ đó, kiến thức tiếp thu được ở trên lớp sẽ được hiểu sâu và kĩ hơn. Ngược lại, nếu không làm bài tập ở nhà, kiến thức chúng ta tiếp thu sẽ nhanh chóng bị lãng quên, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập. Việc hằng ngày đến lớp mượn vở bạn bè để chép đôi khi còn gây phiền hà với bạn bè xung quanh, đánh mất niềm tin ở bạn bè. Hơn nữa, nếu tất cả các học sinh đều không cố gắng ôn luyện làm bài tập, giáo viên sẽ không thể có những bài học hiệu quả. Việc thiếu ý thức làm bài tập ở nhà của học sinh không chỉ khiến bố mẹ buồn phiền mà thầy cô, nhà trường cũng vô cùng lo lắng. 

Không làm bài tập ở nhà đang dần trở thành một thói quen xấu có ở mọi học sinh. Vậy chúng ta cần làm gì để loại bỏ thói quen ấy? Chúng ta biết rằng để từ bỏ một thói quen không phải là công việc dễ dàng. Vì vậy, hãy bắt đầu rèn luyện từ những điều nhỏ nhất. Trước hết, bạn hãy thiết kế cho mình một thời gian biểu hợp lý. Đối với bài tập về nhà, bạn đừng để khi hôm sau có tiết thì hôm nay mới làm, hãy hoàn thành nó vào ngay buổi tối mà các bạn học môn đó. Bởi đó là lúc kiến thức của bạn đang được lưu trữ tốt nhất và việc làm bài tập sẽ khiến bạn nhớ bài lâu hơn, học tập hiệu quả hơn. Như vậy, khi đến tiết học sau, bạn có thể chủ động và tự tin đến lớp khi tất cả các bài tập đã được hoàn thành. Bạn hãy tự tạo cho mình một không gian học tập hiệu quả bằng cách tách biệt với các thiết bị di động, những thứ có thể làm mình bị sao nhãng, ảnh hưởng. Trong một buổi tối, bạn có thể dành ra 1-2 tiếng để tự học và đặt thời gian nghỉ giữa giờ khoảng 10-15 phút. Với những bài tập khó, bạn có thể nhắn tin nhờ thầy cô hướng dẫn hoặc trao đổi với bạn bè. Một cách học hiệu quả đó chính là chúng ta học nhóm cùng với bạn bè của mình. Như vậy bạn vừa có thể tiếp thu kiến thức từ bạn bè, vừa có thể tự rèn luyện bản thân, nhận ra được những nhược điểm của mình và tìm cách khắc phục. Thay vì để bố mẹ, thầy cô nhắc nhở làm bài tập, chúng ta nên chủ động và tự giác hoàn thành công việc của mình. Bởi học tập là nghĩa vụ của học sinh, chúng ta phải có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình. Tuy nhiên, đừng nghĩ việc hoàn thành bài tập ở nhà như một trách nhiệm nặng nề, hãy nghĩ đó là quá trình bạn đang hoàn thiện mình. Kiến thức khi chúng ta tự học và chủ động tiếp nhận là những kiến thức được chúng ta lưu giữ lâu và hiệu quả nhất.

Có thể các bạn sẽ cho rằng thời gian học ở trên lớp là quá nhiều vậy còn học ở nhà làm gì? Hoặc các bạn sẽ cảm thấy việc học và làm bài tập liên tục như vậy sẽ giống như một con “mọt sách”. Cũng có những bạn cho rằng giáo viên giao quá nhiều bài tập khiến chúng ta cảm thấy áp lực và sợ hãi việc học. Những điều các bạn thắc mắc đều hợp lý với tâm lý của phần lớn học sinh hiện nay. Vậy bạn thử nghĩ mà xem, nếu một ngày giáo viên không giao cho các bạn những bài tập ôn luyện, nếu một ngày bạn đã lãng quên hoàn toàn việc tự học ở nhà và nếu một ngày, kiến thức của tất cả học sinh đều chỉ phụ thuộc vào những giờ phút học ít ỏi trên lớp, điều gì sẽ xảy ra? Kiến thức đến với con người nếu không được ôn tập và rèn luyện sẽ nhanh chóng tan biến. Như vậy, làm sao những học sinh có thể nắm vững tri thức để cống hiến cho cộng đồng? Làm sao nền giáo dục có thể phát triển? Làm sao con người và xã hội mới có thể trở nên văn minh? Việc không làm bài tập ở nhà có thể thấy chỉ là một thói quen rất nhỏ nhưng nếu không tìm cách từ bỏ, nó sẽ làm ảnh hưởng đến tính cách con người cũng như trình độ phát triển của xã hội. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy rằng hệ thống giáo dục cần đổi mới phương pháp giao bài tập để học sinh cảm thấy hứng thú hơn với việc học. Thay vì giao bài tập về nhà, giáo viên có thể giao nhiệm vụ chuẩn bị kiến thức cho buổi học sau. Như vậy, học sinh sẽ có được tâm thế chủ động hơn khi đến lớp. Thay vì giao những bài tập viết, giáo viên có thể giao học sinh những bài tập thực hành, làm việc theo nhóm để học sinh phát huy khả năng tư duy, sáng tạo. Như vậy, dù học tập theo hình thức nào, ý thức tự giác, chủ động của học sinh vẫn luôn là yếu tố vô cùng quan trọng.

Bài nói của tôi xin dừng lại tại đây. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe. Cuối cùng, tôi muốn gửi đến các bạn lời nhắn nhủ: Hãy rèn luyện cho bản thân sự tự giác, chủ động không chỉ trong học tập mà còn trong mọi mặt đời sống.

Thảo luận ý kiến về một vấn đề của đời sống - mẫu 4

Hôm nay tôi rất vui khi được tham gia thảo luận về câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Đây có lẽ là một vấn đề vô cùng thú vị đấy!

Tục ngữ được coi là “chiếc túi khôn” của nhân loại khi đã đúc kết được những kinh nghiệm quý báu từ đời trước. Và câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” đã đem lại những bài học quý giá. Nhưng lại có ý kiến cho rằng “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng”.

Đầu tiên, chúng ta cần phải hiểu ý nghĩa của câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Hình ảnh “mực” có màu đen, dễ bị vấy bẩn. “Mực” tượng trưng cho những cái xấu xa, tiêu cực, không tốt đẹp. Còn “đèn” là vật phát sáng tỏa sáng soi rọi mọi thứ, ở gần đèn ta được soi chiếu sáng trưng. Còn “đèn” tượng trưng cho những điều tốt đẹp, trong lành, sáng sủa. Từ hai hình ảnh tương phản nhau “mực” và “đèn” thể hiện hai hàm ý đối ngược nhau nhằm nhắc nhở chúng ta về cái xấu, cái xấu. Từ đó, ông cha ta muốn khuyên nhủ thế hệ sau phải biết học hỏi những điều tốt đẹp, đúng đắn và tránh xa những cái xấu xa, không lành mạnh.

Câu tục ngữ chính là bài học mà kinh nghiệm được đúc kết từ cuộc sống. Môi trường có vai trò với việc hình thành nhân cách của con người. Trong một gia đình, cha mẹ chính là tấm gương để con cái nói theo. Ở trường học, thì thầy cô lại chính là người có ảnh hưởng đến học sinh. Có ai đó đã từng nói rằng: “Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ chỉ cho anh biết, anh là người như thế nào”. Bạn bè cũng có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của mỗi người. Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, nhân dân ta có nhiều câu ca dao mang nội dung giáo dục về vấn đề này:

“Thói thường gần mực thì đen

Anh em bạn hữu phải nên chọn người”

Tuy nhiên, không phải ai cũng chịu ảnh hưởng của môi trường. Cũng giống như ý kiến “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng”. Có những người vẫn giữ gìn được nhân cách tốt đẹp, giống như đóa hoa sen vậy:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một tấm gương sáng của dân tộc. Dù sống trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nhưng người vẫn giữ được tinh thần yêu nước, ý thức cách mạng và nhân cách cao đẹp. Hoặc chúng ta có thể kể đến cái tên Nguyễn Văn Trỗi - người thợ điện ở thành phố Sài Gòn hoa lệ, vẫn không chút mảy may xao động bởi cuộc sống hào nhoáng, những thủ đoạn lọc lừa xảo trá. Anh chọn cho mình con đường Cách mạng, chấp nhận chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng mà mình theo đuổi… Tấm gương của anh và biết bao gương sáng khác đã trở thành bài học cho bao thế hệ cháu con học tập.

Như vậy cả câu tục ngữ và ý kiến trên đều có những mặt đúng đắn. Mỗi người cần hiểu được điều đó để có cách nhìn nhận đúng đắn về mối quan hệ giữa môi trường xã hội với việc hình thành nhân cách của bản thân. Bản thân em cũng sẽ cố gắng hiểu được điều đó để có tinh thần cảnh giác trong việc giao du tiếp xúc với bạn bè, đồng thời xác định cho mình một thế đứng vững vàng trước những tác động tiêu cực của môi trường xung quanh để luôn luôn “gần mực” mà vẫn không “ đen” và “ gần đèn” để luôn tỏa sáng.

Tóm lại, câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” hay ý kiến “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng” đều vô cùng ý nghĩa. Qua đó, mỗi người cần rút ra được những bài học cho chính bản thân mình.

Thảo luận ý kiến về một vấn đề của đời sống - mẫu 5

Hôm nay, tôi rất vui khi được tham dự buổi thảo luận cùng các bạn, chủ đề tôi muốn đề cập ngày hôm nay đó là sự học hỏi, trải nghiệm. Có lẽ chủ đề này vô cùng gần gũi và thiết thực với các bạn phải không nào?

Mọi con đường đến với thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng. Bởi vậy mà ông cha ta đã gửi gắm lời khuyên cho thế hệ sau qua câu tục ngữ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”.

Ở vế đầu tiên, “đi một ngày đàng” là đi một ngày đường, ý chỉ hành động đi ra ngoài tìm hiểu, khám phá trong một khoảng thời gian. Còn vế tiếp theo, “học một sàng khôn” ý chỉ học được những kiến thức bổ ích, mới mẻ giúp con người hiểu biết hơn. Như vậy, “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” có nghĩa là khi chúng ta đi nhiều sẽ càng học hỏi được nhiều.

Bài học gửi gắm qua câu tục ngữ trên là hoàn toàn đúng đắn. Kiến thức giống như một sa mạc rộng lớn. Nhưng hiểu biết của con người chỉ như một hạt cát nhỏ bé. Bởi vậy, việc không ngừng học hỏi, tìm tòi là vô cùng cần thiết để ngày càng hoàn thiện bản thân trở nên tốt hơn.

Bác Hồ của chúng ta, k hi còn là một chàng thanh niên, với tình yêu nước cũng như lòng căm thù giặc sâu sắc, đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Bác quan niệm rằng đi về phương Tây để xem họ làm thế nào, rồi về giúp nhân dân mình. Trong suốt những năm bôn ba nước ngoài, Người đã làm nhiều công việc, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa. Điều đó đã giúp cho Bác học hỏi, tích lũy được vốn kiến thức phong phú, đọc và viết thông thạo nhiều thứ tiếng. Cuối cùng, Bác đã được tiếp cận với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc là đi theo cách mạng vô sản. Cuộc đời Bác chính là tấm gương sáng cho câu tục ngữ trên.

Những ngày vừa qua, báo chí đã nhắc đến rất nhiều việc cầu thủ Nguyễn Quang Hải - một trong những trụ cột của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam có ý định xuất ngoại. Có người tỏ ra nghi ngờ, cũng có người ủng hộ và tin tưởng. Trước đó, nhiều thế hệ đàn anh đã ra nước ngoài, nhưng chỉ không đạt được thành công như mong muốn. Nhưng trước hết, chúng ta không bàn đến chuyện thành công. Mà cách trả lời của cầu thủ này mới là điều khiến chúng ta cảm thấy khâm phục. Anh đã nói rằng với cá nhân mình, việc chấp nhận thử thách ở nước ngoài đã là một thành công. Bởi đó chính là quyết tâm bước ra biển lớn để học hỏi, nâng cao trình độ của bản thân. Tinh thần của câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” chính là nằm ở đó.

Có người đã từng khẳng định rằng “Cái ta biết chỉ là giọt nước. Cái ta chưa biết là cả một đại dương mênh mông”. Chính vì vậy nếu chịu khó khám phá, trải nghiệm nhiều thì chúng ta sẽ hoàn thiện bản thân mình hơn. Mỗi người cần tích cực trải nghiệm từ thực tế cuộc sống, không nên chỉ tìm kiếm kiến thức trên sách vở mà phải biết kiểm chứng bằng cách trải nghiệm, đặc biệt nhất là đối với mỗi học sinh. Tích cực học tập, trau dồi kiến thức sẽ có ích cho tương lai phía trước.

Qua chứng minh có thể thấy câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” thật giàu giá trị. Cuộc đời là những hành trình nối tiếp, để mỗi người học hỏi được nhiều bài học quý giá hơn.

Bài nói của tôi xin dừng lại tại đây. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe. Trong quá trình chuẩn bị vẫn còn sơ suất, tôi rất mong nhận được sự góp ý của mọi người để bài luận của tôi thêm hoàn thiện.

Xem thêm các bài văn mẫu 8 Chân trời sáng tạo hay khác:

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 8

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Soạn văn 8 hay nhất, ngắn gọn của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo Tập 1 và Tập 2 (NXB Giáo dục).

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Tài liệu giáo viên