(40+ mẫu) Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện)

Tổng hợp trên 40 mẫu Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

(40+ mẫu) Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện)

Quảng cáo

Dàn ý Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) - mẫu 1

- Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm (nhan đề, tác giả); nêu ý kiến khái quát về tác phẩm.

- Thân bài:

+ Nêu nội dung chính của tác phẩm.

+ Nêu chủ đề của tác phẩm.

+ Chỉ ra và phân tích tác dụng của một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

- Kết bài: Khẳng định ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.

Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) - mẫu 1

Khánh Hoài là một nhà văn giàu tình yêu thương với trẻ em. Một trong những tác phẩm tiêu biểu đó là truyện ngắn “Cuộc chia tay của những con búp bê”. Từ cuộc chia tay xúc động của hai anh em Thành và Thủy, tác giả đã gửi gắm một bài học ý nghĩa trong cuộc sống.

Câu chuyện kể về một gia đình có hai anh em là Thành và Thủy. Nhưng vì bố mẹ ly hôn nên hai anh em không thể tiếp tục sống với nhau được nữa. Khánh Hoài đã xây dựng một tình huống đặc biệt để cho thấy tình cảm sâu sắc của Thành và Thủy. Người mẹ yêu cầu hai anh em phải đem đồ chơi ra chia. Nghe thấy tiếng mẹ nói chia đồ chơi mà Thủy không kìm nổi nỗi sợ hãi “bất giác run lên bần bật, kinh hoàng”. Còn Thành thì thầm nghĩ: “Cảnh vật vẫn cứ như hôm qua, hôm kia thôi mà sao tai họa giáng xuống đầu anh em tôi nặng nề thế này”. Đối mặt với cuộc chia tay, Thành và Thủy đều cảm thấy buồn bã và thật nặng nề. Nhưng điều đó không làm tình cảm của cả hai mất đi. Đến tận bây giờ, hai anh em vẫn nhường nhịn và dành những điều tốt nhất cho nhau, thật đáng trân trọng. Thành dành hầu hết số đồ chơi cho em: bộ tú lơ khơ, bàn cá ngựa, những con ốc biển và bộ chỉ màu và ngay cả hai con búp bê là Em Nhỏ và Vệ Sĩ. Khi hai anh em về đến nhà thì đã nhìn thấy một chiếc xe tải đỗ trước cổng, cuộc chia tay quá đột ngột khiến cả hai bàng hoàng. Thủy chạy vào nhà lấy con Vệ Sĩ đưa cho Thành để nó gác cho anh ngủ. Nhưng sau đó, cô bé lại đem cả con Em Nhỏ lại cho anh và bắt anh hứa không bao giờ để chúng phải xa nhau nữa.

Quảng cáo

Sau khi chia đồ chơi, Thành đưa em đến trường tạm biệt thầy cô và bạn bè. Khung cảnh ngôi trường hôm nay sao mà thân thương đến vậy. Cô tặng cho Thủy một quyển sổ và một chiếc bút mực nhưng Thủy không dám nhận vì không còn được đi học nữa. Sau khi từ trường về nhà, Thành và Thủy nhìn thấy một chiếc xe tải đỗ trước cổng, cuộc chia tay quá đột ngột khiến cả hai bàng hoàng. Thủy chạy vào nhà lấy con Vệ Sĩ đưa cho Thành để nó gác cho anh ngủ. Nhưng sau đó, cô bé lại đem cả con Em Nhỏ lại cho anh và bắt anh hứa không bao giờ để chúng phải xa nhau nữa. Dường như đó cũng chính là mong muốn của Thủy. Em mong rằng mình và anh trai sẽ không phải xa cách nhau nữa. Cuộc chia tay diễn ra đẫm nước mắt, buồn bã và đau thương. Cả hai anh em đều sẽ không biết bao giờ mới có thể gặp lại nhau.

Cuộc chia tay của những con búp bê đã gợi cho người lớn bao suy nghĩ về trách nhiệm của mình, về việc gìn giữ mái ấm hạnh phúc để cho con cái được vui vẻ, trọn vẹn yêu thương.

Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) - mẫu 2

Có lẽ không nơi đâu như mảnh đất Việt Nam này, mỗi con đường, góc phố, cánh rừng đều in đậm vẻ đẹp của những con người hiền hòa mà anh dũng. Nhất là trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có biết bao con người trẻ tuổi khoác ba lô ra chiến trường để chiến đấu và làm việc, vì một lý tưởng cao cả là giành lại độc lập tự do cho quê hương mình. Rất nhiều tác phẩm văn học đã sinh ra từ không khí hào hùng của thời đại đó. Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi được Lê Minh Khuê viết vào năm 1971, khi cuộc chiến đấu của quân dân ta đang ở giai đoạn cam go, ác liệt nhất. Tác phẩm ra đời từ một ngòi bút trực tiếp tham gia công tác và chiến đấu tại tuyến đường Trường Sơn, nên đã chuyển tải được sự ác liệt của bom đạn và làm nổi bật lên vẻ đẹp tâm hồn của những con người Việt Nam trẻ tuổi, mà đại diện tiêu biểu chính là Nho, Thao và Phương Định.

Quảng cáo

Hãy xem hoàn cảnh sống và chiến đấu của các nhân vật chính trong tác phẩm. Họ là ba cô gái sống trong một cái hang dưới chân cao điểm. Nơi này đạn bom luôn làm rung chuyển mặt đất. Công việc của họ là trinh sát mặt đường, đo khối lượng đất đá cần để lấp hố bom, phát hiện, đếm những quả bom nổ chậm, và tìm cách phá bom để bảo vệ con đường. Nơi ở là nơi nguy hiểm, công việc thì luôn phải đối đầu với cái chết. Bên cạnh đó, họ phải chịu đựng nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng ở họ, ta lại cảm nhận được một tinh thần đoàn kết sâu sắc. Họ như kết thành một khối, có sức mạnh để vượt qua tất cả.

Lê Minh Khuê miêu tả từng nhân vật với những nét tính cách khác nhau. Đầu tiên là chị Thao, tiểu đội trưởng. Thao xứng đáng là người chỉ huy của cả đội, bởi chị lúc nào cũng rất bình tĩnh. Tình thế càng nguy hiểm thì sự bình tĩnh đó càng lộ ra rõ rệt, "những khi biết rằng cái sắp tới sẽ không êm ả thì chị tỏ ra bình tĩnh đến phát bực". Sự bình tĩnh đó giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ lúc nào cũng chính xác và hiệu quả. Ấy vậy mà cô gái này lại "thấy máu, thấy vắt là chị nhắm mắt lại, mặt tái mét, áo lót của chị cái nào cũng thêu chỉ màu. Chị lại hay tỉa đôi lông mày của mình, tỉa nhỏ như cái tăm.", đó là vẻ đẹp mang màu sắc nữ tính của chị Thao. Thao điệu đà, thích chép những bài hát vào một cuốn sổ, nhưng trong công tác thì vô cùng táo bạo và cương quyết. Mệnh lệnh của chị Thao luôn được Nho và Phương Đinh tuân thủ chặt chẽ. Tính kỷ luật của tiểu đội được đặt lên hàng đầu.

Còn khi miêu tả Nho, nhà văn để cho nhân vật xuất hiện trong cái nhìn rất thương mến của Phương Định. Đó là lúc Nho đi từ dưới suối lên, cái cổ tròn, trông nhẹ "mát mẻ như một que kem". Nho có những mơ ước bình dị "Xong chiến tranh, sẽ xin vào một nhà máy thuỷ điện lớn. Nó làm thợ hàn, sẽ trở thành cầu thủ bóng chuyền của nhà máy. Nó sẽ đập thật giỏi. Và biết đâu lại sẽ được người ta tuyển vào đội bóng chuyền miền bắc". Vẻ đẹp của Nho giản dị như thế đấy, nhưng cô gái thanh niên xung phong này có thể đảm đương những nhiệm vụ khó khăn nhất. Khi phá bom: "Nho hai quả dưới lòng đường". Khi bị thương, Nho vẫn điềm tĩnh, đòi uống nước, và tinh nghịch trước cơn mưa đá bất chợt ào đến. Nho thật đáng yêu và đáng khâm phục.

Nhưng có thể nói nhân vật trung tâm mà Lê Minh Khuê miêu tả thật sâu sắc phải kế đến Phương Định, người ở ngôi thứ nhất kể lại câu chuyện này. Về nguồn gốc xuất thân, Phương Định vốn là một cô gái Hà Nội vừa rời ghế nhà trường đã xung phong ra trận, đó là vẻ đẹp lý tưởng ở những con người trẻ tuổi thuộc thế hệ đánh Mỹ. Ngoại hình của Phương Định khá xinh đẹp, "nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như cái đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: "Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!".... Vẻ đẹp tươi tắn đó của Phương Định hoàn toàn tương phản với khung cảnh chiến tranh, nó khiến cho người đọc thêm căm ghét cuộc chiến tranh xâm lược tàn ác mà kẻ thù đã gây ra.

Nhà văn miêu tả tính cách của Phương Định vẫn còn nhiều nét lãng mạn, tinh nghịch. Cô thích ca hát: "Tôi thích nhiều bài hát, dân ca quan họ dịu dàng, dân ca Ý trữ tình giàu có". Cô cũng thích ngắm mình trong gương. Nhiều anh bộ đội thầm thương trộm nhớ, nhưng Phương Định cũng không kiêu căng, vì đối với cô, các anh bộ đội chính là những con người đẹp nhất. Những cử chỉ, hành động và suy nghĩ của Phương Định cho ta thấy cô gái này là một con người giản dị, yêu đời, rất đỗi ngây thơ, trong sáng và có nội tâm phong phú.

Quảng cáo

Trong truyện ngắn, nhà văn Lê Minh Khuê đã khám phá ra đằng sau vẻ đẹp dịu dàng của Phương Định là một tâm hồn đầy sức mạnh và lòng dũng cảm của một người chiến sĩ. Điều này thể hiện trong những lần Phương Định phá bom. Quả bom của kẻ thù là phương tiện tàn ác gieo rắc cái chết, để có những con đường an toàn cho đoàn xe ra trận, Phương Định và đồng đội của cô đối mặt với những quả bom đáng sợ đó. Nhà văn Lê Minh Khuê không né tránh miêu tả thực tại phũ phàng trần trụi của chiến tranh. Đó là lúc Phương Định để lộ mình trên cao điểm, và cảm nhận sự hiểm nguy sát ngay bên cạnh. Nhưng cũng chính giây phút đó, cô gái thanh niên xung phong không thấy mình đơn độc, cô cảm thấy ánh mắt của các anh bộ đội đang dõi theo mình, động viên và bảo vệ. Vì thế, Phương Định không đi khom, cô giữ tư thế hiên ngang khi đến gần quả bom. "Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi lom khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới". Tâm trạng của Phương Định lúc đó thật bình tĩnh, dù rất căng thẳng. Những cử chỉ của cô khi phá bom rất chuẩn xác: cẩn thận bỏ gói thuốc nổ cạnh quả bom, khoan đất, chạy lại chỗ núp, nép người vào bức tường, nhìn đồng hồ... Những lúc như thế, Phương Định cũng có nghĩ đến cái chết, nhưng tinh thần trách nhiệm và khát khao hoàn thành nhiệm vụ mạnh mẽ hơn. Phương Định hiểu rõ ý nghĩa việc mình làm, thế nên đối mặt với cái chết, cô vẫn chủ động, bình tĩnh, dũng cảm và sẵn sàng hi sinh cho con đường ra trận được thông suốt. Đó chính là vẻ đẹp tâm hồn cao cả của cô và đồng đội!

Là một cô gái thanh niên xung phong anh dũng, nhưng trái tim Phương Định lại dịu dàng và chan chứa yêu thương, nhất là đối với những người đồng đội cô xem như ruột thịt. Khi thấy Nho bị bom vùi, Phương Định cuống cuồng bới đất cứu bạn, và chăm sóc Nho với tất cả tấm lòng người chị em gái. Đối với chị Thao, Phương Định cũng hiểu rõ tính cách, sở thích và những tâm tình của bạn, sẵn sàng giúp đỡ và sẻ chia tâm sự. Nghe giọng hát rất chua của chị Thao, Phương Định cảm thấy sự thân thiết và niềm động viên khi tình thế nước sôi lửa bỏng.Cũng như Thao và Nho, Phương Định có một tâm hồn trong sáng, nhạy cảm. Trong những ngày xa Hà Nội, cô nhớ da diết những hình ảnh thân thương của quê hương, nhớ xe bán kem, nhớ cả những ngôi sao xa xôi trên bầu trời Hà Nội. Đó là những kỷ niệm đẹp đẽ mà Phương Định đã gói ghém làm hành trang khi tham gia vào cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc đánh Mỹ.

Có thể nói, ở ba cô gái này, ta cảm nhận những nét tính cách đối lập: họ vừa là người chiến sĩ dũng cảm, gan dạ, sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc, vừa là ba cô gái hồn nhiên, đầy nữ tính và có lòng yêu quê hương đất nước lắng sâu da diết. Đó không phải chỉ là vẻ đẹp tâm hồn của riêng họ, mà là nét đẹp tâm hồn chung của những con người Việt Nam trẻ tuổi thời đại chống Mỹ cứu nước.

Lê Minh Khuê đã chọn cho mình một cách viết thật bình dị, với ngôn từ mang đậm hơi thở của chiến tranh. Ngôi kể của truyện là Phương Định - "tôi", thế nên lời kể thật tự nhiên và trẻ trung. Có lẽ bản thân nhà văn từng là một cô gái thanh niên xung phong, nên bà miêu tả tâm lý nhân vật rất thật, rất tinh tế. Từ đó, bà đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh nhưng hồn nhiên và lạc quan của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn đầy khói lửa. Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi có thể được coi là một khúc ca ca ngợi vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam:

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Mà lòng phơi phới dậy tương lai"

(Tố Hữu)

Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) - mẫu 3

Đi lấy mật là một đoạn trích từ tác phẩm Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi kể về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé tên An, bối cảnh của tiểu thuyết là vùng đất miền Tây Nam Bộ, nơi có những con người mến khách, yêu nước. Qua đoạn trích đi lấy mật, tác gia đã cho người đọc cảm nhận được về cậu bé An là một con người hồn nhiên, trong sáng và rất ham học hỏi.

An là nhân vật chính, cũng đóng vai là người kể chuyện. Cậu đã được nhà văn khắc họa qua nhiều phương diện khác nhau. Trong hành trình đi lấy mật cùng với tía nuôi và Cò, An đã có được một nhiều nghiệm thú vị. Trước hết, An cũng giống như bao đứa trẻ khác, nghịch ngợm nên đã có những hành động như: “Chen vào giữa, quảy tòn ten một cái gùi bé”; “Đảo mắt khắp nơi để tìm bầy ong mật”; “Reo lên khi nhìn thấy bầy chim đẹp”; “Ngước nhìn tổ ong như cái thúng… ”. Qua những hành động này, có thể thấy An là một đứa trẻ khá hiếu động và nghịch ngợm.

Hồn nhiên là vậy nhưng An vẫn biết suy nghĩ, ham tìm hiểu. Cậu luôn nhớ về lời má nuôi dạy, về cách lấy mật, lời thằng Cò nói về cách xem ong, về sân chim. Khi nghe má nuôi dạy cách lấy mật, nếu không hiểu gì, An lại hỏi ngay: “Sao biết nó về cây này mà gác kèo”, “Kèo là gì, hở má?”, “Coi bộ cũng không khó lắm hở má?”, “Ủa, tại sao vậy má?”... Bên cạnh đó, không chỉ tinh nghịch và ưa khám phá, cậu còn có con mắt quan sát thật tinh tế và sâu sắc. Dưới con mắt của An, cảnh rừng U Minh hiện lên sống động và hoang sơ, trù phú: “Buổi sáng, đất rừng yên tĩnh”, còn “ánh sáng trong vắt, hơi gợn một chút óng ánh trên những đầu hoa tràm rung rung, khiến ta nhìn cái gì cũng giống như là nó bao qua một lớp thủy tinh”. Điều này cho thấy, An là một cậu bé có tinh tế, biết phát hiện ra những cái đẹp của thiên nhiên.

Qua đoạn trích đi lấy mật, tất cả những chi tiết từ câu chuyện của mẹ đã cho ta thấy An là một cậu bé ngoan ngoãn, ham học hỏi, thích quan sát và yêu thiên nhiên.

Phân tích đặc điểm nhân vật An trong Đi lấy mật

Đoạn trích "Đi lấy mật" được trích trong tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi. Thông qua câu chuyện ba cha con vào rừng đi lấy mật, tác giả đã làm nổi bật hình tượng nhân vật An với nhiều phẩm chất trong sáng, tốt đẹp.

Trước hết, An là một cậu bé yêu thiên nhiên và có những quan sát vô cùng tinh tế. Dưới con mắt của An, rừng núi U Minh hiện lên với vẻ hoang sơ, kì vĩ song cũng rất thơ mộng, trữ tình. Trên đường đi lấy mật, cậu luôn chăm chú, để ý khung cảnh xung quanh. Bằng cách sử dụng ngôi kể thứ nhất, bức tranh thiên nhiên rừng U Minh được thu vào đôi mắt hồn nhiên của An. Các đoạn văn miêu tả như những thước phim quay chậm vô cùng sống động, sắc nét. An đưa mắt quan sát ở trên cao với hình ảnh bầu trời "Ánh sáng trong vắt, hơi gợn một chút óng ánh trên những đầu hoa tràm rung rung, khiến ta nhìn cái gì cũng có cảm giác như nó là bao qua một lớp thủy tinh.". Cậu tiếp tục cảm nhận thiên nhiên bằng khứu giác, xúc giác, thị giác: "ăn xong, bấy giờ bóng nắng mới bắt đầu lên. Gió cũng bắt đầu thổi rao rao theo với khối mặt trời tròn đang tuôn ánh sáng vàng rực xuống mặt đất. Một làn hơi đất nhè nhẹ tỏa lên, phủ mờ những bụi cây cúc áo, rồi nhè nhẹ tan dần theo hơi ấm mặt trời.",... Màu sắc, đặc điểm của sự vật, hiện tượng được miêu tả chi tiết cho thấy sự nhạy cảm trong tâm hồn của nhân vật An.

Tiếp đến, An rất ham học hỏi, tìm hiểu mọi thứ xung quanh. Lần đầu tiên, An được theo tía nuôi vào rừng lấy mật. Trên quãng đường đi, An luôn nhớ lại những lời má nuôi kể về cách gác kèo ong như thế nào. Thậm chí, An đã có những so sánh giữa việc học trong sách với thực tiễn bên ngoài. Cậu nhận ra việc học trong sách giáo khoa chỉ có những khái niệm chung chung về loài ong, không giống như cách má nuôi bảo. Qua đoạn trích An nhớ lại những lời má nuôi kể, ta có thể thấy cậu đặt ra rất nhiều những câu hỏi thể hiện sự tò mò và mong muốn tìm hiểu thế giới xung quanh. Cuối cùng, cậu đã đúc kết ra được sự khác biệt trong cách "thuần hóa" ong rừng của người dân vùng U Minh so với những cách nuôi ong trên thế giới: "Không có nơi nào, xứ nào có kiểu tổ ong hình nhánh kèo như vùng U Minh này cả.".

Có thể thấy, nhà văn Đoàn Giỏi đã xây dựng thành công nhân vật An thông qua lời nói, hành động cụ thể kết hợp với ngôi kể thứ nhất. Qua nhân vật An, tác giả đã thể hiện tình yêu thiên nhiên, con người sâu sắc và ngợi ca tâm hồn trong sáng của trẻ thơ.

Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) - mẫu 4

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, câu chuyện Thần Gió được coi là một tác phẩm thần thoại độc đáo, phản ánh tầm quan trọng của sự kết nối giữa con người và tự nhiên. Tác phẩm này không chỉ mang tính giải trí mà còn thể hiện tinh thần tôn trọng, biết ơn và thấu hiểu đối với những yếu tố vô hình trong cuộc sống hàng ngày.

Trong câu chuyện, Thần Gió được mô tả có hình dáng không đầu và có bảo bối là một chiếc quạt mầu nhiệm. Hình tượng kỳ quặc của Thần Gió thể hiện tính khó lường, khó đoán của tự nhiên. Thần Gió có khả năng điều khiển gió, từ việc tạo ra những cơn gió nhẹ cho đến những cơn bão dữ dội. Khả năng này thể hiện sự quyền năng và ảnh hưởng của tự nhiên đối với cuộc sống con người. Việc Thần Gió làm gió nhỏ hay bão lớn, lâu hay mau tùy theo lệnh Ngọc Hoàng phản ánh vai trò của tự nhiên đối với việc sản xuất, thời tiết và sinh kế của người dân. Những hiện tượng thiên nhiên như gió, mưa, sét không chỉ ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp mà còn là một phần không thể thiếu của tự nhiên.

Một phần quan trọng của câu chuyện là sự hiểu lầm của con thần Gió khiến người dân gặp khó khăn và bất hạnh. Sự nghịch ngợm của con thần đã làm rơi bát gạo quý báu vào ao bùn, gây ra mất mùa và thiếu thốn cho một người nông dân. Đây chính là hình ảnh ẩn dụ mưa bão khiến cho người dân mất mùa đói kém. Nó chỉ là một “hiểu lầm” vô tình do sự nghịch ngợm của thần Gió, nhưng hậu quả nó để lại vô cùng to lớn cho những sinh linh dưới mặt đất.

Thần Gió trong văn hóa dân gian Việt Nam là một tác phẩm thần thoại tương đối phong phú, tương tác giữa con người và tự nhiên được thể hiện qua hình tượng Thần Gió và việc ẩn dụ với những thảm họa thiên nhiên. Tuy nhiên, không một ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của những cơn gió tinh nghịch ấy.

Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) - mẫu 5

Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh không chỉ là một câu chuyện cổ tích, mà còn là một tác phẩm vĩ đại trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, gợi nhớ cho chúng ta những giá trị truyền thống và lòng kiên cường của nhân dân trước thiên nhiên hung bạo. Bắt đầu với viễn cảnh thời đại cổ xưa của Văn Lang, câu chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh bắt đầu với việc vua Hùng muốn chọn một chàng rể phù hợp cho công chúa Mị Nương. Trong viễn cảnh này, chúng ta thấy được tầm quan trọng của núi non và nhân dân, được đặt lên hàng đầu trong lòng vua. Sự lựa chọn của vua Hùng với lễ vật đơn giản, gần gũi như ''voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao'' cho thấy sự sáng tạo của tác giả trong việc diễn đạt các chi tiết văn hóa và xã hội của thời đại đó.

Khi Thủy Tinh gọi mưa và gió, và nước dâng cao, việc Sơn Tinh đáp trả bằng cách dời núi non lên cao thêm, tạo thành bức tranh sống động về cuộc đối đầu giữa con người và thiên nhiên. Cách mà người dân Văn Lang và Sơn Tinh đồng lòng đồng dạng, không chịu khuất phục trước thiên tai, đã tạo ra một hình ảnh mạnh mẽ về lòng đoàn kết và lòng kiên cường của nhân dân Việt Nam.

Những chi tiết kỳ ảo như việc Sơn Tinh dời núi non và Thủy Tinh gọi mưa gió không chỉ tạo nên hình ảnh của một thiên tai tức giận, mà còn là biểu hiện của lòng bất khuất của con người. Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh không chỉ là câu chuyện về hai vị thần, mà còn là câu chuyện về lòng quyết tâm, lòng kiên cường và lòng đoàn kết của nhân dân trước mọi khó khăn và thử thách.

Với sự sáng tạo trong lối diễn đạt và việc sử dụng những chi tiết hấp dẫn, truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh đã trở thành một biểu tượng của lòng kiên nhẫn và lòng đoàn kết của người Việt Nam trước những thách thức của cuộc sống. Câu chuyện này không chỉ là một phần của quá khứ, mà còn là nguồn động viên và sự tự hào cho thế hệ người Việt hiện nay. Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh là một hòa quyện của văn hóa và tâm hồn Việt Nam, một câu chuyện sâu sắc về lòng đoàn kết và lòng kiên cường của nhân dân trước sức mạnh tự nhiên. Trong văn chương dân gian này, không chỉ có những nhân vật thần thoại đầy quyền lực, mà còn là những dấu tích của tư duy, lòng trung hiếu và lòng quyết tâm không ngừng của những người xưa.

Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) - mẫu 6

Với bàn tay tài hoa của mình, Nguyễn Tuân đã xây dựng một tình huống truyện vô cùng độc đáo trong “Chữ người tử tù”. Bởi đối với truyện ngắn, tình huống truyện có ý nghĩa then chốt vì nó góp phần giúp cho cốt truyện phát triển, tính cách nhân vật được bộc lộ và tư tưởng nhà văn được sáng rõ.

Trong “Chữ người tử từ" tình huống truyện xoay quanh cuộc gặp gỡ kỳ ngộ giữa Huấn Cao và quản ngục. Đó là một tình huống có tính chất éo le, kịch tính và ngang trái, bởi Huấn Cao là tử tù cò quản ngục là quản tù; Huấn Cao đứng đầu đội quân phiến loạn triều đình còn quản ngục lại là công cụ bảo vệ triều đình, đại diện cho triều đình.

Huấn Cao là một anh hùng có chỉ khí, khí phách hiên ngang và có tài viết chữ thư pháp được ví như người tài lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa còn quản ngục mặc dù sống trong chốn cặn bã, lừa lọc, tàn nhẫn nhưng lại yêu cái đẹp, trọng người tài. Huấn Cao bị cầm tù về nhân thân nhưng tự do về thân cách còn quản ngục tự do về nhân thân nhưng lại bị cầm tù bởi nhân cách. Trên bình diện xã hội, họ ở hai chiến tuyến đối lập nhau, chính vì thế tình huống truyện càng gay gắt và kịch tỉnh hơn.

Tình huống truyện giúp cho cốt truyện phát triển từ cuộc gặp gỡ đến sự biệt đại của quản ngục cho Huấn Cao rồi đến sự hiểu nhầm của Huấn Cao trước tấm lòng của quản ngục để rồi sự trân trọng và quý mến khi nhận ra tấm lòng chân thành và sự biệt đãi của quản ngục, một người biết quỷ trọng người tài, yêu cái đẹp. Đồng thời tính cách nhân vật cũng được bộc lộ: Huấn Cao là người tài hoa uyên bác, anh hùng có khí phách có thiện lương; quản ngục trong văn của Nguyễn Tuân dù sống trong chốn cặn bã, quay quắt nhưng tấm lòng yêu cái đẹp biết trọng người tài của ông giống như một thanh âm trong trẻo trong bản nhạc xô bồ, hỗn loạn.

Hoàn cảnh không thể nào thay đổi bản chất lương thiện và tốt đẹp trong tâm hồn con người. Cũng qua tình huống ấy, tư tưởng nhà văn được bộc lộ: Nguyễn Tuân một cây bút suốt đời đi tìm cái đẹp bị ẩn dấu và khuất lấp, thậm chí là cái đẹp độc đáo, mãnh liệt và ấn tượng ông đã qua tình huống này ca ngợi cái đẹp, cái đẹp của tâm hồn và nhân cách con người, cái đẹp của tài năng. Đồng thời việc ca ngợi và tìm ra cái đẹp kín đáo bị ẩn lấp ấy cũng chính là một biểu hiện kín đáo của lòng yêu nước khi ca ngợi những con người dân tộc.

Bằng tài năng và tấm lòng yêu con người, yêu cái đẹp. Nguyễn Tuân đã sáng tạo ra được tình huống truyện đặc sắc và hấp dẫn, chỉ có thể là một cây bút tài năng mới thành công như vậy. “Chữ người tử tù” luôn là một truyện ngắn hấp dẫn bởi giọng riêng của Nguyễn Tuân.

Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) - mẫu 7

Truyện ngắn “Cuộc chia tay của những con búp bê” của nhà văn Khánh Hoài gửi gắm bài một bài học sâu sắc. Tổ ấm gia đình là vô cùng quý giá và quan trọng. Mỗi người hãy cố gắng bảo vệ và giữ gìn, không nên vì bất cứ lý do gì làm tổn hại những tình cảm tự nhiên, trong sáng.

Nhan đề “Cuộc chia tay của những con búp bê” đem đến nhiều ý nghĩa. Búp bê chỉ là một món đồ vật không có nhận thức, không có cảm giác. Vậy nên chúng không thể chia tay nhau. Trong truyện, hai anh em Thành và Thủy không được sống cùng với nhau nữa vì bố mẹ ly hôn nên dẫn đến hai con búp bê là Vệ Sĩ và Em Nhỏ mới phải chia tay.

Hai anh em Thành và Thủy hết mực yêu thương nhau. Nhưng vì bố mẹ ly hôn nên hai anh em không thể tiếp tục sống với nhau được nữa. Trước ngày chia tay, mẹ ra lệnh cho cả hai phải chia đồ chơi. Khi nghe thấy mẹ yêu cầu, Thành và Thủy đau đớn nhận ra sự thật rằng cả hai sắp phải chia tay nhau. Thủy bất giác “run lên bần bật, kinh hoàng đưa cặp mắt tuyệt vọng nhìn anh; cặp mắt đen của em lúc này buồn thăm thẳm, hai bờ mi đã sưng mọng lên vì khóc nhiều, khóc cả đêm”. Còn Thành khi “n ghe tiếng khóc tức tưởi của em, cứ phải cắn chặt môi để khỏi bật lên tiếng khóc to, nhưng nước mắt cứ tuôn ra như suối, ướt đầm cả gối và hai cánh tay áo”. Những câu văn trên đã diễn tả tâm trạng buồn bã, đau đớn của Thành và Thủy.

Tiếp đến, cảnh tượng chia đồ chơi diễn ra thật cảm động. Thành dành toàn bộ độ chơi cho em dù chẳng có gì nhiều: bộ tú lơ khơ, bàn cá ngựa, những con ốc biển và bộ chỉ màu và ngay cả hai con búp bê là Em Nhỏ và Vệ Sĩ. Ngay cả Thủy cũng muốn để lại hết cho anh. Có thể thấy, Thành và Thủy rất mực gần gũi, cả hai anh em đều nhường nhịn và yêu thương nhau. Sau khi chia đồ chơi, Thành đã đưa Thủy đến trường. Thủy đứng ở ngoài nhìn vào lớp học. Em “cắn chặt môi im lặng, mắt đăm đăm nhìn khắp sân trường rồi bật khóc thút thít”. Cô giáo nhận ra Thủy và kêu em vào lớp học. Cô tặng cho em một cái bút máy nắp vàng và một quyển sổ. Cô tặng cho Thủy một quyển sổ và một chiếc bút mực nhưng Thủy không dám nhận vì không còn được đi học nữa. Điều đó đã khiến cho cô giáo và các bạn sửng sốt. Ai cũng cảm thấy thương cho Thủy. Một đứa trẻ đáng lẽ ra phải được học hành mà bây giờ đã phải mang gánh nặng mưu sinh.

Cuối truyện, một cuộc chia tay chính thức đã diễn ra. Khi vừa tới nhà, hai anh em đã nhìn thấy một chiếc xe tải đỗ trước cổng, mấy người hàng xóm đang giúp khuân đồ lên xe. Cuộc chia tay quá đột ngột khiến Thành và Thủy vô cùng bất ngờ. Thủy thì người như người mất hồn, mặt tái xanh như tàu lá. Em vội vàng chạy vào trong nhà lấy con Vệ Sĩ đưa cho anh để nó trông cho anh ngủ. Còn Thành thì qua những làn nước mắt, Thành nhìn theo mẹ và em đang trèo lên xe. Bỗng nhiên Thủy chạy lại và đưa con Em Nhỏ cho anh, bắt anh phải hứa không bao giờ để chúng xa nhau. Thành hứa với em, rồi đứng lặng nhìn theo cái bóng nhỏ liêu xiêu của em. Chi tiết này gợi lên tình cảm yêu thương sâu sắc mà Thủy dành cho anh trai. Đối với Thủy, hai con búp bê cũng giống như hai anh em và Thủy thì không muốn chúng phải chia cắt. Truyện kết thúc thật ám ảnh “ chiếc xe tải rồ máy, lao ra đường và phóng đi mất hút”.

Tác phẩm đã cho thấy được rằng tổ ấm gia đình là vô cùng quan trọng với mỗi con người. Chính vì vậy, mọi người hãy cố gắng bảo vệ và gìn giữ nó.

Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) - mẫu 8

Nam Cao là một nhà văn hiện thực xuất sắc. Hai mảng đề tài chính trong các tác phẩm của ông là người nông dân và tri thức nghèo. Một trong những tác phẩm tiêu biểu viết về người nông dân là truyện ngắn Lão Hạc.

“Lão Hạc” được đăng báo lần đầu năm 1943. Truyện kể về Lão Hạc là một người nông dân nghèo khổ. Lão có một đứa con trai nhưng vì nhà nghèo, không có tiền lấy vợ nên bỏ đi đồn điền cao su. Cả gia tài của lão chỉ có mảnh vườn vốn là của hồi môn của con trai và con chó Vàng sống cùng để bầu bạn. Sau trận ốm thập tử nhất sinh, nhà lão không còn gì để ăn. Lão đành phải bán con Vàng đi. Số tiền bán chó và bán mảnh vườn, lão đem gửi ông giáo và nhờ khi nào anh con trai về sẽ trao lại cho anh. Còn bản thân thì đến xin Binh Tư một ít bả chó để tự tử.

Nhân vật chính trong truyện là lão Hạc, một người nông dân nghèo khổ nhưng sống tình cảm. Điều này được thể hiện rõ qua sự gắn bó, đau xót, tiếc thương của lão khi phải bán đi cậu Vàng. Bên cạnh đó, lão còn là một người cha yêu thương con hết mực, luôn nghĩ cho con và dành dụm cho con. Không chỉ vậy, Lão cũng là một người có lòng tự trọng. Dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn nhưng không có những suy nghĩ, việc làm trái với lương tâm và cũng không muốn ảnh hưởng, phiền hà đến bất cứ ai.

Nhân vật ông giáo xuất hiện với vai trò người kể chuyện, xưng “tôi”. Nhân vật này là hàng xóm cũng có thể coi là người bạn tâm giao của lão Hạc. Ông giáo là người được lão Hạc tin tưởng. Lão kể cho ông giáo nghe về việc bán con chó Vàng, lão nhờ ông giáo giữ hô số tiền bán mảnh vườn và con chó để khi con trai của lão trở về sẽ giao lại. Không chỉ vậy, qua nhân vật ông giáo, Nam Cao cũng gửi gắm một số triết lí về cuộc sống, tư tưởng sâu sắc.

Bên cạnh những thành công về nội dung, truyện ngắn còn gây ấn tượng với người đọc bởi nghệ thuật tác giả sử dụng vô cùng đặc sắc. Đầu tiên phải kể đến nghệ thuật xây dựng và khắc họa nhân vật vô cùng tiêu biểu, đậm nét. Lấy hình ảnh một con người để nói đến một bộ phận người. Tiếp đến là nghệ thuật miêu tả chân dung nhân vật vô cùng tài tình. Sự kết hợp giữa phương thức tự sự và trữ tình cũng tạo nên sự đa chiều của câu chuyện. Có lúc là giọng văn tự sự mẫu mực, có lúc lại khiến người đọc rưng rưng xúc động với những xúc cảm do tác giả thể hiện.

Lão Hạc của nhà văn Nam Cao xứng đáng là một tác phẩm hay. Truyện không chỉ thành công bởi những giá trị về nội dung mà còn cả bởi giá trị về nghệ thuật.

Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) - mẫu 9

Nguyễn Ngọc Thuần là cây bút chuyên sáng tác cho trẻ em. Tác phẩm của ông mang đến một thế giới trong trẻo, tươi mới và ấm áp. Một trong những tác phẩm của ông là truyện “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” sẽ gửi gắm đến bạn đọc bài học giá trị.

Nhân vật chính trong tác phẩm là “tôi” - một cậu bé. Ngôi nhà của cậu có một khu vườn rộng lớn. Mỗi buổi chiều ra đồng về, “tôi” lại được theo bố ra vườn tưới nước cho cây cối. Người bố đã nghĩ ra một trò chơi thú vị, đó là yêu cầu tôi nhắm mắt lại rồi đi đến chạm vào từng bông hoa và đoán xem đó là hoa gì. Sau nhiều lần, cậu đã đoán được tên gọi của tất cả các loài hoa. Không dừng lại ở đó, người bố lại nghĩ ra một trò chơi khác. Bố sẽ đứng ở đâu đó rồi hỏi “tôi” đoán xem khoảng cách là bao xa, nhân vật “tôi” từ không đoán được đến “Bây giờ chỉ cần nghe tiếng bước chân cũng biết bố cách xa bao nhiêu”. Người chú ban đầu không tin, nhưng nhân vật “tôi” đã dần chứng minh được sự tự giác và khả năng của mình. Sau đó, lại một trò chơi khác được nghĩ ra. Thay vì được chạm thì bây giờ nhân vật “tôi” chỉ được ngửi rồi gọi tên. Khi đã thuần thục, cậu đã nhận được lời khen của bố là người có chiếc mũi tuyệt nhất thế gian. Nhân vật tôi nhận ra rằng chính những bông hoa là người đưa đường, dẫn lối cho cậu trong khu vườn. Người bố thật tinh tế khi đã nghĩ ra những trò chơi thú vị, dạy cho con biết cảm nhận thiên nhiên và cuộc sống. Còn nhân vật “tôi” lại là một đứa trẻ ngoan ngoãn, kiên trì và nhạy cảm khi biết cảm nhận thiên nhiên.

Không chỉ dừng lại ở đó, người bố còn dạy cho tôi về ý nghĩa giá trị của món quà. Một hôm, cả nhà đang ăn cơm thì mọi người nghe có tiếng la hét. Nhân vật “tôi” đã đoán ra hướng của tiếng hét, mẹ nói rằng nó ở phía bờ sông. Vậy là bố đã quăng chén cơm ăn dở, băng qua vườn chạy ra bờ sông và cứu được thằng Tý. Khi nhận được món quà của thằng Tý là: “Trái ổi to được lựa để dành cho bố đều có bịch ni lông bọc lại đàng hoàng. Những trái ổi vừa to vừa mềm, cắn vài rất đã”. Vậy nên dù rất ít khi ăn ổi nhưng người bố đã vui vẻ thưởng thức nó. Khi “tôi” cảm thấy thắc mắc, bố đã giải thích cho cậu hiểu về giá trị của những món quà. Dù là một món quà nhỏ bé, hết sức đơn giản nhưng quan trọng nhất là tâm ý của người tặng món quà. Bởi vậy dù là người nhận hay cho món quà một cách trân trọng thì cũng thể hiện nét đẹp của mình.

Có thể khẳng định rằng, “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” là một câu chuyện nhẹ nhàng, nhưng gửi gắm bài học giá trị nhân văn sâu sắc.

Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) - mẫu 10

Thạch Lam là nhà văn tiêu biểu thuộc nhóm Tự lực văn đoàn. Truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa là một truyện ngắn xuất sắc của ông viết về đề tài trẻ em.

Truyện bắt đầu bằng khung cảnh của buổi sáng mùa đông được nhà văn khắc họa tinh tế. Chỉ sau một đêm mưa rào, trời bắt đầu nổi gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến khiến con người tưởng rằng mình đang ở giữa mùa đông rét mướt. Sơn tung chăn tỉnh dậy, cậu thấy mọi người trong nhà, mẹ và chị đã trở dậy, ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống. Mọi người đều “đã mặc áo rét cả rồi”. Ở ngoài sân “Gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. Bầu trời không u ám, toàn một màu trắng đục”. Những cây lan trong chậu “lá rung động và hình như sắt lại vì rét”. Và sơn cũng thấy lạnh, cậu vơ vội cái chăn trùm lên đầu rồi gọi chị.

Mẹ Sơn đã bảo Lan - chị gái của Sơn vào buồng lấy thúng áo ra. Mẹ Sơn lật cái vỉ buồm, lục đống quần áo rét. Bà giơ lên một chiếc áo bông cánh xanh đã cũ nhưng còn lành. Đó chính là chiếc áo của Duyên - đứa em gái đáng thương của Sơn đã mất năm lên bốn tuổi. Người vú già đã “với lấy cái áo lật đi lật lại ngắm nghía, tay mân mê các đường chỉ”. Khi nghe mẹ nhắc về em gái, Sơn cũng cảm thấy “nhớ em, cảm động và thương em quá”. Cậu xúc động khi thấy mẹ “hơi rơm rớm nước mắt”. Chiếc áo bông chính là kỉ vật gợi nhớ về người em gái đã mất với biết bao tình yêu thương sâu sắc.

Sau khi mặc xong áo ấm, chị em Sơn đi ra chợ chơi.Thằng Cúc, thằng Xuân, con Tí, con Túc - những đứa trẻ em nghèo khổ vẫn phải mặc những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ. Môi chúng nó “tím lại”, chỗ áo quần rách “da thịt thâm đi”. Gió lạnh thổi đến, chúng nó lại “run lên, hai hàm răng đập vào nhau”. Khi nhìn thấy Sơn và Lan trong những bộ quần áo ấm áp, chúng cảm thấy xuýt xoa, ngưỡng mộ. Hai chị em Sơn tỏ ra thân thiết với chúng chứ không khinh khỉnh như các em họ của Sơn.

Và đặc biệt là khi Lan nhìn thấy Hiên đang đứng “co ro” bên cột quán, trong gió lạnh chỉ mặc có manh áo “rách tả tơi”, “hở cả lưng và tay”. Cả hai chị em đều cảm thấy thương xót cho con bé. Sơn chợt nhớ ra mẹ cái Hiên rất nghèo, nhớ đến em Duyên ngày trước vẫn cùng chơi với Hiên ở vườn nhà. Một ý nghĩ tốt thoáng qua trong tâm trí Sơn - đó là đem chiếc áo bông cũ của em Duyên cho Hiên. Nghĩ vậy, cậu đã nói với chị gái của mình, nhận được sự đồng tình của chị. Chị Lan đã “hăm hở” chạy về nhà lấy áo. Còn Sơn thì đứng yên lặng đợi chờ, trong lòng tự nhiên thấy “ấm áp vui vui”. Cái áo cũ mà chị em Sơn đem cho Hiên thể hiện tấm lòng nhân hậu của hai đứa trẻ.

Về đến nhà, hai chị em Sơn lo lắng khi người vú già biết mẹ đã biết chuyện hai chị em lén mang áo cho Hiên. Sơn cảm thấy lo lắng, sợ hãi và sang nhà tìm Hiên để đòi lại áo. Nhưng đó là một phản ứng bình thường của một đứa trẻ khi mắc lỗi và bị phát hiện. Đến khi trở về nhà, chị em Sơn vô cùng ngạc nhiên khi thấy mẹ con cái Hiên đang ở nhà mình. Mẹ Hiên đem chiếc áo bông đến trả mẹ của Sơn. Có thể thấy dù sống khó khăn, khổ cực nhưng bà vẫn giữ vững phẩm chất tốt đẹp: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Còn người mẹ của Sơn, sau khi nghe rõ việc, bà đã cho mẹ của Hiên mượn năm hào về may áo ấm cho con. Điều đó thể hiện mẹ Sơn là một người trái tim nhân hậu. Sau khi mẹ con Hiên về, mẹ Sơn không tức giận, đánh mắng con mà còn “vẫy hai con lại gần, rồi âu yếm”. Đó chính là tấm lòng vị tha cũng như giàu lòng yêu thương của người mẹ.

Truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” nhẹ nhàng mà thật sâu sắc. Tác phẩm đã giúp người đọc hiểu hơn về giá trị của tình yêu thương giữa con người. Đây quả là tác phẩm xuất sắc của nhà văn Thạch Lam.

Xem thêm các bài văn mẫu 8 Kết nối tri thức hay khác:

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 8

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Soạn văn 8 hay nhất, ngắn gọn của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Ngữ văn 8 Tập 1 và Tập 2 Kết nối tri thức (NXB Giáo dục).

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Tài liệu giáo viên