Thơ song thất lục bát là gì (chi tiết nhất)
Bài viết Thơ song thất lục bát là gì chi tiết nhất, đầy đủ khái niệm, đặc điểm, cách đọc hiểu & bài tập có đáp án chi tiết giúp bạn nắm vững kiến thức trọng tâm về Thơ song thất lục bát.
Thơ song thất lục bát là gì (chi tiết nhất)
1. Khái niệm thơ song thất lục bát
- Thơ song thất lục bát là thể thơ gồm cặp song thất (bảy tiếng) và cặp lục bát (sáu - tám tiếng) luân phiên kế tiếp nhau trong toàn bài.
2. Đặc điểm thơ song thất lục bát
- Vần: Tiếng cuối của dòng thất đầu tiên hiệp vần với tiếng thứ năm của dòng thất tiếp theo (vần trắc). Tiếng cuối của dòng thất tiếp theo hiệp vần với tiếng cuối của dòng lục (vần bằng). Tiếng cuối của dòng lục hiệp vần với tiếng thứ sáu của dòng bát (vần bằng). Tiếng cuối của dòng bát hiệp vần với tiếng thứ năm của dòng thất kế đó (vần bằng) và cứ thế tiếp tục.
- Nhịp: Hai dòng thất được ngắt nhịp lẻ, thường là 3/4; dòng lục và dòng bát ngắt nhịp linh hoạt hơn (dòng lục thường ngắt nhịp 2/2/2, dòng bát thường ngắt nhịp 2/2/2/2).
- Hài thanh: Cặp song thất lấy tiếng ở vị trí thứ ba làm chuẩn, có thể có thanh bằng hoặc thanh trắc nhưng không bắt buộc. Cặp lục bát thì sự đối xứng bằng - trắc chặt chẽ hơn (giống như thơ lục bát).
- Về thanh điệu, thanh bằng (B) – trắc (T) của các tiếng ở một số vị trí trong câu thơ là cố định, cụ thể như sau:
- Câu thơ 7 tiếng thường có cách ngắt nhịp lẻ trước chẵn sau (3/2/2 hoặc 3/4). Hai câu 6 và 8 ngắt nhịp theo thể thơ lục bát. Một số câu thơ có thể đọc theo những cách ngắt nhịp khác nhau, mỗi cách ngắt nhịp tạo ra một nghĩa, giúp người đọc có được sự đa dạng trong cảm thụ.
3. Ví dụ 1 số tác phẩm thơ song thất lục bát
- Chinh phụ ngâm khúc (Đoàn Thị Điểm)
- Ai tư vãn (Lê Ngọc Hân)
- Ái quốc (Phan Bội Châu).
Trưa vắng (Hồ Dzếnh)
- …
4. Cách đọc hiểu một văn bản thơ song thất lục bát
Khi đọc bài thơ song thất lục bát, các em cần chú ý:
+ Bài thơ bất đầu bằng câu lục bát
+ Mỗi khổ thơ đều có một vần trắc và ba vần bằng
+ Các câu có thể ngắt nhịp 3/4 hoặc 3/2/2; hai câu sáu – tám ngắt theo thể lục bát.
+ Biện pháp nghệ thuật: nói giảm nói tránh, câu hỏi tu từ, điệp từ…
5. Một số bài tập liên quan đến thể loại thơ lục bát
5.1. Trắc nghiệm
Câu 1: Thể thơ song thất lục bát mỗi khổ gồm bốn câu, trong đó:
A. Hai câu lục, hai câu bát
B. Hai câu thất, hai câu lục
C. Hai câu thất, hai câu bát
D. Hai câu thất, một câu lục, một câu bát
Đáp án: D
Câu 2: Gieo vần chính là:
A. Mỗi khổ chi gieo một vần giống nhau
B. Mỗi khổ gieo vần bằng những tiếng có âm và thanh gần giống nhau
C. Mỗi khổ gieo vần bằng những tiếng có âm gần giống nhau nhưng khác về thanh điệu
D. Mỗi khổ gieo vần linh hoạt
Đáp án: B
Câu 3: Thể song thất lục bát tương đồng với thể lục bát ở đặc điểm nào?
A. Quy luật dùng thanh điệu.
B. Số câu trong một bài thơ.
C. Cách gieo vần ở cặp câu lục bát và quy luật dùng thanh điệu.
D. Số tiếng trong một dòng.
Đáp án: C
Câu 4. Quy định về thanh điệu cố định ở câu lục ở các vị trí tiếng 2, 4 và 6 là gì?
A. Trắc – bằng – trắc.
B. Bằng – trắc – bằng.
C. Bằng – trắc – trắc.
D. Trắc – bằng – bằng.
Đáp án: C
Câu 5: Quy định về thanh điệu cố định ở câu bát ở các vị trí tiếng 2, 4, 6 và 8 là gì?
A. Bằng – trắc – bằng – bằng.
B. Trắc – bằng – trắc – bằng.
C. Bằng – trắc – trắc – bằng.
D. Trắc – bằng – bằng – bằng.
Đáp án: A
Câu 6: Vần chân của thể song thất lục bát thường được gieo ở câu nào ?
A. Câu lục và câu bát.
B. Câu thất thứ nhất.
C. Câu thất thứ hai.
D. Câu bát.
Đáp án: A
Câu 7. Sự khác biệt của thể lục bát và song thất lục bát nằm ở điểm nào?
A. Câu thất thứ nhất.
B. Cặp câu song thất.
C. Câu bát.
D. Cặp câu lục bát.
Đáp án: B
Câu 8: Đâu là đặc điểm về vần của thể song thất lục bát?
A. Mỗi câu thất chỉ có vần lưng.
B. Mỗi câu thất đều có cả vần chân và vần lưng.
C. Mỗi câu thất chỉ có vần chân.
D. Chỉ sử dụng vần chân cho toàn bài.
Đáp án: B
Câu 9: Vì sao thể song thất lục bát được dùng nhiều trong các thể loại văn học khác (ca trù, văn tế, thơ…)?
A. Vì thể thờ này có khả năng truyền cảm mạnh mẽ và sâu lắng.
B. Vì thể thơ này là thể thơ truyền thống của dân tộc.
C. Vì các thể loại đó đều được quy định phải dùng thể song thất lục bát.
D. Vì thể thơ này có quy định về thanh điệu, vần và nhịp rất đơn giản.
Đáp án: A
Câu 10: Thể song thất lục bát tương đồng với thể lục bát ở đặc điểm nào?
A. Quy luật dùng thanh điệu.
B. Số câu trong một bài thơ.
C. Cách gieo vần ở cặp câu lục bát và quy luật dùng thanh điệu.
D. Số tiếng trong một dòng.
Đáp án: C
5.2. Tự luận
Câu 1: Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Ân dưỡng dục suốt đời ghi tạc
Nghĩa sinh thành nguyện khắc trong tâm
Nắng mưa cha mẹ dãi dầm
Nuôi con khôn lớn âm thầm chở che
Quê mình đó bờ tre khóm trúc
Vẫn bên con những lúc dặm trường
Trong con mãi một tình thương
Ơn cha nghĩa mẹ quê hương xóm nghèo
Mùa thu đến mưa heo gió bấc
Cha có tròn được giấc ngủ say
Mẹ ăn uống có đủ đầy
Mặc có đủ ấm những ngày lạnh căm
Con vẫn mãi âm thầm nguyện ước
Cha mẹ già luôn được bình an
Mùa về tháng bảy vu lan
Chưa tròn đạo hiếu trách thân tủi hờn.
(Đạo hiếu chưa tròn – Hoàng Mai)
1: Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào? Phương thức biểu đạt chính là gì?
2: Cảm xúc bao trùm toàn bài thơ “Đạo hiếu chưa tròn” là gì?
3: Trong bài “ Đạo hiếu chưa tròn” của tác giả Hoàng Mai em thích nhất câu thơ nào? Vì sao?.
4: Từ bài thơ trên, em rút ra được bài học gì?
Đáp án:
1:
- Thể thơ: song thất lục bát
- Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm.
2: - Là lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và sự ngậm ngùi, nuối tiếc khi chưa làm tròn chữ hiếu của người con.
3. Trong bài thơ, em thích nhất là câu “Con vẫn mãi âm thầm nguyện ước/Cha mẹ già luôn được bình an”. Vì: Câu thơ đã thể hiện được lòng biết ơn và nỗi niềm mong ước của tất cả những người con dành cho cha mẹ của mình. Cha em được “ bình an” mạnh khoẻ là hạnh phúc của con….
4.
- Chúng ta cần ghi nhớ, biết ơn công lao trời biển của bậc sinh thành.
- Luôn lễ phép, tôn trọng, chăm sóc ông bà, cha mẹ khi còn có thể.
- Lên án, phê phán mạnh mẽ lối sống bất kính, bất hiếu.
Câu 2: Đọc văn bản sau:
Ái quốc
(Phan Bội Châu)
Nay ta hát một thiên ái quốc,
Yêu gì hơn yêu nước nhà ta!
Trang nghiêm bốn mặt sơn hà,
Ông cha để lại cho ta lọ vàng.
Trải mấy lớp tiền vương dựng mở,
Bốn ngàn năm giãi gió dầm mưa
Biết bao công của người xưa,
Gang sông, tấc núi, dạ dưa, ruột tằm.
Hào Đại Hải âm thầm trước mặt,
Dải Cửu Long quanh quất miền Tây.
Một tòa san sát xinh thay,
Bên kia Vân, Quảng, bên này Côn Lôn!
Vẻ gấm vóc nước non thêm đẹp.
Rắp những mong cơ nghiệp dài lâu.
Giống khôn há phải đàn trâu,
Giang sơn nỡ để người đâu vẫy vùng!
Hai mươi triệu dân cùng, của hết,
Bốn mươi năm nước mất, quyền không.
Thương ôi! Công nghiệp tổ tông,
Nước tanh máu đỏ, non chồng thịt cao!
Non nước ấy biết bao máu mủ,
Nỡ nào đem nuôi lũ sài lang?
Cờ ba sắc xứ Đông Dương,
Trông càng thêm nhục, nói càng thêm đau!
Nhục vì nước, mà đau người trước,
Nông nỗi này, non nước cũng oan.
Hồn ơi! Về với giang sơn,
Muôn người muôn tiếng hát ran câu này:
“Hợp muôn sức ra tay quang phục,
Quyết có phen rửa nhục báo thù…”
Mấy câu ái quốc reo hò.
Chữ đồng tâm ấy phải cho một lòng.
Trả lời câu hỏi/Thực hiện yêu cầu:
1: Thể loại của văn bản và những dấu hiệu nhận biết? Việc sử dụng thể thơ này có tác
dụng gì?
2: Nhân vật trữ tình trong văn bản là ai?
3: Xác định đề tài và chủ đề của văn bản.
4: Em hiểu tình hình nước ta như thế nào qua những câu thơ sau:
Giang sơn nỡ để người đâu vẫy vùng!
Hai mươi triệu dân cùng, của hết,
Bốn mươi năm nước mất, quyền không.
Thương ôi! Công nghiệp tổ tông,
Nước tanh máu đỏ, non chồng thịt cao!
Theo em việc sử dụng thán từ Thương ôi! trong đoạn thơ trên có tác dụng gì?
5. Văn bản Ái quốc gợi cho em suy nghĩ gì?
Đáp án:
1:
- Thể loại của văn bản: Song thất lục bát.
- Những dấu hiệu nhận biết:
+ Số tiếng trong mỗi câu thơ: Một bài thơ song thất lục bát gồm một hay nhiều khổ thơ; mỗi khổ thơ gồm 4 dòng thơ: Một cặp thất ngôn và một cặp lục bát.
+ Gieo vần: Mỗi khổ thơ có một vần trắc và ba vần bằng; câu sáu chỉ có vần chân, ba câu kia vừa có vần chân vừa có vần lưng
+ Ngắt nhịp: Các câu 7 có thể ngắt nhịp 3/4 hoặc 3/2/2, hai câu sáu-tám ngắt nhịp theo thể lục.
- Tác dụng của việc sử dụng thể thơ song thất lục bát:
+ Mang đến nhiều cảm xúc tác giả muốn gửi gắm, gieo vần thú vị, mang đến nét tươi mới.
+ Dùng thể thơ này để thể hiện suy nghĩ sẽ giúp người đọc nhớ lâu hơn.
2: Nhân vật trữ tình trong văn bản là một người dân yêu nước nhưng phải chứng kiến tình cảnh nước mất nhà tan.
3: Đề tài và chủ đề của văn bản: Tình yêu đối với quê hương đất nước và lòng căm thù giặc sâu sắc. Bộc lộ khát vọng đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc.
4: Em hiểu tình hình nước ta qua những câu thơ:
Giang sơn nỡ để người đâu vẫy vùng!
Hai mươi triệu dân cùng, của hết,
Bốn mươi năm nước mất, quyền không.
Thương ôi! Công nghiệp tổ tông,
Nước tanh máu đỏ, non chồng thịt cao!
- Một đất nước bị mất chủ quyền, bị bóc lột, đàn áp.
- Việc sử dụng thán từ Thương ôi! trong đoạn thơ trên có tác dụng bộc lộ nỗi đau mất nước.
5.
Văn bản "Ái quốc" đã khơi gợi trong em lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc. Đồng thời, văn bản cũng thức tỉnh trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Câu 3: Đọc bài thơ Bay cao của tác giả Huy Dung và trả lời các câu hỏi:
"Tư tưởng đọng - không bề tiến triển
Sẽ cằn khô - giáo viện kinh điều
Tuổi xanh chẳng chịu cô liêu
Rộng dang cánh trẻ nhắm chiều bay cao"
1. Xác định thể thơ của bài thơ trên. Vì sao em biết?
2. Dựa vào hai dòng thơ đầu:
a. Xác định cách gieo vần ở hai dòng thơ.
b. Từ "đọng" ở dòng thơ thứ nhất có nghĩa là gì?
3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong câu thơ: "Rộng dang cánh trẻ nhắm chiều bay cao".
4. Bài thơ muốn truyền tải thông điệp gì về sự đổi mới tư duy và khát vọng của tuổi trẻ?
Đáp án:
1.
- Thể thơ: song thất lục bát.
- Vì bài thơ có sự kết hợp giữa một cặp thơ 7 chữ với 1 cặp lục- bát.
2.
a. Cách gieo vần lưng: tiếng thứ năm ở dòng thứ nhất “bề” vần với tiếng cuối cùng ở dòng thứ hai “điều”.
b. Từ "đọng" có nghĩa là dừng lại, không thay đổi hay tiến bộ.
3:
- Biện pháp tu từ ẩn dụ.
- Tác dụng:
+ Làm cho câu thơ thêm sinh động, gợi hình, gợi cảm.
+ Nhấn mạnh sự tự do và khát vọng của tuổi trẻ.
+ Thể hiện sự khích lệ của tác giả đối với thế hệ trẻ: hãy tự do, dám ước mơ và không ngừng vươn lên để đạt được những thành công trong cuộc sống.
4: Thông điệp được gợi ra từ bài thơ:
- Đổi mới tư duy là rất quan trọng để tránh sự trì trệ, bảo thủ và những giáo điều lỗi thời.
- Thế hệ trẻ không nên bị ràng buộc bởi những tư tưởng cũ mà nên mở rộng tầm nhìn, tự do sáng tạo, không ngừng vươn lên để phát triển và thành công trong cuộc sống.
Câu 4: Đọc đoạn trích sau:
Nào lối dạo vườn hoa năm ngoái,
Đoá hồng đào hải buổi còn xanh
Trên gác phượng, dưới lầu oanh,
Gối Du-tiên1 hãy rành rành, song song.
Bây giờ đã ra lòng rẻ rúng
Để thân này cỏ ủng tơ mành,
Đông quân2 sao khéo bất tình,
Cành hoa tàn nguyệt, bực mình hoài xuân.
Nào lúc tựa lầu Tần3 hôm nọ,
Cành liễu mành bẻ thua đương tơ
Mảnh xuân y4 hãy sờ sờ dấu phong.
Khi trưởng ngọc, lúc rèm ngà,
Bây giờ đã ra lòng ruồng rẫy,
Để thân này nước chảy hoa trôi5!
Hoa công sao khéo trêu ngươi?
Bóng đèn tà nguyệt, nhử mùi ký sinh6!
(Trích Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều, in trong cuốn Cổ văn Việt Nam - Cung oán ngâm khúc, NXB Tân Việt, 1953, tr. 35)
* Chú thích:
Tóm tắt nội dung tác phẩm: Cung oán ngâm khúc là bài ca ai oán của người cung nữ có tài sắc, trước được vua yêu chuộng, nhưng chẳng bao lâu bị ruồng bỏ. Ở trong cung, nàng xót thương cho thân phận mình và oán trách nhà vua phụ bạc. Qua khúc ngâm, tác giả còn gửi gắm quan niệm của ông về cuộc đời bạc bẽo, phù du. Cả khúc ngâm dài 356 câu với một ngôn ngữ tài hoa, đài các, có nhiều chữ Hán và điển cố. Đoạn trích trên gồm 16 câu (từ câu 245 – 260). 1x neda väd
(1) Du tiên: là nơi cõi tiên.
(2) Đông quân: nghĩa bóng là vua
(3) Lầu Tần: là nơi phong lưu dư dả
(4) Xuân y: là áo đẹp, hoặc áo chầu triều của các quan và các phi, tần trong cung cấm
(5) Nước chảy hoa trôi: bởi câu Đường thi: “thuỷ lưu hoa tạ lưỡng vô tình” - nước trôi hoa rụng thảy vô tình.
(6) Có thể hiểu cả câu thơ: Mang bóng đèn lập lòe dưới trăng tà để nhử bọn người sống gửi trên cõi đời này. Ý nói: cung nữ trách tạo hóa đã bày ra cảnh vàng son quyền quý để dụ dỗ nàng vào chốn đoạn trường.
Hãy ghi vào bài làm chữ cái đứng trước phương án trả lời đúng từ câu 1 đến câu 6; tự ghi câu trả lời cho câu 7 đến câu 9.
1. Xác định thể thơ của đoạn trích trên.
A. Lục bát.
B. Song thất lục bát.
C. Thất ngôn.
D. Tự do.
2. Từ nào sau đây không phải là từ Hán Việt?
A. Hồng đào.
B. Đông quân.
C. Xuân y.
D. Hoá công.
3. Đáp án nào đúng về biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ sau đây?
Hoả công sao khéo trêu ngươi?
Bóng đèn tà nguyệt nhử mùi ký sinh.
A. So sánh.
B. Ân dụ.
C. Hoán dụ.
D. Nhân hoá.
Câu 4. Em hiểu thế nào về nghĩa của thành ngữ “nước chảy hoa trôi” trong câu thơ “Để thân này nước chảy hoa trôi!”:
A. Chỉ sự chia lìa, xa cách.
B. Chỉ sự tàn tạ của đời người.
C. Chỉ sự chung thuỷ của con người.
D. Chỉ sự lưu luyến không nỡ rời xa.
5. Tâm trạng của nhân vật trữ tình thể hiện trong hai câu thơ cuối là gì?
A. Cô đơn.
B. Đau đớn.
C. Phẫn uất.
D. Nuối tiếc.
6. Dòng nào hiểu đúng về câu thơ: Cành hoa tàn nguyệt, bực mình hoài xuân?
A. Cành hoa và trăng tàn là những cảnh vật khiến con người uất ức trong mùa xuân.
B. Cành hoa và trăng tàn là những cảnh vật khiến con người luôn nhớ về mùa xuân.
C. Cành hoa tàn dưới ánh trăng bực mình mỗi khi xuân đến.
D. Cành hoa dưới ánh trăng tàn uất ức nuối tiếc tình xuân.
7. Đoạn trích đã thể hiện thành công bút pháp tương phản đối lập giữa quá khứ và hiện tại. Em hãy nhận xét diễn biến tâm trạng của nhân vật trữ tình được thể hiện qua bút pháp tương phản đối lập này.
8. Qua tâm trạng của người cung nữ trong đoạn trích, em hãy khái quát lên hình dung của mình về số phận của người cung nữ nói chung và bộ mặt của vua chúa trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ.
9. Viết về người phụ nữ trong xã hội phong kiến là một đề tài quen thuộc trong các tác phẩm văn học Việt Nam. Em hãy kể tên một vài tác phẩm thuộc đề tài trên và khái quát một vài vẻ đẹp của người phụ nữ thể hiện trong các tác phẩm đó.
Đáp án:
1. B
2. A
3. B
4. B
5. C
6. D
7.
- Đoạn thơ sử dụng bút pháp tương phản đối lập giữa quá khứ và hiện tại: . để đảm
+ Thời điểm quá khứ. Tháng ngày hạnh phúc khi còn được vua yêu chuộng nên cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn.
+ Thời điểm hiện tại: Tháng ngày buồn tẻ, phẫn uất khi bị vua rẻ rúng, ruồng rẫy.
- Tâm trạng của nhân vật trữ tình:
+ Buồn tủi, cô đơn khi nhớ về những ngày tháng hạnh phúc trong quá khứ.
+ Đau xót cho hiện tại khi bản thân ngày một tàn tạ, héo úa.
+ Phẫn uất, trách móc nhà vua, trách móc xã hội, cuộc đời đã đưa đẩy mình vào tình cảnh hiện tại.
8.
- Khái quát về tâm trạng người cung nữ trong đoạn trích: Vừa buồn tủi, cô đơn khi nhớ về những ngày tháng hạnh phúc trong quá khứ vừa đau xót cho hiện tại khi bản thân ngày một tàn tạ, héo úa, đồng thời là tâm trạng phẫn uất, trách móc nhà vua, trách móc xã hội, cuộc đời đã đưa đẩy mình vào tình cảnh hiện tại.
- Từ tâm trạng của người cung nữ, em hình dung được về số phận của người cung nữ nói chung và bộ mặt của vua chúa trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ:
+ Số phận người cung nữ: bất hạnh, bi kịch: mua vui cho vua chúa, chôn vùi tuổi thanh xuân của mình trong cấm cung; cuộc đời của họ chìm nổi; hạnh phúc hay khổ đau của họ tuỳ thuộc vào sự sủng ái của vua - Nếu may mắn được vua đế ý, sủng hạnh thì được người khác hầu hạ, sống trong vinh hoa phú quý, còn nếu không được vua sủng hạnh thì họ sẽ phải chịu cảnh ghẻ lạnh, sống trong cung vua cho tới già thì đưa về quê để chờ chết.
- Bộ mặt của vua chúa lúc bấy giờ: độc ác, tàn nhẫn, chà đạp lên quyền sống con người. Chính chế độ đa thê và tục tuyển cung tần mĩ nữ tàn bạo của vua chúa đã vô tình gây ra hàng nghìn số phận bi thương trong xã hội.
9.
- Một số tác phẩm viết về người phụ nữ trong xã hội phong kiến: Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Bánh trôi nước, Chuyện người con gái Nam Xương, ...
- Khái quát vẻ đẹp của người phụ nữ trong các tác phẩm đã kể:
+ Tài sắc vẹn toàn, hiếu thảo, thuỷ chung như Thuý Kiều trong Truyện Kiều
+ Luôn có khao khát về hạnh phúc và tình yêu lứa đôi như người cung nữ trong Chinh phụ ngâm
+ Luôn thuỷ chung, son sắt như nhân vật trữ tình em trong Bánh trôi nước
+ Đảm đang, vị tha, giàu tình yêu thương như Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương
Câu 5: Đọc văn bản:
Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai.
Thiếp trong cánh cửa chàng ngoài chân mây.
Trong cửa này đã đành phận thiếp,
Ngoài mây kia hả kiếp chàng vay (1)?
Những mong cả nước vui vầy
Nào ngờ đôi ngả nước mây cách với.
Thiếp chẳng tưởng ra người chinh phụ,
Chàng hả từng học lũ vương tôn (2).
Cớ sao cách trở nước non
Khiến người thôi sớm thôi hôm những sầu
Khách phong lưu đang chừng niên thiếu,
Sảnh nhau cùng dan díu chữ duyên.
Nỡ nào đôi lứa thiếu niên,
Quan san để cách, hàn huyên cho đành (3)
Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu,
Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca.
Nay quyên đã giục oanh già,
Ý nhi (4) lại gáy trước nhà líu lo.
Thuở đăng đồ (5) mai chưa dạn gió,
Hỏi ngày về chỉ độ đào bông.
Nay đào đã quyến gió đông,
Phù dung lại đã bên sông bơ xờ
(Theo Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Chinh phụ ngâm khúc, NXB văn học 2002, tr.35)
* Chú thích:
(1) Vay: tiếng đệm của câu than thở.
(2) Vương tôn: con nhà giàu sang, cũng có nghĩa là người đi chơi xa không đoái đến gia đình.
(3) Quan san, hàn huyên: (quan: ải, san: núi, hàn: lạnh, huyên: ấm), ý nói cách trở, không biết tin tức của nhau.
(4) Ý nhi: chim én (yến) thường làm tổ trong mái nhà.
(5) Đăng đồ: lên đường ra đi nơi xa.
Thực hiện các yêu cầu sau:
1. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào? Chỉ ra đặc điểm về số chữ, số dòng của thể thơ trong khổ thơ thứ nhất?
2. Tâm trạng của chinh phụ nảy sinh trong hoàn cảnh nào? Nêu một chi tiết giúp em nhận biết hoàn cảnh ấy?
3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp điệp ngữ được sử dụng trong đoạn thơ:
Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu,
Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca.
Nay quyên đã giục oanh già,
Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo.
Thuở đăng đồ mai chưa dạn gió,
Hỏi ngày về chỉ độ đào bông.
Nay đào đã quyến gió đông,
Phù dung lại đã bên sông bơ xờ
4. Theo em nhan đề Chinh phụ ngâm khúc có phù hợp với nội dung tư tưởng của đoạn thơ trên không? Lý giải vì sao?
5. Đoạn thơ đã gửi gắm đến người đọc những thông điệp ý nghĩa nào?
Đáp án:
1.
- Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ song thất lục bát.
- Đặc điểm về số chữ, số dòng của thể thơ trong đoạn thơ thứ nhất:
+ Khổ thơ gồm 4 dòng thơ.
+ Gồm một cặp lục bát và một cặp thất ngôn.
2.
- Tâm trạng của người chinh phụ nảy sinh trong hoàn cảnh: hai vợ chồng xa cách vì người chồng đi chinh chiến nơi xa lâu chưa có tin tức gì.
- Chi tiết giúp em nhận biết hoàn cảnh ấy: Thiếp trong cánh của chàng ngoài chân mây/ Nào ngờ đôi ngả nước mây cách với/ Cớ sao cách trở nước non/...
3. Biện pháp điệp ngữ được sử dụng đoạn thơ: Thuở...chưa... Hỏi ngày về...nay... Tác dụng:
- Tạo liên kết, tạo nhịp điệu tha thiết, khắc khoải cho lời thơ, làm cho lời thơ trở nên sinh động, hấp dẫn, gợi hình gợi cảm, tăng hiệu quả diễn đạt.
- Nhấn mạnh, làm nổi bật khoảng cách thời gian của hai vợ chồng: ngày đi, người chồng ước hẹn sẽ trở về khi ước nẻo quyên ca, chỉ độ đào bông - đó là mùa xuân tươi đẹp; nhưng giờ quyên đã giục oanh già, đào đã quyển gió đông - mùa đông đã đến mà người chồng vẫn chưa có tin tức gì.
+ Qua đó, thể hiện nỗi nhớ nhung, mong ngóng và lo lắng của người chinh phụ cho người chồng. Đồng thời nói lên tấm lòng cảm thương, chia sẻ của nhà văn với tình cảnh nỗi niềm người chinh phụ.
4. Theo em nhan đề Chinh phụ ngâm khúc rất phù hợp với nội dung tư tưởng của đoạn thơ trên. Lý giải:
- Nhan đề được hiểu là: Khúc ngâm của người phụ nữ có chồng đi chinh chiến
ở xa.
- Nội dung tư tưởng của đoạn thơ là: diễn tả nỗi buồn của người chinh phụ do chiến tranh mà phải xa cách chồng, không có tin tức của chồng, nàng phải sống trong cô đơn, sầu nhớ, lo lắng. Tâm trạng của người phụ nữ đã trở thành một khúc bi ca, buồn sầu.
5. Đoạn thơ đã gửi gắm đến người đọc những thông điệp ý nghĩa: Đồng cảm với số phận bi kịch, đáng thương của con người (người phụ nữ) trong xã hội cũ.
- Lên án tố cáo chiến tranh phi nghĩa khiến con người phải hứng chịu biết bao nỗi buồn khổ, mất mát.
- Yêu quý, trân trọng và có ý thức gìn giữ cuộc sống hoà bình mà mình đang có.
Xem thêm các bài viết về định nghĩa và khái niệm môn Văn chọn lọc, hay khác:
- Thơ Đường luật là gì?
- Thơ trào phúng là gì?
- Truyện thơ dân gian là gì?
- Truyện thơ nôm là gì?
- Thơ văn Nguyễn Trãi
Tủ sách VIETJACK luyện thi vào 10 cho 2k10 (2025):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Đề thi lớp 1 (các môn học)
- Đề thi lớp 2 (các môn học)
- Đề thi lớp 3 (các môn học)
- Đề thi lớp 4 (các môn học)
- Đề thi lớp 5 (các môn học)
- Đề thi lớp 6 (các môn học)
- Đề thi lớp 7 (các môn học)
- Đề thi lớp 8 (các môn học)
- Đề thi lớp 9 (các môn học)
- Đề thi lớp 10 (các môn học)
- Đề thi lớp 11 (các môn học)
- Đề thi lớp 12 (các môn học)
- Giáo án lớp 1 (các môn học)
- Giáo án lớp 2 (các môn học)
- Giáo án lớp 3 (các môn học)
- Giáo án lớp 4 (các môn học)
- Giáo án lớp 5 (các môn học)
- Giáo án lớp 6 (các môn học)
- Giáo án lớp 7 (các môn học)
- Giáo án lớp 8 (các môn học)
- Giáo án lớp 9 (các môn học)
- Giáo án lớp 10 (các môn học)
- Giáo án lớp 11 (các môn học)
- Giáo án lớp 12 (các môn học)