Văn bản thông tin thuyết minh về một danh lam thắng cảnh là gì (chi tiết nhất)
Bài viết Văn bản thông tin thuyết minh về một danh lam thắng cảnh chi tiết nhất, đầy đủ khái niệm, đặc điểm, cách đọc hiểu & bài tập có đáp án chi tiết giúp bạn nắm vững kiến thức trọng tâm về Văn bản thông tin thuyết minh về một danh lam thắng cảnh.
- Khái niệm văn bản thông tin thuyết minh về một danh lam thắng cảnh
- Đặc điểm của văn bản thông tin thuyết minh về một danh lam thắng cảnh
- Ví dụ một số văn bản thông tin thuyết minh về một danh lam thắng cảnh
- Cách đọc hiểu một văn bản thông tin thuyết minh về một danh lam thắng cảnh
- Một số bài tập liên quan đến văn bản thông tin thuyết minh về một danh lam thắng cảnh
Văn bản thông tin thuyết minh về một danh lam thắng cảnh là gì (chi tiết nhất)
1. Khái niệm
– Văn bản thông tin thuyết minh về một danh lam thắng cảnh là loại văn bản cung cấp những tri thức khách quan, chính xác về một địa điểm nổi tiếng, có giá trị về lịch sử, văn hóa, hoặc cảnh quan thiên nhiên.
2. Đặc điểm
- Về cấu trúc, kiểu văn bản này thường có ba phần:
+ Phần mở đầu: giới thiệu khái quát về danh lam thắng cảnh hoặc di tích lịch sử.
+ Phần nội dung: giới thiệu có hệ thống những phương diện khác nhau của danh lam thắng cảnh hoặc di tích lịch sử. Nội dung có thể trình bày thông tin về vị trí địa lí, lịch sử hình thành, nhân vật lịch sử có liên quan, đặc điểm kiến trúc/ cảnh quan, vẻ đẹp/ sức hấp dẫn, cách thức tham quan…
+ Phần kết thúc: nhận xét khái quát về giá trị của danh lam thắng cảnh hoặc di tích lịch sử trong đời sống văn hóa, tinh thần của con người; có thể bày tỏ tình cảm, thái độ của người viết dành cho danh lam thắng cảnh hoặc di tích lịch sử.
- Về đặc điểm hình thức: Có thể sử dụng các đề mục để làm nổi bật thông tin chính; một số từ ngữ chuyên ngành (kiến trúc, lịch sử, địa lí, sinh vật…); từ ngữ giàu giá trị miêu tả, biểu cảm; hình ảnh minh họa, sơ đồ/ bản đồ chỉ dẫn…
- Về cách trình bày thông tin: Thông tin thường được trình bày theo trình tự thời gian, theo trật tự không gian, theo cách phân loại đối tượng (ví dụ: phân loại các đặc điểm kiến trúc, tự nhiên, xã hội,… của danh lam thắng cảnh/ di tích lịch sử),…
Để giúp người đọc dễ dàng hình dung về đặc điểm kiến trúc, cảnh quan, vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh/ di tích lịch sử và tác động đến cảm xúc của người đọc, người viết có thể sử dụng kết hợp các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm.
3. Ví dụ một số văn bản thông tin thuyết minh về một danh lam thắng cảnh
- "Vườn quốc gia Cúc Phương"
- "Ngọ Môn"
- "Nhiều giá trị khảo cổ từ Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận"
- "Vịnh Hạ Long: một kì quan thiên nhiên độc đáo và tuyệt mĩ"
- “Khám phá kì quan thế giới: thác I-goa-đu”
- “Vườn quốc gia Tam Nông - Tràm Chim”
- …
4. Cách đọc hiểu một văn bản thông tin thuyết minh về một danh lam thắng cảnh
- Xác định nội dung chính của văn bản
+ Đọc lướt để nắm bắt đề tài của văn bản (tên danh lam thắng cảnh được giới thiệu).
+ Xác định bố cục chung: Văn bản thường gồm các phần như giới thiệu tổng quan, lịch sử, đặc điểm nổi bật, giá trị văn hóa – du lịch, và kết luận.
- Phân tích các thông tin quan trọng
+ Xác định vị trí địa lý: Danh lam thắng cảnh nằm ở đâu? Có gì đặc biệt về vị trí này?
+ Tìm hiểu lịch sử hình thành: Nó có nguồn gốc từ bao giờ? Có liên quan đến sự kiện hoặc nhân vật lịch sử nào không?
+ Phân tích đặc điểm nổi bật:
Cảnh quan thiên nhiên (núi, sông, hang động, bãi biển…).
Kiến trúc (chùa, đền, tháp, công trình nghệ thuật…).
Các yếu tố văn hóa (lễ hội, phong tục, truyền thống…).
+ Nhận diện giá trị của danh lam thắng cảnh: Giá trị về mặt lịch sử, du lịch, tâm linh, môi trường…
+ Chú ý đến số liệu, dẫn chứng: Các mốc thời gian, nhân vật, sự kiện cụ thể giúp thông tin thuyết minh thêm chính xác và thuyết phục.
- Nhận xét về cách trình bày của văn bản
+ Văn bản sử dụng ngôn ngữ như thế nào? Có dễ hiểu không?
+ Cách sắp xếp thông tin có logic, mạch lạc không?
+ Có sử dụng các phương tiện hỗ trợ như hình ảnh, số liệu, biểu đồ không?
- Liên hệ thực tế
+ So sánh với những hiểu biết của mình về danh lam thắng cảnh đó.
+ Nếu có cơ hội, bạn có muốn tham quan địa điểm này không? Vì sao?
+ Liên hệ với các danh lam thắng cảnh khác để thấy điểm tương đồng và khác biệt.
5. Một số bài tập liên quan đến văn bản thông tin thuyết minh về một danh lam thắng cảnh
5.1. Trắc nghiệm
Câu 1: Văn bản thuyết minh về danh lam thắng cảnh thuộc kiểu văn bản nào sau đây?
A. Tự sự
B. Thuyết minh
C. Biểu cảm
D. Nghị luận
Đáp án: B
Câu 2: Mục đích chính của văn bản thuyết minh về danh lam thắng cảnh là gì?
A. Giải thích và cung cấp thông tin về một danh lam thắng cảnh
B. Kể chuyện về một nhân vật lịch sử liên quan đến danh lam thắng cảnh
C. Thể hiện cảm xúc của tác giả về danh lam thắng cảnh
D. Tranh luận về giá trị của danh lam thắng cảnh
Đáp án: A
Câu 3: Phương thức biểu đạt chính của văn bản thuyết minh về danh lam thắng cảnh là gì?
A. Tự sự
B. Miêu tả
C. Thuyết minh
D. Nghị luận
Đáp án: C
Câu 4. Một văn bản thuyết minh về danh lam thắng cảnh thường có những nội dung chính nào?
A. Vị trí địa lý, lịch sử, đặc điểm nổi bật, giá trị văn hóa – du lịch
B. Nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử, câu chuyện truyền thuyết
C. Cảm xúc của tác giả, các bài thơ ca ngợi danh lam thắng cảnh
D. Mô tả chi tiết cảm xúc của du khách khi đến danh lam thắng cảnh
Đáp án: A
Câu 5: Vì sao khi viết văn bản thuyết minh về danh lam thắng cảnh cần sử dụng số liệu cụ thể?
A. Để làm cho bài viết dài hơn
B. Để tăng tính thuyết phục và độ chính xác của thông tin
C. Để thể hiện cảm xúc cá nhân của người viết
D. Để giúp văn bản trở nên khó hiểu hơn
Đáp án: B
Câu 6: Khi đọc một văn bản thuyết minh về danh lam thắng cảnh, em cần chú ý điều gì để hiểu rõ nội dung?
A. Xác định nội dung chính của văn bản
B. Tìm hiểu các số liệu, dẫn chứng quan trọng
C. Liên hệ thực tế với kiến thức đã biết
D. Tất cả các ý trên
Đáp án: D
Câu 7. Nếu em viết một bài thuyết minh về Vịnh Hạ Long, em sẽ cần những thông tin nào?
A. Vịnh Hạ Long nằm ở tỉnh nào, đặc điểm nổi bật là gì
B. Giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch của Vịnh Hạ Long
C. Cảm nghĩ cá nhân về vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long
D. Cả A và B đúng
Đáp án: D
Câu 8: Trong các yếu tố sau, yếu tố nào không quan trọng khi viết văn bản thuyết minh về một danh lam thắng cảnh?
A. Miêu tả các đặc điểm nổi bật của danh lam thắng cảnh
B. Cung cấp thông tin lịch sử về danh lam thắng cảnh
C. Bày tỏ ý kiến cá nhân về danh lam thắng cảnh
D. Nêu giá trị văn hóa và du lịch của danh lam thắng cảnh
Đáp án: C
Câu 9: Khi giới thiệu về Chùa Một Cột, chi tiết nào dưới đây giúp bài thuyết minh trở nên hấp dẫn hơn?
A. Chùa Một Cột là một ngôi chùa ở Hà Nội
B. Chùa Một Cột được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tông vào năm 1049
C. Chùa có kiến trúc độc đáo, hình dáng như một bông sen vươn lên trên mặt nước
D. Cả B và C đúng
Đáp án: D
Câu 10: Một văn bản thuyết minh về danh lam thắng cảnh có thể kết hợp với phương thức biểu đạt nào để trở nên sinh động hơn?
A. Miêu tả
B. Biểu cảm
C. Nghị luận
D. Cả A và B đún
Đáp án: D
5.2. Tự luận
Câu 1: Đọc văn bản sau:
VƯỜN QUỐC GIA PHONG NHA KẺ BÀNG QUẢNG BÌNH VÀ VẺ ĐẸP XỨNG TẦM DI SẢN THẾ GIỚI
Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng Quảng Bình là điểm đến hấp dẫn bất cứ tin đồ du lịch nào. Nơi đây sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, những hang động với vẻ đẹp diệu kỳ, những cánh rừng nguyên sinh hoang sơ và vô số điều thú vị chờ bạn khám phá khi có cơ hội du lịch Quảng Bình.
1 Giới thiệu về Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng Quảng Bình
1.1 Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng ở đâu?
Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng nằm trong quần thể sinh thái Bắc Trường Sơn, thuộc địa phận 3 huyện là Bố Trạch, Minh Hoá và Quảng Ninh. Từ trung tâm thành phố Đồng Hới bạn cần di chuyển quãng đường khoảng 50km về phía Tây Bắc để đến được đây.
Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng Quảng Bình được đánh giá là 1 trong 238 hệ sinh thái quan trọng trên toàn cầu, sở hữu vùng Karst (dạng địa hình phong hóa đá vôi) rộng nhất thế giới với diện tích trên 200.000ha.
1.2 Diện tích Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng
Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng có tổng diện tích lên tới 343.638,04ha. Trong đó vùng lõi được ước tính có diện tích khoảng 125.729,6ha, vùng đệm có diện tích khoảng 217.908,44ha
2. Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng Quảng Bình - 2 lần được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Năm 2003, xét duyệt theo tiêu chi địa chất, địa mạo và năm 2015 xét duyệt theo tiêu chí đa dạng sinh học, sinh thái. Đây chính là niềm tự hào của Việt Nam nói chung và ngành du lịch nói riêng, đưa vẻ đẹp của thiên nhiên nước ta đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
3. Những điều làm nên Di sản thế giới Phong Nha Kẻ Bàng
3.1. Quần thể hang động có một không hai
Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng Quảng Bình sở hữu quần thể hơn 300 hang động lớn nhỏ được mệnh danh là kỳ quan đệ nhất động. Vì thế nơi đây đã thu hút rất nhiều các nhà khoa học chuyên nghiên cứu địa hình hang động và các nhà thám hiểm đến tìm hiểu về cách mà thiên nhiên đã tạo nên một kỳ quan có một không hai này ...
Hệ thống hang động tuyệt đẹp của vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng đã đưa nơi đây thành một trong những điểm du lịch “hot” nhất của Việt Nam
3.2. Hệ thống sông ngòi chằng chịt
Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng Quảng Bình là nơi có sông Troóc, sông Chày và sông Son chảy qua. Những dòng nước trong xanh len lỏi giữa vùng núi đá vôi đã tạo thành loại địa hình Karst rộng lớn nhất thế giới với vẻ đẹp như một bức tranh thuỷ mặc được vẽ nên bởi tạo hóa diệu kỳ...
3.3. Khu vực rừng nguyên sinh Phong Nha Kẻ Bàng"
...Rừng nguyên sinh tại Phong Nha Kẻ Bàng với độ che phủ gần như tuyệt
Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng sở hữu khu rừng nhiệt đới nguyên sinh có độ che phủ lên đến trên 96,2%. Tại đây, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy rất nhiều các loại thực vật đặc thù của địa hình rừng núi đá vôi như chò đãi, chò nước, trầm hương, nghiến, sao, ba kích v.v Đặc biệt, tại đây các nhà nghiên cứu còn tìm thấy nhiều loài thực vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như bách xanh đá, lan hài đốm, lan hài xanh, lan hài xoắn v.v.
3.4. Giá trị văn hóa và lịch sử
Bên cạnh các giá trị thiên nhiên cần được bảo tồn, Phong Nha Kẻ Bàng còn là nơi lưu giữ hệ di tích lịch sử và văn hoá có giá trị vô giá đối với ngành khảo cổ. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những dấu vết và hiện vật từ thời tiền sử, các công trình văn hóa Chămpa và Việt cổ, những di tích của căn cứ được xây dựng trong kháng chiến chống Pháp dưới thời vua Hàm Nghi, con đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, Bến phà Xuân Sơn
Quảng Bình đã góp phần thống nhất hai miền Nam Bắc v.v. Tất cả những điều này đã phản ánh bề dày của lịch sử ngàn đời dân tộc, khắc ghi những chiến công hiển hách và biết bao xương máu của các thế hệ ông cha ta đã đổ xuống để giành lấy độc lập và tự do cho đất nước.
(Tuyết Trịnh, MIA,vn Go Quảng Bình, ngày 26.09.2023) https://mia.vn/cam-nang-du-lich/vuon-quoc-gia-phong-nha-ke-bang-quang-binh-va-ve-dep-xung-tam-di-san-the-gioi-6020
Hãy ghi vào bài làm chữ cái đứng trước phương án trả lời đúng từ câu 1 đến câu 4; tự ghi câu trả lời cho câu 5 đến câu 6.
1. Văn bản đã trình bày những thông tin cơ bản nào?
A. Giới thiệu về vị trí địa lí, diện tích và những điều làm nên Di sản thế giới Phong Nha Kẻ Bàng.
B. Giới thiệu về vị trí và những điều làm nên Di sản thế giới Phong Nha Kẻ Bàng.
C. Giới thiệu về vị trí, diện tích, quần thể hang động, hệ thống sông ngòi của Phong Nha Kẻ Bàng.
D. Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng Quảng Bình - 2 lần được công nhận là Di thank sản thiên nhiên thế giới.
2. Đặc điểm kiểu văn bản giới thiệu một danh lam thắng cảnh được thể hiện qua các yếu tố nào sau đây?
A. Sử dụng các đề mục để làm nổi bật thông tin chính như là: Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng ở đâu? Những điều làm nên Di sản thế giới Phong Nha Kẻ Bàng...
B. Một số từ ngữ chuyên ngành: đa dạng sinh học, sinh thái, địa hình Karst, rừng nhiệt đới nguyên sinh ...
C. Hình ảnh minh hoạ.
D. Cȧ A,B,C
3. Khi giới thiệu về Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng Quảng Bình - 2 lần được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, tác giả có thái độ như thế nào?
A. Thể hiện tình yêu đối với quê hương xứ sở nơi mình sinh ra và lớn lên.
B. Tự hào, trân trọng vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ, cổ kính trang nghiêm.
C. Tự hào, trân trọng vẻ đẹp của Di sản thế giới Phong Nha Kẻ Bàng.
D. Thể hiện sự háo hức mong chờ vẻ đẹp của thiên nhiên.
4. Những giá trị của Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng được nêu trong văn bản.
A. Giá trị về du lịch (Di sản thế giới); Giá trị về địa chất (nghiên cứu khoa học);
Giá trị văn hóa và xã hội.
B. Giá trị về du lịch (Di sản thế giới); Giá trị về địa chất (nghiên cứu khoa học); Giá trị văn hóa và lịch sử.
C. Giá trị về nghệ thuật; Giá trị văn hóa và lịch sử.
D. Giá trị về du lịch (Di sản thế giới); Giá trị về địa chất (nghiên cứu khoa học); Giá trị lịch sử.
5. Nhan đề Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng Quảng Bình và vẻ đẹp xứng tầm di sản thế giới đã làm nổi bật và khái quát nội dung của văn bản chưa? Vì sao?
6. Đọc xong văn bản, em có được những hiểu biết gì về Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng và còn muốn biết thêm những thông tin gì về địa danh nổi tiếng này?
Đáp án:
1: A
2: D
3. C
4. B
5.
- Nhan đề Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng Quảng Bình và vẻ đẹp xứng tầm di sản thế giới đã làm nổi bật và khái quát được nội dung của toàn văn bản.
- Vì từ nhan đề này, tác giả đã triển khai những điều làm nên Di sản thế giới Phong Nha Kẻ Bàng như: quần thể hang động có một không hai; hệ thống sông ngòi chằng chịt; khu vực rừng nhiệt đới nguyên sinh; giá trị văn hóa và lịch sử...các thông tin trong bài đều cung cấp thông tin của khu danh lam thắng cảnh này.
6.
- Thông qua văn bản, em biết được Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng là một kì quan thiên nhiên thế giới, là một thế giới sống sống động với những quần thể hang động có một không hai; hệ thống sông ngòi chằng chịt; khu vực rừng nhiệt đới nguyên sinh có độ che phủ lên đến trên 96,2%...
Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng từ xưa đến nay và vấn đề bảo tồn di sản hiện - Ngoài ra, em còn muốn biết thêm về quần thể hang động, sự thay đổi của nay như thế nào.
Câu 2: Đọc văn bản:
QUẦN THỂ DI TÍCH CÓ ĐÔ HUẾ - DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI
(VOV5) - Với những giá trị mang tính toàn cầu của mình, quần thể di tích Cố đô Huế trở thành di sản văn hoá đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản thế giới năm 1993.
Quần thể di tích Cố đô Huế nằm dọc hai bên bờ sông Hương thuộc thành phố Huế và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của tỉnh, là cố đô của Việt Nam dưới triều nhà Nguyễn, từ 1802 đến 1945. Với những giá trị mang tinh toàn cầu của mình, quần thể di tích Cố đô Huế trở thành di sản văn hoá đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản thế giới năm 1993.
Đại Nội Huế về đêm. Ảnh: khamphahue.com.vn
Năm 1306, sau cuộc hôn phối giữa công chúa Huyền Trân (Nhà Trần) với vua Chàm là Chế Mân, vùng đất Châu Ô, Châu Lý (gồm Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một phần phía bắc Quảng Nam ngày nay) được lấy tên là Thuận Hoá. Vào nửa cuối thế kỷ 15, thời vua Lê Thánh Tông, địa danh Huế lần đầu tiên xuất hiện. Năm 1636, phủ Chúa Nguyễn đặt ở Kim Long (Huế), tới năm 1687 thì dời về Phú Xuân - thành Nội Huế ngày nay. Vào những năm đầu của thế kỷ 18, Phủ Xuân trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của xứ "Đàng Trong". Từ năm 1788 đến 1801, Phú Xuân trở thành kinh đô của triều đại Tây Sơn. Nhà sử học Lê Văn Lan cho biết: Các vị hoàng đế nhà Nguyễn, đặc biệt là hai vị hoàng đế đầu tiên là Gia Long và Minh Mạng đã rất có lý khi muốn Phú Xuân, khi chuyển Phú Xuân thành kinh đô Huế của cả nước Đại Nam. Huế lúc đó có vai trò cực kỳ quan trọng của một trung tâm đầu não về mặt chính trị của cả nước. Một triều đình rất công phu được xây dựng, mà đứng đầu là các vị vua chuyên chế, rồi các bộ máy và các hạng mục kinh thành cũng đã được thiết kế và ổn định..
Từ năm 1802 đến 1945, Huế là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất dưới sự trị vì của 13 đời vua nhà Nguyễn. Cũng vào thời gian này, tại đây đã hình thành các công trình kiến trúc lịch sử văn hoá có giá trị. Có thể kể đến ở phía bờ Bắc của con sông Hương là hệ thống kiến trúc biểu thị cho quyền uy của chế độ trung ương tập quyền Nguyễn gồm ba tòa thành: Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử Cấm thành Huế lồng vào nhau, được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc. Hệ thống thành quách ở đây là một mẫu mực của sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc Đông và Tây, được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên kỳ thú với nhiều yếu tố biểu tượng sẵn có tự nhiên đến mức người ta mặc nhiên xem đó là những bộ phận của Kinh thành Huế - đó là núi Ngự Bình, dòng Hương Giang, cồn Giã Viên, cồn Bộc Thanh [...]
Ngoài ra, những địa danh tô điểm thêm nét đẹp của quần thể di tích Cố đô Huế có thể kể đến là: Sông Hương, Núi Ngự, Chùa Thiên Mụ, Bạch Mã, Lăng Cô, Thuận An,... Tại phiên họp lần thứ 17 của Uỷ ban Di sản thế giới tại Colombia năm 1993, UNESCO khi quyết định công nhận quần thể di tích Cố đô Huế là di sản văn hoả của nhân loại, đã khẳng định giá trị mang tính toàn cầu của quần thể di tích Cố đô Huế. Theo đó, quần thể di tích Cố đô Huế tiêu biểu cho những thành tựu nghệ thuật độc đáo, là những kiệt tác do bàn tay con người tạo dựng, có giá trị to lớn về mặt kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật kiến trúc.
(Thu Hoa - VOV5 20/5/2018)
https://vovworld.vn/vi-VN/viet-nam-dat-nuoc-con-nguoi/quan-the-di-tich-co-do-hue-di- san-van-hoa-the-gioi-645392.vov
Thực hiện các yêu cầu sau:
1. Xác định nội dung thông tin của văn bản.
2. Xác định loại phương tiện phi ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản và nêu vai trò của chúng trong việc cung cấp thông tin về di tích Cố đô Huế.
3. Văn bản Quần thể di tích Cố đô Huế - di sản văn hóa thế giới thể hiện những đặc điểm nào của kiểu văn bản giới thiệu một di tích lịch sử?
4. Phân tích mối quan hệ giữa nhan đề Quần thể di tích Cố đô Huế- di sản văn hóa thế giới với các thông tin cơ bản của văn bản?
5. Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hoá của nhân loại, thông tin này tác động tới em như thế nào? Vì sao?
Đáp án:
1: Nội dung thông tin của văn bản
- Giới thiệu chung về Cố đô Huế.
- Giới thiệu lịch sử hình thành và cấu trúc của Cố đô Huế.
- Giới thiệu Cố đô Huế được UNESCO công nhận quần thể di tích Cố đô Huế là di sản văn hoá của nhân loại (năm 1993)
2.
- Loại phương tiện phi ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản là: Hình ảnh.
- Vai trò: cung cấp hình ảnh một cách trực qua, làm người đọc dễ hình dung hơn về di tích Cố đô Huế cụ thể là hình ảnh Đại Nội Huế về đêm.
3. Những đặc điểm của kiểu văn bản giới thiệu một di tích lịch sử thể hiện trong văn bản là:
- Mục đích viết: Cung cấp thông tin về Quần thể di tích Cố đô Huế- di sản văn hóa thế giới.
- Cấu trúc: Có đầy đủ 3 phần: mở đầu,nội dung, kết thúc.
- Về hình thức: Sử dụng các đề mục để làm nổi bật thông tin chính; sử dụng từ
ngữ chuyên ngành; hình ảnh minh hoạ; yếu tố miêu tả...
- Cách trình bày thông tin: Theo trật tự thời gian.
4.
- Mối quan hệ giữa nhan đề và các thông tin cơ bản của văn bản chặt chẽ logic.
+ Các thông tin cơ bản trong văn bản đều cung cấp thông tin về di tích lịch sử Cá đô Huế và tập trung làm rõ nhan đề Quần thể di tích Cố đô Huế- di sản văn hóa thế giới.
+ Nhan đề Quần thể di tích Cố đô Huế- di sản văn hóa thế giới đã làm nổi bật và khái quát được nội dung của toàn văn bản.
5. Thông tin: Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hoá của nhân loại, tác động đến tình cảm, nhận thức và hành động.
+ Em cảm thấy tự hào, yêu mến vì đất nước mình có di sản văn hóa được thế giới công nhận.
+ Em nhận thấy mình cần phải có trách nhiệm tìm hiểu và góp phần bảo vệ các di sản văn hóa của đất nước. Vì đó là trách nhiệm của công dân đối với di sản của đất nước.
+ Nếu có cơ hội em sẽ quảng bá di sản văn hóa Huế tới bạn bè trong và ngoài nước. Vì em mong muốn mọi người biết đến Huế và thu hút khách du lịch đến Huế.
+ Em sẽ tuyên truyền tới mọi người về việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Cố đô Huế. Vì đây là việc làm thiết thực để bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị của di sản.
Câu 3: Đọc văn bản:
VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM: BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA CỦA VIỆT NAM
(LĐTĐ) Nhắc đến những công trình kiến trúc độc đáo của Hà Nội không thể không nhắc đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám (tọa lạc tại số 58 Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội). Trải qua hơn 1.000 năm với những biến thiên của lịch sử, Văn Miếu vẫn vẹn toàn được nét cổ kính, tôn nghiêm.
Công trình kiến trúc độc đáo
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một quần thể kiến trúc ấn tượng được xây dựng từ thời nhà Lý. Với bề dày lịch sử cùng với nét kiến trúc cổ độc đáo, Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xem là một trong những di sản đặc biệt của quốc gia. Khu di tích này cũng là một trong những điểm du lịch Hà Nội nổi tiếng được du khách gần xa mến mộ.
Cũng giống như nhiều công trình khác, Văn Miếu - Quốc Tử Giám trải qua nhiều triều đại với những hưng thịnh, tàn suy cùng nhiều lần tu tạo, đổi tên mới có vị trí và không gian kiến trúc như hiện tại. Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là một minh chứng lịch sử mà còn trở thành một biểu tượng văn hoá của Việt Nam.
Lối kiến trúc phương Đông với sự ảnh hưởng đậm đặc của Nho - Phật giáo thể hiện rõ nét trong từng chi tiết của không gian. Từ chất liệu (chủ yếu là gỗ lim, gạch nung và ngói mũi hài,...) cho đến những lớp ngói, hoa văn đều được trang trí một cách tỉ mỉ và sang trọng.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám được biết đến là trường đại học đầu tiên của khu vực Đông Nam Á xây dựng tại kinh thành Thăng Long xưa, đây là nơi hội tụ những giá trị văn hoá, lịch sử của dân tộc.
Văn Miếu được xây dựng vào năm 1070 (đời vua Lý Thánh Tông) là nơi thờ các thánh hiền đạo nho (Khổng Tử, Mạnh Tử...). Năm 1076, Lý Nhân Tông lập thêm Quốc Tử Giám ở phía sau, ban đầu là nơi học của các hoàng tử, sau mở rộng thu nhận cả những học trò giỏi trong thiên hạ. Đến đời Vua Trần Minh Tông (1314 - 1329), nhà giáo Chu Văn An được cử làm quan Quốc Tử Giám Tư nghiệp (Hiệu trưởng) và thầy dạy trực tiếp cho các hoàng tử.
Năm 1370, sau khi ông mất, vua Trần Nghệ Tông đã cho thờ ở Văn Miếu bên cạnh Khổng Tử. Năm 2010, 82 bia đá các khoa thì tiến sĩ triều Hậu Lê và Mạc ở Văn Miếu Quốc Tử Giám - địa điểm du lịch Hà Nội duy nhất được công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.
Quần thể kiến trúc nơi đây bao gồm: Hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám. Trong đó, kiến trúc chủ thể là Văn Miếu (nơi thờ Khổng Tử) và Quốc Tử Giám. Với hơn 700 năm hoạt động, đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước, Quốc Tử Giám là biểu tượng cho nền khoa cử thời phong kiến.
Không gian Văn Miếu được chia thành 5 lớp được gắn kết bởi các bức tường gạch có cửa thông. Khu vực thứ nhất từ Văn Miếu Môn (cổng vào Văn Miếu) vào là khu Nhập Đạo với 3 gian lợp ngói và 3 cổng chính là Đại Trung, Thành Đức và Đạt Tài.
Khu vực thử 2 trong quần thể Văn Miếu là Khuê Văn Các. Sử sách ghi lại Khuê Văn Các được xây dựng từ năm 1805 với kiến trúc độc đáo - tượng trưng cho hình ảnh sao Khuê tỏa sáng trên bầu trời. Ngày nay Khuê Văn Các là hình ảnh biểu trưng cho Hà Nội cũng như nét đẹp văn hóa - kiến trúc Việt.
Tiếp theo Khuê Văn Các là khu Bia Tiến Sĩ. Nơi đây ghi danh 1.307 vị Tiến sĩ của khác 82 khoa thi từ triều Lê (từ khoa thi 1442 đến thời Nguyễn). Bia Tiến Sĩ được chạm tinh xảo bằng loại đá xanh trên lưng rùa tượng trưng cho sự biết ơn, tôn trọng tới các bậc kì tài của đất nước. Khu thứ tư trong nội tự Văn Miếu Quốc Tử Giám là là sân Đại bái. Trước đây nơi này thờ bài vị của 72 học trò xuất sắc của Khổng tử và thầy giáo nổi tiếng Chu Văn An. Cuối cùng là nhà Thái Học, chính là trường Quốc Tử Giám xưa. Tên Thái Học được vua Lê Hiển Tông đổi vào năm 1785 và được gọi cho đến ngày nay.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám có tường bao quanh xây bằng gạch Bát Tràng. Bên trong khung tường, những mái kiến trúc cổ ẩn hiện dưới cành lá sum suê của những tán cây cổ thụ khiến cho nơi đây mang một cảnh sắc hoàn toàn khác biệt với bên ngoài, tạo sự thu hút đặc biệt đối với du khách.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám bây giờ không chỉ là một địa chỉ tham quan, mà từng bước trở thành một không gian văn hóa với nhiều hoạt động phong phú, sinh động, điển hình như các chương trình giáo dục di sản, các cuộc triển lãm, trưng bày, các cuộc thi tìm hiểu, sáng tác về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, về thầy giáo Chu Văn An - người thầy tiêu biểu của đất nước Việt Nam...
(Hà Phong, Báo Lao động Thủ đô, ngày 09/07/2023) https://laodongthudo.vn/bai-4-van-mieu-quoc-tu-giam-bieu-tuong-van-hoa-cua-viet- nam-158030.html
Thực hiện các yêu cầu sau:
1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
2. Phần sapo in đậm trong văn bản đã trình bày những thông tin cơ bản nào?
Nhắc đến những công trình kiến trúc độc đáo của Hà Nội không thể không nhắc đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám (tọa lạc tại số 58 Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội). Trải qua hơn 1.000 năm với những biến thiên của lịch sử, Văn Miếu vẫn toàn được nét cổ kính, tôn nghiêm.
3. Văn bản Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Biểu tượng văn hoá của Việt Nam thể hiện những đặc điểm nào của kiểu văn bản giới thiệu một di tích lịch sử?
4. Phân tích mối quan hệ giữa nhan đề Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Biểu tượng văn hoá của Việt Nam với các thông tin cơ bản của văn bản.
5. Theo em di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám có ý nghĩa gì với thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay?
Đáp án:
1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Thuyết minh
2. Phần sapo in đậm trong văn bản đã trình bày những thông tin: Giới thiệu về vị trí địa lí, lịch sử tồn tại và là công trình kiến trúc độc đáo, cổ kính, tôn nghiêm của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
3. Những đặc điểm của kiểu văn bản giới thiệu một di tích lịch sử thể hiện trong văn bản là:
- Mục đích viết: Cung cấp thông tin về kiến trúc độc đáo của Văn Miếu - Quốc Tử Giám
- Cấu trúc: Có đầy đủ 3 phần.
+ Phần mở đầu: giới thiệu khái quát về Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
+ Phần nội dung: Giới thiệu các nội dung liên quan đến kiến trúc, lịch sử hình thành, vẻ đẹp, cảnh quan,...của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
+ Phần kết thúc: Nhận xét khái quát về giá trị của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Về đặc điểm hình thức.
+ Sử dụng các đề mục để làm nổi bật thông tin chính như là: nhan đề, sapo.
+ Một số từ ngữ chuyên ngành.
+ Yếu tố miêu tả.
- Cách trình bày thông tin theo trật tự thời gian và phân loại đối tượng.
4. Mối quan hệ giữa nhan đề và các thông tin cơ bản của văn bản rất chặt chẽ logic.
- Các thông tin cơ bản trong văn bản đều cung cấp thông tin về di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám và tập trung vào kiến trúc độc đáo để làm rõ nhan đề Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Biểu tượng văn hoá của Việt Nam.
- Nhan đề Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Biểu tượng văn hoá của Việt Nam đã làm nổi bật và khái quát được nội dung của toàn văn bản.
5. Ý nghĩa của di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám đối với thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay.
- Giáo dục thế hệ trẻ hiểu được truyền thống hiếu học và khát vọng đạt được đỉnh cao tri thức của dân tộc.
- Những thông điệp cha ông ta gửi lại ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn còn nguyên giá trị về giáo dục, đào tạo, trọng dụng hiền tài và từ đó đặt ra vấn đề về nghĩa vụ, trách nhiệm của hiền tài đối với nhân dân, đối với đất nước.
- Nhắn nhủ tới thế hệ trẻ về tinh thần học tập, giữ gìn, phát huy những giá trị, truyền thống tốt đẹp của lịch sử dân tộc.
Câu 4: Đọc văn bản:
Lễ hội đền Trần Nam Định là lễ hội truyền thống được tổ chức tại Khu di tích đền Trần – chùa Phổ Minh phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Định và một số khu vực lân cận. Hàng năm, lễ hội đền Trần Nam Định thường diễn ra hai kỳ lễ hội tổ chức vào dịp đầu xuân (tháng Giêng) và mùa thu (tháng Tám) với quy mô rộng lớn, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân địa phương và du khách, bản hội ở khắp các vùng miền của đất nước tham gia. Do đó, chủ thể của Lễ hội đền Trần Nam Định bao gồm cộng đồng dân cư của làng Tức Mặc - nơi sáng tạo, bảo tồn của lễ hội và các làng xã lân cận trong khu vực có di tích liên quan đến nhà Trần mà đại diện là các thủ từ, thủ nhang, những thành viên của Ban quản lý di tích; những người thực hành nghi lễ và du khách thập phương.
Theo các tư liệu lịch sử, trước đây lễ hội xuân thường diễn ra trong 3 ngày từ 14 đến 16 tháng Giêng, với các nghi lễ: rước kiệu; khai ấn; rước nước, tế cá... Trong đó, lễ Khai ấn tổ chức vào giờ Tý đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng hiện nay được mở rộng thành một nghi lễ riêng rất trọng thể. Lễ Khai ấn là một tục cổ truyền đã được nhân dẫn làng Tức Mặc gìn giữ, duy trì qua nhiều thế hệ. [...] mỗi nghệ là tệ)
Sau lễ hội xuân, tại không gian đền Trần - chùa Tháp còn diễn ra lễ hội mùa thu (Tháng Tám) với nhiều nghi lễ và sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, đa dạng. Trước kia, hội tháng Tám được dân làng cử hành trọng thể trong 3 ngày (từ ngày 19 đến ngày 21) tại đền Cố Trạch để kỷ niệm ngày mất của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn – vị anh hùng dân tộc, được dân tộc Việt Nam tôn vinh làm Cửu Thiên Vũ Đế, là Đức Thánh Cha trong tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam (Tháng Tám giỗ Cha, Tháng Ba giỗ Mẹ). [..] Nghi lễ tổ chức trong hội tháng Tám gồm: lễ rước; lễ dâng hương; lễ tế nam quan, nữ quan... Ngoài ra, trong thời gian diễn ra lễ hội, tại di tích thường tổ chức các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hoá, văn nghệ như: múa rồng, lân, sư tử, múa rối nước, đấu vật, biểu diễn võ thuật truyền thống, chọi gà, thi đấu cờ người...
Lê hội đền Trần Nam Định có lịch sử tồn tại từ lâu đời, được tổ chức để tưởng niệm đến nguồn gốc Tổ tiên, các vị vua triều Trần và anh hùng dân tộc Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Về dự lễ hội, các du khách được tìm hiểu về lịch sử truyền thống vương triều Trần, đặc biệt là Hành cung Thiên Trường với các cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa, những điền trang, thái ấp của các vương tôn quý tộc, có vị thế như kinh đô thứ hai của quốc gia Đại Việt (sau kinh thành Thăng Long) vào thế kỷ XIII - XIV. Đồng thời, tìm hiểu về cách trị quốc an dân, những định hướng tư
tưởng chính trị, quân sự, các chính sách quan trọng về đào tạo, trọng dụng nhân tài, chính sách trọng nông, khai hoang lấn biển... Đây là những bài học, kinh nghiệm hữu ích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Thông qua các hoạt động trong hội, có thể thấy được tư tưởng tình cảm của nhân dân, cộng đồng đối với những người có công với dân với nước, người anh hùng dân tộc. Đó chính là truyền thống “uống nước nhớ nguồn” mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Từ đó, khích lệ tinh thần đoàn kết, tình yêu thương gắn bó các thành viên trong cộng đồng để cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp. [...]
(Lễ hội Đền Trần Nam Định - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 08/05/2019, Tổng hợp, biên tập Phạm Kim Yến, https://baotangtinhnamdinh.vn/tin-tuc growlg ofbob detail.aspx?id=59)
Thực hiện các yêu cầu sau:
1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
2. Lễ hội đền Trần Nam Định được tổ chức vào thời gian nào?
3. Nêu những hoạt động chính thường được tổ chức trong lễ hội đền Trần.
4. Ý nghĩa của việc tổ chức lễ hội đền Trần là gì?
5. Em hiểu nghĩa các từ Cha, Mẹ trong câu ca Tháng Tám giỗ Cha, Tháng Ba giỗ Mẹ như thế nào?
6. Quan điểm, thái độ của người đưa tin được thể hiện như thế nào qua văn bản trên? Chi tiết nào giúp em nhận ra điều đó?
7. Theo em, mỗi cá nhân chúng ta có phải là chủ thể của lễ hội không? Chúng ta cần phải làm gì để góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa này của địa phương?
Đáp án:
1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản: thuyết minh
2. Lễ hội đền Trần Nam Định được tổ chức vào thời gian: Đầu xuân (từ ngày 14 đến 16 tháng Giêng); Mùa thu (từ ngày 19 đến ngày 21 tháng Tám)
3. Những hoạt động chính được tổ chức trong lễ hội đền Trần là: rước kiệu; khai ấn; rước nước, tế cả
4. Ý nghĩa của việc tổ chức lễ hội đền Trần là:
- Tưởng niệm đến nguồn gốc Tổ tiên, các vị vua triều Trần và anh hùng dân tộc Quốc ng Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn
- Các du khách được tìm hiểu về lịch sử truyền thống vương triều Trần, đặc biệt là Hành cung Thiên Trường với các cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa, những điều trang, thái ấp của các vương tôn quý tộc, có vị thế như kinh đô thứ hai của quốc gia Đại Việt (sau kinh thành Thăng Long) vào thế kỷ XIII – XIV.
- Các du khách được tìm hiểu về cách trị quốc an dân, những định hướng tư tưởng chính trị, quân sự, các chính sách quan trọng về đào tạo, trọng dụng nhân tài, chính sách trọng nông, khai hoang lấn biển.... Từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm hữu ích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
- Thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. - Khích lệ tinh thần đoàn kết, tình yêu thương gắn bó các thành viên trong cộng đồng để cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.
5. Em hiểu các từ Cha, Mẹ trong câu ca: Tháng Tám giỗ Cha, Tháng Ba giỗ Mẹ là:
- Cha là Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn/ Trần Hưng Đạo. Mẹ là Thánh Mẫu Liễu Hạnh/ Bà chúa Liễu Hạnh/ Công chúa Liễu Hạnh.
- Đó là các bậc thánh nhân có công xây dựng và bảo vệ đất nước, đem lại cuộc
sống ấm no, hạnh phúc cho muôn dân.
6.
- Quan điểm, thái độ của người đưa tin: Tôn trọng, tự hào về truyền thống văn hóa này của địa phương. Mong muốn nhiều người hiểu biết và đến được lễ hội.
- Những chi tiết biểu hiện: Tác giả đã cung cấp rất chi tiết về thời gian, địa điểm, ý nghĩa của lễ hội với cách viết trang trọng (HS có thể nêu cụ thể).
7.
- Mỗi cá nhân chúng ta là chủ thể của lễ hội.
- Chúng ta cần phải làm những việc sau để góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa này của địa phương: Tôn trọng truyền thống văn hóa này của địa phương; Quảng bá lễ hội này đến với bạn bè trong nước và thế giới; Có thái độ văn minh, lịch sự khi đi lễ hội.
Câu 5: Đọc văn bản sau
LÂM TUYỀN - DI SẢN THIÊN NHIÊN ĐỘC ĐÁO
(Đoàn Bích Ngọ)
Hồ Tuyền Lâm cách trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng) chừng 6 km về phía Nam, bên phải đèo Prenn dọc theo Quốc lộ 20, hướng Đà Lạt - TP Hồ Chí Minh. Hồ trước đây nguyên là dòng Suối Tía, thượng nguồn của sông Đạ Tam bắt nguồn từ ngọn Núi Voi hùng vĩ. Hồ Tuyền Lâm được tạo thành bởi một đập nước chắn ngang Suối Tía do Ty Thủy lợi Lâm Đồng được Bộ Thủy lợi đầu tư xây dựng hoàn thành vào năm 1987, nhằm phục vụ việc tưới tiêu cho những cánh đồng lúa và hoa màu ở vùng hạ lưu thuộc huyện Đức Trọng.
Nắng mai trên hồ Tuyền Lâm. Ảnh: Võ Trang
Cũng từ đây, dưới tác động của bàn tay con người, sự kết hợp hài hòa giữa dòng nước đầu nguồn và rừng cây đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt tác với vẻ đẹp hấp dẫn quyến rũ đến lạ kỳ. Chắc cũng chính vì lẽ đó mà hồ được đặt tên là “Tuyền Lâm”, một cái tên khá lãng mạn đúng với sự tác hợp này (“Tuyển” có nghĩa là “suối” và “Lâm” có nghĩa là “rừng”). Một hồ nước mênh mông, quanh năm trong xanh; lưu vực trên 32 km, lòng hồ có nhiều ốc đảo, và nhiều nhánh ăn sâu vào đất liền, có chỗ sâu đến hơn 30m, xung quanh được bao bọc bởi một vùng núi non hùng vĩ. Cảnh quan cũng thật đa dạng, nơi này là đồi thông, nơi kia là rừng già xanh thẳm với đỉnh cao chót vót; nơi đồi trọc thoai thoải với những trảng cỏ chạy dài buông nhẹ tới mép hồ.
Quả thật vậy, nhất là những lúc thả bộ thơ thẩn dưới tán thông xanh vi vút gió ngàn, hoặc ngồi ngắm cảnh sắc hồ thay đổi như bức tranh thủy mặc. Buổi sáng
sương giăng phủ trắng mặt hồ, không gian thật tĩnh lặng với một bầu không khí trong lành thanh khiết. Buổi trưa, mặt hồ sáng bừng lấp lánh như thủy tinh với những làn sóng xô lăn tăn khi có cơn gió nhè nhẹ thổi đủ lay ngọn thông rì rào. Chiều đến, mặt hồ lại chuyển dần sang màu xanh biếc, gió se lạnh và khi bóng hoàng hôn buông xuống, khung cảnh nơi đây lại mờ ảo, huyền hoặc, hư hư, thực thực, lãng mạn vô cùng. Những đêm trăng sáng như dát bạc lên mặt nước và cảnh vật xung quanh, ngồi ven hồ vãn cảnh, câu cá hoặc tản bộ cùng người yêu thì không thú nào bằng.
Trên các đồi núi ở trong khu vực thắng cảnh hồ Tuyền Lâm và những vùng lân cận như Núi Voi, Hòn Bù hiện nay vẫn còn lưu giữ gần như đầy đủ các hầm hào nơi đóng quân của các đơn vị thuộc Khu ủy Khu 6 và Thị ủy Đà Lạt. Ở khu vực rừng già Gia Lâm dọc theo bờ suối Đầu Voi thuộc địa phận xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng còn là nơi phát hiện dấu tích về một di chỉ khảo cổ thời tiền sử từ thời kỳ đồ đá cũ cách đây tới 3-4 vạn năm. Khu vực này có nhiều hốc đá, tảng đá lớn với nhiều hình thù kỳ bí, kéo dài hàng trăm mét lên hướng thượng nguồn nơi tiếp giáp với khu căn cứ cách mạng. Ở đây có những bãi cuội chạy dọc theo triền suối, hẳn đó là nguồn nguyên liệu phong phú để những người xưa chế tác công cụ.
Ở sâu trong khu vực trung tâm của khu căn cứ cách mạng (khu rừng già Gia Lâm), khu núi đá (Núi Voi) còn có những trảng rừng nguyên sinh, có suối nước trong, bãi đá cuội, thác nước với sự đa dạng sinh học của rừng nhiệt đới với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, đặc biệt là thông đỏ và một số chim, thú, lan rừng,... Đặc biệt là đường lên núi có nhiều vách đá dựng rất hiểm trở len giữa tán cây rừng nguyên sinh, dây leo, với nhiều loài lan rừng, quang cảnh đẹp hoang dã và rất lãng mạn. Đỉnh Núi Voi cao 1814,5 m so với mực nước biển, ở đây ta có thể quan sát được cả phía Đông Thành phố Đà Lạt và một phần của huyện Đức Trọng và Đơn Dương. Sinh sống quanh khu vực này còn có buôn làng bà con dân tộc K’Ho với những phong tục, lễ hội rất độc đáo.
Có thể nói, hiếm thấy một di sản văn hóa thiên nhiên hội đủ các giá trị sinh thái, môi trường, lịch sử văn hóa như Tuyền Lâm. Hồ Tuyền Lâm (bao gồm cả thiền viện Trúc Lâm) đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (thuộc loại Danh lam thắng cảnh) theo Quyết định số 1811 của Bộ Văn hóa ngày 30/8/1998. Từ khi được công nhận, chính quyền địa phương đã quan tâm bảo tồn, tôn tạo cảnh quan và định hướng quy hoạch phát triển du lịch. Ngày 15/02/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 205 công nhận Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm là khu du lịch quốc gia.
Đặc biệt, gần đây, Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm vừa được vinh danh là “Khu du lịch tiêu biểu châu Á - Thái Bình Dương” vào ngày 03/8/2023 tại thủ đô New Delli, Ấn Độ trong chương trình diễn đàn “Giao lưu văn hóa và kinh tế Việt Nam - Ấn Độ”. Đây là niềm vinh dự, tự hào và cũng là cơ hội để danh thắng quốc gia hồ Tuyền Lâm - Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm quảng bá hình ảnh, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
(Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam - vietnamtourism.gov.vn)
Trả lời câu hỏi từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn)
1. Lâm Tuyền - di sản thiên nhiên độc đáo thuộc loại văn bản nào? Cho biết những căn cứ để xác định thể loại của văn bản này.
2. Xác định bố cục của văn bản Lâm Tuyền - di sản thiên nhiên độc đáo và chỉ ra mạch kết nối các nội dung đó.
3. Văn bản Lâm Tuyền - di sản thiên nhiên độc đáo có sự kết hợp của những phương thức biểu đạt nào ? Phân tích tác dụng của sự kết hợp ấy.
4. Vì sao Lâm Tuyền được coi là di sản thiên nhiên độc đáo? Tác giả đã sử dụng những yếu tố, thông tin nào để làm nổi bật sự độc đáo của Lâm Tuyền?
5. Từ văn bản Lâm Tuyền - di sản thiên nhiên độc đáo, em hãy nhận xét về sự kết hợp giữa các phương thức biểu đạt trong một văn bản thuyết minh. Hãy đề xuất một tỷ lệ mà em cho là hợp lý.
Đáp án:
1.
- Lâm Tuyền - di sản thiên nhiên độc đáo thuộc loại văn bản thông tin - Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh.
- Những căn cứ để xác định:
+ Nhan đề hương vào một danh lam thắng cảnh.
+ Nội dung: làm rõ nguồn gốc, đặc điểm độc đáo của Lâm Tuyển – một thắng cảnh độc đáo ở tỉnh Lâm Đồng.
+ Phương thức biểu đạt: thuyết minh, biểu cảm, miêu tả.
2.
- Gồm 4 nội dung chính:
+ Địa điểm, vị trí địa lý của Lâm Tuyền.
+ Sự ra đời của Lâm Tuyền.
+ Cấu trúc của Lâm Tuyền.
+ Vị trí của Lâm Tuyền trong du lịch và tương lai.
- Mạch kết nối các nội dung.
+ Nội dung ở 4 phần đều cung cấp thông tin về thắng cảnh Lâm Tuyền.
+ Bốn nội dung làm nổi bật vẻ đẹp độc đáo của Lâm Tuyền.
3.
- Thuyết minh về nguồn gốc, cấu trúc của Lâm Tuyền (HS tự đưa dẫn chứng).
- Dùng yếu tố miêu tả làm rõ đặc điểm của cảnh sắc thiên nhiên của Lâm Tuyền (Khu vực này có nhiều hốc đá, tảng đá lớn với nhiều hình thù kỳ bí, kéo dài hàng trăm mét lên hướng thượng nguồn, nơi tiếp giáp với khu căn cứ cách mạng. “Ở đây có những bãi cuội chạy dọc theo triền suối...).
- Kết hợp miêu tả - biểu cảm thể hiện cảm xúc của người viết trước vẻ đẹp độc đáo, kỳ thú của Lâm Tuyền (Cũng từ đây, dưới tác động của bàn tay con người, sự kết hợp hài hòa giữa dòng nước đầu nguồn và rừng cây đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt tác với vẻ đẹp hấp dẫn, quyến rũ đến lạ kỳ...).
- Tác dụng của sự kết hợp nhiều yếu tố biểu cảm: Vừa cung cấp thông tin cụ thể về một danh lam, khiến độc giả có hình dung cụ thể về đối tượng (màu sắc, hình khối cấu trúc, đường nét...) vừa hoà nhập vào dòng cảm xúc và ấn tượng độc đáo của người viết: cảm xúc trong cảm xúc... khơi dậy niềm tự hào về đất nước, khát vọng chiêm ngưỡng cái đẹp và khát vọng bảo vệ và lưu giữ chúng...
4.
- Lâm Tuyền được coi là di sản thiên nhiên độc đáo (HS bổ sung dẫn chứng và các lý giải riêng của cá nhân).
+ Lâm Tuyền là sự kiến tạo của thiên nhiên và con người -> làm nên một bức tranh thiên nhiên kỳ thú.
+ Sự phong phú về địa lý và các tầng sinh học (hiếm thấy một di sản văn hóa thiên nhiên hội đủ các giá trị sinh thái, môi trường, lịch sử văn hóa như Tuyền Lâm...).
- Tác giả đã sử dụng những yếu tố: cá nhân về Lâm Tuyền (thông tin khoa học).
+ Sự say mê trước vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước.
+ Kết hợp nhiều phương thức biểu đạt...
5.
- Nhận xét về sự kết hợp phương thức biểu đạt:
+ Thuyết minh: Đây là phương thức chính, giúp cung cấp thông tin khách quan, khoa học về Lâm Tuyền, như đặc điểm địa lý, hệ sinh thái, sự hình thành,...
+ Miêu tả: Giúp người đọc hình dung rõ hơn về vẻ đẹp thiên nhiên của Lâm Tuyền, từ màu sắc, âm thanh đến không gian rộng lớn.
+ Biểu cảm: Thể hiện sự trân trọng, tự hào hoặc cảm xúc của tác giả trước vẻ đẹp và giá trị của di sản.
- Đề xuất tỷ lệ hợp lý: Tùy vào mục đích cụ thể của văn bản thuyết minh, nhưng với dạng văn bản giới thiệu di sản thiên nhiên, tỷ lệ có thể là:
+ Thuyết minh: 60% – Cung cấp thông tin chính xác, khoa học.
+ Miêu tả: 30% – Làm sinh động và hấp dẫn nội dung.
+ Biểu cảm: 10% – Tạo sự lôi cuốn, truyền cảm hứng cho người đọc.
Xem thêm các bài viết về định nghĩa và khái niệm môn Văn chọn lọc, hay khác:
- Văn bản thông tin là gì?
- Văn bản thông tin thuyết minh về một hiện tượng tự nhiên là gì?
- Văn bản thông tin giới thiệu về một cuốn sách, bộ phim là gì
- Văn bản thông tin bài phỏng vấn là gì?
- Văn bản thông tin khoa học là gì?
Tủ sách VIETJACK luyện thi vào 10 cho 2k10 (2025):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Đề thi lớp 1 (các môn học)
- Đề thi lớp 2 (các môn học)
- Đề thi lớp 3 (các môn học)
- Đề thi lớp 4 (các môn học)
- Đề thi lớp 5 (các môn học)
- Đề thi lớp 6 (các môn học)
- Đề thi lớp 7 (các môn học)
- Đề thi lớp 8 (các môn học)
- Đề thi lớp 9 (các môn học)
- Đề thi lớp 10 (các môn học)
- Đề thi lớp 11 (các môn học)
- Đề thi lớp 12 (các môn học)
- Giáo án lớp 1 (các môn học)
- Giáo án lớp 2 (các môn học)
- Giáo án lớp 3 (các môn học)
- Giáo án lớp 4 (các môn học)
- Giáo án lớp 5 (các môn học)
- Giáo án lớp 6 (các môn học)
- Giáo án lớp 7 (các môn học)
- Giáo án lớp 8 (các môn học)
- Giáo án lớp 9 (các môn học)
- Giáo án lớp 10 (các môn học)
- Giáo án lớp 11 (các môn học)
- Giáo án lớp 12 (các môn học)