Tùy bút và tản văn là gì (chi tiết nhất)
Bài viết Tùy bút và tản văn là gì chi tiết nhất, đầy đủ khái niệm, đặc điểm, cách đọc hiểu & bài tập có đáp án chi tiết giúp bạn nắm vững kiến thức trọng tâm về Tùy bút và tản văn.
Tùy bút và tản văn là gì (chi tiết nhất)
1. Khái niệm tùy bút và tản văn
- Tuỳ bút là văn xuôi trữ tình - một loại tác phẩm tự sự phi hư cấu. Tuỳ bút ghi chép một cách tự do những suy nghĩ, cảm xúc mang màu sắc cá nhân của người viết về con người và sự việc. Bài tuỳ bút thường thể hiện rất rõ cái “tôi” độc đáo, cũng như tâm hồn, tình cảm của tác giả. Ngôn ngữ của tuỳ bút thường rất giàu chất thơ.
- Tản văn - một loại tác phẩm gần với tuỳ bút, cũng là loại tác phẩm tự sự phi hư cấu, sử dụng kết hợp nhiều phương thức biểu đạt. Nội dung bài tản văn thường nêu lên các hiện tượng chân thực, gần gũi với cuộc sống nhưng giàu ý nghĩa xã hội. Qua đó, người viết bộc lộ trực tiếp tình cảm, suy nghĩ mang đậm cá tính của mình.
2. Đặc điểm của tùy bút và tản văn
- Chất trữ tình trong tản văn, tuỳ bút là yếu tố được tạo nên từ vẻ đẹp của cảm xúc, suy nghĩ, vẻ đẹp của thiên nhiên tạo vật để tâọ rung động thẩm mĩ cho người đọc.
- Cái tôi tác giả trong tản văn, tuỳ bút là yếu tố thể hiện cảm xúc, suy nghĩ riêng của tác giả qua văn bản. Thông thường, có thể nhận biết cái tôi ấy qua các từ nhân xưng ngôi thứ nhất.
- Ngôn ngữ trong tản văn, tuỳ bút thường tinh tế, sống động, mang hơi thở đời sống, giữa hình ảnh và chất trữ tình.
3. Ví dụ một số tác phẩm tùy bút và tản văn
- Một thứ quà của lúa non: Cốm (Thạch Lam)
- Sài Gòn tôi yêu (Minh Hương)
- Tháng Giêng mơ về trăng non nét ngọt (Vũ Bằng)
- "Cánh đồng bất tận", "Hoa vàng cỏ xanh",... (Nguyễn Ngọc Tư)
- Chiếc lư đồng mắt cua, Tóc chị Hoài, Một chuyến đi,… (Nguyễn Tuân)
- …
4. Cách đọc hiểu một văn bản tuỳ bút và tản văn
+ Khi đọc hiểu văn bản tuỳ buuts và tản văn, các em cần chú ý:
+ Xác định được đề tài của văn bản.
+ Xác định được cái tôi của tác giả trong văn bản.
+ Những cảm xúc, suy nghĩ, nhận xét, đánh giá của tác giả.
+ Ý nghĩa xã hội sâu sắc của nội dung bài tùy bút, tản văn.
+ Ngôn ngữ giàu hình ảnh và chất thơ của bài tùy bút, tản văn.
+ Chú ý đến chất trữ tình được tác giả thể hiện trong văn bản.
5. Một số bài tập liên quan đến thể loại tuỳ bút, tản văn.
5.1. Trắc nghiệm
Câu 1: Hoàn thành khái niệm về thể loại tùy bút bằng cách điền các từ vào đúng vị trí:
Tùy bút là tiểu loại thuộc loại hình ký; thường tập trung thể hiện [vị trí thả 1], luôn có [vị trí thả 2] giữa yếu tố [vị trí thả 3] và yếu tố [vị trí thả 4].
A. Trữ tình
B. Cái Tôi tác giả
C. Sự kết hợp
D. Tự sự
E. Biểu cảm
Đáp án:
Vị trí 1: B Cái tôi tác giả
Vị trí 2: C Sự kết hợp
Vị trí 3: D Tự sự
Vị trí 4: A Trữ tình
Câu 2: Dòng nào không nói lên tiêu chí phân loại tùy bút?
A. Dựa trên tiêu chí về cảm hứng.
B. Dựa trên tiêu chí về dung lượng.
C. Dựa trên tiêu chí về đề tài.
D. Dựa trên tiêu chí về cảm hứng chủ đạo.
Đáp án: D
Câu 3: Hãy kéo thả ô vào các vị trí để hoàn thiện mô hình kết hợp yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình trong tùy bút:
Mô hình có chất truyện: Vị trí thả 1
Mô hình có chất hồi tưởng: Vị trí thả 2
Mô hình có chất khảo cứu: Vị trí thả 3
A. Chất trữ tình + chất khoa học/văn hóa/lịch sử/ địa lý.
B. Chất trữ tình + yếu tố truyện/sự việc.
C. Chất trữ tình + chất biểu cảm/miêu tả.
D. Chất trữ tình + hồi ức/hồi tưởng.
Đáp án:
Vị trí 1: b. Chất trữ tình + yếu tố truyện/sự việc.
Vị trí 2: d. Chất trữ tình + hồi ức/hồi tưởng.
Vị trí 3: a. Chất trữ tình + chất khoa học/văn hóa/lịch sử/ địa lý.
Câu 4. Yếu tố tự sự trong tùy bút được hiểu là:
A. Cốt truyện, sự việc, nhân vật.
B. Câu chuyện/các sự việc đời sống có liên quan đến mạch cảm xúc, liên tưởng và suy ngẫm của tác giả.
C. Các sự việc mà tác giả đã trải qua.
D. Câu chuyện/các sự việc đời sống khơi gợi mạch cảm xúc, tình cảm của tác giả.
Đáp án: B
Câu 5: Yếu tố trữ tình trong văn bản tùy bút có tác dụng:
A. Tạo chất thơ cho văn bản.
B. Làm nổi rõ các sự việc, câu chuyện được kể.
C. Thể hiện trực tiếp tình cảm, cảm xúc của tác giả.
D. Tất cả các đáp án trên.
Đáp án: C
Câu 6: Đặc điểm cái Tôi tác giả trong tùy bút là:
A. Thể hiện thế giới tinh thần và đời sống tình cảm tác giả gắn liền với liên tưởng tài hoa, sâu sắc về người, sự việc.
B. Thể hiện đời sống tình cảm, cảm xúc của tác giả về đối tượng.
C. Thể hiện thế giới tinh thần và đời sống tình cảm tác giả.
D. Thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, tính cách của người viết.
Đáp án: A
Câu 7. Dòng nào nói lên cấu trúc của văn bản tùy bút:
A. Triển khai theo một cốt truyện cụ thể xuyên suốt tác phẩm.
B. Triển khai theo mạch cảm xúc nhất định xuyên suốt tác phẩm của tác giả.
C. Triển khai theo nhận thức, quan điểm của tác giả xuyên suốt tác phẩm
D. Triển khai theo một cảm hứng chủ đạo, tư tưởng chủ đề xuyên suốt tác phẩm.
Đáp án: D
Câu 8: Dòng nào nói lên đặc điểm ngôn ngữ trong tùy bút?
A. Ngôn ngữ giàu chất nhạc, hàm súc.
B. Ngôn ngữ gần gũi với lời ăn tiếng nói của nhân dân.
C. Ngôn ngữ giàu chất thơ, mang đậm dấu ấn cá nhân.
D. Ngôn ngữ mang đậm dấu ấn vùng miền.
Đáp án: C
Câu 9: Câu “Cảm hứng chủ đạo trong tùy bút chủ yếu là cảm hứng lãng mạn” đúng hay sai? Vì sao?
A. Sai. Vì người viết có thể kết hợp nhiều cảm hứng khác nhau phụ thuộc vào đề tài, dung lượng và yếu tố trữ tình.
B. Đúng. Vì người viết có khuynh hướng lý tưởng hóa, lấy cái Đẹp làm chuẩn.
Đáp án: A
Câu 10: Khi đọc xong văn bản tùy bút, người học cần:
A. Đánh giá nội dung, hình thức, ý nghĩa của văn bản, phong cách người viết…
B. Nhận ra tác động của văn bản làm thay đổi cách suy nghĩ, thưởng thức và đánh giá của cá nhân tới văn học, cuộc sống xung quanh.
C. Suy nghĩ, hành động theo những thông tin mới mà cá nhân nhận được.
D. Bổ sung suy nghĩ, nhận thức mới của cá nhân về đối tượng của tùy bút.
Đáp án: B
5.2. Tự luận
Câu 1: Đọc văn bản sau:
Cơn gió mùa hạ lướt qua vừng sen trên hồ, nhuần thấm cái hương thơm của lá, như báo trước mùa về của một thức quà thanh nhã và tinh khiết. Các bạn có ngửi thấy, khi đi qua những cánh đồng xanh, mà hạt thóc nếp đầu tiên làm trĩu thân lúa còn tươi, ngửi thấy cái mùi thơm mát của bông lúa non không? Trong cái vỏ xanh kia, có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ. Dưới ánh nắng, giọt sữa dần dần đông lại, bông lúa ngày càng cong xuống, nặng vì cái chất quý trong sạch của Trời.
Đợi đến lúc vừa nhất, mà chỉ riêng những người chuyên môn mới xác định được, người ta gặt mang về. Rồi đến một loạt cách chế biến, những cách thức làm truyền từ đời này sang đời khác, một sự bí mật trân trọng và khe khắt giữ gìn, cái cô gái Vòng làm ra thứ cốm dẻo và thơm ấy. Tất nhiên là nhiều nơi cũng biết cách thức làm cốm, nhưng không có đâu làm được hạt cốm dẻo, thơm và ngon được bằng ở làng Vòng, gần Hà Nội.
Tiếng cốm Vòng đã lan khắp tất cả ba kì, và đến mùa cốm, các người của Hà Nội 36 phố phường vẫn thường ngóng trông cô hàng cốm xinh xinh, áo quần gọn ghẽ, với cái dấu hiệu đặc biệt là cái đòn gánh hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng…
Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ An Nam. Ai đã nghĩ đầu tiên dùng cốm để làm quà sêu tết. Không gì còn hợp hơn với sự vương vít của tơ hồng, thức quà trong sạch, trung thành như các việc lễ nghi. Hồng cốm tốt đôi… Và không bao giờ có hai màu lại hoà hợp hơn được nữa: màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, hai vị nâng đỡ nhau để hạnh phúc được lâu bền. (…)
Cốm không phải thức quà của người vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ: trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc. Thêm vào cái mùi hơi ngát của lá sen già, ướp lấy từng hạt cốm một còn giữ lại cái ấm áp của những ngày mùa hạ trên hồ. Chúng ta có thể nói rằng trời sinh lá sen để bao bọc cốm, cũng như trời sinh cốm nằm ủ trong lá sen. Khi các cô gái làng Vòng đỗ gánh, giở từng lớp lá sen, chúng ta thấy hiện ra từng lá cốm, sạch sẽ, và tinh khiết, không có mảy may một chút bụi nào. Hỡi các bà mua hàng! Chớ có thọc tay mân mê thức quà thần tiên ấy, hãy nhẹ nhàng mà nâng đỡ, chút chiu mà vuốt ve. Phải nên kính trọng cái lộc của Trời, cái khéo léo của người, và sự cố sức tiềm tàng và nhẫn nại của thần Lúa. Sự thưởng thức của các bà sẽ được trang nhã và đẹp đẽ hơn, và cái vui cũng sẽ tươi sáng hơn nhiều lắm.
(Một thứ quà của lúa non: cốm, Thạch Lam, in trong Hà Nội băm sáu phố phường, Nxb Đời Nay, Hà Nội, 1943)
Lựa chọn đáp án đúng:
1. Các phương thức biểu đạt chủ yếu của văn bản trên là?
A. Biểu cảm và thuyết minh
B. Tự sự và biểu cảm
C. Thuyết minh và nghị luận
D. Tự sự và nghị luận
2. Đối tượng chính được nói tới trong văn bản là:
A. Lúa non
B. Cốm
C. Lá sen
D. Các cô gái làng Vòng
3. Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: “là cái đòn gánh hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng”?
A. So sánh
B. Ẩn dụ
C. Nhân hóa
D. Nói quá
4. Dòng nào sau đây nói về đặc điểm của hạt cốm?
A. “Phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ”
B. “Màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già”
C. “Cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc”
D. “Cái chất quý trong sạch của Trời”
5. Phát biểu nào sau đây nói về trình tự các ý chính trong văn bản?
A. Nguồn gốc của cốm – Cách làm ra cốm – Giá trị của cốm
B. Nguồn gốc của cốm – Giá trị của cốm – Cách làm ra cốm
C. Nguồn gốc của cốm – Giá trị của cốm – Cách thưởng thức cốm
D. Nguồn gốc của cốm – Đặc điểm của cốm – Cách làm ra cốm
6. Phát biểu nào sau đây nói lên nội dung khái quát của văn bản
A. Cảm nghĩ của tác giả về cốm làng Vòng
B. Quan niệm của tác giả về cách thưởng thức cốm làng Vòng
C. Những giá trị mà cốm làng Vòng mang lại cho con người
D. Kêu gọi mọi người hãy biết trân trọng cốm làng Vòng
7. Cái tôi của tác giả được thể hiện như thế nào qua văn bản?
A. Cái tôi tinh tế, nhạy cảm
B. Cái tôi tài hoa, uyên bác
C. Cái tôi đa cảm, trữ tình
D. Cái tôi thông minh, sắc sảo
Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:
8. Bạn rút ra được bài học gì cho bản thân sau khi đọc văn bản trên?
9. Nêu chủ đề của văn bản?
10. Từ nội dung văn bản, bạn có suy nghĩ gì về vai trò của các giá trị văn hóa truyền thống? (Viết khoảng 5 – 7 câu)
Đáp án:
1: B
2: B
3. A
4. C
5. A
6. A
7. A
8. Bài học:
– Phải biết trân trọng những món ăn mang giá trị văn hóa của dân tộc
– Phải biết quý trọng công lao của những người làm ra hạt cốm
– Biết tỏ ra tinh tế, có văn hóa trong thưởng thức các món ăn
9.
Chủ đề của văn bản: Qua việc trình bày những cảm nhận tinh tế và sâu sắc về cốm làng Vòng, tác giả đem đến cho người đọc những hiểu biết về một món ăn mang trong mình những giá trị độc đáo của văn hóa vật chất và tinh thần của người Việt; đồng thời muốn nhắn gửi mỗi người cần biết trân trọng giá trị ấy.
10. Bản sắc văn hóa là một phần không thể thiếu của mỗi dân tộc. Nó là một mảnh ghép quan trọng trong sự đa dạng và phong phú của nền văn hoá thế giới. Bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc có ý nghĩa thiêng liêng và quý giá, bởi vì nó là sản phẩm của lịch sử và kinh nghiệm sống của nhiều thế hệ. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa là một nhu cầu lớn, vì nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản thân và nền văn hoá của chúng ta. Bản sắc văn hóa còn giúp chúng ta giữ vững những giá trị, tín ngưỡng, phong tục và lễ nghi truyền thống của dân tộc. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên tính nhân văn và tình yêu quê hương của mỗi người.
Câu 2: Đọc văn bản sau:
Mỗi sáng mẹ tôi gỡ tóc bằng cái lược thưa gỗ vàng vàng, thế nào rồi cũng có ít tóc rối. Mẹ vo vo giắt nó lên đòn tay chỗ mái hiên nhà. Rồi chị tôi cũng làm thế, bắt chước mẹ cũng gỡ tóc, vo vo giắt mớ tóc rối lên chỗ ấy.
Thỉnh thoảng trên đường làng có bà cụ rao to: “Ai tóc rối đổi kẹo không?”. Một bên thúng là mảnh chai vỡ, đồng nát, lông vịt, tóc rối,… còn bên kia chỉ có cái niêu đất, đúng hơn là một cái ang, cái liễn đựng một thứ kẹo mà bất cứ một đứa trẻ nào cũng phải mê.
Bà cụ lấy kẹo lên bằng chiếc đũa cả, quấn vào đầu que, thật khéo, kẹo cứ lồng khồng, trông rất nhiều, nhưng cho vào miệng nó xẹp lại chỉ còn tí tẹo. Bà cụ đưa kẹo cho chúng tôi, đổi lại nắm tóc rối của bà, của mẹ hay của chị.
Tóc rối bán bà cụ không mua, mua kẹo bà cụ không bán, chỉ đổi thôi. Thế là mỗi lần bà cụ qua ngõ, tôi lại kiễng chân, với tay lên chỗ mái hiên… Mẹ bảo đó là kẹo mầm làm bằng mầm cây mạ, mầm thóc, hoàn toàn không có đường mật gì cả. Nhưng sao nó ngọt thế, hơn cả kẹo bột, kẹo bi.
Mẹ tôi đã mất. Chị tôi đi lấy chồng xa…
Cứ mỗi lần có ai đi qua rao lên: “Ai đổi kẹo”, tôi lại tưởng như thấy mẹ tôi ngồi đầu hè gỡ tóc bằng cái lược gỗ màu vàng vàng, đầu mẹ nghiêng nghiêng, sóng tóc đổ dài một bên vai, và rồi mẹ vuốt cái lược, vo vo nắm tóc, giắt nó lên mái hiên nhà…
Que kẹo mầm tuổi thơ… Mẹ ơi…. Còn có bao giờ con được thấy mẹ ngồi gỡ tóc như thế nữa.
(Kẹo Mầm, Băng Sơn, in trong Ngữ văn 7, tập 1, Nxb Giáo Dục Việt Nam, Hà Nội, 2017, Tr. 138)
1. Các phương thức biểu đạt chủ yếu của văn bản trên là?
A. Biểu cảm và thuyết minh
B. Thuyết minh và nghị luận
C. Tự sự và nghị luận
D. Tự sự và biểu cảm
2. Đối tượng chính được nói tới trong văn bản là:
A. Tóc rối
B. Kẹo mầm
C. Bà cụ bán kẹo mầm
D. Hình ảnh người mẹ
3. Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: “Một bên thúng là mảnh chai vỡ, đồng nát, lông vịt, tóc rối,…”?
A. So sánh
B. Ẩn dụ
C. Nhân hóa
D. Liệt kê
4. Dòng nào sau đây nói về đặc điểm của món kẹo mầm?
A. “cái liễn đựng một thứ kẹo mà bất cứ một đứa trẻ nào cũng phải mê”
B. “Bà cụ lấy kẹo lên bằng chiếc đũa cả, quấn vào đầu que”
C. “Tóc rối bán bà cụ không mua, mua kẹo bà cụ không bán, chỉ đổi thôi”
D. “kẹo mầm làm bằng mầm cây mạ, mầm thóc, hoàn toàn không có đường mật gì cả”
5. Phát biểu nào sau đây nói về nội dung khái quát của văn bản?
A. Hồi tưởng về tuổi thơ đã qua
B. Hồi tưởng về món kẹo mầm thuở nhỏ
C. Hồi tưởng về món kẹo mầm tuổi thơ và hình ảnh người mẹ, người chị
D. Hồi tưởng về hình ảnh mẹ và chị ngồi gỡ tóc rối dưới mái hiên nhà
6. Cảm xúc chủ đạo của văn bản là:
A. Nhớ tiếc quá khứ
B. Trân trọng tuổi thơ
C. Yêu thương mẹ và chị
D. Khát khao trở về quá khứ
7. Cái tôi của tác giả được thể hiện như thế nào qua văn bản?
A. Cái tôi đa cảm
B. Cái tôi tài hoa
C. Cái tôi uyên bác
D. Cái tôi sắc sảo
Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:
8. Bạn rút ra được bài học gì cho bản thân sau khi đọc văn bản trên?
9. Nêu chủ đề của văn bản?
10. Từ nội dung văn bản, bạn có suy nghĩ gì về vẻ đẹp của thời thơ ấu? (Viết khoảng 5 – 7 câu)
Đáp án:
1. D
2. B
3. D
4. D
5. C
6. A
7. A
8. Bài học:
– Phải biết yêu thương những người trong gia đình.
– Hãy lưu giữ và trân trọng những kí ức tươi đẹp.
9.
Chủ đề của văn bản: Bằng việc hồi tưởng lại món kẹo mầm tuổi thơ, tác giả bày tỏ nỗi tiếc nhớ về quá khứ êm đềm, tươi đẹp, nỗi nhớ về người chị giờ lấy chồng xa, và người mẹ nay đã không còn.
10. Đối với mỗi người, ký ức đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với quá trình lớn lên và trưởng thành. Thật vậy, dù là ký ức vui hay buồn thì đều có vai trò giúp mỗi người có những trải nghiệm để lớn lên, để lại những cảm xúc khó quên. Những ký ức tươi đẹp bên bạn bè, người thân, gia đình, mái trường chắc chắn sẽ là những mảnh ghép tươi đẹp, đầy màu sắc rực rỡ và chứa đựng nhiều niềm vui. Nó sẽ là những kỷ niệm làm chúng ta bất giác mỉm cười khi nhớ về. Khi nhớ về, chúng chắc hẳn vẫn còn đọng lại vẹn nguyên xúc cảm như ngày đầu. Chẳng những vậy, những kí ức cũng có những bài học kinh nghiệm để chúng ta học tập. Những lần có chuyện buồn, đổ vỡ, vấp ngã, dại khờ sẽ giúp ta đúc rút kinh nghiệm để có thể khôn lớn hơn. Ký ức là hành trang, là phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người, làm nên tính cách của mỗi người.
Câu 3: Đọc đoạn trích sau:
(…) Vào hạ, sự chuyển dịch của trời đất như chùng lại trên cây cối; vẻ bay bướm xuân thì đã qua đi, thiên nhiên ổn định hẳn trong mầu lục trầm trầm của lá già. Vườn lá không đẹp, dù vậy, nó chưa bao giờ làm cho tôi chán mắt; bởi nó toát ra khí mạnh của nhựa cây, và trong những ổ lá rậm rịt kia, các loại trái đang lớn lên dưới sức nóng hun đúc. Hạ chí trở đi, vườn An Hiên vào mùa quả, khởi đầu là mùa thơm: giống thơm Nguyệt Biều vỏ chín đỏ như lửa cắt ra từng lát tròn to vừa lòng cái đĩa bàn, vàng rệu mầu mật ong, tưởng chừng có cô gái nào đó ở trong cây đã làm sẵn hoàn chỉnh một chiếc bánh kem sinh nhật. Dâu chín vào tháng năm, tháng sáu. Cây dâu Truồi ở vườn bà Lan Hữu rất đẹp, tán lá khum khum úp sát mặt đất kín mít, bên trong rỗng, trái chín vàng hươm từng chuỗi dài đổ úp thành đống quanh gốc cây. Nhìn đống quả đầy ứ như là ai đã hái sẵn đổ ra kia, tôi chợt mỉm cười với một ý nghĩ lạ lùng: giả như đời chẳng còn nhiệm vụ gì, tôi sẽ trải một tấm chiếu nhỏ dưới vòm lá kín đáo kia, nằm đó đọc sách ăn dâu. Suốt mùa hè. Sau vườn, cạnh giếng nước, có một vạt đất trồng mức làm chái cho những loại cây leo: hồ tiêu, thanh long v.v… Cây thanh long đặc sản nổi tiếng vùng Nha Trang, có lẽ là giống cây hiền lành nhất trong vườn: thân nhánh dài ngoằng nằm ún đống trên chạc cây mức trông như một đống dây chão; trồng một lần rồi chẳng bao giờ cần ngó lại, nó sống như một vật bỏ quên sau vườn, đến mùa lại cho con người hoa trái. Cây xấu xí mà hoa đẹp thế, hoàn toàn giống hoa quỳnh, cũng nở và tàn trong một đêm nên nhiều khi muốn ngắm hoa, bà Lan Hữu đã phải thắp đèn ra vườn lúc nửa đêm. Trái Thanh Long màu cánh sen chín vào những ngày nóng nhất của mùa hè, ruột trong như bột lọc, làm mát và khỏe người; ấy là món quà hảo tâm của thiên nhiên dành cho người làm vườn. Cuối hạ, mỗi hoàng hôn, lũ dơi lại xuất hiện, đảo liệng khắp vườn rồi chui vào những vòm lá tối, nơi đó tỏa ra mùi vải chín. Hè năm ngoái, tôi về huyện Nam Thanh, Hải Hưng; miền quê cây trái hào hiệp, mời khách ăn vải thiều không tiếc của, cứ đổ luôn trên mặt bàn thành đống cao như khoai như ngô. Giống trái quý này xưa kia dùng để tiến nạp cho vua ăn, bây giờ chúng tôi được đãi theo lối xả láng, ăn đến no bụng. Giống vải thiều Hưng Yên đưa vào Huế vẫn giữ được phẩm chất của nó, quả lớn hạt nhỏ cùi trắng nõn trông như một miếng mỡ, thơm và ngọt lịm. Vườn An Hiên còn có mấy cây vải Phụng Tiên, giống vải Huế quả lớn hơn quả nhãn một chút, hạt bé bằng hạt tiêu, hương vị không kém vải thiều xứ Bắc. Giống vải này được xếp vào dòng quí tộc, xưa chỉ trồng nơi cung cấm; bà Lan Hữu xin lại từ vườn của một viên thái giám. Đối ứng với mấy cây vải thiều miền Bắc, góc vườn bên kia có hai cây sầu riêng Lái Thiêu; bà Lan Hữu mang về trồng đã hai mươi năm, cách đây vài năm mới cho mùa quả đầu, trái to múi thơm không khác trái vườn trong Nam.
Càng vào thu, khu vườn càng hiện ra trong vẻ đẹp của trái, càng gợi cho người đi dạo vườn cái cảm giác khinh khoái của một phòng trưng bày tranh tĩnh vật. Cam và thanh trà làm khu vườn nặng trĩu xuống khác với dạo đầu mùa hạ; và đến cuối tháng tám, những cây thị nhung chi chít những quả đỏ. Loại thị này, giống như quả táo tây, cũng là một loại cây trái lạ, do mấy ông cố đạo mang đến từ một xứ nhiệt đới xa xôi nào đó. Cuối vụ thu là mùa hái hồng. Mấy cây hồng này già tuổi nhất trong vườn, vốn là quà tặng của cụ Nghè Mai – chắt nội cụ Nguyễn Du – tặng cho chồng bà Lan Hữu ngày mới lập vườn. Hồng Tiên Điền là giống của quê hương Nghệ Tĩnh ngàn vạn trái không có một hạt, trái chín lụn, đài vẫn dính chặt vỏ, không bị tróc mất như các loại hồng thường. Sau mùa trái nó trút hết lá, cây cỗi cành trơ, nhìn cứ tưởng là nó đã chết khô. Qua tiết đông, thoắt cái nó nẩy lộc chi chít, mươi hôm sau lá đã phủ kín cây; lá hồng tròn dày, xanh bóng, nhạy cảm với từng tia nắng, sáng trưng lên trong niềm vui phục sinh của mùa xuân. Tháng hai hồng ra hoa, trong lòng mỗi đóa hoa xanh biếc đã kết một trái non. Từ đó đến lúc chín, trái non rụng dần, rụng như một hành động tự đào thải tàn nhẫn. (…)
(Trích Hoa trái quanh tôi, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tạp chí Sông Hương, số 3 (T.10-1983)
Lựa chọn đáp án đúng:
1. Đối tượng chủ yếu mà đoạn trích đề cập đến là gì?
A. Các loại hoa
B. Các loại trái
C. Các loại cây
D. Các loại hoa trái
2. Khu vườn An Hiên được tác giả miêu tả chủ yếu qua những mùa nào trong năm?
A. Mùa xuân và mùa hạ
B. Mùa hạ và mùa thu
C. Mùa thu và mùa đông
D. Mùa đông và mùa xuân
3. Đoạn trích có sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt nào sau đây:
A. Tự sự, biểu cảm
B. Tự sự, miêu tả
C. Tự sự, thuyết minh, hành chính công vụ
D. Tự sự, miêu tả, biểu cảm
4. Những loại trái cây nào được tác giả nói tới trong đoạn trích?
A. Thơm, thanh long, vải, sầu riêng, cam, thanh trà, thị, hồng, mức
B. Thơm, dâu, thanh long, vải, sầu riêng, cam, thanh trà, thị, hồng, hồ tiêu
C. Thơm, dâu, thanh long, vải, sầu riêng, cam, thanh trà, thị, hồng
D. Thơm, dâu, thanh long, vải, nhãn, sầu riêng, cam, thanh trà, thị, hồng
5. Phát biểu nào sau đây nói về nội dung khái quát của đoạn trích?
A. Vẻ đẹp của khu vườn An Hiên
B. Sự đa dạng của các loại cây trong khu vườn An Hiên
C. Đặc điểm của từng loại trái cây trong khu vườn An Hiên
D. Cây trái trong khu vườn An Hiên qua từng mùa
6. Phát biểu nào sau đây nói lên cảm xúc chủ đạo của đoạn trích?
A. Tình yêu đối với những thứ cây trái mà thiên nhiên ban tặng
B. Lòng biết ơn đối với chủ nhân của khu vườn An Hiên
C. Sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp trù phú và đa dạng của khu vườn
D. Tấm lòng gắn bó đối với khu vườn tươi đẹp
7. Cái tôi của tác giả được thể hiện như thế nào qua văn bản?
A. Cái tôi tinh tế, uyên bác
B. Cái tôi đa cảm, mơ mộng
C. Cái tôi thông minh, sắc sảo
D. Cái tôi hóm hỉnh, hài hước
Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:
8. Bạn ấn tượng với loại trái cây nào nhất trong khu vườn An Hiên? Lí giải?
9. Nêu chủ đề của văn bản?
10. Từ nội dung văn bản, bạn có suy nghĩ gì về vai trò của thiên nhiên đối với cuộc sống con người? (Viết khoảng 5 – 7 câu)
Đáp án:
1: B
2: B
3: D
4: C
5: D
6: C
7: A
8.
- Em ấn tượng với quả thanh long đặc sản nổi tiếng vùng Nha Trang, vì thân nhánh dài ngoằng nằm ún đống trên chạc cây mức trông như một đống dây chão, cây tuy xấu xí nhưng mà hoa lại rất đẹp, hoàn toàn giống hoa quỳnh nở và tàn trong một đêm nên nhiều khi rất muốn ngắm nhìn tận hưởng nó chọn phút giây. Trái Thanh Long màu cánh sen chín vào những ngày nóng nhất của mùa hè, ruột trong như bột lọc, làm mát và khỏe người, ấy là món quà hảo tâm của thiên nhiên dành cho con người.
9. Chủ đề của văn bản: Qua việc miêu tả các loại cây trái trong khu vườn An Hiên qua hai mùa hạ và thu, tác giả đã làm nổi bật những vẻ đẹp riêng của từng loại cây trái, vẻ đẹp trù phú đa dạng của cả khu vườn; qua đó cho ta thấy sự kì diệu của thiên nhiên, đồng thời cũng cho thấy sự quan sát tinh tế, nhạy cảm, tấm lòng yêu thiên nhiên tha thiết của tác giả.
10. Tầm quan trọng của thiên nhiên trong đời sống con người là một điều không thể bàn cãi. Thiên nhiên đáp ứng tất cả những nhu cầu cơ bản của nhân loại. Ta có đất để sinh sống, nước để uống, không khí để thở, nguồn thủy hải sản dồi dào để khai thác,... Không chỉ vậy, thiên nhiên còn đem đến cho con người nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào như than đá, dầu mỏ, khí đốt,... Hay ta có vàng, bạc, đá quý, kim cương,... để tạo ra rất nhiều trang sức lấp lánh, làm đẹp cho bản thân. Rất nhiều danh lam thắng cảnh cũng được khai thác để phát triển du lịch. Từ đó, đưa nền kinh tế nước nhà ngày càng đi lên. Về cơ bản, thiên nhiên gần như là thứ không thể thiếu trong đời sống con người. Chính vì vậy, con người chúng ta cũng cần có thái độ, cách đối xử thật hợp lí đối với thiên nhiên. Thay vì xả rác bừa bãi, chặt cây phá rừng, khai thác tài nguyên đến kiệt quệ, hãy phát triển môi trường sống xung quanh. Giữ gìn thiên nhiên chính là cách tốt nhất để bảo vệ sự sống của nhân loại.
Câu 4: Đọc văn bản sau:
(…)
(1) Người ta nhớ nhà, nhớ cửa, nhớ những nét mặt thương yêu, nhớ những con đường đã đi về năm trước, nhớ người bạn chiếu chăn dắt tay nhau đi trên những con đường vắng vẻ ngào ngạt mùi hoa xoan còn thơm ngát hơn cả hoa cau, hoa bưởi. Người ta nhớ heo may giếng vàng; người ta nhớ cá mè, rau rút; người ta nhớ trăng bạc, chén vàng.
Nhớ quá, bất cứ cái gì của Hà Nội cũng nhớ, bất cứ cái gì của Bắc Việt cũng nhớ, nhớ từ cánh đồng lúa con gái mơn mởn nhớ đi, nhớ từ tiếng hát của người mẹ ru con buổi trưa hè mà nhớ lại; nhớ hoa sấu rụng đầu đường Hàng Trống, nhớ quả bàng ở Hải Hậu rụng xuống bờ sông Đào, nhớ sen Linh Đường thơm ngào ngạt của bầu trời nhớ lên, nhớ nhãn Hưng Yên, vải Vụ Bản, cá anh vũ Việt Trì, na Láng, bưởi Vạn Phúc, cam Bố Hạ, đào Sa Pa mà nhớ xuống.
Nhớ không biết bao nhiêu, nhớ bát canh rau sắng chùa Hương, nhớ khóm tiễn xuân la trồng ở bên giậu trúc; nhớ mưa bụi, vợ chồng nửa đêm thức giấc đi uống một ly rượu ấm ở cao lâu, nhớ những buổi trưa hè có ve sầu kêu rền rền, nhớ luôn cả những cô gái Thổ cưỡi ngựa thổ đi trong rừng có những cánh hoa đào rơi lả tả nơi vai áo…
Càng nhớ như vậy thì càng yêu Hà Nội biết bao nhiêu, lại càng say đắm Bắc Việt biết bao nhiêu!
(2) Hà Nội! Bắc Việt của một ngày xa xưa ơi! Bây giờ liễu ở Hồ Gươm có còn xanh mươn mướt như hồi ta bước ra đi? Những trồi sơn trúc, thạch nương ở Nghi Tàm có còn chưa phong quanh như cũ? Núi Nùng ra sao? Hồ Tây thế nào? Con đường Bách Thảo thơm nức mùi lan tây, hàng đêm, ta vẫn cùng đi với người vợ bé nhỏ, bồng con ở trên tay để đến thăm người bạn sống cô chích ở trong vườn “Bình Bịp” bây giờ ra thế nào? Trên con đường Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai các đồn điền cam quýt ở hai bên bờ sông Thao vẫn còn tốt tươi như cũ và các cô gái ngăm ngăm da dâu có còn nắm lấy tay các du khách mà ví von ca hát không cho về? Ở trước cửa chợ Đồng Xuân, có còn chăng những hàng nước chè tươi; ở chợ Hôm, những hàng phở gánh bán cho khách ăn đêm; và ở trên khắp nẻo đường, những người đội thúng, cầm một chiếc đèn dầu ở tay, lặng lẽ đi trong đêm rao “giò, dầy”?
(3) Nhớ không biết chừng nào là nhớ, nhớ sao nhớ quá thế này! Thì ra cái người nhớ Hà Nội, nhớ Bắc Việt cũng như thể chàng trai nhớ gái; bất cứ thấy ai cũng tưởng ngay đến người thương của mình và đem ra so sánh thì bao nhiêu người đẹp ở trước mắt đều kém người thương mình hết. (…)
(Trích Thương nhớ mười hai, Vũ Bằng, Nxb Văn học, Hà Nội, 2001)
Lựa chọn đáp án đúng:
1. Các phương thức biểu đạt chủ yếu của văn bản trên là?
A. Biểu cảm và thuyết minh
B. Thuyết minh và nghị luận
C. Tự sự và nghị luận
D. Tự sự và biểu cảm
2. Văn bản trên viết về vùng đất nào?
A. Hà Nội
B. Bắc Việt
C. Hồ Gươm
D. Cả A và B
3. Biện pháp tu từ nào sau đây được sử dụng phổ biến trong đoạn (1)
A. Nhân hóa
B. Ẩn dụ
C. Liệt kê
D. Hoán dụ
4. Biện pháp tu từ nào sau đây được sử dụng phổ biến trong đoạn (2)
A. Nhân hóa
B. Câu hỏi tu từ
C. Ẩn dụ
D. Hoán dụ
5. Cảm xúc chủ đạo của văn bản trên là:
A. Nỗi nhớ
B. Nỗi buồn
C. Nỗi thất vọng
D. Nỗi day dứt
6. Phát biểu nào sau đây nói lên nội dung khái quát của văn bản?
A. Nỗi nhớ da diết đối với Hà Nội nói riêng và Bắc Việt nói chung
B. Nỗi nhớ da diết về một thời đã qua đi không trở lại
C. Ước mong cháy bỏng được trở về thăm lại cảnh cũ, người xưa
D. Nỗi buồn vì những vẻ đẹp của Hà Nội xưa nay đã không còn nữa
7. Cái tôi của tác giả được thể hiện như thế nào qua văn bản?
A. Cái tôi tài hoa
B. Cái tôi uyên bác
C. Cái tôi trữ tình
D. Cả A và C
Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:
8. Bạn rút ra được thông điệp gì sau khi đọc văn bản trên?
9. Nêu chủ đề của văn bản?
10. Từ nội dung văn bản, bạn có suy nghĩ gì về vai trò của quê hương đối với mỗi con người? (Viết khoảng 5 – 7 câu).
Đáp án:
1. D
2. D
3. C
4. B
5. A
6. A
7. D
8. Thông điệp:
– Hãy yêu thương mảnh đất mà mình từng gắn bó
– Hãy biết phát hiện và trân trọng những vẻ đẹp của quê hương, đất nước
9. Chủ đề của văn bản: Văn bản là nỗi nhớ da diết của người đi xa nhớ về Hà Nội, nhớ về Bắc Việt. Qua đó ta thấy được vẻ đẹp của Hà Nội nói riêng và Bắc Việt nói chung, đồng thời cũng thấy được tấm lòng yêu thương, gắn bó sâu nặng mà tác giả dành cho những miền đất ấy.
10. Quê hương đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Đó không chỉ là nơi ta sinh ra, lớn lên mà còn là nguồn cội, nơi lưu giữ kỷ niệm tuổi thơ. Quê hương giúp hình thành nhân cách và giá trị sống của mỗi người, mang đến cảm giác gắn bó và thân thuộc. Những truyền thống, phong tục tập quán ở quê hương cũng ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ và hành động của chúng ta. Bên cạnh đó, quê hương còn là nguồn động lực để ta phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống. Dù có đi xa đến đâu, hình ảnh quê hương vẫn luôn ở trong tim, nhắc nhở ta về nguồn gốc và trách nhiệm với nơi mình xuất phát.
Câu 5: Đọc đoạn trích sau:
(…)
(1) Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm , Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về. Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phiết vào bản đồ lai chữ.
(2) Con Sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, sông Đà lại gợi một cách. Đã có lần tôi nhìn Sông Đà như một cố nhân. Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chỗ thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất là mình sắp đổ ra Sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Bờ Sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên Sông Đà. Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng. Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra Sông Đà, đúng thế, nó đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân, mặc dầu người cố nhân ấy mình biết là lắm bệnh lắm chứng, chốc dịu dàng đấy, rồi chốc lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy”. (…)
(Trích Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012, tr.190-191)
Lựa chọn đáp án đúng:
1. Đoạn trích trên sử dụng điểm nhìn trần thuật ở ngôi thứ mấy?
A. Ngôi thứ nhất
B. Ngôi thứ hai
C. Ngôi thứ ba
D. Cả A và C
2. Các phương thức biểu đạt chủ yếu của văn bản trên là?
A. Biểu cảm và thuyết minh
B. Thuyết minh và nghị luận
C. Tự sự và nghị luận
D. Tự sự và biểu cảm
3. Những đặc điểm nào của con sông Đà được tác giả nói tới trong đoạn (1)
A. Màu sắc và độ sâu
B. Màu sắc và độ dài
C. Độ dài và ghềnh thác
D. Màu sắc và độ rộng
4. Các biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu văn: “Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình”?
A. So sánh và liệt kê
B. So sánh và nhân hóa
C. So sánh và ẩn dụ
D. So sánh và điệp
5. Phát biểu nào sau đây nói về vẻ đẹp của con sông Đà trong đoạn trích? (0,5 điểm)
A. Vẻ đẹp độc đáo và gợi cảm
B. Vẻ đẹp hùng vĩ và dữ dội
C. Vẻ đẹp hoang sơ và thanh bình
D. Vẻ đẹp rực rỡ và trong sáng
6. Tác giả thể hiện tình cảm gì khi gặp lại con sông Đà ở đoạn (2)
A. Nhớ nhung
B. Vui mừng
C. Ngưỡng mộ
D. Buồn bã
7. Cái tôi của tác giả được thể hiện như thế nào qua đoạn trích?
A. Cái tôi tài hoa
B. Cái tôi đa cảm
C. Cái tôi trữ tình
D. Cả A và C
Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:
8. Bạn rút ra được thông điệp gì cho bản thân sau khi đọc đoạn trích trên?
9. Nêu chủ đề của đoạn trích?
10. Chọn phân tích một vẻ đẹp của con sông Đà ở trong đoạn trích mà bạn tâm đắc nhất? (Viết khoảng 5 – 7 câu)
Đáp án:
1. A
2: D
3: B
4: D
5: A
6: B
7: D
8: Thông điệp: Phải biết cảm nhận và trân trọng vẻ đẹp của đất nước.
9: Chủ đề của đoạn trích: qua việc miêu tả con sông Đà từ trên cao nhìn xuống và từ trong rừng đi ra, tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp độc đáo và gợi cảm của con sông Đà, qua đó thể hiện sự quan sát tinh tế, sự hiểu biết sâu sắc của tác giả về con sông, đồng thời cũng bộc lộ tình yêu của mình đối với con sông Đà nói riêng và đất nước nói chung.
10. Phân tích vẻ đẹp của màu nước sông Đà:
Màu sắc dòng nước của sông Đà biến đổi theo mùa: Mùa xuân, dòng nước sông đà xanh màu ngọc bích. Phép so sánh ấy cho ta hình dung về sắc nước trong trẻo. Sắc nước ấy có được là do sông Đà đã chảy qua những vùng núi đá cheo leo nơi thượng nguồn tây bắc. Một màu xanh đặc trưng của sông Đà, khác hẳn với cái màu xanh lờ đờ mờ đục như màu canh hến của sông Gâm, sông Lô. Vào mùa thu, dòng nước sông Đà lại “lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về””. Màu chín đỏ ấy là hệ quả của những trận mưa lũ đầu nguồn cuốn phăng đất đá. Cái màu đỏ lừ lừ ấy còn hé lộ cho ta thấy ẩn chứa bên trong dòng chảy êm ả vùng hạ lưu ấy vẫn tiềm ẩn những sức mạnh ghê gớm của một con sông trái chứng trái nết, thoắt hiền lành đấy rồi bỗng chốc lại có thể gắt gỏng thác lũ ngay đấy.
Xem thêm các bài viết về định nghĩa và khái niệm môn Văn chọn lọc, hay khác:
- Hài kịch là gì?
- Bi kịch là gì?
- Thơ, Thơ trữ tình là gì?
- Thơ có yếu tố tự sự, miêu tả là gì?
- Thơ lục bát là gì?
Tủ sách VIETJACK luyện thi vào 10 cho 2k10 (2025):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Đề thi lớp 1 (các môn học)
- Đề thi lớp 2 (các môn học)
- Đề thi lớp 3 (các môn học)
- Đề thi lớp 4 (các môn học)
- Đề thi lớp 5 (các môn học)
- Đề thi lớp 6 (các môn học)
- Đề thi lớp 7 (các môn học)
- Đề thi lớp 8 (các môn học)
- Đề thi lớp 9 (các môn học)
- Đề thi lớp 10 (các môn học)
- Đề thi lớp 11 (các môn học)
- Đề thi lớp 12 (các môn học)
- Giáo án lớp 1 (các môn học)
- Giáo án lớp 2 (các môn học)
- Giáo án lớp 3 (các môn học)
- Giáo án lớp 4 (các môn học)
- Giáo án lớp 5 (các môn học)
- Giáo án lớp 6 (các môn học)
- Giáo án lớp 7 (các môn học)
- Giáo án lớp 8 (các môn học)
- Giáo án lớp 9 (các môn học)
- Giáo án lớp 10 (các môn học)
- Giáo án lớp 11 (các môn học)
- Giáo án lớp 12 (các môn học)