Top 20 Nghị luận về thói ích kỉ (hay nhất)

Tổng hợp trên 20 bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống (một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại): thói ích kỉ hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Top 20 Nghị luận về thói ích kỉ (hay nhất)

Quảng cáo

Bài văn nghị luận về thói ích kỉ - mẫu 1

Lòng hảo tâm có thể là tặng cho người khác chiếc ô trong lúc trời mưa, tặng áo khi trời đông giá lạnh, tặng tình thương khi người ta héo mòn tâm hồn. Nhưng thiết nghĩ, những điều đó không còn tồn tại trong xã hội hiện nay, chính lòng ích kỉ lên ngôi đã đẩy lùi những lối sống tốt đẹp.

Ai cũng biết ích kỉ là một thái độ sống không tốt, là sự thờ ơ vô cảm trước một tình huống xảy ra trước mặt , là một thái độ sống lạnh nhạt chỉ biết lo cho bản thân , không hề quan tâm người xung quanh và đề cao lợi ích cá nhân một cách triệt để.

Dẫu biết cuộc sống không phải một xứ sở diệu kì nơi sự tốt bụng và vị tha lên ngôi, vốn dĩ cuộc sống toàn một màu u ám. Nhưng cuộc sống với sự xuống cấp của đạo đức, bầu trời trong xanh chuyển dần thành màu xám đục , hỗn loạn và đầy vết bẩn một phần đóng góp không nhỏ chính vì sự ích kỉ và lòng tham của con người. Con người luôn kêu gào họ cô đọc, họ không được quan tâm để ý nhưng chính họ lại chẳng hề mảy may đến người khác. Ích kỉ, ích kỉ và ích kỉ, nó tạo nên một xã hội toàn sự tư lợi và bất nhân.

Bạn có biết về những quan chức cấp cao, họ luôn nói vì dân thương dân mà làm tất cả nhưng khi vén bức màn sự thật, tất cả chỉ là những kẻ đó đang nuôi “Hầu bao” ngày một lớn, sự ích kỉ và lòng tham xui khiến những con người không ngừng biến chất tha hóa. Có đôi lúc họ sống chỉ biết chăm chăm lợi ích của bản thân mà chà đạp lên tình thương, sự quan tâm và lợi ích của người khác. Cái đau đớn xót xa nhất của toàn nhân loại là loài người đa dần tách ra, trà đạp lẫn nhau để đạt được những thứ mình muốn.

Quảng cáo

Ích kỉ dần trở thành một lối sống tiêu cực nên nó sẽ sinh ra sự thù hận và ghen ghét đố kị nếu ai đó có được nhiều lợi ích hơn mình. Người ta sẵn sàng vứt bỏ mọi thứ tình bạn tình yêu, tất cả những mối quan hệ mình có để đánh đổi một thứ lợi ích tầm thường không đáng. Nhưng có một sự ích kỉ trong cuộc sống được người ta thừa nhận đó chính là sự ích kỉ trong tình yêu. Tình yêu là thứ tình cảm giữa hai người, vốn dĩ không dành cho người thứ ba, chính vì vậy khi xuất hiện một điều trái lẽ tự nhiên, người ta sinh ra sự ích kỉ, sự sở hữu vốn có trong bản tính con người.

Con người có thể đối mặt với nhiều vấn nạn khác nhau nhưng vấn đề cấp thiết nhất chính là xóa bỏ sự ích kỉ- đuổi một con quỷ dữ ra khỏi tâm hồn. Học cách quan sát, để ý đến người xung quanh mình nhiều hơn. Ta nên thay đổi lối sống cực đoan không bao giờ chịu nhận phần thua thiệt về mình và học cách nhún nhường trước mọi người. Quan trọng hơn hết là phải rèn luyện bản thân , giúp đỡ mọi người.

Bởi “Khi người chỉ sống vì mình, thì trở thành người thừa với những người còn lại”.Bên cạnh đó, chúng ta nên lên án mạnh mẽ những kẻ sống thờ ơ vô cảm như một anh thanh niên nhìn thấy một cụ già bị ngã nhưng không chịu dừng lại dù chỉ một phút để đỡ bà cụ dậy vì một lí do đơn giản: “Không thể đến lớp trễ, sẽ bị cô giáo phạt năng mất” Hay những kẻ chỉ biết đến bản thân, không bao giờ nhường nhịn vì người khác. Ta nên chọn một “loại thuốc” hữu hiệu cho căn bệnh thế kỉ ấy để cuộc sống trở nên tươi đẹp.

Cuộc đời vốn dĩ vậy, đều có những quy luật được con người thiết lập ra khó có thể xóa bỏ, nhưng tin chắc rằng, khi người ta nhận ra giá trị tốt đẹp, sự ích kỷ sẽ tan biến như mây khói vậy.

Quảng cáo

Bài văn nghị luận về thói ích kỉ - mẫu 2

Có ai đó đã từng nói: “Khi cuối cùng khoa học cũng tìm ra trung tâm của vũ trụ, sẽ có người ngạc nhiên vì biết rằng mình không phải là nó.” Sống với tư tưởng rằng mình là trung tâm của vũ trụ là cách nói khác của sự ích kỷ.

Thế nào là sự ích kỷ? Ích kỷ là lối sống chỉ biết nghĩ cho mình, luôn suy tính thiệt hơn, lúc nào cũng chăm chăm vun vén cho lợi ích của cá nhân mà thờ ơ, vô cảm, thậm chí sẵn sàng chà đạp lên hạnh phúc của người khác để đạt được mục đích của mình.

Từ những biểu hiện nhỏ, ích kỷ là khi ta không muốn, từ chối hướng dẫn giải bài tập cho bạn bè trong lớp vì sợ mất thời gian, sợ rằng bạn sẽ giỏi hơn, là thái độ ganh ghét, đố kị khi thấy hàng xóm “ăn nên làm ra” hơn nhà mình … Lớn lao hơn, ích kỷ là khi ta tìm mọi cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự vì sợ khó, sợ khổ, sợ công việc dang dở mà không nghĩ rằng nếu đất nước lâm nguy, ai sẽ là người cầm súng đứng lên bảo vệ Tổ quốc, là khi bạn sẵn sàng ăn cắp ý tưởng của đồng nghiệp để đem lại lợi lộc, thành tích cho mình, …

Ích kỷ là một lối sống tiêu cực mà bất cứ ai cũng dễ dàng mắc phải. “Bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, bệnh hẹp hòi, v.v., mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó” (Hồ Chí Minh). Ích kỷ khiến con người trở nên xấu xa, hẹp hòi. Họ không còn biết vui cho niềm vui của người khác, buồn cho nỗi buồn của người khác, luôn mong muốn mình được hơn người khác. Và rồi họ sẽ tự cô lập bản thân mình với phần còn lại từng ngày, từng ngày, để rồi chính họ sẽ trở thành những người cô đơn, bị bạn bè xa lánh. Sự ích kỷ cũng là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh vô cảm, bởi khi quá đề cao lợi ích, ham muốn của bản thân cũng là lúc con người thờ ơ, lãnh đạm với cuộc sống của những người xung quanh. Trong một xã hội có quá nhiều người ích kỷ thì thật là nguy hại. Ai cũng chăm chăm cho lợi lộc của bản thân sẽ khiến hoạt động nhóm mất hiệu quả, xã hội không còn sự hòa nhập và không thể phát triển. Chẳng phải chính bởi sự ích kỷ, bởi lòng tham vô đáy của một số người mà họ có thể tham ô hàng chục tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, chà đạp lên cuộc sống của người dân để hưởng lợi cho mình? Bởi xã hội còn những con người như thế, nên đời sống của nhân dân vẫn cứ khó khăn, mà chúng ta mãi không thể vươn lên sánh vai với bạn bè quốc tế…

Quảng cáo

Nhà văn Trung Quốc Cố Tây Tước trong cuốn tiểu thuyết “Nơi nào đông ấm” đã viết: “Ai mà không ích kỉ nghĩ cho mình, đó là chuyện thường tình, không ích kỉ, có mà là thánh nhân, mà thánh nhân thì không tồn tại ở thế giới này.” Đúng vậy, chúng ta không thể phủ nhận sự ích kỷ là một thứ cảm xúc vẫn luôn tồn tại trong bản thân mỗi con người. Nhưng để cùng tồn tại và phát triển, con người phải biết hạn chế tối đa những điều đó để cùng chung sống và cùng dựng xây tương lai tốt đẹp. “Tuổi trẻ chấm dứt khi tính vị kỷ kết thúc; sự trưởng thành bắt đầu khi ta sống vì người khác.” (Hermann Hesse). Ngay từ lúc này, hãy dành thời gian quan sát và để tâm đến những người xung quanh, biết gỡ bỏ cái tôi của mình khi cần thiết, biết đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết, hãy giao lưu hòa nhập với bạn bè, sẵn sàng tham gia các hoạt động đoàn thể để phá vỡ lớp băng bao phủ quanh mỗi người, không ngừng rèn luyện bản thân bằng cách giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình. Hạn chế và dẹp bỏ sự ích kỷ không phải điều đơn giản, nhưng đó là một quá trình xứng đáng! Thật đáng xấu hổ thay cho những con người vị kỷ, hám danh hám lợi mà bỏ quên, dẫm đạp lên quyền lợi của người khác. Đó là những con người đáng phê phán, làm chậm sự phát triển chung của toàn xã hội.

“Con người hay phạm một ít sai lầm, ví như lúc mất đi rồi mới phát hiện người luôn bên cạnh làm bạn với mình đã không còn nữa. Lúc bàn tay trống rỗng mới ý thức được thứ còn lại mà bản thân mình có chỉ là tham lam cùng ích kỉ vô cùng tận” (Thiên Hạ Vô Bệnh). Bạn ơi, chúng ta đừng cứ mãi ích kỷ nhé, để rồi sau này chính chúng ta sẽ là người hối hận…

Bài văn nghị luận về thói ích kỉ - mẫu 3

Mỗi con người chúng ta khi mới sinh ra ai cũng như ai, cùng nằm ở vạch xuất phát nhận thức, chúng ta hoàn toàn bị tác động bởi thế giới khách quan bên ngoài. Dần dần theo thời gian, tùy thuộc vào hoàn cảnh mà hình thành những tính cách, phẩm chất mang tính cá nhân của mỗi người, ai cũng có tính cách và phẩm chất riêng cho mình và không ai là người hoàn hảo. Tất cả đều cố gắng để trở thành người tốt đẹp, cố gắng loại trừ những thói xấu của mình, một trong những tính xấu mà con người ai cũng nên tránh xa đó chính là sự ích kỷ.

Vậy sự ích kỷ hay nói cách khác là tính ích kỷ là gì mà mọi người nên tránh xa? Có thể hiểu, ích kỷ là một biểu hiện của lối sống tiêu cực, người có tính kỷ là người chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, nghĩ đến những lợi ích cho mình, luôn so đo, suy tính cốt làm sao để mình được lợi và không bao giờ suy nghĩ đến người khác. Người có tính ích kỉ không chỉ vì lợi ích của mình quên đi lợi ích của người mà còn sẵn sàng chà đạp, tranh giành cướp lấy lợi ích của người khác. Trong cuộc sống hàng ngày, người có tính ích kỷ biểu hiện rất rõ và cụ thể ngay trong những sự việc nhỏ nhất, ví dụ như không quan tâm đến những người thân trong gia đình, vì mình mà bắt mọi người phải làm theo ý muốn của mình. Trong học tập, người ích kỉ là người luôn e dè, ngại giúp đỡ bạn bè, sợ bạn sẽ hơn mình. Khi được bạn nhờ giải bài tập hay học cùng luôn tìm cách từ chối vì sợ mất thời gian học tập của mình, lại sợ rằng bạn sẽ giỏi hơn mình.

Người ích kỉ là người chỉ biết đến sự giúp đỡ từ người khác mà không khi nào muốn giúp đỡ ai, không muốn giúp đỡ là vì không muốn vướng vào phiền phức, ngại khó, ngại khổ. Trong quá trình làm việc, tính cạnh tranh trong công việc làm lộ rõ bản chất của người ích kỉ, họ chỉ mong nhận công việc nhẹ nhàng, trốn tránh việc khó và đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, sẵn sàng chà đạp lên công sức của người khác để biến thành của mình, cốt vì lợi ích của mình. Trong các mối quan hệ xã hội, người ích kỷ luôn có lòng đố kỵ, ganh ghét với những người hơn mình, dù trong hoàn cảnh nào cũng chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân, ví dụ như gặp người bị tai nạn không có ai giúp đỡ nhưng cũng không xuống giúp vì sợ muộn làm, sợ phiền phức. Những người có tính ích kỉ thường sống rất cô lập, bởi ngoài bản thân mình ra họ không quan tâm đến những người xung quanh, đây là một lối sống tiêu cực và có thể gọi là bệnh ích kỷ.

Căn bệnh này rất nguy hại và rất đáng báo động, bởi ích kỷ cũng là bệnh rất dễ mắc phải. Căn bệnh ích kỷ khiến cá nhân con người ngày càng trở nên xấu tính, lòng dạ hẹp hòi và tự mình tách biệt ra khỏi mọi người, sống lâu với căn bệnh ích kỷ sẽ biến con người ta trở nên cô đơn, bị mọi người xung quanh ghét bỏ, xa lánh. Khi họ không quan tâm đến niềm vui nỗi buồn của người khác, không biết cách cảm thông chia sẻ và giúp đỡ người khác thì đến một ngày, chính họ sẽ là nạn nhân của sự thờ ơ, lãnh đạm đó. Bác sĩ vì đồng tiền trong túi mình mà sẵn sàng thờ ơ mạng sống của bệnh nhân, những quan tham vì tiền mà sẵn sàng tham ô của công, hưởng lợi trên cuộc sống nghèo khổ của nhân dân... Một xã hội ích kỷ là một xã hội suy đồi và xuống cấp, thối nát đạo đức và vô nhân đạo, sẽ chẳng có tình thương nào được hiện diện khi con người chỉ biết nghĩ cho bản thân mình. Xã hội chỉ toàn người ích kỷ sẽ không có sự đoàn kết, không thể tồn tại và phát triển, đi ngược lại với xu thế phát triển của thế giới.

Sống ích kỷ là một lối sống tiêu cực, ảnh hưởng rất xấu đến nhân cách con người, các mối quan hệ giữa con người với nhau và đặc biệt là sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy chúng ta hãy cùng nhau ngăn chặn căn bệnh ích kỷ này, mỗi cá nhân hãy rèn luyện cho mình khả năng chủ động hòa nhập, sẵn sàng giúp đỡ và cảm thông với người khác.

Bài văn nghị luận về thói ích kỉ - mẫu 4

Ích là lợi ích. Kỉ là bản thân. Ích kỉ suy cho cùng là thói sống không đẹp, khi mà con người ta đặt mọi quyền lợi cá nhân lên hàng đầu, không quan tâm đến hoàn cảnh của người khác, chỉ biết so sánh thiệt hơn để rồi thậm chí nảy sinh ra sự đố kị và tàn ác. Người ích kỉ thường suy tính và chỉ thật sự quan tâm đến những thứ đem lại những giá trị họ cần. Ngược lại, sự ích kỉ khiến họ có thái độ thờ ơ vô cảm với cuộc sống, với mọi người xung quanh, sống hẹp hòi, sống đa đoan, sống không có vị tha và đặc biệt họ coi lợi ích của mình là cốt lõi của mọi giá trị.

Đứng trước dòng chảy không ngừng của cuộc sống, xã hội phát triển và luôn đổi mới kéo theo một hiện thực ngầm ẩn sâu trong vỏ bọc đẹp đẽ của những con người yếu đuối, thiếu bản lĩnh không loại bỏ được cám dỗ của bản thân, đó là sự nảy sinh mạnh mẽ của con vi rút kí sinh mang tên “ích kỉ”.́ Con vi rút độc hại ấy hiện hình khi người ta lột tẩy được thứ “thuốc độc chết người” trong thực phẩm ăn uống hàng ngày mà những kẻ vô nhân tính vì chút lợi lộc tầm thường mà không màng đến sức khỏe người mua. Con vi rút độc hại ấy hiện hình khi bạn nhìn thấy chính bản thân mình đang ghen tỵ, coi thường trước sự thành công của người khác. Rốt cục, sự ích kỉ có ở khắp mọi nơi và đang trở thành mối nguy hại lớn đẩy lùi sự văn minh của xã hội.

Ích kỉ là nguyên nhân của mọi tệ nạn, của sự hao mòn bản chất, tác động và làm tha hóa con người. Mỗi chúng ta ai cũng đã, đang và sẽ đối mặt với một cuộc đấu tranh tâm lý khi phải lựa chọn giữa một bên là lợi ích cá nhân, một bên là lợi ích tập thể. Và khi bạn quyết định bước vào con đường, nơi bạn thấy quyền lợi của mình được ưu tiên hàng đầu về vật chất lẫn tinh thần, phần “con” trong tâm thức sẽ trỗi dậy điều khiển con người ta sa đọa vào hố sâu của cái ác, cái bất chính, cái bất lương. Ta sẽ đánh mất chính mình, có thể vì bản thân mà chà đạp lên thành quả chân chính của người khác, có thể bị con rắn “ghen tị” làm cho mờ con mắt, có thể trở thành kẻ trốn tránh trách nghiệm đẩy khó khăn cho người ngoài.

Hơn thế, sự ích kỉ còn giết chết tình thương. Chúng ta không thể sống mà chỉ nhận giống như tình cảm, sự quan tâm mà người khác dành cho ta là lẽ đương nhiên. Cũng giống như một mối quan hệ không thể bền lâu nếu không có sự cố gắng của cả hai bên. Liệu rằng người ta có sẵn lòng giúp đỡ một kẻ không để tâm đến người khác bao giờ? Liệu rằng một kẻ ích kỉ, chỉ nghĩ cho bản thân có xứng đáng với những tấm lòng chân thành kia không? Suy cho cùng, đằng sau tất cả những cố gắng đẩy quyền lợi của bản thân lên trên hết chính là sự trả giá đau đớn nhất, ta sẽ mất đi những người mà chúng ta yêu thương, ta mất đi sự tin tưởng, sự tín nhiệm của tất cả mọi người, trở thành kẻ cô độc trước những tập thể đoàn kết và đau đớn hơn là đánh mất chính bản thân mình.

Ích kỉ không phải là một bản tính có sẵn. Nó là căn bệnh dễ dàng xâm nhập trong môi trường mà con người không có bản lĩnh, không có ý chí và sự lương thiện, nhanh chóng ăn sâu và bào mòn tinh thần con người. Vì vậy trước khi bước vào xã hội, mỗi chúng ta cần phải trang bị những kĩ năng, biết đâu là tốt, đâu là xấu để rồi có thể thực sự tự tin không bị lung lay bởi những lợi ích tầm thường của bản thân, thúc đẩy xã hội tốt đẹp hơn. Chúng ta đang sống trong một xã hội với đầy những hy vọng, nơi cô bé Hải An, không quan tâm đến sự lành lặn thân xác mà sẵn lòng cho đi cặp giác mạc, trao đi ánh sáng cho người khác. Chúng ta đang sống trên mảnh đất mà những người anh hùng Việt Nam đã không màng đến mạng sống của bản thân mà đổ biết bao mồ hôi xương máu bảo vệ tổ quốc. Vậy mà hiện nay vẫn đang tồn tại những con người chưa thực sự thức tỉnh, những kẻ yếu đuối mang trong mình căn bệnh ích kỉ làm mất đi những giá trị cao đẹp. Tuy nhiên, mỗi chúng ta phải biết cân bằng, giữ cho mình một chút ích kỉ, đừng cho đi mù quáng nếu không sẽ bị lợi dụng bởi kẻ khác.

Hãy sống như mặt trời, ngày ngày chiếu rọi ánh sáng và hơi ấm cho muôn loài. Hãy sống như đóa hoa, sống hết mình trao hương sắc cho cuộc đời. Có như vậy con người ta mới có thể rũ bỏ được chất “con” trong tâm thức để tiến gần hơn tới con người.

Bài văn nghị luận về thói ích kỉ - mẫu 5

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có một câu hát rất hay, ý nghĩa trong bài hát “Để gió cuốn đi”: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”. Lời bài hát trên đã khuyên nhủ con người sống có tình yêu thương, biết cho đi. Thế nhưng trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có rất nhiều người sống ích kỉ chỉ biết đến bản thân mình. Ích kỉ là một lối sống tiêu cực cần loại bỏ đối với mỗi người

Đầu tiên, chúng ta cùng đi tìm hiểu “ Thế nào là tính ích kỷ”?. Ích kỉ được hiểu là một biểu hiện của lối sống tiêu cực, người có tính kỷ là người chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, nghĩ đến những lợi ích cho mình, luôn so đo, suy tính cốt làm sao để mình được lợi và không bao giờ suy nghĩ đến người khác.

Biểu hiện của người có thói ích kỷ trong cuộc sống hàng ngày như không quan tâm đến những người thân trong gia đình, vì mình mà bắt mọi người phải làm theo ý muốn của mình. Đơn giản như ứng xử nhỏ vì thích ăn món sườn chua ngọt, cá chiên... mặc dù biết mẹ đi làm rất mệt và bận về nhà tối mù vẫn nhõng nhẽo đòi mẹ làm bàng được nếu không sẽ không ăn cơm. Rồi khi người thân trong nhà mệt, ốm không biết giúp đỡ chia sẻ công việc, không hỏi han, chăm sóc sống chỉ biết bản thân mình, hưởng thụ, đi chơi. Còn trong trong công việc người có tính ích kỉ sẽ có tính cạnh tranh rất cao bởi chỉ sợ người khác hơn mình mà bất chấp làm mọi cách thậm trí cả nói xấu với cấp trên về người đó này nọ để hạ thấp đồng nghiệp nâng cao giá trị bản thân. Bản chất của người ích kỉ, họ chỉ mong nhận công việc nhẹ nhàng, trốn tránh việc khó và đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Trong học tập thì biểu hiện của người ích kỉ rất rõ từ cử chỉ, hành động nhỏ ví như là khi bạn hỏi cách giải một bài tập khó mà mình đã giải ra nhưng vì sợ hướng dẫn bạn thì mất thời gian, rồi bạn biết bạn sẽ giỏi hơn nên né tránh, nói lảng sang cái khác. Hay bản thân có nhiều đồ chơi đẹp, quyển sách hay bạn hỏi mượn lại không cho nói dối là đồ của người khác chứ không phải của mình nên không cho mượn được. Hoặc ở cuộc sống xung quanh có những người rất ích kỉ chỉ sợ người khác hơn mà thấy nhà hàng xóm có đàn gà đẹp sẵn sàng vứt một con gà chết vì bệnh sang vườn để đàn gà đó bị lây bệnh chết hết. Tóm lại, người có thói ích kỉ chỉ biết tới lợi ích của mình mà sẵn sàng trà đạp lên người khác bằng mọi cách. Ích kỉ đúng là một thói xấu trong cuộc sống.

Ích kỉ không phải là một bản tính có sẵn. Nó là căn bệnh dễ dàng xâm nhập trong môi trường mà con người không có bản lĩnh, không có ý chí và làm mất đi sự lương thiện. Thói ích kỉ sẽ biến cá nhân con người ngày càng trở nên xấu tính, lòng dạ hẹp hòi, con người trở nên cô đơn, bị mọi người xa lánh và ghét bỏ. Đối với xã hội, sự ích kỉ sẽ tạo nên một xã hội xuống cấp, thối nát về đạo đức và sống thiếu tình thương khi con người chỉ biết nghĩ đến bản thân mình.

Thực tế chắc hẳn chưa ai trong chúng ta quên vụ tham nhũng trong đại án Việt - Á, nâng khống tiền kit test xét nghiệm Covid trong hoàn cảnh đất nước đang lao đao, ngặt nghèo hay vụ tham nhũng trong “chuyến bay giải cứu” những đồng bào bị mắc kẹt tại nước ngoài do Covid. Chúng ta, đã từng nghe bài báo, phóng sự viết về những con người sống biết chia sẻ, yêu thương nhưng đâu đó, vẫn còn những con người ích kỉ chỉ biết đến bản thân mình như thấy một cụ già mang theo rất nhiều đồ muốn sang đường giữa xe cộ tấp nập mà lại mặc kệ. Hay đi xe ô tô không may quệt phải một người ngã xuống đừng vì lo sợ trách nhiệm nhân lúc không ai nhìn thấy lại thản nhiên bỏ đi mặc kệ sự sống chết của người vừa bị ngã. Một thực tế khác vẫn tồn tại ở xã hội như trong lúc nhân dân vùng núi, miền Trung bị lũ lụt cần sự giúp đỡ các tổ chức kêu gọi chia sẻ thì một số người thản nhiên coi như không phải việc của mình, không giúo đỡ dù là điều nhỏ có thể làm được... Nói tóm lại, thói ích kỉ khiến con người sống thiếu đạo đức, thiếu tình thương đáng bị lên án.

Vậy do đâu mà con người lại có thói ích kỉ? Sự ích kỉ xuất phát do từ cái “tôi” bản năng của mỗi con người, khi đững trước lợi ích không kiềm chế được nên dần đánh mất đi bản thân mình. Mặt khác là do xã hội ngày càng phát triển, con người bận rộn với cuộc sống, với những dự định riêng của mình nên đôi lúc vô hình chung tạo nên khoảng cách giữa người với người, ít có thời gian quan tâm đến người khác hơn và chỉ chú tâm vào lợi ích của bản thân mình. Nguyên nhân nữa là có những người sự ích kỉ đến từ bản chất của người đó, vì ích kỉ nên chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không quan tâm, để ý đến những người xung quanh, chỉ muốn nhận lại mà không muốn cho đi. Và sự ích kỉ đôi lúc là do chịu ảnh hưởng từ những người xung quanh. Nếu những người xung quanh chỉ nghĩ đến bản thân mình, không ai quan tâm, chia sẻ với ai điều gì sẽ dần hình thành cho những người khác tính cách này.

Thói ích kỉ của con người sẽ giết chết tình thương, khiến con người sống vô cảm. Trong cuộc sống để con người sống biết san sẻ, biết yêu thương thì chúng ta cần dành thời gian biết quan tâm tới người khác, biết đặt lợi ích của cộng đồng lên trên hết. Sống hòa đồng, tham gia giao lưu, sống cở mở, tham gia hoạt động tập thể, giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn hay cần sự giúp đỡ. Còn trong học tập, nên giúp đỡ bạn bè như khi bạn muốn hướng dẫn bài tập khó, các bạn trong lớp, trường có hoàn cảnh khó khăn, hay chia sẻ kiến thức hay từ một quyển sách nào đó. Và trong gia đình, mỗi chúng ta hãy biết quan tâm tới nhau, sống biết giúp đỡ anh, chị, em khi họ gặp khó khăn, quan tâm tới bố mẹ hơn. Chính việc làm nhỏ đó sẽ giúo chúng ta rèn luyện bản thân, sống biết bao dung, nhân ái hơn.

Như vậy, chúng ta thấy rằng thói ích kỷ là một lối sống tiêu cực, ảnh hưởng rất xấu đến nhân cách con người, các mối quan hệ giữa con người với nhau và đặc biệt là sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy chúng ta hãy cùng nhau ngăn chặn căn bệnh ích kỷ này, mỗi cá nhân hãy rèn luyện cho mình khả năng chủ động hòa nhập, sẵn sàng giúp đỡ và cảm thông với người khác để tạo nên một xã hội hiện đại vá nhân ái hơn.

Bài văn nghị luận về thói ích kỉ - mẫu 6

Con người sinh ra đều xấu phát từ con số 0 tròn trĩnh. Có những người cố gắng vươn lên, trau dồi bản thân để hướng đến thành công và những điều tốt đẹp nhưng cũng có những người sống theo chiều hướng tiêu cực, chỉ biết đến bản thân mình một cách ích kỉ.

Vậy thế nào là ích kỉ? Ích kỉ là việc mỗi chúng ta chỉ biết nghĩ đến bản thân mình và lợi ích của bản thân mà vô cảm, thờ ơ, lãnh đạm, không quan tâm trước nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác. Xã hội ngày càng phát triển, con người bận rộn với cuộc sống, với những dự định riêng của mình nên đôi lúc vô hình chung tạo nên khoảng cách giữa người với người, ít có thời gian quan tâm đến người khác hơn và chỉ chú tâm vào lợi ích của bản thân mình. Tuy nhiên, có đôi lúc sự ích kỉ đến từ bản chất của người đó, vì ích kỉ nên chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không quan tâm, để ý đến những người xung quanh, chỉ muốn nhận lại mà không muốn cho đi. Sự ích kỉ còn là do chịu ảnh hưởng từ những người xung quanh. Nếu những người xung quanh chỉ nghĩ đến bản thân mình, không ai quan tâm, chia sẻ với ai điều gì sẽ dần hình thành cho những người khác tính cách này.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có nhiều người có tấm lòng nhân hậu, sống tình nghĩa, biết yêu thương và san sẻ với những người xung quanh, biết thương cảm với những mảnh đời bất hạnh; những người này và những thông điệp tốt đẹp cần được chia sẻ và lan tỏa nhiều hơn trong cộng đồng để mọi người biết đến và học tập.

Sự ích kỉ mang đến cho con người những cái lợi nhỏ nhưng mang lại cho ta những thiệt thòi, những tác động tiêu cực. Không một ai là hoàn hảo, nhưng khi ta biết cố gắng hoàn thiện bản thân và vươn lên phía trước, chúng ta sẽ đạt được những thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra.

Bài văn nghị luận về thói ích kỉ - mẫu 7

Cuộc sống ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, con người bận rộn chạy đua với thời gian. Dường như chúng ta không còn dành cho nhau nhiều tình cảm như trước, thay vào đó là cách sống vô cảm, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Đấy cũng chính là lí do mà ngày nay, căn bệnh “ích kỉ” ngày càng lan rộng hơn.

Vậy thế nào là ích kỉ? Ích kỉ là chỉ biết nghĩ đến bản thân mình và lợi ích của bản thân mà vô cảm, thờ ơ, lãnh đạm, không quan tâm trước nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác. Người ích kỉ là người vô cảm, vô tâm, đặt quyền lợi và nhu cầu của bản thân lên trên tất thảy mọi thứ.

Sự ích kỉ bắt nguồn từ khi xã hội ngày càng phát triển, con người bận rộn với cuộc sống, với những dự định riêng của mình nên đôi lúc vô hình chung tạo nên khoảng cách giữa người với người, ít có thời gian quan tâm đến người khác hơn và chỉ chú tâm vào lợi ích của bản thân mình. Đôi lúc sự ích kỉ đến từ bản chất của người đó, vì ích kỉ nên chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không quan tâm, để ý đến những người xung quanh, chỉ muốn nhận lại mà không muốn cho đi. Nguyên nhân của sự ích kỉ còn là do chịu ảnh hưởng từ những người xung quanh. Nếu những người xung quanh chỉ nghĩ đến bản thân mình, không ai quan tâm, chia sẻ với ai điều gì sẽ dần hình thành cho những người khác tính cách này, sống khép mình trước người khác.

Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người có tấm lòng nhân hậu, sống tình nghĩa, biết yêu thương và san sẻ với những người xung quanh, biết thương cảm với những mảnh đời bất hạnh; những người này và những thông điệp tốt đẹp cần được chia sẻ và lan tỏa nhiều hơn trong cộng đồng để mọi người biết đến và học tập.

Mỗi chúng ta được tự lựa chọn cho mình cách sống, cách cư xử, cách làm người. Chính vì thế hãy sống hết mình để sau này nhìn lại không có gì phải hối tiếc và hãy sống với chủ nghĩa, tư tưởng: những điều cho đi là những điều còn mãi.

Bài văn nghị luận về thói ích kỉ - mẫu 8

Từ xưa đến nay, ích kỉ vẫn luôn là một thói hư tật xấu mà con người ta chán ghét, mong muốn xóa bỏ. Thói xấu này đã tồn tại âm ỉ trong xã hội từ rất lâu. Và cho đến tận cuộc sống hiện đại ngày nay vẫn chưa thể hoàn toàn đẩy lùi.

Ích kỉ là cách gọi chung cho kiểu tính cách luôn chỉ nghĩ cho bản thân mình, luôn đặt bản thân mình lên hàng đầu trong mọi trường hợp. Chỉ cần thỏa mãn bản thân, thì người khác có bị tổn thương, mất mát ra sao cũng mặc kệ. Thậm chí, họ còn không từ thủ đoạn nào, sẵn sàng làm mọi thứ để thỏa mãn bản thân, dành phần hơn về phía mình. Điều đó không chỉ gây tha hóa người có thói ích kỉ, khiến họ trở thành kẻ xấu trong tập thể. Bị mọi người chán ghét, xa lánh, cô lập. Mà hơn hết, nó gây ảnh hưởng đến lợi ích chung, sự đoàn kết của một tập thể. Điều đó là vô cùng tai hại, bởi gián tiếp gây mâu thuẫn nội bộ, cản trở tình cảm đoàn kết của mọi người, giảm hiệu suất làm việc nhóm.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi cái tôi dần được tôn trọng, cơ hội thể hiện bản sắc cá nhân cho mỗi người ngày càng nhiều, đã dần trở thành cơ hội cho sự ích kỉ len lỏi và phát triển mạnh mẽ. Điều đó gián tiếp khiến cho cái ta dần bị bóp nghẹt bởi cái tôi bị biến chất từ thói ích kỉ. Do đó, chúng ta cần hành động ngay hôm nay để xóa bỏ thói xấu này. Trước hết, là từ các phương án giáo dục và tuyên truyền, ngay từ khi còn nhỏ cho các bạn học sinh. Để các bạn thấm nhuần sự độc hại của thói ích kỉ, hiểu hơn về niềm vui của sự sẻ chia, nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Sau đó, là có những cách lên án, phê phán thích hợp với các hành động biểu lộ sự ích kỉ một cách độc hại, sỗ sàng. Cuối cùng, quan trọng nhất, chính là ý thức của bản thân mỗi người. Chỉ khi bản thân mỗi người trong chúng ta tự thấu hiểu, điều chỉnh bản thân mình, không cho thói ích kỉ xuất hiện và ngự trị tâm hồn, thì khi đó nó sẽ dần dần biến mất.

Bản thân em không phải là chưa từng xuất hiện suy nghĩ ích kỉ, mong muốn mọi thứ tốt đẹp phải về mình. Nhưng nhớ tới thầy cô, bố mẹ tin yêu, em đã tự mình đập tan suy nghĩ đó, để sống chan hòa, giàu tình yêu thương với mọi người. Em tin rằng, chỉ cần chúng ta muốn, thực sự muốn thì việc xóa tan lối sống ích kỉ sẽ sớm trở thành hiện thực.

Bài văn nghị luận về thói ích kỉ - mẫu 9

Để có thể sống chân chính và ngẩng cao đầu tự hào về hai tiếng con người thì trên hành trình gian nan ấy, quả thực chúng ta cần cố gắng và nỗ lực rất nhiều. Chúng ta cần có bản lĩnh, trái tim nhân hậu vị tha và đặc biệt là biết cách giết chết con rắn độc “ích kỉ” đang ẩn náu trong tâm hồn mỗi người. Hãy xóa bỏ nó ngay nếu bạn không muốn mình trở thành một con người sống mà chỉ biết lấy bản thân mình .

Lòng ích kỉ là sự vị kỉ cá nhân, là thái độ và suy nghĩ chỉ biết vì lợi ích cá nhân, chỉ biết mưu mô, toan tính và sân si với những lợi ích của bản thân, không biết cách sống cho - nhận một cách hài hòa cân đối. Dĩ nhiên, là con người chưa bao giờ là hoàn hảo cả, tuy nhiên đừng cứ trách cuộc đời hay méo mó, sao ta không tròn tự trong tâm. Vậy nên, lòng ích kỉ là một con rắn độc nó luôn âm thầm luồn lách vào bên trong tâm hồn bạn, chỉ cần chút sơ hở nó sẽ chiến thắng và bạn sẽ bị nó khuất phục.

Ai cũng đều muốn mang lợi ích về mình, đều nghĩ cho bản thân trong những tình huống phải tính toán hơn thiệt, điều ấy sẽ gây ra lòng ích kỉ. Sự ích kỉ sẽ đến khi khát vọng biến thành tham vọng, khi cá nhân không thể suy nghĩ cho cộng đồng, khi cái tôi chiến thắng và át chế cái ta chung. Lòng ích kỉ khiến ta chỉ biết nghĩ cho bản thân, thành ra quanh co với những ham muốn cá nhân, đánh mất mình trong vòng xoáy của lợi ích và thù hận. Lòng ích kỉ sẽ gây ra tâm lí đố kị, ghen ghét với những ai đạt được thành công hay hạnh phúc hơn mình, từ đó muốn tìm mọi cách để chiến thắng đối phương, dùng mọi thủ đoạn để hạ gục đối thủ. Do vậy tâm hồn không bao giờ được thanh thản nhẹ nhõm thậm chí còn thấy áp lực và mệt mỏi vì quay cuồng và bị sai khiến bởi lòng tự ái. Bản thân với cái tôi đề cao quá cao sẽ đánh mất mình giữa cộng đồng và nhân quần rộng lớn. Rồi dần dần sẽ mất đi tình đồng loại nhân cách cao thượng và sự vị tha của tâm hồn. Đẩy ta gần hơn dưới hố sâu của tội lỗi và cơn cuồng nộ của tranh đấu, giành giật. chính vì thế, con người dễ bị sa ngã, xói mòn và băng hoại về đạo đức, chết dần chết mòn đi vì những lợi ích ti tiện và tầm thường của cá nhân, chạy theo những giá trị nhất thời mà mất đi giá trị và tâm hồn cao quý của loài người.

Hãy nhìn những con người cứ mãi quanh quẩn trong vòng danh lợi, đấu đá và ganh ghét lẫn nhau xem, họ đã bị cộng đồng xa lánh, từ chối bởi cá nhân chỉ có thể hòa hợp với cộng đồng khi biết cân đối, hài hòa giữa cống hiến và hưởng thụ. Sự ích kỉ cũng là một biểu hiện của việc muốn hưởng thụ vậy. Thử hỏi, nếu ai cũng sống bằng lòng ích kỉ, cũng sống với cái tôi cao ngất ngưởng ấy, xã hội và nhân quần sẽ đi về đâu. Liệu còn đâu làm điểm tựa cho sự bền vững được chăng. Một người chỉ biết có ích kỉ, chỉ biết có cá nhân sẽ sớm bị đào thải, bị xa lánh và tấy chay với những tham vọng và ham muốn vô độ của bản thân.

Nhưng để có thể sống cống hiến, hi sinh, vị tha mà không tham sân si với những lợi ích tầm thường, dễ dãi cần phải là người có bản lĩnh, nhân cách cao thượng. biết hi sinh, chấp nhận mình vì mọi người, mình không là duy nhất, cần hiểu rõ vai trò của cá nhân trong mối quan hệ với cộng đồng. không quá tham lam và thái độ cố hữu, bảo thủ, đấy cũng là một hướng sáng để bạn mở ra cánh cửa của tình yêu trong trái tim.

Còn gì cao quý và hãnh diện hơn cho một thái độ sống vị tha, cống hiến quên mình. Không phải lúc nào ta cũng là duy nhất, ta cần yêu quý bản thân nhưng đó không có nghĩa là bạn được phép sống ích kỉ. Thật vui biết bao khi một trái đất ngập tràn yêu thương và lòng ích kỉ trở thành biển hồ chết.

Xem thêm các bài văn mẫu 8 Kết nối tri thức hay khác:

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 8

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Soạn văn 8 hay nhất, ngắn gọn của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Ngữ văn 8 Tập 1 và Tập 2 Kết nối tri thức (NXB Giáo dục).

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Tài liệu giáo viên