Thơ văn Nguyễn Trãi (chi tiết nhất)
Bài viết Thơ văn Nguyễn Trãi chi tiết nhất, đầy đủ khái niệm, đặc điểm, cách đọc hiểu & bài tập có đáp án chi tiết giúp bạn nắm vững kiến thức trọng tâm về Thơ văn Nguyễn Trãi.
Thơ văn Nguyễn Trãi (chi tiết nhất)
I. Tiểu sử của tác gia Nguyễn Trãi
1. Khái quát tiểu sử
Nguyễn Trãi (1380 - 1442) hiệu Ức Trai, quê gốc ở làng Chi Ngại (nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương), nhưng lớn lên cùng gia đình ở làng Ngọc Ổi, huyện Thượng Phúc, lộ Đông Đô (nay là làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội)). Thân phụ Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh, đỗ Thái học sinh dưới triều Trần; thân mẫu là Trần Thị Thái- con quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Dòng họ bên nội, bên ngoại của Nguyễn Trãi đều có truyền thống yêu nước và truyền thống văn hóa, văn học.
2. Tiểu sử của tác gia Nguyễn Trãi theo từng mốc thời gian
- Năm 1400, Nguyễn Trãi thi đỗ Thái học sinh và làm quan cùng cha dưới triều Hồ.
- Năm 1407, triều Hồ sụp đổ, giặc Minh bắt Nguyễn Phi Khanh đưa về Trung Quốc và giam lỏng Nguyễn Trãi ở thành Đông Quan.
- Khoảng năm 1423, Nguyễn Trãi tìm vào Lam Sơn (Thanh Hóa) theo giúp Lê Lợi, dâng Bình Ngô sách (Sách lược đánh dẹp giặc Minh). Ông được Lê Lợi tin dùng và đã có đóng góp đặc biệt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Minh.
- Cuối năm 1427 – đầu năm 1428, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn kết thúc thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế và giao cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo.
- Giai đoạn sau hòa bình lặp lại, Nguyễn Trãi đem hết tâm huyết, tài năng, sức lực tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước. Tuy nhiên, do những mâu thuẫn trong triều đình, do bọn quyền thần, gian thần lộng hành, Nguyễn Trãi không còn được tin dùng như trước.
- Năm 1437, ông xin về ở ẩn tại Côn Sơn (Hải Dương).
- Năm 1440, vua Lê Thái Tông mời Nguyễn Trãi ra giúp nước. Ông cảm kích nhận ơn trì ngộ: “Thương thần như con ngựa già còn ham rong ruổi; xem thần như thông qua năm rét càng dạn tuyết sương” (Biếu tạ ơn).
- Năm 1442, khi Nguyễn Trãi đang giữ trọng trách công việc quốc gia thì xảy ra vụ án Lệ Chi viên. Nguyễn Trãi bị bọn gian thần vu cho tội giết vua và phải chịu án “tru di tam tộc”, thơ văn bị tiêu huỷ, cấm đoán.
- Đến tận năm 1464, vua Lê Thánh Tông mới minh oan cho Nguyễn Trãi.
- Năm 1467, vua Lê Thánh Tông ban lệnh tìm kiếm, cho khắc in di cảo của ông.
- Năm 1980, Nguyễn Trãi được tổ chức UNESCO vinh danh là Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa của nhân loại.
II. Sự nghiệp văn học của tác gia Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi để lại cho hậu thế một di sản văn hóa quý giá, trơng đó nổi bật là những sáng tác được viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, thuộc nhiều lĩnh vực: quân sự, chính trị, lịch sử, địa lí, văn học. Tác phẩm chữ Hán gồm: Ức Trai thi tập, Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Lam Sơn thực lục, Dư địa chí, Chí Linh sơn phú và Băng Hồ di sự lục; sáng tác chữ Nôm có: Quốc âm thi tập.
1. Nội dung thơ văn
Thơ văn Nguyễn Trãi phong phú, đa dạng về đề tài, cảm hứng; giàu giá trị tư tưởng và đậm tính trữ tình. Nổi bật trong các tác phẩm của ông là tư tưởng nhân nghĩa, tình yêu thiên nhiên và những ưu tư về thế sự.
a. Tư tưởng nhân nghĩa, vì dân
Tư tưởng nhân nghĩa có nguồn gốc từ Nho giáo nhưng đã được Nguyễn Trãi tiếp thu một cách chọn lọc, sáng tạo. Với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa trước hết là thương dân; lấy cuộc sống bình yên, no ấm của nhân dân làm mục tiêu cao nhất: Vì dân lo trước, dạ khôn nguôi (Mạn hứng, bài 2). Nguyễn Trãi luôn khẳng định vai trò và sức mạnh của nhân dân: Lật thuyền mới biết dân như nước (Quan hải - Ức Trai thi tập). Đặc biệt, ông không chỉ thương dân mà còn biết tôn trọng dân, biết ơn dân. Tư tưởng trọng dân, ơn dân bao trùm, xuyên suốt sáng tác của Nguyễn Trãi:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
(Bình Ngô đại cáo)
Ăn lộc đều ơn kẻ cấy cày.
(Bảo kính cảnh giới, bài 19- Quốc âm thi tập)
Là một nhà Nho, lí tưởng yêu nước của Nguyễn Trãi dĩ nhiên gắn liền với tư tưởng trung quân: Quân thân chưa báo lòng canh cánh (Ngôn chí, bài 7 - Quốc âm thi tập); với giấc mơ về một triều đại vua sáng, tôi hiền. Nhưng xét đến cùng, nội dung cốt lõi trong tư tưởng yêu nước của Nguyễn Trãi là tình yêu dành cho nhân dân, là khát vọng xây dựng một đất nước độc lập, thái bình, hưng thịnh.
b. Tình yêu thiên nhiên, đất nước
Tình yêu thiên nhiên là nguồn cảm hứng lớn trong thơ văn Nguyễn Trãi (đặc biệt là thơ). Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập chứa đựng cả một thế giới thiên nhiên đa dạng, vừa mĩ lệ vừa bình dị, gần gũi. Có thể tìm thấy trong kho báu thiên nhiên “đầy qua nóc” ấy khung cảnh tráng lệ của cửa biển Bạch Đằng, Vân Đồn, Thần Phù, Vọng Doanh; vẻ hùng vĩ, nguyên sơ của Yên Tử, Côn Sơn; chốn thôn quê bình dị, dân dã, thân thuộc với những đất cày ngõ ải, giậu mùng tơi, lảnh mùng, bè muống,... Tâm hồn Nguyễn Trãi rộng mở, tinh tế, lãng mạn- nâng niu từng vẻ đẹp, từng khoảnh khắc giao hoà cùng thiên nhiên:
Cây rợp tán che am mát;
Hồ thanh nguyệt hiện bóng tròn.
Rùa nằm hạc lần nên bầy bạn;
Ủ ấp cùng ta làm cái cơn.
(Ngôn chí, bài 20- Quốc âm thi tập)
c. Những ưu tư về thế sự
Một đời ôm mối “ưu dân, ái quốc” nên hồn thơ Ức Trai trĩu nặng suy tư trước thế sự đen bạc. Thơ ông có nhiều chiêm nghiệm buồn về nhân tình thế thái; có cả những cay đắng, thất vọng, đau đớn trước một thực tại hỗn độn, bất công, ngang trái:
Phượng những tiếc cao, diều hãy liệng;
Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi.
(Tự thuật, bài 9- Quốc âm thi tập)
Nguyễn Trãi đã đối diện với thực tại ấy bằng tâm thế, tư thế của cây tùng, cây bách: Một mình lạt thuở ba đông (Tùng - Quốc âm thi tập), bằng cốt cách của hoa cúc, hoa sen: Sen nào có bén trong lầm (Thuật hứng, bài 25 - Quốc âm thi tập). Ông lựa chọn quan niệm sống, triết lí sống thanh cao, cứng cỏi, kiêu hãnh và lí tưởng cao cả:
- Chớ cậy sang mà ép nề.
Lời chăng phải vuỗn khôn nghe.
(Trần tình, bài 8- Quốc âm thi tập)
- Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược;
Có nhân, có trí, có anh hùng.
(Bảo kính cảnh giới, bài 5- Quốc âm thi tập)
2. Đặc điểm nghệ thuật
Thơ văn Nguyễn Trãi kết tinh nhiều thành tựu nghệ thuật đặc sắc; góp phần quan trọng vào sự phát triển, hoàn thiện một số thể loại văn học trung đại Việt Nam: văn chính luận, thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm.
a. Văn chính luận
Văn chính luận của Nguyễn Trãi, đặc biệt là những thư từ bút chiến, văn kiện ngoại giao với nhà Minh luôn đạt đến trình độ mẫu mực. Nguyễn Trãi đã vận dụng một cách triệt để và sắc sảo các mệnh đề tư tưởng, đạo đức của Nho giáo và chân lí khách quan của đời sống để tạo dựng nền tảng chính nghĩa vững chắc cho những luận điểm lớn được nêu lên. Nhiều văn bản được mở đầu bằng triết lí nhân nghĩa: “Mưu tính việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, hoàn thành công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu.” (Lại thư trả lời Phương Chính - Quân trung từ mệnh tập) hoặc bằng những quy luật tất yếu: “Tôi nghe: Trời không che riêng ai, đất không chở riêng ai, mặt trời mặt trăng không chiếu riêng ai.” (Lại thư cho Vương Thông - Quân trung từ mệnh tập).
Sức thuyết phục của văn chính luận Nguyễn Trãi còn được tạo nên nhờ khả năng bám sát từng đối tượng và tình hình thời sự, chiến sự; sự kết hợp giữa lí lẽ sắc bén với dẫn chứng xác đáng; cách lập luận và bố cục chặt chẽ; ngôn ngữ hàm súc, kết hợp nhiều phong cách ngôn ngữ và nhiều phương thức biểu đạt, giọng điệu truyền cảm. Lê Quý Đôn từng ca ngợi Nguyễn Trãi là cây bút viết thư, thảo hịch tài giỏi hơn hết mọi thời.
b. Thơ chữ Hán
Thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi hầu hết được sáng tác bằng các thể thơ Đường luật, đạt tới sự nhuần nhuyễn, điêu luyện; ngôn ngữ cô đúc; nghệ thuật tả cảnh, tả tình tinh tế, tài hoa. Nghệ thuật trữ tình vẫn mang nét trang nhã, hàm súc “ý tại ngôn ngoại” của thơ cổ phương Đông nhưng không theo hướng cầu kì, khuôn thước. Ý tình trong nhiều bài thơ vừa in đậm dấu ấn cá nhân vừa có giá trị tư tưởng sâu sắc (Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác, Chu trung ngẫu thành, Tự thán, Thanh minh,... ). Hình tượng thiên nhiên trong Ức Trai thi tập khi thì phóng khoáng, hùng vĩ, diễm lệ, khi thì thanh sơ, thơ mộng (Thần Phù hải khẩu, Đề Yên Tử sơn Hoa Yên tự, Vân Đồn, Tức hứng, Mộ xuân tức sự, Trại đầu xuân độ,... ).
c. Thơ chữ Nôm
Thơ chữ Nôm của Nguyễn Trãi được đánh giá là đỉnh cao của dòng thơ quốc âm (tiếng Việt) thời trung đại. Trong Quốc âm thi tập, ông dường như đã có ý thức sáng tạo một thể thơ riêng khi đưa câu thơ lục ngôn xen vào bài thơ thất ngôn ở các vị trí đa dạng, linh hoạt, đồng thời rất chú ý Việt hoa nhiều đề tài, thì liệu mượn từ văn học Trung Quốc.
Ngôn ngữ thơ Nôm Nguyễn Trãi giản dị, đậm đà tính dân tộc; sử dụng nhiều từ láy, thành ngữ, tục ngữ và lời ăn tiếng nới của dân chúng:
Tay ai thì lại làm nuôi miệng.
Làm biếng ngồi ăn lở núi non.
(Bảo kính cảnh giới, bài 22 - Quốc âm thi tập)
<strong>3. Đóng góp của thơ văn Nguyễn Trãi trong nền văn học trung đại Việt Nam
Thơ văn Nguyễn Trãi là thành tựu to lớn, kết tinh nhiều phương diện giá trị của văn học trung đại Việt Nam từ thế kỉ X-XV. Những đóng góp về văn học của Nguyễn Trãi là hết sức to lớn, có giá trị mở đầu cho nhiều truyền thống quý báu của văn học dân tộc.
- Thơ văn thấm nhuần tinh thần “Yêu nước, thương dân” và “nhân nghĩa vì dân”, khát vọng xây dựng một quốc gia độc lập, hưng thịnh, thái bình, người dân ấm no, hạnh phúc của Nguyễn Trãi. Không chỉ đề cao vai trò của nhân dân, coi “dân là gốc của nước” mà còn biết ơn dân “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”.
- Thơ văn phản ánh bức chân dung con người Nguyễn Trãi với vẻ đẹp của sự hài hòa giữa vĩ nhân và con người đời thường. Đó là con người bình dị, gần gũi, sống ân tình với cha mẹ, bạn bè. Ông cũng yêu quý, gắn bó với thiên nhiên, quê hương và đau đáu tình yêu và nỗi đau cùng số phận con người.
- Thơ văn Nguyễn Trãi là sự kết tinh nghệ thuật của nhiều thế kỉ văn học Việt Nam. Ông có công lớn trong việc hoàn thiện, phát triển, khởi đầu nhiều thể loại văn học như: văn chính luận, phú,… Đặc việt, Nguyễn Trãi là nhà thơ trữ tình sâu sắc và thành công đưa thơ chữ Hán Việt Nam đạt đến độ nhuần nhị, tạo thế giới thẩm mĩ phong phú (tập thơ Ức trai thi tập). Đồng thời, với tập thơ chữ Nôm Quốc âm thi tập, Nguyễn Trãi đã khẳng định tiếng Việt là một ngôn ngữ văn học có khả năng phản ảnh thế giới nội tâm con người và đời sống xã hội. Ông đã đem lại cho thơ Nôm một hệ thống thẩm mĩ mới, đưa vào trong các bài thơ của mình tục ngữ, lời ăn tiếng nói dân dã và những hình ảnh đời thường. Hình thức thơ thất ngôn xen lục ngôn đã cho thấy ý thức trong việc sáng tạo một lối thơ Việt Nam, thể hiện trong cả việc Việt hóa nhiều ngữ liệu Hán học, tạo ra các hình ảnh và ngôn ngữ nghệ thuật mới của người Việt.
=> Trên hai trụ cầu dân tộc và nhân bản, thơ văn Nguyễn Trãi nối xưa với nay, nối Việt Nam với nhân loại.
III. Cách vận dụng hiểu biết về tác gia Nguyễn Trãi để đọc hiểu tác phẩm của ông
Loại thông tin về tác giả |
Vận dụng vào đọc hiểu tác phẩm của tác giả Nguyễn Trãi |
Tiểu sử |
Cung cấp bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội liên quan đến văn bản, là chìa khóa giải mã tư tưởng, chủ đề văn bản. |
Nội dung và đặc điểm nghệ thuật thơ văn |
Cung cấp trí thức để giải mã các yếu tố về nội dung, nghệ thuật trong văn bản; từ đó nhận biết, phân tích, đánh giá và liên hệ, so sánh với các tác phẩm khác của Nguyễn Trãi để hiểu sâu hơn giá trị nội dung, nghệ thuật một số tác phẩm của Nguyễn Trãi; qua đó thấy được vẻ đẹp con người và thơ văn Nguyễn Trãi. |
Di sản văn học |
Cung cấp tri thức về di sản thơ văn Nguyễn Trãi để đánh giá được đóng góp, giá trị của các tác phẩm đối với lịch sử, xã hội và đối với sự phát triển của nền văn học. |
IV. Một số bài tập vận dụng liên quan đến tác gia Nguyễn Trãi
4.1. Trắc nghiệm
Câu 1. Nguyễn Trãi hiệu là gì?
A. Thanh Hiên.
B. Ức Trai.
C. Quế Sơn.
D. Hy Văn.
Đáp án: B. Ức Trai
Câu 2. Ý nào sau đây KHÔNG ĐÚNG khi nói về tiểu sử của Nguyễn Trãi?
A. Nguyễn Trãi quê gốc ở làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội nhưng lớn lên ở làng Chi Ngại, huyện Chí Linh, Hải Dương.
B. Thân phụ Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh, đỗ thái học sinh dưới triều Trần.
C. Thân mẫu là Trần Thị Thái - con quan Tư đồ Trần Nguyên Đán.
D. Ông sinh năm 1380, mất năm 1442.
Đáp án: A. Nguyễn Trãi quê gốc ở làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội nhưng lớn lên ở làng Chi Ngại, huyện Chí Linh, Hải Dương.
→ Nguyễn Trãi quê gốc ở làng Chi Ngại, huyện Chí Linh, Hải Dương nhưng lớn lên ở làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Câu 3. Ý nào dưới đây KHÔNG ĐÚNG khi nói về cuộc đời của Nguyễn Trãi?
A. Năm 1400, Nguyễn Trãi thi đỗ Thái học sinh và làm quan cùng cha dưới triều Hồ.
B. Khoảng năm 1432, Nguyễn Trãi tìm vào Lam Sơn theo giúp Lê Lợi, dâng Bình Ngô sách.
C. Năm 1437, ông xin về ở ẩn tại Côn Sơn (Hải Dương).
D. Năm 1443, Nguyễn Trãi bị bọn gian thần vu cho tội giết vua và phải chịu án "tru di tam tộc".
Đáp án: D. Năm 1443, Nguyễn Trãi bị bọn gian thần vu cho tội giết vua và phải chịu án "tru di tam tộc".
→ Năm 1442, Nguyễn Trãi bị bọn gian thần vu cho tội giết vua và phải chịu án "tru di tam tộc".
Câu 4. Nguyễn Trãi được vinh danh là "Danh nhân văn hóa thế giới" vào năm bao nhiêu?
A. 1979.
B. 1980.
C. 1981.
D. 1982
Đáp án: B. 1980
Câu 5. Những sáng tác của Nguyễn Trãi thuộc những lĩnh vực nào?
A. Chính trị, lịch sử, địa lý, văn học.
B. Quân sự, chính trị, lịch sử, địa lý, thiên văn học.
C. Quân sự, chính trị, lịch sử, địa lý, văn học.
D. Quân sự, chính trị, lịch sử, văn học.
Đáp án: C. Quân sự, chính trị, lịch sử, địa lý, văn học.
Câu 6. Tác phẩm nào dưới đây KHÔNG PHẢI tác phẩm chữ Hán của Nguyễn Trãi?
A. Ức Trai thi tập.
B. Quốc âm thi tập.
C. Quân trung từ mệnh tập.
D. Lam Sơn thực lục.
Đáp án: B. Quốc âm thi tập.
Câu 7. Tư tưởng nổi bật trong các tác phẩm của Nguyễn Trãi là:
A. Tư tưởng nhân nghĩa.
B. Tình yêu thiên nhiên.
C. Ưu tư về thế sự.
D. Cả ba đáp án trên.
Đáp án: D. Cả ba đáp án trên.
Câu 8. Nội dung cơ bản của tư tưởng nhân nghĩa trong thơ văn Nguyễn Trãi là gì?
A. Nguyễn Trãi đã tiếp thu tư tưởng nhân nghĩa của Nho giáo một cách sáng tạo và chọn lọc.
B. Tư tưởng nhân nghĩa trong thơ văn của ông trước hết là tình thương dân, lấy cuộc sống bình yên, no ấm của nhân dân làm mục tiêu cao nhất.
C. Trong các sáng tác của mình, ông luôn khẳng định vai trò và sức mạnh của nhân dân, biết tôn trọng và biết ơn dân.
D. Cả ba đáp án trên.
Đáp án: D. Cả ba đáp án trên.
Câu 9. Tình yêu thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi được thể hiện như thế nào?
A. Tâm hồn Nguyễn Trãi rộng mở, tinh tế, lãng mạn- nâng niu từng vẻ đẹp, từng khoảnh khắc giao hòa cũng thiên nhiên.
B. Thiên nhiên trong thơ ông vừa mĩ lệ vừa bình dị, gần gũi.
C. Thiên nhiên trong thơ ông là những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, mĩ lệ.
D. A và B đúng.
Đáp án: D. A và B đúng.
Câu 10. Nỗi niềm thế sự được thể hiện như thế nào trong thơ Nguyễn Trãi?
A. Thơ ông có nhiều chiêm nghiệm buồn về nhân tình thế thái.
B. Thơ ông có những cay đắng, thất vọng, đau đớn trước một thực tại hỗn độn, bất công.
C. Thơ ông ca ngợi những điều tốt đẹp đang diễn ra trong cuộc sống.
D. A và B đúng.
Đáp án: D. A và B đúng.
Câu 11. Ý nào sau đây ĐÚNG khi nói về đặc điểm văn chính luận của Nguyễn Trãi?
A. Văn chính luận của Nguyễn Trãi luôn đạt đến trình độ mẫu mực.
B. Sức thuyết phục của văn chính luận Nguyễn Trãi được tạo nên nhờ khả năng bám sát từng đối tượng và tình hình thời sự.
C. Cách lập luận và bố cục trong văn chính luận Nguyễn Trãi chặt chẽ, ngôn ngữ hàm súc.
D. Tất cả các đáp án trên.
Đáp án: D. Tất cả các đáp án trên.
Câu 12. Những đóng góp to lớn của Nguyễn Trãi về văn học có giá trị như thế nào?
A. Có giá trị tố cáo sâu sắc.
B. Có giá trị nhân đạo sâu sắc.
C. Có giá trị mở đầu cho nhiều truyền thống quý báu của văn học dân tộc.
D. Có giá trị kết nối giữa các thời đại.
Đáp án: C. Có giá trị mở đầu cho nhiều truyền thống quý báu của văn học dân tộc.
Câu 13. Câu văn nào sau đây nêu nhận xét khái quát về con người Nguyễn Trãi thể hiện trong thơ văn?
A. Những đóng góp về văn học của Nguyễn Trãi là hết sức to lớn, có giá trị mở đầu cho nhiều truyền thống quý báu của văn học dân tộc.
B. Thơ văn Nguyễn Trãi là sự kết tinh nghệ thuật của nhiều thế kỉ văn học Việt Nam.
C. Những sự vật bình dị, dân dã, đời thường như quả núc nác, lảnh mùng tơi, bè rau muống, co đòng đong,... cũng đều được Nguyễn Trãi đưa vào thơ một cách tự nhiên, tạo nên những rung động thẩm mĩ mới.
D. Đó là con người chí hiếu, luôn canh cánh nỗi niềm chưa báo đáp công ơn sinh thành [...] người bạn chí tình, qua bao thăng trầm, thành bại của cuộc đời, vẫn hẹn ước có buổi về lại nơi quê nhà, cùng bạn vác quốc ra đồng trong một ngày xuân.
Đáp án: D. Đó là con người chí hiếu, luôn canh cánh nỗi niềm chưa báo đáp công ơn sinh thành [...] người bạn chí tình, qua bao thăng trầm, thành bại của cuộc đời, vẫn hẹn ước có buổi về lại nơi quê nhà, cùng bạn vác quốc ra đồng trong một ngày xuân.
4.2. Tự luận
Bài 1. Cuộc đời và thơ văn Nguyễn Trãi có mối liên hệ như thế nào?
Trả lời:
Giữa cuộc đời và thơ văn Nguyễn Trãi có mối liên hệ hết sức mật thiết:
- Cuộc đời ông luôn gắn bó với vận mệnh của dân tộc. Thời kì tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, thơ văn Nguyễn Trãi luôn là vũ khí lợi hại góp phần quan trọng vào chiến thắng của dân tộc trước quân Minh xâm lược, với khát vọng giải phóng dân tộc, với mong muốn đem lại nền hoà bình cho cả hai dân tộc Việt - Trung.
Các tác phẩm của ông đã phản ánh kịp thời và từng bước cuộc kháng chiến oai hùng của dân tộc, cuộc kháng chiến mà ông đã tham gia tích cực. Trong đó, tiêu biểu là các tác phẩm thư từ luận chiến được tập hợp trong Quân trung từ mệnh tập, bài cáo tổng kết cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc- Đại cáo bình Ngô, bộ sử ghi lại cuộc khởi nghĩa gian khổ mà anh hùng- Lam Sơn thực lục,...
- Trong thời kì xây dựng đất nước, thơ văn Nguyễn Trãi mang theo những khát | vọng lớn lao của ông về mong muốn xây dựng một xã hội “vua sáng, tôi hiền”, người dân được ấm no, hạnh phúc, đất nước luôn phồn vinh, giàu đẹp. Các tác phẩm của ông là nền tảng quan trọng để xây dựng một nền văn hoá, văn học mới, tiêu biểu như các chiếu, từ được ông viết với danh nghĩa nhà vua, các bài sớ trình dâng lên triều đình, hai tập thơ lớn: Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập và các tác phẩm: Văn bia Vĩnh Lăng, Chuyện cũ về cụ Băng Hồ, Dư địa chí (Ghi chép về địa lí),...
Bài 2. Đọc ngữ liệu và trả lời câu hỏi:
“Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc” (Trích)
Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc, văn võ song toàn; văn là chính trị: chính trị cứu nước, cứu dân, nội trị, ngoại giao, “Muôn thuở nền thái bình vững chắc, / Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu”; võ là quân sự: chiến lược và chiến thuật, “lấy yếu chống mạnh”, “lấy ít địch nhiều”,... “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn” (Đại cáo bình Ngô); văn và võ đều là vũ khí, mạnh như vũ bão, sắc như gươm đao: “Viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết mọi thời” (Lê Quý Đôn), “Văn chương mưu lược gắn liền với sự nghiệp kinh bang tế thế(1) (Phan Huy Chú). Thật là một con người vĩ đại về nhiều mặt trong lịch sử nước ta. [...]
Nhớ Nguyễn Trãi, chúng ta nhớ người anh hùng cứu nước, người cùng Lê Lợi làm nên sự nghiệp “bình Ngô”, người thảo Đại cáo bình Ngô. Nguyễn Trãi là một người yêu nước, yêu nước sâu sắc, mạnh mẽ, thiết tha, với tâm hồn và khí phách của người anh hùng. Đối với Nguyễn Trãi, yêu nước là thương dân, để cứu nước phải dựa vào dân, đem lại thái bình cho dân, cho mọi người. Triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, cuối cùng, chẳng qua là lòng yêu nước thương dân: cái nhân, cái nghĩa lớn nhất là phấn đấu đến cùng chống ngoại xâm, diệt tàn bạo, vì độc lập của nước, hạnh phúc của dân.
Nguyễn Trãi suốt đời mang một hoài bão lớn: làm gì cho dân, người dân lầm than khổ cực. Bắt đầu Đại cáo bình Ngô có câu: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.
Chữ “yên” ở đây có nghĩa “an cư lạc nghiệp”, cùng một ý với câu ở phần cuối của bài Đại cáo: “Muôn thuở nền thái bình vững chắc”. Nguyễn Trãi là tác giả của Dư địa chí, một cuốn sách có giá trị về địa lí, lịch sử, kinh tế, chính trị của nước ta thời bấy giờ. Đáng tiếc Nguyễn Trãi không có đủ cơ hội đem tất cả chí hướng và tài năng của mình cống hiến cho nước, cho dân, cho người đời. Nhưng nghĩ cho cùng không thể khác được. Đối với triều đình nhà Lê lúc bấy giờ, sau khi “bốn biển đã yên lặng”, Nguyễn Trãi nhân nghĩa quá, trung thực quá, thanh liêm quá. Nguồn gốc sâu xa của thảm án vô cùng đau thương của Nguyễn Trãi bị “tru di” ba họ là ở đó. [...]
Nhớ Nguyễn Trãi là nhớ người anh hùng cứu nước, đồng thời là nhớ nhà văn lớn, nhà thơ lớn của nước ta. Từ Đại cáo bình Ngô qua các bức thư gửi tướng tá quân xâm lược đến thơ chữ Hán và chữ Nôm,... ngòi bút thần của Nguyễn Trãi để lại cho chúng ta những tác phẩm gồm nhiều thể văn và tất cả đều đạt đỉnh cao của nghệ thuật, đều hay và đẹp lạ thường! Nhiều tài hoa như vậy dồn lại ở một con người, thật là hiếm có!
Đại cáo bình Ngô là khúc ca hùng tráng bất hủ của dân tộc ta. Hãy nghe Nguyễn Trãi lên án giặc ngoại xâm:
- Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội(2),
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.
- Ngắm thù lớn há đội trời chung,
Căm giặc nước thề không cùng sống.
Và đây là mấy câu diễn tả thế thắng của quân ta:
- Gươm mài đá, đá núi cũng mòn,
Voi uống nước, nước sông phải cạn.
- Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng,
Thân vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh(3).
Rồi đến đoạn cuối, lúc dẹp xong giặc ngoại xâm:
Xã tắc(4) từ đây vững bền,
Giang sơn từ đây đổi mới.
[...]
Muôn thuở nên thái bình vững chắc,
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu.
Những bức thư gửi tướng tá giặc trong Quân trung từ mệnh tập mà Phan Huy Chú cho là “có sức mạnh như mười vạn quân” là mẫu mực của tài hùng biện. Hãy nghe Nguyễn Trãi kể tội Phương Chính:
“Bảo mày giặc dữ Phương Chính: Đạo làm tướng lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm cành. Nay bọn mày chỉ chuyên lừa dối, giết hại kẻ vô tội, hãm người vào chỗ chết mà không xót thương. Việc ấy trời đất không dung, thần người đều giận, cho nên liền năm chinh phạt, hằng đánh hằng thua”. [...]
Phải nói rõ rằng Nguyễn Trãi, một mặt vạch tội ác quân xâm lược và kiên quyết đánh chúng, mặt khác luôn luôn cố gắng hết sức mình để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh cứu nước một cách đỡ tổn thất nhất, đồng thời sớm khôi phục bang giao bình thường với Trung Quốc nhà Minh. Trong một bức thư gửi Vương Thông, người chỉ huy quân xâm lược, Nguyễn Trãi đem hết tài hùng biện của mình để chỉ rõ thế thất bại của địch. [...] Biết rằng Vương Thông chỉ còn mong chờ viện binh nên bức thư nhắn mạnh: “Người xưa có câu: “Nước xa không thể cứu lửa gần”. Giá viện binh có đến, cũng chăng ích gì cho sự bại vong”. Cuối cùng, Nguyễn Trãi đưa sào cho Vương Thông:
“Nếu muốn kéo quân về nước, thì cầu đường sửa sang, thuyền ghe sắm đủ, thuỷ bộ hai đường, tuỳ theo ý muốn, đưa quân ra khỏi cõi, yên ổn muôn phần.”.
Nguyễn Trãi quả thật là một nhà chính trị có tầm mắt cao xa, rộng lớn, đồng thời là một nhà ngoại giao khôn khéo.
Về thơ của Nguyễn Trãi, chúng ta nên quý trọng hơn nữa thơ chữ Nôm, tiếng ta của Nguyễn Trãi, đó là vốn quý của văn học dân tộc. Bình luận về thơ, tưởng không bằng đọc một vài câu thơ:
Nước biếc non xanh, thuyền gối bãi
Đêm thanh nguyệt bạc, khách lên lầu...
Thơ của Nguyễn Trãi hay là như vậy! Vườn văn học của nước nhà có những hoa quả đẹp và thơm ngon, thế mà chúng ta hình như chưa thấy hết giá trị. Tiếng nói của chúng ta có cái giàu và đẹp, phải biết yêu quý, sử dụng, trau dồi, vì sao lại phải đi mượn ở đâu đâu?
Thơ của Nguyễn Trãi là tâm hồn của Nguyễn Trãi, trong sáng và đầy sức sống. Có người nói thơ của Nguyễn Trãi buồn vì cảnh đời của ông buồn. Thơ của Nguyễn Trãi có bài buồn, có câu buồn, vì lẽ gì chúng ta đều biết, nhưng cả tập thơ của Ức Trai là thơ của một người yêu đời, yêu người, tâm hồn của Nguyễn Trãi sống một nhịp với non sông đất nước tươi vui.
Nguyễn Mộng Tuân, một người bạn của Nguyễn Trãi, đã ca ngợi ông như sau:
“Gió thanh hây hẩy giấc vàng, người như một ông tiên ở trong toà ngọc. Cái tài làm hay, làm đẹp cho nước từ xưa chưa có bao giờ...”. Nguyễn Trãi không phải là một ông tiên, Nguyễn Trãi là người chân đạp đất Việt Nam, đầu đội trời Việt Nam, tâm hồn lộng gió của thời đại lúc bấy giờ, thông cảm sâu xa với nỗi lòng người dân lúc bấy giờ, suốt đời tận tụy cho một lí tưởng cao quý. Nguyễn Trãi là khí phách của dân tộc, là tinh hoa của dân tộc. Sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Trãi là một bài ca yêu nước và tự hào dân tộc. Nguyễn Trãi rất xứng đáng với lòng khâm phục và quý trọng của chúng ta.
Kỉ niệm Nguyễn Trãi là nhớ Nguyễn Trãi, nhắc Nguyễn Trãi, làm quen với Nguyễn Trãi hơn nữa: người làm chính trị, người làm quân sự, người nghiên cứu lịch sử nước nhà, người làm văn, làm thơ đều nên hiểu biết, học hỏi Nguyễn Trãi hơn nữa.’’
(Phạm Văn Đồng, báo Nhân Dân, ngày 19-9-1962)
(1) Kinh bang tế thế: trông coi việc nước; cứu giúp người đời.
(2) Người xưa thường dùng thẻ trúc để ghi chép; Nam Sơn (Trung Quốc): nơi có rừng trúc. Câu thơ ý nói tội ác của giặc nhiều không thể ghi chép hết.
(3) Thần vũ chẳng giết hại: ý nói uy vũ thần thánh thiêng liêng có sức mạnh chiến thắng mà không cần phải sát hại kẻ thù. Hiếu sinh: quý trọng sinh mạng con người.
(4) Xã tắc: nơi tế thần đất gọi là xã, nơi tế thần lúa gọi là tắc. Nghĩa bóng chỉ đất nước, bờ cõi.
Câu 1. Hãy xác định kiểu văn bản của bài viết Nguyễn Trãi, người anh hùng của dân tộc:
A. Văn bản nhật dụng
B. Văn bản nghị luận
C. Văn bản thông tin
D. Sự kết hợp của ba phương án trên
Câu 2. Em hãy cho biết mục đích của tác giả khi viết văn bản trên. Chỉ ra sự phù hợp giữa nhan đề và nội dung của bài viết.
Câu 3. Em hãy nêu bố cục của bài viết và cho biết ý chính của mỗi phần trong văn bản.
Câu 4. Xác định quan điểm (luận đề), các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng mà tác giả đã nêu lên trong bài nghị luận trên. Phân tích và làm rõ mối quan hệ của các yếu tố đó.
Câu 5. Phân tích tác dụng của yếu tố biểu cảm trong bài nghị luận. Qua đó, làm rõ thái độ, tình cảm của tác giả đối với danh nhân Nguyễn Trãi.
Trả lời:
Câu 1. Chọn đáp án: B. Văn bản nghị luận
Câu 2.
- Bài viết có ý nghĩa quan trọng:
+ Khích lệ tinh thần yêu nước của nhân dân ta trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giành độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước.
+ Khẳng định tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến của dân tộc ta trước nhân dân và các lực lượng yêu chuộng hoà bình trên thế giới, kêu gọi sự ủng hộ của họ, phản bác lại sự xuyên tạc của kẻ thù về mục đích cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam.
+ Khẳng định truyền thống chống giặc ngoại xâm và niềm tin vào chiến thắng của dân tộc.
Bài viết có giá trị đối nội và ngoại giao quan trọng trong thời điểm lịch sử lúc bấy giờ. Đây cũng là bước đầu chuẩn bị cho việc Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) tôn vinh Nguyễn Trãi là Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hoá nhân Kỉ niệm 600 năm ngày sinh của ông (1980).
+ Nhan đề của bài viết rất phù hợp với nội dung được trình bày trong bài và cũng chính là luận đề được nhắc lại ở ngay câu mở đầu của bài nghị luận.
Câu 3. Bố cục của bài nghị luận gồm bốn phần theo thứ tự đã được đánh số trong văn bản.
1) Phần mở đầu: Nêu và giải thích luận đề.
2) Nguyễn Trãi - Người anh hùng cứu nước, thương dân và bi kịch của ông.
3) Sự nghiệp văn học yêu nước và xây dựng nền văn hoá dân tộc của Nguyễn Trãi.
4) Phần kết luận: Tự hào về Nguyễn Trãi, học tập tấm gương danh nhân.
Câu 4.
- Luận đề được nêu lên ở ngay câu đầu của bài viết. Đây cũng là quan điểm được khẳng định trong cả bài nghị luận.
- Ở phần 2 và 3 của bài viết, tác giả triển khai cụ thể các vấn đề được nêu lên trong luận đề. Luận điểm của phần 2 và 3 cũng được nêu lên ở ngay câu đầu các phần. Các luận điểm ở phần 2 và 3 đều là sự triển khai một cách cụ thể luận đề của bài viết.
- Các lí lẽ và bằng chứng được đề cập đến trong bốn phần của bài viết đều gắn bó với luận đề và các luận điểm được nêu trong cả bài nghị luận, giữa chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chúng đều có mục đích làm rõ luận đề, tạo thành một hệ thống và chỉnh thể thống nhất trong toàn bài.
Câu 5.
Các câu biểu cảm trong bài sẽ giúp cho lập luận trở nên giàu sức thuyết phục hơn, bớt khô khan hơn và thể hiện một cách trực tiếp thái độ, tình cảm của tác giả.
Qua các lập luận và các câu biểu cảm, tác giả đã thể hiện sự khâm phục, ca ngợi, tự hào và cảm thông với số phận bi kịch của Nguyễn Trãi.
Bài 4. Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi:
Ở bầu thì dáng ắt nên tròn.
Xấu tốt đều thì rắp khuôn.
Lân cận nhà giàu no bữa cám (1) ;
Bạn bè kẻ trộm phải đau đòn (2).
Chơi cùng bầy dại nên bầy dại;
Kết mấy người khôn học nết khôn.
Ở đấng thấp thì nên đấng thấp.
Đen gần mực đỏ gần son.
(Bảo kính cảnh giới – bài 21- Theo Nguyễn Trãi toàn tập - Đào Duy Anh dịch chú)
Chú thích: (1) và (2): Lấy ý từ câu tục ngữ "ở gần nhà giàu đau răng ăn cốm, ở gần kẻ trộm ốm lưng chịu đòn". Chữ "đau răng ăn cốm" là đúng chữ câu tục ngữ. Nhưng kẻ ở gần nhà giàu mà được ăn cốm nhiều thì cũng lạ. Chúng tôi cho rằng chính là cám nói chệch đi cho hợp với vần trộm ở câu dưới mà thành cốm.. mà ở gần nhà giàu được no bữa cám thì nghĩa mới thông.
Chọn 01 đáp án đúng nhất:
Câu 1. Các phương thức biểu đạt trong bài thơ trên là;
A. Biểu cảm, nghị luận
B. Biểu cảm, tự sự
C. Nghị luận, tự sự
D. Nghị luận, thuyết minh
Câu 2. Bài thơ viết theo thể thơ nào?
A. Thất ngôn
B. Thất ngôn xen lục ngôn
C. Thất ngôn bát cú Đường luật
D. Tự do
Câu 3. Phép đối xuất hiện trong những câu thơ nào?
A. Hai câu thực
B. Hai câu luận
C. Hai câu thực và hai câu luận
D. Hai câu đề và hai câu thực
Câu 4. Câu thơ thứ nhất Nguyễn Trãi vận dụng câu tục ngữ dân gian nào?
A. Ở gần nhà giàu đau răng ăn cốm
B. Ở gần kẻ trộm ốm lưng chịu đòn
C. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài
D. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
Câu 5. Dòng nào không liên quan đến nội dung hai câu thơ:
Chơi cùng bầy dại nên bầy dại;
Kết mấy người khôn học nết khôn.
A. Chơi cùng những người dại, vì chẳng mấy lúc cũng trở thành kẻ dại
B. Kết bạn với những người giỏi giang, khôn ngoan sẽ học hỏi được nhiều điều và trở nên khôn ngoan.
C. Hai câu thơ khuyên mỗi người cần chọn bạn mà chơi.
D. Hai câu thơ khuyên mọi người cần phải biết sống hòa đồng, thích nghi cùng hoàn cảnh.
Câu 6. Dòng nào không phải là đặc sắc nghệ thuật của bài thơ:
A. Bài thơ có sự kết hợp giữa chất trữ tình và chất triết lí
B. Ngôn ngữ tiếng Việt gần gũi, dễ hiểu, vận dụng đa dạng thành ngữ dân gian
C. Phép đối của thơ Đường luật được vận dụng hiệu quả.
D. Sử dụng hệ thống hình ảnh mang tính ước lệ, tượng trưng.
Câu 7. Bài học từ bài thơ Bảo kính cảnh giới – bài 21 của Nguyễn Trãi là:
A. Cần phải biết chọn bạn mà chơi, nên chơi với người tốt, người khôn, tránh kết giao với người xấu.
B. Cần phải có sự hòa đồng trong cuộc sống, chơi với bạn tốt để học nết hay, chơi với bạn xấu để giúp họ tốt hơn.
C. Cần phải ham học hỏi mới nên thợ, nên thầy
D. Không chỉ học thầy, mà cần phải biết học tập bạn bè.
Trả lời câu hỏi:
Câu 8. Liệt kê 3 câu tục ngữ được sử dụng trong bài thơ, nêu tác dụng của việc sử dụng các câu tục ngữ này.
Câu 9. Em hiểu như thế nào về nội dung hai câu thơ kết:
Ở đấng thấp thì nên đấng thấp.
Đen gần mực đỏ gần son.
Câu 10. Em có đồng tình với quan điểm của tác giả thể hiện trong hai câu thơ sau không, vì sao?
Chơi cùng bầy dại nên bầy dại
Kết mấy người khôn học nết khôn.
Trả lời:
Câu 1. A. Biểu cảm, nghị luận
Câu 2. B. Thất ngôn xen lục ngôn
Câu 3. B. Hai câu luận
Câu 4. C. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài
Câu 5. D. Hai câu thơ khuyên mọi người cần phải biết sống hòa đồng, thích nghi cùng hoàn cảnh.
Câu 6. D. Sử dụng hệ thống hình ảnh mang tính ước lệ, tượng trưng.
Câu 7. A. Cần phải biết chọn bạn mà chơi, nên chơi với người tốt, người khôn, tránh kết giao với người xấu.
Câu 8.
Liệt kê 3 câu tục ngữ được sử dụng trong bài thơ:
- Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài
- Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng
- Ở gần nhà giàu đau răng ăn cốm - Ở gần kẻ trộm ốm lưng chịu đòn
Tác dụng của việc sử dụng các câu tục ngữ này:
- Các câu tục ngữ trên đều được đúc kết từ kinh nghiệm sống của cha ông để lai, việc vận dụng tục ngữ khiến lời thơ thêm sâu sắc, hàm súc, tự nhiên. Bài học đưa ra gần gũi, dễ hiểu với mọi người.
- Các câu thành ngữ còn giúp bài thơ mang sắc thái dân gian độc đáo.
Câu 9. Hai câu thơ kết:
Ở đấng thấp thì nên đấng thấp.
Đen gần mực đỏ gần son.
- Lập luận theo cấu trúc nguyên nhân - kết quả, hai câu kết thể hiện quan điểm sống của tác giả: Hoàn cảnh có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tính cách và phẩm chất con người.
- Suy nghĩ của tác giả sâu sắc, mới mẻ, thẳng thắn, là kết quả những trải nghiệm, những cảm nhận tinh tế về cuộc sống
Câu 10. Em có đồng tình với quan điểm của tác giả thể hiện trong hai câu thơ sau không, vì sao?
Chơi cùng bầy dại nên bầy dại
Kết mấy người khôn học nết khôn.
- (Nếu) đồng tình, lí giải:
+ Chơi cùng người xấu, người dại, nếu không cảnh giác, sẽ bị nhiễm thói xấu và trở nên xấu hơn. Còn nếu cứ phải cảnh giác thì thật mệt mỏi.
+ Chơi cùng người khôn ngoan, sẽ học được những điều hay, lẽ phải, sẽ tốt hơn, tiến bộ hơn từ sự ảnh hưởng ấy.
- (Nếu) không đồng tình, lí giải:
+ Có nhiều người rất bản lĩnh, họ không bị ảnh hưởng bởi môi trường sống, dù có kết giao với người không tốt thì cũng không bị lung lay gì.
+ Có người không chịu thích nghi, học hỏi, chơi với người khôn cũng không học hỏi được gì.
Bài 5. Phân tích vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua một số câu thơ mà anh chị cảm nhận sâu sắc nhất.
Trả lời:
“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương"
Hai câu thơ cuối của bài “Cảnh ngày hè” cho ta hiểu tấm lòng của Nguyễn Trãi muốn có cây đàn của vua Thuấn để gảy lên khúc ca sự no ấm, thái bình của người dân. Ông là người luôn canh cánh trong lòng nỗi lo cho dân, cho đất nước. Nhìn thấy dân làng chài trong cảnh yên vui cũng đủ khiến ông yên lòng. Âm điệu những câu thơ lục ngôn ( sáu chữ) kết thúc bài thơ khác âm điệu những câu thơ thất ngôn ( bảy chữ) ở chỗ nó như dồn nén trong câu chữ những tính cảm của ông dành cho nhân dân. Ông ước mơ người dân đất nước ta có cuộc sống no đủ sum vầy hạnh phúc, ấm êm.
Xem thêm các bài viết về định nghĩa và khái niệm môn Văn chọn lọc, hay khác:
- Thơ văn Nguyễn Du
- Tác giả Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh
- Văn bản nghị luận xã hội là gì?
- Văn bản nghị luận văn học là gì?
- Văn bản thông tin là gì?
Tủ sách VIETJACK luyện thi vào 10 cho 2k10 (2025):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Đề thi lớp 1 (các môn học)
- Đề thi lớp 2 (các môn học)
- Đề thi lớp 3 (các môn học)
- Đề thi lớp 4 (các môn học)
- Đề thi lớp 5 (các môn học)
- Đề thi lớp 6 (các môn học)
- Đề thi lớp 7 (các môn học)
- Đề thi lớp 8 (các môn học)
- Đề thi lớp 9 (các môn học)
- Đề thi lớp 10 (các môn học)
- Đề thi lớp 11 (các môn học)
- Đề thi lớp 12 (các môn học)
- Giáo án lớp 1 (các môn học)
- Giáo án lớp 2 (các môn học)
- Giáo án lớp 3 (các môn học)
- Giáo án lớp 4 (các môn học)
- Giáo án lớp 5 (các môn học)
- Giáo án lớp 6 (các môn học)
- Giáo án lớp 7 (các môn học)
- Giáo án lớp 8 (các môn học)
- Giáo án lớp 9 (các môn học)
- Giáo án lớp 10 (các môn học)
- Giáo án lớp 11 (các môn học)
- Giáo án lớp 12 (các môn học)