Tác giả Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (chi tiết nhất)

Bài viết Tác giả Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chi tiết nhất, đầy đủ khái niệm, đặc điểm, cách đọc hiểu & bài tập có đáp án chi tiết giúp bạn nắm vững kiến thức trọng tâm về Tác giả Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Tác giả Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (chi tiết nhất)

Quảng cáo
Cài đặt app vietjack

I. Tiểu sử của tác gia Hồ Chí Minh

1. Khái quát tiểu sử

Hồ Chí Minh (1890 - 1969) thời thơ ấu có tên là Nguyễn Sinh Cung, lúc trưởng thành có tên là Nguyễn Tất Thành, khi hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và nhiều tên khác. Từ năm 1942, Người lấy tên là Hồ Chí Minh. Người xuất thân từ một gia đình nhà Nho có tinh thần yêu nước, quê ở làng Sen, thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, quê ở làng Kim Liên (làng Sen), nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Song thân của Người là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan.

Hồ Chí Minh là nhà yêu nước và cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đồng thời là nhà văn, nhà thơ kết tinh những phẩm chất nghệ sĩ và tâm hồn, cốt cách Việt Nam. Hồ Chí Minh luôn được nhân dân biết ơn, kính trọng và ngưỡng mộ. Hồ Chí Minh có uy tín quốc tế rất cao, thường được đánh giá là một trong những nhà cách mạng hay chính khách tạo nên nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới trong thế kỉ XX. Năm 1990, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã suy tôn Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn.

Quảng cáo

2. Tiểu sử của tác gia Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh theo từng mốc thời gian

- Thuở nhỏ, Nguyễn Tất Thành học chữ Hán, sau đó học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp ở trường Quốc học Huế.

- Năm 1910, Người vào dạy học ở trường Dục Thanh; ít lâu sau, vào Sài Gòn rồi từ đó ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

- Từ năm 1912 đến 1916, Nguyễn Tất Thành ở Mỹ và Anh.

- Năm 1918, Người tham gia Đảng Xã hội Pháp, thành lập Hội những người Việt Nam yêu nước.

- Năm 1919, Người thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pháp gửi tới Hội nghị hoà bình họp ở Véc-xây (Versailles, Pháp) bản Yêu sách của nhân dân An Nam, kí tên Nguyễn Ái Quốc.

- Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Trong thời gian ở Pháp, Người tích cực viết báo, viết sách tuyên truyền chống chủ nghĩa thực dân và kêu gọi đoàn kết các dân tộc thuộc địa.

- Từ năm 1923 đến 1941, Nguyễn Ái Quốc chủ yếu hoạt động ở Nga, Trung Quốc, Thái Lan.

Quảng cáo

- Từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930, tại Hương Cảng (Hồng Kông, Trung Quốc), Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Tháng 2-1941, Người về nước, thành lập Mặt trận Việt Minh, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, chuẩn bị lực lượng để giành thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

- Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

- Sau cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (6-1-1946), Người được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Tiếp đó, Người lãnh đạo nhân dân tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nhằm giữ vững độc lập, tự do của dân tộc.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời ngày 2-9-1969.

II. Sự nghiệp văn học của tác gia Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh đã để lại một di sản văn học phong phú và có giá trị nhiều mặt, kết quả của việc huy động tài năng văn chương phục vụ cho cuộc đấu tranh cách mạng. Ở Hồ Chí Minh, sự nghiệp văn học gắn bó máu thịt với sự nghiệp cách mạng.

Quảng cáo

1. Quan điểm sáng tác

Quan điểm sáng tác của Hồ Chí Minh được thể hiện tập trung, nhất quán trong nhiều bài phát biểu, nói chuyện và trong các tác phẩm văn, thơ cụ thể.

a. Quan điểm: Mỗi tác phẩm phải trở thành vũ khí, mang tính chiến đấu cao, đạt hiệu quả thiết thực, dễ tiếp nhận với đại chúng, có thể “soi đường cho quốc dân đi”.

Trong bài thơ Khán “Thiên gia thi” hữu cảm (Cảm tưởng đọc "Thiên gia thi"), Hồ Chí Minh đã nêu yêu cầu dứt khoát đối với thơ của thời đại cách mạng:

Hiện đại thi trung ưng hữu thiết,

Thi gia dã yếu hội xung phong.

(Nay ở trong thơ nên có thép,

Nhà thơ cũng phải biết xung phong.)

Trong Thư gửi các hoạ sĩ nhân dịp triển lãm hội hoạ 1951, Hồ Chí Minh cũng phát biểu ý tương tự:

Văn hoa nghệ thuật cũng là một mặt trận.

Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.

Từ kinh nghiệm viết báo của mình, Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở người cầm bút phải chú ý tự đặt ra và giải quyết các câu hỏi chính: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào? Các câu hỏi này đề cập cùng lúc những vấn đề lớn của hoạt động giao tiếp bằng văn bản (trước hết là văn bản nghị luận, văn bản thông tin): hình dung cụ thể về đối tượng tiếp nhận; xác định sáng rõ mục đích hướng tới; lựa chọn được nội dung phù hợp; tìm được hình thức truyền tải thông tin, thông điệp có hiệu quả.

b. Mục tiêu của quan điểm sáng tác

- Hồ Chí Minh muốn hướng tới việc xây dựng một nền văn hóa, văn học mới phục vụ quần chúng lao động và đấu tranh vì những mục tiêu cao cả của cách mạng - điều được chính tác giả tuân thủ nghiêm ngặt trong những tác phẩm mang tính chất tuyên truyền, vận động của mình.

=> Trong bối cảnh đặc biệt của lịch sử, việc ưu tiên “đưa nghệ thuật vào chính trị” đã cho thấy sự toàn tâm, toàn ý của Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng và giải phóng dân tộc.

2. Thành tựu sáng tác

Sáng tác của Hồ Chí Minh có thể được chia thành ba bộ phận chính: văn chính luận, truyện và kí, thơ.

a. Văn chính luận

Văn chính luận chiếm khối lượng lớn nhất trong di sản văn học của Hồ Chí Minh, gồm những tác phẩm được viết ra nhằm đáp ứng kịp thời mọi yêu cầu của hoạt động chính trị, cách mạng.

Văn chính luận của Hồ Chí Minh luôn chứa chan nhiệt huyết, thể hiện tinh thần bám sát cuộc sống cách mạng để nắm bắt những vấn đề có ý nghĩa bức thiết đối với vận mệnh dân tộc và vận mệnh của tầng lớp cần lao trên toàn thế giới. Nhiều tác phẩm trực tiếp chất vấn, tố cáo các thế lực thực dân, đế quốc, kêu gọi nhân dân và các dân tộc bị áp bức tham gia đấu tranh cách mạng, đấu tranh vì chân lí độc lập, tự do.

- Tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp được viết bằng tiếng Pháp dưới bút danh Nguyễn Ái Quốc, xuất bản năm 1925, đã tấn công mãnh liệt vào chủ nghĩa thực dân, vạch trần tội ác của thực dân Pháp đối với các dân tộc thuộc địa cũng như tính bịp bợm trong luận điệu mà chúng thường rêu rao về sự “khai hóa”.

- Bản Tuyên ngôn Độc lập (1945) với lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén và những bằng chứng “không ai chối cãi được”, là tiếng nói hùng hồn khẳng định quyền hưởng tự do, độc lập, quyền tự làm chủ vận mệnh của một dân tộc đã can trường đấu tranh chống lại mọi sự nô dịch do ngoại bang áp đặt.

- Rất nhiều tác phẩm chính luận khác của Hồ Chí Minh như Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Không có gì quý hơn độc lập, tự do (17/7/1966), Di chúc (1965 - 1969),... âm vang tiếng nói của non sông, của lịch sử, luôn có sức động viên, cổ vũ rất lớn, có thể khơi dậy được sức mạnh của toàn dân tộc.

b. Truyện, kí

Truyện, kí là một bộ phận sáng tác thực sự đặc sắc của Hồ Chí Minh, tuy có số lượng không nhiều. Nổi bật trong đó là những truyện ngắn được viết bằng tiếng Pháp, ra đời vào những năm hai mươi của thế kỉ XX: Pa-ri (Paris), Lời than vãn của Bà Trưng Trắc, “Vi hành”, Những trò lố hay là Va-ren (Varenne) và Phan Bội Châu,...

Các truyện ngắn này có phong cách rất hiện đại so với những sáng tác văn xuôi trong nước viết cùng thời điểm, thể hiện ở một số mặt như: xây dựng tình huống, dẫn chuyện, tổ chức ngôn ngữ đối thoại, khắc hoạ chân dung nhân vật, sử dụng các thủ pháp châm biếm, đả kích, ... Nội dung các tác phẩm đều nhằm vào việc lật tẩy thói nô lệ đê hèn của những kẻ tay sai, bộ mặt giả nhân giả nghĩa của bọn thực dân, phơi bày thực trạng đời sống tối tăm của tầng lớp cần lao, ca ngợi những tấm gương xả thân vì đất nước, dân tộc,...

- Vừa đi đường vừa kể chuyện (kí tên T. Lan, công bố lần đầu trên báo Nhân Dân năm 1961) là tác phẩm mang tính tự truyện đáng chú ý. Tác phẩm này thể hiện hình tượng cái tôi của tác giả rất sinh động: trẻ trung, hồn nhiên, giản dị, có tinh thần dân chủ, yêu quý con người, say mê hoạt động, có khả năng quan sát và phát hiện vấn đề nhạy bén, sắc sảo,... Ở đây, những sự kiện liên quan đến các hoạt động của tác giả thường được đặt trên cái nền rộng lớn là cuộc sống của quần chúng nhân dân - lực lượng đóng vai trò chính trong mọi cuộc cách mạng.

c. Thơ

Thơ là mảng sáng tác thể hiện rõ nhất phẩm chất nghệ sĩ của Hồ Chí Minh, phần lớn đã được đưa vào trong hai tập: Ngục trung nhật kí (Nhật kí trong tù, in lần đầu năm 1960) và Thơ Hồ Chủ tịch (1967).

- Ngục trung nhật kí gồm 133 bài thơ chữ Hán (không kể bốn câu mang tính chất đề từ), được viết trong thời kì Hồ Chí Minh bị chính quyền Quốc dân đảng ở Trung Quốc giam cầm (từ mùa thu năm 1942 đến mùa thu năm 1943). Ngục trung nhật kí  là một tập nhật kí, ghi lại những trải nghiệm, nỗi lòng và suy ngẫm của tác giả suốt thời gian bị đoạ đày trong tù ngục nơi đất khách. Tập thơ giàu phẩm chất nghệ thuật, thể hiện được tầm vóc của một nhà thơ lớn và các đức tính cao quý của một nhân cách lỗi lạc.

- Tập Thơ Hồ Chủ tịch đã sưu tầm được những tác phẩm tiêu biểu của Hồ Chí Minh sáng tác trong thời kì tiền khởi nghĩa và trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ. Ở đây, dù là thơ chữ Hán hay thơ tiếng Việt, dù là thơ mừng xuân, tuyên truyền, vận động hay thơ trữ tình, tất cả đều thể hiện rõ tình cảm yêu nước, thương dân nồng cháy, niềm tin không thể lay chuyển vào tương lai, sự cẩn trọng, thanh thoát trong mọi ứng xử và phong thái điềm đạm, ung dung của tác giả trước những biến cố lớn lao trong thời đại cách mạng.

3. Phong cách nghệ thuật

Trong các tác phẩm mang tính văn chương đậm nét của mình, Hồ Chí Minh đã thể hiện một phong cách nghệ thuật vừa đa dạng, phong phú, vừa thống nhất. Tác giả đã thực sự làm chủ các ngôn ngữ và thể loại được sử dụng. Do viết về nhiều vấn đề, đối tượng khác nhau và hướng đến những lớp độc giả khác nhau, mỗi tác phẩm hay loại tác phẩm của Hồ Chí Minh lại có một nét riêng về cấu trúc, ngôn ngữ, giọng điệu.

Phong cách nghệ thuật đa dạng của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh thể hiện ở đề tài, mục đích, nội dung, thể loại và cách viết rất khác nhau. Đồng thời, phong cách nghệ thuật Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh có sự thống nhất bởi tất cả sự nghiệp sáng tác của Người chủ yếu hướng đến mục đích lớn nhất là vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân. Do mục đích ấy nên nội dung các sáng tác của Người chủ yếu tập trung vào đề tài “chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ,  tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Tính thống nhất trong phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh còn thể hiện ở hình thức, cách viết. Lối viết của Người bao giờ cũng ngắn gọn, trong sáng, giản dị, phù hợp với đối tượng; rất linh hoạt, sáng tạo trong việc sử dụng các thể loại, ngôn ngữ và bút pháp nghệ thuật đa dạng để có được hiệu quả biểu đạt cao nhất.

a. Văn chính luận

Văn chính luận của Hồ Chí Minh đã kế thừa được truyền thống tốt đẹp của thể văn này trong nền văn học dân tộc, lại học hỏi được nhiều kinh nghiệm ở văn chính luận các nước phương Tây, vì vậy, luôn đạt được sức thuyết phục rất cao.

- Khi hướng về kẻ thù của cách mạng, các tác phẩm có lập luận đanh thép, lí lẽ sắc bén và những chứng cứ không thể chối cãi, mang tinh thần duy lí, tư duy khoa học rất rõ.

- Khi hướng về đồng bào, đồng chí, điểm nổi bật ở các tác phẩm là giọng điệu chân thành, thân mật, ở sự hoà quyện giữa lí và tình, khiến người đọc thấy “thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước”.

b. Truyện, kí

- Khi viết bằng tiếng Pháp và hướng đến độc giả Pháp, Hồ Chí Minh (dưới bút danh Nguyễn Ái Quốc) thường chọn cách viết hiện đại, có sử dụng một số thủ pháp quen thuộc trong văn học phương Tây như kể chuyện dưới hình thức viết thư hoặc để nguyên dạng một số từ ngữ của người bản xứ thuộc địa. Chất hài hước (humour) kiểu Pháp thấm đượm trong ngôn ngữ kể chuyện, đối thoại. Việc chuyển cảnh, chuyển đoạn được thực hiện linh hoạt, đột ngột, giàu tính điện ảnh, đưa người đọc đến những khám phá thú vị về đối tượng được nói tới.

- Khi viết bằng tiếng Việt cho độc giả là quần chúng trong nước, Hồ Chí Minh thường dùng cách kể dung dị, gãy gọn, hóm hỉnh và chú ý việc nêu bài học một cách trực tiếp.

c. Thơ

Về thơ Hồ Chí Minh, có sự phân biệt rõ giữa thơ tuyên truyền, kêu gọi với thơ trữ tình.

- Thơ tuyên truyền, kêu gọi luôn có nội dung sáng rõ (mặc dù có thể được biểu đạt bằng ẩn dụ) và hình thức ngôn ngữ bình dị, dễ hiểu, rất phù hợp với đại chúng.

- Thơ trữ tình, nhất là thơ được viết bằng chữ Hán, lại thường mang đậm màu sắc cổ điển ở cấu tứ, cách sử dụng nhãn tự, ở tình cảm đặc biệt dành cho thiên nhiên (nhất là cho trăng) và ở phong thái hiền triết phương Đông của nhân vật trữ tình. Tất nhiên, màu sắc cổ điển luôn có sự gắn quyện hài hoà với màu sắc hiện đại, do tư tưởng của người viết là tư tưởng của nhà cách mạng luôn tin vào ngày mai tươi sáng, vào sự vận động tích cực của cuộc sống.

=> Nhìn chung, sự đa dạng trong phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh phản ánh sự phong phú của một cuộc đời hoạt động cách mạng không mỏi mệt và sự đa diện của một tài năng văn chương đích thực. Bên cạnh đó, sự thống nhất cao độ trong phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh lại phản ánh sự thống nhất toàn vẹn ở con người tác giả như một hình mẫu nhân cách đặc biệt, kết tinh được nhiều giá trị đẹp đẽ của dân tộc và nhân loại, của truyền thống và hiện đại.

4. Đóng góp của di sản văn học Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong nền văn học hiện đại Việt Nam

- Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho văn học cách mạng Việt Nam, nhiều tác phẩm của người đã trở thành mẫu mực cho một số thể loại văn học như văn nghị luận, truyện, kí và thơ.

-  Thơ văn Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh thể hiện sâu sắc tư tưởng yêu nước và tâm hồn cao cả, giàu lòng nhân ái.

Sự nghiệp văn học của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá đối với dân tộc Việt Nam, để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn của người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Sự nghiệp ấy vừa mang đậm phong cách Hồ Chí Minh, vừa thấm đẫm bản sắc văn hoá Việt Nam.

III. Cách vận dụng hiểu biết về tác gia Hồ Chí Minh để đọc hiểu tác phẩm của Người

Loại thông tin về tác giả

Vận dụng vào đọc hiểu tác phẩm của tác giả Hồ Chí Minh

Tiểu sử

Cung cấp bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội liên quan đến văn bản, là chìa khóa giải mã tư tưởng, chủ đề văn bản.

Quan niệm sáng tác

Nhận biết và phân tích được mục đích sáng tác, cách thức tổ chức nội dung, nghệ thuật của văn bản để đạt được mục đích sáng tác.

Đặc điểm phong cách, di sản văn học

Cung cấp tri thức để giải mã các yếu tố về nội dung, nghệ thuật trong văn bản; giúp liên hệ, so sánh với các tác phẩm khác của tác giả Hồ Chí Minh để hiểu sâu hơn giá trị nội dung và nghệ thuật; nhận biết, đánh giá được đóng góp, giá trị của các tác phẩm đối với lịch sử, xã hội và đối với nền văn học.

IV. Một số bài tập vận dụng liên quan đến tác gia Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

4.1. Trắc nghiệm

Câu 1. Nối số năm ở cột A sao cho phù hợp với sự kiện ở cột B:

A. 1890

 

1.  Năm sinh của Bác.

B. 1911

2.  Chủ tịch HCM về nước, lãnh đạo phong trào CM nhân dân.

C. 1930

3.  Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

D. 1941

4.  Người bị quân Tưởng Giới Thạch bắt.

E. 1942

5.  Người ra đi tìm đường cứu nước.

F. 1945

6.  Chủ tịch HCM đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước VNDCCH.

Đáp án:

A – 1

B – 5

C – 3

D – 1941

E – 1942

F – 1945

Câu 2. Các địa danh sau, địa danh nào chỉ đúng quê hương Hồ Chí Minh?

A. Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An

B. Làng Sen, Nam Đàn, Nghệ An

C. Làng Sen, Kim Liên, Nghệ An

D. Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ Tĩnh

Đáp án: A. Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An

Câu 3. Hồ Chí Minh xuất thân trong một gia đình như thế nào?

A. Gia đình nhà nho nghèo

B. Gia đình quan lại đã suy tàn

C. Gia đình công chức nghèo

D. Gia đình quân nhân

Đáp án: A. Gia đình nhà nho nghèo

Câu 4. Thể loại nào không có trong di sản văn học của Hồ Chí Minh?

A. Thơ

B. Văn chính luận

C. Tiểu thuyết chương hồi

D. Kí

Đáp án: C. Tiểu thuyết chương hồi

Câu 5. Trong sự nghiệp văn học của Hồ Chí Minh, thể loại văn học nào thể hiện một cách sâu sắc và tinh tế vẻ đẹp tâm hồn của Bác?

A. Kí và các tiểu phẩm

B. Các truyện ngắn

C. Thơ ca

D. Văn chính luận

Đáp án: C. Thơ ca

Câu 6. Ý nào không đúng khi nói về quan điểm sáng tác văn học nghệ thuật của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

A. Người xem văn học là vũ khí chiến đấu phục vụ cho sự nghiệp cách mạng

B. Người chú trọng tính chân thật và tính dân tộc trong văn học

C. Người coi văn học là một hình thức giải trí, hướng tới sự lãng mạn, bay bổng

D. Nhà văn cũng là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng

Đáp án: C. Người coi văn học là một hình thức giải trí, hướng tới sự lãng mạn, bay bổng

Câu 7. Tác phẩm “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc thể loại nào?

A. Truyện

B. Văn chính luận

C. Kí

D. Thơ

Đáp án: B. Văn chính luận

Câu 8. Đáp án nào sau đây không phải là quan điểm sáng tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

A. Luôn chú trọng đến mục đích và đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm

B. Luôn chú trọng tính chân thực và tính dân tộc

C. Quan điểm nghệ thuật “vị nghệ thuật”

D. Coi văn học là vũ khí chiến đấu phục vụ cho sự nghiệp Cách mạng.

Đáp án: C. Quan điểm nghệ thuật “vị nghệ thuật”

Câu 9. Tại sao nói phong cách nghệ thuật của Chủ tịch Hồ Chí Minh đa dạng?

A. Đa dạng mục đích sáng tác

B. Đa dạng trong quan điểm sáng tác

C. Đa dạng các thể loại

D. Đa dạng nguyên tắc sáng tác

Đáp án: C. Đa dạng các thể loại

Câu 10. Dòng nào dưới đây không phù hợp với phong cách văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

A. Ngôn ngữ trau chuốt, bóng bẩy

B. Kết hợp nhuần nhuyễn mạch lí luận với mạch cảm xúc

C. Giàu tính luận chiến

D. Giọng điệu uyển chuyển

Đáp án: A. Ngôn ngữ trau chuốt, bóng bẩy

Câu 11. Đáp án nào dưới đây phù hợp với phong cách nghệ thuật của chủ tịch Hồ Chí Minh?

A. Thống nhất

B. Đa dạng

C. Cả A và B đều đúng.

D. Không có đáp án đúng.

Đáp án: C. Cả A và B đều đúng.

- Phong cách nghệ thuật:

+ Tính thống nhất: Về mục đích sáng tác, quan điểm sáng tác, nguyên tắc sáng tác. Về cách viết ngắn gọn.

+ Tính đa dạng: Về các thể loại từ văn chính luận, kí, truyện ngắn, thơ.

4.2. Tự luận

Đọc kĩ ngữ liệu dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi:

THUẾ MÁU(1)

(Nguyễn Ái Quốc)

I. CHIẾN TRANH VÀ “NGƯỜI BẢN XỨ(2)

Trước năm 1914, họ chỉ là những tên da đen bẩn thỉu, những tên “An-na-mít (Annamite)”(3) bẩn thỉu, giỏi lắm thì cũng chỉ biết kéo xe tay và ăn đòn của các quan cai trị nhà ta. Ấy thế mà cuộc chiến tranh vui tươi vừa bùng nổ, thì lập tức họ biến thành những đứa “con yêu”, những người “bạn hiển” của các quan cai trị phụ mẫu nhân hậu, thậm chí của cả các quan toàn quyền lớn, toàn quyền bé nữa. Đùng một cái, họ (những người bản xứ) được phong cho cái danh hiệu tối cao là “chiến sĩ bảo vệ công lí và tự do”.

Nhưng họ đã phải trả bằng một cái giá khá đắt cái vinh dự đột ngột ấy, vì để bảo vệ cho cái công lí và tự do mà chính họ không được hưởng một tí nào, họ đã phải đột ngột xa lìa vợ con, rời bỏ mảnh ruộng hoặc đàn cừu của họ, để vượt đại dương, đi phơi thây trên các bãi chiến trường châu Âu. Trong lúc vượt biển, nhiều người bản xứ, sau khi được mời chứng kiến cảnh kì diệu của trò biểu diễn khoa học về phóng ngư lôi(4), đã được xuống tận đáy biển để bảo vệ tổ quốc của các loài thuỷ quái. Một số khác đã bỏ xác tại những miền hoang vu thơ mộng vùng Ban-căng (Balcan)(5), lúc chết còn tự hỏi phải chăng nước mẹ muốn chiếm ngôi nguyên phi trong cung cấm vua Thổ, - chả thế sao lại đem nướng họ ở những miền xa xôi ấy? Một số khác nữa thì anh dũng đưa thân cho người ta tàn sát trên bờ sông Mác-nơ (Marne), hoặc trong bã lầy miền Săm-pa-nhơ (Champagne)(6), để lấy máu mình tưới những vòng nguyệt quế của các cấp chỉ huy và lấy xương mình chạm nên những chiếc gậy của các ngài thống chế(7).

Cuối cùng, ở hậu phương, những người làm kiệt sức trong các xưởng thuốc súng ghê tởm, tuy không phải hít hơi ngạt của bọn “bô-sơ”(8), nhưng lại nhiễm phải những luồng khí độc đỏ ối của người Pháp; đằng nào cũng thế thôi, vì những kẻ khốn khổ ấy cũng đã khạc ra từng miếng phổi, chẳng khác gì hít phải hơi ngạt vậy. Tổng cộng có 700 000 người bản xứ đã đặt chân lên đất Pháp; và trong số ấy, 80 000 người không bao giờ còn trông thấy mặt trời trên quê hương đất nước mình nữa!

II. CHẾ ĐỘ LÍNH TÌNH NGUYỆN

Một bạn đồng nghiệp nói với chúng tôi: Dân lao khổ bản xứ ở Đông Dương từ bao đời nay bị bóp nặn bằng đủ mọi thứ thuế khoá, sưu sai, tạp dịch(9), bằng cưỡng bức phải mua rượu và thuốc phiện theo lệnh quan trên, từ 1915 – 1916 tới nay, lại - còn phải chịu thêm cái vạ mộ lính nữa.

Những biến cố trong mấy năm gần đây là cái cớ để người ta tiến hành những cuộc lùng ráp lớn về nhân lực trên toàn cõi Đông Dương. Những người bị bắt đều bị nhốt vào trại lính với đủ thứ tên: Lính khố đỏ, lính thợ chuyên nghiệp, lính thợ không chuyên nghiệp,...

Theo ý kiến của tất cả các cơ quan có thẩm quyền không thiên vị được giao cho sử dụng ở châu Âu “vật liệu biết nói” châu Á, thì vật liệu này đã không đưa lại kết quả tương xứng với chi phí rất lớn về chuyên chở và bảo quản.

Sau nữa, việc săn bắt thứ “vật liệu biết nói” đó, mà lúc bấy giờ người ta gọi là “chế độ lính tình nguyện” (danh từ mỉa mai một cách ghê tởm) đã gây ra những vụ những lạm(10) hết sức trắng trợn.

Đây! Chế độ lính tình nguyện ấy được tiến hành như thế này: Vị “chúa tỉnh” mỗi viên công sứ(11) ở Đông Dương quả là một vị “chúa tỉnh” – ra lệnh cho bọn quan lại dưới quyền, trong một thời hạn nhất định phải nộp cho đủ một số người nhất định. Bằng cách nào, điều đó không quan trọng. Các quan cứ liệu mà xoay xở. Mà cái ngón xoay xở kiểu D(12) thì các ông tướng ấy thạo hết chỗ nói, nhất là xoay xở làm tiền.

Thoạt tiên, chúng tóm những người khoẻ mạnh, nghèo khổ, những người này phải chịu chết thôi không còn kêu cứu vào đâu được. Sau đó, chúng mới đòi đến con cái nhà giàu. Những ai cứng cổ thì chúng tìm ngay ra dịp để sinh chuyện với họ hoặc với gia đình họ, và nếu cần, thì giam cổ họ lại cho đến khi họ phải dứt khoát chọn lấy một trong hai con đường: “Đi lính tình nguyện, hoặc xì tiền ra”.

Những người bị tóm đi như thế còn hào hứng gì nữa với cái nghề cột vào cổ họ. Cho nên, bước chân vào trại lính là họ liền tìm mọi cơ hội để trốn thoát.

Còn những người nào thấy không thể thoát khỏi số phận hẩm hiu, thì tìm cách tự làm cho mình nhiễm phải những bệnh nặng nhất, mà thông thường hơn cả là bệnh đau mắt toét chảy mủ, gây ra bằng cách xát vào mắt nhiều thứ chất độc, từ vôi sống đến mủ bệnh lậu.

Ấy thế mà trong một bản bố cáo với những người bị bắt lính, Phủ toàn quyền Đông Dương, sau khi hứa hẹn ban phẩm hàm cho những người lính sẽ còn sống sót và truy tặng những người sẽ hi sinh “cho Tổ quốc”, đã trịnh trọng tuyên bố rằng:

“Các bạn đã tấp nập đầu quân, các bạn đã không ngần ngại rời bỏ quê hương xiết bao trìu mến để người thì hiến: xương máu của mình như lính khố đỏ, kẻ thì hiến dâng cánh tay lao động của mình như lính thợ”.

Nếu quả thật người An Nam phấn khởi đi lính đến thế, tại sao lại có cảnh, tốp thì bị xích tay điệu về tỉnh lị, tốp thì trước khi xuống tàu, bị nhốt trong một trường trung học ở Sài Gòn, có lính Pháp canh gác, lưỡi lê tuốt trần, đạn lên nòng sẵn? Những cuộc biểu tình đổ máu ở Cao Miên, những vụ bạo động ở Sài Gòn, ở Biên Hoà và ở nhiều nơi khác nữa, phải chăng là những biểu hiện của lòng sốt sắng đầu quân “tấp nập” và “không ngần ngại"?

[...]

III. KẾT QUẢ CỦA SỰ HI SINH

Khi đại bác đã ngấy thịt đen, thịt vàng(13) rồi, thì những lời tuyên bố tình tứ của các ngài cầm quyền nhà ta bỗng dưng im bặt như có phép lạ, và cả người “Nê-grô” (negroid)(14) lẫn người “An-na-mít” mặc nhiên trở lại “giống người bẩn thỉu”.

Để ghi nhớ công lao người lính An Nam, chẳng phải người ta đã lột hết tất cả của cải của họ, từ chiếc đồng hồ, bộ quần áo mới toanh mà họ bỏ tiền túi ra mua, đến các vật kỉ niệm đủ thứ,... trước khi đưa họ đến Mác-xây (Marseille) xuống tàu về nước, đó sao? Chẳng phải người ta đã giao họ cho bọn súc sinh kiểm soát và đánh đập họ vô cớ đó sao? Chẳng phải người ta đã cho họ ăn như cho lợn ăn và xếp họ như xếp lợn dưới hầm tàu ẩm ướt, không giường nằm, không ánh sáng, thiếu không khí đó sao? Về đến xứ sở, chẳng phải họ đã được một quan cai trị biết ơn đón chào nồng nhiệt bằng thế là tốt. Bây giờ, chúng tôi không cần đến các anh nữa, cút đi!” đó sao?

Thế là những “cựu binh” – đúng hơn là cái xác còn lại – sau khi đã dũng cảm bảo vệ chính nghĩa và công lí nay tay không trở về với chế độ bản xứ của họ, một chế độ không biết gì đến chính nghĩa và công lí cả.

Theo báo chí Đông Dương thì thương binh người Pháp bị mất một phần thân thể và vợ con của tử sĩ người Pháp đều được cấp môn bài(15) bán lẻ thuốc phiện.

Như thế là trong một việc mà chính quyền thuộc địa đã phạm tới hai tội ác đối với nhân loại. Một mặt, họ vẫn chưa thoả khi tự tay làm cái việc bỉ ổi của người đầu độc, mà còn muốn lôi kéo vào đây cả những nạn nhân đáng thương hại của cuộc huynh đệ tương tàn(16) nữa. Mặt khác, họ coi rẻ tính mạng và xương máu của những kẻ đã bị họ lừa bịp, đến nỗi tưởng rằng chỉ cần quẳng cho những người này khúc xương thối ấy là đủ để đền bù được một cánh tay bị mất hoặc mạng của một người chồng. Chúng tôi chắc rằng thương binh và quả phụ chiến tranh sẽ đá văng món quà nhơ nhớp ấy và nhổ vào mặt kẻ tặng quà. Chúng tôi cũng tin chắc rằng thế giới văn minh và người Pháp lương thiện sẽ đứng về phía chúng tôi lên án bọn cá mập thực dân đang không ngần ngại đầu độc cả một dân tộc để vơ vét cho đầy túi.

[...]

(In trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội,

2011, tr. 25-33)

* Chú thích:

(1) Thuế máu: Phần văn bản trên được trích từ Chương 1 (Thuế máu) trong Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc. Bản án chế độ thực dân Pháp được viết bằng tiếng Pháp, xuất bản lần đầu tại Pa-ri năm 1925, tại Việt Nam năm 1946. Tác phẩm gồm 12 chương và phụ lục Gửi thanh niên Việt Nam, tố cáo những tội ác tày trời của thực dân Pháp trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội,... và tình cảnh khốn cùng của người dân nô lệ ở các xứ thuộc địa Pháp trên thế giới.

(2) Người bản xứ: người dân ở một đất nước được nói đến với hàm ý coi khinh (theo quan điểm của chủ nghĩa thực dân).

(3) An-na-mít: (từ tiếng Pháp) chỉ người Việt Nam, thuộc về Việt Nam.

(4) Ngư lôi: một loại vũ khí thả xuống nước, dùng sức điện để phá huỷ chiến hạm quân địch.

(5) Ban-căng: một bán đảo nằm ở giữa biển A-đờ-ri-a-tích (Adriatic) và biển Đen, ngay góc đông nam của châu Âu.

(6) Săm-pa-nhơ: một vùng đất ở đông bắc nước Pháp.

(7) Thống chế: như Nguyên soái (thường dùng nói về quân hàm trong quân đội các nước tư bản).

(8) Bô-sơ: (từ tiếng Pháp) có nghĩa xấu, chỉ quân đội Đức.

(9) Sưu sai, tạp dịch: sưu (hay thuế thân), còn gọi là thuế đinh, thuế đầu người, là thứ sưu/ thuế căn cứ vào cư dân địa phương, mỗi dân đinh (đàn ông trong độ tuổi quy định: thường là 18 – 60 tuổi) đều phải nộp cho nhà nước trong chế độ phong kiến cũng như trong chế độ thực dân - phong kiến. Bên cạnh sưu đóng bằng hiện vật hoặc hiện kim, còn có sưu dịch đóng bằng sức lao động, thường là những công việc lao động nặng nhọc mà dân đinh phải làm cho nhà nước; sưu sai, tạp dịch: chỉ việc sưu nói chung.

(10) Những lạm: lạm dụng quyển hành để gây phiền hà và lấy của.

(11) Công sứ: viên chức người Pháp đứng đầu bộ máy cai trị cấp tỉnh ở Việt Nam thời Pháp thuộc, được thiết lập ở Trung Kì và Bắc Kì.

(12) D: chữ đầu của từ “débrouillard” (tiếng Pháp), có nghĩa là “xoay xở, tháo vát”.

(13) Khi đại bác đã ngấy thịt đen, thịt vàng: một cách chơi chữ của tác giả, nói về cái chết của người da đen và da vàng.

(14) Nê-grô: chỉ những người da đen.

(15) Môn bài: giấy cho phép mở cửa hàng buôn bán.

(16) Huynh đệ tương tàn: anh em tàn sát lẫn nhau.

Câu 1. Giải thích nhan đề Thuế máu. Từ nhan đề và các đề mục (Chiến tranh và “người bản xứ”, Chế độ lính tình nguyện, Kết quả của hi sinh), xác định chủ đề và thông điệp của văn bản.

Câu 2. Phân tích cách miêu tả thái độ của các quan cầm quyền thực dân Pháp đối với dân bản xứ, trước, trong và sau chiến tranh. Cách miêu tả đó có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm?

Câu 3. Cảm hứng chủ đạo của văn bản là gì?

Câu 4. Nhận xét về nghệ thuật viết phóng sự của Nguyễn Ái Quốc (kết cấu, cách sử dụng số liệu, từ ngữ, giọng văn, thủ pháp trào phúng, các biện pháp tu từ,... trong việc thể hiện tư tưởng tác phẩm).

Câu 5. Anh/ chị có suy nghĩ, cảm xúc gì về “chế độ lính tình nguyện” của thực dân Pháp đối với người dân bản xứ?

Đáp án:

Câu 1:

- Giải thích nhan đề Thuế máu: Thuế đóng bằng máu, đóng bằng mạng sống con người.

- Xác định chủ đề và thông điệp của văn bản:

+ Chủ đề: Chiến tranh phi nghĩa đã mang lại bao nhiêu bất hạnh khổ đau cho người dân thuộc địa; và cái gọi là “chế độ lính tình nguyện” hay “sự hi sinh”,... về thực chất chỉ là thứ ngôn từ nhằm che đậy một thứ thuế vô cùng tàn bạo mà thực dân Pháp đánh vào người bản xứ: “thuế máu”.

+ Thông điệp: Chế độ thực dân là độc ác và lừa bịp. Người dân bản xứ không chỉ bị bóc lột tận xương tuỷ vì sưu sai, tạp dịch mà còn bị ép buộc đi lính, buộc phải đóng “thuế máu”. Một chế độ vô nhân đạo lại luôn được che đậy bằng những ngôn từ mĩ miều. Cần lên án, vạch trần, lật đổ chế độ này.

Câu 2:

- Thái độ của các quan cầm quyền thực dân Pháp đối với dân bản xứ trước, trong và sau chiến tranh:

+ Trước chiến tranh: Coi người dân bản xứ chỉ là bọn người “bẩn thỉu”, làm những nghề mạt hạng và chỉ xứng đáng “ăn đòn.

+ Chiến tranh bùng nổ: Ca ngợi dân bản xứ là “con yêu”, “bạn hiển”, “những chiến sĩ bảo vệ công lí và tự do, nhằm mục đích đẩy họ ra trận, đến những vùng đất xa xôi của nước Pháp làm bia đỡ đạn.

+ Chiến tranh kết thúc: Người dân bản xứ lại trở về là giống người “bẩn thỉu”; tính mạng và xương máu của họ bị coi rẻ, phớt lờ. Những “tuyên bố tình tứ” trước kia của nhà cầm quyền “... bỗng dưng im bặt như có phép lạ!

- Đó là cách miêu tả theo lối đối lập. Cách miêu tả này đã có tác dụng rõ rệt trong việc thể hiện chủ đề tác phẩm:

+ Làm nổi bật luận điệu xảo trá, hành động lừa bịp, thái độ lật lọng trơ tráo của thực dân Pháp đối với người bản xứ.

+ Tăng cường sức mạnh tố cáo về “chế độ lính tình nguyện” không phải là tự nguyện đi lính mà là cưỡng ép, khiến người dân bản xứ phải chịu đựng biết bao bi kịch.

Câu 3:

Cảm hứng chủ đạo: Cảm hứng vạch trần sự thật qua đó phê phán, tố cáo chế độ bắt lính tàn bạo, vô nhân đạo; thái độ lật lọng trơ tráo của thực dân Pháp đối với người dân bản xứ; đồng thời thể hiện niềm xót xa đối với những bất hạnh thương đau mà người dân các nước thuộc địa phải gánh chịu trong chiến tranh phi nghĩa.

Câu 4:

Nhận xét về nghệ thuật viết phóng sự của Nguyễn Ái Quốc:

- Số liệu cụ thể, dẫn chứng tiêu biểu của thiên phóng sự đã mang đến sức mạnh tố cáo về hành động dã man của những kẻ đi khai hoá. Tính xác thực của số liệu đã thức tỉnh và kêu gọi được sự đồng tình của nhân loại tiến bộ đứng về phía những người dân bản xứ đấu tranh cho độc lập, tự do. Trước những số liệu xác thực, thực dân Pháp không thể làm ngơ, không thể chối cãi.

– Bằng những thủ pháp trào phúng (từ ngữ giễu nhại: “con yêu”, “bạn hiển, “chiến sĩ bảo vệ công lí và tự do”; giọng điệu mỉa mai, đả kích: “ấy thế mà”, “đùng một cái,...; khai thác những hình ảnh, chi tiết tương phản, đối lập để tạo nên những bất ngờ, gây cười,...), tác giả đã hạ uy thế giả tạo của chính quyền thực dân, cay đắng cho số phận người dân thuộc địa. Lối nói hài hước mà đả kích sâu cay đã bóc trần chính sách lính “tình nguyện” ở xứ Đông Dương là ép buộc, bắt bớ, đẩy người dân vô tội đến cái chết bi thảm. Bản chất của chính quyền thực dân là giả nhân giả nghĩa, lật lọng trắng trợn.

- Các biện pháp tu từ (liệt kê, phép đối, chơi chữ, câu hỏi tu từ,...) được tác giả sử dụng rất hiệu quả.

+ Phép đối: “cuộc chiến tranh vui tươi”, “quan cai trị phụ mẫu nhân hậu, "quan toàn quyền lớn, toàn quyền bé,...

+ Liệt kê: “Trong lúc vượt biển, nhiều người bản xứ, sau khi được mời chứng kiến cảnh kì diệu của trò biểu diễn khoa học về phóng ngư lôi, đã được xuống tận đáy biển để bảo vệ tổ quốc của các loài thuỷ quái. Một số khác đã bỏ xác tại những miền hoang vu thơ mộng vùng Ban-căng; một số khác nữa thì anh dũng đưa thân cho người ta tàn sát trên bờ sông Mác-nơ, hoặc trong bãi lầy miền Săm-pa-nhơ"....

+ Chơi chữ: “vật liệu biết nói”, “thịt đen, thịt vàng”....

+ Câu hỏi tu từ: xuất hiện ở đoạn 2 và 3, tạo thành các đoạn văn chất vẫn dồn dập, xoáy sâu vào lòng người đọc những vấn đề nhức nhối.

- Nghệ thuật viết phóng sự trong Thuế máu phù hợp với nội dung, góp phần đưa Thuế máu trở thành “bản án” đanh thép đối với chế độ thực dân Pháp.

Câu 5:

Suy nghĩ, cảm xúc gì về “chế độ lính tình nguyện” của thực dân Pháp đối với người dân bản xứ: Chế độ lính tình nguyện là các thủ đoạn, mánh khóe tàn độc của thực dân Pháp để bắt ép người dân Đông Dương đi lính và vơ vét của cải của họ. Đó là những hành động chèn ép vô nhân đạo, không từ bất kỳ một thủ đoạn tàn ác, coi mạng người như cỏ rác và thể hiện sự đối lập giữa lời nói và hành động của thực dân Pháp.

Bài tập 2. Đọc kĩ ngữ liệu và trả lời câu hỏi dưới đây:

ĐI ĐƯỜNG (*)

(Tẩu lộ - Hồ Chí Minh)

Phiên âm:

Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan

Trùng san chi ngoại hựu trùng san

Trùng san đăng đáo cao phong hậu

Vạn lý dư đồ cố miện gian.

Dịch nghĩa:

Có đi đường mới biết đường đi khó,

Hết lớp núi này lại tiếp đến lớp núi khác;

Khi đã vượt các lớp núi lên đến đỉnh cao chót,

Thì muôn dặm nước non thu cả vào tầm mắt.

Dịch thơ:

Đi đường mới biết gian lao,

Núi cao rồi lại núi cao trập trùng;

Núi cao lên đến tận cùng,

Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.

(Hồ Chí Minh, Nhật kí trong tù, NXB trẻ, 2020)

(*) Tác phẩm được rút ra từ tập Nhật kí trong tù (1942 – 1943) của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những ngày bị giam ở nhà tù Tưởng Giới Thạch, Bác Hồ đã bị áp giải qua nhiều nhà lao. Và cuộc hành trình chuyển giao đầy gian nan được Hồ Chí Minh khắc họa chân thực qua bài thơ Đi đường (Tẩu Lộ).

Câu 1. Xác định thể thơ của Đi đường căn cứ vào:

A. Bản phiên âm.

B. Bản dịch nghĩa.

C. Bản dịch thơ.

D. Bản gốc tiếng Hán.

Câu 2. Bài thơ diễn tả cảm xúc của ai? Ở thời điểm nào?

A. Của Hồ Chí Minh - người tù cách mạng, trên đường chuyển lao.

B. Của thi sĩ yêu thiên nhiên, trên đường luyện tập.

C. Của thi sĩ yêu thiên nhiên, đang ngắm cảnh.

D. Của chiến sĩ trên hành trình cách mạng.

Câu 3. Xác định ngắt nhịp của dòng thơ thứ 2 trên bản dịch thơ?

A. Nhịp 2/2/4.

B. Nhịp 2/4/2.

C. Nhịp 4/4.

D. Nhịp phá cách.

Câu 4. Cách gieo vần nào được sử dụng nhiều nhất trong bản dịch thơ

A. Vần lưng.

B. Vần cách.

C. Vần liền.

D. Linh hoạt, đa dạng.

Câu 5. Câu thơ nào dịch chưa sát nghĩa so với bản phiên âm, dịch nghĩa

A. Đi đường mới biết gian lao.

B. Núi cao rồi lại núi cao trập trùng.

C. Núi cao lên đến tận cùng.

D. Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.

Câu 6. Dòng thơ thứ mấy gợi mở về nguyên nhân dẫn đến cảm xúc chính của bài thơ

A. Dòng thứ nhất.

B. Dòng thứ hai.

C. Dòng thứ ba.

D. Dòng thứ tư.

Câu 7. Câu thơ đầu tiên cho độc giả nhận thức về điều gì?

A. Những chặng đường dài cứ nối tiếp nhau, không thấy đích đến

B. Phải trải qua thực tiễn mới hiểu được khó khăn.

C. Chỉ có người đã đi đường dài mới thấu hiểu những khó khăn, gian khổ

D. Sẽ gặp khó khăn chồng chất trên đường dài

Câu 8. Dòng thơ “Hết lớp núi này lại đến lớp núi khác” có chức năng nào trong bài thơ tứ tuyệt?

A. Nối tiếp câu khởi để làm trọn vẹn ý thơ

B. Có chức năng mở bài, gợi mở ý thơ

C. Kết hợp với câu chuyển làm cô đúc ý thơ, thể hiện nỗi niềm của tác giả

D. Gợi mở về bản chất, nguyên nhân của sự vật, hiện tượng được phản ánh

Câu 9. Cảm xúc ở câu thơ đầu và câu thơ cuối khác nhau như thế nào? Hãy phân tích sự vận động mạch cảm xúc của bài thơ.

Câu 10. Em rút ra bài học nào cho bản thân từ bài thơ Đi đường của tác giả Hồ Chí Minh?

Đáp án:

Câu 1: A. Bản phiên âm.

Câu 2: A. Của Hồ Chí Minh- người tù cách mạng, trên đường chuyển lao.

Câu 3: B. Nhịp 2/4/2.

Câu 4: C. Vần liền

Câu 5: A. Đi đường mới biết gian lao

Câu 6: C. Dòng thứ ba.

Câu 7: B. Phải trải qua thực tiễn mới hiểu được khó khăn.

Câu 8: A. Nối tiếp câu khởi để làm trọn vẹn ý thơ.

Câu 9:

- Câu thơ đầu: Đi đường mới biết gian lao gợi lên hình ảnh người đi đường đối mặt với khó khăn thử thách và đã rút ra quy luật, nhận định thấm thía sâu sắc. trải qua thực tiễn mới thấu hiểu khó khăn → cảm xúc dường như được nén chặt giấu kín,...

- Câu cuối: Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non - với nhịp thơ 4/4 và không gian rộng mở, hình ảnh thơ tươi sáng chở theo dòng cảm xúc tự do sảng khoái từ dáng vẻ hiên ngang, ngạo nghễ của người vượt qua khó khăn thử thách để dạo chơi nhàn tản giữa non nước mây trời.

- Mạch cảm xúc của bài thơ vận động từ: từ nén chặt, giấu kín,... dần mở ra theo hành trình chinh phục con đường,... Câu thơ thứ 3 dường như là một sự reo vui khi đã vượt qua được hàng ngàn núi để lên được tới đỉnh núi cao nhất, tận cùng nhất. Khi lên đến đỉnh núi cao rồi, cũng là lúc con người ta có thể phóng tầm mắt bao quát và chiếm lĩnh cả một khoảng không bao la, như làm chủ vũ trụ, đất trời tự do, tự tại.

Câu 10:

- Hs tự trả lời theo nhận thức của cá nhân

- Gợi ý: Bám sát nội dung của câu thơ thứ nhất và kết quả mà nhân vật trữ tình có được ở câu thơ cuối để hiểu về điều kiện con người được hưởng cảm xúc tự do, tự tại… Hành trình đi đường của nhân vật trữ tình sẽ là bài học quý cho bạn đọc.

Bài tập 3. Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi phía dưới:

TRUNG THU

(Nhật kí trong tù – Hồ Chí Minh)

Phiên âm

Trung thu nguyệt viên như kính,

Chiếu diệu nhân gian bạch tự ngân

Gia lý đoàn viên ngật thu tiết,

Bất vong ngục lý ngật sầu nhân

Ngục trung nhân dã thưởng trung thu,

Thu nguyệt thu phong đới điểm sầu

Bất đắc tự do thưởng thu nguyệt,

Tâm tùy thu nguyệt cộng du du!

Dịch nghĩa

Trăng trung thu tròn như gương,

Chiếu rọi cõi đời, ánh trăng như bạc;

Nhà ai sum họp ăn tết trung thu,

Chẳng quên người trong ngục nuốt sầu

Người trong ngục cũng thưởng thức trung thu,

Trăng thu, gió thu đều vương sầu;

Không được tự do ngắm trăng thu,

Lòng theo cùng trăng thu vời vợi.

Câu 1. Văn bản Trung thu thuộc thể thơ nào? Vì sao em xác định như vậy?

Câu 2. Bài thơ diễn tả cảm xúc của ai? Ở thời điểm nào?

Câu 3. Nội dung của hai câu đề là gì?

Câu 4. Vì sao nhân vật trữ tình ngắm trăng trong nỗi sầu?

Câu 5. Cảnh ngộ éo le, trớ trêu của người tù cách mạng Hồ Chí Minh được thể hiện như thế nào trong bài thơ Trung thu? Hãy phân tích rõ điều đó và nhận xét sự phá cách, sáng tạo của Hồ Chí Minh trong 2 câu luận (so với quy tắc thơ Đường luật)

Câu 6. Đọc bài thơ Ngắm trăng (Nhật kí trong tù – Hồ Chí Minh) và xác định nét tương đồng, khác biệt với bài thơ Trung thu ở phần đọc từ đó nhận xét tình cảm của Hồ Chí Minh đối với thiên nhiên:

Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ!

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ

Đáp án:

Câu 1

Thể thất ngôn bát cú, vì có 8 câu, mỗi câu 7 chữ

Câu 2

Bài thơ diễn tả cảm xúc của Hồ Chí Minh – người tù cách mạng, trong đêm trung thu

Câu 3

Nội dung hai câu đề: Vẻ đẹp trăng thu

Câu 4

Nhân vật trữ tình ngắm trăng trong nỗi sầu vì bị mất tự do

Câu 5

- Cảnh ngộ éo lé, trớ trêu của người tù cách mạng Hồ Chí Minh được thể hiện ở 2 câu thực và 2 câu luận.

+ Sum họp nhà ai ăn tết đó/Chẳng quên trong ngục kẻ ăn sâu.

+ Trung thu ta cũng tết trong tù/ Trắng gió đêm thu gợn vẻ sầu;

→ “Tết”, “tù –ngục ”, “sâu” được điệp lại 2 cùng câu hỏi nhà ai? để diễn tả sự thực nghiệt ngã: ăn tết trong tù. Vui sao được khi mất tự do.

→ Câu hỏi nhà ai?; kẻ ăn sầu... đối lập cảnh ta –người: ăn tết nhưng thực ra chỉ nỗi buồn mất tự do.

- Quy tắc của thơ Đường luật: 2 câu luận sử dụng nghệ thuật đối nhưng thơ Hồ Chí Minh phá cách, sáng tạo: không sử dụng nghệ thuật đối mà tập trung gợi lên cảnh ngộ éo lé, trớ trêu của mình: ăn tết trung thu trong tù nên tất cả trăng gió của đêm thu đều gợi buồn.

Câu 6

- Tương đồng: viết về việc thưởng trăng trong cảnh ngộ tù đày; tâm hồn tự do giao hòa cùng thiên nhiên; tù đày không ngăn cách giam hãm được người tù cách mạng.

- Khác biệt:

+ Bài thơ Trung thu: cảm xúc bao trùm bài thơ buồn, tác giả thể rõ điều đó

+ Bài thơ Ngắm trăng: cảm xúc vui hơn, tác giả tự do tự tại, giao hòa với thiên nhiên

Bài tập 4: Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:

Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.

(Hồ Chí Minh, trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXB Sự thật, Hà Nội, 1986)

Câu 1. Nêu phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn?

Câu 2. Đoạn văn đề cập đến nội dung gì?

Câu 3. Chỉ ra và nêu hiệu quả của hai biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: “Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.”

Câu 4. Đoạn văn gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc? (Viết một đoạn văn từ 8 đến 10 dòng).

Đáp án:

Câu 1.

- Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2.

Nội dung đoạn văn:

- Khẳng định tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

- Chính tinh thần yêu nước đã giúp nhân dân ta chiến thắng mọi kẻ thù.

Câu 3.

Học sinh trả lời trong các biện pháp tu từ sau:

- Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: Ẩn dụ; điệp từ; liệt kê; lặp cấu trúc; nhân hóa.

- Tác dụng:

+ Khẳng định sức mạnh của lòng yêu nước.

+ Tạo nhịp điệu sôi nổi, mạnh mẽ cho câu văn.

+ Thể hiện niềm tự hào của Hồ Chí Minh về truyền thống quý báu của dân tộc ta.

Câu 4.

Có thể diễn đạt theo các cách khác nhưng phải hợp lý, có sức thuyết phục. Học sinh hướng vào những nội dung sau:

- Phải giữ gìn truyền thống tốt đẹp và quý báu của dân tộc ta.

- Cần học tập và rèn luyện để xây dựng Tổ quốc giàu đẹp.

- Sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc trước các thế lực xâm lăng.

Bài tập 5. Đọc và trả lời những câu hỏi sau:

“Một dân dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập.

Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”

(Trích Tuyên ngôn Độc lập- Hồ Chí Minh)

Câu 1. Đoạn văn trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào?

Câu 2. Xác định các biện pháp tu từ? Nêu tác dụng của những biện pháp tu từ đó?

Câu 3. Có ý kiến cho rằng: Khi cầm bút Hồ Chí Minh chú trọng đến đối tượng tiếp nhận, mục đích sáng tác để có nội dung và hình thức phù hợp.

Từ ngữ liệu đã cho, anh/chị viết một đoạn văn ngắn (6 đến 10 câu) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

Đáp án:

Câu 1:

Đoạn văn trên thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận

Câu 2: 

- Biện pháp tu từ:

+ Điệp từ: độc lập, một dân tộc, gan góc, tự do

+ Điệp cấu trúc: Một dân tộc…; Dân tộc đó...

- Tác dụng: Tuyên bố và khẳng định đanh thép quyền được hưởng độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Quyết tâm bảo vệ quyền độc lập tự do của dân tộc.

Câu 3:

Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh biết cách vận dụng hiểu biết để viết đọan văn nghị luận. Kĩ năng dùng từ, đặt câu rõ ràng, trong sáng…        

Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý sau:

- Khẳng định ý kiến trên là đúng.

- Đối tượng hướng đến: Đồng bào trong nước, nhân dân thế giới và các thế lực ngoại bang

- Mục đích: Khẳng định trước thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và thể hiện ý chí quyết tâm giữ vững nền độc lập của dân tộc; Đập tan âm mưu  xâm lược của các thế lực thù địch.

- Hình thức: Lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén có sức thuyết phục cao.

Xem thêm các bài viết về định nghĩa và khái niệm môn Văn chọn lọc, hay khác:

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Đề thi, giáo án các lớp các môn học