Thơ sáu chữ là gì (chi tiết nhất)

Bài viết Thơ sáu chữ là gì chi tiết nhất, đầy đủ khái niệm, đặc điểm, cách đọc hiểu & bài tập có đáp án chi tiết giúp bạn nắm vững kiến thức trọng tâm về Thơ sáu chữ.

Thơ sáu chữ là gì (chi tiết nhất)

Quảng cáo
Cài đặt app vietjack

1. Khái niệm thơ sáu chữ

- Thơ sáu chữ là thể thơ mỗi dòng có sáu chữ. Mỗi bài gồm nhiều khổ, mỗi khổ thường có bốn dòng thơ và có cách gieo vần, ngắt nhịp đa dạng.

2. Đặc điểm thơ sáu chữ

- Cấu trúc câu thơ: Mỗi câu thơ gồm sáu chữ. Các câu thơ này thường được sắp xếp theo nhịp 3/3, tạo sự cân đối và dễ đọc.

- Gieo vần:Trong quá trình gieo vần, chữ cuối của câu 1 cần tạo vần với chữ cuối của câu 4 và đồng thời phải có dấu khác nhau. Chữ cuối của câu 2 và chữ cuối của câu 3 cần tạo vần với nhau và cũng phải mang dấu khác nhau.

- Nguyên tắc về thanh dấu: Chữ thứ 2 và 6 trong mỗi câu phải cùng chia sẻ một loại thanh điệu, có thể là thanh bằng hoặc trắc, và phải xen kẽ giữa các dấu thanh.

Nếu chữ cuối của câu 1 mang thanh bằng, thì chữ cuối của câu 2 sẽ mang thanh trắc, và ngược lại. Cả chữ cuối của câu 2 và câu 3 phải mang cùng một loại thanh điệu, có thể là thanh bằng hoặc trắc. Nếu chữ cuối của câu 3 mang thanh bằng, thì chữ cuối của câu 4 sẽ mang thanh trắc, và ngược lại nếu chữ cuối của câu 3 là thanh trắc.

Quảng cáo

- Ngắt nhịp và âm điệu:

+ Ngắt nhịp trong thơ 6 chữ diễn ra ở vị trí chẵn, tạo thành mô hình nhịp 2/2/2 hoặc 4/2, không sử dụng mô hình nhịp 3/3.

+ Âm điệu: Chữ thứ 2 và thứ 6 nên có cùng loại thanh điệu (hoặc xen kẽ giữa bằng và trắc) để tạo ra hiệu ứng âm thanh đặc trưng.

+ Nội dung: Thể thơ sáu chữ thường được sử dụng để diễn tả cảm xúc, tâm trạng hoặc miêu tả cảnh vật. 

Những bài thơ sáu chữ thường chứa đựng những suy tư về cuộc sống, tình yêu, tương tác giữa con người và thiên nhiên, và thậm chí là những cảm xúc về đất nước và dân tộc.

Thơ sáu chữ có khả năng kết nối, lan tỏa và truyền đạt những tư tưởng, thông điệp cốt lõi một cách ngắn gọn, dễ hiểu.

Nó cũng thể hiện sự khéo léo trong việc sử dụng ngôn từ và âm điệu để tạo nên những tác phẩm thơ mang tính nghệ thuật cao.

3. Ví dụ một số tác phẩm thơ sáu chữ

- Trong lời mẹ hát (Trương Nam Hương)

Quảng cáo

- Quê hương (Đỗ Trung Quân)

- Khi mùa thu sang (Trần Đăng Khoa).

- Con yêu mẹ (Xuân Quỳnh)

- Về thăn trường cũ (Huỳnh Minh Nhật)

- ….

4. Cách đọc hiểu một văn bản thơ sáu chữ

- Khi đọc bài thơ sáu chữ, các em cần chú ý:

+ Bài thơ có được chia khổ hay không? Vần trong bài thơ được gieo như thế nào? Các dòng thơ được ngắt nhịp ra sao?

+ Bài thơ viết về ai, về điều gì? Người đang bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ trong bài thơ là ai? Mạch cảm xúc của tác giả thể hiện qua các phần của bài thơ như thế nào?

+ Bài thơ có những từ ngữ, hình ảnh, biện pháp nghệ thuật đặc sắc nào và tác dụng của chúng là gì?

5. Một số bài tập liên quan đến thể loại thơ sáu chữ.

5.1. Trắc nghiệm

Câu 1: Đặc điểm chính của thơ sáu chữ:

Quảng cáo

A. Mỗi bài gồm bốn khổ. Số câu trong bài không hạn định.

B. Mỗi dòng gồm sáu tiếng. Số câu, khổ trong bài không hạn định.

C. Mỗi khổ gồm sáu dòng. Số câu trong bài không hạn định.

D. Mỗi bài gồm sáu đoạn. Số câu trong bài không hạn định.

Đáp án: B

Câu 2: Các khổ, đoạn trong bài thơ sáu chữ được chia:

A. Theo quy định.

B. Theo bố cục mà tác giả đã xây dựng.

C. Linh hoạt tuỳ theo nội dung hoặc cảm xúc.

D. Theo trình tự các sự kiện.

Đáp án: C

Câu 3: Gieo vần ở thơ sáu chữ:

A. Gieo vần giống thơ lục bát.

B. Gieo vần rất đa dạng (Vần chân, vần lưng, vần liền, vần cách).

C. Gieo vần liền, vần cách.

D. Chỉ gieo vần chân.

Đáp án: B

Câu 4. Thơ sáu chữ có thể kết hợp phương thức biểu đạt nào?

A. Phương thức tự sự và trữ tình.

B. Nghị luận.

C. Biểu cảm.

D. Tất cả các ý trên.

Đáp án: A

Câu 5: Yếu tố nào giữ vai trò cốt lõi trong tác phẩm thơ sáu chữ?

A. Trữ tình.

B. Nhạc điệu.

C. Vần.

D. Hình ảnh.

Đáp án: A

Câu 6: Đọc hiểu thơ sáu chữ cần khai thác:

A. Mạch cảm xúc.

B. Thế giới cảm xúc.

C. Điều nhà thơ gửi gắm/bức thông điệp.

D. Cả ý b và c

Đáp án: D

Câu 7.  Để đọc hiểu thơ sáu chữ học sinh cần tuân thủ quy trình nào sau đây?

A. Đọc văn bản, hiểu nghĩa bề nổi, phân tích cảm xúc của nhân vật trữ tình.

B. Phân tích cảm xúc của nhân vật trữ tình, đối thoại với văn bản.

C. Hiểu nghĩa bề nổi, phân tích cảm xúc của nhân vật trữ tình.

D. Đánh giá bức thông điệp của bài thơ.

Đáp án: A

Câu 8: Mục đích của văn bản thơ sáu chữ là:

A. Kể một sự kiện làm nảy sinh cảm xúc.

B. Giãi bày cảm xúc tâm trạng; gửi đến người đọc bức thông điệp.

C. Thể hiện quan điểm cá nhân về một vấn đề.

D. Thể hiện suy nghĩ về một hiện tượng xã hội.

Đáp án: B

Câu 9: Nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua:

A. Từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, biện pháp tu từ,…

B. Cái tôi, ngôn ngữ.

C. Cách thể hiện cảm xúc.

D. Nghệ thuật trần thuật.

Đáp án: A

Câu 10: Tình cảm, cảm xúc của người viết trong thơ thể hiện qua:

A. Các biện pháp tu từ.

B. Ngôn ngữ của tác phẩm.

C. Mạch cảm xúc.

D. Hình ảnh thơ sáng tạo.

Đáp án: B

5.2. Tự luận

Bài tập 1: Đọc văn bản:

MỜI BẠN VỀ THĂM XỨ HUẾ

(Nguyễn Lãm Thắng)

Mời bạn về thăm xứ Huế

Có núi Ngự Bình thông reo

Có dòng Hương Giang thơ mộng

Thuyền ai nhẹ lướt mái chèo

 

Mời bạn về thăm xứ Huế

Qua cầu Tràng Tiền nắng xanh

Êm êm con đường Thành Nội

Nghe con chim hót trên cành

 

Mời bạn về thăm xứ Huế

Thăm chùa Linh Mụ cổ xưa

Chợ Đông Ba đông đúc thế

Mắm tôm mè xửng tìm mua

 

Mời bạn về thăm xứ Huế

Ghé thăm cầu ngói Thanh Toàn

Về Bao Vinh thăm phố cổ

Bơi đùa sóng biển Thuận An

 

Mời bạn về thăm xứ Huế

Mà nghe Nam ai Nam bằng

Tình người sao da diết thế

Hỏi thầm: - Như rứa là răng?

(www. Thivien.net)

Chọn đáp án đúng:

Câu 1: Bài thơ trên thuộc thể loại nào? Vì sao em xác định như vậy?

A. Thể thơ tự do, vì có dòng dài, dòng ngắn.

B. Thể thơ sáu chữ, vì tất cả các dòng đều có sáu chữ.

C. Thể thơ tứ tuyệt, mỗi khổ 4 dòng.

D. Thể thơ năm chữ, vì có 5 khổ.

Câu 2: Xác định ngắt nhịp (chính) của bài thơ

A. Nhịp 4/2 và 2/4.

B. Nhịp 1/4 và 4/1.

C. Nhịp linh hoạt.

D. Khó xác định.

Câu 3: Dòng nào nói đúng nhịp của 2 câu thơ sau?

Qua cầu Tràng Tiền nắng xanh

Êm êm con đường Thành Nội

A. Nhịp 2/4-4/2.

B. Không ngắt nhịp-2/4.

C. Nhịp 4/2-2/4.

D. Nhịp 4/2-không ngắt nhịp.

Câu 4: Cách gieo vần nào được sử dụng nhiều nhất trong bài thơ

A. Vần lưng.

B. Vần cách.

C. Vần liền.

D. Linh hoạt, đa dạng.

Câu 5: Các khổ thơ (khổ 1-4) có kết cấu đặc biệt như thế nào?

A. Câu mở đầu là lời mời gọi tha thiết. Ba câu sau mở ra cảnh sắc của xứ

B. Câu mở đầu là lời mời gọi tha thiết. Ba câu sau tình người tha thiết.

C. Ba câu sau mở ra cảnh sắc của xứ Huế. Ba câu sau là cảnh sắc thơ một

D. Câu mở đầu là lời mời gọi tha thiết. Ba câu sau là cảnh sắc trong tưởng tượng

Câu 6: Khổ thơ thứ nhất có những hình ảnh nào? Gợi ra đặc điểm nào của xứ Huế?

A. Núi Ngự Bình, dòng Hương Giang – Cảnh sắc sống động, đầy âm thanh.

B. Núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, thuyền nhẹ lướt – Sơn thủy hữu tình.

C. Núi Ngự Bình, Thuyền nhẹ lướt – Cảnh sắc, con người hòa hợp.

D. Núi Ngự Bình, dòng Hương Giang – Vẻ đẹp của bức tranh thủy mặc.

Câu 7: Dòng nào nói lên cảnh sắc ở khổ thơ thứ 23

A. Khung cảnh nội đô - trung tâm thành phố Huế.

B. Cảnh sắc ven thành độ.

C. Hình ảnh cầu Tràng Tiền trong nắng xanh.

D. Những con đường uốn lượn nơi Thành Nội.

Câu 8: Hình ảnh nào gợi lên vẻ đẹp trầm mặc, cổ xưa của xứ Huế.

A. Cầu Tràng Tiền.

B. Chùa Linh Mụ.

C. Chợ Đông Ba.

D. Biển Thuận An.  

Trả lời câu hỏi/thực hiện yêu cầu:

Câu 9. Phân tích mạch cảm xúc của bài thơ và cho biết niềm tự hào của tác giả dành cho xứ Huế được thể hiện đậm nét nhất ở khổ thơ nào?

Câu 10. Đọc xong bài thơ này, em có khao khát tới xứ Huế không? Vì sao? (tình cảm của tác giả/ cảnh sắc xứ Huế)

Đáp án:

Câu 1: B

Câu 2: A

Câu 3. C

Câu 4. B

Câu 5. A

Câu 6. B

Câu 7. A

Câu 8. B

Câu 9.

- Bài thơ mở đầu bằng lời mời tha thiết, bằng hình ảnh nổi bật nhất gắn với xứ Huế (núi Ngự Bình, sông Hương)

- Đi dần vào nội đô Huế với thắng cảnh, danh lam… đến với nơi sầm uất nhất rồi vào chiều sâu – vẻ đẹp của con người xứ Huế (nặng tình nghĩa với giá trị văn hóa riêng – (khúc Nam ai Nam bằng)

- Niềm tự hào của tác giả dành cho xứ Huế được thể hiện đậm nét nhất ở khổ thơ cuối

Câu 10.

- Đọc xong bài thơ này, em có khao khát tới xứ Huế.

- Vì nơi đây không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên, di sản văn hóa mà còn dành cho con người Huế hiền hòa, tốt bụng và những nét văn hóa phong tục truyền thống.

Bài tập 2: Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

- Con yêu mẹ bằng ông trời

Rộng lắm không bao giờ hết

 

- Thế thì làm sao con biết

Là trời có những đâu đâu

Trời rất rộng lại rất cao

Mẹ mong, bao giờ con tới!

 

- Con yêu mẹ bằng Hà Nội

Để nhớ mẹ con đi tìm

Từ phố này đến phố kia

Con sẽ gặp ngay được mẹ

 

- Hà Nội còn là rộng quá

Các đường như nhện giăng tơ

Nào những phố này phố kia

Gặp mẹ làm sao gặp hết […]

 

Tính mẹ cứ hay là nhớ

Lúc nào cũng muốn bên con

Nếu có cái gì gần hơn

Con yêu mẹ bằng cái đó

 

- À mẹ ơi có con dế

Luôn trong bao diêm con đây

Mở ra là con thấy ngay

Con yêu mẹ bằng con dế!

(Con yêu mẹ - Xuân Quỳnh)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản

Câu 2: Đoạn thơ thể hiện những so sánh hồn nhiên của đứa trẻ. Chỉ ra những so sánh đó.

Câu 3: Anh/chị nhận thấy những vẻ đẹp gì của người con trong văn bản

Câu 4: Viết đoạn văn (khoảng 10 dòng) về giá trị của tình mẫu tử trong đời sống của mỗi con người.

Đáp án:

Câu 1:

- PTBĐ: biểu cảm

Câu 2:

Những so sánh hồn nhiên của đứa trẻ: tình yêu mẹ bằng/(như) "ông trời"… "Hà Nội"… "con dế".

Câu 3:

Người con trong đoạn thơ đã thể hiện vẻ đẹp trong suy nghĩ và tình cảm:

+ Suy nghĩ đặc biệt khi thể hiện tình cảm dành cho mẹ: chọn những điều to lớn nhất để so sánh vì những thứ nhỏ bé (trong suy nghĩ của con) không thể bao chứa hết tình cảm dành cho mẹ, song những điều đó lớn quá thì cũng khó đạt tới vì thế cậu bé chỉ muốn lúc nào cũng ở bên mẹ nên so sánh ngộ nghĩnh cuối bài “con yêu mẹ bằng con dế”.

+ Tình cảm cao quý, trong sáng, hồn nhiên qua cái nhìn trẻ thơ, qua cách diễn đạt đơn giản, dễ hiểu mà đi sâu vào lòng người.

Câu 4:

Tình mẫu tử là thứ tình cảm đáng quí nhất mà suốt cuộc đời này những đứa con sẽ mãi trân trọng. Mẹ là người đã mang nặng đẻ đau, là người chấp cho ta những đôi cánh ước mơ để bay đến chân trời hi vọng .Những việc làm và tình cảm mẹ dành cho con không gì có thể sánh bằng. Tình mẫu tử thật thiêng liêng, cao quý làm sao!. Tình mẹ ấm áp như vầng thái dương, dịu hiền như dòng sông xanh. Ngay từ những ngày đầu, mẹ là người nâng đõ, yêu thương chúng ta. Ngay cả khi lớn lên, mẹ vẫn sát cánh cùng chúng ta trên con đường đời đầy gian lao và thử thách. Tình mẫu tử cao quý ấy không gì có thể sánh bằng. Và cũng chính vì vậy mà những đứa con luôn trân trọng điều ấy. Chúng ta phải đáp lại những tình cảm mà mẹ dành cho mình qua những biểu hiện cụ thể. Chúng ta phải siêng năng học hành, nghe lời cha mẹ. Như vậy, tình mẫu tử càng trở nên cao cả hơn.

Bài tập 3: Đọc văn bản:

Quê hương là gì hả mẹ

Mà cô giáo dạy phải yêu?

Quê hương là gì hả mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều?

 

Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay

 

Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng

Quê hương là con đò nhỏ

Êm đềm khua nước ven sông

 

Quê hương là cầu tre nhỏ

Mẹ về nón lá nghiêng che

Là hương hoa đồng cỏ nội

Bay trong giấc ngủ đêm hè

 

Quê hương là đêm trăng tỏ

Hoa cau rụng trắng ngoài thềm

Tiếng ếch râm ran bờ ruộng

Con nằm nghe giữa mưa đêm

 

Quê hương là bàn tay mẹ

Dịu dàng hái lá mồng tơi

Bát canh ngọt ngào tỏa khói

Sau chiều tan học mưa rơi

 

Quê hương là vàng hoa bí

Là hồng tím giậu mồng tơi

Là đỏ đôi bờ dâm bụt

Màu hoa sen trắng tinh khôi

 

Quê hương mỗi người đều có

Vừa khi mở mắt chào đời

Quê hương là dòng sữa mẹ

Thơm thơm giọt xuống bên nôi

 

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người.

(Trích “Bài học đầu cho con” - Đỗ Trung Quân)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Văn bản trên được viết theo thể thơ nào?

A.Thể thơ 5 chữ

B.Thể thơ 6 chữ

C. Thể thơ lục bát

D. Thể thơ tự do

Câu 2. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ gì?

A. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

B. Phong cách ngôn ngữ chính luận.

C. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

D. Phong cách ngôn ngữ báo chí.

Câu 3. Phương thức biểu đạt chính của văn bản là:

A. Nghị luận.

B. Tự sự.

C. Miêu tả.

D. Biểu cảm.

Câu 4. Biện pháp tu từ chính được sử dụng trong văn bản trên là:

A. Nhân hóa

B. Điệp cú pháp

C. Hoán dụ

D. Ẩn dụ

Câu 5. Quê hương được tác giả miêu tả qua những hình ảnh như thế nào?

A. Thơ mộng, trữ tình

B. Bình dị, gần gũi

C. Khắc nghiệt, dữ dội

D. Tráng lệ, kì vĩ

Câu 6: Câu thơ “Quê hương là con diều biếc” gợi về:

A.Tình cảm gia đình

B. Kí ức tuổi thơ

C. Tình yêu đôi lứa

D. Nỗi nhớ quê hương

Câu 7: Hình ảnh bàn tay mẹ trong câu thơ “Quê hương là bàn tay mẹ”  được hiểu là:

A. Sự tần tảo chăm sóc của mẹ

B. Sự vất vả của mẹ

C. Sự khéo léo của mẹ

D. Sự ấm áp của mẹ

Trả lời câu hỏi/ thực hiện yêu cầu:

Câu 8.  Nêu tác dụng của phép lặp kết cấu cú pháp được sử dụng trong đoạn thơ sau:

Quê hương là gì hả mẹ

Mà cô giáo dạy phải yêu?

Quê hương là gì hả mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều?

Câu 9. Thông điệp mà nhà thơ muốn gửi gắm qua đoạn thơ sau là gì?

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người

Câu 10. Trình bày suy nghĩ của anh/chị về vai trò của quê hương trong sự hình thành nhân cách mỗi người.

Đáp án:

Câu 1. B

Câu 2. C

Câu 3: D

Câu 4: B

Câu 5: B

Câu 6. B

Câu 7. A

Câu 8. Câu hỏi tu từ có tác dụng:

  - Tạo nhịp điệu cho câu thơ, đoạn thơ.

  - Nhấn mạnh vai trò của quê hương và tình cảm của mỗi người đối với quê hương.

Câu 9. Thông điệp mà nhà thơ muốn gửi gắm qua đoạn thơ

- Quê hương là cội nguồn, là sự gắn bó máu thịt đối với mỗi người

- Phải biết nhớ về quê hương, nguồn cội

Câu 10.

Quê hương có một vai trò vô cùng quan trọng trong trái tim và thế giới tình cảm của con người. Mỗi người dân Việt Nam đều có tình cảm thiêng liêng gắn bó với quê hương xứ sở của mình. Đối với những con người lao động, nhất là người nông dân, họ đã gắn bó mật thiết với quê hương. Từ lúc cất tiếng khóc chào đời, rồi tuổi thơ đẹp đẽ, những công việc lao động, rồi cuộc sống gia đình, cho tới lúc chết họ đã sống gắn liền với làng quê. Tình cảm yêu quê hương đất nước là một truyền thống tốt đẹp và đáng quý của dân tộc Việt Nam. Cho dù có ở nơi xa nhưng mỗi người vẫn luôn nhớ về quê nhà của mình. Quê hương như một người mẹ hiền ôm ta vào lòng và dành cho ta những gì tốt đẹp nhất. Quê mẹ là nơi ấp ủ tình yêu thương, nơi nuôi ta lớn, dạy dỗ, an ủi che chở cho ta. Quê hương - hai tiếng thân thương mỗi lần nghe thấy chúng ta không khỏi xúc động bồi hồi. Tình yêu quê hương đã ăn sâu vào máu thịt, đi sâu vào lòng mỗi con người. Vì vậy nếu ai chưa nhận thức chưa có tình cảm gắn bó với xứ sở của mình thì hẳn họ chưa được coi là trưởng thành. Quê hương đi vào lòng con người một cách rất tự nhiên. Người ta có thể nhớ tới quê hương đất nước của mình chỉ qua một món ăn bình dị hay một địa danh đã gắn liền với những kỷ niệm đẹp...

Câu 4: Đọc văn bản  

BÀI HỌC ĐẦU CHO CON[1]

Đỗ Trung Quân[2]

(1) Quê hương là gì hở mẹ.

Mà cô giáo dạy phải yêu

Quê hương là gì hở mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều.

 

(2) Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay.

 

(3) Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng

Quê hương là con đò nhỏ

Êm đềm khua nước ven sông.

 

(4) Quê hương là cầu tre nhỏ

Mẹ về nón lá nghiêng che

Là hương hoa đồng cỏ nội

Bay trong giấc ngủ đêm hè.

 

(5) Quê hương là vàng hoa bí

Là hồng tím giậu mồng tơi

Là đỏ đôi bờ dâm bụt

Màu hoa sen trắng tinh khôi.

 

(6) Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ …

(Dẫn theo https://www.thivien.net/ Đỗ Trung Quân – Bài học đầu cho con)

[1] Bài thơ Bài học đầu cho con đăng lần đầu năm 1986 trên báo Khăn quàng đỏ, được nhà thơ làm đề tặng bé Quỳnh Anh, con của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, khi đó mới một tuổi. Khi đăng bài này thì người biên tập có bỏ một vài đoạn và thêm một câu “Sẽ không lớn nổi thành người” ở cuối cùng. Trong tập thơ Cỏ hoa cần gặp (1991), tác giả đã đăng lại nguyên bản như văn bản trên.

[2] Đỗ Trung Quân sinh năm 1945, quê quán Thành Phố Hồ Chí Minh, là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Tác phẩm đã in: Cỏ hoa cần gặp (dẫn theo Thơ Việt Nam thế kỉ XX, NXB GD, tr 947); Thơ của ông mộc mạc, giản dị, giọng thơ chân thành, đằm thắm, da diết.

Lựa chọn đáp án đúng: 

Câu 1:  Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

A. Thể 5 chữ

B. Thể 6 chữ

C. Thể thơ lục bát

D. Thể tự do

Câu 2.  Khổ (2) bài thơ gieo theo vần nào?

A. “anh”

B. “ọt”

C. “ọc”

D. “ay”

Câu 3.  Từ ngữ nào trong câu thơ “Êm đềm khua nước ven sông” gợi được âm thanh?

A. Êm đềm

B. Khua

C. Nước

D. Ven sông

Câu 4. Ở khổ thơ thứ (5), kí ức về quê hương của tác giả được gợi lên từ những hình ảnh nào?

A. Hoa bí, giậu mồng tơi, bờ dâm bụt, hoa sen.

B. Hoa bí, giậu mồng tơi, cầu tre nhỏ, hoa đồng cỏ nội.

C. Bờ dâm bụt, hoa sen, con diều biếc, con đò nhỏ.

D. Cầu tre nhỏ, hoa đồng cỏ nội, con diều biếc, con đò nhỏ.

Câu 5.  Câu thơ “Quê hương là con diều biếc” gợi về:

A. tình cảm gia đình.

B. tình yêu đôi lứa.

C. kí ức tuổi thơ.

D. nỗi nhớ quê hương.

Câu 6.  Ý nào sau đây nêu hoàn chỉnh nội dung bài thơ?

A. Ca ngợi vẻ đẹp bình dị, thơ mộng của quê hương.

B. Niềm tự hào và tình yêu quê hương sâu đậm của nhà thơ.

C. Khẳng định vai trò của quê hương đối với mỗi người.

D. Ca ngợi vẻ đẹp bình dị, gần gũi của quê hương; niềm tự hào và tình yêu quê hương sâu đậm của nhà thơ

Câu 7. Nhận xét nào sau đây đúng với nhịp điệu bài thơ 

A. Êm ái, du dương

B. Sôi nổi, hào hứng

C. Trầm bổng, réo rắt

D. Vui tươi, dí dỏm

Trả lời câu hỏi: 

Câu 8. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được thể hiện trong khổ (1)?

Câu 9. Thông điệp mà nhà thơ muốn gửi gắm qua khổ thơ thứ (6) là gì?

Đáp án:

Câu 1. B  

Câu 2. D   

Câu 3. B  

Câu 4. A  

Câu 5. C  

Câu 6. D  

Câu 7. A 

Câu 8:

- Biện pháp tu từ: Câu hỏi tu từ (hoặc điệp cú pháp).

- Hiệu quả:

+ Tạo nhịp điệu cho câu thơ. 

+ Nhấn mạnh nỗi nhớ da diết, tình yêu quê hương của chủ thể trữ tình…

Câu 9: Thông điệp

- Quê hương là cội nguồn, là sự gắn bó máu thịt.

- Phải biết nhớ về quê hương, nguồn cội.

Bài tập 5:  Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:

Chẳng ai muốn làm hành khất,

Tội trời đày ở nhân gian.

Con không được cười giễu họ,

Dù họ hôi hám úa tàn.

Nhà mình sát đường, họ đến,

Có cho thì có là bao.

Con không bao giờ được hỏi,

Quê hương họ ở nơi nào.

(...)

Mình tạm gọi là no ấm,

Ai biết cơ trời vần xoay,

Lòng tốt gửi vào thiên hạ,

Biết đâu nuôi bố sau này.

(Trần Nhuận Minh, Dặn con, Nhà thơ và hoa cỏ, NXB Văn học, 1993)

Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích?

Câu 2: Hãy nêu nội dung chính của đoạn trích trên?

Câu 3: Hãy tìm trong vốn từ tiếng Việt từ đồng nghĩa với từ hành khất? Theo em, vì sao tác giả dùng từ hành khất thay vì các từ đồng nghĩa khác?

Câu 4: Từ đoạn trích trên, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề cho và nhận ở đời (cho đi và nhận lại).

Đáp án:

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm.

Câu 2: Nội dung chính của đoạn trích: Lời dặn của người cha với con:

- Lời dặn thể hiện tinh thần nhân văn: thương yêu, giúp đỡ con người, tôn trọng con người.

- Lời dặn đầy sự chiêm nghiệm sâu sắc về lẽ đời như: cơ trời vần xoay, lòng tốt, cho và nhận... khiến con người phải suy nghĩ về cách sống.

Câu 3:

- Từ đồng nghĩa với từ hành khất: ăn xin, ăn mày.

- Tác giả dùng từ hành khất vì:

   + Tác dụng phối thanh.

   + Hành khất là từ Hán Việt có sắc thái trang trọng, khác với sắc thái trung tính của các từ thuần Việt ăn xin, ăn mày, do đó phù hợp với cảm xúc của nhân vật trữ tình trong lời dặn con (phải tôn trọng, giữ thể diện cho những người hành khất).

Câu 4.

Trong cuộc sống phức tạp và đầy lo lắng, chúng ta cần những yêu thương và sự chia sẻ đơn giản nhất. Trao đi yêu thương để nhận lại là một quy luật của cuộc sống, một mối quan hệ vô hình và hữu hình. Nếu chúng ta cho đi, chúng ta sẽ nhận lại xứng đáng với những gì đã trao đi và đó là mối quan hệ cần được trân trọng. Có một câu hát nói rằng "sống trên đời cần có tấm lòng", một triết lý nhân văn sâu sắc. Cho đi và nhận lại trong cuộc sống thể hiện bằng phép màu và sự đáng trân trọng. Khi chúng ta sống có ích, biết cho đi, ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn và yêu đời hơn. Những người từ thiện quan tâm đến những người bần cùng, mang lại cho họ những miếng cơm manh áo, đó là tấm lòng chân thành và thực tế của họ dành cho những con người khó khăn. Họ trao đi cả đời mà không mong nhận lại điều gì, nhưng những gì họ nhận được là ý nghĩa của cuộc sống trong họ. Do đó, để sống một cuộc đời đầy đủ và hạnh phúc, chúng ta cần phải biết cân bằng giữa việc cho và nhận. Cuối cùng, hãy nhớ rằng cuộc sống là một chuyến hành trình với những người xung quanh ta. Chúng ta không thể sống độc lập và không có ai có thể thành công một mình. Chính vì vậy, hãy luôn lắng nghe và quan tâm đến những người xung quanh, hãy cho đi và nhận lại với tấm lòng chân thành và tình yêu thương. Cuộc sống sẽ trở nên ý nghĩa hơn khi chúng ta có thể chia sẻ niềm vui và khó khăn cùng nhau, và hạnh phúc đích thực sẽ đến với chúng ta khi chúng ta biết cảm nhận và tận hưởng những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống.

Xem thêm các bài viết về định nghĩa và khái niệm môn Văn chọn lọc, hay khác:

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Đề thi, giáo án các lớp các môn học