Truyện thần thoại là gì (chi tiết nhất)

Bài viết Truyện thần thoại là gì chi tiết nhất, đầy đủ khái niệm, đặc điểm, cách đọc hiểu & bài tập có đáp án chi tiết giúp bạn nắm vững kiến thức trọng tâm về Truyện thần thoại.

Truyện thần thoại là gì (chi tiết nhất)

Quảng cáo
Cài đặt app vietjack

1. Khái niệm truyện thần thoại

Thần thoại là những truyện hoang đường, tưởng tượng về các vị thần, các nhân vật anh hùng, nhân vật sáng tạo văn hoá,... phản ánh nhận thức, cách lí giải của con người thời cổ đại về các hiện tượng trong thế giới tự nhiên và xã hội.

2. Đặc điểm truyện thần thoại

Không gian trong thần thoại: Là không gian vũ trụ đang trong quá trình tạo lập, không xác định nơi chốn cụ thể.

Thời gian trong thần thoại: Là thời gian cổ sơ, không xác định và mang tính vĩnh hằng.

Cốt truyện thần thoại: Xoay quanh quá trình thực hiện việc sáng tạo thế giới, con người và muôn loài của các vị thần.

Nhân vật trong thần thoại: Thường là thần, có sức mạnh phi thường để thực hiện công việc sáng tạo thế giới và sáng tạo văn hóa.

- Tính chỉnh thể của tác phẩm: Là sự thống nhất, toàn vẹn của tác phẩm. Ở đó, mọi bộ phận, yếu tố, chi tiết,… đều có ý nghĩa và được gắn kết với nhau một cách chặt chẽ, nhất quán nhằm thể hiện tập trung, nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

3. Ví dụ một số truyện thần thoại

Thần thoại nhìn chung sẽ bao gồm những loại như sau:

Quảng cáo

- Thần thoại về nguồn gốc vũ trụ và các hiện tượng tự nhiên: Như Thần trụ trời, Ông Trời, Nữ thần Mặt trăng, Mặt trời, Thần Mưa, ...

- Thần thoại về nguồn gốc các loài, bao gồm cả động vật và thực vật: Như cuộc tu bổ các giống vật, Thần Lúa, ...

- Thần thoại về nguồn gốc con người và nguồn gốc các dân tộc ở Việt Nam: Như Ông Trời, Mười hai bà mụ, Nữ Oa - Tứ Tượng, Lạc Long Quân - Âu Cơ, ...

- Thần thoại về các anh hùng thời khuyết sử, các anh hùng văn hóa, tổ sư các nghề:  Nữ thần nghề mộc, ...

4. Cách đọc hiểu một văn bản truyện thần thoại

- Khi đọc hiểu văn bản truyện thần thoại, các em cần chú ý:

+ Hiểu được khái niệm và đặc điểm của truyện thần thoại.

+ Chú ý những yếu tố về không gian, thời gian, cốt truyện, nhân vật trong truyện thần thoại.

+ Cần có trí tưởng tượng và hình dung về mọi vật.

+ Đọc thần thoại cùng là một cách tìm hiểu nguồn gốc, lịch sử thông qua cái nhìn của tác giả dân gian.

Quảng cáo

5. Một số bài tập liên quan đến thể loại truyện thần thoại.

5.1. Trắc nghiệm

Câu 1: Thần thoại gồm có mấy nhóm?

A. 1

B. 2

C. 3

D. 4

Đáp án: B

Câu 2: Thần thoại bao gồm những nhóm nào?

A. Thần thoại suy nguyên, thần thoại anh hùng

B. Thần thoại suy nguyên, thần thoại sáng tạo

C. Thần thoại sáng tạo, thần thoại anh hùng

D. Không có đáp án đúng

Đáp án: B

Câu 3: Nhân vật chính của thần thoại suy nguyên là gì?

A. Các hiện tượng thiên nhiên như trời đất, trăng, mây gió, sông núi, mưa, biển, muôn loài,...

Quảng cáo

B. Anh hùng văn hóa

C. Anh hùng thần thoại

D. Đáp án B và C

Đáp án: A

Câu 4. Nhân vật chính của thần thoại sáng tạo là gì?

A. Các hiện tượng thiên nhiên như trời đất, trăng, mây gió, sông núi, mưa, biển, muôn loài,...

B. Anh hùng văn hóa

C. Anh hùng thần thoại

D. Đáp án B và C

Đáp án: D

Câu 5: Thần thoại là gì?

A. Là những truyện hoang đường, tưởng tượng về các vị thần, các nhân vật anh hùng, nhân vật sáng tạo văn hóa, ... phản ánh nhận thức, cách lý giải của con người thời cổ đại về các hiện tượng trong thế giới tự nhiên và xã hội

B. Là một thể loại văn xuôi có hư cấu, thông qua nhân vật, hoàn cảnh, sự việc để phản ánh bức tranh xã hội rộng lớn và những vấn đề của cuộc sống con người, biểu hiện tính chất tường thuật, tính chất kể chuyện bằng ngôn ngữ văn xuôi theo những chủ đề xác định.

C. Là một môn nghệ thuật sân khấu, một trong ba phương thức phản ánh hiện thực của văn học.

D. Là văn kể chuyện, trình bày một chuỗi các sự việc nối tiếp và có liên hệ mật thiết với nhau

Đáp án: A

Câu 6: Nhân vật chính trong thể loại thần thoại là

A. Con người.

B. Các vị thần.

C. Các nhân vật anh hùng

D. Các vị thần, các nhân vật anh hùng, nhân vật sáng tạo văn hoá

Đáp án: D

Câu 7.  Không gian trong thần thoại là không gian?

A. Là không gian vũ trụ nguyên sơ, có khi được chia thành 3 cõi: cõi trời, cõi đất, cõi nước

B. Là không gian với bao vì sao

C. Là không gian tươi đẹp

D. Là không gian u buồn

Đáp án: A

Câu 8: Cốt truyện thần thoại thường là gì?

A. Là một chuỗi sự kiện xoay quanh quá trình sáng tạo nên thế giới, con người và văn hóa của các nhân vật siêu nhiên

B. Là chuỗi sự kiện xoay quanh cuộc sống con người

C. Là chuỗi sự sáng tạo

D. Là chuỗi sự kiện ở con người

Đáp án: A

Câu 9: Nhân vật trong thần thoại thường là thần có những ưu điểm như thế nào?

A. Không có sức mạnh gì đặc biệt

B. Có sức mạnh nhưng không dùng đến

C. Có sức mạnh phi thường để thực hiện các công việc sáng tạo thế giới hoặc sáng tạo văn hóa

D. Không có sức mạnh nhưng cũng góp phần làm nên thế giới

Đáp án: C

Câu 10: Điều gì làm nên Sức hấp dẫn của truyện thần thoại?

A. Nhân vật truyện

B. Các chi tiết kì ảo

C. Giá trị nội dung, tư tưởng.

D. Đặc sắc nghệ thuật và giá trị nội dung, tư tưởng. 

Đáp án: D

5.2. Tự luận

Câu 1: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

NỮ OA TẠO RA LOÀI NGƯỜI

Khi ấy, trời đất mới sinh, đã có cây cỏ, muôn thú mà chưa có loài người. Thế giới giống như một bức tranh buồn tẻ. Đi giữa thế giới hoang sơ, buồn tẻ ấy là vị đại thiên thần, chính là Nữ Oa. Lúc ấy, bà cảm thấy buồn chán, cô độc bèn nghĩ rằng cần phải tạo ra một cái gì đó cho thế giới này thêm vui tươi, giàu sức sống. Bà nghĩ ngợi hồi lâu, rồi đến bên đầm nước, lấy bùn đất màu vàng bên bờ đầm, trộn nhuyễn với nước, mô phỏng theo hình dáng của mình in bóng trên mặt nước mà nặn thành đồ vật xinh xắn, đáng yêu.

Lạ thay, vừa đặt xuống mặt đất, đồ vật xinh xắn ấy bỗng dưng có sức sống, cất tiếng nói trong trẻo, nhảy múa, vui đùa. Đồ vật xinh xắn ấy gọi là “Người”. “Người” được bàn tay nữ thần tạo ra, không giống các loài muông thú bởi được mô phỏng từ hình dáng của vị nữ thần. Nữ Oa vô cùng thích thú, hài lòng về sản phẩm do mình vừa tạo ra, bèn tiếp tục dùng đất bùn màu vàng hòa nhuyễn với nước nhào nặn ra rất nhiều người, trai có, gái có. Nhìn những con người vui đùa, cười nói xung quanh mình, Nữ Oa cảm thấy vui vẻ hẳn lên, không còn cô độc, buồn bã nữa.

Nhưng mặt đất hoang sơ vô cùng rộng lớn, bà làm việc không ngừng nghỉ trong một thời gian rất lâu mà mặt đất vẫn trống trải. Bà cứ miệt mài làm việc, làm tới lúc mỏi mệt lắm rồi mà mặt đất vẫn trống trải quá. Bà bèn nghĩ ra một cách, lấy một sợi dây, nhúng vào trong nước bùn, vung lên khắp phía. Người thì bảo bà dùng một sợi dây thừng, nhưng hồi đó làm gì có dây thừng, có lẽ bà đã dùng một sợi dây lấy từ một loài cây dây leo. Khi bà vung sợi dây dính đầy thứ bùn từ đất vàng đó lên, các giọt bùn đất màu vàng bắn đi khắp nơi, rơi xuống đất liền biến thành người, cười nói, chạy nhảy. Thế là mặt đất trở nên đông đúc bao nhiêu là người.

    (Trích “Nữ Oa” (Thần thoại Trung Quốc), Dương Tuấn Anh (sưu tầm, tuyển chọn) NXB Giáo dục Việt Nam, 2009).

1. Xác định không gian, thời gian trong truyện “Nữ Oa tạo ra loài người”.                                                                                                                   

2. Trong văn bản, ban đầu Nữ Oa tạo ra con người bằng cách nào?

3. Nêu nội dung chính của truyện “Nữ Oa tạo ra loài người”.

4. Những dấu hiệu nào giúp anh/ chị nhận ra “Nữ Oa tạo ra loài người” là một truyện thần thoại?

5. Anh/chị rút ra được thông điệp tích cực gì sau khi đọc văn bản?

6. “Niềm tin thiêng liêng về một thế giới mà ở đó vạn vật đều có linh hồn” là một trong những vẻ đẹp của thần thoại. Theo anh/chị, niềm tin ấy còn có sức hấp dẫn với con người hiện đại không? Hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ bản thân về vấn đề này.

Đáp án:

1: Không gian, thời gian trong truyện: Khi ấy, trời đất mới sinh, đã có cây cỏ, muôn thú mà chưa có loài người.

2: Trong văn bản, ban đầu Nữ Oa tạo ra con người bằng cách: lấy bùn đất màu vàng bên bờ đầm, trộn nhuyễn với nước, mô phỏng theo hình dáng của mình in bóng trên mặt nước mà nặn thành đồ vật xinh xắn, đáng yêu.

3. Nội dung chính của truyện “Nữ Oa tạo ra loài người”:

- Nữ Oa tạo ra loài người, lí giải nguồn gốc của loài người.

- Khát vọng giải thích tự nhiên, biết ơn người có công với cộng đồng.

4. Những dấu hiệu nào giúp anh/ chị nhận ra “Nữ Oa tạo ra loài người” là một truyện thần thoại:

- Không gian: vũ trụ đang trong quá trình tạo lập, không xác định nơi chốn cụ thể“đã có cây cỏ, muôn thú mà chưa có loài người”,

- Thời gian: cổ sơ, không xác định, mang tính vĩnh hằng “khi ấy, trời đất mới sinh”

- Cốt truyện: xoay quanh quá trình nhân vật Nữ Oa đã tạo ra loài người

- Nhân vật: là thần Nữ Oa, có sức mạnh phi thường để thực hiện công việc sáng tạo nên loài người.

5. Thông điệp tích cực thông qua văn bản:

Các vị thần linh đã có công tạo ra vũ trụ, con người, giúp con người vượt qua mọi thiên tai bằng tất cả tình yêu thương và tâm trí của mình. Vì vậy, mọi người hãy biết ơn, bảo vệ, giữ gìn để nó xứng đáng với công lao của các vị thần linh.

6. “Niềm tin thiêng liêng về một thế giới mà ở đó vạn vật đều có linh hồn” là một trong những vẻ đẹp của thần thoại. Và niềm tin ấy vẫn còn sức hấp dẫn đối với con người hiện đại, thể hiện qua các tín ngưỡng của nhân dân ta vẫn còn lưu giữ đến ngày nay như thờ sơn thần, thủy thần, thờ cá ông,... Họ luôn tin rằng tất cả sự vật trên đời đều đều có linh hồn, cảm xúc và suy nghĩ, hành động như con người. Cách nhìn nhận này giúp con người tiếp nhận về thế giới xung quanh một cách sinh động, đời sống tinh thần trở nên phong phú, giải thích cho các hiện tượng kì ảo, thiên nhiên và vũ trụ,... Có thể nói, người Việt ta vẫn có một niềm tin vô hình vào những vị thần chế ngự thiên nhiên, đặc biệt đối với những gia đình làm nông nghiệp.

Câu 2: Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

NỮ OA VÁ TRỜI

         Người Trung Hoa kể rằng Nữ Oa là vị thần sinh ra loài người. Con cháu bà sống trong cõi thế gian bình yên vô sự thì bỗng một hôm Thủy Thần [1], Cung Công và Hỏa Thần [2], Chúc Dung gây sự đánh nhau rất dữ dội. Cung Công thua to, tự nghĩ chẳng còn mặt mũi nào sống trong trời đất nữa bèn đập đầu vào núi Bất Chu, vốn là cây cột chống trời ở phía Tây Bắc, để tự tử. Vì sức đập không đủ mạnh nên Cung Công không chết, chỉ có cây cột chống Trời là gẫy gập xuống, một góc trời bị sụt lở gây ra tai họa khủng khiếp cho loài người.

       Vòm trời rách toang, đất đai ầm ầm rung chuyển, núi rừng bốc cháy, nước ngập mênh mông, loài người hốt hoảng kéo nhau chạy trốn. Nhưng trời sập còn biết trốn vào đâu!

Bà Nữ Oa đau lòng thấy con cháu ngoi ngóp trong cảnh đất trời nghiêng ngửa tối tăm. Bà nghĩ chỉ còn một cách vá lại vòm trời cho nguyên lành như cũ mới mong cứu được loài người. Nhưng công việc vá trời đâu phải chuyện dễ, xưa nay đã có ai nghĩ đến, đừng nói dám làm! Chỉ vì thương con mà ngày đêm bà không quản khó khăn, vất vả, một mình hì hục khuôn đất, đội đá ở khắp nơi về để vá trời cho bằng được, kịp cứu đàn con.

        Bà chọn đá ngũ sắc, chất lên thành núi, đốt lửa luyện đá thành keo rồi lần lượt vá hết các vết thủng trên vòm trời. Bà lấy bốn chân lực lưỡng [3] của con rùa khổng lồ đem dựng ở bốn phương trái đất làm cột chống trời hết sức vững chãi. Vòm trời được nâng cao, ánh sáng trở lại chan hòa.

Bà còn lấy lau lách [4] ở các bờ sông đốt thành tro, chất đống lại để ngăn dòng nước lũ lan tràn trừ được tai họa do Thủy Thần gây ra. Bà giết con rồng đen hung dữ, xua đổi các loài ác thú vẫn thường quấy phá khắp nơi. Bà lấy ống sậy [5] ghép lại với nhau thành một loại nhạc cụ hình giống đuôi con chim phượng rồi giao cho con cháu thổi lên nghe réo rắt vui tai.

        Từ đấy, cảnh tượng bình yên đã trở về trên mặt đất. Con người sống dưới vòm trời trong xanh, điểm mây ngũ sắc, không còn lo trời sập, không sợ nước lũ và các loài ác thú, chăm lo làm ăn, bốn mùa no đủ, vui tươi. Họ tưởng nhớ công ơn bà Nữ Oa luyện đá vá trời cho đàn con được hưởng yên vui, no ấm, nên lập miếu để thờ bà.

(Nữ Oa vá trời – Truyện thần thoại Trung Quốc

Soạn lại theo bản dịch của Thái Hoàng và Bùi Văn Nguyên)

Chú giải:

[1] Thủy Thần: Thần nước

[2] Hỏa Thần: Thần lửa

[3] Lực lưỡng: to lớn, khỏe mạnh.

[4] Lau lách: loài cỏ cao, lá như lá mía, có bông trắng.

[5] Sậy: loài cây dại thuộc họ lúa, cao độ hai, ba mét, thân cứng và thẳng như cái ống.

1. Xác định phương thức biểu đạt chính và ngôi kể của văn bản trên.

2. Những dấu hiệu nào giúp anh/chị nhận biết văn bản Nữ Oa vá trời là một truyện thần thoại?

3. Đọc truyện Nữ Oa vá trời giúp anh/chị nhớ đến truyện thần thoại nào đã học? So sánh điểm giống và khác giữa hai truyện thần thoại trên.

4: “Niềm tin thiêng liêng về một thế giới mà ở đó vạn vật đều có linh hồn” là một trong những vẻ đẹp của thần thoại. Theo anh/chị, niềm tin ấy còn có sức hấp dẫn với con người hiện đại không? Vì sao?

5. Theo anh/chị, thông điệp mà người xưa muốn gửi gắm qua văn bản là gì?

Đáp án:

1.

- Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

- Ngôi kể: Ngôi thứ ba

2.

+ Nhân vật chính: Nữ Oa (sinh ra loài người, vá trời): là một vị thần, có sức mạnh phi thường, có nhiệm vụ tạo lập thế giới.

+ Không gian: Vòm trời rách toang, đất đai ầm ầm rung chuyển, núi rừng bốc cháy, nước ngập mênh mông, cây cột chống Trời là gẫy gập xuống => Không gian vũ trụ đang trong quá trình tạo lập, không xác định nơi chốn cụ thể.

+ Thời gian: “Bỗng một hôm” => Thời gian cổ sơ, không xác định và mang tính vĩnh hằng.

+ Cốt truyện: Đơn giản, chuỗi sự kiện xoay quanh quá trình vá lại bầu trời của thần Nữ Oa.

3.

- Nhớ đến Thần Trụ Trời.

- Giống:

+ Đều là thần thoại

+ Không gian vũ trụ đang trong quá trình tạo lập, không xác định nơi chốn cụ thể

+ Thời gian cổ sơ, không xác định

+ Cốt truyện: Chuỗi sự kiện xoay quanh quá trình tạo lập nên thế giới.

+ Nhân vật: Vị thần có sức mạnh phi thường, có nhiệm vụ tạo lập thế giới

+ Đều dựa trên trí tưởng tượng của con người

+ Thể hiện nhận thức của người xưa về cách thế giới được hình thành.

- Khác nhau

Nữ Oa vá trời

Thần Trụ Trời

+ Thần thoại Trung Quốc

+ Nhân vật Nữ Oa

+ Xoay quanh quá trình vá lại bầu trời của Nữ Oa

+  Có sự xuất hiện của con người

+ Thần thoại Việt Nam

+ Nhân vật Thần Trụ Trời

+ Xoay quanh quá trình tạo nên trời và đất của Thần Trụ Trời

+ Chưa có sự xuất hiện của con người

4. “Niềm tin thiêng liêng về một thế giới mà ở đó vạn vật đều có linh hồn” là một trong những vẻ đẹp của thần thoại. Niềm tin ấy vẫn còn sức hấp dẫn với con người người hiện đại. Vì, dù không dựa những kiến thức khoa học, không có căn cứ nhưng nó vẫn mang lại những giá trị tinh thần to lớn. Nó giúp con người hiện đại hiểu được những suy nghĩ của người xưa, biết sống hướng thiện.

5. Thông điệp:

+ Văn bản lí giải cái nhìn của người xưa về hiện tượng thế giới được hình thành.

+ Thể hiện sự tôn kính của con người đối với văn hóa tâm linh, niềm tin vào tín ngưỡng.

Câu 3: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Thần Mưa là vị thần hình rồng, thường xuống hạ giới hút nước biển, nước sông vào bụng rồi bay lên trời cao phun nước ra làm mưa cho thế gian có nước uống và cày cấy, cây cỏ trên mặt đất được tốt tươi. Thần Mưa thường theo lệnh Trời đi phân phát nước ở các nơi. Thần Mưa có tật hay quên, có vùng cả năm không đến, sinh ra hạn hán ở hạ giới, có vùng lại đến luôn, làm thành lụt lội.

Bức xúc vì hạn hán kéo dài, ngày kia có một con Cóc kéo binh đoàn Gấu, Cọp, Cua, Gà và Ong lên thiên đình kiện Trời, đánh binh đoàn nhà trời tơi tả, đến Thần Sét cũng bại trận tan tành. Trời phải đích thân ra nghênh tiếp, và phát hiện ra Thần Mưa đã ngủ quên cả năm trời. Trời cuống quýt sai Thần Mưa xuống hạ giới làm mưa gấp. Rồi dặn Cóc rằng hễ trời hạn hán thì hãy nghiến răng, Trời sẽ biết mà làm mưa. Từ đó có câu:

"Con cóc là cậu ông trời

Ai mà đánh nó thì trời đánh cho"

Sau vụ đó, Trời nhận ra công việc phân phối nước cho khắp mặt đất rất nặng nề, một mình thần Mưa có khi không làm hết, nên Trời mở một cuộc thi chọn các giống thủy tộc có tài trở thành rồng hút nước phun mưa giúp sức thần Mưa. Cuộc thi rồng đó Trời đã chọn lấy địa điểm ở cửa Vũ (Vũ Môn) thuộc Hà Tĩnh ngày nay.

Cuộc thi gồm ba kỳ, mỗi kỳ phải vượt qua một đợt sóng, con vật nào đủ sức, đủ tài, vượt qua cả ba đợt thì mới đậu để được hóa Rồng. Trong một tháng trời, bao nhiêu loài thủy tộc đến thi đều bị loại, vì không con nào vượt trót được cả ba đợt sóng. Có con cá rô nhảy qua được một đợt, đợt sau thì bị rớt. Có con tôm nhảy qua được hai đợt, ruột gan vây vẩy râu đuôi đã gần hóa rồng. Khi đến đợt ba, đuối sức bị té nên lưng cong lại.

Đến lượt có một con cá chép vào cuộc thi, con cá này bản chất của nó đã là quý hiếm đặc biệt, vì trong miệng nó có ngậm một viên ngọc trai. Thần Gió thấy lạ bay đến để xem, gió, mây ào ạt kéo đến, sấm sét ầm trời, và những đợt sóng cao trỗi dậy, đưa cá chép ào ào vượt qua cả ba đợt sóng tới Vũ Môn nhả ngọc hóa rồng. Do đó mà trong dân gian đã có câu ca dao về việc cá chép hóa rồng.

"Mồng ba cá đi ăn thề

Mồng bốn cá về cá vượt Vũ Môn"

1: Câu truyện trên thuộc thể loại thần thoại nào dưới đây?

A. Thần thoại suy nguyên.

B. Thần thoại kể về loài người

C. Thần thoại sáng tạo

D. Thần thoại kể về loại vật.

2: Theo em, đâu là nhân vật chính của câu chuyện?

A. Ngọc hoàng

B. Thần mưa

C. Cá chép

D. Cóc

3: Chi tiết thần mưa hay quên nhằm mục đích gì?

A. Thể hiện tư duy vạn vật hữu linh (vạn vật đều có linh hồn như con người).

B. Thể hiện sự nhận thức vạn vật của người cổ đại và sự sáng tạo của họ

C. Lý giải các hiện tượng tự nhiên như hạn hán hay lũ lụt.

D. Thể hiện đánh giá của con người về thế giới thần linh: Thần linh cũng có sai lầm.

4: Nhận định nào sau đây không đúng với văn bản trên?

A. Truyện kết thúc đặc biệt: kết thúc bằng một câu thơ

B. Truyện mang yếu tố kì ảo với nhân vật chính có năng lực siêu nhiên.

C. Truyện đã cắt nghĩa, lý giải về các hiện tượng tự nhiên dưới tư duy của người cổ đại.

D. Truyện sử dụng các biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa để làm nổi bật nội dung chính của truyện.

5. Chỉ ra 02 chi tiết hoang đường, kì ảo trong đoạn trích và ý nghĩa của chúng?

6. Qua đoạn trích, hãy nhận xét về tình cảm, thái độ của người xưa với thế giới tự nhiên.

7. Nêu cảm nhận về một chi tiết mà em thấy ấn tượng nhất? (trả lời trong khoảng 5 – 7 dòng).

Đáp án:

1: A

2: B

3: C

4: D

5: Hai chi tiết hoang đường, kì ảo trong đoạn trích là:

+ Bức xúc vì hạn hán kéo dài, ngày kia có một con Cóc kéo binh đoàn Gấu, Cọp, Cua, Gà và Ong lên thiên đình kiện Trời, đánh binh đoàn nhà trời tơi tả, đến Thần Sét cũng bại trận tan tành.

+ Cá chép đỗ, vây đuôi, râu, sừng tự nhiên mọc đủ, dạng bộ oai nghi, cá chép hóa Rồng phun nước làm ra mưa.

- Ý nghĩa: Góp phần làm cho câu chuyện thêm sinh động và thú vị hơn.

6: Qua đoạn trích, có thể thấy người xưa rất tin vào tâm linh và những chi tiết hoang đường kì ảo.

7: Trong câu chuyện trên, chi tiết em thấy ấn tượng nhất là “Bức xúc vì hạn hán kéo dài, ngày kia có một con Cóc kéo binh đoàn Gấu, Cọp, Cua, Gà và Ong lên thiên đình kiện Trời, đánh binh đoàn nhà trời tơi tả, đến Thần Sét cũng bại trận tan tành”. Đây là một chi tiết rất đáng yêu. Chỉ bằng những con vật nhỏ bé, từ những con vật biết bay đến con vật không biết bay mà có thể lên được trên thiên đình và đánh nhau với các vị thần.

Câu 4: Đọc văn bản sau:

NỮ THẦN MẶT TRỜI VÀ MẶT TRĂNG

Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng là hai chị em, con của Trời. Công việc của Trời giao phó hàng ngày phải thay phiên nhau đi xem xét thế gian. Bọn khiêng kiệu gồm có hai lớp già và trẻ thay phiên nhau. Gặp phải bọn khiêng kiệu già đi chậm, cô Mặt Trời phải ngồi lâu, ngày ở dưới trần hóa dài ra. Đến lượt bọn trẻ khiêng kiệu đi mau, cô Mặt Trời được chóng công việc về sớm thì ngày ngắn lại.

Cô em Mặt Trăng tính tình nóng nảy không kém gì cô chị làm cho thiên hạ ở mặt đất suốt cả ngày đã phải chịu nóng bức vì cô chị, đến đêm lại cũng phải khó chịu vì cô em. Loài người than thở đến tai nhà Trời, bà mẹ mới lấy tro trát vào mặt cô Mặt Trăng. Từ đó, cô em đổi tính ra hết sức dịu dàng, khác hẳn với cô chị, nên được người dưới trần ai cũng thích. Mỗi khi cô ngoảnh mặt nhìn xuống trần là lúc đó trăng rằm, ngoảnh lưng lại là ba mươi, ngoảnh sang phải, sang trái là trăng thượng huyền hay hạ huyền. Hôm nào trăng quầng là lúc vết tro trát mặt hiện ra.

Người ta nghe nói rằng chồng của hai nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng là một con gấu. Mỗi lần gấu đến với vợ là sinh ra nguyệt thực hay nhật thực, lúc đó người dưới trần làm ầm ĩ lên đánh trống, khua chiêng, gõ mõ, để cho gấu xa ra, vì gấu đi lại với vợ, che lấp Mặt Trời, Mặt Trăng làm hại cho mùa màng.

(Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng – Truyện thần thoại Việt Nam

– TheGioiCoTich.Vn)

Thực hiện những yêu cầu sau đây:

1. Trong văn bản, nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng được Trời giao công việc gì? 

A. Chiếu sáng cho nhân gian.

B. Hàng ngày thay phiên nhau đi xem xét thế gian.

C. Cai quản công việc trên trời.

D. Khiêng kiệu

2. Câu nào dưới đây đúng khi nói về nội dung bao quát của truyện Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng?

A. Lý giải về hiện tượng ngày và đêm

B. Lý giải về hiện tượng nắng và mưa

C. Lí giải các hiện tượng tự nhiên gắn với mặt trời có ánh sáng gay gắt vào ban ngày và mặt trăng có ánh sáng dịu dàng vào ban đêm

D. Lý giải về sự hình thành của trời và đất

3. Sự kiện “Loài người than thở đến tai nhà Trời, bà mẹ mới lấy tro trát vào mặt cô Mặt Trăng” được tác giả dân gian tạo ra nhằm lý giải điều gì?

A. Hiện tượng mặt trăng hiện lên khi đêm xuống

B. Hiện tượng mặt trăng có ánh sáng dịu nhẹ

C. Hiện tượng ngày ngắn đêm dài

D. Hiện tượng ngày dài đêm ngắn

4. Theo bạn :“cô Mặt Trời phải ngồi lâu, ngày ở dưới trần hóa dài ra... cô Mặt Trời được chóng công việc về sớm thì ngày ngắn lại.” giúp bạn liên tưởng đến câu tục ngữ nào dưới đây :

A. Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa

B. Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, ngày tháng mười chưa cười đã tối

C. Cơn đằng đông vừa trông vừa chạy, cơn đằng nam vừa làm vừa chơi

D. Mây xanh thì nắng, mây trắng thì mưa

5. Biện pháp tu từ nào được dùng chủ yếu trong văn bản trên ?

A. Nhân hóa

B. Liệt kê

C. So sánh

D. Phóng đại

6. Trong văn bản trên, ai là người kể chuyện ?

A. Ông Trời

B. Mặt Trời

C. Mặt Trăng

D. Người trực tiếp diễn xướng để kể lại cho công chúng

7. Khi nguyệt thực, nhật thực xảy ra con người làm ầm ĩ lên đánh trống, khua chiêng, gõ mõ, để Mặt Trời Mặt Trăng khỏi bị che lấp làm hại mùa màng, liên quan hoạt động nào trong đời sống cộng đồng thời cổ đại ?

A. Lễ hội

B. Liên hoan

C. Cầu nguyện thần linh

D. Thờ cúng

8. Những dấu hiệu nào giúp bạn nhận ra Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng là một truyện thần thoại?

9. Hình tượng nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng phản ánh quan niệm, nhận thức gì của người xưa về thế giới tự nhiên?

10. Viết đoạn văn ngăn (7-9 câu) phân tích ý nghĩa của truyện?

Đáp án:

1. B

2. C

3. B

4. B

5. A

6. D

7. C

8. Những dấu hiệu giúp nhận biết truyện Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng là một truyện thần thoại:

- Cốt truyện là chuỗi sự kiện xoay quanh quá trình sáng tạo thế giới (các hiện tượng liên quan đến mặt trời và mặt trăng).

- Nhân vật chính kể về các vị thần.

- Thời gian không xác định.

- Không gian vũ trụ, không xác định nơi chốn cụ thể.

9. Hình tượng nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng phản ánh quan niệm, nhận thức gì của người xưa về thế giới tự nhiên là:

- Thế giới tự nhiên là một thế lực siêu nhiên chi phối thế giới và cuộc sống của con người.

- Khát vọng chinh phục thế giới tự nhiên của người xưa.

10. Qua truyện "Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng," ta nhận thấy cách người Việt xưa nhìn nhận và giải thích nguồn gốc thế giới rất tự nhiên, chú trọng vào con người và những sự vật quen thuộc để làm rõ ý. Trong câu chuyện về "Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng," Mặt Trời và Mặt Trăng không chỉ là những vật thể sáng tỏ trên bầu trời, mà còn là những nhân vật sống động với tính cách và sức mạnh đặc biệt. Sự phiên nhau giữa hai người con gái của Ngọc Hoàng trong việc đi xem xét mọi việc mang lại một giải thích sáng tạo và mô phỏng thực tế về nguyên nhân của các hiện tượng thời tiết. Câu chuyện không chỉ giải thích nguồn gốc của thế giới mà còn chạm đến sự ảnh hưởng của tính cách và hành vi con người đối với môi trường xung quanh. Nó là một lời nhắc nhở cho chúng ta về sự quan trọng của cân bằng và tương tác giữa con người và tự nhiên. Đồng thời, câu chuyện khám phá những đặc điểm riêng biệt của Mặt Trời và Mặt Trăng, đồng thời làm rõ các hiện tượng thời tiết mà chúng tạo ra, giúp tăng cường sự hiểu biết và sự kính trọng đối với môi trường tự nhiên. Từ câu chuyện thần thoại, thế hệ trẻ không chỉ học được về kho tàng văn hóa lâu dài mà còn nhận ra giá trị của việc giữ gìn và tôn trọng thiên nhiên. Câu chuyện giúp kích thích sự hiếu kỳ và sự tò mò, khuyến khích thế hệ trẻ không ngừng đặt ra những câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời về thế giới xung quanh mình. Đồng thời, nó cũng là một cơ hội để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về cội nguồn của nền văn hóa, truyền thống mà họ đang kế thừa.

Câu 5: Đọc văn bản sau:

[…]Riêng về việc nặn ra giống loài người, Ngọc Hoàng khoán trắng cho 12 nữ thần khéo tay. Mà sau này chúng ta thường gọi đó là mười hai Bà mụ. Sự tích của 12 vị nữ thần ấy hiện nay chúng ta chỉ còn biết đến một cách lờ mờ. Có thuyết lại nói đó là những thần giúp việc cho Ngọc Hoàng từ lúc ông ta chỉ mới tạo ra loài người. Nhưng cũng có thuyết lại cho đó là những thần được Ngọc Hoàng giao phó cho trách nhiệm sau khi ông ấy đã sáng tạo ra đủ số lượng người và vật tại hạ giới.

Người đến khi chết có thể thành người trở lại, nhưng cũng có thể thành vật hay thành thần. Thần và vật cũng thế. Họ cũng có thể có lúc trở thành người sau khi chết nếu được Ngọc Hoàng hoặc bộ hạ của Ngọc Hoàng phụ trách công việc đó đồng ý. Mười hai Bà mụ chỉ là các vị thần có nhiệm vụ nắn lại cơ thể cho một người nào đó khi được lệnh đầu thai làm người.

[…]Lại có người cho 12 nữ thần đó mỗi người giữ một công việc riêng: người nắn về tai, người nắn về mắt, người về tứ chi, người về sinh thực khi, và người dạy nói, cười v.v… Nhưng cũng có nhiều người thì lại cho rằng công việc của 12 nữ thần không phân biệt. Họ làm công việc tập thể mà không phân công. Các nữ thần đó không có trách nhiệm gì về thọ yểu của người mà mình chế tạo ra. Mỗi 1 khuyết điểm đều do cả 12 nữ thần chịu chung.

(Trích “Mười hai bà mụ”, Thần thoại Việt Nam)

Lựa chọn đáp án đúng:

1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên là gì ?

A. Tự sự

B. Miêu tả

C. Nghị luận

D. Biểu cảm

2. Nhiệm vụ của mười hai bà mụ được nhắc tới trong văn bản là gì ?

A. Nắn lại cơ thể cho 1 người nào đó khi được lệnh đầu thai làm người.

B. Xem xét mọi việc ở hạ giới để báo lại cho Ngọc Hoàng.

C. Sáng tạo ra vạn vật

D. Dạy nhân dân cách trồng lúa.

3. Cụm từ: “Các nữ thần đó” là:

A. Cụm động từ

B. Cụm danh từ

C. Cụm tính từ

D. Cụm từ tự do

4. Từ láy xuất hiện trong văn bản là:

A. chịu chung

B. thành thần

C. tập thể

D. lờ mờ

5. Truyện “Mười hai bà mụ” được kể nhằm mục đích gì?

A. Thể hiện tín ngưỡng thờ cúng thần linh của người Việt cổ.

B. Đề cao giá trị, nguồn gốc của con người.

C. Lý giải nguồn gốc ra đời của con người.

D. Lý giải về sự ra đời của các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

6. Nhận định nào sau đây là chưa chính xác về văn bản trên ?

A. Truyện mang những yếu tố kì ảo, hoang đường.

B. Nhân vật trung tâm có khả năng phi thường.

C. Thời gian- không gian trong truyện rõ nét, cụ thể.

D. Cốt truyện khá sơ sài và đơn giản.

7. Những đặc điểm của thể loại thần thoại trong văn bản trên là:

A. Giải thích về các quy luật tự nhiên .

B. Giải thích về sự kiện lịch sử.

C. Giải thích về vũ trụ và thần linh.

D. Giải thích về nguồn gốc của loài người

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:

8. Xác định phép liên kết hình thức và chỉ ra tác dụng của chúng trong đoạn văn sau:

“Người đến khi chết có thể thành người trở lại, nhưng cũng có thể thành vật hay thành thần. Thần và vật cũng thế. Họ cũng có thể có lúc trở thành người sau khi chết nếu được Ngọc Hoàng hoặc bộ hạ của Ngọc Hoàng phụ trách công việc đó đồng ý.”

9. Trình bày ngắn gọn nội dung trích đoạn “Mười hai bà mụ”

10. Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 8-10 câu) trình bày ngắn gọn suy nghĩ của em về quan điểm: “Bạn sinh ra là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao”

Đáp án:

1. A 

2: A 

3: 

4: 

5: C

6: C

7: D

8:

- Phép liên kết: phép thế “họ

- Tác dụng:

+ Liên kết câu

+ Tránh việc lặp lại các từ đã xuất hiện ở các câu văn trước

9: Văn bản kể về việc Ngọc Hoàng khoán trắng cho mười hai bà mụ nhiệm vụ nắn lại cơ thể con người khi được đầu thai chuyển kiếp. Từ đó, lí giải nguồn gốc ra đời của con người.

10: Mỗi con người là một bản thể duy nhất, độc đáo mà tạo hóa đã tạo ra, trong hơn bảy tỉ người trên mặt đất, thật không thể tìm thấy hai người hoàn toàn giống nhau. Thế nhưng, ngày nay, nhiều bạn trẻ cứ đua đòi, bắt chước và sống như những thần tượng của mình. Đó là một lối sống sai lầm, ẩn chứa nhiều rủi ro. Bàn về điều đó, John Mason khuyên rằng: “Sinh ra là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao”. Câu nói trên là một lời khuyên răn đúng đắn. Mỗi con người sinh ra hoàn toàn có những lối đi khác nhau, hãy như chú chim tự do bay trên bầu trời, sống một cuộc sống cho riêng mình, đừng nên như con rối bị điều khiển, phụ thuộc bắt chước theo người khác mà sống một cuộc đời vô nghĩa. Con người sống phải biết làm chủ bản thân, đừng như bản sao mà đánh mất chính mình. Nhận thức được điều đó, mỗi con người nên sống là chính mình, độc đáo và duy nhất. Không nên phung phí thời gian để trở thành “bản sao” vô nghĩa, sống bằng cuộc đời của người khác, đánh mất đi chính mình.

Xem thêm các bài viết về định nghĩa và khái niệm môn Văn chọn lọc, hay khác:

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Đề thi, giáo án các lớp các môn học