Top 30 Nghị luận về một vấn đề của đời sống (hay nhất)

Tổng hợp trên 30 bài văn Nghị luận về một vấn đề của đời sống hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Top 30 Nghị luận về một vấn đề của đời sống (hay nhất)

Quảng cáo

Nghị luận về một vấn đề của đời sống - mẫu 1

Thành tích là kết quả có thể đánh giá được của nỗ lực con người. Kết quả không chỉ là một lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để thành tích chính là lợi ích cho mình. Nhưng con người vẫn có thể làm hết mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước.

Theo định nghĩa đó, nỗ lực đạt thành tích của một cá nhân hay một tập thể là một phẩm chất đạo đức tốt, đáng biểu dương và nhân rộng. Hãy tưởng tượng một xã hội mà trong đó mọi thành viên đều nỗ lực để đạt những thành tích cao hơn trên các lĩnh vực hoạt động: thể thao, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, sản xuất, thương mại, công nghệ vì lợi ích cho mình và cho cả cộng đồng. Xã hội đó chắc chắn tiến bộ, nền kinh tế nước đó chắc chắn phát triển dân nước đó chắc chắn giàu có, quốc gia đó chắc chắn cường thịnh.

Quảng cáo

Nhưng đến khi nào thì những nỗ lực đạt thành tích, một phẩm chất tốt cần thiết của mỗi thành viên trong xã hội, lại trở thành một bệnh, mà ngày chúng ta gọi tên nó là bệnh thành tích? Suy cho cùng, nếu diễn dịch bằng thuật ngữ thông thường, sự khác nhau căn bản giữa thành tích và bệnh thành tích chỉ là sự khác nhau giữa hàng thật và hàng giả, hàng nhái. Và yếu tố then chốt làm nên sự khác biệt đó chính là sự có mặt hay không của lòng trung thực.

Điều lo ngại chung hiện nay là căn bệnh thành tích đang lan tràn trong ngành giáo dục của nước ta. Không phải chỉ lây nhiễm cho một bộ phận những người công tác trong ngành mà còn cho nhiều gia đình trong xã hội. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, người được kỳ vọng rất nhiều trong công tác chấn hưng nền giáo dục nước nhà, đã nhận xét rằng không chỉ “các thầy cô, các trường ham muốn thành tích bằng kết quả thi cử cao" mà "hàng chục triệu phụ huynh và học sinh chính là đồng tác giả của bệnh thành tích".

Quảng cáo

Tuy nhiên, muốn khắc phục căn bệnh nguy hiểm này, có nhiều vấn đề được phân tích thêm và làm sáng tỏ. Tại sao các trường và các thầy cô ham muốn kết quả thi cao? Phải chăng vì kết quả cao đó - dù là kết quả không phản ánh đúng thực chất - là tiêu chí được Sở hay Bộ sử dụng để đánh giá thành tích điều hành và giảng dạy của ban giám hiệu, các thầy cô? Phải chăng với thành tích được đánh giá cao theo cách đó, chắc chắn ban giám hiệu và thầy cô sẽ có lợi là nâng lương, khen thưởng và tiếp tục "sự nghiệp” nhân lên căn bệnh thành tích? Và nếu tất cả các trường trên cả nước đều có những kết quả xuất sắc tương tự, phải chăng Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ được đánh giá là có thành tích tốt trong công tác điều hành giáo dục trên cả nước? Tại sao các phụ huynh muốn con em có điểm cao hơn thực chất. Ở đây cũng cần có hai cách nhìn: thực chất và tác dụng. Xét về thực chất, không có phụ huynh học sinh nào muốn con em mình là học "giả". Họ là những người đã bỏ ra tiền thật, công sức thật, thời gian thật và hy vọng thật về một tương lai tốt đẹp thật của con em mình. Không có lý do gì họ lại mong muốn nhận được một môn hàng giả. Tuy nhiên, đứng trên điểm thực dụng, họ sẵn sàng làm mọi cách, kể cả những cách tệ hại nhất chúng ta đã được biết để con em họ qua được các kỳ thi, có một tấm bằng. Như vậy, suy cho cùng, phụ huynh học sinh và học sinh chính là nạn nhân của bệnh thành tích hơn là "đồng tác giả”. Khi sự lây nhiễm của bệnh thành tích đã thành phổ biến, làm gì có ai được miễn dịch? Cuối cùng, không có ai khác là xã hội phải gánh chịu rủi ro và chi phí cao hơn. Một sự lãng phí nghiêm trọng về thời gian và tiền bạc, hậu quả của bệnh thành tích. Khi nguồn nhân lực thiết yếu cho sự phát triển kinh tế bị méo mó nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng, các doanh nghiệp đành phải chấp nhận "hàng giả" lẫn lộn với "hàng thật” và phải thêm ngân sách để đào tạo và đào tạo lại sau khi tuyển dụng, bệnh thành tích là hậu quả của chủ nghĩa hình thức và chính nó là mẹ đẻ của bệnh sao chép, học thuộc lòng. Với bệnh thành tích, các phương pháp đánh giá, kiểm tra kết quả học tập trở nên dày đặc, nặng nề, phức tạp nhưng mang tính chất rập khuôn, không có chỗ dành cho sự sáng tạo của người. Hơn nữa, hàng rào thì có quá nhiều và tập trung càng làm nặng thêm tinh thần học tủ, học rập khuôn, sao chép của học sinh.

Chúng ta đều nhận thức rõ ràng, một xã hội muốn phát triển tiến bộ phải có nhiều nhân tài, mà nhân tài phải là người thực học, được tiếp thu những kiến thức và các phẩm chất đạo đức tinh hoa của nhân loại và của dân tộc thông qua hệ thống giáo dục của cộng đồng. Giáo dục chính là xuất phát điểm, là nơi sản sinh ra nguồn năng lực cho sự cường thịnh của một nước, một cộng đồng dân tộc. Một nền giáo dục tốt và thành thục sẽ tạo nên những con người đạt những thành tích tốt và trung thực. Những thành tích tốt và trung thực sẽ tạo nên những bước tiến mạnh mẽ cho cộng đồng dân tộc trên con đường phát triển.

Quảng cáo

Đất nước chúng ta đang tiến bước trên con đường đổi mới, mở cửa, hội nhập và tranh đua với thế giới để giành lấy một vị trí xứng đáng trên hành tinh. Đất nước này có cường thịnh hay không tùy thuộc vào việc nền giáo dục của chúng ta có đổi mới để có thể sản sinh ra những nhân tài thực học hay không. Trên tiến trình đổi mới giáo dục bệnh thành tích phải được xóa bỏ. Đó không phải là một việc quá khó, nhưng chắc chắn cũng không dễ dàng.

Dàn ý Nghị luận về một vấn đề của đời sống

- Mở bài:

+ Giới thiệu được vấn đề cần bàn luận

+ Thể hiện rõ ràng ý kiến của người viết về vấn đề ấy.

- Thân bài:

+ Giải thích vấn đề cần bàn luận;

+ Đưa ra hai lí lẽ cụ thể để lí giải cho ý kiến của người viết;

+ Sắp xếp các lí lẽ, bằng chứng theo trình tự hợp lí.

- Kết bài:

+ Khẳng định lại ý kiến

+ Đưa ra bài học nhận thức và phương hướng hành động.

Nghị luận về một vấn đề của đời sống - mẫu khác

Tham khảo thêm bài văn Nghị luận về một vấn đề của đời sống hay khác:

Nghị luận về một vấn đề của đời sống - mẫu 2

Ai cũng đều thích đạt được thành tích tốt, có danh tiếng tốt và nhận được sự khen ngợi của mọi người xung quanh. Thế nhưng hiện nay, xã hội đã xuất hiện hiện tượng háo danh và “bệnh” thành tích đang gây ra nhiều tác hại.

Trước hết, “háo danh” là một hiện tượng tiêu cực, chỉ việc coi trọng danh tiếng trên mức cần thiết cũng như trên mức mà chúng ta có. Còn “bệnh” thành tích là là chỉ chăm lo đến vẻ bề ngoài nhằm được khen ngợi nhưng thực chất bên trong không được như vậy. Hiện tượng háo danh đôi khi chính là nguyên nhân gây ra căn “bệnh” thành tích, bởi chúng ta chỉ quan tâm đến bên ngoài - cốt sao cho danh tiến được tốt đẹp mà không chú trọng đến bên trong.

Xét về hướng tích cực, mọi người đều mong muốn trở một một người có giá trị. Lập danh là một khát vọng chính đáng nếu xuất phát từ năng lực cá nhân, được xã hội công nhận. Danh tiếng đem đến cho chúng ta nhiều lợi ích. Nhưng ngược lại, nếu danh tiếng trở thành phương tiện thay vì mục tiêu, nó trở thành một thứ hàng hóa, từ đó lệch lạc giá trị đích thực. Điều đó sẽ dẫn đến hiện tượng háo danh. Chúng ta có thể kể đến nhiều ví dụ trong cuộc sống, một nam ca sĩ đã trở thành tâm điểm phê phán khi tổ chức sự kiện quảng bá bộ phim tiểu sử về cuộc đời mình lấy tên là Hào quang rực rỡ - The King. Khán giả cho rằng nam ca sĩ đã ngạo mạn khi tự xưng mình là The King - tạm dịch là vua. Năm 2019, một người đàn ông gây xôn xao dư luận khi nhận mình là một nhà báo quốc tế, Tổng biên tập tạp chí chống tham nhũng và hợp tác quốc tế, tiến sĩ danh dự từ Vương quốc Anh… Nhưng sau đó, người ta phát hiện ra rằng mọi thứ chỉ là khai man, không được xác thực…

Cũng như vậy, thành tích chính là kết quả từ sự nỗ lực không ngừng của con người. Nhưng khi con người trở nên quá coi trọng thành tích, nó sẽ trở thành một căn bệnh. Và “ bệnh” thành tích đang xuất hiện trong hầu hết các ngành nghề. Nhưng đáng báo động nhất là ngành giáo dục - khi đây là ngành đào tạo nên những chủ nhân tương lai của đất nước. Việc tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục sẽ gây ra sự đối lập giữa hình thức và thực tế, vấn đề bản chất không được quan tâm mà chủ yếu tập trung vào “bề nổi”. Học sinh - những đối tượng chính của hoạt động giáo dục sẽ dần trở nên lười biếng, không chịu cố gắng học tập mà chỉ chạy theo những điểm số không có thật, trong khi kiến thức của bản thân vô cùng hạn hẹp. Thầy cô giáo chỉ biết chạy theo thành tích sẽ dẫn đến đánh mất đi nhiệt huyết với nghề nghiệp, không còn những bài giảng say sưa, tâm huyết. Đó còn là nguồn gốc của những sai trái, gian lận trong kiểm tra, đánh giá tiếp tay cho tham nhũng, quan liêu trong xã hội.

Hiện tượng háo danh và “bệnh” thành tích gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội. Nó sẽ làm mất đi sự trung thực của bản thân, đánh mất niềm tin của mọi người xung quanh. Chúng ta đều biết rằng một xã hội muốn phát triển thì cần có nhân tài, mà nhân thì phải có năng lực thực sự. Hiện tượng háo danh và “bệnh” thành tích khiến cho người ta chỉ xem trọng lượng mà không có chất. Ngoài ra, con người sẵn sàng lừa dối mọi người xung quanh và dần trở nên thoái hóa nhân cách, đánh mất đi những giá trị đạo đức tốt đẹp của bản thân.

Tục ngữ có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đã cho thấy rõ một điều rằng con người ta quan trọng chất lượng chứ không thể lấy cái bề ngoài, cái số lượng để đánh giá giá trị của một vấn đề. Do đó chúng ta cần có những biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng háo danh cũng như “bệnh” thành tích. Các bộ, ngành và cơ quan chức năng cần có những cuộc thanh tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những thành tích ảo. Nếu cố ý vi phạm thì cần có biện pháp xử lý đích đáng. Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường những biện pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của mỗi người .

Đất nước chúng ta đang trên đường hội nhập và phát triển, mỗi người cần tự khẳng định được giá trị của bản thân mình để giành lấy một chỗ đứng nhất định. Mỗi người cần đi lên bằng chính khả năng của bản thân, tránh xa hiện tượng háo danh và “bệnh” thành tích.

Nghị luận về một vấn đề của đời sống - mẫu 3

Trong thực tế, ai cũng thích, cũng mong muốn được khen ngợi, được ghi nhận, được thành danh. Có người vì thế mà nỗ lực phấn đấu để biến đổi về chất. Song đáng buồn lại có những người muốn rút ngắn con đường bước đến vinh quang mà tin xổi ở thì, không chăm lo cho thực tế chỉ cố tô vẽ bề ngoài để được khen được thưởng. Đáng buồn hơn, chúng ngày càng phổ biến và trở thành một hiện tượng “háo danh” và mắc bệnh thành tích

Thực chất, thành tích là kết quả được đánh giá tốt do nỗ lực mà đạt được. Như vậy, thành tích là nhóm để biểu dương, nêu gương những kết quả thực tế tốt đẹp. Điều đó động viên cố gắng của người được nêu gương, thúc đẩy họ tiếp tục cố gắng. Mặt khác thành tích của người này còn là “cú hích” cho người khác cùng “chạy đua” để tiếp tục đi lên. Rõ ràng, thành tích là điều tốt đẹp và nó cũng mang lại những điều tương tự cho cuộc sống.

Tuy nhiên, khi đặt trước từ “thành tích” một chữ “bệnh” – bệnh thành tích thì vấn đề đã khác. Bởi từ “bệnh” không gợi đến điều gì tốt đẹp. “Bệnh thành tích” là thói a dua, là chỉ chăm lo đến vẻ bề ngoài nhằm được tuyên dương khen thưởng nhưng thực chất bên trong vấn đề không đạt mong muốn. Nói khác đi, bệnh thành tích là tên gọi của sự không phù hợp giữa hình thức và bản chất: hình thức rất hào nhoáng, sáng bóng, lẫy lừng nhưng bản chất thì xuống cấp, gỉ sét, cong vênh.

Bệnh thành tích đã tồn tại từ lâu trong đời sống xã hội, đục sâu lan rộng vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Trong giáo dục, bệnh thành tích còn được gọi là bệnh hình thức. Có những trường vì thành tích mà luôn cố gắng tập trung luyện “gà” – luyện học sinh giỏi, tạo mọi điều kiện để các em có thời gian tập trung học môn mình thi nhằm đạt kết quả cao mang vinh dự cho trường. Hay trong mỗi kỳ thi tốt nghiệp, có những trường huy động giáo viên cùng làm với học sinh rồi ném bài cho các em. Trong các cơ quan, công ty, nhà máy, bệnh thành tích nằm ở những bản báo cáo được mài cho nhẵn viết cho đẹp. Trong thực tế người ta không màng đến chất lượng, chỉ chạy theo số lượng để đạt chỉ tiêu. Họ chỉ sung sướng khi nghe đến những con số 100%, 99%. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước, trường nào chỉ đạt 95%, 96% là đã lo lắng căng thẳng rồi. Nhưng một hai năm trở lại đây khi công tác kiểm tra, giám sát được thắt chặt hơn, trung bình cả nước chỉ đỗ khoảng 60% – 70%.

Rõ ràng kết quả xa nhau, nó phản ánh thực tế chất lượng giáo dục trong một thời gian dài bị o bế, làm nhiễu. Rõ ràng, bệnh thành tích sẽ để lại hậu quả vô cùng tai hại. Trước hết, nó khiến mỗi cá nhân tổ chức không hiểu rõ về thực lực của mình, tự mãn về thành tích, không có xu hướng vận động phát triển. Bệnh thành tích do đó tiếp tục “được” duy trì, phát triển. Dần dần nó sẽ ăn sâu, đeo bám vào tư tưởng, lối sống cách thức làm việc của xã hội, làm cho chất lượng thực bị bỏ bê, xuống dốc, chỉ có cái vẻ bề ngoài là hào nhoáng, đẹp đẽ. Nó thực chẳng khác nào một trái bí đỏ bị thối rữa bên trong. Dân gian ta nhắc nhở nhau tốt gỗ hơn tốt nước sơn vì sơn có thể tróc nhưng gỗ không được phép mục, gỗ mục sẽ làm sụp đổ cả một hệ thống quan trọng. Nhưng bệnh thành tích đã làm đảo lộn truyền thống đạo lý ấy và mỗi hệ thống xã hội đang có nguy cơ lung lay, suy sụp vì chất gỗ bên trong đang mối mọt dần.

Bệnh thành tích gây hại cho mọi ngành nghề, lĩnh vực. Và hậu quả dễ thấy nhất, tai hại nhất thể hiện ở ngành giáo dục. Có những trường lớp, vì thành tích mà cho học sinh lên lớp hàng loạt, bất chấp kết quả thực tế. Hậu quả là hàng trăm học sinh ngồi nhầm lớp, nhầm trường. Có em đã học lớp 7 mà chưa đọc thông viết thạo! Cũng vì thành tích mà các thầy cô “cấy điểm” cho học sinh giỏi ở những môn các em không thi học sinh giỏi, giúp các em tập trung ôn luyện cho thi cử. Và hàng trăm học sinh sa vào tình cảnh đạt giải học sinh giỏi quốc gia nhưng trượt tốt nghiệp, trượt đại học. Hậu quả trực tiếp học sinh là người gánh chịu. Nhưng hậu quả lâu dài là tương lai đất nước phải chấp nhận sự thui chột về đạo đức, tài năng của nhiều thế hệ.

Bệnh thành tích có căn nguyên sâu xa từ một thói xấu của con người: thói ghen ăn tức ở, “con gà tức nhau tiếng gáy”. Thấy cá nhân, đơn vị khác được nêu gương, cá nhân đơn vị mình cũng muốn được như vậy. Song, thay vì tập trung nâng cao chất lượng họ lại đốt cháy giai đoạn, đánh bóng hình thức để được tuyên dương. Nhưng công bằng mà đánh giá, bệnh cũng có nguyên nhân từ những sai lầm trong công tác quản lý tổ chức của nhiều cấp, ngành: trọng giấy tờ, hình thức, không gần gũi sâu sát thực tế và chỉ tiêu hoá, kế hoạch hóa cao độ mọi vấn đề thi đua. Bởi vậy, các tổ chức, cá nhân chỉ cốt lo sao cho bản báo cáo, cuốn sổ của mình được sạch sẽ đẹp đẽ. Rồi lo sao để chỉ tiêu kế hoạch trên giao ta “trăm phần trăm” hoàn thành.

Rõ ràng, để xảy ra căn bệnh ấy lỗi thuộc về tất cả chúng ta. Nhận rõ hậu quả của bệnh thành tích, xã hội cần đẩy mạnh công cuộc loại trừ nó. Các nhà lãnh đạo cần kiểm tra, giám sát sát sao hơn hoạt động của các tổ chức cá nhân trực thuộc, đồng thời điều chỉnh hệ thống, cơ chế quản lý tổ chức. Các cơ quan đoàn thể vì tương lai bản thân xóa bỏ bệnh hình thức để đi vào chất lượng thực tế. Chỉ khi nào làm được điều đó, xã hội ta mới thực sự trong sạch và đi lên.

Nghị luận về một vấn đề của đời sống - mẫu 4

Mỗi khi nói đến thành tích thì bất kể ai cũng muốn mình có được thành tích cao. Trong mỗi con người luôn tiềm ẩn sự ganh đua. Khi chúng ta còn nhỏ, hẳn bạn nhớ là nếu có cuộc thi giữa bố mẹ và con cái xem ai ăn nhanh hơn thì chúng ta sẽ ăn rất nhanh để được khen ngợi. Cạnh tranh để có thành tích tốt không phải là xấu nhưng nếu bất chấp tất cả để có thành tích tốt thì lại khác. Hiện nay có một vấn nạn gọi là “bệnh thành tích” ý chỉ những người chạy đua để đạt thành tích cao mà không màng đến điều gì khác. Căn bệnh này gây nên những tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội ta ngày nay.

Vốn dĩ, thành tích là một thước đo dùng để đánh giá một người. Nhưng khi đặt chữ bệnh ở trước nó thì ta hiểu rằng đó là một điều chẳng tốt đẹp gì. Con người ta cứ mải chạy theo căn bệnh thành tích, chỉ chăm chăm nhìn vào cái kết quả cuối cùng mà bỏ qua hành trình để đạt được nó. Và đôi khi để đạt được thành tích cao, người ta thực hiện những hành vi xấu. Chẳng hạn như trong giáo dục căn bệnh thành tích thể hiện ở chỗ quay cóp để có được điểm cao mà không quan tâm đến việc mình thu nạp được kiến thức gì.

Thực ra căn bệnh thành tích không phải đến bây giờ mới xuất hiện. Nó có từ thời xa xưa và dường như mỗi lúc lại một nhân rộng hơn lên. Cũng không phải chỉ xuất hiện ở lĩnh vực giáo dục nhưng giáo dục là cái nôi phát triển của mỗi con người. Vì vậy, căn bệnh thành tích trong giáo dục vẫn được nói đến nhiều nhất. Hiện có không ít các trường học vẫn còn chạy theo thành tích với những chỉ tiêu 100% đạt thành tích cao trong các cuộc thi này, các cuộc thi khác. Để đạt được những thành tích như đã đề ra đó, họ tìm mọi cách để rèn học sinh. Chẳng hạn như mở các “lò” luyện thi. Học sinh đến trường lẽ ra phải được học đều các môn thi để đạt được thành tích cho nhà trường, học sinh được đặc cách chỉ tập trung học đúng 1 môn để thi còn các môn khác sẽ được thầy cô nâng đỡ. Chính điều đó đã khiến học sinh cũng bị cuốn theo căn bệnh đó. Trong các kì thi tốt nghiệp phổ thông, nhiều trường còn ngang nhiên cho học sinh quay cóp, ném phao vào cho học sinh để không em nào bị trượt. Bởi nếu có học sinh không vượt qua kì thi thì thành tích của trường sẽ bị giảm sút.

Có một câu chuyện vui nhưng cười ra nước mắt mà thầy giáo dạy Toán của tôi năm cấp 2 đã kể thế này. Một cậu học sinh của thầy không thể đọc được một đoạn định nghĩa trong sách giáo khoa. Khi được hỏi một phép cộng đơn giản trong phạm vi 10, cậu học sinh của thầy không trả lời được. Thầy dẫn cậu sang gặp cô hiệu trưởng trường cấp 1 và hỏi vì sao học sinh như vậy lại có thể lên lớp. Cô hiệu trưởng đáp lại thầy rằng “Nó không giỏi nhưng bố mẹ nó giỏi”. Câu chuyện thầy kể khiến tôi suy nghĩ mãi. Phải chăng bây giờ người ta đi học không phải để lấy kiến thức cho mình mà chỉ để lấy thành tích thôi sao? Một đất nước mà chỉ nhìn vào những thành tích ảo thì đất nước ấy sẽ đi đâu và về đâu?

Khi mà giáo dục không thể đào tạo ra những nhân tài đích thực sẽ kéo theo những hệ lụy vô cùng xấu. Những học sinh ấy khi ra đời sẽ không biết năng lực thật của mình đến đâu, không biết mình làm được những việc gì. Rồi họ sẽ loay hoay với chính cuộc sống của mình. Thực tế cho thấy có không ít những trường hợp học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia nhưng lại thi trượt tốt nghiệp.

Để xã hội không bị tụt lùi, giáo dục cần phải có sự thay đổi. Chỉ khi giáo dục thay đổi, đẩy lùi bệnh thành tích thì xã hội cũng sẽ thay đổi. Những lĩnh vực khác cũng theo đó mà tốt hơn lên. Bản thân mỗi học sinh cũng nên tự ý thức vào việc học. Rằng việc học là để có kiến thức cho chính mình chứ không phải để lấy thành tích.

Nghị luận về một vấn đề của đời sống - mẫu 5

Bạn biết không? Trong xã hội ai ai chẳng muốn mình được khen thưởng khi mình đạt được những thành tích. Đạt được nhiều thành tích và mọi người công nhận chắc chắn sẽ thôi thúc cá nhân, tập thể đó càng muốn đạt được nhiều thành tựu hơn nữa. Thế nhưng thật đáng buồn thay hiện nay lại có rất nhiều người chạy theo thành tích, mua thành tích, tìm mọi thủ đoạn để có thành tích để được mọi người phải nể phục và thành tích trong thời hiện đại ngày nay cũng đã trở thành một vấn nạn, một căn bệnh khó chữa.

Con người phải hiểu được như thế nào là bệnh thành tích? Thành tích được hiểu đó chính là những kết quả được đánh giá tốt do nỗ lực mà đạt được. Như vậy, thực sự thành tích được xem là một điều kiện để biểu dương, nêu gương những kết quả thực tế tốt đẹp mà người tạo ra thành tích phải cố gắng mới có được. Khi được mọi người tán thưởng thì cũng chính điều đó động viên cố gắng của người được nêu gương, thúc đẩy họ tiếp tục cố gắng hơn rất nhiều. Mặt khác, chúng ta như cũng nhận thấy được rằng cũng chính thành tích của người này còn là “cú hích” cho người khác để người ta cũng lại có thể cùng “chạy đua” để tiếp tục đi lên. Rõ ràng, không một ai có thể phủ nhận thành tích là điều tốt đẹp. Thành tích luôn luôn mang lại được những điều tốt đẹp cho cuộc sống và những kết quả đã bỏ ra.

Tuy nhiên, thật đáng buồn hơn trong xã hội ngày nay người ta lại đặt trước từ “thành tích” một chữ "bệnh”. Chúng ta cũng nên hiểu bệnh thành tích thì vấn đề đã khác rất nhiều. Nhắc đến từ bệnh thì luôn luôn gợi đến điều gì không tốt đẹp. “Bệnh thành tích” không gì khác đó chính là những thói a dua, là chỉ chăm lo đến vẻ bề ngoài của một cá nhân, một tập thể, nhằm được tuyên dương khen thưởng nhưng thực chất bên trong họ không có khả năng để đạt được những thành tích tương xứng để biểu dương. Thành tích như một lớp mỡ hào nhoáng bên ngoài bao phủ những sự vẩn đục, cũng như không có khả năng. Đến khi chỉ cần một giọt xà phòng tìm hiểu ra rơi xuống mặt nước được bao phủ với lớp mỡ hào nhoáng óng ánh đó thì lộ ra những sự yếu kém và sai sót.

Bệnh thành tích thực là một căn bệnh khó chữa mà từ lâu nó như cũng lại đã tồn tại từ lâu trong đời sống xã hội. Bệnh như cũng đã ăn sâu, đục sâu lan rộng vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực đời sống. Chính trong môi trường giáo dục - môi trường từ lâu vẫn được đánh giá là một môi trường trong sạch thì hiện nay bệnh thành tích còn được gọi là bệnh hình thức nữa. Một lớp 100% học sinh giỏi, nhà trường chạy đua với những thành tích đạt được thật hoành tráng khiến cho các trường khác phải nể phục, đồng thời như một cách để thu hút học sinh. Thế nhưng thực tế ngôi trường đó vẫn có những học sinh ngồi nhầm lớp, ý thức chưa tốt và tất cả thành tích như đã đánh đồng, không phân biệt được năng lực thực sự của các em học sinh. Nhất là môi trường giáo dục của Việt Nam còn nặng về bằng cấp.

Rõ ràng, chúng ta như nhận thấy được chính bệnh thành tích sẽ để lại hậu quả vô cùng tai hại. Trước hết, người ta dường như cũng lại nhận thấy được cũng chính căn bệnh này nó cũng lại đã khiến mỗi cá nhân tổ chức không hiểu rõ về thực lực của mình, tự mãn về thành tích. Vì chạy theo thành tích nhiều nên con người lại không có xu hướng vận động phát triển. Trong xã hội hiện đại thì bệnh thành tích do đó tiếp tục “được” duy trì, phát triển và đáng buồn thay khi nó cũng lại ngày càng gia tăng theo số nhân. Dần dần căn bệnh. này cũng sẽ ăn sâu, đeo bám vào tư tưởng, lối sống cách thức làm việc của xã hội của đất nước ta. Căn bệnh đáng sợ này cũng lại làm cho chất lượng thực bị bỏ bê, xuống dốc, chỉ có cái vẻ bề ngoài là hào nhoáng, đẹp đẽ mà thôi còn bên trong rỗng tuếch.

Bệnh thành tích luôn gây hại cho mọi ngành nghề, lĩnh vực. Bệnh thành tích nó như cũng có rất nhiều căn nguyên sâu xa từ một thói xấu của con người đó chính là thói ghen ăn tức ở, “con gà tức nhau tiếng gáy”. Mà bệnh thành tích luôn luôn xuất hiện ở tất cả lĩnh vực, đời sống mà nó thực sự không tốt, chúng ta cũng cần phải đẩy lùi.

Mỗi người chúng ta như cũng lại nhận thấy căn bệnh thành tích này cũng cần phải chữa một cách nhanh chóng nhất. Đặc biệt đó chính là khi đất nước Việt Nam ta đang bước vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phải bài trừ căn bệnh này đi. Có thể nói rằng khi chữa được tận gốc bệnh thành tích mới chống các hiện tượng thi cử gian lận, đồng thời chúng ta cũng có thể xây dựng được con người mới, đạo đức mới xã hội văn minh tốt đẹp hơn.

Nghị luận về một vấn đề của đời sống - mẫu 6

Ngày nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn ở Việt Nam. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh, những thông tin về việc môi trường bị ô nhiễm ngay trên các phương tiện truyền thông. Điều này khiến ta phải suy nghĩ ...

Tình trạng quy hoạch các khu đô thị chưa gắn với vấn đề xử lý chất thải, nước thải nên ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu đô thị đang ở mức báo động. Trong tổng số 183 khu công nghiệp trong cả nước, có trên 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các đô thị chỉ có khoảng 60% – 70% chất thải rắn được thu gom, cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải nên chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường ...Hầu hết lượng nước thải chưa được xử lý đều đổ thẳng ra sông, hồ và dự báo đến năm 2010 là 510. 000m3/ngày. Ví dụ đau lòng của việc xả nước thải, hẳn không ai không biết, là trường hợp của con sông Thị Vải bị ô nhiễm bởi hoá chất thải ra từ nhà máy của công ti bột ngọt Vê Đan suốt 14 năm liền. Con sông bị ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người dân ở xung quanh. Hay việc ô nhiễm hồ Hoàn Kiếm, một biểu tượng của nền văn hoá dân tộc. 

Vậy nguyên nhân của những sự việc trên là do đâu? Đầu tiên, đó chính là sự thiếu ý thức nghiêm trọng của nhiều người dân mà đặc biệt là các bạn trẻ. Họ nghĩ rằng những việc mình làm là quá nhỏ bé, không đủ để làm hại môi trường. Hoặc cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà nước, của chính quyền mà không phải là của mình. Một số khác lại nghĩ rằng việc môi trường đã bị ô nhiễm thì có làm gì đi chăng nữa cũng không đáng kể, và việc ô nhiễm môi trường cũng không ảnh hưởng gì tới mình nhiều ...Vậy nhưng không phải vậy! Phá hoại môi trường của một người tuy chỉ ảnh hưởng nhỏ nhưng tập hợp nhiều người lại là lớn. Dù trách nhiệm bảo vệ môi trường tuy cũng có một phần là của nhà nước nhưng đa phần lại là của người dân. Những việc chúng ta làm đối với môi trường, tuy hiện giờ ta chưa thấy được, nhưng về lâu về dài nó sẽ ảnh hưởng tới ta ít nhiều. 

Một nguyên nhân khác gây ra ô nhiễm môi trường chính là sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp. Họ đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã vi phạm quy trình khai thác, góp phần đáng kể gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, chính sự chưa chặt chẽ trong việc quản lý bảo vệ môi trường của nhà nước cũng đã tiếp tay cho các hành vi phá hoại môi trường tiếp diễn. Việt Nam thiếu những chính sách và quy định bảo vệ môi trường nghiêm ngặt và do đang thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư để phát triển nên dễ mắc vào "cạm bẫy": trở thành nơi tiếp nhận nhiều ngành công nghiệp "bẩn". Ví như, ngành cán thép làm tốn nhiều tài nguyên như đất, nước, năng lượng, thải ra những chất thải nguy hại cho môi trường. Ngoài ra, lượng xe cô lưu thông ngày càng nhiều ở nước ta cũng góp phần không nhỏ vào việc gây ô nhiễm bầu không khí. 

Điều này đã để lại hậu quả gì? Nhiều người đã trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của nạn ô nhiễm môi trường. Điển hình như "làng ung thư" Thạch Sơn ở Phú Thọ, hàng trăm người đã chết vì căn bệnh ung thư mà nguyên nhân là do dùng nguồn nước bị ô nhiễm thải ra Nhà máy Hóa chất Lâm Thao, Phú Thọ. Hàng năm có khoảng 16. 000 người ở Việt Nam chết vì những căn bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí. Dự báo trong những năm tới, con số này còn có thể tiếp tục gia tăng. Cạn kiệt tài nguyên sinh vật là một hậu quả khác không thể tránh được của ô nhiễm môi trường. Các rặng san hô ở cửa sông cũng như các vùng nước lợ biến mất dần. Hiện tượng thủy triều đỏ cũng đã xuất hiện ở nước ta từ tháng 6 đến trung tuần tháng 7 âm lịch tại vùng biển nam trung bộ, đặc biệt là tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Hơn 30 km bãi biển từ Cà Ná đến Long Hương nhầy nhụa những bột báng màu xám đen dày cả tấc, trộn với xác chết của sinh vật tạo nên mùi hôi thối. Khối nhầy trong suốt bao quanh một số loài vi tảo biển là nguyên nhân làm cho nước biển đặc quánh như cháo. Ngoài ra, trong tương lai gần, Việt Nam có thể sẽ bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do lượng nước sạch bị ô nhiễm ngày một nhiều ...

Lẽ nào ta lại nhắm mắt làm ngơ? Không! Chúng ta cần phải tiếp tục công cuộc bảo vệ và làm sạch môi trường bằng những biện pháp tốt hơn, thiết thực hơn nữa! Thứ nhất, phải có các hình thức xử phạt thật nặng và nghiêm minh đối với các cá nhân, tổ chức, cơ quan có hành vi phá hoại môi trường, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, cũng cần giáo dục ý thức cho người dân qua các hình thức tuyên truyền, cổ động như tổ chức những buổi giao lưu bàn về vấn đề môi trường tại các đơn vị hành chính cấp phường, xã ...Đưa những bài viết chi tiết hơn về môi trường trong các sách giáo khoa ngay từ cấp tiểu học, giúp học sinh có thái độ và cái nhìn đúng đắn về môi trường và những hậu quả của việc phá hoại môi trường, từ đó giúp các em biết yêu và bảo vệ môi trường mình đang sống. Một cách khác để giúp bảo vệ môi trường phát động thường xuyên hơn những phong trào tình nguyện như bảo vệ môi trường khu dân cư, dọn rác ở các khu vực công cộng, làm sạch bãi biển ...

Tình trạng môi trường ở Việt Nam tuy nghiêm trọng nhưng vẫn có thể cứu vãn nếu mỗi người dân biết góp sức của mình, chung tay bảo vệ môi trường. Vậy nên, chúng ta cần chung tay bảo vệ môi trường và tránh gây ô nhiễm. Vì tương lai một Việt Nam xanh, sạch, đẹp và vì cuộc sống của chính chúng ta cũng như của các thế hệ sau! Hãy bảo về môi trường để bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.

Nghị luận về một vấn đề của đời sống - mẫu 7

Hiện nay, mạng xã hội ngày càng phát triển và được giới trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh yêu thích. Nhiều phụ huynh cho rằng mạng xã hội chỉ đem đến những tác động tiêu cực nên muốn ngăn cản con cái sử dụng. Nhưng các bạn học sinh thì lại cho rằng mạng xã hội không chỉ giúp giải trí mà còn đem lại nhiều tác dụng tích cực cho bản thân.

Bản thân em cho rằng, mạng xã hội vừa đem lại tác động tích cực, vừa đem lại tác động tiêu cực với người dùng. Vì vậy, chúng ta không nên tẩy chay nó, mà cần sử dụng một cách hợp lý.

Mạng xã hội bao gồm các trang mạng online và các nền tảng như facebook, tiktok, instagram… Ở đó, mọi người có thể xem rất nhiều những hình ảnh, video, thông tin thú vị,.. Đồng thời được kết giao với nhiều người bạn mới ở những nơi khác nhau. Sự muôn màu và đa sắc ở mạng xã hội giúp người dùng có những phút giây giải trí thoải mái. Không chỉ vậy, người dùng còn được học hỏi, biết thêm nhiều điều hay được chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Cùng với đó, là có những người bạn tốt để chia sẻ, để cùng nhau cố gắng học tập. Dù ở cuộc sống thực, mọi người cách xa đến đâu, thì trên mạng xã hội cũng sẽ gần gũi với nhau hơn.

Bên cạnh những ưu điểm ấy, mạng xã hội cũng đem lại những tác động tiêu cực cho người dùng. Với số lượng thông tin khổng lồ, người dùng - đặc biệt là các bạn học sinh dễ tiếp cận đến các thông tin độc hại, tư tưởng sai lệch. Từ đó dễ dẫn đến những hiểu nhầm và phát ngôn, hành động sai lệch. Không chỉ vậy, mạng xã hội còn ẩn chứa nhiều nguy hiểm từ những kẻ lừa đảo. Chúng có nhiều hình thức tinh ranh để dụ dỗ, lôi kéo các bạn học sinh vào những đường dây tệ nạn. Hoặc thực hiện các hành vi sai trái khác. Bên cạnh đó, sự hấp dẫn của mạng xã hội cũng có thể trở thành con dao hai lưỡi, khi khiến các bạn học sinh say sưa đến quên cả việc học. Thậm chí bỏ bê những mối quan hệ khác ở cuộc sống thực tại.

Vì vậy, chúng ta phải tự kiểm soát và cân đối thời gian, cách sử dụng mạng xã hội sao cho hợp lí. Để phát huy tối đa những ưu điểm của nó, và hạn chế hết mức những nhược điểm tai hại mà nó đem lại. Bởi nếu chỉ vì những nhược điểm kia mà bỏ qua rất nhiều những ưu điểm khác của mạng xã hội thì thật là sai lầm. Để làm được điều đó, ngoài việc chính bản thân các bạn phải tự phân phối thời gian, cách sử dụng. Thì bố mẹ hoặc thầy cô cũng cần có sự giúp đỡ, điều hướng, để bảo vệ các bạn học sinh khỏi những thông tin, ảnh hưởng xấu của mạng xã hội.

Nghị luận về một vấn đề của đời sống - mẫu 8

Vào tiết sinh hoạt lớp ngày hôm qua, lớp em đã cùng thảo luận về việc mang điện thoại di động đến lớp học. Một số bạn cho rằng nên cấm việc mang điện thoại di động đến lớp, vì nó không có tác dụng gì khi ở lớp cả. Nhiều bạn khác thì cho rằng nên cho phép học sinh mang theo điện thoại, vì nhiều trường hợp cũng cần sử dụng đến.

Cá nhân em, thì đồng tình với ý kiến thứ hai. Vì em cũng cho rằng, việc mang điện thoại di động đến lớp là hoàn toàn có ích chứ không phải là không cần thiết. Điện thoại di động là một thiết bị điện tử với nhiều tính năng hiện đại. Nó giúp liên lạc, trao đổi với người khác dù ở cách nhau rất xa. Vì vậy, khi đi học, các bạn học sinh có thể dùng điện thoại để liên lạc với bố mẹ trong những tình huống bất ngờ. Chẳng hạn như xin phép về muộn vì lên thư viện cùng bạn, hoặc cần bố mẹ đến đón sớm hơn do nghỉ học tiết cuối… Ngoài ra, các bạn có thể dùng điện thoại để tra cứu các thông tin về học tập vào giờ giải lao, chuẩn bị cho tiết học sắp đến. Hoặc đơn giản, chỉ là xem các video âm nhạc, giải trí vào giờ ra chơi sau các tiết học căng thẳng. Vì vậy, em cho rằng việc mang điện thoại di động đến lớp là hoàn toàn hợp lí.

Tuy nhiên, những lo ngại về tác hại của việc mang điện thoại theo đến trường cũng là điều dễ hiểu. Bởi có không ít trường hợp các bạn sử dụng điện thoại trong giờ học, khiến bản thân bị sao nhãng, ảnh hưởng đến kết quả học tập của bản thân. Đồng thời gây ảnh hưởng đến những bạn ngồi cạnh. Vì vậy, để việc mang điện thoại đến lớp không mang đến các tác động tiêu cực, chúng ta có thể sử dụng các quy tắc nhất định. Như học sinh phải tắt chuông điện thoại khi mang điện thoại theo. Chỉ được sử dụng điện thoại vào giờ giải lao, còn trong giờ học thì phải tắt máy và cho vào cặp sách.

Như vậy, thì việc các bạn học sinh mang điện thoại di động đến lớp sẽ không ảnh hưởng tiêu cực nữa. Đồng thời còn giúp đem đến những lợi ích thiết thực cho bản thân các bạn.

Nghị luận về một vấn đề của đời sống - mẫu 9

Ngành giáo dục Việt Nam trong những năm qua đã có những thành tích đáng khâm phục. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều thách thức chưa thể giải quyết triệt để như bạo lực học đường, gian lận thi cử, vô lễ với giáo viên… Trong đó vấn nạn gian lận trong thi cử được xem là đáng báo động đối với giáo dục. 

Gian lận trong thi cử là gì? Gian lận trong thi cử là hành vi làm trái so với quy định của học sinh như quay cóp bài, mang tài liệu vào phòng thi, chạy tiền của để đạt được điểm cao. Gian lận không chỉ diễn ra ở học sinh mà còn diễn ra ở giáo viên và phụ huynh. Chính phụ huynh, giáo viên đang “dọn đường” cho học sinh, tiếp tay để học sinh gian lận. Đây thực sự là điều rất đáng buồn. 

Biểu hiện của gian lận trong thi cử hiện nay không phải giấu kín mà nó hiển hiện ra rất lộ liễu, hơn hết có nhiều người biết nhưng mà cũng không lên tiếng. Gian lận trong thi cử sẽ gây ra nhiều tác hại xấu cho học sinh, làm hư học sinh, khiến các em luôn ở trong tâm thế sống ỷ lại, dựa dẫm, không có ý chí vươn lên phấn đấu giành thành tích. Bao thế hệ học sinh đi qua là bất nhiêu thế hệ còn tồn tại thói xấu gian lận đáng phải bài trừ này. Hậu quả mà việc gian lận trong thi cử gây ra rất lớn, hiện tượng này có thể phá hủy tương lai còn dài của các em. Chỉ vì các em đã quen với việc gian lận, quen với việc được nâng đỡ cũng đã khiến cho các em lười tư duy, vận động để đạt kết quả tốt. 

Để có thể hạn chế được hiện tượng này thì thầy cô giáo cần phải nghiêm khắc và xử lí mạnh tay hơn nữa những thành phần dám vi phạm. Có như thế thì học sinh mới có thể nghiêm túc làm bài, không dựa dẫm. Thế chủ động đó sẽ khiến cho các em có thể nắm vững được kiến thức thật chắc và thật sâu. Tình trạng gian lận ở ngành giáo dục nước ta đang còn nhiều, không chỉ kiểm tra ở trường mà còn tại các kỳ thi tốt nghiệp, thi đại học cũng không hiếm. Các em đã không thể tự khẳng định được năng lực học của mình mà chỉ lo chạy theo cái danh vọng hão huyền, không thực tế. Gian lận thi cử sẽ tạo nên bệnh thành tích cần phải bài trừ. 

Đất nước cần những con người biết tự lập, biết tự học tập, sáng tạo, vươn lên bằng chính khả năng và sức lực của mình. Việc ngăn chặn gian lận trong thi cử cần bắt nguồn từ các bạn học sinh, như vậy sẽ cổ vũ lớn hơn tinh thần ham học tập của các bạn. Như vậy hiện trạng gian lận trong thi cử đang diễn ra khá phức tạp, các cơ quan chức năng cần phải có kế hoạch cũng như chiến lược để đẩy lùi vấn nạn này; mang đến cho ngành giáo dục sự lành mạnh nhất.

Nghị luận về một vấn đề của đời sống - mẫu 10

Trường học là ngôi nhà thứ 2 cất giữ muôn vàn kỉ niệm của tuổi học trò, là nơi nuôi dưỡng những đứa trẻ cả về kiến thức lẫn tình cảm. Tuy nhiên bên cạnh những kí ức đẹp đẽ của tuổi học trò, những niềm vui của tháng ngày học sinh ở đâu đó vẫn tồn tại vấn nạn bạo lực học đường. Điều này ảnh hướng rất lớn tới tâm lí học sinh, phụ huynh và nhà trường, một câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để loại bỏ được vấn nạn bạo lực học đường?

Trước hết, bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, thiếu đạo đức hay đó là cách cư xử thiếu văn minh, không có giáo dục của các học sinh đối với nhau hoặc giữa học sinh và giáo viên. Vấn nạn này cần được loại bỏ khỏi nền giáo dục bởi nó gây ra những ảnh hưởng tiêu cực.

Với sự phát triển của xã hội hiện nay việc tìm kiếm con số thống kê về bạo lực học đường hiện nay là rất dễ dàng. Chúng ta có thể thấy bạo lực học đường tồn tại dưới hai dạng hình thức đó là: xúc phạm, lăng mạ, làm tổn thương về mặt tinh thân con người thông qua lời nói và đánh đập, làm tổn hại về sức khỏe bằng những hành vi bạo lực. Chúng ta bắt gặp những hình ảnh, thước phim bạo lực do học sinh quay lại và chia sẻ tràn lan trên mạng. Những video quay cảnh đấm đá vô nhân tính của các cô cậu mang đồng phục học sinh đang xé áo, túm tóc gây ám ảnh cho người xem. Ví dụ như clip bạo lực của nữ sinh Hưng Yên bị bạo hành, hay vụ bạo lực học đường vừa xảy ra ở Quảng Ninh… Vậy do đâu mà vấn nạn bạo lực học đường lại trở nên nhiều như vậy? Nguyên nhân trực tiếp bắt nguồn từ những mâu thuẫn, thích thể hiện cái tôi, nguyên nhân gián tiếp là do thiếu kĩ năng sống, gia đình và nhà trường chưa giáo dục nghiêm khắc, các biện pháp kỷ luận chưa đủ sức răn đe.

Hậu quả của bạo lực học đường để lại rất nghiêm trọng, nó gây tổn thương sâu sắc cả về thể xác và tinh thần của nạn nhân. Tất cả sự nghiệp học tập và cuộc sống cũng bị đảo lộn vì nó. Bởi vậy mỗi chúng ta cần quan tâm tới giáo dục, thiết lập kỷ cương, mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Nhà trường có thể tổ chức những chương trình giáo dục, trải nghiệm để rèn luyện cách sống, đạo đức cho các em học sinh.

Như vậy, tránh bạo lực học đường trong môi trường giáo dục là một biện pháp cần ưu tiên hàng đầu để phát triển tương lai của thể hệ trẻ trở nên tốt đẹp hơn.

Xem thêm các bài văn mẫu 8 Cánh diều hay khác:

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 8

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Soạn văn 8 hay nhất, ngắn gọn của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Ngữ văn 8 Tập 1 và Tập 2 Cánh diều (NXB ĐH Sư phạm).

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Tài liệu giáo viên