Văn bản nghị luận văn học là gì (chi tiết nhất)
Bài viết Văn bản nghị luận văn học là gì chi tiết nhất, đầy đủ khái niệm, đặc điểm, cách đọc hiểu & bài tập có đáp án chi tiết giúp bạn nắm vững kiến thức trọng tâm về Văn bản nghị luận văn học.
Văn bản nghị luận văn học là gì (chi tiết nhất)
1. Khái niệm
- Nghị luận văn học là một kiểu bài trong văn nghị luận, trong đó người viết sử dụng lí lẽ, dẫn chứng để bàn luận về một vấn đề liên quan đến tác phẩm văn học (bao gồm tác phẩm, đoạn trích, nhân vật, chủ đề, nghệ thuật, tư tưởng,...) nhằm khẳng định, đánh giá hoặc làm sáng tỏ ý nghĩa của vấn đề đó.
2. Đặc điểm
- Đối tượng nghị luận:
+ Tác phẩm văn học, đoạn trích.
+ Nhân vật văn học.
+ Giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
+ Quan điểm, tư tưởng của tác giả thể hiện qua tác phẩm.
- Mục đích:
+ Giúp người đọc hiểu rõ hơn về tác phẩm.
+ Đánh giá giá trị của tác phẩm về nội dung và nghệ thuật.
+ Đưa ra nhận xét, đánh giá cá nhân về vấn đề nghị luận.
- Phương pháp lập luận:
+ Giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh, bình luận.
+ Sử dụng dẫn chứng từ tác phẩm để làm sáng tỏ luận điểm.
3. Ví dụ một số văn bản nghị luận văn học
- "Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc" – Phạm Văn Đồng
- "Mấy ý nghĩ về thơ" – Nguyễn Đình Thi
- "Nhà văn và quá trình sáng tạo" – Nguyễn Minh Châu
- "Ý nghĩa văn chương" – Hoài Thanh
- “Nguyên Hồng – Nhà văn của những người cùng khổ” – Nguyễn Đăng Mạnh
- “Vẻ đẹp của bài thơ Cảnh khuya” – Lê Trí Viễn
- “Một thời đại trong thi ca” – Hoài Thanh
- …
4. Cách đọc hiểu một văn bản nghị luận văn học
- Xác định vấn đề nghị luận: Trước khi đi vào nội dung chi tiết, cần xác định:
+ Văn bản đang bàn về vấn đề gì? (Tác phẩm, tác giả, nhân vật, nội dung, nghệ thuật, tư tưởng...)
+ Quan điểm chính của tác giả trong bài viết là gì?
- Phân tích bố cục văn bản: Một bài nghị luận văn học thường có bố cục 3 phần:
+ Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận.
+ Thân bài: Trình bày luận điểm chính, có thể bao gồm:
Giải thích vấn đề.
Phân tích, chứng minh bằng dẫn chứng cụ thể.
Bình luận, đánh giá vấn đề.
+ Kết bài: Khẳng định lại vấn đề và nêu suy nghĩ của tác giả.
- Phát hiện và phân tích luận điểm, luận cứ
+ Luận điểm: Những ý kiến chính mà tác giả đưa ra để thuyết phục người đọc.
+ Luận cứ: Những bằng chứng, lập luận giúp làm sáng tỏ luận điểm.
- Cách xác định:
+ Luận điểm thường nằm ở câu chủ đề trong mỗi đoạn.
+ Luận cứ có thể là dẫn chứng từ tác phẩm, lý lẽ, so sánh, phản biện...
- Phân tích nghệ thuật lập luận: Một văn bản nghị luận văn học hay thường sử dụng các phương pháp lập luận như:
+ Giải thích: Làm rõ khái niệm, vấn đề.
+ Phân tích: Tách vấn đề thành các khía cạnh nhỏ để làm rõ.
+ Chứng minh: Dùng dẫn chứng để khẳng định luận điểm.
+ Bình luận: Đưa ra đánh giá, nhận xét.
+ So sánh: Đối chiếu để làm nổi bật đặc điểm.
- Nhận xét giọng điệu, quan điểm của tác giả
+ Giọng điệu của văn bản có thể là:
Khách quan, trung lập.
Sôi nổi, hùng hồn.
Châm biếm, hài hước.
Sâu sắc, triết lý.
+ Quan điểm của tác giả có thể đồng tình, phản bác hay phân tích nhiều chiều.
- Đánh giá giá trị nội dung và nghệ thuật: Sau khi hiểu nội dung, hãy đánh giá:
+ Giá trị nội dung: Văn bản giúp ta hiểu sâu hơn về tác phẩm, tác giả hay vấn đề gì?
+ Giá trị nghệ thuật: Cách lập luận, sử dụng ngôn ngữ có chặt chẽ, hấp dẫn không?
- Liên hệ và suy nghĩ cá nhân: Cuối cùng, bạn có thể:
+ So sánh với tác phẩm khác có cùng đề tài.
+ Liên hệ thực tế: Bài viết giúp bạn có nhận thức mới về tác phẩm hay văn học không?
+ Nếu có quan điểm riêng, bạn có thể phản biện hoặc mở rộng vấn đề.
5. Một số bài tập liên quan đến văn bản nghị luận văn học.
5.1. Trắc nghiệm
Câu 1: Văn bản nghị luận văn học thường có mấy phần?
A. 2 phần
B. 3 phần
C. 4 phần
D. 5 phần
Đáp án: B
Câu 2: Luận điểm trong bài nghị luận văn học thường được thể hiện qua hình thức nào?
A. Câu trần thuật khẳng định hoặc phủ định
B. Câu cảm thán
C. Câu cầu khiến
D. Câu nghi vấn
Đáp án: A
Câu 3: Một bài nghị luận văn học thường có các yếu tố nào?
A. Luận điểm, luận cứ, luận chứng
B. Nhân vật, cốt truyện, tình huống
C. Mở bài, thân bài, kết bài
D. Hình ảnh, ngôn từ, biện pháp tu từ
Đáp án: A
Câu 4. Khi nghị luận về một tác phẩm văn học, yếu tố nào quan trọng nhất?
A. Tác giả và hoàn cảnh sáng tác
B. Giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm
C. Hình thức của bài nghị luận
D. Ý kiến chủ quan của người viết
Đáp án: B
Câu 5: Đặc điểm nào không thuộc bài nghị luận văn học?
A. Có tính thuyết phục cao
B. Thể hiện quan điểm người viết
C. Kể chuyện về tác phẩm văn học
D. Dẫn chứng từ tác phẩm để lập luận
Đáp án: C
Câu 6: Khi kết bài một bài nghị luận văn học, người viết nên làm gì?
A. Nhắc lại luận điểm chính và đưa ra đánh giá khái quát về tác phẩm
B. Tóm tắt toàn bộ nội dung tác phẩm
C. Kể lại nội dung câu chuyện
D. Đưa ra câu hỏi mở nhưng không liên quan đến tác phẩm
Đáp án: A
Câu 7. Văn bản nghị luận văn học là gì?
A. Văn bản trình bày nội dung của một tác phẩm văn học
B. Văn bản thuyết minh về một hiện tượng xã hội
C. Văn bản đưa ra ý kiến, nhận xét, đánh giá về một tác phẩm, tác giả hoặc hiện tượng văn học
D. Văn bản kể lại cốt truyện của một tác phẩm văn học
Đáp án: C
Câu 8: Đặc điểm cơ bản của văn bản nghị luận văn học là gì?
A. Có luận điểm, luận cứ, luận chứng
B. Dùng nhiều từ tượng thanh, tượng hình
C. Không cần lập luận, chỉ cần cảm nhận cá nhân
D. Chủ yếu sử dụng ngôn ngữ khoa học tự nhiên
Đáp án: A
Câu 9: Luận điểm trong bài nghị luận văn học phải đảm bảo yêu cầu nào?
A. Rõ ràng, chính xác, nhất quán
B. Đưa ra một cách tùy ý, không cần có hệ thống
C. Chỉ cần trích dẫn ý kiến của người khác
D. Được viết dưới dạng câu cầu khiến
Đáp án: A
Câu 10: Trong văn bản nghị luận văn học, việc sử dụng dẫn chứng có tác dụng gì?
A. Làm cho bài viết dài hơn
B. Tạo thêm sự hấp dẫn, sinh động cho bài viết
C. Làm sáng tỏ luận điểm và tăng tính thuyết phục
D. Để tránh người đọc hiểu sai nội dung
Đáp án: C
5.2. Tự luận
Câu 1: Đọc văn bản sau:
BÀN VỀ NHÂN VẬT THÁNH GIÓNG
Truyện Thánh Gióng là tác phẩm lớn đầu tiên về đề tài giữ nước chống xâm lược. Nhân vật Thánh Gióng được xây dựng rất đặc sắc, vừa là một anh hùng phi thường với vẻ đẹp lí tưởng, vừa là một con người trần thế với những vẻ đẹp giản dị, gần gũi.
Trước hết, Thánh Gióng hội tụ những đặc điểm phi thường, thể hiện lí tưởng của nhân dân về người anh hùng đánh giặc cứu nước. Sự phi thường của nhân vật Gióng thể hiện qua những chi tiết về sự thụ thai thần kì của bà mẹ Gióng (như bà bắt đầu mang thai Gióng sau khi bà ướm thử bàn chân mình vào vết chân khổng lồ, bà mang thai Gióng mười hai tháng mới sinh,...). Ở Gióng có cả sức mạnh của thể lực và sức mạnh của tinh thần, ý chí. Không có thể lực và ý chí chiến đấu phi thường, làm sao Thánh Gióng có thể nhổ từng bụi tre đằng ngà để tiếp tục truy kích và đánh tan giặc Ân xâm lược? Tất cả những chi tiết ấy đều nhằm mục đích đề cao người anh hùng, làm cho người anh hùng có nguồn gốc siêu nhiên, thần thánh khác thường.
Nhìn chung, những yếu tố kì diệu khác thường trong nhân vật Gióng tuy khá nổi bật nhưng cũng không thể lấn át và thay thế được cái bình thường của con người trần thế. Nguồn gốc, lai lịch của Gióng thật rõ ràng, cụ thể và xác định. Căn bản và trước hết, Gióng là một Con Người, một người con của làng Phù Đổng, nước Văn Lang, đời Hùng Vương thứ sáu. Quá trình ra đời, trưởng thành và chiến thắng giặc ngoại xâm của Gióng đều gắn với những người dân bình dị. Dù có siêu nhiên kì ảo đến đâu, Gióng vẫn phải “nằm trong bụng mẹ” (dù là mấy tháng), vẫn phải “uống nước, ăn cơm với cà” (dù là mấy nong), vẫn phải mặc quần áo bằng vải của dân làng Phù Đổng (dù là cỡ rộng đến đâu). Và ngay cả ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt của Gióng cũng là do vua Hùng tập hợp những người thợ rèn tài giỏi ở trong nước đúc nên.
Nhân vật Thánh Gióng thể hiện sức mạnh của nhân dân trong công cuộc giữ nước. Lực lượng chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc bình thường tiềm ẩn trong nhân dân, tương tự như chú bé làng Gióng nằm im không nói, không cười. Nhưng khi có giặc thi tiếng gọi ấy đã tập hợp, thức tỉnh tất cả các lực lượng tiềm ẩn ấy của dân tộc và làm nên Thánh Gióng.
Khi chưa có giặc, Gióng là đứa trẻ nằm im không biết nói. Khi nghe tiếng gọi của non sông, Gióng vụt lớn lên và cất lời nhận nhiệm vụ đánh tan giặc, Thánh Gióng bay về trời. Quá trình phát triển của nhân vật Thánh Gióng dồi dào ý nghĩa nhân sinh và nên thơ, nên họa biết bao!
(Theo Hoàng Tiền Tựu, Bình giảng truyện dân gian, NXB Giáo dục, 2003)
Lựa chọn đáp án đúng:
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên là:
A. Tự sự
B. Biểu cảm
C. Miêu tả
D. Nghị luận
Câu 2. Câu: “Quá trình phát triển của nhân vật Thánh Gióng dồi dào ý nghĩa nhân sinh và nên thơ, nên họa biết bao!” thuộc kiểu câu:
A. Nghi vấn
B. Trần thuật
C. Cầu khiến
D. Cảm thán
Câu 3. Tác giả đã đưa ra bằng chứng thể hiện đặc điểm phi thường của Thánh Gióng qua câu văn nào?
A. Trước hết, Thánh Gióng hội tụ những đặc điểm phi thường, thể hiện lí tưởng của nhân dân về người anh hùng đánh giặc cứu nước.
B. Ở Gióng có cả sức mạnh của thể lực và sức mạnh của tinh thần, ý chí.
C. Sự phi thường của nhân vật Gióng thể hiện qua những chi tiết về sự thụ thai thần kì của bà mẹ Gióng (như bà bắt đầu mang thai Gióng sau khi bà ướm thử bàn chân mình vào vết chân khổng lồ, bà mang thai Gióng mười hai tháng mới sinh,...).
D. Tất cả những chi tiết ấy đều nhằm mục đích đề cao người anh hùng, làm cho người anh hùng có nguồn gốc siêu nhiên, thần thánh khác thường.
Câu 4. Tác dụng của dấu ngoặc kép trong câu: “Dù có siêu nhiên kì ảo đến đâu, Gióng vẫn phải “nằm trong bụng mẹ”, vẫn phải “uống nước, ăn cơm với cà”, vẫn phải mặc quần áo bằng vải của dân làng Phù Đổng.” là:
A. Dùng để dẫn lời nói trực tiếp .
B. Đánh dấu những từ, cụm từ được dùng với ý nghĩa đặc biệt.
C. Dùng để đánh dấu tên của các vở kịch, tác phẩm văn học, tờ báo, tập san… dẫn trong câu văn.
D. Dùng để đánh dấu các từ ngữ có hàm ý mỉa mai.
Câu 5. Từ Hán Việt trong câu “Trước hết, Thánh Gióng hội tụ những đặc điểm phi thường, thể hiện lí tưởng của nhân dân về người anh hùng đánh giặc cứu nước.” là:
A. Trước hết
B. Đặc điểm
C. Phi thường
D. Nhân dân
Câu 6. Tác giả đã đưa ra bằng chứng thể hiện đặc điểm “là một con người trần thế” của Thánh Gióng qua câu văn nào?
A. Nguồn gốc, lai lịch của Gióng thật rõ ràng, cụ thể và xác định.
B. Khi chưa có giặc, Gióng là đứa trẻ nằm im không biết nói.
C. Quá trình phát triển của nhân vật Thánh Gióng dồi dào ý nghĩa nhân sinh và nên thơ, nên hoa biết bao!
D. Khi nghe tiếng gọi của non sông, Gióng vụt lớn lên và cất lời nhận nhiệm vụ đánh tan giặc, Thánh Gióng bay về trời.
Câu 7. Chi tiết nào sau đây không có yếu tố kì ảo trong truyện Thánh Gióng?
A. Giặc Ân xâm lược bờ cõi nước ta.
B. Sự ra đời kì lạ của Gióng.
C. Gióng lớn nhanh như thổi
D. Thánh Gióng bay vè trời.
Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:
Câu 8. Theo em, để tiến hành viết bài nghị luận, người viết cần trang bị những kiến thức và kĩ năng gì?
Câu 9. Có ý kiến cho rằng: “Những góc nhìn, cách hiểu khác nhau của tác giả về nhân vật Thánh Gióng giúp chúng ta hiểu văn bản sâu hơn”. Em có đồng ý với ý kiến này không? Vì sao?
Câu 10. Dựa vào nội dung của văn bản trên, em hãy viết đoạn văn khoảng 8-10 dòng trình bày suy nghĩ của em về nhân vật Thánh Gióng trong truyện truyền thuyết cùng tên.
Đáp án:
1. D
2. D
3. C
4. B
5. C
6. A
7. A
8. Để tiến hành viết bài nghị luận, người viết cần trang bị những kiến thức và kĩ năng:
- Kiến thức về văn bản Thánh Gióng, hiểu biết về giá trị nội dung, nghệ thuật của truyện Thánh Gióng
- Kĩ năng làm bài văn nghị luận văn học. Biết đưa ra ý kiến, lí lẽ, dẫn chứng để làm rõ ý kiến của mình.
9. Em đồng ý với ý kiến của tác giả, vì ở mỗi góc nhìn khác nhau người đọc có thể cảm nhận, xem xét nhân vật dưới một góc độ khác nhau và hiểu về văn bản một cách sâu sắc hơn. Chính vì vậy, khi tìm hiểu văn bản, chúng ta cần tìm hiểu đồng thời theo nhiều cách để hiểu sâu về văn bản.
10. Có vô vàn truyền thuyết trong kho tàng dân gian Việt Nam nhưng để lại cho em ấn tượng đặc biệt nhất có lẽ là Thánh Gióng. Gióng tựa như một hình tượng tiêu biểu, người anh hùng chống giặc ngoại xâm sống mãi trong lòng nhân dân ta. Gióng chiến đấu bằng cả tấm lòng yêu nước, với sức mạnh phi thường của mình. Gióng không chỉ đại diện cho tinh thần đoàn kết của toàn dân mà còn tượng trưng cho sức mạnh của thiên nhiên. Gióng là một người rất dũng cảm, khỏe mạnh và có nhiều sức mạnh nhiệm màu. Không những vậy Gióng còn là một vị anh hùng không màng danh lợi một lòng vì nước vì dân. Đánh thắng giặc Gióng bay về trời về với cõi bất biến nhưng sẽ sống mãi trong lòng nhân dân ta. Bản thân em là học sinh, em cần quyết tâm học giỏi, rèn luyện thể lực để xứng đáng với người anh hùng Thánh Gióng.
Câu 2: Đọc văn bản sau:
“KHOẢNG TRỜI VÀ HỐ BOM”
(Hòa Bình)
Lâm Thị Mỹ Dạ làm bài thơ Khoảng trời hố bom tại Trường Sơn vào tháng 10 năm 1972, một trong những thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Trên dãy Trường Sơn, ngày nào cũng có sự hy sinh của bộ đội, thanh niên xung phong. Sự hy sinh của họ đã trở thành những biểu tượng tuyệt đẹp trong văn học.
Bài thơ như câu chuyện kể về sự hi sinh dũng cảm của một cô gái mở đường: “Chuyện kể rằng em cô gái mở đường/ Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương Cho đoàn xe kịp giờ ra trận/ Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên lửa/ Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom”. Chất tự sự khá đậm rõ: khi đơn vị hành quân qua con đường mòn, những chiến sĩ ra trận chỉ còn thấy hố bom và huyền tích về người con gái hi sinh. Giọng thơ không còn cứng cỏi, vang vang như trước nữa mà nó đã lắng xuống, trầm vọng như tiếng thở dài đầy thương cảm: “Em nằm dưới đất sâu”. Không thương cảm sao được khi biết rằng cô gái “nằm dưới đất sâu” giữa những hố bom nham nhở đang còn trẻ lắm; đấy là một trinh nữ anh hùng, một biểu tượng bất tử của tinh thần yêu nước Việt Nam: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.
Sự hy sinh của cô gái chính là thông điệp mà tác giả gửi gắm vào bài thơ bằng những so sánh và hình ảnh đẹp trong thi phẩm. “Em...” trở thành “khoảng trời đã nằm yên trong đất”. Đấy là một khoảng trời được tỏa sáng bởi tâm hồn người con gái nền đêm đêm “Những vì sao ngời chói lung linh”. Ta hầu như không còn thấy nữa sự tan hoang, chết chóc nữa, mà vượt lên tất cả, bao trùm tất cả là vẻ đẹp bao la, vĩnh hằng của thiên nhiên đất nước với sự hóa thân, dâng hiến của em: “Có phải thịt da em mềm mại trắng trong/ Đã hóa thành những vầng mây trắng/ Và ban ngày khoảng trời ngập nắng/ Đi qua khoảng trời em/ Vẫng dương thao thức/ Hỏi mặt trời hay chính trái tim em trong ngực...”. Ở đây có hai khoảng trời soi ngắm nhau; một khoảng trời “thật” trên cao có các vì sao, có mây trắng, có ánh nắng vầng dương và một khoảng trời “ảo” - “Khoảng trời hố bom” - nằm trong đất có tâm hồn, thịt da, trái tim của người trinh nữ dũng cảm. Hai khoảng trời ấy đều đẹp đẽ, lung linh và vĩnh hằng trong sự liên tưởng đầy tài hoa của tác giả. Sự hy sinh của cô gái mở đường là những dâng hiến lưu lại vĩnh viễn trên mặt đất, non sông này: “Tên con đường là tên em gửi lại/ Cái chết em xanh khoảng trời con gái”. Từ “Khoảng trời hố bom” đến “khoảng trời con gái” là sự thăng hoa bất ngờ của cảm xúc và trí tuệ mà hình như Trời đã “ban” cho Lâm Thị Mỹ Dạ. Cả bài thơ đều hay nhưng nếu được chọn câu hay nhất, tôi sẽ không ngần ngại đề xuất câu “Cái
chết em xanh khoảng trời con gái”. Chủ đề tư tưởng và thủ pháp nghệ thuật của bài thơ tập trung trọn vẹn trong câu thơ chỉ 8 âm tiết này.
Tuy nhiên, cái hay đạt độ tinh diệu của bài thơ không nằm ở đấy mà nó lung linh phát sáng bởi những so sánh, biểu tượng đầy nghệ thuật sau khúc dạo đầu trên. Những liên tưởng: Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng/Những vì sao ngời chói lung linh, những so sánh: Em nằm dưới đất sâu/Như khoảng trời đã nằm yên trong đất, nối tiếp nhau, bổ sung nhau, tôn vinh nhau làm nên vẻ đẹp và sức sống của bài thơ. Từ không đến có, từ hữu hạn đến vô hạn, từ cụ thể đến trừu tượng điều tôi cảm nhận được ở hai câu kết: “Gương mặt em bạn bè tôi không biết/Nền mỗi người có gương mặt em riêng”.
Đọc lại “Khoảng trời hố bom” sau hơn 40 năm tác phẩm ra đời, tôi càng thấm thía điều này: Thơ hay phải chứa trong nó những xúc cảm đầy đặn, những tư tưởng thời đại, gắn bó với Tổ quốc, với nhân dân và được biểu hiện bằng những hình ảnh độc đáo mang dấu ấn sáng tạo của tác giả. Cách tân đến đâu, mới lạ về hình thức đến mấy mà rời xa, thoát ly dân tộc thì chắc chắn sớm hay muộn nó sẽ bị lãng quên như một số trường hợp người làm thơ trong mấy chục năm qua.
(cand.com.vn)
Trả lời câu hỏi từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn)
1. Văn bản bàn về vấn đề/luận đề nào? Vấn đề/luận đề đó được nêu lên ở phần nào của bài viết?
2. Văn bản gồm mấy luận điểm? Xác định nội dung của từng luận điểm đó.
3. Đọc luận điểm 2 và trả lời các câu hỏi a,b,c sau đây.
a) Xác định câu chứa luận điểm và vị trí, vai trò của nó trong luận điểm.
b) Nêu lí lẽ, dẫn chứng tiêu biểu nhất và nhận xét về mối quan hệ của nó với luận điểm.
c) Mục đích chính của luận điểm? Và vai trò của luận điểm đối với luận đề?
4. Phân tích cách kết hợp bằng chứng khách quan với ý kiến/đánh giá chủ quan của tác giả và hiệu quả của chúng trong luận điểm 3.
5. Em thích nhất ý kiến đánh giá chủ quan nào của tác giả? Hãy lí giải.
Đáp án:
1.
- Văn bản bàn về: bài thơ Khoảng trời và hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ.
- Vấn đề/luận đề đó được nêu lên ở nhan đề và câu đầu của bài viết.
2.
- Văn bản gồm 4 luận điểm chính.
- Nội dung của các luận điểm:
+ Bài thơ như câu chuyện kể về sự hi sinh dũng cảm của một cô gái mở đường.
+ Sự hy sinh của cô gái chính là thông điệp...
+ Những so sánh, biểu tượng đầy nghệ thuật.
+ Sức sống của bài thơ.
3.
a. Câu chứa luận điểm: Bài thơ như câu chuyện kể về sự hi sinh dũng cảm của một cô gái mở đường -> đứng ở đầu luận điểm.
b. Dẫn chứng, lí lẽ tiêu biểu nhất:
- Dẫn chứng: “Chuyện kể rằng em cô gái mở đường/Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương/ Cho đoàn xe kịp giờ ra trận/Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa/Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom”.
Lí lẽ: Chất tự sự khá đậm rõ qua chi tiết: Khi đơn vị hành quân qua con đường mòn, những chiến sĩ ra trận chỉ còn thấy hố bom và huyền tích về người con gái hi sinh
-> Làm sáng tỏ luận điểm: Bài thơ như câu chuyện kể về sự hi sinh
c. Mục đích chính của luận điểm: làm sáng tỏ một khía cạnh của luận đề - bài thơ Khoảng trời và hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ.
4.
- Bằng chứng khách quan là những câu thơ được dẫn trực tiếp từ bài thơ nhằm làm sáng tỏ sự hy sinh tuyệt đẹp của cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ mở đường (Những vì sao ngời chói lung linh; Có phải thịt da em mềm mại trắng trong/ Đã hóa thành những vầng mây trắng/...)
- Ý kiến/đánh giá chủ quan của tác giả: Ở đây có hai khoảng trời soi ngắm nhau; một khoảng trời “thật” trên cao có các vì sao, có mây trắng, có ánh nắng vầng dương và một khoảng trời “ảo” - “Khoảng trời hố bom” - nằm trong đất có tâm hồn, thịt da, trái tim của người trinh nữ dũng cảm. Hai khoảng trời ấy đều đẹp đẽ, lung linh và vĩnh hằng trong sự liên tưởng đầy tài hoa của tác giả
-> Đưa bằng chứng khách quan trước để làm cơ sở cho ý kiến/đánh giá chủ quan của tác giả.
-> Việc kết hợp bằng chứng khách quan với ý kiến/đánh giá chủ quan của tác giả đã chứng, làm sáng tỏ luận đề: Sự hy sinh của cô gái chính là thông điệp mà tác giả gửi gắm vào bài thơ bằng những so sánh và hình ảnh đẹp trong thi phẩm.
5.
- Em thích nhất ý kiến đánh giá của tác giả về câu thơ "Cái chết em xanh khoảng trời con gái".
- Ý kiến này không chỉ khẳng định cái đẹp của hình ảnh nghệ thuật mà còn thể hiện sâu sắc cái ý nghĩa nhân văn của sự hy sinh. Câu thơ cho thấy rằng cái chết của cô gái không chỉ là sự kết thúc bi thương mà còn là sự hóa thân vào thiên nhiên, mang lại sức sống và vẻ đẹp vĩnh hằng. Hình ảnh khoảng trời xanh được liên kết với cái chết của một người con gái trẻ tuổi, khiến cho người đọc cảm nhận được rằng, dù cô đã ra đi, nhưng tâm hồn và tinh thần yêu nước của cô sẽ mãi tỏa sáng trong lòng đất nước. Điều này cho thấy một mối liên hệ chặt chẽ giữa con người và thiên nhiên, giữa cái chết và sự tiếp tục của cuộc sống. Bằng cách này, tác giả đã khéo léo khắc họa vẻ đẹp của sự hy sinh một cách đầy lãng mạn và cao cả, tạo nên một hình ảnh vừa bi thương vừa đẹp đẽ, khiến độc giả không thể quên.
Câu 3: Đọc văn bản sau:
THỔI QUA NAM KHÚC HÁT RU NHỮNG EM BÉ
LỚN TRÊN LƯNG MẸ CỦA NGUYỄN KHOA ĐIỂM
(Trần Hòa Bình)
Có hai người hát ru em bé trong đoạn thơ này. Người thứ nhất là tác giả. Bảy dòng thơ đầu là lời nhà thơ nói với em bé. Cu Tại còn nhỏ quá, cụ Tại đang ngon giấc trong chiếc địu trên tấm lưng ấm mềm của mẹ - một bà mẹ người dân tộc miền Tây Thừa Thiên những năm đánh Mỹ. Cu Tai chưa thể biết những gì đang diễn ra xung quanh em. Và nhà thơ đã thầm kể cho em biết điều ấy: “Mẹ giã gạo, mẹ nuôi bộ đội... Mồ hôi mẹ rơi, má em nóng hổi..”. Đó là công việc bình thường của mẹ, của buôn làng những tháng năm gian khổ. Mai này đất nước thanh bình và em đã lớn lên, rất có thể em sẽ thấy nỗi vất vả của mẹ hôm nay hiện về như một câu chuyện cổ tích! Còn bây giờ, trong cái nhìn của nhà thơ, nét cổ tích ấy đang là điều có thật: “Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng... Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối. Lưng đưa nôi..”. Những giọt mồ hôi và đôi vai gầy của mẹ, cả giấc ngủ không yên bình của em - một “giấc ngủ nghiêng” trên lưng mẹ đang nhịp theo những nhịp chày giã gạo - gợi lên cho người đọc niềm thương cảm sâu xa. Những câu thơ thật hay không chỉ vì nó nặng tình, mà bởi nó còn được diễn đạt theo cách nói, cách nhìn độc đáo, đậm màu sắc miền núi.
Người thứ hai hát ru em bé là người mẹ. “Tim hát thành lời” thì có thể đó là những câu hát ru ta nghe được, nhưng cũng có thể chỉ là những câu hát mà nhà thơ cảm thấy đang rung lên trong tâm trí người mẹ. Điều ấy không quan trọng. Cái đáng nói là ở đây, tình thương và mơ ước của người mẹ đã được gửi gắm trọn vẹn cho đứa con sau lưng, nối nhịp cầu giữa hôm nay và mai sau. “Mẹ thương A Kay mẹ thương bộ đội”, nói như thế là đủ hiểu tấm lòng của người mẹ, đủ cắt nghĩa cho công việc mẹ đang làm. Thần thái của lời hát ru dồn vào hai câu cuối, làm bừng sáng cả đoạn thơ: “Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần/Mai sau con lớn vung chày lún sân”. Mẹ sẵn sàng gánh chịu mọi gian khổ để con được sống với những giấc mơ đẹp. Giấc mơ ấy cũng chính là khát vọng hiện tại của mẹ - giấc mơ về sự no ấm thanh bình, về sức vóc thần thoại làm thay đổi cuộc sống. Hình như người mẹ đã tựa vào giấc mơ của đứa con bé bỏng để tìm thêm sinh lực cho mình. Nhịp chày của mẹ cũng từ đó mà thêm “lún sâu”, những hạt gạo dưới tay mẹ cũng từ đó mà mau chóng hiện ra “trắng ngần... Ý thơ mở ra bất ngờ và thoáng đãng.
Hãy lưu ý cách ngắt nhịp, điệp từ và gieo vần của bốn dòng thơ cuối.
Ngủ ngoan a kay ơi, ngủ ngoan a kay hỡi,
Mẹ thương a kay, mẹ thương bộ đội
Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần,
Mai sau con lớn vung chày lún sân...
Nó tạo nên một nhạc điệu tự nhiên, có thể dễ dàng hát lên. Đây là một đoạn thơ rất giàu tính tạo hình và tính nhạc.
(Nhiều tác giả, Thơ với lời bình, tập 2, NXB Giáo dục, 1996)
-------------------------------
* Trần Hoà Bình (1956-2008) sinh tại Hà Tây, ông là nhà báo, nhà giáo và nhà thơ. Ông còn là chuyên gia tâm lý sâu sắc và hóm hỉnh với những lời gỡ rối tâm tình giúp độc giả với bút danh Tầm Thư. Và chỉ với bài thơ Thêm một, Trần Hoà Bình đã là một thi sĩ tài hoa trên thi đàn Việt Nam đương đại.
Trả lời câu hỏi từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn)
1. Xác định luận đề và cách vào đề đặc biệt của văn bản “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm.
2. Văn bản “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm được triển khai bởi các luận điểm nào?
3. Đọc luận điểm 1 (đoạn văn bản đầu tiên) và trả lời các câu hỏi a, b, c sau đây.
a) Xác định câu chứa luận điểm và vị trí, vai trò của nó trong luận điểm.
b) Luận điểm gồm mấy luận cứ? Luận cứ nào đóng vai trò chính?
c) Câu: Những câu thơ thật hay không chỉ vì nó nặng tình, mà bởi nó còn được diễn đạt theo cách nói, cách nhìn độc đáo, đậm màu sắc miền núi thể hiện điều gì?
4. Đọc luận điểm 2 (đoạn văn bản 2) và trả lời các câu hỏi a,b,c sau đây
a) Vì sao tác giả khẳng định: Cái đáng nói là ở đây, tình thương và mơ ước của người mẹ đã được gửi gắm trọn vẹn cho đứa con sau lưng, nối nhịp cầu giữa hôm nay và mai sau?
b) Em chọn dẫn chứng từ bài thơ phù hợp với nhận định của tác giả: Giấc mơ ấy cũng chính là khát vọng hiện tại của mẹ - giấc mơ về sự no ấm thanh bình, về sức vóc thần thoại làm thay đổi cuộc sống.
c) Nhận xét cách đưa dẫn chứng và tác dụng của chúng trong luận điểm 2 này.
5. Em có đồng ý với nhận định của tác giả về 4 dòng thơ cuối (trong đoạn cuối của văn bản) không? Hãy làm rõ ý kiến của mình (về tính tạo hình và tính nhạc).
Đáp án:
1.
- Luận đề: Có hai người hát ru em bé trong bài thơ này.
- Cách vào đề: vào trực tiếp, nằm trong luận điểm 1 (không giới thiệu, không
dẫn dắt).
2.
- Gồm 3 luận điểm chính:
+ Người hát ru thứ nhất là tác giả.
+ Người thứ hai hát ru em bé là người mẹ.
+ Đặc sắc (ngắt nhịp, điệp từ và gieo vần) của khổ thơ cuối bài.
3.
a. Câu chứa luận điểm và vị trí, vai trò.
- Câu: Người thứ nhất là tác giả, đứng vị trí thứ hai trong luận điểm.
Vai trò: thông báo nội dung chính của toàn luận điểm (nội dung, tác dụng của lời ru thứ nhất).
b. Gồm các luận cứ:
+ Cu Tai còn nhỏ (chưa biết về cuộc sống đang diễn ra).
+ Nội dung lời ru của tác giả (là luận cứ chính).
+ Tác dụng của lời ru thứ nhất.
c. Thể hiện đánh giá của tác giả về hình thức độc đáo của lời ru thứ nhất (diễn đạt theo cách nói, cách nhìn độc đáo, đậm màu sắc miền núi).
4.
a. Vì tác giả khẳng định căn cứ vào những câu thơ bộc lộ cảm xúc trực tiếp cảm xúc của người mẹ trong lời ru của mình:
Mẹ thương a kay, mẹ thương làng đói/Mẹ thương a kay, mẹ thương đất nước.
- Mai sau con lớn phát mười Ka-lưi.../Mai sau con lớn làm người Tự Do...
b. Dẫn chứng phù hợp:
- Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều
- Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ... làm người tự do.
c. Tác giả dùng chủ yếu dẫn chứng trực tiếp để minh họa cho những lí lẽ (nhân định, phân tích trước đó).
5.
- Em có đồng ý với nhận định của tác giả về 4 dòng thơ cuối (trong đoạn cuối của văn bản)
- Vì
+ Tính nhạc của lời ru qua điệp ngữ, cách ngắt nhịp;
+ Tính tạo hình ở hình ảnh hạt gạo trắng ngần, con lớn vung chày lún sân.
Câu 4: Đọc văn bản sau:
BÀI THƠ HAY: MỞ RA NHIỀU TRIẾT LÝ NHÂN SINH
(Lê Thành Văn)
Thi phẩm Cha con người ăn mày của nhà thơ - nhà báo Phan Huy (Phan Huy, Ngược bến sông mơ, NXB Hội Nhà văn, 2020) là tiếng lòng rưng rưng, khắc khoải về phận người hành khất giữa thời buổi kinh tế thị trường, khi mà cái ăn cái mặc không còn là nỗi ám ảnh đến quặn thắt, xót xa.
Ở bốn câu thơ đầu, tác giả Phan Huy đã giới thiệu không gian quen thuộc nơi người hành khất thường xuất hiện: “Ở bến phà sông Tiền/ Có một người hành khất”. Đâu chỉ thuần túy là một địa điểm, địa danh cụ thể, đó còn là không gian nghệ thuật đầy ám ảnh về sự nổi trôi, vô định của kiếp người lưu lạc. Nơi bến phà sông Tiền mênh mang sóng nước là những kiếp bèo lau trôi dạt, đẩy đưa, có khác gì phận người hành khất?
Tác giả chú ý vào chiếc gậy của người ăn mày. Chiếc gậy xuất hiện như một tín hiệu nghệ thuật chỉ dấu về sự bất hạnh của cuộc đời: Người hành khất mù lòa cả hai mắt. Nhìn “chiếc gậy cùn hai đầu”, nhà thơ đã thấu hiểu hành trình xa xôi, khó nhọc trên bao chặng đường mà người hành khất đã qua:
Gậy chấm dày mặt đất
Chiếc gậy còn hai đầu.
Đi xin ăn qua nhiều phố phường, làng mạc, mỗi bước đi lại phải dò dẫm theo chân người con, chiếc gậy đã phải bao lần quờ quạng, xoay trở liêu xiêu giữa chốn đông người nên mới “chấm dày mặt đất”. Sâu xa hơn, những dấu chấm của chiếc gậy dường như đã đủ loang phủ khắp mặt đất này. Vì thế, câu thơ thuần tả mà lạnh sắc, lắng đọng một tình thương yêu thiết tha của tác giả dành cho người ăn mày. Nhà thơ hiểu hành trình, thấu được bước đường gian khổ và cả nỗi âu lo mà hai cha con người hành khất thấm trải:
Ngày ngày mặt trời mọc
Cha và con dắt nhau
Cây đàn buông trước ngực
Dây chùng nỗi lo âu
Ra đi xin ăn từ sáng sớm khi mặt trời vừa mọc, nhưng điểm dừng thì hẳn làm sao biết được. Có lẽ họ không nhà, không nơi nương tựa mới đi ăn mày thế này. Người con dắt cha tìm kế sinh nhai qua lời ca tiếng hát.
Thực ra, họ cũng đánh đổi đấy chứ, đâu có xin ăn không. Mượn lời ca tiếng hát, bản đàn mà ngửa tay mong sự bố thí của người đời âu cũng là điều đáng trọng Thế mà “nỗi lo âu” cứ chùng xuống, trĩu nặng mỗi ngày. Nhìn dây đàn người hành
khất mà cảm được bao lo toan thường nhật về miếng cơm manh áo, nhà thơ Phan Huy đã bày giãi nỗi lòng ngậm ngùi, xót xa về kiếp người vô định, nổi trôi. Theo đó, tấm lòng thi nhân cứ dõi theo hai cha con người ăn mày qua nhiều cung đường phố thị, nhiều ga bến, nhiều chợ sáng chợ chiếu ngược xuôi tấp nập để rồi ghi lại những cảnh tượng nao lòng, những khắc giờ dễ làm rơi nước mắt:
Cha mù hai con mắt/Nhìn bằng đôi bàn chân/
Con đi trong ngơ ngác/Tay ngửa nón, tay đàn
Giọng thủ thỉ, lời nhẹ nhàng, nhà thơ cứ như người đánh đàn nhấn nhá từng cung bậc nỉ non kể về tình cảnh cha con người ăn mày trước cuộc đời xuôi ngược. Người cha kinh nghiệm trường đời, dù mù lòa hai mắt; người con sáng rõ đường đi nên biết chốn dừng chân; nhờ đó tác giả Phan Huy đã có những câu thơ vừa chân thực vừa đằm sâu triết lí: Con hỏi cha nơi đến/ Cha hỏi con nơi dừng.Hóa ra, cuộc hành khất của hai cha con người ăn mày có khác gì tất cả thế nhân, cũng tính toán chi li, cũng nghĩ suy thấu đáo mới có thể mưu sinh, vượt qua những vất vả để tồn tại kiếp người. Rồi chuyện ấm lạnh giữa dòng đời, chuyện cảm thương hay dửng dưng âu cũng là điều muôn thuở: “Bao nhiêu người ghé bến/ Ai thương, ai dửng dưng?”.
Nhưng có lẽ thông điệp mà nhà thơ Phan Huy muốn gửi gắm đến chúng ta nằm ở khổ thơ cuối bài thì phải? Chẳng vậy sao mà tác giả hạ xuống bốn câu thơ đầy dằn vặt nỗi niềm và ẩn sâu triết lí thế kia. Giọng điệu ở khổ cuối cũng khác thường, nó cứ chênh chao tưng tửng như người “say” vậy. Một câu hỏi thảng thốt bất chợt trào ra nghe mằn mặn nước mắt và nghèn nghẹn lá phổi buồng tim nên càng thêm day dứt! Gặp người ăn mày nhưng lại hỏi “người hay ta ăn mày?” thì phải đau đời lắm, thấu hiểu lắm, cật vấn lắm. Người xin ăn bằng lời ca tiếng hát, nghĩa là bằng chính mồ hôi nước mắt của mình liệu có phải “ăn mày” không? Ta sống, nhìn bên ngoài có vẻ đường bệ, nhưng cứ dựa dẫm, núp bóng, “xin ăn” lén lút kẻ khác để rồi được giàu sang, thăng quan tiến chức, liệu không là “hành khất” sao? Chao ôi, thơ viết thế thì nặng lòng nhân thế lắm, đau đời lắm mới gieo xuống câu chữ cứ như không mà sâu sắc đến vô cùng:
Tôi vừa tan cuộc rượu/Hồn còn tràn trề say/
Gặp nhau rồi chợt hiểu/Người hay ta ăn mày?”
Người hay ta ăn mày? là câu hỏi muốn bóc trần nhân tính, thấm đẫm chất triết lý, đầy cật vấn về lẽ đời, lẽ người; giọng điệu giễu nhại mà minh triết, tưởng đùa mà hóa nghiêm trang; tưng tửng mà lắng sâu, khiến ta không khỏi giật mình! Đó cũng là mấu chốt tư tưởng mà nhà thơ muốn truyền gửi. Và sự thành công ở bài thơ này cũng nhờ vào câu thơ độc sáng ấy, nó chính là linh hồn của thi phẩm vậy.
Cha con người ăn mày có một chiều sâu nhân đạo, một cảm thức phổ quát về cuộc đời, về thân phận con người trước trùng trùng bể dâu trần thế. Nhờ đó, bài thơ xoáy sâu vào tâm cảm người đọc, mở ra nhiều vấn đề triết lý nhân sinh mà chúng ta cần suy ngẫm, nhất là trong cuộc sống đương đại.
(giaoducthoidai.vn)
Trả lời câu hỏi từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn)
1. Nhan đề bài viết Đến với bài thơ hay: Mở ra nhiều triết lý nhân sinh cung cấp cho người đọc thông tin nào?
2. Văn bản gồm mấy luận điểm? Xác định nội dung của từng luận điểm đó.
3. Đọc luận điểm 3 (từ Thực ra, họ cũng ... đến ai dửng dưng?) và cho biết luận điểm gồm mấy luận cứ? Và vai trò của luận điểm đối với luận đề ?
4. Ở luận điểm 4, tác giả sử dụng bằng chứng khách quan và ý kiến/đánh giá chủ quan như thế nào? Nhận xét hiệu quả của chúng trong luận điểm và mục đích của văn bản.
5. Em có đồng ý với nhận định của tác giả: Mượn lời ca tiếng hát, bản đàn mà ngửa tay mong sự bố thí của người đời âu cũng là điều đáng trọng không? Vì sao?
Đáp án:
1.
- Cho người biết luận đề: triết lý nhân sinh và phạm vi của luận đề trong một tác phẩm thơ.
- Cho biết nội dung sẽ triển khai trong toàn văn bản: triết lý nhân sinh một tác phẩm thơ.
2.
- Văn bản gồm 4 luận điểm.
- Nội dung các luận điểm.
+ Ở bốn cầu thơ đầu - giới thiệu không gian quen thuộc...
+ Chiếc gậy của người ăn mày.
+ Nhà thơ hiểu hành trình, thấu được bước đường gian khổ và cả nỗi âu lo.
+ Thông điệp nhà thơ Phan Huy muốn gửi gắm đến chúng ta nằm ở khổ thơ cuối bài.
3.
- Gồm 3 luận cứ: Mượn lời ca tiếng hát, bản đàn mà ngửa tay mong sự bố thí của người đời âu cũng là điều đáng trọng; Người cha kinh nghiệm trường đời, dù mù lòa hai mắt; Người con sáng rõ đường đi nên biết chốn dừng; Rồi chuyện ấm lạnh giữa dòng đời.
- Luận điểm làm sáng tỏ một số triết lý nhân sinh trong bài thơ.
+ Cha con người ăn mày cũng đánh đổi đấy chứ, đâu có xin ăn không.
+ Cuộc hành khất của hai cha con người ăn mày có khác gì tất cả thế nhân, cũng tính toán chi li, cũng nghĩ suy thấu đáo mới có thể mưu sinh.
+ Chuyện cảm thương hay dửng dưng âu cũng là điều muôn thuở.
4.
- Sử dụng bằng chứng khách quan.
+ Bằng chứng kết hợp với lí lẽ: Gặp người ăn mày nhưng lại hỏi “người hay ta ăn mày?” thì phải đau đời lắm, thấu hiểu lắm, cật vấn lắm.
+ Bằng chứng trực tiếp:
Tôi vừa tan cuộc rượu/Hồn còn tràn trề say/
Gặp nhau rồi chợt hiểu/Người hay ta ăn mày?”
Dùng ý kiến/đánh giá chủ quan: sau phân tích, bình luận là đánh giá chủ quan của tác giả: Ta sống, nhìn bên ngoài có vẻ đường bệ, nhưng cứ dựa dẫm, núp bóng, “xin ăn” lén lút kẻ khác để rồi được giàu sang, thăng quan tiến chức, liệu không là “hành khất” sao?
-> Kết hợp bằng chứng khách quan và ý kiến/đánh giá chủ quan để làm sáng tỏ chất triết lý nhân văn nằm ở khổ cuối bài thơ: câu hỏi muốn bóc trần nhân tính, thấm đẫm chất triết lý, đầy cật vấn về lẽ đời, lẽ người.
- Văn bản đã đạt được mục đích: làm rõ, thuyết phục người đọc đồng thuận với ý kiến của tác giả: Cha con người ăn mày là bài thơ hay thấm đẫm triết lý nhân văn.
5.
- Em có đồng ý với nhận định của tác giả: Mượn lời ca tiếng hát, bản đàn mà ngửa tay mong sự bố thí của người đời âu cũng là điều đáng trọng.
- Vì qua việc mượn lời ca tiếng hát, người hành khất không chỉ thể hiện nỗ lực kiếm sống mà còn thể hiện bản chất nghệ thuật và nhân văn của họ. Dù hoàn cảnh khó khăn, họ vẫn giữ được phẩm giá và niềm tự hào, cho thấy sự đáng trân trọng trong cách họ gặp gỡ cuộc sống.
Câu 5: Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 6
Nhà thơ Lò Ngân Sủn - người con của núi
Đọc thơ Lò Ngân Sủn ta như được khám phá những đỉnh núi xa thơ mộng và mãnh liệt. Núi không chỉ là hình ảnh thường được nói đến trong thơ ông mà còn hiện lên như một phần hồn thơ Lò Ngân Sủn. Những bài thơ tiêu biểu của Lò Ngân Sủn như Chiều biên giới, Trời và đất, Đi trên chín khúc Bản Xèo, Ngôi nhà rông,… đều mang âm vọng của núi mênh mang lời của núi. Vậy điều gì đã nuôi dưỡng và bồi đắp nên vẻ đẹp thơ mộng và mãnh liệt ấy trong thơ ông?
Trước khi trở thành nhà thơ Lò Ngân Sủn đích thực là một “người con của núi”. Ông sinh ra và lớn lên ở Bản Qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Từ nhỏ chú bé Lò Ngân Sủn đã đắm mình trong hơi thở của cỏ cây, hoa lá núi rừng biên cương, đã biết thả hồn cùng vẻ đẹp thanh thoát, hùng vĩ của dốc dựng, thác đổ, suối tuôn… “nơi tận cùng bờ cõi”:
Những đỉnh núi xa
Rừng thông gọi đàn dê hiện gọi mơ núi
Nâng niu hạt mạch
Vùng ta mộc tạm vỡ
Quay mình những vòng đường
(Đỉnh núi xa vùng mãnh liệt)
Khi lớn lên thế giới của cậu bé sinh ra từ Bản Qua không chỉ giới hạn ở bản làng biên giới. Mặt đất và bầu trời đã rộng mở, muôn dặm non sông từ bắc vào nam, từ miền ngược đến miền xuôi, từ đầu non đến cuối bể,…đã ùa vào tâm hồn mộc mạc, thiết tha, phóng khoáng của Lò Ngân Sủn. Nhưng vùng đất Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, miền biên cương phía Bắc của tổ quốc vẫn là mảnh đất mẹ nuôi dưỡng, bồi đắp nên chất hào sảng, trầm hùng và mãnh liệt của thơ ông, mà Chiều biên giới là một ví dụ tiêu biểu:
Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào cao hơn
Như đầu sông đầu suối
Như đầu mây đầu gió
Như quê ta ngọn núi
Như đất trời biên cương
(Chiều biên giới)
Dù có đi khắp mọi nẻo đường, những sườn non dốc núi, những miền thác đổ réo sôi, vắt vẻo như dây leo của quê hương vẫn là con đường quyến rũ nhất với người con của núi. Dường như đó cũng chính là con đường thơ ca của Lò Ngân Sủn:
Ta đi trên chín khúc Bản Xèo
con đường là cái hạt ta gieo
con đường là cái rễ lan tỏa
dệt nên hoa trái, tiếng chim ca.
(Đi trên chín khúc Bản Xèo)
Núi rừng xứ sở muốn cất tiếng bằng thơ và nhà thơ Lò Ngân Sủn đã phần nào đáp ứng được mong mỏi ấy, bằng tình thương thuần khiết của mình.
Không có tình yêu tha thiết với núi rừng, với quê hương, với “chồi non cỏ biếc”, với “đầu sông đầu suối”, với những “bậc thang mây”,...chắc hẳn không có nhà thơ Lò Ngân Sủn với những câu thơ “vạm vỡ” mà âm vang như “con suối thác đổ”, khiến trái tim của bao độc giả phải bồi hồi.
(Theo Minh khoa, Báo điện tử giáo dục Việt Nam, tháng 12/2020)
1: Vì sao nhà thơ Lò Ngân Sủn được tác giả bài viết gọi là “người con của núi”?
2: Xác định câu văn nêu vấn đề chính được bàn luận trong bài.
3: Liệt kê những ý kiến mà tác giả đưa ra trong văn bản? Nêu 1 số lí lẽ và bằng chứng để làm rõ ý kiến đó?
4: Những câu thơ được dẫn đóng vai trò gì trong bài viết?
5: Xác định nghĩa của từ “con đường” trong câu văn: “Dường như đó cũng chính là con đường thơ ca của Lò Ngân Sủn”?
6: Câu cuối cùng của bài viết có mối quan hệ như thế nào với những câu mở đầu?
Đáp án:
1. Nhà thơ Lò Ngân Sủn được tác giả bài viết gọi là “người con của núi” vì những bài thơ của Lò Ngân Sủ khiến người đọc như được khám phá những đỉnh núi xa thơ mộng và mãnh liệt.
2: Câu văn nêu vấn đề chính được bàn luận trong bài: “Vậy điều gì đã nuôi dưỡng và bồi đắp nên vẻ đẹp thơ mộng và mãnh liệt ấy trong ông?”
3: Những ý kiến, lí lẽ và bằng chứng mà tác giả đưa ra trong văn bản:
- Ý kiến 1: Núi không chỉ là hình ảnh thường được nói đến mà con hiện lên như một phần hồn thơ. Những bài thơ tiêu biểu của ông đều mang âm vọng của núi, mênh mang lời của núi.
(Dẫn chứng: Chiều biên giới, Trời và đất, Đi trên chín khúc Bản Xèo, Ngôi nhà rông,...).
- Ý kiến 2: Quá trình trưởng thành đã nuôi dưỡng và bồi đắp nên vẻ đẹp thơ mộng và mãnh liệt:
+ Lí lẽ 1: Sinh ra và lớn lên ở Bản Qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Từ nhỏ đã đắm mình trong hơi thở của thiên nhiên.
(Dẫn chứng: Đỉnh núi xa vùng mãnh liệt).
4: Những câu thơ được dẫn đóng vai trò minh họa rõ nét thể hiện chủ đề chính được nói đên trong bài Nhà thơ Lò Ngân Sủn thật sự là “người con của núi”.
5. Nghĩa của từ “con đường” trong câu văn: “Dường như đó cũng chính là con đường thơ ca của Lò Ngân Sủn” không mang nghĩa gốc và cũng không phải là nghĩa thực mà mang ý nghĩa ẩn dụ.
6. Câu cuối cùng của bài viết giải thích lý do cho những câu mở đầu.
Xem thêm các bài viết về định nghĩa và khái niệm môn Văn chọn lọc, hay khác:
- Văn bản thông tin là gì?
- Văn bản thông tin thuyết minh về một hiện tượng tự nhiên là gì?
- Văn bản thông tin giới thiệu về một cuốn sách, bộ phim là gì
- Văn bản thông tin thuyết minh về một danh lam thắng cảnh là gì
- Văn bản thông tin bài phỏng vấn là gì?
Tủ sách VIETJACK luyện thi vào 10 cho 2k10 (2025):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Đề thi lớp 1 (các môn học)
- Đề thi lớp 2 (các môn học)
- Đề thi lớp 3 (các môn học)
- Đề thi lớp 4 (các môn học)
- Đề thi lớp 5 (các môn học)
- Đề thi lớp 6 (các môn học)
- Đề thi lớp 7 (các môn học)
- Đề thi lớp 8 (các môn học)
- Đề thi lớp 9 (các môn học)
- Đề thi lớp 10 (các môn học)
- Đề thi lớp 11 (các môn học)
- Đề thi lớp 12 (các môn học)
- Giáo án lớp 1 (các môn học)
- Giáo án lớp 2 (các môn học)
- Giáo án lớp 3 (các môn học)
- Giáo án lớp 4 (các môn học)
- Giáo án lớp 5 (các môn học)
- Giáo án lớp 6 (các môn học)
- Giáo án lớp 7 (các môn học)
- Giáo án lớp 8 (các môn học)
- Giáo án lớp 9 (các môn học)
- Giáo án lớp 10 (các môn học)
- Giáo án lớp 11 (các môn học)
- Giáo án lớp 12 (các môn học)