Truyện trinh thám là gì (chi tiết nhất)
Bài viết Truyện trinh thám là gì chi tiết nhất, đầy đủ khái niệm, đặc điểm, cách đọc hiểu & bài tập có đáp án chi tiết giúp bạn nắm vững kiến thức trọng tâm về Truyện trinh thám.
Truyện trinh thám là gì (chi tiết nhất)
1. Khái niệm truyện trinh thám
Truyện trinh thám là loại tác phẩm truyện viết về quá trình điều tra vụ án, thường có những sự việc bí ẩn, bất ngờ. Quá trình phá án của người điều tra dựa trên yếu tố quan trọng là sự suy luận lô-gíc. Vụ án thường được làm sáng tỏ ở phần kết thúc truyện.
2. Đặc điểm của truyện trinh thám
- Không gian của truyện trinh thám là không gian hiện trường - nơi xảy ra vụ án, cũng là nơi người điều tra nghiên cứu để tìm thủ phạm. Các vụ án có thể diễn ra ở những không gian rộng (khu rừng, hang động, góc phố,...) hoặc không gian nhỏ hẹp (căn phòng, bàn ăn,...). Trong truyện trinh thám, không gian hiện trường được khắc hoạ chi tiết, cụ thể và gắn liền với dấu hiệu bằng chứng phạm tội.
- Thời gian trong truyện trinh thám thường được giới thiệu ở phần đầu tác phẩm với thông tin cụ thể về tháng, năm hay tình huống mà người điều tra tiếp nhận vụ án. Cách giới thiệu thời gian như vậy có tác dụng tạo nên tính chân thực cho câu chuyện. Truyện trinh thám thường xây dựng tình huống người điều tra chịu áp lực chạy đua với thời gian để tìm ra kẻ phạm tội. Điều này tạo ra sự căng thẳng, hấp dẫn cho người đọc đồng thời cho thấy tài năng của người điều tra.
- Cốt truyện trong truyện trinh thám gồm một chuỗi sự kiện mà sự kiện trung tâm là vụ án và hành trình phá án của người điều tra. Tác phẩm thường bắt đầu bằng một bí ẩn được đặt ra - thực chất là một vụ án phức tạp, có nhiều tình tiết dường như không thể giải thích được; sau đó là hành trình giải mã của người điều tra và cuối cùng bí ẩn được làm sáng tỏ.
- Hệ thống nhân vật trong truyện trinh thám thường gồm người điều tra, nạn nhân, nghi phạm, thủ phạm. Người điều tra là nhân vật chính trong tác phẩm, có thể là nhà điều tra chuyên nghiệp như thám tử, cảnh sát, thanh tra,... hoặc nhà điều tra nghiệp dư. Người điều tra trong truyện trinh thám có tố chất đặc biệt. Đó là sự dũng cảm, ưa mạo hiểm, vốn kiến thức phong phú, trí thông minh vượt trội, tài quan sát và suy luận,... đặc biệt là phẩm chất trung thực, luôn đặt sự thật lên trên hết nhằm bảo vệ lẽ phải và công lí.
- Truyện trinh thám có những chi tiết thể hiện sự bí ẩn, li kì của vụ án và những bất ngờ của cuộc điều tra. Những chi tiết về khung cảnh, không gian, thời gian xảy ra sự việc; chân dung, cử chỉ, hành động, lời nói,... của nhân vật thường có dấu hiệu của bằng chứng hoặc manh mối quan trọng trong quá trình điều tra.
- Câu chuyện trong truyện trinh thám được kể theo ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba. Ở ngôi thứ nhất, câu chuyện thường được kể lại qua lời của người điều tra hoặc lời một người bạn của người điều tra - nhân vật chứng kiến toàn bộ quá trình giải mã vụ án. Điều này giúp câu chuyện trở nên chân thực, đáng tin, bất ngờ và kịch tính hơn.
3. Ví dụ một số tác phẩm thuộc thể truyện trinh thám
- Vụ án đường Mo-gi (Morgue), Con cánh cam vàng, Lá thư bị mất,... (Et-ga A-len Pâu)
- Sơ-lốc Hôm (An-thơ Co-nan Đoi-lơ)
- Bài hát ba đồng xu (A-ga-thơ Crit-xti)
- Kho tàng họ Đặng (Phạm Cao Củng)
- …
4. Cách đọc hiểu một văn bản thuộc thể loại truyện trinh thám
- Khi đọc hiểu văn bản truyện trinh thám, các em cần chú ý:
+ Nhận diện được tình huống nảy sinh vụ án xuất hiện ở phần đầu của truyện.
+ Bám sát các tình huống của câu chuyện, nhất là những chi tiết quan trọng, có ý nghĩa bước ngoặt để khám phá ra sự thật.
+ Xác định được nhân vật chính (thám tử hoặc điều tra viên…). Tìm hiểu những hành động, việc làm, lời nói, suy nghĩ, phán đoán của nahan vật này trong quá trình tìm ra chân tướng vụ việc.
+ Phân tích nét đặc sắc nghệ thuật kể chuyện qua việc xây dựng tình huống, lựa chọn ngôi kể, thay đổi điểm nhìn, ngôn ngữ và giọng điệu khi kể.
+ Suy nghĩ về những vấn đề có ý nghĩa xã hội, nhân sinh mà truyện đặt ra và liên hệ với cuộc sống ngày nay.
5. Một số bài tập liên quan đến thể loại truyện trinh thám.
5.1. Trắc nghiệm
Câu 1: Nhận định nào sau đây nói đúng về truyện trinh thám?
A. Là những truyện viết về quá trình điều tra vụ án, thường có những sự việc bí ẩn, bất ngờ.
B. Là những truyện kể có sự đan xen giữa những yếu tố có thật và yếu tố hoang đường.
C. Là những truyện kể về các sự việc hoàn toàn do tác giả tưởng tượng ra.
D. Là những truyện kể về các nhân vật lịch sử.
Đáp án: A
Câu 2: Truyện trinh thám là gì?
A. Những câu chuyện được kể giống như truyện truyền thuyết
B. Những câu chuyện viết về quá trình điều tra vụ án, thường có những sự việc bí ẩn, bất ngờ.
C. Những câu chuyện kì lạ được ghi chép tản mạn, thường có yếu tố hoang đường kì ảo, nhân vật thường là người phụ nữ đức hạnh, khao khát cuộc sống yên bình, hạnh phúc
D. Câu chuyện liên quan tới các nhân vật do trí tưởng tượng tạo nên
Đáp án: B
Câu 3: Hệ thống nhân vật trong truyện trinh thám có đặc điểm gì?
A. Rất phong phú, trong đó có cả con người nhưng chiếm đa số là loài vật, vừa mang đặc tính vốn có của loài vật, vừa mang đặc điểm của con người.
B. Thế giới nhân vật khá đa dạng, phong phú, trong đó nổi bật nhất là ba nhóm: thần tiên, người trần và yêu quái.
C. Nhân vật là con chó, con vịt, bút chì, thước kẻ… nhưng vẫn đem đến những bài học về cuộc sống xung quanh các em.
D. Hệ thống nhân vật thường gồm người điều tra, nạn nhân, nghi phạm, thủ phạm.
Đáp án: D
Câu 4. Cốt truyện của truyện trinh thám là:
A. Hệ thống sự kiện liên quan đến lịch sử dân tộc được cấu trúc lại từ góc nhìn mới của tác giả để tôn vinh nhân vật lịch sử.
B. được tổ chức chủ yếu dựa trên chuỗi sự kiện sắp xếp theo trật tự tuyến tính, có quan hệ nhân quả.
C. gồm một chuỗi sự kiện mà sự kiện trung tâm là vụ án và hành trình phá án của người điều tra.
D. cốt truyện ngắn, không xây dựng rõ bối cảnh cũng như sự phát triển tình tiết.
Đáp án: D
Câu 5: Không gian trinh thám có đặc điểm gì?
A. Phù hợp với thời đại lịch sử mà tác phẩm tái hiện.
B. Là thế giới con người đối kháng với thế giới thánh thần, ma, quỷ.
C. Là không gian hiện trường - nơi xảy ra vụ án, cũng là nơi người điều tra nghiên cứu để tìm thủ phạm.
D. Là không gian nơi người điều tra nghiên cứu để tìm thủ phạm.
Đáp án: C
Câu 6: Điền từ/cụm từ vào dấu ba chấm trong móc vuông sau cho hợp lí.
Tác phẩm thường bắt đầu bằng một bí ẩn được đặt ra - thực chất là một vụ án phức tạp, có nhiều tình tiết dường như không thể giải thích được; sau đó là hành trình giải mã của […] và cuối cùng bí ẩn được làm sáng tỏ.
A. người điều tra
B. nhân vật chính
C. người ghi chép
D. thám tử
Đáp án: A
Câu 7. Điền từ/cụm từ vào dấu ba chấm trong móc vuông sau cho hợp lí.
Truyện trinh thám thường xây dựng tình huống người điều tra chịu áp lực chạy đua với […] để tìm ra kẻ phạm tội. Điều này tạo ra sự căng thẳng, hấp dẫn cho người đọc đồng thời cho thấy tài năng của người điều tra.
A. thủ phạm
B. thời gian
C. nạn nhân
D. người ghi chép
Đáp án: B
Câu 8: Câu chuyện trinh thám được kể ở ngôi thứ nhất có tác dụng
A. giúp câu chuyện trở nên chân thực, đáng tin, bất ngờ và kịch tính hơn.
B. dễ dàng bộc lộ cảm xúc nhân vật.
C. làm cho người đọc nắm bắt tâm trạng nhân vật sâu sắc, sinh động, chân thật và gần gũi hơn.
D. giúp người kể có thể kể chuyện một cách linh hoạt, tư do những gì diễn ra với nhân vật.
Đáp án: A
Câu 9: Nhân vật trong truyện trinh thám là những người
A. thể hiện thông điệp của tác phẩm.
B. có khát vọng truy tìm sự thật, dám đấu tranh cho lẽ phải, kiên quyết chống lại cái ác, cái xấu
C. giúp nhà văn khái quát được quy luật cuộc sống con người.
D. có sự khát khao được yêu thương, che chở trong cuộc sống.
Đáp án: B
Câu 10: Ý kiến sau đây đúng hay sai?
Những chi tiết về khung cảnh, không gian, thời gian xảy ra sự việc; chân dung, cử chỉ, hành động, lời nói,... của nhân vật thường có dấu hiệu của bằng chứng hoặc manh mối quan trọng trong quá trình điều tra.
A. Đúng
B. Sai
Đáp án: A
5.2. Tự luận
Câu 1: Đọc văn bản sau:
ĐỀ THI ĐẪM MÁU!
Lời tựa truyện: Một tên sát thủ có sở thích uống chất hỗn hợp máu nạn nhân với sữa tươi, hắn có căn bệnh gì đặc biệt hay là con quỷ hút máu bất tử nghìn năm trong truyền thuyết?
Trong thành phố C liên tiếp xảy ra 4 vụ cưỡng hiếp giết người, nạn nhân đều là những cô gái trí thức từ 25 - 35 tuổi, đây rốt cuộc là giết người trả thù hay chỉ đơn giản là cưỡng dâm?
Hàng loạt cái chết bí ẩn thảm khốc của những người sống trong trường Đại học J liên tiếp xảy ra. Ở mỗi hiện trường vụ án, hung thủ đều để lại gợi ý cho vụ án tiếp theo, nhằm mục đích gì?
Trong hàng loạt các vụ án ly kỳ khiến cảnh sát bàng hoàng bó tay, cậu sinh viên Phương Mộc trầm mặc kiệm lời đột nhiên bị cảnh sát lôi vào cuộc. Tên ác quỷ giấu mặt lần lượt giết hại những người bạn của cậu, vì sao? Khi câu trả lời được vén màn bí mật, thì đề thi tàn khốc đã bị tích 5 dấu X đẫm máu. Một cuộc đấu trí so tài khốc liệt đầy kịch tính nổ ra… Ai sẽ là người thắng cuộc?
Chú thích:
Tác giả - Lôi Mễ, là giảng viên một trường Cảnh sát của Trung Quốc.
Do đặc thù nghề nghiệp, tác phẩm của anh rất chuyên nghiệp, cẩn mật, rất đáng để tìm đọc.
CHƯƠNG 20: MÈO VÀ CHUỘT
Lược dẫn: Phương Mộc và Thái Vĩ cùng đi về kí túc xá lúc nửa đêm. Trên đường đi, Thái Vĩ phát hiện ra có điều gì đó khác lạ. khi đi qua nhà vệ sinh ở tầng 1, Thái Vĩ đột nhiên đau bụng. Phương Mộc lên trước. Đột nhiên, cậu nghe thấy tiếng bước chân không phải của mình. Phương Mộc nghiêng tai nghe ngóng, nín thở đứng im, lồng ngực thở phập phồng cảm thấy lông mao toàn thân dần dần dựng đứng. Khi bước đến phòng mình (312), cậu không mở cửa phòng mà đi về hướng phía bên kia của hành lang. Ở cạnh phòng 320 có một bức tường nhô ra để quan sát. Một bóng người quen xuất hiện - là Mạnh Phàm Triết. Anh ta đứng trước cửa phòng 313 vài giây, đột nhiên giơ tay sờ vào cánh cửa. Bàn tay anh ta đang kẹp một chiếc bút. Phương Mộc bèn nghĩ ngay đến ngôi sao năm cánh trên cửa. Thấy bị phát hiện, Mạnh Phàm Triết rút bàn tay vẫn đút ở trong túi áo ra, trong tay cầm một chiếc dao rọc giấy lớn lao thẳng tới Phương Mộc.
…. Mạnh Phàm Triết đang cắn chặt hai hàm răng, bên mép toàn là bọt trắng, không khác gì một con dã thú đang nổi điên. Phương Mộc bóp chặt ngón tay đang chảy máu, vội bước lùi về phía sau, nhưng lại nghe thấy tiếng bước chân vội vã từ phía sau truyền tới.
Phương Mộc quay người, nhìn thấy Thái Vĩ đang chạy ra từ đầu phía bên kia hành lang tối om, vừa chạy vừa sờ tay vào thắt lưng.
Trong nháy mắt, Thái Vĩ đã chạy đến bên Phương Mộc, nét mặt anh vô cùng căng thẳng, kéo tay Phương Mộc ra phía sau mình. Đồng thời giơ súng trong tay lên, "Cậu không sao chứ?" không đợi Phương Mộc trả lời, Thái Vĩ đã hét lớn với Mạnh Phàm Triết: "Bỏ dao xuống, tôi là cảnh sát!".
Mạnh Phàm Triết vẫn không mảy may xúc động, cậu ta dường như không hề nhìn thấy Thái Vĩ, nhìn chằm chằm vào Phương Mộc, bước từng bước lại gần.Thái Vĩ lên nòng súng kêu "rắc" một tiếng, "Bỏ dao xuống, không tôi bắn!". Phương Mộc vội vã giữ Thái Vĩ lại, "Đừng bắn, cậu ấy là bạn học của tôi!"
Thái Vĩ nhìn gườm gườm vào Mạnh Phàm Triết, hạ búa đập vào vị trí cũ, nhét vào trong vỏ đựng súng, đồng thời dạng chân ra đứng tấn, nghiêm mặt chờ đợi.
Mấy cánh cửa phòng ký túc xá mở ra, mấy sinh viên nghe thấy tiếng động mặc áo may ô thò đầu nhìn ra ngoài, chứng kiến cái màn căng thẳng đến nghẹt thở này, kêu lên một tiếng kinh hãi rồi rụt đầu lại, ghé mắt qua khe cửa để quan sát hành lang.
Đỗ Ninh cũng ra, cậu ngẩn người mất mấy giây, không biết làm gì, bèn quay về lấy một cây gậy lau sàn chạy ra, sau khi sợ hãi đứng cạnh Phương Mộc, bèn run rẩy nói: “Mạnh Phàm Triết, cậu đừng làm bừa!”.
Mạnh Phàm Triết lúc này phát ra một tiếng gầm nho nhỏ, giơ cao dao lao đến. Thái Vĩ nhảy phắt lên trước, nhằm chuẩn, nắm chặt bàn tay cầm con dao của Mạnh Phàm Triết, cổ tay bị lật lên vốn tưởng Mạnh Phàm Triết đau đớn mà bỏ dao xuống, không ngờ Mạnh Phàm Triết không buông tay mà phải thêm một cú đòn vào đầu gối, con dao rọc giấy mới rơi xuống đất. Thái Vĩ thò tay ra phía sau túm chặt cổ áo Mạnh Phàm Triết, hất mạnh về phía trước, Mạnh Phàm Triết đập vào tường rồi ngã vật xuống đất, đau đớn đến nỗi co rúm lại.
Thái Vĩ bước nhanh đến, lật Mạnh Phàm Triết lại, lấy đầu gối giữ chặt phần lưng cậu ta, đồng thời lấy còng tay, còng hai tay Mạnh Phàm Triết ra phía sau lưng. Thái Vĩ lấy máy di dộng ra, sau khi kết nối nói một câu đơn giản: “Phòng 313, khu KTX 5 Nam Phạm, mau đến đây!”.
Sau khi gác máy, anh quay sang hỏi Phương Mộc: “Chuyện gì vậy, đây là ai, tại sao cậu ta lại muốn giết cậu?”.
Phương Mộc không hề có phản ứng trước những câu hỏi của Thái Vĩ, cậu chỉ ngẩn người nhìn Mạnh Phàm Triết đang thở dốc và rên rỉ ở dưới đất, trong đầu chỉ hiện lên hai chữ: Tại sao?
Trong hành lang đã trở nên vô cùng ồn ào, nhốn nháo, hầu như tất cả sinh viên đều chạy đến xem, có mấy người kêu lên kinh ngạc: “Đây chẳng phải là Mạnh Phàm Triết sao, sao vậy?”
Đột nhiên, Phương Mộc lao đến, quỳ xuống trước mặt Mạnh Phàm Triết, hét lớn: “Cậu nghe thấy mình nói không? Rốt cục cậu sao vậy?”.
Mạnh Phàm Triết nhắm mắt, chỉ thở dốc, không có chút phản ứng nào.
Phương Mộc thả bàn tay vẫn ấn chặt từ nãy đến giờ, lắc mạnh bả vai Mạnh Phàm Triết, “Cậu nói đi chứ, Mạnh Phàm Triết, rốt cục là có chuyện gì? Vì sao lại muốn giết mình?”
Đôi mắt Mạnh Phàm Triết bỗng chốc mở trừng trừng, ánh mắt hoảng loạn hung dữ một lần nữa lại xuất hiện trong mắt cậu ta, cậu ta ra sức ngẩng đầu lao đến cắn Phương Mộc.
Phương Mộc ngã ngồi về phía sau, Thái Vĩ đi lên trước đạp vào mặt Mạnh Phàm Triết một cái, “Mày cẩn thận một chút!”.
Phương Mộc không kịp đứng dậy, lấy tay ôm chặt chân Thái Vĩ, “Đừng đánh cậu ấy, chuyện này chắc chắn có vấn đề, bình thường cậu ấy không như thế này đâu.”
Miệng Mạnh Phàm Triết bị đá rách toạc, máu tươi chảy ra lẫn cả với cát bụi trên mặt, trông vô cùng nhớp nháp. Vết thương Phương Mộc vừa mới ấn chặt cũng nứt toác, máu chảy theo ngón tay rơi xuống đất, nhanh chóng tạo thành một vũng nhỏ. Đỗ Ninh thấy tay Phương Mộc đang chảy máu, vội vàng kéo cậu, "Mau về phòng, mình lấy băng y tế băng vết thương cho cậu." Đầu óc Phương Mộc hoàn toàn trống rỗng, mặc cho Đỗ Ninh kéo cậu về phòng 313, khi đi đến cửa, đột nhiên Phương Mộc nghĩ đến vừa rồi Mạnh Phàm Triết vẽ gì đó trên cửa, vội vàng vùng khỏi tay Đỗ Ninh, tìm kiếm thật kỹ trên cửa.
Trên cửa trắng tinh không có gì cả, Phương Mộc sau khi lướt qua một lượt, bắt đầu quan sát tỉ mỉ. Đột nhiên, ánh mắt cậu dừng lại tấm biển trên cửa.
Trên tấm biển, "3, "1", "3" giữa ba số này, bị một chiếc bút mực đen viết thêm hai dấu "+", 3+1+3 ... Phương Mộc lẩm bẩm, cảm giác bỗng chốc toàn thân lạnh toát.
Thái Vĩ thấy Phương Mộc đứng bất động ở cửa, chỉ vào Mạnh Phàm Triết vẫn đang ngọ nguậy, nói với hai sinh viên “Giúp tôi trông cậu ta”, bèn bước đến hỏi Phương Mộc: “Sao thế?”.
Phương Mộc không trả lời, mắt mở trừng trừng, ngẩn người nhìn biển số phòng. Thái Vĩ nhìn theo ánh mắt cậu, một lúc sau, Phương Mộc nghe thấy hơi thở gấp gáp của Thái Vĩ. Cậu quay đầu ra nhìn Thái Vĩ, thấy anh đang nhìn chằm chằm vào biển số phòng, Thái Vĩ không nén nổi sự hưng phấn. Đúng lúc đó, những người cảnh sát cũng vừa đến, có người cảnh sát lớn tiếng hỏi Thái Vĩ: “Đội trưởng, tình hình thế nào? Thẩm vấn ở đây hay đưa về Sở?”.
Thái Vĩ vẫy tay,“Tất cả lại đây, lại cả đây!”.
Những người cảnh sát chạy đến, Thái Vĩ bèn chỉ vào biển số phòng, giọng nói thoáng run rẩy: “Các anh em, bắt được rồi. Chính là cậu ta!”.
Những người cảnh sát đều hướng ánh mắt về tấm biển số phòng, sau vài giây yên lặng đột nhiên bùng lên những tiếng reo hò. Những người cảnh sát nhảy tưng tưng, cố ý xô đẩy nhau, một nữ cảnh sát tiến đến ôm chặt Thái Vĩ.
Phương Mộc bị kẹp giữa những người cảnh sát đang vui mừng hớn hở này, bị họ xô đẩy lắc la lắc lư. Nhưng trên mặt cậu không có lấy một nụ cười, chỉ ngẩn người nhìn biển số phòng, trong óc vẫn hiện lên hai chữ đó: Tại sao?
“Được rồi, được rồi!” Thái Vĩ huơ hươ tay ra hiệu mọi người yên lặng, trầm giọng nói: “Tất cả mọi người bắt đầu làm việc!”.
Những người cảnh sát thưa vâng một tiếng vang dội, ai vào việc nấy. Gọi thêm chi viện, phong tỏa hiện trường, đối chiếu thân phận nghi phạm… Đám người trong hành lang bị bắt phải giải tán, chỉ còn Mạnh Phàm Triết vẫn nằm dưới đất và Phương Mộc đang còn ngẩn người trước cửa phòng.
Hai người cảnh sát nhấc Mạnh Phàm Triết dậy, mỗi người giữ chặt một cánh tay kéo xuống dưới lầu, Phương Mộc chạy đuổi theo liền bị Thái Vĩ chặn lại.
“Cậu hãy đến bệnh viện trước đi, vết thương của cậu hình như khá sâu đấy!”.
“Không cần!” Phương Mộc khẩn thiết nói:“Tôi phải nói chuyện với cậu ấy, tôi cảm giác có chuyện gì đó không ổn.”
Thái Vĩ hình như không được vui, “Có gì không ổn chứ, chúng tôi quay về thẩm tra là rõ ngay thôi. Tiểu Trương”, anh gọi một người cảnh sát, “Đưa Phương Mộc đến bệnh viện.”
Người cảnh sát được ra lệnh đưa Phương Mộc đến bệnh viện ra hiệu cho Phương Mộc lên một chiếc xe bên cạnh. Lúc đi qua, Phương Mộc cứ nhìn Mạnh Phàm Triết mãi, dường như hy vọng có thể tìm ra đáp án trên khuôn mặt bạn.
Và đúng lúc đó, Mạnh Phàm Triết nhìn thấy Phương Mộc. Cậu liền lao đến cửa sổ, sự hung dữ điên cuồng trong mắt đã không còn thấy nữa, mà thay vào đó là nỗi sợ hãi và sự tuyệt vọng tột cùng. Cậu ta ra sức gõ mạnh vào cửa sổ xe, miệng kêu gào không thành tiếng, nước mắt lăn dài.
Hai người cảnh sát bên cạnh ra sức ấn người cậu xuống, thụi mạnh vào cơ thể cậu. Phương Mộc chạy đến muốn kéo cửa xe ra, nhưng trong khoảnh khắc cậu chuẩn bị bước lên song bảo hiểm phía sau, chiếc xe cảnh sát đó đột ngột khởi động, Phương Mộc ngã nhào xuống đất, đợi khi cậu đứng dậy được, chiếc xe đó quặt rẽ, chỉ còn lại tiếng còi cảnh sát chói tai vẫn vang vọng khắp trường.
Đọc văn bản trên và thực hiện theo các yêu cầu:
1: Thể loại của văn bản có chứa đoạn trích trên? Cơ sở nào khiến em nhận định như vậy?
2: Theo em nhân vật thám tử của đoạn truyện này có gì đặc biệt?
3: Em hãy chỉ ra các chi tiết tô đậm sự nhạy bén và tài năng phán đoán của nhân vật Phương Mộc.
4: Cảnh sát thì cho rằng Mạnh Phàm Triết là hung thủ giết người hàng loạt và đã bắt được hung thủ nhưng Phương Mộc thì vẫn không cho là như vậy. Anh vẫn ngăn cản cảnh sát bắn Mạnh Phàm Triết khi họ muốn bảo vệ mình. Em có đồng tình với suy luận và hành động đó của Phương Mộc hay không? Vì sao?
5: Từ nội dung của đoạn trích ở phần đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về sự cần thiết của việc phát triển tư duy suy luận logic trong cuộc sống.
Đáp án:
1.
+ Thể loại của văn bản có chứa đoạn trích trên: truyện trinh thám.
+ Cơ sở để khẳng định:
- Đề tài của truyện: Tội ác
- Yếu tố cấu thành nên tác phẩm là tội ác.
- Chủ đề: Xoay quanh truyện phá án, tìm ra lí do phạm tội.
- Nhân vật: Cảnh sát, thám tử, tội phạm, nạn nhân.
- Cốt truyện là một câu đố bí ẩn (cần có lời giải đáp: Tại sao X lại phạm tội cố ý giết người).
- Thủ pháp nghệ thuật: Tạo sự bí ẩn nhằm đánh lạc hướng người đọc; tạo sự sáng tỏ dẫn dắt người đọc đến việc giải đố bí ẩn.
- Cấu trúc hình học của hình tượng nhân vật: mối quan hệ tam giác giữa cảnh sát – thủ phạm – nạn nhân. Đây là cuộc đấu trí ngang ngửa giữa thủ phạm với người dân thường là cậu sinh viên Phương Mộc vô tình bị kéo vào cuộc và cảnh sát.
2. Nhân vật thám tử của truyện này có điểm đặc biệt là anh ta không phải là một thám tử chuyên nghiệp, chỉ là một sinh viên bình thường và vô tình bị cuốn vào công việc điều tra vụ án đồng thời cũng là nạn nhân trong đoạn truyện được trích dẫn.
3. Các chi tiết tô đậm sự nhạy bén và tài năng phán đoán của nhân vật Phương Mộc.
- Nghe tiếng bước chân không phải của mình phán đoán có người đang đi theo.
- Không đi về phòng mình ngay mà cẩn thận chọn chỗ ẩn nấp, quan sát nhằm khẳng định sự nghi ngờ của bản thân.
- Sử dụng các mảnh kính vỡ, sắp xếp chúng để có thể quan sát từ chỗ nấp chứng tỏ Phương Mộc rất thông minh.
- Quan sát đôi mắt của Mạnh Phàm Triết biết anh này hành động không bình thường là có lí do.
- Ngăn cản cảnh sát không bắn Mạnh Phàm Triết vì biết rõ anh ta không phải là hung thủ thật sự.
- Quan sát dãy số ghi trên của rất tỉ mỉ….
- Trong khi cảnh sát kết luận tội phạm đã bắt được thì Phương Mộc vẫn không cho là như vậy.
4. Em vừa đồng tình vừa không đồng tình với suy luận và hành động đó của Phương Mộc.
+ Em không đồng tình vì: có thể xem hành động dùng dao dọc giấy để tấn công Phương Mộc là hành vi cố ý giết người. Tính mạng của Phương Mộc bị đe dọa và nguy hiểm. Khi cái chết cận kề, cảnh sát rút súng bắn Mạnh Phàm Triết để bảo vệ nạn nhân đang bị tấn công là đúng. Nếu cảnh sát không tới kịp và ngăn cản, khống chế Mạnh Phàm Triết kịp thời, có thể Phương Mộc khó thoát khỏi cái chết vì anh không đủ khả năng khống chế được con quỷ ác lúc đó trong cơ thể của Mạnh Phàm Triết.
+ Em đồng tình vì: qua sự quan sát và thử phản ứng của Mạnh Phàm Triết lúc va chạm, Phương Mộc có thể đã nhận ra thái độ và hành động của Mạnh Phàm Triết không phải là do anh ta chủ ý như vậy mà là vì những lý do khác như: bị đầu độc bằng một loại thuốc kích thích bộ não gây ảo giác, bị khống chế và điều khiển bằng một thuật thôi miên nào đó…
5. Mọi hoạt động hằng ngày trong cuộc sống của con người đều thông qua tư duy logic và vận dụng tư duy logic để thực hiện các mục đích, dự định của mình được hiệu quả nhất. Thông qua quá trình hoạt động liên tục, con người dần phát hiện ra các thao tác của tư duy và sắp xếp nó thành một chuỗi phù hợp tạo thành tư duy logic. Tư duy logic là một hoạt động suy luận, tư duy của bộ não nhằm giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Hay nói một cách đơn giản, nó là một kỹ năng vận hành của bộ não mà thông qua đó trí thông minh của con người được nuôi dưỡng, phát triển và đạt đến một trình độ nhất định. Trong học tập tư duy logic đóng vai trò rất quan trọng, các nghiên cứu đã chỉ ra người sở hữu tư duy logic sẽ có tiếp nhận kiến thức một cách nhanh chóng và mạch lạc hơn. Vì vậy, việc rèn luyện cho mình tư duy logic sẽ giúp quá trình học tập của bạn trở nên hiệu quả hơn. Đối với công việc, nếu có tư duy logic, bạn sẽ giải quyết vấn đề hiệu quả, chính xác hơn. Người có tư duy logic luôn không bị chi phối bởi cảm xúc trong công việc và tránh được những mâu thuẫn không cần thiết ở nơi công sở. Trong cuộc sống hằng ngày, rất khó tránh khỏi những tác động của yếu tố chủ quan mang tính cảm xúc cao, đôi khi dẫn đến những mâu thuẫn trong gia đình và cuộc sống. Nếu bạn dùng tư duy logic để nhận biết vấn đề và lập luận dựa trên tính khách quan sẽ giúp bạn đưa ra những vấn đề hợp tình hợp lý, đó cũng chính là yếu tố tạo nên sự hài hòa trong gia đình. Mỗi cá nhân sẽ có một cá tính riêng và những đặc thù riêng, có những điểm yếu, điểm mạnh khác nhau, do đó, không nên đi theo một lối mòn có sẵn, sự rập khuôn có thể khiến bạn gặp thất bại. Vì vậy, để rèn luyện tư duy logic bạn nên lựa chọn cho mình một phương pháp phù hợp với thế mạnh của bản thân mình nhất nhé.
Câu 2: Đọc văn bản sau:
NGƯỜI PHẢI CHẾT
Lược dẫn: Mọi người tập trung rất đông ở trước Đông Dương đại học đường để chờ đón vị bác sĩ trẻ tài ba Trần Thế Đoàn nhưng đã quá giờ mà chưa thấy anh ta đâu. Có người cho rằng “Anh này có vẻ một danh nhân muốn cho mọi người chờ đợi mình...” Trong số những người đứng chờ ở đó có một phóng viên trẻ tuổi – Lê Phong. Không để ý đến vẻ náo động của đám đông, anh ta cứ đi đi lại lại một cách lơ đãng, thỉnh thoảng đứng lại biên mấy chữ lên một cuốn sổ tay. Rồi lại thản nhiên lững thững đi trong phòng như đi giữa chỗ vắng. Tuy vậy, ai nhận kỹ, cũng thấy đôi mắt anh ta vẫn tinh nhanh và quan sát từng cử chỉ của mọi người, quan sát rất chóng nhưng rất chu đáo. Nét mặt linh động với cái miệng mím lại chốc chốc thoáng qua. Rồi người bác sĩ họ Trần cũng đến, một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng trong 3 phút đã diễn ra….
Người thiếu niên bỗng hỏi một câu đột nhiên:
- Lúc nãy ông ở nhà viết một bức thư dài phải không ? Ông cần viết đến nỗi chút nữa thì lỡ mất một việc quan trọng là hôm nay có cuộc phát bằng long trọng.
Đoàn kinh ngạc nhìn người thiếu niên thì anh ta tiếp:
- Mà lại vừa nhận được một bức thư lạ, một bức thư làm cho ông bối rối có phải không?
Vẻ kinh ngạc của Đoàn lại càng rõ rệt, nhưng người thiếu niên cứ bình tĩnh nói, tiếng hạ thấp, có ý chỉ riêng Đoàn nghe.
- Thưa ông, bức thư ấy nói những gì, xin ông cho biết.
Bây giờ Đoàn mới trấn định được tâm trí, hỏi lại người thiếu niên:
- Những điều ấy có liên lạc gì với việc ông phỏng vấn tôi?
- Vâng! Không có liên lạc gì, hay chỉ liên lạc ít thôi, nhưng đó là điều rất quan hệ. Thưa ông Trần Thế Đoàn, xin ông nghe tôi và trả lời cho tôi rành mạch. Ông có những kẻ thù ghê gớm toan hại ông, những kẻ thù ấy ông có biết không và nếu biết, ông có rõ được một chút gì về mưu mô của họ không?
Đoàn lúc ấy lại nhìn người thiếu niên một cách rất kỳ dị,chưa kịp đáp thì anh ta lại nói:
- Xin ông cho biết, đó là những điều cực kỳ quan trọng, vì. . .
Đoàn bỗng hỏi:
- Nhưng ông là ai?
- Tôi là phóng viên báo “Thời Thế”.
- Vâng. Nhưng là người... Tên ông là gì?
- Tên tôi là Lê Phong, và là người rất có cảm tình với ông.
- Ông Lê Phong! Tôi vẫn biết tiếng ông... Tôi định đến thăm ông để hỏi những việc riêng và cần ông giúp.
Lê Phong đáp:
- Càng hay, vì những việc riêng ấy chính lúc này là lúc ông nên nói ra.
- Không, tôi không nói ở đây được xin mời ông lại chơi nhà hay chốc nữa ra, tôi sẽ xin đến báo "Thời Thế”. Bây giờ (Đoàn nhìn đồng hồ) bây giờ gần đến giờ rồi, xin lỗi ông. À mà tại sao ông biết?
- Biết gì kia?
- Biết các điều ông hỏi tôi. Ông biết từ bao giờ?
-Vừa rồi.
-...?...
- Vâng. Vết mực ở ngón tay ông, ông viết bức thư dài, ông chưa kịp rửa tay, và đến muộn, còn bức thư mới nhận được, ông nhét nó vào túi áo một cách cũng vội vã đến nỗi để tôi trông thấy mé phong bì nhô lên. . . Còn về những kẻ thù của ông thì tôi cũng vừa mới thấy trong lúc tôi nói chuyện với ông, tôi vẫn để ý đến hai người lạ mặt đứng cách đây ngót 10 thước và nhìn ông một cách hằn học không biết ngần nào. Chúng lẩn xa rồi.
Nhưng tôi vẫn nhận được: một người ăn vận quần áo tím thẫm, đeo kính trắng, quấn phu la tuy trời không rét lắm, còn người kia thì rỗ hoa mặc quần áo màu tro, cao lớn, và cụt một tay.
Đoàn kêu sẽ lên một tiếng:
-Trời ơi! Người cụt tay?
-Vâng cụt tay trái, tay ấn thọc luôn vào túi, nhưng tôi vẫn chú ý nên không giấu được tôi...
Đoàn nhắc đi nhắc lại:
- Người cụt tay? Trời ơi! Tôi hiểu rồi, suốt mấy ngày nay, khi ở trường ra, khi sắp bước vào nhà, khi đi xem chiếu bóng hay ở hiệu cao lâu, lúc nào cũng vậy, ở đâu cũng vậy, tôi thường gặp hắn, tôi cũng chú ý đến cái tay cụt ấy, nhưng tôi không ngờ gì... Đến bây giờ...
Mặt Đoàn tái xanh đi. Chàng hốt hoảng nhìn ra, không trả lời những tiếng chào hỏi của những người bạn qua đấy như trước nữa. Chàng thốt nhiên nắm lấy tay Lê Phong:
- Ông Lê Phong, nếu vậy thì tính mệnh tôi nguy mất, tính mệnh tôi nguy thật, ông. . . Tôi nhờ ông tìm giúp kẻ thù tôi nhé . . .ông ngăn cản hộ, tôi biết chỉ ông ngăn cản nổi...
Giọng nói mỗi lúc một thêm van vỉ:
- Vâng, xin ông giúp tôi, ông cứu tôi... Trời! Đến lúc này,việc tôi sắp thành, kết quả gần thấy rồi, mà... Hôm nay là một ngày quan trọng trong đời tôi, nhưng tôi cũng không được vui mấy.
- Thế ra ông biết cách hành động của kẻ thù đã lâu.
- Tôi biết gì? Có lẽ tôi ngờ thôi... Tôi vẫn ngờ rằng có kẻ muốn hại tôi, nhưng mãi hôm nay, mãi lúc này, tôi mới biết rõ.
-Thế sao ông không đi trình sở Liêm phóng?
- Tôi cũng định thế, nhưng xét ra có điều bất tiện. Ông Lê Phong, ông tìm ra nhé! ông đi bắt ngay hộ hai đứa nhé. Tôi đến điên cuồng lên mất?
Lê Phong ôn tồn nói:
- Đi bắt! Tôi chỉ là người nhà báo. . . Vả lại chúng nó không ở đây nữa, chúng hẳn tránh xa rồi.
- Ông chắc không?
Lê Phong toan trả lời "Tôi đoán thế”. Nhưng muốn an ủi Đoàn, anh ta nói:
- Chắc. Nhưng ông vẫn phải đề phòng cẩn thận. Bây giờ xin ông cứ yên tâm vào giảng đường vì hình như đến giờ rồi. À quên, ông đứng lại để tôi chụp ông bức ảnh.
Bấm xong bức ảnh. Lê Phong bắt tay người thiếu niên bác sĩ lúc đó vừa có người ra gọi, rồi lững thững đến ngồi lên một cái ghế dài gần cửa, cặm cụi viết lên cuốn sổ tay.
Anh ta vừa viết được cái đầu đề:
-“Một cuộc phỏng vấn vội vàng. Mấy phút cùng thiếu niên bác sĩ Trần Thế Đoàn, một nhà thông thái kỳ dị...”
Bỗng đập tay xuống ghế chép miệng:
- Ồ ngốc chưa ! Vội gì thì vội, nhưng quên không xem bức thư lạ lùng kia thì ngu thực...
Ngẫm nghĩ một lát, lấy đồng hồ xem. Lê Phong toan đứng dậy, nhưng vẫn ngồi yên. Anh tắc lưỡi một cái, rồi viết rất nhanh, vừa viết vừa đưa mắt nhìn mấy người đến chậm vội vã bước vào giảng đường.
Lúc bốn trang giấy nhỏ đã đầy chữ. Lê Phong bước ra ngoài, đến bên một người ghếch xe đạp đợi ở vệ đường, đưa cái "Tin" mới xé ở sổ tay ra cho hắn và dặn:
- Anh về ngay tòa báo, bảo sửa qua bài tôi viết, rồi đăng ngay, cần lắm. Trang nhất, đầu đề rất to, mau lên cho kịp số hôm nay.
Rồi ngoắt quay vào, anh lẩm bẩm nói một cách rất sung sướng:
- Nào! Lê Phong, đem hết sức hết trí ra! Câu chuyện không đến nỗi tầm thường lắm.
Sắp bước lên thang để vào chỗ dành riêng cho các phóng viên, Lê Phong chợt để ý đến một mảnh giấy nhỏ rơi dưới đất. Anh nhặt lên và bất giác kêu lên một tiếng sẽ: "Ô! lạ chưa!".Trên mảnh giấy có mấy hàng chữ này, lối chữ in hoa, vạch bằng bút chì:
"Lê Phong, anh coi chừng đó, đừng dúng tay vào việc này mà mang họa. Hôm nay Trần Thế Đoàn phải chết, nhưng anh không được tìm, được hiểu, được trông thấy, nghe thấy một điều gì”.
Thực hiện theo các yêu cầu:
1: Thể loại của văn bản có chứa đoạn trích trên? Cơ sở nào khiến em nhận định như vậy?
2: Truyện được kể bằng ngôi kể thứ mấy? Tác dụng của việc sử dụng ngôi kể đó?
3: Nhân vật chính trong đoạn truyện trên là ai? Dựa vào văn bản đọc, em hãy chia sẻ những hiểu biết của mình về nghề phóng viên?
4: Theo em nhan đề của văn bản hé lộ điều gì?
5: Nhân vật thám tử Lê Phong đã thể hiện những đặc điểm gì của nhân vật chính trong truyện trinh thám? Làm rõ ý kiến của em bằng những chi tiết trong văn bản.
6: Từ nội dung của câu chuyện, em rút ra bài học gì cho bản thân?
Đáp án:
1.
- Thể loại của văn bản có chứa đoạn trích trên: truyện trinh thám.
- Cơ sở để khẳng định:
+ Đề tài của truyện: Tội ác.
+ Yếu tố cấu thành nên tác phẩm chính là tội ác.
+ Chủ đề: Xoay quanh truyện phá án, tìm ra lí do phạm tội.
+ Nhân vật: Thám tử - Phóng viên (có tài năng đặc biệt), nạn nhân và kẻ tội phạm.
+ Cốt truyện là một câu đố bí ẩn (cần có lời giải đáp: Tại sao X lại phạm tội cố ý giết người).
+ Thủ pháp nghệ thuật: Tạo sự bí ẩn nhằm đánh lạc hướng người đọc; tạo sự sáng tỏ dẫn dắt người đọc đến việc giải đố bí ẩn.
+ Cấu trúc hình học của hình tượng nhân vật: mối quan hệ tam giác giữa cảnh sát – thủ phạm – nạn nhân. Đây là cuộc đấu trí ngang ngửa giữa thủ phạm với chàng phóng viên Lê Phong tài ba.
2.
- Câu chuyện được kể bằng ngôi thứ ba.
- Tác dụng ngôi kể của nhân vật này đối với nội dung câu chuyện:
+ Tạo cái nhìn khách quan về những sự việc xảy ra.
+ Giúp người kể có thể kể linh hoạt nội dung của câu chuyện.
3.
* Nhân vật chính trong đoạn truyện trên là Lê Phong – một phóng viên rất tài ba - một thám tử nghiệp dư tay ngang.
* Những hiểu biết của em về nghề phóng viên:
- Phóng viên là người làm nghề chuyên chụp ảnh, săn tin, xử lý thông tin, viết bài để đăng cho các tòa soạn báo, tạp chí, truyền hình…
- Công việc của phóng viên bao gồm: quan sát, ghi chép, phỏng vấn người đưa tin, viết bài hoặc sáng tạo nội dung về các sự kiện, tin tức quan trọng.
- Để trở thành một phóng viên thực thụ, cần phải đáp ứng một số yêu cầu cơ bản như sau:
+ Nhạy bén với tin tức, nắm bắt và xử lý thông tin một cách nhanh chóng.
+ Kỹ năng viết bài rõ ràng, xúc tích và mang tính thuyết phục.
+ Kỹ năng giao tiếp, phỏng vấn để thu thập và lấy thông tin từ các đối tượng liên quan.
+ Khả năng nghiên cứu và phân tích thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, đảm bảo tính chính xác của thông tin.
+ Làm việc dưới áp lực công việc tốt, bởi phóng viên thường phải làm việc dưới áp lực thời gian và khối lượng khá lớn.
+ Trung thực, đưa tin đúng nội dung, không xào nấu làm sai sự thật.
+ Có khả năng làm việc và phối hợp đội nhóm tốt.
+ Cẩn thận, tỉ mỉ, đảm bảo tính chính xác của nội dung cung cấp đến công chúng.
+ Không ngại học tập và tiếp thu thêm kiến thức mới.
4. Theo em nhan đề của văn bản “Người phải chết” đã hướng sự chú ý của độc giả vào câu chuyện ngay từ nhan đề. “Người phải chết” đã bộc lộ tính chất chủ đề của câu chuyện một “tội ác” sắp sửa được thực hiện; kích thích trí tò mò và khả năng phán đoán của người đọc, hé lộ nạn nhân của vụ án này là ai.
5.
* Nhân vật thám tử Lê Phong thể hiện những đặc điểm nổi bật của nhân vật chính trong truyện trinh thám:
- Khả năng quan sát tỉ mỉ.
- Khả năng suy luận logic.
- Kiến thức uyên bác.
- Tư duy độc lập.
- Lòng dũng cảm.
* Các chi tiết tô đậm tài năng của phóng viên tài ba Lê Phong:
+ Nhạy bén với tin tức, nắm bắt và xử lý thông tin một cách nhanh chóng.
+ Nhìn vết mực trên ngón tay và bức thư trong túi của Trần Thế Đoàn mà biết được anh ta vì phải viết 1 bức thư rất dài nên đến muộn.-> khả năng quan sát tinh tế, tư duy logic cao, phán đoán chuẩn xác.
+ Nhìn bức thư nhét vội trong túi áo vị bác sĩ trẻ Thế Đoàn và quan sát thấy có 2 kẻ khả nghi đứng quanh đó mà biết được có kẻ đang muốn ám sát bác sĩ này.-> khả năng quan sát tinh tế, tư duy logic cao, phán đoán chuẩn xác.
+ Hành động ghi chép tỉ mỉ, chụp ảnh chuyên nghiệp, xử lý thông tin và đưa tin nhanh chóng. -> Đây chính là yếu tố cần có của một phóng viên chuyên nghiệp.
+ Hé lộ cho Thế Đoàn biết kẻ cụt tay là tên sát thủ nhằm cảnh báo cho nạn nhân biết mà đề phòng.-> hành động trượng nghĩa.
+ Mảnh giấy đe dọa, ngăn cản Lê Phong "Lê Phong, anh coi chừng đó, đứng dúng tay vào việc này mà mang họa. Hôm nay Trần Thế Đoàn phải chết, nhưng anh không được tìm, được hiểu, được trông thấy, nghe thấy một điều gì.” Cho biết tài năng phá án của anh. Anh đã từng nhúng tay tìm ra chân tướng rất nhiều vụ án. Cả nạn nhân và kẻ thủ phạm đều biết rõ khả năng này của anh.
6. Bài học:
+ Biết nhiều quá đôi khi cũng gặp nguy hiểm.
+ Giỏi quá đôi khi cũng gặp họa.
+ Kẻ ác luôn đứng trong bóng tối.
+ Cần học cách bảo vệ bản thân.
+ Cần rèn cho mình khả năng quan sát và tư duy logic để phán đoán tình hình….
Câu 3: Đọc văn bản sau:
SÁU KẺ TÌNH NGHI
(Phạm Cao Củng)
Tóm lược đoạn đầu: Tất cả sáu người tham dự bữa tiệc ở nhà ông Phạm Viên, giám đốc hãng xuất nhập khẩu khi ông ấy bị ám sát đang chờ gặp thanh tra Trúc Tâm vì thanh tra đã tìm ra manh mối vụ Phạm Viên. Thanh tra tóm tắt mối quan hệ của 6 người với chủ nhà Phạm Viên: Huyện Lý là một người bạn cũ từ thời cắp sách đi học của ông Phạm Viên, còn ông Dương Ba thì là người vẫn thường giao dịch buôn bán với nạn nhân cũng đã tới non chục năm nay. Còn ông Phan Vỹ thì lại là cháu của Phạm Viên. Thường thường mỗi khi ở dưới tỉnh lên có công chuyện gì thì ông vẫn thường lưu lại ở nhà chú ông, như nhiều người đều biết. Ông Sen thì tuy giữ chức trưởng văn phòng trong hãng xuất nhập khẩu nhưng có thể cũng là thư ký riêng của Phạm Viên. Ông bà Ba đây thì ai ai cũng biết là người đại diện cho hãng tại Hương Cảng. Ông bà mới về chơi thăm quê, nên tiện dịp, ông Phạm Viên mới mời ông bà lại ăn cơm tối. Ai cũng cố chứng minh mình không phải là thủ phạm. Thanh tra Trúc Tâm tường thuật lại việc xảy ra trong đêm ấy: “Sau khi mọi người ăn uống xong xuôi, thì ông Phạm Viên xin lỗi mọi người trở về phòng riêng, vì ông hơi mệt mỏi và nói với mọi người cứ tự nhiên, không chừng tôi sẽ trở lại. Đã 11 giờ 15, ông Phan Vỹ nói: “Có ai dùng Bisquit không? Để tôi đi rót vài ly, chai Bisquit còn lại chỉ còn vừa rót đầy hai ly thôi.” Phan Vỹ đi xuống nhà dưới để lấy chai khác lên uống... và vừa toan bước vào, thì có tiếng súng nổ ở phía trên lầu ba, tức là nơi phòng riêng của ông Phạm Viên... mọi người cùng nhau chạy lên trên lầu, và thấy cửa phòng ông Phạm Viên mở hé, chiếc tủ bị lục tung còn chính chủ nhân thì nằm sóng sượt trên chiếc ghế xích-đu, ngực bị trúng một viên đạn súng lục cỡ 6,35 xuyên thủng phổi, nên đã chết tự lúc nào... Cuộc điều tra cho biết: hung thủ hạ sát ông Phạm Viên có lấy được số bạc chừng 7, 8 ngàn đồng mà ông bỏ trong hộc tủ...
Nhìn khắp mọi người một lượt, Trúc Tâm lại thong thả tiếp:
- Theo lệ thường, trong các cuộc điều tra, trước hết chúng tôi cần biết: kẻ nào sẽ được lợi sau khi Phạm Viên chết đi. Nhưng đối với tất cả 6 vị ở đây, tôi đều thấy ai ai cũng có thể có duyên cớ hợp lý để... hạ sát Phạm Viên hoặc là cầu lợi, hoặc là trả một mối thù riêng, mà họ đã giữ kín từ lâu nay...
Thấy cử tọa có vài người muốn nói, Trúc Tâm giơ tay cản lại, mà tiếp luôn:
Những điều tôi nói đây đều có chứng cớ xác thực, vậy xin bất tất ai phải chối cãi làm gì... Riêng có điều: khi tiếng súng nổ, kết liễu đời Phạm Viên, thì tất cả 6 quý vị ở đây, đều có mặt trong phòng khách cả, vậy lý đương nhiên, không một ai có thể nhúng tay vào vụ ám sát này...
Nghe Trúc Tâm nói tới đây, mọi người như trút được gánh nặng, thở phào khoan khoái... Ngưng lại ít phút, Trúc Tầm lại nhìn mọi người mà hỏi:
- Trong quý vị đây, mấy bữa trước có ai đi xem chiếu bóng hay tuồng kịch gì không? Ông Ba Cự đáp:
- Tôi và nhà tôi mấy bữa trước có đi coi gánh Hoàng Thanh diễn vở Huyền Châu Nữ...
Vừa nói, ông Ba Cự vừa sờ vào túi, như có ý định tìm hai cuống vé vào cửa, nhưng ông bỗng lắc đầu:
- Quái, tôi nhớ lúc tôi móc túi lấy gói thuốc hút, còn thấy hai cuống vé trong túi, không hiểu tôi lại vứt đâu lúc nào rồi...
Trúc Tâm mỉm cười, nói:
- Cái đó không sao... Bây giờ, tôi chỉ xin quý vị hãy chú ý lắng nghe tôi nói... Tuy tuyên bố như vậy, nhưng Trúc Tâm chỉ vén tay áo coi giờ, rồi ngồi lặng thinh, như chờ đợi cái gì, chứ chưa nói năng chi hết. Khoảng năm phút sau, chàng thanh tra thám tử mới lớn tiếng hỏi:
Anh Năm có đấy không?
Trúc Tâm ra lệnh: “Khởi sự đi anh Năm!”
Thế là chưa đầy hai phút sau, một tiếng nổ rền từ lầu ba vọng xuống... Trúc Tâm hỏi mọi người:
Quý vị có nghe thấy gì không?
Mọi người cùng đáp: Có tiếng súng nổ, đúng như đêm xảy ra án mạng.
Trúc Tâm mỉm cười, rồi đúng lúc Phan Vỹ vùng đứng lên thì Trúc Tâm cũng đã áp tới, rút khóa tay, còng ngay hắn lại. Và Trúc Tâm cắt nghĩa:
Phan Vỹ giết ông Phạm Viên không ngoài ý muốn sang đoạt gia tài, vì ông Phạm Viên không có con cái chi hết. Tên cháu bất lương này có lẽ đã tính toán từ lâu... Mà không chừng, hắn đã tập diễn thử và thấy mọi lớp lang sắp đặt đều hoàn toàn đúng nhịp... Chai Bisquit, hắn cũng đã để sẵn từ trước, chai gần cạn thì là một cái cớ cho hắn đi ra ngoài, còn chai đầy hắn để sẵn giấu trong chiếc giỏ đựng đầy giấy, bên phòng làm việc bên cạnh đấy.
Nghe tới đoạn này, ông Ba Cự nói:
- A, tôi nhớ ra rồi, hai cuống vé coi hát, hồi chiều hôm ấy, tôi có vứt vào giỏ đựng giấy, khi ngồi tính toán công chuyện với ông Phạm Viên...
Trúc Tâm mỉm cười nói tiếp:
- Chính nhờ có cuống vé coi hát, dính ở dưới trôn chai rượu mà tôi biết được rõ rệt vụ này... Khi nói đi lấy rượu thì Phan Vỹ đã lên nhanh trên lầu, bắn chết Phạm Viên, rồi hẳn đặt một chiếc pháo vào trong một chiếc lư đồng lớn, bày trên
tủ chè, châm ngòi đốt. Nhanh nhẹn, Phan Vỹ trở xuống dưới nhà, lấy chai rượu đầy, mở cửa vào phòng khách... Vì lần trước cửa đóng nên không ai nghe thấy tiếng súng nổ, còn lần sau, tiếng pháo nổ mọi người cùng nghe vì hung phạm đã khôn ngoan mở rộng cửa lúc bước vào trong... Tất cả kế hoạch của Phan Vỹ chỉ nhằm một mục đích: làm sao cho mọi người tưởng ông Phạm Viên bị bắn khi hắn lại có mặt ở đây!
(Phạm Cao Củng, Chiếc tất nhuộm bùn - Thám tử Kỳ Phát. NXB Công an nhân dân, 2018)
------------------------------
Phạm Cao Củng (1913 - 2012) là nhà văn chuyên viết truyện trinh thám, nổi tiếng trước năm 1945. Ông được xem là “Vua truyện trinh thám Việt Nam” và cũng được coi là người viết truyện trinh thám đầu tiên của Việt Nam.
Trả lời câu hỏi từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn)
1. Tóm tắt các sự việc, nêu nhân vật chính và thể loại của văn bản Sáu kẻ tình nghi.
2. Sự việc nào cần làm sáng tỏ? Truyện được kể bởi ai?
3. Xác định một số manh mối quan trọng trong vụ án mạng ông Phạm Viên. Phân tích và đánh giá vai trò của người điều tra trong toàn truyện.
4. Nhân vật tội phạm Phan Vỹ được tác giả khắc họa như thế nào? Hắn có vai trò gì trong văn bản Sáu kẻ tình nghi?
5. Những yếu tố nào trong văn bản Sáu kẻ tình nghi trên có khả năng tác động mạnh mẽ tới người đọc? Xác định, phân tích yếu tố tác động tới nhận thức của em về con người?
Đáp án:
1.
- Tóm tắt:
SAU KẺ TÌNH NGHI (Phạm Cao Củng)
Truyện bắt đầu khi sáu người tham gia bữa tiệc ở nhà ông Phạm Viên đang chờ đợi thanh tra Trúc Tâm, người đã tìm ra manh mối của vụ án ám sát ông Phạm Viên. Thanh tra tóm tắt mối quan hệ giữa sáu người và chủ nhà Phạm Viên. Thanh tra Trúc Tâm phân tích rằng mỗi người đều có lợi ích khi Phạm Viên qua đời, nhưng tất cả đều không có chứng cớ chối cãi. Thậm chí, vào lúc thanh tra đang nói, tiếp tục diễn ra một tiếng súng nổ giống như trong đêm án mạng. Thanh tra kết luận: Phan Vỹ đã thực hiện một kế hoạch tinh tế để làm mọi người tưởng tượng rằng ông Phạm Viên tự sát. Phan Vỹ đã sử dụng một chiếc pháo và một chiếc lư đồng để tạo ra tiếng súng nổ và bùn nước, tất cả để che đậy vụ án ám sát. Cuối cùng, nhờ vào một chiếc vé coi hát bị dính ở trên chai, thanh tra phát hiện ra kế hoạch của Phan Vỹ và đưa ra ánh sáng sự thật. Khi
- Nhân vật chính: Tranh tra Trúc Tâm và Phan Vỹ.
- Văn bản Sáu kẻ tình nghi là: truyện trinh thám.
2.
- Sự việc cần sáng tỏ: kẻ đã giết ông Phạm Viên.
- Truyện được kể bởi: ngôi thứ ba, người ở ngoài quan sát sự việc.
3.
- Manh mối quan trọng trong vụ án mạng ông Phạm Viên: cuống vé xem hát; khảo sát về chai rượu và pháo; kẻ được lợi nhất trong cái chết của ông Phạm Viên.
- Cuộc điều tra của thanh tra Trúc Tâm: Cuộc điều tra của thanh tra Trúc Tâm có vai trò làm sáng tỏ vụ án mạng.
+ Thanh tra Trúc Tâm là người quyết định, vì anh ta đã tìm ra manh mối về cuộc đời và quan hệ giữa các nhân vật. Cuộc điều tra của anh không chỉ tập trung vào bằng chứng vật chất mà còn vào tâm lý và mối quan hệ, giúp đưa ra cái nhìn toàn diện về vụ án.
+ Khảo sát về chai rượu và pháo:
Vai trò: Chai rượu và chiếc pháo được sử dụng để tạo tiếng súng nổ.
→ Những manh mối trên đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện tội ác và làm sáng tỏ vụ án mạng. Chúng giúp người đọc cảm nhận sự phức tạp của câu chuyện, đồng thời thách thức khả năng tư duy và suy luận của họ, tăng tính hấp dẫn và kịch tính của truyện.
4.
- Nhân vật tội phạm Phan Vỹ được tác giả khắc họa là kẻ có tính cách phức tạp và mưu mô, tham lam và vô cùng tàn nhẫn.
+ Anh ta là kẻ ranh mãnh, có khả năng lên kế hoạch rất hoàn hảo.
+ Kế hoạch giả mạo: từ chai rượu đến đi rót rượu, thời gian ngoại phạm.
+ Mối quan hệ gia đình, đặc biệt là quan hệ giữa Phan Vỹ và Phạm Viên tạo ra một lớp tình thế phức tạp. Điều này không chỉ làm giàu nội dung mà còn tăng cường sự liên kết giữa những nhân vật khác trong câu chuyện.
- Nhân vật có vai trò trong sự phát triển của câu chuyện: Phan Vỹ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của câu chuyện. Hành động và mưu đồ của anh tạo ra những thách thức và bất ngờ, làm tăng độ hồi hộp và căng thẳng cho độc giả.
5.
- Những yếu tố trong văn bản Sáu kẻ tình nghi trên có khả năng tác động mạnh mẽ tới người đọc:
+ Sự ranh mãnh và nhẫn tâm của nhân vật Phan Vỹ: Phan Vỹ được khắc họa là kẻ tội phạm thông minh, mưu mô, và nhẫn tâm. Hắn lập kế hoạch tỉ mỉ để giết chú mình, ông Phạm Viên, nhằm chiếm đoạt tài sản. Điều này khiến người đọc cảm nhận được sự nguy hiểm và phức tạp trong tâm lý con người, đồng thời làm tăng sự căng thẳng và hồi hộp khi theo dõi câu chuyện.
+ Quá trình phá án thông minh của thanh tra Trúc Tâm: Thanh tra Trúc Tâm được xây dựng là người thông minh, kiên trì, và có khả năng suy luận sắc sảo. Anh không bỏ sót bất kỳ chi tiết nào từ chai rượu, pháo, đến cuống vé xem hát. Cách xử lý logic và cẩn thận của anh giúp phá giải vụ án một cách thuyết phục, tạo cảm giác ngưỡng mộ và tin tưởng vào công lý trong lòng người đọc.
+ Chi tiết kết thúc câu chuyện: Kết thúc câu chuyện khi Phan Vỹ bị bắt và tội ác của hắn được vạch trần mang lại sự thỏa mãn cho người đọc. Nó khẳng định rằng công lý sẽ luôn chiến thắng và những kẻ phạm tội sẽ phải đền tội. Kết thúc này cũng tạo ra cảm giác nhẹ nhõm và sự tin tưởng vào pháp luật.
- Yếu tố tác động tới nhận thức của em về con người:
+ Sự phức tạp trong tâm lý con người: Qua nhân vật Phan Vỹ, em nhận thấy rằng lòng tham và sự tàn nhẫn có thể khiến con người trở nên độc ác và nguy hiểm. Điều này giúp em hiểu hơn về sự phức tạp và đa dạng trong tâm lý con người, từ đó có cái nhìn sâu sắc và thận trọng hơn trong cuộc sống.
+ Niềm tin vào công lý và pháp luật: Nhân vật thanh tra Trúc Tâm với sự thông minh và kiên trì đã khẳng định rằng công lý sẽ luôn chiến thắng. Điều này tạo ra niềm tin mạnh mẽ vào pháp luật và công lý, đồng thời khích lệ em luôn cố gắng làm điều đúng đắn và bảo vệ sự thật trong mọi hoàn cảnh.
Câu 4: Đọc văn bản sau:
MỘT VỤ CHẾT ĐUỐI (Agatha Christie)
Bà Marple đến gặp cựu cảnh sát Henry và nói: “... con bé này... Rose Emmott. Không phải nó nhảy sông tự vẫn... người ta giết nó... Tôi còn biết ai là thủ phạm... và viết một mảnh giấy đưa cho ông. Ông cảnh sát trưởng nói với ngài Henry và và viên thanh tra mật thám Drewitt đi điều tra, lúc đầu, Sandford - một kiến trúc sư trẻ về đây được một tháng là nghi can số một, vì trong túi áo nạn nhân có mảnh giấy hẹn gặp của hắn, sau đó là Joe Ellis làm nghề thợ mộc rất mê Rose Emmott. Cả ba đi điều tra: đến nhà Emmott, Sandford đều không có manh mối gì.
Joe Ellis ở trọ nhà của bà Bartlett - một góa phụ, lo việc giặt ủi quần áo. Bà cho biết từ tám giờ đến tám rưỡi, Joe Ellis lo sửa tủ đựng chén bát dưới bếp suốt cả buổi tối, còn bà thì lo giúp một tay. Ngài Henry nhìn nét mặt bà tươi cười, chợt một thoáng hồ nghi hiện ra trong đầu. Melchett mở đầu câu chuyện:
- Chúng tôi đang mở cuộc điều tra về cái chết của Rose Emmot. Anh biết cô ta chứ, Ellis?
- Có, tôi chờ ngày được cưới nàng. Vậy mà, hắn xô nàng xuống nước, chính hắn. Lấy gã rồi nàng cũng sẽ khổ. Tôi biết đến lúc đó nàng sẽ lại tìm tôi. Tôi sẽ lo hết cho nàng.
- Tối qua lúc tám rưỡi anh ở đâu, Ellis? Phải chăng do ngài Henry quá tưởng tượng hay là câu trả lời đã được anh ta sắp sẵn trong trí nên anh ta trả lời nhanh chóng.
- Tôi ở nhà đây, lo sửa tủ kệ ở dưới nhà bếp cho bà Bartlett, ngài hỏi bà ấy thì biết. Anh chàng mau miệng ghê, ngài Henry nghĩ trong đầu. Bình thường gã ăn nói chậm chạp, vậy tức là cho thấy gã đã chuẩn bị trước lời đối đáp.
Ngài Henry trở xuống nhà bếp. Bà Bartlett đang đứng bên bếp lò nấu ăn. Bà vui vẻ ngước nhìn ngài. Cái tủ kệ kê sát vô vách, chưa làm xong, đồ nghề còn bày ra đó. Ellis lo làm cả buổi tối hôm trước đấy sao? - Ngài Henry hỏi.
- Vâng, khéo đấy chứ thưa ngài, cậu ta là một tay thợ lành nghề, Joe khá lắm. Bà nói nghe rất tự nhiên... không vấp váp. Còn Ellis... Ngài Henry nghĩ. Vừa quay bước đi ra ngoài, chân ngài vấp phải chiếc xe đẩy trẻ em. “Không khéo thằng bé nó thức dậy” - Ngài nói. Bà Bartlett cười giòn: “Tôi đâu có con, chiếc xe đó tôi cất đồ giặt ủi.
Ngài bỏ đi khỏi, trong người thấy chưa yên. Mất công toi chẳng thu được gì. Cả buổi tối hôm trước, Joe Ellis lo cắm cúi làm việc nhà. Bà Bartlett có ở đó giúp gã một tay. Vậy thì có ai tung ra chuyện này trước? Lấy gì làm bằng chứng đối chiếu... ngoại trừ bằng chứng hồ nghi cho câu trả lời sắp đặt trước của Joe Ellis... khi nghe hỏi tới gã mau miệng nói ra ngay.
(Lược một đoạn: Viên thanh tra đòi bắt Sandford nhưng Henry nói anh chàng Sandford không dám có hành vi táo bạo đến vậy và đi gặp thằng nhóc con đã chứng kiến sự việc ngay từ đầu.)
- Con sông chảy qua làng cháu, vậy cháu nhìn thấy ai chạy ra cầu không?
- Có, cháu thấy có người trong lùm cây. Chính là ảnh Sandford.
- Vậy là mười phút sau cháu mới nghe tiếng kêu cứu phải không? Thằng nhóc gật.
- Có người đi men theo đường làng. Vừa đi chậm, vừa huýt gió. Chắc là Joe Ellis.
- Con nghe tiếng huýt gió mới biết - thằng nhóc nói - Joe thích huýt gió bài hát đó... “Ta muốn thấy nàng hạnh phúc”, anh ấy nhớ có mỗi một điệu đó thôi.
Melchett nói:
- Cháu nghe tiếng kêu và một tiếng rớt tõm xuống nước, một lát sau xác người nổi lên, cháu bỏ chạy đi kêu cứu. Hình như có hai ông đẩy xe cút kít, hai ông ở đàng xa, không biết có phải đi tới đây không, thấy nhà ông Giles gần hơn, cháu chạy tới đó.
- Khá lắm, nhóc con - Melchett nói - Cháu nhanh trí đấy.
Ngài Henry nghĩ ngợi, ông rút trong túi ra một mảnh giấy...và đi gặp bà Marple. Tới nơi, ngài Henry nói ngay:
- Theo tôi thấy mọi việc diễn ra không như ý muốn. Họ đang lập thủ tục bắt giữ Sandford. Họ nói làm vậy là phải...
- Ông không tìm ra một điểm nào... biết nói sao đây... để hậu thuẫn cho ý kiến tôi đã đóng góp hay sao? - Bà lúng túng... lo ngại. - Có lẽ tôi đã nhầm...
Ngài Henry nói: phải đối phó với một tên tội phạm viện cớ vắng mặt tại hiện trường. Tối hôm đó Joe Ellis lo sửa kệ tủ dưới nhà bếp, có bà Bartlett lo phụ giúp một tay. Bà Marple nghiêng người ra trước, hít một hơi sâu:
- Không thể nói vậy được. - bà nói - Bữa đó nhằm tối thứ Sáu.
- Tối thứ Sáu à?...
- Thường tối thứ sáu bà Bartlett đi giao đồ giặt ủi cho mấy nhà trong xóm.
Chợt ngài Henry nhớ lại lời thằng nhóc Jimmy Brown kể có nghe tiếng một anh chàng huýt gió... đúng quá đi rồi. Ngài đứng lên, sốt sắng bắt tay bà Marple: “Tôi muốn nói là đã tìm thấy ẩn số.”
Sau năm phút ngài đã có mặt tại nhà trọ bà Bartlett và nói với Ellis rằng:
- Anh đã nói dối, Ellis, về chuyện tối qua.
Ngài mạnh dạn nói:
- Không có chuyện anh lo sửa kệ tủ dưới nhà bếp lúc từ tám giờ tới tám rưỡi. Chỉ vài phút trước khi Rose Emmot bị giết anh đi ra bờ sông, về phía đầu cầu.
Gã há hốc mồm: “Không phải nàng bị giết chết... không phải. Tôi không biết chuyện đó. Nàng nhảy xuống sông, thật mà. Tôi không làm gì hại nàng, không...”
- Vậy sao anh phải bịa chuyện lúc đó đang ở đâu? Ngài Henry gắt gỏng.
- Mắt gã chớp chớp có vẻ áy náy: “Tôi lo sợ. Bà B. nhìn thấy tôi đang đi ra ngoài đó và khi hay được chuyện gì xảy ra... Vâng, bà thấy nguy cho tôi. Tôi nghĩ ra chuyện ở nhà sửa kệ tủ, bà đồng ý nói đỡ tôi. Bà không phải như người ta, bà tử tế với tôi”
Không nói lời nào ngài Henry trở xuống nhà bếp. Thấy bà Bartlett đang giặt đồ, ngài nói: Tôi đã biết hết. Bà nên thú thật đi... tức là, nếu bà không muốn nhìn thấy Joe Ellis bị treo cổ vì không có tội tình gì... Để tôi kể lại cho bà nghe. Tối hôm trước bà đi giao đồ giặt ủi cho mấy nhà trong xóm. Bà gặp Rose Emmott. Bà biết chuyện nàng muốn bỏ rơi Joe, đi theo người khác. Lúc này nàng mới thấy khổ... Joe được muốn trở lại với nàng... muốn lấy nàng làm vợ và nếu nàng thấy cần phải có gã. Bà căm ghét cô nàng kia, bà không chịu nổi cảnh con bé cuỗm mất anh chàng kia đi. Bà níu lấy vai con bé xô xuống dòng nước. Mấy phút sau bà nhìn thấy Joe Ellis. Từ bên kia sông Jimmy nhìn thấy có hai người.... lúc đó trời tối sương mù nó nhìn chiếc xe đẩy trẻ con tưởng đâu là xe cút kít, bà nghĩ là Joe có thể bị nghỉ oan, nên bà bịa ra chuyện lúc đó gã không đi ra ngoài bờ sông nhưng thật ra là nhằm bảo vệ cho bà.
Đúng như lời ngài kể. Bây giờ bà mới chịu khai, giọng bà chùng xuống. Cái giọng này mới đáng sợ, ngài Henry nghĩ bụng. Tôi thấy bị choáng... nó không thể nào chiếm đoạt được Joe. Tôi chỉ còn có Joe. Tôi lo cho gã hết mình... từ A tới Z. Như là một đứa trẻ, thú thật với ngài, anh ta dễ thương dễ nghe. Gã thuộc về tôi, để tôi có người nương tựa. Tôi đã khai ra, thưa ngài... Làm sao ngài biết hết... Tôi không ngờ... tôi đã chắc chắn.
Không phải mỗi mình tôi biết. Ngài nói... sực nhớ mảnh giấy “Bà Bartlett, người cho Joe Ellis ở trọ tại ngôi nhà số 2, Mill Cottages”. Và bà Marple lại đoán trúng.
(Agatha Christie, Chuỗi án mạng A.B.C. NXB Trẻ, 2019)
---------------------------------------
*Agatha Mary Clarissa, (1890 - 1976) là một nhà văn trinh thám người Anh. Với hai nhân vật thám tử nổi tiếng, Hercule Poirot và bà Marple (Miss Marple), Christie được coi là “Nữ hoàng trinh thám” và là một trong những nhà văn quan trọng và sáng tạo nhất của thể loại này.
Trả lời câu hỏi từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn)
1. Xác định các đối tượng bị tình nghi trong vụ án Một vụ chết đuối và cho biết kẻ nào bị tình nghi đầu tiên?
2. Nhân vật thám tử trong truyện Một vụ chết đuối có đặc điểm nào khác với các truyện trinh thám thông thường?
3. Xác định một số manh mối quan trọng vụ án mạng. Manh mối nào đóng vai trò quan trọng để xác định đích danh kẻ tội phạm tội ? Phân tích và đánh giá vai trò của chúng.
4. Henry Clithering có những nhận định, suy luận đắt giá nào góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình phá án? Đánh giá của em về nhân vật Henry Clithering? Yếu tố thời gian ở văn bản này có vai trò gì?
5. Suy nghĩ của em về động cơ, kết cục của kẻ phạm tội Bartlett? Điều này có tác dụng như thế nào đối với độc giả?
Đáp án:
1.
- Các nghi phạm: Sandford: là kiến trúc sư, là nghi can số một ban đầu. Thứ hai là Joe Ellis: thợ mộc, được thêm vào danh sách nghi can sau khi anh ta được mô tả bởi thằng nhóc Jimmy Brown và được biết đến là người yêu của nạn nhân.
- Người đầu tiên bị tình nghi là Sandford, do mảnh giấy hẹn gặp được tìm thấy trong túi áo của nạn nhân. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, họ phát hiện ra rằng không có bằng chứng nào liên quan đến Sandford, và họ chuyển sự tình nghi sang Joe Ellis sau khi có lời khai mới từ thằng nhóc Jimmy Brown.
2.
- Có tới 3 người: Ông cảnh sát trưởng, ngài Henry - cựu cảnh sát trưởng và viên thanh tra mật thám Drewitt.
- Người phá án thành công là cựu cảnh sát trưởng.
3.
- Một số manh mối quan trọng:
+ Mảnh giấy của bà Marple.
+ Khai báo của của cậu nhóc Jimmy Brown.
+ Một vết bầm trên cánh tay - phía tay trong.
+ Tiếng huýt gió của Joe Ellis.
+ Thường tối thứ Sáu bà Bartlett đi giao đồ giặt ủi cho mấy nhà trong xóm.
- Vai trò của manh mối.
+ Mảnh giấy của bà Marple; Một vết bầm trên cánh tay - phía tay trong -> khẳng định nạn nhân không tự vẫn mà do có người giết hại.
+ Khai báo của của cậu nhóc Jimmy Brown -> tình tiết để đánh lạc hướng độc giả, truyện thêm li kì (hai người, xe cút kít...).
+ Tiếng huýt gió của Joe Ellis -> loại trừ Joe Ellis không phải là nghi phạm.
=> Những manh mối này tăng kịch tính của câu chuyện, khiến quá trình phá án thêm phúc tạp, cuốn hút.
+ Tối thứ Sáu à?... Thường tối thứ Sáu bà Bartlett đi giao đồ giặt ủi cho mấy nhà trong xóm -> thông tin quan trọng đối với đối với người điều tra (suy luận, kết nối các tình tiết) và với toàn cốt truyện. Xác định được đích danh thủ phạm và khép lại câu chuyện, bởi bí ẩn đã được làm sáng tỏ.
4.
- Những suy luận đắt giá:
+ Ngài Henry nhìn nét mặt bà tươi cười, chợt một thoáng hồ nghi hiện ra trong
+ Bình thường gã ăn nói chậm chạp, vậy là cho thấy gã đã chuẩn bị trước lời đối đáp.
+ Vậy thì có ai tung ra chuyện này trước? Lấy gì làm bằng chứng đối chiếu... ngoại trừ bằng chứng hồ nghi cho câu trả lời sắp đặt trước cửa Joe Ellis... khi nghe hỏi tới gã mau miệng nói ra ngay.
+ Phải đối phó với một tên tội phạm viện cớ vắng mặt tại hiện trường.
+ Không có chuyện anh lo sửa kệ tủ dưới nhà bếp lúc từ tám giờ tới tám rưỡi. Chỉ vài phút trước khi Rose Emmot bị giết anh đi ra bờ sông, về phía đầu cầu.
+ Lời kết luận khiến bà Bartlett phải nhận tội.
- Đánh giá của em về nhân vật Henry Clithering: HS trả lời và tham khảo gợi
+ Clithering không ngần ngại đối mặt với những thách thức trong quá trình điều tra. Ông tìm kiếm sự thật và không sợ đối đầu với những người có thể liên quan đến vụ án.
+ Nhân vật này thể hiện sự thông minh và kiên nhẫn trong quá trình giải quyết vụ án. Ông không hấp tấp mà cẩn thận xem xét mọi khía cạnh, từ đó tạo ra những suy luận có tính logic và hợp lý.
+ Clithering thường xuyên tìm kiếm sự hợp tác và đồng tình từ những nhân vật khác trong truyện. Ông hiểu rằng sự hợp tác là chìa khóa để giải quyết một vụ án phức tạp.
- Yếu tố thời gian có vai trò quan trọng trong việc phá án:
+ Thời gian ngoại phạm giả của bà Bartlett: gây khó khăn cho việc điều tra.
+ Thời gian: thứ sáu, bà Bartlett đi giao đồ giặt là căn cứ để xác định tội phạm (có mặt ở nơi gây án).
5.
- Động cơ gây án: vì tình ái (không sâu sắc, thâm thù, nạn nhân không đáng phải chịu kết cục như vậy).
- Kết cục của kẻ phạm tội rất bi đát: mất tất cả, chắc chắn Joe Ellis sẽ rất kinh sợ bà Bartlett. Bản thân kẻ phạm tội sẽ ám ảnh bởi tội ác mà mình đã gây ra. - Vụ án tác động nhất định tới độc giả:
+ Đã phạm tội, dù che đậy tội ác tinh vi đến đâu cũng vẫn bị bại lộ. Sự thật không thể che giấu, nhất là hành động đen tối.
+ Không thể giải quyết bất cứ việc gì bằng hành động giết người.
+ Giết người là hành động bất nhân nhất và không mang lại điều gì tốt đẹp cho các bên liên quan.
Câu 5: Đọc văn bản sau:
VỤ MẤT TÍCH KỲ LẠ
(Sir Arthur Conan Doyle)
Lược một đoạn: Mary Sutherland, một cô gái trẻ, đến gặp thám tử Sherlock Holmes để nhờ ông giúp tìm người yêu của mình, Hosmer Angel. Cô kể rằng cô đã gặp Hosmer tại một buổi khiêu vũ và họ đã nhanh chóng yêu nhau. Tuy nhiên, cha dượng của cô, ông Windibank, không ủng hộ mối quan hệ này. Hosmer đã đề nghị kết hôn với Mary trước khi cha dượng cô trở về. Ông ta rất gấp rút và yêu cầu Mary hứa rằng cô sẽ luôn luôn trung thành với ông ta, bất kể có chuyện gì xảy ra.
- Vậy là hôn lễ đã được dự tính cử hành vào ngày thứ sáu vừa qua?
- Vâng, hôn lễ đã được dự tính cử hành ở nhà thờ St. Saviours, gần Kings Cross và sau đó chúng tôi sẽ dự bữa ăn trưa gia đình tại khách sạn St. Pancras. Hosmer đến nhà đón chúng tôi. Anh đỡ mẹ tôi và tôi lên chiếc xe ngựa có mui, còn anh thì nhảy lên một chiếc khác đang đậu gần đấy. Khi chiếc xe ngựa của anh ấy hiện ra, chúng tôi trông đợi anh Hosmer xuống xe, nhưng trông mãi chẳng thấy. Người đánh xe quay đầu nhìn vào bên trong xe: anh Hosmer đã biến mất. - Tôi có cảm giác rằng cô đã bị lừa gạt một cách hết sức bỉ ổi - Holmes nói. - Ồ không, thưa ông. Anh ấy quá tốt và quá ngay thật. Này nhé! Suốt cả buổi sáng hôm đó, anh ấy không ngừng lặp đi lặp lại với tôi rằng dẫu cho có chuyện gì xảy ra, tôi phải luôn luôn trung thành với anh ấy, rằng dẫu có một biến cố bất ngờ nào chia cách hai chúng tôi, tôi phải luôn luôn nhớ rằng tôi là của anh ấy, và sớm hay muộn gì anh ấy cũng sẽ tìm lại tôi.
- Theo ý cô thì Hosmer đã gặp tai nạn? Cô có cho cha dượng biết việc này không?
- Có. Ông ấy cũng cho rằng có một điều gì đó đã xảy ra. Và ông ấy bảo đảm rằng chỉ trong thời gian ngắn, tôi sẽ được biết tin tức về Hosmer. Thưa ông, tại sao chuyện này lại có thể xảy ra?
Lược một đoạn: Mary Sutherland cung cấp nhận dạng, 4 lá thư của Hosmer và địa chỉ cha dượng cho thám tử. Holmes xem xét các bức thư của Hosmer và phát hiện ra rằng chữ ký của ông ta cũng được đánh máy. Điều này có nghĩa là Hosmer có thể chối bỏ chữ ký của mình trong trường hợp bị đưa ra tòa về tội đơn phương hủy bỏ hôn ước. Holmes viết hai lá thư, 1 gửi cho một công ty ở trung tâm thương mại London, yêu cầu họ cho thông tin về người đàn ông tên là Hosmer Angel, 1 gửi cho cha dượng của Mary, yêu cầu ông ta đến gặp Holmes vào lúc 6 giờ chiều ngày mai.
Khách là một người đàn ông vạm vỡ, cao trung bình, trạc 30 tuổi. Gương mặt vàng nhạt, trụi lủi, không có râu mép, râu cằm hay râu má gì cả. Ông ta có một vẻ dịu dàng giả tạo. Đôi mắt xám, rất linh hoạt và sắc sảo ném một cái nhìn dò hỏi
về phía chúng tôi. Đoạn ông ta đặt nón lên chiếc tủ buýp-phê, hơi nghiêng mình một chút và ngồi xuống chiếc ghế gần nhất.
- Thưa ông Windibank. Có phải lá thư đánh máy này là của ông không?
- Thưa ông, làm sao ông có thể tìm ra được anh chàng Hosmer.
- Trái lại. Tôi sẽ tìm ra được ông Hosmer.
- Điều đáng ngạc nhiên, là những máy đánh chữ cũng có cá tính riêng biệt của chúng! Có những chữ có vẻ mòn hơn những chữ khác, có những chữ chỉ mòn có một bên... Này ông, trong lá thư đánh máy của ông gửi cho tôi, tôi nhận thấy trên tất cả những chữ “e” đều có một vết nhòe nhỏ, và tất cả những chữ “t” đều có dấu gạch ngang hơi mờ. Tôi còn đếm được 14 đặc điểm khác, nhưng hai đặc điểm vừa kể, là nổi bật nhất.
- Ở văn phòng, chúng tôi sử dụng cái máy chữ đó để đánh tất cả những thư tín của chúng tôi, chắc chắn là nó không còn được tốt lắm. Trong khi trả lời, đôi mắt sắc sảo của ông ta nhìn Holmes đăm đăm.
Ông Windibank giật nẩy mình và nói:
- “Tôi rất mừng được nghe ông báo tin này”.
Và bây giờ, tôi sẽ trình bày cho ông xem một trường hợp thật là thú vị: trong lá thư đánh máy của ông gửi cho tôi và bốn lá thư gửi cô Mary có điểm chung. Bên trên những chữ “e” đều có những vết nhòe nhỏ, và tất cả những chữ “t” đều có dấu gạch ngang không được rõ. Ông lấy chiếc kính lúp của tôi để xem, tôi sẽ chỉ cho ông thấy 14 đặc điểm khác mà tôi đã nói với ông lúc nãy. Ông Windibank liền đứng phắt lên và chụp lấy chiếc nón của ông ta.
Đôi mắt sắc sảo của Windibank nhìn Holmes đăm đăm, rồi nói:
- Ông Holmes, tôi không có thì giờ rảnh để nói những chuyện tầm phào! Nếu ông có thể bắt gặp được ông Hosmer thì hãy cứ bắt đi, rồi báo tin cho tôi biết.
- Chắc chắn là như thế? - Holmes đáp, vừa lẹ làng đứng lên khoá trái cửa lại
- Ông nên biết rằng tôi đã bắt được Hosmer rồi.
- Sao? Ở đâu? - Ông Windibank kêu lên bằng một giọng thảng thốt, như một con chuột bị sa bẫy.
- Ô không sao... Không sao cả! - Holmes đáp bằng một giọng ngọt lịm - Ông Windibank, bẫy giờ ông không còn cách nào để thoát được nữa. Tất cả đều đã quá rõ. Ông Windibank ngồi phịch xuống. Gương mặt tái mét, trán ướt đẫm mồ hôi.
- Pháp... pháp luật không thể làm gì được tôi! - Ông ta nói lắp bắp.
- Có thể là pháp luật không làm gì được ông. Nhưng hành động của ông thật là vô cùng đê tiện, tàn nhẫn và ích kỷ... ngấn đấu nâng
Tôi sẽ kể lại sự việc từ đầu đến cuối và nếu tôi có sai chỗ nào thì ông cứ việc sửa: Người cha dượng của cô gái đã cải trang thành một người đàn ông tên là Hosmer để lừa cô gái. Hắn mang một cặp kính màu, đeo một bộ râu giả, và biến giọng nói bình thường của mình thành một giọng nói thì thầm êm dịu, ông ta đến dự buổi khiêu vũ, làm quen với cô gái và tự giới thiệu mình là Hosmer, thế là người cha dượng đã đóng vai trò một kẻ si tình cô con gái riêng của vợ mình, để gạt ra ngoài bất cứ anh chàng nào muốn lăm le tán tỉnh cô. Ông ta đã làm điều
này vì muốn ngăn cản cô gái lập gia đình, vì như vậy ông ta sẽ không được hưởng số tiền 100 bảng mỗi năm từ cô gái nữa.
Lược một đoạn: “Đúng là một tên đểu giả mặt dày!” – Holmes nói, rồi phá lên cười và buông mình xuống một chiếc ghế bành – “Tên này trong tương lai gần sẽ còn phạm thêm trong nhiều tội ác nữa. Tôi thú thật rằng tôi không theo kịp được những suy diễn của anh vụ này. Holmes nói: “Này nhé, hai người đàn ông đó không bao giờ gặp mặt nhau cả. Khi một người xuất hiện thì người kia biến mất; đây là chi tiết rất quan trọng! Và rồi cặp kính màu, bộ râu giả, giọng nói khác lạ với giọng nói của một người bình thường... rồi những lá thư, chứng tỏ, người gửi chúng muốn che giấu chữ viết của mình mà cô gái đã quá quen thuộc. Và tôi loại bỏ tất cả những gì có thể ngụy tạo được: cặp kính màu, bộ râu, giọng nói, và gửi bản mô tả hình dạng đó đến công ty ông Windibank và được xác nhận đó chính là Windibank. Giản dị vậy thôi.
(Arthur Conan Doyle, Sherlock Holmes toàn tập. NXB Văn học, 2015)
----------------------------------
* Sir Arthur Conan Doyle (1859 - 1930) là một nhà văn người Scotland nổi tiếng với tiểu thuyết trinh thám Sherlock Holmes, tác phẩm được cho là một sáng kiến lớn trong lĩnh vực tiểu thuyết trinh thám. Các tác phẩm của ông bao gồm nhiều truyện khoa học giả tưởng, tiểu thuyết lịch sử, kịch...
Trả lời câu hỏi từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn)
1. Xác định 2 đặc điểm của truyện trinh thám ở văn bản Vụ mất tích kì lạ. Điều gì cần làm sáng tỏ trong văn bản Vụ mất tích kỳ lạ?
2. Các sự việc trong cốt truyện được cấu trúc theo trình tự nào, có tác dụng gì?
3. Thám tử Hosmer đã tìm ra chân tướng sự việc như thế nào? Từ đó nhận xét về năng lực đặc biệt của nhân vật này.
4. Chi tiết nào xuất hiện trong tác phẩm nhiều lần? Hãy phân tích vai trò, ý nghĩa của những chi tiết đó đối với truyện trinh thám.
5. Em có đồng ý với thám tử Holmes về Windibank sau đây không?: “Có thể là pháp luật không làm gì được ông. Nhưng hành động của ông thật là vô cùng đê tiện, tàn nhẫn và ích kỷ....”
Đáp án:
1.
- Về nhân vật: có nhân vật thám tử, tội phạm, nạn nhân.
- Về cốt truyện: các sự việc chứa mâu thuẫn, bí ẩn và kết thúc tác phẩm, mọi bí ẩn đã được sáng tỏ (kẻ gây án, động cơ gây án).
- Cần làm sáng tỏ: ông Hosmer Angel mất tích.
2.
- Cốt truyện cấu trúc theo trình tự phi tuyến tính: Việc Hosmer Angel mất tích được kể trước - cuộc gặp gỡ của Mary và Hosme - chuyện ngày bố cô còn sống.
- Cấu trúc theo trình tự phi tuyến tính tạo nên sức hấp dẫn cho câu chuyện, khiến những chi tiết tưởng chừng chỉ thoáng qua nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc gợi lên sự liên tưởng, tương đồng nhằm làm rõ bản chất vụ việc.
3.
- Quá trình điều tra:
+ Phân tích nhân vật và nguồn gốc: lắng nghe câu chuyện của Mary Sutherland và tìm hiểu về người yêu mất tích, Hosmer Angel, Holmes tỏ ra quan tâm đặc biệt đến nguồn gốc và tính cách của các nhân vật liên quan, trong trường hợp này là Mary Sutherland và cha dượng của cô, ông Windibank.
+ Phân tích chữ ký và bức thư: nhận dạng trên bức thư và chữ ký của Hosmer Angel. Việc phát hiện những đặc điểm chung giữa các bức thư của Hosmer và chữ ký đánh máy là một phần quan trọng của quá trình điều tra.
+ Gửi 2 lá thư để kiểm tra: mỗi lá đến một địa chỉ khác nhau. Một lá gửi đến một công ty để kiểm tra về Hosmer Angel, và một lá gửi đến cha dượng của Mary, ông Windibank.
+ Nghiên cứu, suy luận: phát hiện đặc điểm đặc trong thư đánh máy và chữ ký. Sự suy luận của Holmes dựa trên quan sát chi tiết và sự nhạy bén trong việc phân tích thông tin.
+ Phát hiện sự lừa dối: Sự biến mất của Hosmer Angel là một kịch bản do ông Windibank dựa trên mục đích ích kỷ và gian lận tài chính.
- Các đặc điểm nổi bật ở thám tử Hosmer.
+ Có tài quan sát: về bức thư: chữ “e” đều có những vết nhòe nhỏ, và tất cả những chữ “t” đều có dấu gạch ngang không được rõ.
+ Khả năng suy luận: lá thư đó đều được đánh máy, địa chỉ mơ hồ; Cha dượng là người hưởng lợi; Giọng nói, kính, tóc ...ngụy tạo để tìm ra sự thật: Windibank chính là Hosmer.
+ Hành động mau lẹ, quyết liệt: - Chắc chắn là như thế? - Holmes đáp, vừa lẹ làng đứng lên khoá trái cửa lại - Ông nên biết rằng tôi đã bắt được Hosmer rồi.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Khắc họa nhân vật sinh động, cuốn hút hành động, lời nói... đối thoại, nhận xét của nhân vật phụ. Làm nổi bật tài nắng quan sát và suy luận. Đây là một yêu cầu nghiêm ngặt của truyện trinh thám.
4.
– Bức thư đánh máy gồm 4 bức thư gửi cho Mary, một bức thư trả lời thám tử: đặc điểm ở các bức thư, gửi thư để nhận phản hồi, đối chiếu đặc điểm từ 5 bức thư, tạo hoàn cảnh để hung thủ xác nhận thư đánh máy là của mình, buộc tội bằng những bức thư.
- Vai trò, ý nghĩa của chi tiết: Thể hiện tính logic của vấn đề, tài năng phát hiện, tìm ra quy luật, sơ hở của tội phạm -> Nổi bật tài năng của nhân vật thám tử Holmes; cuốn hút sự chú ý của độc giả.
5. Em đồng ý với thám tử Holmes về Windibank: “Có thể là pháp luật không làm gì được ông. Nhưng hành động của ông thật là vô cùng đê tiện, tàn nhẫn và ích kỷ....” vì hành động của Windibank đã làm tổn thương đến Mary, đồng thời còn tổn hại đến những giá trị đạo đức. Thực tế, Windibank là cha dượng của cô Mary vậy mà lại giả trang thành người yêu của cô, cho cô hi vọng về một tương lai tươi sáng. Đó chính là sự ích kỉ, tàn nnhaanx cảu nhân vật Windibank.
Xem thêm các bài viết về định nghĩa và khái niệm môn Văn chọn lọc, hay khác:
- Tiểu thuyết là gì?
- Phóng sự là gì?
- Kí, hồi kí, du kí, nhật kí là gì?
- Tùy bút và tản văn là gì?
- Hài kịch là gì?
Tủ sách VIETJACK luyện thi vào 10 cho 2k10 (2025):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Đề thi lớp 1 (các môn học)
- Đề thi lớp 2 (các môn học)
- Đề thi lớp 3 (các môn học)
- Đề thi lớp 4 (các môn học)
- Đề thi lớp 5 (các môn học)
- Đề thi lớp 6 (các môn học)
- Đề thi lớp 7 (các môn học)
- Đề thi lớp 8 (các môn học)
- Đề thi lớp 9 (các môn học)
- Đề thi lớp 10 (các môn học)
- Đề thi lớp 11 (các môn học)
- Đề thi lớp 12 (các môn học)
- Giáo án lớp 1 (các môn học)
- Giáo án lớp 2 (các môn học)
- Giáo án lớp 3 (các môn học)
- Giáo án lớp 4 (các môn học)
- Giáo án lớp 5 (các môn học)
- Giáo án lớp 6 (các môn học)
- Giáo án lớp 7 (các môn học)
- Giáo án lớp 8 (các môn học)
- Giáo án lớp 9 (các môn học)
- Giáo án lớp 10 (các môn học)
- Giáo án lớp 11 (các môn học)
- Giáo án lớp 12 (các môn học)