Cổ tích là gì (chi tiết nhất)
Bài viết Cổ tích là gì chi tiết nhất, đầy đủ khái niệm, đặc điểm, cách đọc hiểu & bài tập có đáp án chi tiết giúp bạn nắm vững kiến thức trọng tâm về Cổ tích.
Cổ tích là gì (chi tiết nhất)
1. Khái niệm cổ tích
Truyện cổ tích là thể loại truyện kể dân gian, kết quả của trí tưởng tượng dân gian, xoay quanh cuộc đời, số phận của một số kiểu nhân vật. Truyện cổ tích thể hiện cách nhìn, cách nghĩ của người xưa đối với cuộc sống, đồng thời nói lên ước mơ về một xã hội công bằng, tốt đẹp.
2. Đặc điểm của cổ tích
- Cốt truyện cổ tích thường có yếu tố hoang đường, kì ảo, mở đầu bằng “Ngày xửa ngày xưa...” và kết thúc có hậu. Truyện được kể theo trình tự thời gian.
- Nhân vật: Truyện cổ tích thường kể về một số kiểu nhân vật như nhân vật bất hạnh, nhân vật dũng sĩ, nhân vật thông minh... Phẩm chất của nhân vật truyện cổ tích chủ yếu được thể hiện qua hành động.
- Đề tài là hiện tượng đời sống được miêu tả, thể hiện qua văn bản.
- Chủ đề là vấn đề chính mà văn bản nêu lên qua một hiện tượng đời sống. Trong truyện cổ tích, chủ đề nổi bật là ước mơ về một xã hội công bằng, cải thiện chiến thắng cái ác.
- Người kể chuyện là vai do tác giả tạo ra để kể các sự việc. Người kể chuyện theo ngôi thứ nhất là người kể chuyện xưng “tôi”. Người kể chuyện theo ngôi thứ ba là người kể chuyện giấu mình. Trong truyện cổ tích, người kể chuyện thường ở ngôi thứ ba.
- Lời của người kể chuyện là phần lời người kể dùng để thuật lại một sự việc cụ thể hay giới thiệu, miêu tả khung cảnh, con người, sự vật,... Lời của nhân vật là lời nói của các nhân vật trong truyện.
3. Ví dụ một số văn bản thuộc thể loại truyện cổ tích
- Thạch Sanh
- Cây khế
- Sọ Dừa
- Em bé thông minh
- Cây tre trăm đốt
- Tấm Cám
- Sự tích trầu cau
4. Cách đọc hiểu một văn bản thuộc thể loại truyện cổ tích
Khi đọc hiểu truyện cổ tích, các em cần chú ý:
- Truyện kể về việc gì? Xác định những sự kiện chính trong truyện.
- Truyện kể về ai? Ai là nhân vật nổi bật? Kết thúc truyện, số phận các nhân vật như thế nào?
- Qua diễn biến và kết thúc của truyện, tác giả dân gian muốn ca ngợi, phê phán hay nói lên ước mơ gì? Điều đó có liên quan như thế nào đến cuộc sống hiện nay?
- Những chi tiết nào trong truyện là chi tiết hoang đường, kì ảo? Những chi tiết này có tác dụng gì trong việc thể hiện nội dung và nghệ thuật của truyện?
5. Một số bài tập liên quan đến thể loại truyện cổ tích.
5.1. Trắc nghiệm
Câu 1: Truyện cổ tích thiên về phản ánh nội dung nào?
A. Đấu tranh chinh phục thiên nhiên
B. Đấu tranh chống xâm lược
C. Đấu tranh giai cấp
D. Đấu tranh bảo tồn văn hóa
Đáp án: C
Câu 2: Tên gọi khái quát nhất cho cuộc đấu tranh xã hội trong truyện cổ tích là gì?
A. Đấu tranh giữa người nghèo và kẻ giàu
B. Đấu tranh giữa địa chủ và nông dân
C. Đấu tranh giữa chính nghĩa và phi nghĩa
D. Đấu tranh giữa cái thiện và cái ác
Đáp án: D
Câu 3: Câu nào dưới đây không nói về thể loại truyện cổ tích?
A. Là loại truyện dân gian kể về cuộc đời của một số nhân vật như nhân vật bất hạnh, có tài năng lạ thường...
B. Truyện thường chứa đựng nhiều yếu tố hoang đường, li kì.
C. Truyện do những tác giả tên tuổi sáng tác.
D. Truyện thể hiện ước mơ, niềm tin của nhân dân về chiến thắng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt đối với cái xấu.
Đáp án: C
Câu 4: Tác giả dân gian đưa yếu tố kì ảo vào trong truyện cổ tích nhằm mục đích gì?
A. Vì không giải thích được các hiện tượng xảy ra trong xã hội.
B. Nhằm trừng trị những cái xấu, cái ác trong xã hội.
C. Nhằm lí giải các mối quan hệ xã hội.
D. Thể hiện ước mơ về lẽ công bằng, góp phần tạo nên chất lãng mạn cho câu chuyện.
Đáp án: D
Câu 5. Nội dung dòng nào không thuộc khái niệm về truyện cổ tích?
A. Kể về cuộc đời nhân vật, về những xung đột trong gia đình, xã hội;
B. Truyện kể theo trình tự thời gian, mối quan hệ nhân quả; có yếu tố hoang đường kì ảo; nhân vật chia hai tuyến chính (thiện, tốt – ác, xấu).
C. Nhân vật chính là người anh hùng đối mặt với những thử thách và lập chiến công phi thường hỗ trợ cộng đồng.
D. Thể hiện ước mơ về cuộc sống tốt đẹp, công bằng của người dân lao động xưa.
Đáp án: C
Câu 6: Truyện cổ tích thường sử dụng ngôi kể và người kể chuyện như thế nào?
A. Kể theo ngôi thứ nhất, người kể tham gia vào câu chuyện, xưng “tôi”.
B. Kể theo ngôi thứ ba, người kể không tham gia vào câu chuyện, nhân vật được gọi theo đại từ xưng hô ngôi thứ ba hoặc gọi tên.
C. Kể theo ngôi thứ nhất, người kể không phải là nhân vật trong truyện.
D. Kết hợp các ngôi kể tùy từng đoạn truyện và luôn thay đổi cách xưng hô.
Đáp án: B
Câu 7: Dòng nào nêu đặc điểm ngôn ngữ trong truyện cổ tích?
A. Có nhiều thành ngữ, tục ngữ.
B. Dùng lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân.
C. Thường mở đầu bằng cụm từ: ngày xửa ngày xưa, ngày xưa.
D. Có nhiều từ ngữ ngày nay ít dùng.
Đáp án: C
Câu 8: Cụm từ nào thường dùng để nói về kết thúc của truyện cổ tích?
A. Kết thúc tốt đẹp.
B. Kết thúc thắng lợi.
C. Kết thúc hợp lí.
D. Kết thúc có hậu.
Đáp án: D
Câu 9: Dòng nào nêu cách hiểu đúng về yếu tố hoang đường kì ảo trong cổ tích?
A. Là thần, tiên, phật hoặc vật lạ; xuất hiện để trợ giúp người tốt gặp khó khăn không tự giải quyết được.
B. Là thần, tiên, phật hoặc vật lạ; xuất hiện giúp người tốt thắng kẻ xấu.
C. Là thần, tiên, phật hoặc vật lạ góp phần làm nên ý nghĩa của truyện.
D. Là thần, tiên, phật hoặc vật lạ; xuất hiện giúp truyện kết thúc có hậu.
Đáp án: C
Câu 10: Dòng nào nêu rõ ý nghĩa chủ yếu của truyện cổ tích?
A. Giải thích nguồn gốc loài vật theo suy nghĩ của người xưa
B. Thể hiện ước mơ của nhân dân về một cuộc sống tốt đẹp.
C. Giải thích một số phong tục tập quán.
D. Thể hiện mong ước của nhân dân: cái thiện thắng cái ác.
Đáp án: B
5.2. Tự luận
Câu 1: Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:
“Nhà vua lấy làm lạ, cho đưa Thạch Sanh đến. Trước mặt mọi người, chàng kể hết đầu đuôi chuyện của mình, từ chuyện kết bạn với Lí Thông đến chuyện chém chằn tinh, giết đại bàng, cứu công chúa, bị Lí Thông lấp cửa hang và cuối cùng bị bắt oan vào ngục thất. Mọi người bấy giờ mới hiểu ra mọi sự. Vua sai bắt giam hai mẹ con Lí Thông, lại giao cho Thạch Sanh xét xử. Chàng không giết mà cho chúng về quê làm ăn. Nhưng về đến nửa đường thì chúng bị sét đánh chết, rồi bị hóa kiếp thành bọ hung.”
(Thạch Sanh)
a. Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn là gì? Nêu nội dung ý nghĩa văn bản trên.
b. Trong đoạn văn trên, mẹ con Lí Thông được Thạch Sanh tha tội chết nhưng vẫn bị trời trừng trị. Điều này thể hiện phẩm chất đẹp đẽ nào ở nhân vật Thạch Sanh?
c. Viết đoạn văn ngắn (5-7 câu) nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Thạch Sanh.
Đáp án:
a.
- Phương thức biểu đạt chính là tự sự.
- Nội dung ý nghĩa văn bản Thạch Sanh: Thạch Sanh thể hiện ước mơ, niềm tin của nhân dân về sự chiến thắng của những con người chính nghĩa, lương thiện.
b. Việc Thạch Sanh tha tội chết cho Lý Thông thể hiện Thạch Sanh là người nhân nghĩa, phúc hậu, khoan dung, độ lượng và giàu lòng vị tha.
c. Trong những nhân vật cổ tích, em thích nhất là chàng Thạch Sanh. Tuy lớn lên trong cảnh cô đơn, nghèo khó, nhưng Thạch Sanh vẫn giữ cho mình những phẩm chất tốt đẹp như trung thực, không tham lam, chăm chỉ, chịu khó. Anh luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác, chiến đấu chống cái ác mà không cần bất kì hồi đáp gì. Đặt cạnh kẻ tham lam, độc ác, gian xảo như Lý Thông, những phẩm chất tốt đẹp của Thạch Sanh lại càng sáng rõ. Anh ấy chính là hình mẫu lý tưởng cho những nhân vật anh hùng trong các tiểu thuyết sau này.
Câu 2: Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:
“…Ngày nào bà lão cũng đi chợ vắng. Từ trong quả thị chui ra một cô gái thân hình bé nhỏ như ngón tay nhưng chỉ trong chớp mắt đã biến thành Tấm. Tấm vừa bước ra đã cầm lấy chổi quét dọn nhà cửa sạch sẽ, rồi đi vo gạo thổi cơm, hái rau ở vườn nấu canh giúp bà hàng nước. Đoạn Tấm lại thu hình bé nhỏ như cũ rồi chui vào vỏ quả thị. Lần nào đi chợ về, bà lão cũng thấy nhà cửa ngăn nắp, cơm ngon canh ngọt sẵn sàng thì lấy làm lạ…”
(Trích Tấm Cám)
a. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?
b. Nêu nội dung chủ yếu của đoạn trích.
c. Chỉ ra và nêu tác dụng của hai biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích.
d. Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 7-9 câu) trình bày suy nghĩ của em về vai trò của đức tính cần cù, siêng năng trong học tập.
Đáp án:
a. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là: Tự sự.
b. Nội dung chủ yếu của đoạn trích là: Kể về việc Tấm ẩn mình trong quả Thị và giúp đỡ bà lão mọi công việc nhà.
c. Hai biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích là:
+ So sánh: Từ trong quả thị chui ra một cô gái thân hình bé nhỏ như ngón tay.
+ Liệt kê: cầm lấy chổi quét dọn nhà cửa sạch sẽ, rồi đi vo gạo thổi cơm, hái rau ở vườn nấu canh giúp bà hàng nước.
d. Học tập không phải con đường duy nhất nhưng nó chính là con đường ngắn nhất dẫn tới thành công. Trong học tập, điều cần thiết nhất chính là phải có đức tính siêng năng, cần cù. Siêng năng, cần cù trong học tập là việc ta tự giác, chăm chỉ, chịu khó học tập mà không cần ai nhắc nhở hay quản giáo. Khi ta siêng năng học tập, ta sẽ tích góp cho mình được nhiều kiến thức và thành công hơn. Để có được đức tính tốt đẹp này, chúng ta cần biết tôn trọng và sử dụng hợp lý thời gian, rèn luyện được trong mình thói tự giác; cần tích cực, chủ động hơn trong mọi công việc; chăm chỉ tìm tòi, phát hiện ra nhiều điều mới mẻ, học tập và trải nghiệm thật nhiều để thấy cuộc đời nhiều ý nghĩa. Người xưa từng nói “Cần cù bù thông minh”. Thông minh có thể không rèn luyện được nhưng cần cù chắc chắc có. Đức tính đó sẽ mang lại cho ta rất nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Do đó hãy rèn luyện cho mình đức tính này và có cho mình nhiều thành cồn trong cuộc sống.
Câu 3: Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu bên dưới:
SỰ TÍCH HOA CÚC TRẮNG
Chuyện kể rằng ở một ngôi làng nọ có hai mẹ con nghèo sinh sống với nhau trong một ngôi nhà nhỏ. Người mẹ ngày ngày tần tảo làm việc để nuôi con, người con tuy còn nhỏ nhưng đã biết yêu thương, có hiếu với mẹ.
Cuộc sống của hai mẹ con cứ thế bình lặng trôi qua thì bỗng đến một ngày người mẹ chợt lâm bệnh nặng. Dù đã đi đến chữa trị ở rất nhiều thầy lang giỏi trong làng nhưng tình hình bệnh của người mẹ không hề đỡ chút nào, sức khỏe mỗi ngày một yếu đi.
Nhà nghèo không có tiền chữa trị, nhưng thương mẹ người con vẫn quyết tâm đi tìm thầy ở các nơi để chữa bệnh cho mẹ. Người con cứ đi từ làng này qua làng khác, vượt bao làng mạc, núi sống, vừa đói vừa rách nhưng không hề nản lòng. Rồi em đi qua một ngôi chùa, em đã xin phép trụ trì của ngôi chùa cầu phúc cho mẹ em mau chóng qua bệnh để hai mẹ con lại trở về cuộc sống như xưa. Lòng hiếu thảo của em đã động đến trời xanh, Đức Phật cũng phải động lòng trắc ẩn nên ngài đã biến thành một nhà sư và tặng cho em một bông hoa có năm cánh. Số cánh hoa tượng trưng cho số năm mà mẹ em sống thêm được.
Em nhìn bông hoa vừa vui sướng vì đã có phép màu cứu được mẹ nhưng cũng không khỏi lo lắng vì chỉ có năm cánh hoa, tức mẹ em chỉ còn sống được năm năm. Vì vậy sau một hồi suy nghĩ em đã xé nhỏ các cánh hoa cho tới khi không còn xé nhỏ được nữa, và cũng không còn đếm được bông hoa có bao nhiêu cánh hoa. Nhờ vậy mà người mẹ đã sống rất lâu bên đứa con ngoan hiếu thảo của mình.
Bông hoa có vô số cánh hoa biểu tượng cho sự sống, cho ước mơ trường tồn của con người, cho khát vọng chữa lành mọi bệnh tật, sau này người ta gọi đó là hoa Cúc. Sự tích hoa cúc trắng cũng từ đó mà ra.
(Trích “Truyện cổ tích Việt Nam”, NXB Mĩ thuật 2018).
1. Theo tác phẩm: Lòng hiếu thảo của em đã động đến ai?
A. Trời xanh.
B. Nhà vua.
C. Người dân.
D. Thầy lang.
2. Câu chuyện trong tác phẩm được kể bằng lời của ai?
A. Lời của nhân vật người mẹ.
B. Lời của người kể chuyện.
C. Lời của nhân vật người con.
C. Lời của nhà sư.
3. Nhân vật chính trong câu chuyện là ai?
A. Em bé.
B. Người mẹ.
C. Đức Phật.
D. Nhà sư.
4. Câu văn "Bông hoa có vô số cánh hoa biểu tượng cho sự sống, cho ước mơ trường tồn của con người, cho khát vọng chữa lành mọi bệnh tật, sau này người ta gọi đó là hoa Cúc" đã sử dụng biện pháp tu từ nào?
A. Nhân hóa.
B. So sánh.
C. Liệt kê.
D. Ẩn dụ.
5. Vì sao em bé quyết tâm đi tìm thầy lang để chữa bệnh cho mẹ?
A. Vì em bé thương mẹ và muốn mẹ khỏi bệnh.
B. Vì quyến luyến không muốn xa mẹ.
C. Vì muốn giúp đỡ mẹ.
D. Vì chưa thể sống tự lập.
6. Điều gì khiến Đức Phật cảm động khi nghe câu chuyện của em bé?
A. Số phận bất hạnh của người mẹ.
B. Trí tuệ hơn người của em bé.
C. Cảm thương tấm lòng hiếu thảo của em bé.
D. Tình cảnh đáng thương của em bé.
7. Nhận xét nào sau đây đúng với truyện Sự tích hoa cúc trắng?
A. Giải thích các hiện tượng thiên nhiên.
B. Ca ngợi lòng hiếu thảo của em bé.
C. Thể hiện sự cảm thương cho số phận người phụ nữ.
D. Ca ngợi tình phụ tử.
8. Vì sao em bé lại xé nhỏ những cánh hoa cúc trắng ?
A. Vì muốn cho bông hoa đẹp hơn.
B. Vì bông hoa chỉ có năm cánh.
C. Vì muốn bông hoa có thật nhiều cánh .
D. Vì em muốn mẹ được sống lâu hơn.
9. Hãy rút ra bài học mà em tâm đắc nhất sau khi đọc tác phẩm.
10. Viết một đoạn văn ngắn (5-7 câu) nêu ý nghĩa của sự hóa thân của Đức Phật thành bông hoa cúc trắng trong tác phẩm?
Đáp án:
1. A
2. B
3. A
4. C
5. A
6. C
7. B
8. D
9. Qua câu chuyện, em rút ra được các bài học sau: Nên biết yêu thương, chia sẻ và hiếu thảo với cha mẹ
10. Trong tác phẩm "Sự tích hoa cúc trắng", việc hóa thân của Đức Phật thành bông hoa cúc trắng mang ý nghĩa rất sâu sắc. Cúc trắng thường được coi là biểu tượng của sự trong sáng, trong trắng và tinh khiết. Điều này phản ánh sự thanh tịnh và vô thường của Đức Phật, cũng như tinh thần bất diệt của Triết lý Phật giáo. Ngoài ra, việc hóa thân thành một bông hoa cũng thể hiện sự kết nối với tự nhiên và sự sống động của mọi vật. Tóm lại, việc hóa thân của Đức Phật thành bông hoa cúc trắng trong tác phẩm "Sự tích hoa cúc trắng" mang đến một thông điệp ý nghĩa về sự trong sáng, tinh khiết và bất diệt của Triết lý Phật giáo.
Câu 4: Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
CÂY TRE TRĂM ĐỐT
Ngày xưa, có một anh nông phu rất nghèo, phải đi ở đợ cho một phú ông. Phú ông tính rất keo kiệt. Đối với kẻ ăn người ở, hắn có rất nhiều mánh khóe để bòn công mà không phải trả thêm tiền. Hắn có một cô con gái chưa gả chồng. Thấy đầy tớ tuổi đã lớn mà chưa có vợ, hắn vờ vịt:
- Cứ cố làm việc đi con ạ. Lão sẽ gả con gái cho!
Vốn tính thật thà nên khi nghe lời đường mật của chủ, anh chàng bỗng nuôi hi vọng làm rể phú ông. Từ đó, anh đổ sức làm việc không biết mệt. Bao nhiêu công việc chủ giao, dù khó khăn nặng nhọc thế nào, anh cũng không hề từ chối. Phú ông thấy mưu mình đắt thì mừng lắm. Thế nhưng, lão không muốn gả con gái cho kẻ ăn người ở như anh nên đã nhận lời gả con cho một nhà giàu ở làng bên. Việc này, lão bắt mọi người trong nhà giữ kín. Anh nông phu vẫn không hề nghi ngờ gì cả, vẫn quần quật làm việc và gửi gắm hi vọng vào ông chủ.
Ngày cưới của con gái phú ông đã đến. Nhà phú ông bày biện bàn ghế, giết lợn mổ gà tấp nập. Để anh đầy tớ khỏi sinh sự lôi thôi làm lỡ việc của gia đình mình, phú ông gọi anh đến bảo:
- Con làm việc khá lắm, ta rất ưng ý. Hôm nay, ta đã sửa sọan cỗ bàn rồi đấy.
Nhưng mà con cũng phải có gì làm sính lễ mới được. Ta không đòi ruộng vườn, tiền bạc gì cả. Cứ lên rừng chọn cây tre nào có một trăm đốt, chặt mang về đây, ta sẽ cho làm lễ thành hôn với con gái ta. Nếu không có thì ta gả con gái cho người khác đấy!
Anh chàng tin lời, cầm rựa cắm cúi ra đi. Lên rừng, anh tìm những bụi tre dày, cây cao rồi lách vào mà chặt. Nhưng mỗi lần chặt tre là một lần anh thất vọng vì cây cao nhất cũng chỉ có vài chục đốt. Tuy vậy, anh vẫn không nản, có đi vào rừng sâu hơn, luồn vào những nơi hiểm hóc có tre già, mặc cho gai tre tua tủa cào rách da thịt, tìm cây tre trăm đốt mang về dâng lên phú ông để được cưới vợ. Thế nhưng, chặt mãi vẫn không có cây tre nào trăm đốt. Buồn quá đi, anh quăng rựa xuống đất, ngôi khóc nức nở. Tiếng khóc của anh vang động cả núi rừng.
Bụt hiện lên hỏi:
- Con là ai ? Cớ sao lại ngồi đây mà khóc?
Anh gạt nước mắt, kể lể sự tình cho Bụt nghe. Nghe xong, Bụt bảo:
- Con dừng khóc nữa. Hãy đi chặt một trăm đốt tre về đây cho ta!
Anh lập tức làm theo lời Bụt. Nhưng khi có đủ trăm đốt tre, anh lại khóc. Bụt lại hỏi vì sao khóc thì anh trả lời:
- Phú ông bảo con chặt cây tre có một trăm đốt chứ không phải chặt một trăm đốt tre.
Bụt an ủi rồi bày cho anh sắp một trăm đốt tre lại thành một hàng và hô “khắc nhập”. Anh làm theo thì lạ thay, trăm đốt tre dính vào nhau thành cây tre trăm đốt. Mừng quá, anh ghé vai, định vác tre về. Nhưng loay hoay mãi không sao quay trở được. Anh buông tre ra và lại ngồi khóc. Bụt lại hỏi:
- Làm sao con lại khóc nữa đây?
- Cây tre dài quá, con không làm sao mang về nổi - Anh đáp.
Bụt cười, bảo anh hô “ khắc xuất ” Anh vừa hô xong thì những đốt tre rời nhau ra. Anh cảm ơn Bụt rồi bó trăm đốt tre gánh về nhà.
Anh về đến nhà khi hai họ ăn uống linh đình và lễ cưới sắp diễn ra. Anh lẳng lặng đặt gánh tre giữa sân rồi gọi phú ông ra nhận sính lễ. Phú ông chạy ra, quát:
- Tao bảo mày chặt được cây tre trăm đốt chứ có bảo chặt trăm đốt tre đâu.
Anh nông dân luôn miệng hổ “ khắc nhập ”. Thế là trăm đốt tre dính nối vào nhau thành cây tre trăm đốt cao ngất. Thấy lạ, phú ông chạm tay vào cây tre thì bị dính vào cây tre, sợ quá, kêu la hoảng hốt. Chàng rể thấy vậy chạy ra gỡ nhưng cũng bị dính vào bố vợ. Ông thông gia chạy đến định gỡ cho con thì cũng bị dính vào nốt.
Cứ thế, cả hai họ, ai xông vào cứu cũng dính vào nhau. Cuối cùng, sợ hãi quá, phú ông đành lạy van xin thả và hứa gả con gái cho anh nông dân, không dám nuốt lời.
Bấy giờ, anh mới hô “ khắc xuất ”. Mọi người được rời khỏi cây tre. Chàng rể hụt và cả họ kéo nhau về. Còn anh nông dân được vợ như mong ước.
(Nguyễn Đổng Chi - Kho tàng cổ tích Việt Nam. NXB Khoa học – Xã hội 1976)
Lựa chọn đáp án đúng :
1. Truyện Cây tre trăm đốt thuộc loại truyện cổ tích nào?
A. Cổ tích thần kì.
B. Cổ tích về loài vật.
C. Cổ tích thế tục.
D. Kết hợp các loại cổ tích trên.
2. Nhân vật chính của truyện là ai?
A. Nhân vật chính là phú ông.
B. Nhân vật chính là cô gái con phú ông.
C. Nhân vật chính là anh nông dân nghèo.
D. Nhân vật chính là ông Bụt.
3. Nhân vật chính của truyện thuộc loại nhân vật nào trong cổ tích?
A. Nhân vật bất hạnh.
B. Nhân vật dũng sĩ.
C. Nhân vật ngốc nghếch.
D. Nhân vật có khả năng kì lạ.
4. Dòng nào nêu đúng nhất lí do khiến nhân vật chính của truyện bị xếp vào loại nhân vật đó?
A. Tin vào lời hứa của phú ông: cổ làm việc đi, lão sẽ gả con gái cho.
B. Tin rằng chặt được cây tre trăm đốt mang về sẽ được cưới con gái phú ông.
C. Tin rằng có cây tre trăm đốt và sẽ chặt được cây tre trăm đốt mang về.
D. Tin nếu mình chăm chỉ làm việc và chặt được cây tre trăm đốt mang về thì phú ông sẽ gả con gái.
5. Nhận xét nào đúng với nhân vật chính trong truyện Cây tre trăm đốt?
A. Nhân vật thật thà, cả tin chứ không quá ngốc nghếch vì biết dùng câu thần chú để trừng phạt kẻ ác, giành lấy thắng lợi
B. Nhân vật thật thà, cả tin đến mức ngốc nghếch vì phú ông nói gì cũng tin nên bị lừa
C. Nhân vật thật thà nhưng cũng tham vì không biết thân phận mình mà muốn lấy con gái nhà giàu.
D. Nhân vật ngốc nghếch, phú ông nói gì cũng tin và làm theo một cách máy móc.
6. Truyện cổ tích Cây tre trăm đốt có mấy tuyến nhân vật? Mỗi tuyến có những nhân vật nào?
A. Hai tuyến nhân vật thiện và ác. Thiện là anh nông dân và ông Bụt; ác là lão phú ông.
B. Hai tuyến nhân vật thiện và ác. Thiện là anh nông dân; ác là lão phú ông.
C. Hai tuyến nhân vật thiện và ác. Thiện là anh nông dân và ông Bụt. Ác là lão phú ông và thông gia.
D. Hai tuyến nhân vật thiện và ác. Thiện là anh nông dân; ác là lão thông gia và con trai.
7. Truyện Cây tre trăm đốt được kể theo trình tự nào là chính?
A. Trình tự không gian.
B. Trình tự thời gian.
C. Quan hệ nhân quả.
D. Kết hợp không gian và thời gian.
8. Trong truyện Cây tre trăm đốt, đâu KHÔNG PHẢI là yếu tố kì lạ, hoang đường?
A. Ông Bụt xuất hiện khi thấy anh nông dân khóc và cho anh hai câu thần chú,
B. Đọc “khắc nhập ” là trăm đốt tre dính thẳng với nhau thành cây tre trăm đốt.
C. Anh nông dân loay hoay không mang được cây tre trăm đốt ra khỏi rừng.
D. Anh nông dân đọc “khắc nhập” là phú ông dính vào cây tre trăm đốt.
9. Theo em, nhân vật phú ông là người như thế nào? Nhân vật này có vai trò như thế nào trong tác phẩm.
10. Viết đoạn văn ngắn (5-7 câu) nhận xét về nhân vật ông Bụt trong truyện Cây tre trăm đốt
Đáp án:
1. A
2. C
3. C
4. D
5. A
6. B
7. B
8. C
9.
- Phú ông: là kẻ ích kỉ, tham lam, dối trá, lật lọng; có thể làm mọi điều vì lợi lộc cho bản thân
- Phú ông là một trong hai nhân vật chính của tác phẩm, góp phần quan trọng trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm (sự tham lam của nhân vật này là mấu chốt phát triển các sự việc)
10. Nhân dân đã sáng tạo nên hình ảnh ông Bụt đầy phép nhiệm màu có thể làm thay đổicuộc đời của mỗi nhân vật trong hiện thực đời sống chưa thể có điều kiện đổi thay. Trong truyện Cây tre trăm đốt cũng thế, khi anh Khoai một mình ngồi khóc hu hu thì Bụt cũng đã kịp thời hiện ra giúp anh phép lạ có thể nhập trăm đốt tre lại thành cây tre trăm đốt và ngược lại cũng có thể tách rời cây tre “vô tiền khoáng hậu” ấy thành ra trăm đốt tre rời, đủ để trừng phạt lão phú ông, khiến lão một phen khiếp vía đành phải gả cô út cho anh. Bụt, như vậy, đã hỗ trợ người hiền lành, chân thật, giúp cho Thiện thắng Ác và công lí được thực hiện dầu chỉ là thực hiện bằng tưởng tượng và mơ ước. Đó là Bụt mỗi lần xuất hiện là mồi lần Bụt cứu khổ cứu nạn cho người hiền lành chiến thắng kẻ ác giúp cho cái tốt đẩy lùi cái xấu.
Câu 5: Đọc đoạn văn và trả lời các câu hỏi sau:
SỰ TÍCH CON SAM
Ngày xửa ngày xưa, có hai vợ chồng người thuyền chài nghèo khó rất mực thương yêu nhau. Một hôm chồng ra khơi đánh cá, gặp biển động, sóng to gió lớn, không thấy trở về. Người vợ ở nhà mong đợi không được tin gì, nghĩ chồng đã chôn mình vào bụng cá, thương khóc thảm thiết, muốn đâm đầu xuống biển chết theo, để được gặp lại chồng ở thế giới bên kia. Trong lúc đau thương, người vợ bỗng nằm mơ thấy một vị thần hiện ra bảo:
- Ta là Ngư thần, thấy chị chung tình với chồng như thế nên thương tình đến mách bảo là chồng chị hiện đương còn sống. Ta cho chị viên ngọc này để vượt biển mà gặp chồng. Nhưng hãy nhớ kỹ là khi ngậm viên ngọc vào miệng để bay thì phải nhắm mắt lại và đừng để rơi viên ngọc không thì sẽ nguy đến tính mạng.
Chị vợ tỉnh dậy, thấy viên ngọc sáng trong tay, còn vị thần đã biến mất. Đợi đến sáng, chị vợ thử bỏ viên ngọc vào miệng, rồi nhắm mắt lại thì bỗng nhiên gió thổi ù ù, rồi cả người nhấc bổng lên không mà bay đi. Đến khi gió lặng, chị vợ mở mắt ra thì thấy mình trên một bãi cát ở hòn đảo giữa biển và trước mặt là chồng mình. Người chồng đã bị bão làm đắm thuyền trôi dạt đến đây. Hai vợ chồng bất ngờ gặp lại nhau, hết sức mừng rỡ, kể lại mọi việc từ khi xa cách, rồi bàn định cùng nhau trở về.
Người chồng ôm ngang bụng vợ, chị vợ bỏ ngọc vào miệng rồi bay qua biển. Giữa đường, anh chồng vui sướng được trở về, hỏi chuyện vợ. Chị vợ mở miệng trả lời, viên ngọc rơi xuống biển, cả hai vợ chồng ôm nhau chìm theo, chết hóa thành đôi sam.
Giống sam không bao giờ rời nhau và mỗi khi nước rút, người ta thường thấy sam đực ôm lấy sam cái như hai vợ chồng người thuyền chài đã ôm nhau bay qua biển ngày xưa.
(Nguyễn Đổng Chi, Sự tích con sam, trích Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam)
1. “Sự tích con sam” thuộc thể loại truyện dân gian nào?
A. Truyện cổ tích
B. Truyện truyền thuyết
C. Truyện ngụ ngôn
D.Truyện thần thoại
2. Câu chuyện trong tác phẩm được kể theo ngôi thứ mấy?
A. Ngôi thứ nhất.
B. Ngôi thứ hai.
C. Ngôi thứ ba.
D. Ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba.
3. Cụm từ nào sau đây là thành ngữ diễn đạt đúng tình cảm của đôi vợ chồng trong câu chuyện?
A. Dính như sam
B. Đoàn kết như sam
C. Cứng như sam
D. Sự tích con sam
4. Chỉ ra trạng ngữ trong câu sau: “Ngày xửa ngày xưa, có hai vợ chồng người thuyền chài nghèo khó rất mực thương yêu nhau.”
A. hai vợ chồng.
B. Ngày xửa, ngày xưa.
C. thương yêu nhau.
D. thuyền chài
5. Vì sao vị thần cho người vợ viên ngọc?
A. Vì thần không thích giàu sang,phú quý
B. Vì thần cảm động trước tình cảm của người vợ
C. Vì thần có rất nhiều ngọc ngà ,châu báu
D. Vì thần không muốn thấy cảnh khóc lóc
6. Chủ đề nào sau đây đúng với truyện “Sự tích con Sam"?
A. Ca ngợi tình cảm gia đình đoàn kết, hòa thuận, yêu thương
B. Ca ngợi tình nghĩa vợ chồng trong lúc khó khăn, hoạn nạn
C. Ca ngợi tình nghĩa vợ chồng thủy chung, son sắt trong hoạn nạn
D. Sự gắn bó thủy chung trong tình nghĩa vợ chồng lúc ốm đau
7. Ý nào nêu đúng tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong câu: “Giống sam không bao giờ rời nhau và mỗi khi nước rút, người ta thường thấy sam đực ôm lấy sam cái như hai vợ chồng người thuyền chài đã ôm nhau bay qua biển ngày xưa.”?
A. Nhấn mạnh nỗi hoảng hốt, sợ hãi của sam đực.
B. Nhấn mạnh nỗi hoảng hốt, sợ hãi của sam cái.
C. Nhấn mạnh sự thủy chung của người thuyền chài.
D. Nhấn mạnh sự thủy chung,đoàn kết của vợ chồng sam.
8: Từ láy “thảm thiết “ trong câu : “Người vợ ở nhà mong đợi không được tin gì, nghĩ chồng đã chôn mình vào bụng cá, thương khóc thảm thiết, muốn đâm đầu xuống biển chết theo, để được gặp lại chồng ở thế giới bên kia” có tác dụng gì?
A. Nhấn mạnh sự yếu đuối,thiếu nghị lực của người vợ.
B. Nhấn mạnh nỗi đau khổ,tình yêu thương chồng của người vợ.
C. Nhấn mạnh sự mê tín dị đoan của người vợ.
D. Phê phán suy nghĩ tiêu cực của người vợ.
9. Hãy nêu tác dụng của yếu tố kì ảo trong đoạn trích sau: “Chị vợ tỉnh dậy, thấy viên ngọc sáng trong tay, còn vị thần đã biến mất. Đợi đến sáng, chị vợ thử bỏ viên ngọc vào miệng, rồi nhắm mắt lại thì bỗng nhiên gió thổi ù ù, rồi cả người nhấc bổng lên không mà bay đi. Đến khi gió lặng, chị vợ mở mắt ra thì thấy mình trên một bãi cát ở hòn đảo giữa biển và trước mặt là chồng mình. Người chồng đã bị bão làm đắm thuyền trôi dạt đến đây. Hai vợ chồng bất ngờ gặp lại nhau, hết sức mừng rỡ, kể lại mọi việc từ khi xa cách, rồi bàn định cùng nhau trở về".
10. Viết một đoạn văn (5-7 câu) nêu cách ứng xử của em nếu chứng kiến hành động “Người vợ ở nhà mong đợi không được tin gì, nghĩ chồng đã chôn mình vào bụng cá, thương khóc thảm thiết, muốn đâm đầu xuống biển chết theo, để được gặp lại chồng ở thế giới bên kia”.
Đáp án:
1. A
2. C
3. A
4. B
5. B
6. C
7. D
8. B
9. Tác dụng của yếu tố kì ảo trong câu chuyện trên: giúp câu chuyện hay hơn,hấp dẫn hơn, thể hiện được ý nghĩa của văn bản ( hoặc ca ngợi tình nghĩa vợ chồng thắm thiết)…
10. Nếu em chứng kiến hành động của người vợ ở nhà trong tình trạng mong đợi không được tin gì và nghĩ rằng chồng đã chôn mình vào bụng cá, em sẽ cố gắng tìm hiểu và lắng nghe những gì đang xảy ra. Em sẽ cùng người vợ đối mặt với tình huống này và tìm cách giải quyết một cách thấu đáo và nhân ái. Em sẽ cố gắng trấn an, động viên và tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và chuyên gia tâm lý để giúp người vợ vượt qua khó khăn và tìm lại hy vọng trong cuộc sống. Qua câu chuyện này, chúng ta thấy ân nghĩa giữa vợ với chồng nên sâu sắc, ý nghĩa, thủy chung, cùng đồng lòng, nương tựa lẫn nhau trong cuộc sống. Tuy nhiên câu chuyện cũng cho ta thấy việc không ghi nhớ lời dặn dò, lời hứa sẽ phải chịu hậu quả khó lường.
Xem thêm các bài viết về định nghĩa và khái niệm môn Văn chọn lọc, hay khác:
Tủ sách VIETJACK luyện thi vào 10 cho 2k10 (2025):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Đề thi lớp 1 (các môn học)
- Đề thi lớp 2 (các môn học)
- Đề thi lớp 3 (các môn học)
- Đề thi lớp 4 (các môn học)
- Đề thi lớp 5 (các môn học)
- Đề thi lớp 6 (các môn học)
- Đề thi lớp 7 (các môn học)
- Đề thi lớp 8 (các môn học)
- Đề thi lớp 9 (các môn học)
- Đề thi lớp 10 (các môn học)
- Đề thi lớp 11 (các môn học)
- Đề thi lớp 12 (các môn học)
- Giáo án lớp 1 (các môn học)
- Giáo án lớp 2 (các môn học)
- Giáo án lớp 3 (các môn học)
- Giáo án lớp 4 (các môn học)
- Giáo án lớp 5 (các môn học)
- Giáo án lớp 6 (các môn học)
- Giáo án lớp 7 (các môn học)
- Giáo án lớp 8 (các môn học)
- Giáo án lớp 9 (các môn học)
- Giáo án lớp 10 (các môn học)
- Giáo án lớp 11 (các môn học)
- Giáo án lớp 12 (các môn học)