Thơ có yếu tố tự sự, miêu tả là gì (chi tiết nhất)

Bài viết Thơ có yếu tố tự sự, miêu tả là gì chi tiết nhất, đầy đủ khái niệm, đặc điểm, cách đọc hiểu & bài tập có đáp án chi tiết giúp bạn nắm vững kiến thức trọng tâm về Thơ có yếu tố tự sự, miêu tả.

Thơ có yếu tố tự sự, miêu tả là gì (chi tiết nhất)

Quảng cáo
Cài đặt app vietjack

1. Khái niệm

- Thơ có yếu tố tự sự, miêu tả là thơ trong đó người viết thường kể lại sự việc, câu chuyện và miêu tả sự vật; qua đó, thể hiện tình cảm, thái độ của mình.

2. Đặc điểm

- Yếu tố tự sự (kể chuyện):

+ Có cốt truyện, nhân vật, sự kiện cụ thể.

+ Trình tự sự việc thường được sắp xếp theo diễn biến thời gian.

+ Giọng điệu có thể mang tính kể chuyện, tường thuật.

- Yếu tố miêu tả:

+ Khắc họa rõ nét cảnh vật, con người, cảm xúc thông qua hình ảnh sinh động.

+ Sử dụng nhiều biện pháp tu từ như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, tượng trưng,...

+ Giúp người đọc dễ hình dung khung cảnh, tâm trạng trong bài thơ.

- Kết hợp yếu tố trữ tình:

+ Dù có tính tự sự, miêu tả, thơ vẫn thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của tác giả hoặc nhân vật trữ tình.

Quảng cáo

+ Cảm xúc được thể hiện qua ngôn từ giàu chất thơ, nhịp điệu uyển chuyển.

3. Ví dụ 1 số tác phẩm thơ có yếu tố tự sự, miêu tả

- Truyện Kiều (Nguyễn Du)

- Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật)

- Lượm (Tố Hữu)

- Đêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ)

- Chuyện cổ tích về loài người (Xuân Quỳnh)

- …

4. Cách đọc hiểu một văn bản thơ có yếu tố tự sự, miêu tả

Khi đọc hiểu một văn bản thơ có yếu tố tự sự (kể chuyện) và miêu tả, bạn có thể làm theo các bước sau:

- Xác định nội dung chính của bài thơ

+ Chủ đề, tư tưởng chính: Bài thơ muốn nói đến điều gì? Tác giả muốn gửi gắm thông điệp gì?

+ Câu chuyện trong bài thơ: Nếu có yếu tố tự sự, hãy xác định sự kiện, tình huống, nhân vật, diễn biến câu chuyện.

Quảng cáo

+ Hình ảnh, không gian, thời gian: Nếu có yếu tố miêu tả, chú ý đến cách tác giả khắc họa cảnh vật, con người.

- Phân tích các yếu tố tự sự, miêu tả trong bài thơ

+ Yếu tố tự sự:

Bài thơ có kể lại một câu chuyện không?

Nhân vật trong bài thơ là ai? Họ có đặc điểm gì?

Trình tự diễn biến của sự kiện như thế nào?

+ Yếu tố miêu tả:

Những hình ảnh nào nổi bật trong bài thơ?

Cảnh vật, con người được miêu tả bằng biện pháp nghệ thuật nào (so sánh, nhân hóa, ẩn dụ…)?

- Tìm hiểu nghệ thuật của bài thơ

+ Thể thơ, nhịp điệu ảnh hưởng gì đến nội dung?

+ Ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, giàu cảm xúc ra sao?

Quảng cáo

+ Biện pháp tu từ được sử dụng để làm nổi bật yếu tố tự sự và miêu tả?

- Đánh giá và liên hệ

+ Giá trị nội dung: Bài thơ thể hiện tình cảm, tư tưởng gì?

+ Giá trị nghệ thuật: Những điểm đặc sắc về nghệ thuật trong bài thơ?

+ Liên hệ thực tế: Có thể liên hệ bài thơ với bản thân hoặc cuộc sống như thế nào?

5. Một số bài tập liên quan đến thể loại thơ có yếu tố tự sự, miêu tả.

5.1. Trắc nghiệm

Câu 1: Thể loại thơ có yếu tố tự sự là gì?

A. Thơ kể chuyện kết hợp với biểu cảm

B. Thơ chỉ tập trung vào miêu tả sự vật

C. Thơ không có cốt truyện

D. Thơ chỉ có yếu tố trữ tình

Đáp án: A

Câu 2: Yếu tố nào thường xuất hiện trong thơ có yếu tố miêu tả?

A. Hình ảnh thiên nhiên, con người sống động

B. Lời kể theo trình tự thời gian

C. Chỉ sử dụng ngôn ngữ biểu cảm

D. Không có yếu tố trữ tình

Đáp án: A

Câu 3: Đặc điểm chính của thơ có yếu tố tự sự là gì?

A. Chỉ sử dụng ngôn ngữ tượng trưng

B. Có cốt truyện, nhân vật, sự kiện

C. Không có vần điệu

D. Không có yếu tố cảm xúc

Đáp án: B

Câu 4. Yếu tố tự sự và miêu tả trong thơ là:

A. Là phương tiện để nhà thơ kể về cuộc đời mình.

B. Là phương tiện để nhà thơ tái hiện chân thực sinh động cuộc sống.

C. Là phương tiện để nhà thơ ngược dòng trở về với cội nguồn cảm xúc.

D. Là phương tiện để nhà thơ bày tỏ tình cảm, cảm xúc và suy tư của mình.

Đáp án: D

Câu 5: Thơ có yếu tố tự sự thường sử dụng biện pháp nghệ thuật nào?

A. Ẩn dụ, hoán dụ

B. Liệt kê, kể chuyện, miêu tả

C. Chỉ có từ ngữ giàu hình ảnh

D. Không sử dụng biện pháp nghệ thuật

Đáp án: B

Câu 6: Yếu tố tự sự trong thơ giúp gì cho tác phẩm?

A. Làm cho bài thơ có tính kịch tính hơn

B. Giúp truyền tải câu chuyện hoặc sự kiện một cách sinh động

C. Khiến bài thơ mang tính khô khan, thiếu cảm xúc

D. Chỉ có tác dụng làm nền cho nhân vật chính

Đáp án: B

Câu 7.  Điểm khác biệt giữa thơ tự sự và truyện thơ là gì?

A. Truyện thơ có kết cấu hoàn chỉnh, nhân vật rõ ràng hơn

B. Thơ tự sự chỉ tập trung vào kể chuyện, không có miêu tả

C. Truyện thơ không có yếu tố trữ tình

D. Thơ tự sự không có cốt truyện cụ thể

Đáp án: A

Câu 8: Vì sao thơ có yếu tố miêu tả lại dễ tạo ấn tượng cho người đọc?

A. Vì giúp hình dung rõ hơn về hình ảnh, bối cảnh trong thơ

B. Vì chỉ tập trung vào sự kiện, không có cảm xúc

C. Vì không sử dụng nghệ thuật so sánh, liên tưởng

D. Vì làm bài thơ có vần điệu dễ nhớ

Đáp án: A

Câu 9: Dòng nào sau đây đúng với thơ có yếu tố tự sự?

A. Chỉ có kể chuyện, không bộc lộ cảm xúc

B. Thường kết hợp với yếu tố trữ tình và miêu tả

C. Không có nhân vật cụ thể

D. Chỉ dùng để viết về đề tài lịch sử

Đáp án: B

Câu 10: Biện pháp tu từ nào thường xuất hiện trong thơ có yếu tố miêu tả?

A. So sánh, nhân hóa, ẩn dụ

B. Chơi chữ, nói quá

C. Điệp ngữ, nói giảm nói tránh

D. Tương phản, câu hỏi tu từ

Đáp án: A

5.2. Tự luận

Câu 1: Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung, kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái.
(…) Không có kính, ừ thì ướt áo,
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa mau khô thôi..
Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.

(Bài thơ về Tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật)

1. Những hình ảnh nào trong bài thơ nói lên tinh thần dũng cảm và lòng hăng hái của các chiến sĩ lái xe ?

2. Tình đồng chí, đồng đội của những người chiến sĩ được thể hiện trong những câu thơ nào?

3. Nội dung của ba khổ thơ đầu bài "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" là gì?

4. Hình ảnh những chiếc xe không có kính vẫn băng băng ra trận giữa bom đạn của kẻ thù gợi cho em cảm nghĩ gì?

Đáp án:

Câu 1: Những hình ảnh trong bài thơ nói lên tinh thần dũng cảm và lòng hăng hái của các chiến sĩ lái xe là:

“Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”.

“Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi” nên người lái xe bị gió lùa “mắt đắng”, nhưng anh vẫn dũng mãnh phóng xe như bay suốt đêm ngày. Thật là hăng hái:

“Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái”.

Mưa rừng “mưa tuôn mưa xối”, người chiến sĩ như ngồi trong mưa, áo quần ướt hết, nhưng vẫn ngang tàng hăng hái:

“Chưa cần thay lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa mau khô thôi”.

Chữ “ừ ” trong câu thơ “Không có kính ừ thì ướt áo” đã thể hiện tinh thần dám chấp nhận mọi gian khổ hi sinh để hoàn thành nhiệm vụ chở vũ khí và lương thực… chi viện cho tiền phương.

2: Tình đồng chí, đồng đội của các chiến sĩ trong Tiểu đội xe không kính được thể hiện qua các từ ngữ: “họp thành”, “gặp”, “bắt tay” và trong các câu trong khổ thơ sau:

“Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”.

3: Nội dung chính của ba khổ thơ đầu là: Ba khổ thơ đầu gợi lên hình ảnh những chiếc xe không kính, và hình ảnh người lính lái xe trên trong tư thế hiên ngang, lạc quan, coi thường nguy hiểm tiến về phía trước.

4: Hình ảnh những chiếc xe không có kính vẫn băng băng ra trận giữa bom đạn của kẻ thù gợi cho em nhiều xúc động.

- Cuộc chiến đấu chống Mĩ của nhân dân ta, cũng như của các chiến sĩ lái xe trên con đường chiến lược Trường Sơn là vô cùng dữ dội và ác liệt.

- Những chiến sĩ lái xe rất ngoan cường dũng cảm, hăng hái, lạc quan bất chấp mọi gian khổ hi sinh, quyết tâm chi viện cho chiến trường miền Nam, vì thống nhất đất nước.

- Những chiến sĩ lái xe đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cho chúng ta noi gương học tập.

Câu 2: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

 Ngày Huế đổ máu

Chú Hà Nội về

Tình cờ chú cháu

Gặp nhau Hàng Bè.

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh

Ca-lô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng...

(Tố Hữu, Việt Bắc, NXB Văn học, 1962)

1. Chỉ ra biện pháp tu từ và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó trong khổ thơ 3

2. Nêu tác dụng của các biện pháp miêu tả trong 2 đoạn thơ cuối.

3. Viết 1 đoạn văn 5-7 câu nêu cảm xúc về nhân vật chú bé Lượm trong đoạn trích trên

Đáp án:

1.

− Biện pháp tu từ: So sánh, ẩn dụ.

− Tác dụng: Tác giả so sánh ''Lượm'' với ''Con chim chích''. Giúp ta hình dung ra Lượm là chú bé rất nhanh nhẹn nhỏ nhắn đáng yêu; hình ảnh ẩn dụ ''Đường vàng'' để chỉ con người cách mạng, con đường mà Lượm đã chọn để đi theo thể hiện lí tưởng chiến thắng cao đẹp của chú bé Lượm. 

2. 

Tác dụng của các biện pháp miêu tả trong hai đoạn thơ cuối: Các biện pháp miêu tả trên phối hợp với nhau để khắc hoạ một cách ấn tượng, sinh động về chân dung của Lượm: một chú bé liên lạc nhỏ bé, gầy gò nhưng nhanh nhẹn (thoăn thoắt), hiếu động, nghịch ngợm (nghênh nghênh; Ca lô đội lệch), yêu đời, hồn nhiên (Như con chim chích / Nhảy trên đường vàng). Vì chú liên lạc nhỏ bé nên chiếc xắc bên mình cũng nhỏ bé, xinh xắn (xinh xinh).

3.

Bài thơ Lượm của Tố Hữu đã để lại cho tôi thật nhiều ấn tượng. Tác giả đã khắc họa hình ảnh một cậu bé liên lạc mang vẻ hồn nhiên, ngây thơ nhưng rất dũng cảm, gan dạ. Mở đầu là cuộc gặp gỡ với người chiến sĩ ở Hàng Bè vào những ngày tháng thực dân Pháp trở lại xâm lược Huế. Chiến tranh xảy ra, Lượm tham gia cách mạng với tư cách là một chiến sĩ liên lạc. Cậu được miêu tả với dáng người nhỏ bé nhưng rất nhanh nhẹn. Cùng với đó là cái xắc đeo trên vai để đựng thư, chiếc ca lô đội lệch trên đầu. Không chỉ ngoại hình, chúng ta còn thấy được nét tính cách hồn nhiên của Lượm. Điều đó được thể hiện qua niềm vui khi bản thân được làm liên lạc. Những từ ngữ trực tiếp miêu tả cảm xúc “vui”, “thích”, “cười”, “má đỏ” đã diễn tả được tâm trạng của Lượm, đồng thời qua đó còn khẳng định việc được tham gia chiến đấu chống kẻ thù bảo vệ đất nước là niềm vui của thế hệ trẻ Việt Nam. 

Câu 3: Đọc kĩ phần văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”

(Bếp lửa, Bằng Việt)

1: Nêu nội dung của đoạn thơ trên

2: Em hiểu từ “lận đận” trong câu thơ trên như thế nào? Trong bài thơ, hai lần tác giả dùng cụm từ “biết mấy nắng mưa” để nói về cuộc đời của bà. Điều đó có ý nghĩa như thế nào?

3: Điệp từ “nhóm” trong đoạn thơ trên là kiểu điệp từ gì? Các từ “nhóm” trong đoạn thơ có ý nghĩa như thế nào?

4: Xét về mục đích nói, câu thơ cuối đoạn thơ vừa chép thuộc kiểu câu gì? Chỉ ra và gọi tên các thành phần biệt lập được dùng trong câu thơ đó.

Đáp án:

1: Nội dung của đoạn thơ trên: Bà tần tảo, lặng lẽ hi sinh cả một đời. Từ ngọn lửa của bà cháu nhận ra cả một niềm tin dai dẳng về ngày mai. Bà không chỉ là người nhóm lửa mà còn là người truyền lửa - ngọn lửa của sự sống, niềm tin cho các thế hệ mai sau.

2:

- Từ “lận đận” là từ láy tượng hình, cuộc đời bà là cuộc đời đầy truân chuyên, vất vả, nhiều gian khổ, chênh vênh.

- Trong bài thơ, hai lần tác giả dùng cụm từ “biết mấy nắng mưa” để nói về cuộc đời của bà. Điều đó có ý nghĩa là: Bà đối mặt và vượt qua mọi “mưa nắng” cuộc đời để trở thành chỗ dựa cho con cái.

=> Hình ảnh bà chính là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam tần tảo, giàu đức hi sinh dù gian truân nhưng vẫn sáng lên tình yêu thương.

3: 

- Điệp từ “nhóm” trong đoạn thơ trên là động từ được lặp lại bốn lần trong khổ thơ thứ sáu và mang nhiều ý nghĩa khác nhau.

- Các từ “nhóm” trong đoạn thơ có ý nghĩa là:

+ Từ “nhóm” trong “nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm” được sử dụng với nghĩa gốc thể hiện hành động làm cho lửa bén tạo ra nhiệt, để đun nấu, đây là bếp lửa thực tế, có thể cảm nhận bằng thị giác, xúc giác.

+ Ba từ “nhóm” còn lại mang ý nghĩa ẩn dụ: bà khơi dậy trong lòng đứa cháu những yêu thương, kí ức đẹp có giá trị trong lòng bà đã nhóm lên, đã khơi dậy niềm yêu thương, những kí ức đẹp, có giá trị trong cuộc đời mỗi người.

4: 

- Câu thơ: “Ôi kì lạ và thiêng liêng - Bếp lửa!” là câu cảm thán thể hiện sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên khi khám phá ra điều kì diệu giữa cuộc đời bình dị, từ ngọn lửa bà nhen nhóm mỗi ngày, cháu nhận ra niềm tin, tình yêu thương, ngọn nguồn của tình nghĩa.

- Trong câu có sử dụng thành phần biệt lập: thành phần phụ chú, nhằm giải thích, nhấn mạnh về điều kì lạ và thiêng liêng với người cháu - bếp lửa - tình bà cháu.

Câu 4: Đọc văn bản sau:

VỀ QUÊ

Theo ông cháu được về quê

Đồng xanh tít tắp mùa hè thênh thang

Về quê được tắm giếng làng

Bắc thang bẻ ổi chín vàng trên cây

Trời cao lồng lộng gió mây

Tre đu kẽo kẹt nắng đầy sân phơi

Chó mèo cứ quẩn chân người

Vịt bầu từng nhóm thảnh thơi bơi thuyền

Vườn sau gà bới giun lên

Lũ con chiêm chiếp theo liền đằng sau

Buổi trưa cháu mải đi câu

Chiều về mấy đứa tranh nhau thả diều

Ở quê ngày ngắn tí teo

Nghỉ hè một tháng trôi vèo như không…

(Vũ Xuân Quản, Thả diều trên đê, NXB Văn học, 2020, tr.65)

Trả lời các câu hỏi:

1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?

2. Xác định yếu tố tự sự và miêu tả trong hai dòng thơ? “Theo ông cháu được về quê Đồng xanh tít tắp mùa hè thênh thang”

3. Em hãy chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa trong dòng thơ: “Vịt bầu từng nhóm thảnh thơi bơi thuyền”?

4. Em nhận xét gì về cảnh vật quê hương ta qua những dòng thơ sau? “Về quê được tắm giếng làng Bắc thang bẻ ổi chín vàng trên cây Trời cao lồng lộng gió mây Tre đu kẽo kẹt nắng đầy sân phơi”

6. Em hãy nêu chủ đề của bài thơ?

6. Bài thơ gợi cho em những tình cảm gì? Từ đó, em hãy nêu 02 việc cần làm để góp phần xây dựng quê hương?

Đáp án:

1. Thể thơ lục bát.

2.

- Yếu tố tự sự: Theo ông cháu được về quê

- Yếu tố miêu tả: Đồng xanh tít tắp

3.

Tác dụng: Gợi tả cụ thể hình ảnh từng nhóm vịt bầu bơi lội chậm rãi, nhàn nhã, thoải mái trong ao làng. Qua đó, ta thấy được khung cảnh làng quê yên ả, thanh bình. Tác giả thể hiện sự quan sát tinh thế, sự gắn bó và tình yêu quê sâu nặng.

4. Cảnh vật quê ta hiện lên với những hình ảnh thân quen, bình dị nhất của quê hương đó là giếng làng, ổi chín vàng, trời cao lồng lộng, tre đu kẽo kẹt…

5. Chủ đề của bài thơ:

- Tình yêu quê hương, đất nước.

- Tình yêu gia đình.

6.

- Những tình cảm của bản thân sau khi đọc bài thơ.

+ Yêu và thích được sống ở quê.

+ Yêu ông bà, yêu những cái đơn sơ giản dị, yêu các con vật ,…

- 02 hành động cụ thể của bản thân góp phần xây dựng quê hương.

+ Chăm chỉ, sáng tạo, học tập, lao động để mai sau xây dựng quê hương.

+ Tích cực rèn luyện đạo đức, tác phong, lối sống trong sáng, lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội.

+ Tích cực tham gia, góp phần xây dựng quê hương bằng những việc làm thiết thực, phù hợp với khả năng như tham gia bảo vệ môi trường, tham gia các hoạt động xã hội…

Câu 5:  Đọc văn bản:

ĐI ĐI EM

Rứa là hết! Chiều ni em đi mãi

Còn mong chi ngày trở lại Phước ơi!

Quên làm sao, em hỡi, lúc chia phôi

Bởi khác cảnh, hai đứa mình nghẹn nói.

 

Em len lét, cúi đầu, tay xách gói

Áo quần dơ, cắp chiếc nón le te

Vẫn chưa thôi, lời day dứt nặng nề

Hàng dây tiếng rủa nguyền trên miệng chủ!

 

Biết không em, nỗi lòng anh khi đó?

Nó tơi bời, đau đớn lắm em ơi

Bàn chân em còn luyến tiếc không rời

Nơi em đã cùng anh vui phút chốc.

 

Những đêm tối, anh viết bài em học

Cho em quên bớt nỗi nhọc ban ngày

Nơi bao nhiêu âu yếm tuổi thơ ngây

Anh đã trút cho lòng em tất cả!

Em ngoái cổ nhìn anh ta chi trả

Thầm cho nhau đôi mắt ướt ly sầu

Biết làm sao, em hỡi, nói cùng nhau?

Tiếng chưởi mắng vẫn phun hoài, nhục nhã

 

Thì em hỡi! Đi đi, đừng tiếc nữa!

Ngại ngùng chi? Nấn ná chỉ thêm phiền!

Đi đi em, can đảm bước chân lên

Ừ đói khổ đâu phải là tội lỗi!

 

Anh mới hiểu: càng ngậm ngùi khổ tủi

Càng dày thêm uất hận của lòng ta

Nuôi đi em, cho đến lớn, đến già

Mầm hận ấy, trong lồng xương ống máu

 

Để thêm nóng mai kia hồn chiến đấu

Mà hôm nay anh đã nhóm trong lòng!

Huế, tháng 2-1938 (Thơ Tố Hữu, NXB Thời đại, 2014, tr.32-34)

Thực hiện các yêu cầu sau:

1. Bài thơ Đi đi em được viết theo thể thơ nào? Chỉ ra đặc trưng về cách gieo vần, ngắt nhịp của thể thơ trong khổ thơ thứ nhất.

2. Tìm những chi tiết miêu tả nhân vật em Phước lúc ra đi được khắc hoạ ở khổ thơ thứ hai.

3. Trong bài thơ, người anh đã hồi tưởng lại kỉ niệm với em Phước, qua đó cho thấy tình cảm người anh dành cho em Phước như thế nào?

4. Hãy phân tích tác dụng của việc điệp lại cụm từ đi đi em trong bài thơ.

5. Ngày nay, chúng ta đã được sống trong hòa bình, no ấm, nhưng vẫn còn đâu đó những mảnh đời, những thân phận cơ cực, nghèo khổ. Bài thơ Đi đi em giúp em bồi đắp những tình cảm, thái độ gì với những con người kém may mắn như vậy?

Đáp án:

1. Bài thơ Đi đi em được viết theo thể thơ tám chữ. Đặc trưng về cách gieo vần, ngắt nhịp của thể thơ tám chữ trong khổ thơ thứ nhất:

- Vần chân: ơi - phôi

- Ngắt nhịp linh hoạt: 3/5 đan xen 3/3/2.

2. Những chi tiết miêu tả nhân vật em Phước lúc ra đi được khắc hoạ ở khổ thơ thứ hai:

- Em len lét, cúi đầu, tay xách gói.

- Áo quần dơ, cắp chiếc nón le te.

3. Trong bài thơ, người anh đã hồi tưởng lại kỉ niệm với em Phước, qua đó cho thấy tình cảm người anh dành cho em Phước:

Người anh rất thương yêu em Phước, thấu hiểu những bất hạnh của em phải đi làm công ở đợ khi còn rất nhỏ.

Muốn tìm cách bù đắp phần nào cho em bằng việc dạy em học chữ, mang đến cho em những niềm vui trong học tập để quên bớt nhọc nhằn, vất vả em phải trải qua.

4. Tác dụng của việc điệp lại cụm từ đi đi em trong bài thơ:

- Tạo liên kết, tạo nhịp điệu giục giã, làm cho lời thơ trở nên sinh động, hấp dẫn, gợi hình gợi cảm, tăng hiệu quả diễn đạt.

- Nhấn mạnh, làm nổi bật nhan đề của bài thơ, cũng là mong muốn của nhà thơ dành cho em Phước: cổ vũ em hãy mạnh mẽ, quyết tâm bước đi, rời xa nơi mà em thường xuyên bị mắng chửi nhục nhã, bị hành hạ, bóc lột sức lao động.

- Qua đó, thể hiện tình thương yêu, sự thấu hiểu, đồng cảm của nhà thơ Tố Hữu với em Phước và rộng ra là với những kiếp người nghèo khổ, bất hạnh trong cuộc đời.

5. Bài thơ Đi đi em giúp em bồi đắp những tình cảm, thái độ với những con người kém may mắn như:

- Biết cảm thông, thương xót những con người nghèo khổ, bất hạnh;

- Giúp đỡ, sẻ chia, động viên họ về vật chất, tinh thần trong khả năng của mình.

- Không chế giễu, khinh miệt hay ruồng rẫy họ;

Xem thêm các bài viết về định nghĩa và khái niệm môn Văn chọn lọc, hay khác:

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Đề thi, giáo án các lớp các môn học