Truyện khoa học viễn tưởng là gì (chi tiết nhất)
Bài viết Truyện khoa học viễn tưởng là gì chi tiết nhất, đầy đủ khái niệm, đặc điểm, cách đọc hiểu & bài tập có đáp án chi tiết giúp bạn nắm vững kiến thức trọng tâm về Truyện khoa học viễn tưởng.
Truyện khoa học viễn tưởng là gì (chi tiết nhất)
1. Khái niệm
Truyện khoa học viễn tưởng là loại truyện hư cấu về những điều diễn ra trong một thế giới giả định, dựa trên tri thức khoa học và trí tương tượng của tác giả.
2. Đặc điểm
- Đề tài: đa dạng, phong phú thường gắn với các phát minh khoa học, công nghệ như: chế tạo dược liệu, khám phá đáy đại dương, du hành vũ trụ, gặp người ngoài hành tinh, ...
- Cốt truyện: thường được xây dựng dựa trên các sự việc giả tưởng liên quan đến các thành tựu khoa học.
- Tình huống truyện: tác giả thường đặt tên nhân vật vào những hoàn cảnh đặc biệt, những khó khăn hay mâu thuẫn cần phải giải quyết trong thế giới giả tưởng.
- Sự kiện: thường trộn lẫn những sự kiện của thế giới thực tại với những sự kiện xảy ra trong thế giới giả định (quá khứ, tương lai, ngoài vũ trụ,... ) .
- Nhân vật: trong truyện thường xuất hiện các nhân vật như người ngoài hành tinh, quái vật, người có năng lực phi thương, những nhà khoa học, nhà phát minh có khả năng sáng tạo kì lạ.
- Không gian, thời gian: mang tính giả định, chẳng hạn thời gian lẫn lộn từ quá khứ, hiện tại và tương lai, không gian vũ trụ, lòng đất, đáy biển, ...
3. Ví dụ một số truyện khoa học viễn tưởng
- Hai vạn dặm dưới biển (Giuyn Vec-nơ).
- Thiên Mã (Hà Thuỷ Nguyên).
- Sác-li và nhà máy sô-cô-la (Rô-a Đan)
- Trái tim Đan-kô (Mac-xim Go-rơ-ki)
- ….
4. Cách đọc hiểu một văn bản truyện khoa học viễn tưởng
- Những lưu ý khi đọc một văn bản truyện khoa học viễn tưởng là:
+ Xác định đề tài của truyện: đề tài của truyện thường liên quan đến các vấn đề của khoa học kĩ thuật, tiến bộ công nghệ.
+ Xác định các yếu tố giả tưởng trong không gian, thời gian của câu chuyện.
+ Xác định yếu tố khoa học trong truyện (liên quan đến những phát minh, sáng chế nào?).
+ Xác định cốt truyện và các sự kiện phi thực tế trong câu chuyện.
+ Tìm hiểu cách nhà văn miêu tả các nhân vật giả tưởng trong câu chuyện.
+ Rút ra ý nghĩa của câu chuyện hoặc thông điệp mà nhà văn muốn nhắn gửi tới người đọc.
5. Một số bài tập liên quan đến thể loại truyện khoa học viễn tưởng.
5.1. Trắc nghiệm
Câu 1: Truyện khoa học viễn tưởng là gì?
A. là một thể loại tiểu thuyết hư cấu mang các yếu tố khoa học.
B. là tập hợp các từ ngữ có tính tượng hình tượng trưng, thường dùng để chỉ các khái niệm, cái nhìn tổng quát, được nói thành câu cố định mà khi tách nghĩa các từ ngữ trong câu không giải thích được hàm ý của câu.
C. là những câu nói dân gian ngắn gọn, ổn định, có nhịp điệu, hình ảnh, thể hiện những kinh nhiệm dân gian về mọi mặt (tự nhiên, lao động sản xuất, xã hội), được nhân dân vận dụng vào đời sống, suy nghĩ và lời ăn tiếng nói hàng ngày. Đây là một thể loại văn học dân gian.
D. là truyện kể có tính chất thế sự, dùng cách ẩn dụ để thuyết minh cho một chủ đề luân lý, triết lý một quan niệm nhân sinh hay một nhận xét về thực tế xã hội.
Đáp án: A
Câu 2: Truyện khoa học viễn tưởng có cách viết như thế nào?
A. Có cách viết tự nhiên, không theo một môtip nhất định
B. Sử dụng cách viết logic nhằm triển khai những ý tưởng về viễn cảnh hay công nghệ tương lai
C. Sử dụng cách viết giàu hình ảnh, giàu cảm xúc
D. Cả 3 đáp án trên đều đúng
Đáp án: B
Câu 3: Truyện khoa học viễn tưởng xuất hiện lần đầu tiên ở quốc gia và thời gian?
A. Anh, nửa sau thế kỉ XIX
B. Mỹ, nửa đầu thế kỉ XX
C. Đức, nửa đầu thế kỉ XIX
D. Pháp, nửa sau thế kỉ XIX
Đáp án: D
Câu 4. Đâu không phải là đề tài của truyện khoa học viễn tưởng?
A. Những cuộc thám hiểm vũ trụ
B. Du hành xuyên thời gian
C. Khắc phục ô nhiễm môi trường
D. Những cuộc kết nối với sự sống ngoài Trái đất
Đáp án: C
Câu 5: Thời gian diễn ra các câu chuyện viễn tưởng có đặc điểm như thế nào?
A. Thời gian trong tương lai gần, xét từ mốc ra đời của tác phẩm
B. Thời gian trong tương lai xa, xét từ mốc ra đời của tác phẩm
C. Thời gian ở hiện tại, xét từ mốc ra đời của tác phẩm
D. Thời gian thay đổi linh hoạt
Đáp án: B
Câu 6: Nhân vật chính trong truyện khoa học viễn tưởng như thế nào?
A. Có sức mạnh thể chất phi thường
B. Có cấu tạo hoặc khả năng kì lạ
C. Có trí thông minh kiệt xuất để tạo ra những phát minh
D. Cả 3 đáp án trên đều đúng
Đáp án: D
Câu 7. Nhận định sau đúng hay sai: Vì có nền tảng là các nguyên lí khoa học mới của thời hiện tại nên có những giả tưởng trong truyện khoa học viễn tưởng có thể trở thành sự thật.
A. Đúng
B. Sai
Đáp án: A
Câu 8: Điều gì tạo nên sức hấp dẫn của truyện khoa học viễn tưởng?
A. nhiều chi tiết ngớ ngẩn, không thực tế.
B. viết về thế giới tương lai và có tính chất li kì.
C. viết về quá khức quá nhiều.
D. nhiều chi tiết gây cười.
Đáp án: B
Câu 9: Dòng nào nói đúng đặc điểm nhân vật của truyện ngắn hiện đại?
A. Nhân vật hoặc tốt, hoặc xấu từ đầu đến cuối tác phẩm.
B. Nhân vật là người có năng lực phi thường, những nhà khoa học, nhà phát minh có khả năng sáng tạo kì lạ.
C. Nhân vật có ưu và nhược điểm; thường khắc họa qua một quãng đời.
D. Khắc họa cả cuộc đời, số phận nhân vật.
Đáp án: B
Câu 10: Các cách xây dựng cốt truyện của các nhà văn viết truyện khoa học viễn tưởng là:
A. Nhà văn dựa vào những cốt truyện có sẵn, lấy nguồn từ dân gian, rồi chế tác thành câu chuyện mới; nhà văn tự mình tạo ra cốt truyện mới.
B. Trung thành với dân gian, các tác giả cần có những sáng tạo nhất định nhằm tạo nên cảm giác mới mẻ cho người đọc.
C. Nhà văn sẽ dựa vào khả năng hư cấu, tưởng tượng để hình thành nên cốt truyện mới.
D. Thường được xây dựng dựa trên các sự việc giả tưởng liên quan đến các thành tựu khoa học.
Đáp án: D
5.2. Tự luận
Câu 1: Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
[…] Tàu No-ti-lớt lặn xuống sâu hai, ba ngàn mét và ngày 20 tháng 4 lại nổi lên cách mặt biển một ngàn năm trăm mét. […] Khoảng 11 giờ trưa, Nét Len lưu ý tôi giữa đám tảo đó có một con vật gì đó rất đáng sợ.
[…] Tôi cũng đưa mắt nhìn qua ô cửa và bất giác lùi lại. Trước mắt tôi, một quái vật đang bơi tới. Đó là một con bạch tuộc dài chừng tám mét. Nó bơi lùi rất nhanh về phía tàu. Mắt nó màu xanh xám, nhìn thẳng không động đậy. Tám cánh tay, hay đúng hơn, tám chân từ đầu mọc dài gấp đôi thân và luôn luôn uốn cong. Nhìn thấy rõ hai trăm rưỡi cái giác ở phía trong vòi. Hai hàm răng bạch tuộc giống cái mỏ vẹt bằng sừng, luôn luôn mở ra, khép lại. Lưới nó cũng bằng chất sừng, hàm răng nhọn, rung lên bần bật mỗi khi thò ra khỏi mồm. Thân nó hình thoi phình ở giữa, là một khối thịt nặng chừng hai mươi, hai lăm tấn. Màu sắc nó thay đổi rất nhanh từ màu xám chì sang màu nâu đỏ.
Vì sao con bạch tuộc tức giận? Hẳn là vì sự xuất hiện của tàu No-ti-lớt to lớn hơn nó và vì vòi cũng như hai hàm răng của nó chẳng làm nên chuyện gì…
[…] Cuộc chiến đấu kéo dài mười lăm phút. Lũ bạch tuộc chiến bại, phần bị chết, phần bị thương, cuối cùng phải bỏ chiến trường mà lẩn xuống biển sâu. Thuyền trưởng Nê-mô, mình nhuốm đầy máu, đứng lặn người bên chiếc đèn pha mà nhìn xuống biển cả vừa nuốt mất một người đồng hương của mình. Mắt Nê-mô ứa lệ.
(Trích Hai vạn dặm dưới đáy biển, Giuyn Véc-nơ)
1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là?
A. Tự sự
B. Miêu tả
C. Biểu cảm
D. Nghị luận
2. Thể loại của đoạn trích trên là?
A. Truyện cổ tích
B. Truyền thuyết
C. Truyện cười
D. Truyện khoa học viễn tưởng.
3. Đề tài của văn bản là?
A. phát minh khoa học, công nghệ.
B. khám phá thế giới bí ẩn dưới đáy đại dương.
C. chế tạo dược liệu.
D. du hành vũ trụ.
4. Không gian trong đoạn trích trên là ở đâu?
A. Vũ trụ.
B. Lòng đất.
C. Biển cả.
D. Âm phủ.
5. Nê-mô ứa lệ vì lí do gì?
A. Bạch tuộc nuốt mất người đồng hương của mình.
B. Lũ bạch tuộc chiến bại.
C. Anh ta nhìn thấy con quái vật đáng sợ.
D. Bạch tuộc bỏ chiến trường mà lẩn xuống biển sâu.
6. Có thể đặt tên cho đoạn trích là?
A. Dòng Sông Đen.
B. Xưởng Sô-cô-la.
C. Một ngày của Ích-chi-an.
D. Bạch tuộc.
7. Trong câu Mắt Nê-mô ứa lệ, từ “lệ” có nghĩa là gì?
A. Bạch tuộc.
B. Thuyền trưởng.
C. Chảy nước mắt.
D. Nước mắt.
8. Thành phần nào được mở rộng trong câu sau là gì?
Tám cánh tay, hay đúng hơn, tám chân từ đầu mọc dài gấp đôi thân và luôn luôn uốn cong.
A. Chủ ngữ.
B. Vị ngữ.
C. Chủ ngữ và vị ngữ.
D. Trạng ngữ.
9. Trong câu “Vì sao con bạch tuộc tức giận?” có sử dụng phép tu từ nhân hóa. Đúng hay sai?
A. Đúng
B. Sai
10. Từ đoạn trích trên, em hãy viết đoạn văn ngắn (5-7 câu) về sự kì diệu của trí tưởng tượng
Đáp án:
1. A
2. D
3. B
4. C
5. A
6. D
7. D
8. A
9. A
10.
Trí tưởng tượng có vai trò quan trọng không thể thay thế được với sự phát triển của cuộc sống con người. Trí tưởng tượng là bước đầu tiên cho sự sáng tạo, phát minh. Khi ta thử tự hỏi rằng liệu có thể và có nên làm như thế hay không, và tưởng tượng ra điều đó, thì chính là đã đặt xuống viên gạch đầu tiên rồi. Sự thoải mái, tự do, không rào cản và biên giới trong thế giới tưởng tượng sẽ chắp cánh cho suy nghĩ của chúng ta. Nó giúp ta dạn dĩ hơn, tự tin hơn, can đảm hơn để vẽ nên những điều mới lạ mà trước đó chưa có hoặc chưa dám làm. Và khi đã được nếm sự ngon ngọt của thành quả trong thế giới tưởng tượng, chúng ta sẽ khát vọng nó nhiều hơn, từ đó tìm cách biến nó thành hiện thực.
Câu 2: Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Chúng tôi đi chừng nửa tiếng đồng hồ. Đáy biển ngày càng nhiều đá. Những con sò, các lớp giáp xác nhỏ li ti phát ra ánh sáng lân tinh yếu ớt. Tôi thoáng thấy những đống đá được hàng triệu động vật giống như những bông hoa và tảo phủ kín. Chân tôi trượt trên tấm thảm thực vật dính nhơm nhớp và nếu không có gậy thì tôi đã bị ngã nhiều lần. Quay lại, tôi vẫn thấy ánh sáng đèn pha tàu Nau-ti-lúx. Chúng tôi càng đi xa thì ánh sáng đó càng mờ đi. Những đống đá dưới đáy đại dương mà tôi vừa nói trên mang dấu vết một sự sắp đặt nhất định mà tôi không giải thích nổi. Ngoài ra còn một số hiện tượng kỳ lạ nữa. Tôi cảm thấy dưới đế giày bằng chì của tôi đang lạo xạo những xương khô. Phải chăng chúng tôi đang bước trên mảnh đất đầy xương?... Ánh sáng soi đường cho chúng tôi ngày càng rực đỏ, tựa như ánh lửa của đám cháy phía chân trời. Lửa cháy trong nước kích thích tính tò mò của tôi đến cao độ. Có phải đó là ánh điện không? Hay là tôi đang được chứng kiến một hiện tượng của thiên nhiên mà các nhà bác học chưa hề biết? Tôi thoáng có ý nghĩ: biết đâu cái lò lửa ngầm dưới biển này không do bàn tay con người duy trì? Biết đâu tôi chẳng gặp ở đây những người bạn, những người đồng chí của Nê-mô, đang sống một cuộc đời độc đáo như Nê-mô? Biết đâu tôi chẳng gặp cả một đám người vì chán ghét những ràng buộc trên mặt đất mà đi tìm độc lập tự do dưới đáy biển? Những ý nghĩ vớ vẩn, mung lung cứ ám ảnh tôi mãi. Trong trạng thái bị kích thích cao độ ấy, nếu có gặp một thành phố xây dưới nước như Nê-mô hằng mơ ước, thì tôi cũng sẽ cho là chuyện rất tự nhiên. Con đường chúng tôi đi ngày càng sáng tỏ. Một ánh hào quang trăng trắng phát ra từ phía sau ngọn núi cao hơn đáy biển hai trăm mét. Nhưng ánh hào quang đó chỉ phản ánh những tia sáng bị khúc xạ trong nước biển. Bản thân cái nguồn phát sáng thì ở bên kia ngọn núi. Thuyền trưởng Nê-mô vững bước giữa những đống đá ngổn ngang. ông ta rất thông thạo con đường này. Tôi yên tâm đi theo Nê-mô. Đối với tôi, Nê-mô giống như một vị thần biển! Tôi ngắm nhìn vóc người cao lớn của Nê-mô in trên ánh hồng. Một giờ đêm chúng tôi tới chân núi. Nhưng muốn trèo lên sườn núi dốc đứng thì phải theo những con đường nhỏ rất khó đi nằm giữa rừng cây rậm rạp. Đây đúng là một rừng cây đã chết, trụi hết lá, đã hóa đá vì tác động của muối biển... Cảnh tượng thật chẳng lời lẽ nào tả xiết! Thuyền trưởng Nê-mô vẫn đi trước. Tôi không muốn bị tụt lại nên cố theo sát Nê-mô. Chiếc gậy rất được việc. Chỉ cần bước hụt là có thể lao xuống vực thẳm nằm kề bên những con đường hẹp. Tôi nhảy qua những khe núi sâu mà nếu ở trên cạn thì tôi đành chịu không dám vượt...”
(Trích Chương 33-Hai vạn dặm dưới đáy biển- Junles Verne; Lê Anh (Đỗ Ca Sơn) dịch từ bản tiếng Nga; Nhà xuất bản Văn học)
Thực hiện các yêu cầu:
1: Em hãy cho biết đoạn trích trên thuộc loại văn bản nào?
A. Văn bản truyện ngụ ngôn
B. Văn bản thông tin
C. Văn bản khoa học viễn tưởng
D. Văn bản tản văn, tùy bút
2: Điều gì kích thích tính tò mò của nhân vật “tôi” đến cao độ?
A. Lửa cháy trong nước
B. Đống xương khô
C. Các loại động vật kì lạ
D. Những ngọn núi dưới đáy biển
3: Thuyền trưởng Nê-mô được so sánh với ai?
A. Vị thần núi
B. Vị thần biển
C. Vị thần ánh sáng
D. Vị thần khổng lồ
4: Đoạn văn trên sử dụng ngôi kể thứ mấy?
A. Ngôi thứ ba.
B. Ngôi thứ hai.
C. Ngôi thứ nhất.
D. Kết hợp nhiều ngôi kể.
5: Vì sao thuyền trưởng Nê-mô lại tự tin trong cuộc thám hiểm ở dưới đáy biển được nêu trong đoạn trích?
A. Ông đã từng thám hiểm ở vị trí này
B. Ông rất khỏe mạnh, cường tráng
C. Ông có những thiết bị hiện đại
D. Ông có nhiều kinh nghiệm với các cuộc thám hiểm
6: Nghĩa của từ “ám ảnh” trong câu “Những ý nghĩ vớ vẩn, mung lung cứ ám ảnh tôi mãi” là gì?
A. Điều tốt đẹp luôn lởn vởn trong tâm trí, không sao xua đi được
B. Điều không hay luôn lởn vởn trong trí, không sao xua đi được
C. Sự tưởng tượng về một thế giới không có thực
D. Hình ảnh khắc sâu trong tâm trí không sao xua đi được
7: Trong các câu dưới đây câu văn nào sử dụng số từ?
A. Một ánh hào quang trăng trắng phát ra từ phía ngọn núi [...].
B. Những ý nghĩ vớ vẩn, mung lung cứ ám ảnh tôi mãi.
C. Chúng tôi càng đi xa thì ánh sáng đó càng mờ đi
D. Đáy biển ngày càng nhiều đá.
8: Câu sau dùng cụm chủ-vị để mở rộng thành phần nào?
“Tôi thoáng thấy những đống đá được hàng triệu động vật giống như những bông hoa và tảo phủ kín”
A. Mở rộng thành phần chủ ngữ
B. Mở rộng thành phần trạng ngữ
C. Mở rộng thành phần vị ngữ.
D. Mở rộng cả chủ ngữ và vị ngữ.
9: Theo em, việc khám phá, thám hiểm những miền đất lạ có quan trọng đối mỗi người hay không? Vì sao?
10: Em hãy nêu hai đến ba cách để có thể khám phá được những vùng đất mới lạ.
Đáp án:
1. C
2. A
3. B
4. C
5. A
6. B
7. A
8. C
9. Theo em, việc khám phá những vùng đất lạ rất quan trọng đối với mỗi người bởi nó đem lại rất nhiều lợi ích như sau:
+ Mở rộng kiến thức và hiểu biết: Khám phá những vùng đất mới giúp con người mở rộng kiến thức, có thêm những tri thức mới, học hỏi được những điều mới lạ về: ăn hóa, lịch sử, địa lý và nhiều vấn đề khác liên quan.
+ Trải nghiệm cuộc sống mới: Từ việc khám phá ra vùng đất mới ta sẽ được trải nghiệm cuộc sống mới ở nơi đó, rèn luyện ta cách thích nghi với những khó khăn của sự mới mẻ.
+ Tư tưởng rộng mở và phát triển: Được tiếp xúc với những điều mới mẻ, tiếp cận với người dân địa phương học hỏi, trải nghiệm phong tục tập quán, khiến suy nghĩ và quan điểm của con người được rộng mở, phát triển hơn. Những người đi nhiều nơi, được khám phá nhiều quan điểm về các vấn đề sẽ nhiều chiều, tư duy phát triển hơn những người chỉ ở một chỗ.
+ Phát triển kỹ năng cá nhân: Thám hiểm đòi hỏi con người cần có sự dũng cảm, không ngại gian khó. Việc đi đến những vùng đất mới ta có cơ hội rèn luyện phát triển các kỹ năng: Sự kiên nhẫn, sáng tạo và sự quyết đoán, dũng cảm,…
+ Giải tỏa stress: Đi đến những vùng đất mới mang lại những năng lượng mới, giúp ta giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta được hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng những khung cảnh tuyệt đẹp, tìm đến những nơi bình yên cho tâm hồn.
10. Hai cách để ta có thể khám phá được những vùng đất mới lạ:
- Cách 1: Tìm hiểu thông tin, kiến thức từ nhiều nền tảng khác nhau như sách, báo, google,.. Để ta có thể hiểu thêm được nhiều thông tin của các vùng đất mới qua mạng xã hội.
- Cách 2: Tham gia vào các tour du lịch do gia đình, nhà trường hoặc một nhóm tổ chức đứng ra lập nên kế hoạch,chịu trách nhiệm và thực hiện. Qua đó bạn có thể khám phá được những vùng đất mới, cảm nhận được những điều mới mẻ, khác biệt từ lần du lịch đó.
Câu 3: Đọc văn bản sau đây và thực hiện những yêu cầu :
NHỮNG QUẢ BÓNG LỬA – Ray Bradbury
Bước ra khỏi không gian cũng giống như là bước ra khỏi một ngôi thánh đường lộng lẫy chưa từng thấy. Còn chạm vào mặt Hỏa Tinh lại giống như chạm chân xuống một vỉa hè bình thường bên ngoài thánh đường năm phút sau khi đã thực sự biết được tình yêu của mình dành cho Chúa. Từ chiếc hỏa tiễn vẫn còn bốc khói, các linh mục rón rén bước xuống và quỳ gối trên lớp cát Hỏa Tinh trong khi Đức Cha Peregrine làm lễ tạ ơn.
- Lạy Cha, chúng con cám ơn Người đã đưa chúng con bình yên đi qua các gian phòng của Người. Chúng con đã đến miền đất mới, xin Cha cho chúng con những đôi mắt mới. Chúng con sẽ nghe thấy những âm thanh mới, xin Cha cho chúng con những đôi tai mới. Và sẽ có những tội lỗi mới, xin Cha cho chúng con những trái tim tốt đẹp hơn, cứng rắn hơn và thanh khiết hơn. Amen. Tất cả đứng lên.
Và đây, Hỏa Tinh, nơi họ đang nhọc nhằn lê bước. Đây, giang sơn của những tội lỗi tiềm tàng. Ôi, trên mảnh đất này họ phải cân nhắc, thận trọng xiết bao; e rằng ngay cả việc bước đi như thế này, hay việc hít thở, hoặc cả việc chay tịnh nữa, cũng có thể là tội lỗi!
Và đây là viên thị trưởng của thành phố First Town ra đón họ với bàn tay xòe rộng:
- Con có thể giúp được gì cho Cha đây, thưa Đức Cha Peregrine?
- Chúng tôi muốn biết về các sinh vật của Hỏa Tinh này. Vì nếu chúng tôi hiểu biết họ thì chúng tôi sẽ xây dựng nhà thờ một cách thích hợp. Họ cao ba thước phải không? Chúng tôi sẽ làm các cánh cửa lớn hơn. Da họ màu lam, màu đỏ hay màu lục? Chúng tôi cần phải biết để tô màu các tượng thánh cho đúng với màu da của họ. Họ có nặng cân không? Chúng tôi sẽ làm các ghế nguyện kiên cố cho họ ngồi
- Thưa Đức Cha, – Viên thị trưởng đáp, – con không ngờ rằng Cha lại quá lo lắng cho dân Hỏa Tinh đến thế. Ở đây chỉ có hai giống loài mà thôi. Một giống thì gần như chết hết cả rồi. Một số ít đang lẩn trốn. Còn giống thứ hai thì…chà chẳng phải là người như ta đâu.
- Ủa? – Trái tim Đức Cha Peregrine đập dồn.
- Chúng là những quả cầu ánh sáng, thưa Cha, chúng sống trong dãy đồi đằng kia. Người hay thú, ai mà biết được? Nhưng chúng hoạt động thông minh lắm đó, con nghe đồn thể. - Viên thị trưởng nhún vai. - Tất nhiên, chúng đâu phải là con người, cho nên con thấy là các đức cha không cần phải...
- Trái lại kia, – Cha Peregrine vội vàng ngắt lời. – Anh nói là chúng thông minh, phải không nào?
- Chỉ là tin đồn thôi. Có một nhân viên trắc địa bị gãy chân trong khu đồi đó và lẽ ra đã chết luôn ở đấy. Nhưng có nhiều quả cầu màu xanh tỏa sáng tiến đến chỗ anh ta nằm. Lúc thức dậy, anh ta lại thấy mình nằm ngay trên xa lộ tít dưới chân đồi và chẳng biết làm sao mà mình lần mò ra đến đấy được.
- Lại một gã say rượu chứ gì, – Cha Stone nhận xét.
- Người ta cứ kháo nhau mãi về chuyện này, - Viên thị trưởng nói. – Thưa Cha Peregrine, sinh vật trên Hỏa Tinh này chỉ còn lại mấy quả cầu xanh ấy thôi, nên con thành thật nghĩ rằng các Cha nên vào thành phố thì hơn. Hỏa Tinh đang mở rộng, loài người đang đổ xô lên đây. Trong thành phố First Town có đến hai nghìn thợ mỏ và thợ máy với lại lao công cần được cứu rỗi linh hồn, bởi vì có quá nhiều mụ đàn bà hung tợn đi theo họ, và cũng có quá nhiều rượu vang Hỏa Tinh lâu đời hàng mấy thế kỷ...
Đức Cha Peregrine nhìn chăm chăm về hướng dãy đồi xanh.
Linh mục Stone đằng hắng:
- Thế nào, Đức Cha?
- Những quả cầu lửa xanh ấy à?
- Vâng, thưa Đức Cha.
- Aaa..., – Đức Cha Peregrine thở dài. Những quả cầu xanh. Những quả bóng bay của tuổi thơ. Cha Peregrine cảm thấy các mạch máu nơi cườm tay giật giật. Đức Cha chỉ về hướng những ngọn đồi: – Đó là nơi chúng ta phải đến.
Mọi người xầm xì lo âu. Đức Cha Peregrine giải thích:
- Đi vào thành phố thì đơn giản quá. Tôi muốn nghĩ rằng nếu Đấng Cứu Thế mà bước đến đây và dân chúng nói với Người “Đây là con đường đã dọn quang,” Ắt hẳn Người sẽ trả lời “Hãy chỉ cho ta con đường cỏ dại, gai góc. Chính ta phải tự mở lối mà đi”
- Nhưng... Sư huynh Stone ơi, hãy thử nghĩ xem lương tâm sẽ cắn rút chúng ta đến mức nào nếu như chúng ta đi qua mặt những kẻ tội lỗi mà không chìa tay ra cứu vớt.
- Nhưng đó chỉ là những quả cầu lửa!
- Tôi cho rằng khi con người xuất hiện lần đầu tiên thì đối với các thú vật khác con người ắt phải nực cười lắm. Tuy vậy con người vẫn có một linh hồn. Chừng nào ta chưa chứng minh được điều gì cụ thể thì ta cứ cho là những quả cầu lửa này có linh hồn đi.
- Cũng được thôi, - Viên thị trưởng đồng ý, - nhưng các Cha phải quay về thành phố đấy... Sau đó Cha và tôi sẽ đi vào dãy đồi. Tôi không muốn làm cho các sinh vật phát ra lửa ấy kinh hoàng vì máy móc hay đám đông.
Câu hỏi:
1. Dòng nào nói đúng đề tài của văn bản “Những quả bóng lửa”?
A. Khoa học công nghệ tương lai.
B. Thám hiểm sao Hỏa.
C. Khám phá hệ Mặt trời.
D. Khám phá vũ trụ.
2. Hỏa tinh trong văn bản truyện được hiểu là:
A. Là hành tinh thứ tư tính từ Mặt Trời trong Thái Dương Hệ, thường được gọi với tên khác là “Hành tinh Đỏ”.
B. Là hệ hành tinh gồm có Mặt Trời ở trung tâm và các vật quay xung quanh.
C. Là các thiên thể quay quanh Mặt Trời, và khối lượng tập trung chủ yếu vào 8 hành tinh
D. Là những thiên thể có thành phần chủ yếu là đá.
3. Cốt truyện của “Những quả bóng lửa” bắt nguồn từ:
A. Những sự kiện có thật trong lịch sử - Thám hiểm sao Hỏa.
B. Ước mơ, khát vọng của con người - Thám hiểm sao Hỏa.
C. Khoa học khám phá vũ trụ - Thám hiểm sao Hỏa.
D. Trí tưởng tượng bay bổng của các nhà khoa học.
4. Tình huống truyện đặc biệt của văn bản “Những quả bóng lửa” là:
A. Các linh mục tới Hỏa tinh mong muốn xây dựng nhà thờ cho cư dân là những... quả cầu xanh.
B. Đức Cha Peregrine và các linh mục bắt trở về thành phố.
C. Các linh mục tới Hỏa tinh gặp một gã say rượu.
D. Các linh mục làm cho sinh vật kinh hoàng vì máy móc, vì đám đông.
5. Dòng nào nói đúng không gian của truyện?
A. Không gian tâm vũ trụ.
B. Không gian sao Hỏa.
C. Không gian thiên hà.
D. Không gian thiên đình.
6. Yếu tố khoa học của văn bản liên quan đến lĩnh vực khoa học nào?
A. Vật lý.
B. Sinh học.
C. Hóa học.
D. Y học.
7. Văn bản “Những quả bóng lửa” thuộc thể loại/tiểu loại nào? Vì sao?
A. Truyện truyền thuyết. Vì chứa những yếu tố kỳ ảo.
B. Truyện khoa học viễn tưởng. Vì bắt nguồn từ khoa học khám phá vũ trụ -Thám hiểm sao Hỏa.
C. Truyện giả tưởng. Vì nói tới những điều ngoài Trái Đất
D. Truyện cổ tích. Vì nói tới ước mơ giúp những linh hồn bất hạnh
8. Ước mơ khát vọng của con người trong văn bản “Những quả bóng lửa” là:
A. Con người sẽ sống ở sao Hỏa
B. Sao Hỏa có nhà thờ
C. Các quả bóng lửa cũng có linh hồn
D. Các sinh vật phát ra lửa ở Hỏa Tinh không bị kinh hoàng vì máy móc hay đám đông
9. Nhân vật nào trong văn bản “Những quả bóng lửa” để lại cho em nhiều ấn tượng nhất? Hãy miêu tả 5-6 dòng hoặc vẽ nhân vật đó
10. Văn bản “Những quả bóng lửa” đã gợi ra. Đặt ra những vấn đề gì? Đến năm 2022 của thế kỉ 21, con người đã giải quyết được vấn đề nào, quốc gia nào đi đầu trong vấn đề đó? (Lập bảng trả lời)
Đáp án:
1. B
2. A
3. C
4. A
5. B
6. A
7. B
8. A
9.
Văn bản “Những quả bóng lửa” của Ray Bradbury kể về một nhóm người đến sao Hỏa để tìm hiểu về các sinh vật sống trên hành tinh này. Trong đó, những quả bóng lửa là một trong những sinh vật đó. Chúng là những quả bóng sáng lấp lánh, phát ra ánh sáng và nhiệt độ cao. Chúng được miêu tả như những sinh vật đầy màu sắc và sức sống. Tuy nhiên, chúng cũng có khả năng gây nguy hiểm cho con người. Văn bản này mang đến cho người đọc những suy nghĩ về tương lai của con người và cuộc sống trên các hành tinh khác
10.
Vấn đề gợi ra từ văn bản |
Biểu hiện ở văn bản (tóm tắt ngắn gọn) |
1. Con người có thể tới sao Hỏa
|
Chạm vào mặt Hỏa Tinh giống như chạm chân xuống một vỉa hè bên ngoài thánh đường |
2. Xây nhà thờ chăm sóc phần hồn cho cư dân sao Hỏa |
Chúng tôi muốn biết về các sinh vật của Hỏa Tinh này. Vì nếu chúng tôi hiểu biết họ thì chúng tôi sẽ xây dựng nhà thờ một cách thích hợp |
3. Sao Hỏa là không gian sống mới
|
Hỏa Tinh đang mở rộng, loài người đang đổ xô lên |
4. Con người phải tự mở lối mà đi - Con người đang nghiên cứu sao Hỏa, đang phải tự mở lối mà đi… - Quốc gia đi đầu trong nghiên cứu sao Hỏa: Mỹ, Trung Quốc |
Sau đó Cha và tôi sẽ đi vào dãy đồi |
Câu 4: Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
[…]
- Thưa ngài giáo sư, ngài hãy nhìn xem biển có phải là một sinh vật không? Biển lúc thì giận dữ, khi thì dịu hiền. Ban đêm biển cũng ngủ như chúng ta và giờ đây đang tỉnh dậy, khoan khoái sau một giấc ngủ ngon! Nê-mô chẳng chào hỏi gì. Hình như con người bí hiểm này đang tiếp tục một câu chuyện bị bỏ dở. Ông ta nói:
- Giáo sư nhìn xem: đại dương tỉnh giấc dưới ánh nắng dịu hiền. Nó bắt đầu cuộc sống ban ngày. Thật kỳ thú khi quan sát những biểu hiện đầy sức sống của cơ thể nó! Biển có tim, có mạch máu, và tôi hoàn toàn đồng ý với nhà bác học Mô-ri, người đã phát hiện ra rằng nước ở đại dương cũng tuần hoàn, hệt như sự tuần hoàn của máu trong cơ thể sống. Nê-mô chẳng đợi trả lời, và tôi cũng thấy nếu ngắt lời ông ta bằng nhiều câu “vâng”, “tất nhiên”, “rất đúng” trống rỗng thì thật là thừa. Ông ta như tự nói với mình và sau mỗi câu lại im lặng hồi lâu.
[…] Và cuộc sống thật sự là ở đây, chỉ ở đây thôi! Tôi tin là có khả năng xây dựng những thành phố ngầm, những tòa nhà ngầm dưới biển cứ mỗi sáng lại nổi lên mặt nước để dự trữ không khí trong lành giống như tàu Nau-ti-lux. Những thành phố độc lập, những thành phố tự do…
(Trích Hai vạn dặm dưới đáy biển, Giuyn Véc-nơ)
1. Đoạn trích trên được kể theo ngôi kể nào?
A. Ngôi thứ nhất
B. Ngôi thứ ba
C. Đan xen ngôi thứ nhất và thứ ba
D. Không xác định được ngôi kể
2. Cuộc trò chuyện trong đoạn trích là của các nhân vật nào?
A. Nhân vật Mê-mô và Mô-ri
B. Nhân vật giáo sư và Nê-mô
C. Nhân vật Mô-ri và giáo sư
D. Nhân vật Nê-mô và Nau-ti-lux
3. Hai vạn dặm dưới đáy biển của Giuyn Véc-nơ là Truyện khoa học viễn tưởng, đúng hay sai?
A. Đúng
B. Sai
4. Thuyền trưởng Nê-mô trong đoạn trích được gọi là gì?
A. Người hoang tưởng
B. Người thiên tài
C. Người bí hiểm
D. Người nói nhiều
5. Đề tài mà đoạn trích (phần ngữ liệu) trong Hai vạn dặm dưới đáy biển của Giuyn Véc-nơ phản ánh là gì?
A. Công nghệ tương lai
B. Khám phá đại dương
C. Người ngoài hành tinh
D. Khám phá lòng đất
6. Nhà bác học Mô-ri đã phát hiện ra điều gì sau đây?
A. Biển cũng phải là một sinh vật
B. Biển lúc thì giận dữ, khi thì dịu hiền
C. Nước ở đại dương cũng tuần hoàn
D. Ban đêm biển cũng ngủ như chúng ta
7. Dấu ngoặc kép trong câu: Nê-mô chẳng đợi trả lời, và tôi cũng thấy nếu ngắt lời ông ta bằng nhiều câu “vâng”, “tất nhiên”, “rất đúng” trống rỗng thì thật là thừa. Ông ta như tự nói với mình và sau mỗi câu lại im lặng hồi lâu. Có tác dụng gì?
A. Dấu ngoặc kép thường được dùng để trích dẫn lời nói trực tiếp của nhân vật hoặc của người nào đó
B. Dấu ngoặc kép được dùng để đánh dấu các từ ngữ có hàm ý mỉa mai
C. Dấu ngoặc kép còn được dùng để đánh dấu những từ ngữ được dùng với ý nghĩa đặc biệt
D. Dấu ngoặc kép được dùng để đánh dấu tên của các vở kịch, tác phẩm văn học, tờ báo, tập san … dẫn trong câu văn
8. Tác phẩm Hai vạn dặm dưới đáy biển của Giuyn Véc-nơ ra đời năm 1870, cách nay hơn 150 năm, từ lúc đó nhân vật giáo sư đã tin vào điều gì của con người mà hiện nay đã và đang trở thành hiện thực?
A. Con người có khả năng đặt chân lên mặt trăng, bay vào vũ trụ
B. Có khả năng xây dựng những thành phố ngầm, những tòa nhà ngầm dưới biển
C. Có khả năng tạo ra các phương tiện, thiết bị đạt tốc độ siêu nhanh
D. Có khả năng khai thác năng lượng từ sức gió, ánh sáng mặt trời
9. Liệt kê những chi tiết trong trích đoạn cho thấy trí tưởng tượng phong phú của nhà văn.
10. Biển cả bao la là món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng. Em hãy nêu một số giá trị, vai trò quan trọng của biển đối với con người.
Đáp án:
1. A
2. B
3. A
4. C
5. B
6. C
7. A
8. B
9. Những chi tiết trong trích đoạn cho thấy trí tưởng tượng phong phú của nhà văn đó là những chi tiết miêu tả về biển và chi tiết tin vào khả năng xây dựng công trình dưới lòng biển:
- Biển lúc thì giận dữ, khi thì dịu hiền
- Ban đêm biển cũng ngủ như chúng ta và giờ đây đang tỉnh dậy, khoan khoái sau một giấc ngủ ngon
- Đại dương tỉnh giấc dưới ánh nắng dịu hiền. Nó bắt đầu cuộc sống ban ngày
- Biển có tim, có mạch máu
- Tôi tin là có khả năng xây dựng những thành phố ngầm, những tòa nhà ngầm dưới biển cứ mỗi sáng lại nổi lên mặt nước để dự trữ không khí trong lành giống như tàu Nau-ti-lux
10. Một số giá trị, vai trò quan trọng của biển đối với con người:
- Biển và dại dương là nguồn cung cấp hơi nước vô tận cho khí quyển. Hơi nước sinh ra mây và mưa để duy trì cuộc sống của con người và tất cả các loài sinh vật.
- Môi trường biển và đại dương là kho tài nguyên vô tận về động vật và thực vật. Ngoài ra, còn là lượng khoáng sản lớn, đặc biệt là dầu khí.
- Thủy triều đang ngày càng được nhiều quốc gia tận dụng để phát triển nguồn điện sạch, tái tạo.
- Môi trường biển và đại dương trở thành đường giao thông vận tải hết sức rộng lớn.
- Biển và đại dương còn là nơi nghỉ dưỡng và du lịch hấp dẫn
Câu 5: Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi bên dưới:
ĐỊA ĐÀNG TRẦN GIAN
(Trích Utopia – Địa đàng trần gian – T.More)
Rồi cả Peter Gilles và tôi lên tiếng xin Raphael tiên sinh cho nghe chuyện. Thấy chúng tôi thực lòng, tiên sinh bèn để một lúc để sắp xếp câu chuyện trong đầu, rồi bắt đầu kể như sau:
RAPHAEL: Ta bắt đầu nhé. Hòn đảo ấy rộng nhất ở quãng giữa, chừng hai trăm dặm từ bờ này sang bờ kia. Những chỗ khác cũng chẳng hẹp hơn là bao, chỉ trừ hai đầu là thu hẹp dần và lượn vòng như thể vẽ bằng com-pa, nỗi toàn bộ đảo thành ra như một vòng tròn có đường kính khoảng năm trăm đến dặm vậy. Đúng hơn hãy mường tượng nó như một hình lưỡi liềm rất cong có hai mỏm chóp chỉ cách nhau bởi một eo biển rộng xấp xỉ mười một dặm. Biển tràn vào trong lòng đảo qua eo này, làm thành một vùng hồ mênh mông giữa đảo. Được bao bọc khắp xung quanh, nước hồ lúc nào cũng êm ả. Vậy là cái vịnh yên tĩnh ngay giữa lòng đảo ấy trở thành một hải cảng lớn rất thuận tiện, thuyền bè có thể dong buồm ngang dọc trên đó theo đủ mọi hướng. Vùng eo biển hẹp thì lại rất hiểm trở với đầy những doi cát và đá ngầm. Một hòn núi đá nhô cao hằn lên mặt nước ở ngay giữa eo, và người ta xây một pháo đài ở trên đó, lúc nào cũng có lính canh. Chỉ có những hoa tiêu địa phương mới biết rõ vùng đá ngầm nguy hiểm đó và có thể đưa tàu bè ra vào một cách an toàn. Không có hoa tiêu người Utopia thì tàu thuyền ngoại quốc không thể nào vào được trong đảo
Mỗi bệnh viện lớn bằng khoảng một thành phố nhỏ. Ý tưởng là vừa tránh cho bệnh viện bị quá tải, vừa tạo điều kiện tốt cho việc cách li những chứng bệnh lây lan truyền nhiễm. Những bệnh viện này được quản lí rất chu đáo, luôn đầy đủ thuốc men và thiết bị với những đội ngũ bác sĩ và hộ lý xứng đáng là "lương y kiêm từ mẫu" đến nỗi hễ ốm đau là ai cũng muốn vào bệnh viện chứ không muốn nằm nhà.
[...] Đất đai của họ không phải lúc nào cũng màu mỡ, và khí hậu không phải là hoàn toàn thuận lợi nhưng nhờ một chế độ dinh dưỡng cân bằng mà họ xây dựng được sức đề kháng của mình chống lại những điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, và bằng công việc canh tác rất chu đáo, họ đã chỉnh đốn được những khiếm khuyết của đất đai. Kết quả là họ đã phá vỡ mọi kỉ lục về sản xuất, và chăn nuôi gia súc, tuổi thọ trung bình của họ là cao nhất thế giới, và tỉ lệ mắc bệnh là thấp nhất. Như vậy là với những phương pháp khoa học, họ đã làm nên những điều thần kì ở một vùng thiên nhiên vốn nghèo nàn cạn kiệt.
(T. More, Utopia – Địa đàng trần gian, NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam, 2006, tr. 86, 87, 88, 108, 110, 152)
1. Văn bản trên thuộc thể loại gì?
A. Truyền thuyết
B. Truyện ngắn
C. Truyện khoa học viễn tưởng
D. Tùy bút
2. Đoạn trích nói về đề tài nào?
A. Một xã hội lí tưởng
B. Ngôi nhà trong mơ
C. Chinh phục vũ trụ
D. Du hành trong không gian
3. Câu chuyện về đất nước Utopia được kể lại bởi nhân vật nào?
A. Peter Gilles
B. Raphael
C. Nhân vật “tôi”
D. Nhân vật khác
4. Địa hình tự nhiên của đất nước Utopia có gì đặc biệt?
A. Địa hình hiền hòa, yên ả, mọi người ra vào tấp nập
B. Vùng eo biển hiểm trở, mọi người có thể thuận tiện đi lại
C. Tàu bè có thể qua lại tự do ở vùng eo biển
D. Chỉ có những hoa tiêu địa phương mới biết rõ vùng đá ngầm nguy hiểm đó và có thể đưa tàu bè ra vào một cách an toàn.
5. Ở Utopia, bệnh viện sẽ được xây dựng như thế nào?
A. Bệnh viện lớn bằng một thành phố nhỏ.
B. Bệnh viện được quản lí rất chu đáo, luôn đầy đủ thuốc men và thiết bị.
C. Đội ngũ y, bác sĩ giỏi và yêu thương bệnh nhân
D. Cả ba đáp án trên.
6. Số từ trong câu “Mỗi bệnh viện lớn bằng khoảng một thành phố nhỏ.” là:
A. Mỗi
B. Bằng
C. Một
D. Nhỏ
7. Vì sao đất nước Utopia lại được xem như một thiên đường cho con người?
A. Y tế được đảm bảo, tuổi thọ trung bình của họ là cao nhất thế giới, và tỉ lệ mắc bệnh là thấp nhất
B. Địa hình giúp con người tránh được sự xâm lược của kẻ thù từ bên ngoài.
C. Đất đai được canh tác hợp lí nên không bị cằn cỗi
D. Cả ba đáp án trên.
8. Phó từ “những” trong câu “Như vậy là với những phương pháp khoa học, họ đã làm nên những điều thần kì ở một vùng thiên nhiên vốn nghèo nàn cạn kiệt.” bổ sung ý nghĩa gì?
A. Ý nghĩa về số lượng ít hay nhiều
B. Ý nghĩa về thời gian
C. Ý nghĩa về sự khẳng định/phủ định
D. Ý nghĩa về sự tiếp diễn
9. Theo em, viết về một xã hội lí tưởng như Utopia, tác giả T.More muốn thê hiện điều gì?
10. Viết một đoạn văn (7-9 câu) trình bày những điều em cho là đẹp nhất của xã hội Việt Nam hiện nay.
Đáp án:
1. C
2. A
3. B
4. D
5. D
6. C
7. D
8. A
9. Theo em, viết về một xã hội lí tưởng như Utopia, tác giả T.More muốn thê hiện thái độ phủ nhận của mình trước xã hội ông đang sống, đồng thời thể hiện ước mơ về một xã hội đẹp theo quan điểm của ông. Qua đó cũng nhắc nhở con người hành động để xã hội họ sống ngày một tốt đẹp hơn.
10.
Xã hội Việt Nam hiện nay có nhiều điều đẹp đẽ và tích cực, phản ánh sự phát triển và tiến bộ của đất nước. Người dân Việt Nam luôn có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, đặc biệt trong lúc khó khăn như thiên tai, dịch bệnh. Người dân Việt Nam còn có sự hiếu học, luôn luôn muốn khám phá những tri thức để phục vụ đời sống. Việt Nam còn có một nền văn hoá đa dạng với nhiều phong tục tập quán, lễ hội truyền thống và nghệ thuật dân gian. Điều đó làm cho đời sống của người dân Việt Nam trở nên phong phú, giàu tình cảm và nhân văn hơn. Hiện nay, giới trẻ Việt Nam ngày càng thể hiện được vị trí của mình trong sự phát triển của đất nước. Họ tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội như khởi nghiệp, tình nguyện,… Những hành động này đã góp phần khẳng định sự phát triển tốt đẹp của xã hội Việt Nam ngày nay.
Xem thêm các bài viết về định nghĩa và khái niệm môn Văn chọn lọc, hay khác:
- Truyện lịch sử là gì?
- Truyện truyền kì là gì?
- Truyện trinh thám là gì?
- Tiểu thuyết là gì?
- Phóng sự là gì?
Tủ sách VIETJACK luyện thi vào 10 cho 2k10 (2025):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Đề thi lớp 1 (các môn học)
- Đề thi lớp 2 (các môn học)
- Đề thi lớp 3 (các môn học)
- Đề thi lớp 4 (các môn học)
- Đề thi lớp 5 (các môn học)
- Đề thi lớp 6 (các môn học)
- Đề thi lớp 7 (các môn học)
- Đề thi lớp 8 (các môn học)
- Đề thi lớp 9 (các môn học)
- Đề thi lớp 10 (các môn học)
- Đề thi lớp 11 (các môn học)
- Đề thi lớp 12 (các môn học)
- Giáo án lớp 1 (các môn học)
- Giáo án lớp 2 (các môn học)
- Giáo án lớp 3 (các môn học)
- Giáo án lớp 4 (các môn học)
- Giáo án lớp 5 (các môn học)
- Giáo án lớp 6 (các môn học)
- Giáo án lớp 7 (các môn học)
- Giáo án lớp 8 (các môn học)
- Giáo án lớp 9 (các môn học)
- Giáo án lớp 10 (các môn học)
- Giáo án lớp 11 (các môn học)
- Giáo án lớp 12 (các môn học)