Văn bản thông tin bài phỏng vấn là gì (chi tiết nhất)
Bài viết Văn bản thông tin bài phỏng vấn là gì chi tiết nhất, đầy đủ khái niệm, đặc điểm, cách đọc hiểu & bài tập có đáp án chi tiết giúp bạn nắm vững kiến thức trọng tâm về Văn bản thông tin bài phỏng vấn.
Văn bản thông tin bài phỏng vấn là gì (chi tiết nhất)
1. Khái niệm
- Bài phỏng vấn thuộc văn bản thông tin, trình bày nội dung cuộc trao đổi về một chủ đề nhất định, trong đó người phỏng vấn đặt câu hỏi và người được phỏng vấn trả lời. Có nhiều cách phân loại bài phỏng vấn. Chẳng hạn: về phương pháp phỏng vấn, có bài phỏng vấn cá nhân, bài phỏng vấn nhóm; về cách thức phỏng vấn, có phỏng vấn trực tiếp, phỏng vấn gián tiếp (qua điện thoại hoặc qua thư điện tử).
2. Đặc điểm
- Về bố cục, bài phỏng vấn thường có ba phần:
+ Phần mở đầu: giới thiệu khái quát mục đích và/ hoặc nội dung chính của buổi phỏng vấn.
+ Phần nội dung: lần lượt trình bày hệ thống câu hỏi và câu trả lời liên quan đến vấn đề/ đối tượng cần phỏng vấn.
+ Phần kết thúc: lời cảm ơn và/ hoặc lời chúc của người phỏng vấn.
- Về hình thức, bài phỏng vấn có những đặc điểm sau: phân biệt hệ thống câu hỏi và câu trả lời bằng cách dùng kí hiệu, màu sắc, kiểu chữ,…; sử dụng hệ thống câu hỏi mở và thuật ngữ chuyên ngành, số liệu, dữ kiện,… để thu thập thông tin về vấn đề/ đối tượng cần phỏng vấn; có thể kết hợp các phương tiện phi ngôn ngữ (sơ đồ, hình ảnh, bảng biểu, …) để làm nổi bật những thông tin quan trọng trong câu trả lời.
3. Ví dụ một số văn bản thông tin - bài phỏng vấn
- "Ứng xử thế nào với Chat GPT" – Hoàng Giang
- "Vấn đề bạo lực học đường" – Kim Chiến
- …
4. Cách đọc hiểu một văn bản thông tin - bài phỏng vấn
- Xác định thông tin chung của bài phỏng vấn
Trước khi đọc kỹ nội dung, bạn cần xác định:
+ Tiêu đề bài phỏng vấn: Thể hiện nội dung chính của cuộc phỏng vấn.
+ Người phỏng vấn: Là ai? Họ đại diện cho cơ quan báo chí nào?
+ Người được phỏng vấn: Họ là ai? Có chuyên môn hay vai trò gì trong chủ đề đang thảo luận?
+ Bối cảnh phỏng vấn: Thời gian, địa điểm, hoàn cảnh diễn ra buổi phỏng vấn.
- Xác định mục đích của bài phỏng vấn
+ Bài phỏng vấn nhằm cung cấp thông tin về điều gì?
+ Người được phỏng vấn muốn truyền tải thông điệp gì đến người đọc?
+ Người phỏng vấn có mục tiêu gì khi đặt câu hỏi?
- Phân tích cấu trúc bài phỏng vấn
Một bài phỏng vấn thường có 3 phần:
+ Mở đầu: Giới thiệu về chủ đề và người được phỏng vấn.
+ Nội dung chính: Các câu hỏi và câu trả lời xoay quanh chủ đề.
+ Kết thúc: Tổng kết nội dung, thể hiện quan điểm hoặc định hướng tiếp theo của vấn đề được thảo luận.
Lưu ý:
+ Câu hỏi của người phỏng vấn thường ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề.
+ Câu trả lời của người được phỏng vấn có thể dài hoặc ngắn, tùy thuộc vào tính chất câu hỏi.
+ Có thể có sự tương tác qua lại giữa hai bên để làm rõ vấn đề.
- Đọc hiểu nội dung chi tiết
+ Xác định câu hỏi chính và câu trả lời trọng tâm.
+ Ghi chú lại các thông tin quan trọng, đặc biệt là những số liệu, dẫn chứng hoặc ý kiến quan trọng.
+ Chú ý đến giọng điệu của cả người phỏng vấn và người được phỏng vấn (khách quan, hài hước, nghiêm túc...).
- Đánh giá nội dung bài phỏng vấn
Sau khi đọc xong, hãy tự đặt ra một số câu hỏi để đánh giá bài phỏng vấn:
+ Nội dung phỏng vấn có rõ ràng, dễ hiểu không?
+ Người được phỏng vấn có cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và khách quan không?
+ Cách đặt câu hỏi của người phỏng vấn có hợp lý, logic không?
- Rút ra bài học hoặc nhận thức mới từ bài phỏng vấn
+ Kiến thức mới mà bạn học được là gì?
+ Quan điểm của bạn về vấn đề được thảo luận trong bài phỏng vấn?
+ Bạn có đồng ý với ý kiến của người được phỏng vấn không? Vì sao?
5. Một số bài tập liên quan đến văn bản thông tin - bài phỏng vấn
5.1. Trắc nghiệm
Câu 1: Văn bản phỏng vấn thuộc loại văn bản nào sau đây?
A. Văn bản biểu cảm
B. Văn bản nghị luận
C. Văn bản thông tin
D. Văn bản tự sự
Đáp án: C
Câu 2: Bài phỏng vấn thường được trình bày dưới hình thức nào?
A. Tự sự
B. Hỏi - đáp
C. Biểu cảm
D. Tự luận
Đáp án: B
Câu 3: Mục đích chính của bài phỏng vấn là gì?
A. Giải trí cho người đọc
B. Cung cấp thông tin về một vấn đề thông qua đối thoại
C. Tranh luận về một quan điểm cá nhân
D. Miêu tả một nhân vật hoặc sự kiện
Đáp án: B
Câu 4. Người được phỏng vấn thường là ai?
A. Bất kỳ ai trên đường phố
B. Học sinh, sinh viên
C. Người nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật
D. Người có chuyên môn hoặc liên quan trực tiếp đến vấn đề được đề cập
Đáp án: D
Câu 5: Một bài phỏng vấn thường có mấy phần?
A. 2 phần: Mở đầu và nội dung chính
B. 3 phần: Mở đầu, nội dung chính, kết thúc
C. 4 phần: Mở đầu, nội dung chính, kết thúc, phụ lục
D. 5 phần: Mở đầu, nội dung chính, kết luận, phản biện, ý kiến bổ sung
Đáp án: B
Câu 6: Trong một bài phỏng vấn, người phỏng vấn có vai trò gì?
A. Đưa ra câu hỏi và dẫn dắt cuộc trò chuyện
B. Chỉ lắng nghe mà không đặt câu hỏi
C. Thể hiện quan điểm cá nhân về vấn đề được bàn luận
D. Trả lời các câu hỏi của người được phỏng vấn
Đáp án: A
Câu 7. Đâu là yếu tố quan trọng để đánh giá chất lượng một bài phỏng vấn?
A. Sự nổi tiếng của người được phỏng vấn
B. Số lượng câu hỏi được đặt ra
C. Sự rõ ràng, khách quan và tính hữu ích của thông tin
D. Độ dài của câu trả lời
Đáp án: C
Câu 8. Trong bài phỏng vấn, câu hỏi của người phỏng vấn cần có đặc điểm gì?
A. Ngắn gọn, rõ ràng, phù hợp với chủ đề
B. Càng dài càng tốt để người được phỏng vấn có thể trả lời nhiều thông tin
C. Chỉ cần liên quan đến đời sống cá nhân của người được phỏng vấn
D. Không cần chuẩn bị trước, có thể hỏi tùy ý
Đáp án: A
Câu 9. Vì sao bài phỏng vấn có tính thông tin cao?
A. Vì nó mang tính cá nhân, bày tỏ cảm xúc của người được phỏng vấn
B. Vì nó cung cấp những quan điểm và dữ liệu từ người có chuyên môn hoặc liên quan đến vấn đề
C. Vì nó chỉ tập trung vào một chủ đề giải trí cụ thể
D. Vì nó có thể thay thế hoàn toàn các bài báo khoa học
Đáp án: B
Câu 10: Khi đọc hiểu bài phỏng vấn, điều quan trọng nhất cần làm là gì?
A. Chỉ chú ý đến câu trả lời của người được phỏng vấn
B. Chỉ đọc tiêu đề và kết luận để nắm nội dung
C. Tập trung vào phong cách viết của người phỏng vấn
D. Xác định chủ đề, mục đích và thông tin chính của bài phỏng vấn
Đáp án: D
5.2. Tự luận
Câu 1: Đọc văn bản sau:
ỨNG XỬ THẾ NÀO VỚI CHATGPT?
(Hoàng Giang)
PV: Có ý kiến đưa ra nhận định ChatGPT là mối đe dọa của nhiều ngành nghề, ý ảnh hưởng tới thị trường lao động. Sau khi nhận được yêu cầu, chỉ trong thời gian ngắn, ChatGPT sẽ viết mã, viết bài luận, làm văn, thơ, tìm dữ liệu tổng hợp, viết báo, quảng cáo... Hay học sinh, sinh viên có thể sử dụng phần mềm này để làm bài tập về nhà hay làm luận văn, sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực. Ý kiến của ông về vấn đề này như nào?
PGS.TS. Nguyễn Trường Thắng (Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin): Với sự ra đời của ChatGPT, chúng ta rất khó có thể biết được một tài liệu văn bản do con người làm ra hay do công cụ thông minh như ChatGPT thực hiện. Đây là một thách thức rất lớn cho bộ máy quản lý của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc đánh giá năng lực thực sự của nhân viên.
Liệu thầy cô giáo có thể chấm bài văn của học sinh, sinh viên nếu chúng được viết bởi ChatGPT. Tương tự như vậy, làm sao các nhà quản lý có thể biết được chất lượng nhân viên của mình nếu không thể biết các bản báo cáo, tài liệu do họ dự thảo hay nhờ ChatGPT... Đây sẽ là hiện tượng phổ biến vì yêu cầu về chất lượng và độ sâu chuyên môn đối với các bài viết phổ thông sẽ không cao, ChatGPT hoàn toàn có thể thay thế con người trong những việc này. [...] Tin Với khả năng tự sinh bài viết từ kho tri thức tổng quát, chưa đủ chuyên sâu, ChatGPT chỉ có thể hỗ trợ, thay thế nhân lực ở trình độ sơ cấp (học sinh, sinh viên...). Với những lĩnh vực đòi hỏi tri thức chuyên sâu như viết báo, biên tập viên.... ChatGPT chưa thể thay thế được con người và tôi tin là trong tương lai, kể cả các công cụ thông minh hơn so với ChatGPT cũng không thể làm việc đó.
Bản chất của những tri thức, bí quyết chuyên sâu nằm ở kinh nghiệm của chuyên gia được tích lũy qua nhiều năm. Quan trọng hơn, những bí quyết này không thể số hóa được hoặc rất ít với số lượng không đáng kể trong kho dữ liệu dựng sẵn của OpenAI hay Google. Người dùng cẩn có sự kiểm chứng và tự đánh giá độ xác thực.
PV: Vậy trước những ứng dụng sử dụng trí tuệ nhẫn tạo như ChatGPT, chúng ta nên có cách hành xử như nào, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Trường Thắng: ChatGPT là bước đột phá của trí tuệ nhân tạo. Các tác động của nó gồm cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Do đó, người dùng cần khai thác các giá trị của nó và thận trọng với các mặt trái. Công cụ này giúp con người trả lời hầu hết các câu hỏi trong một thời gian rất ngắn. Nội dung câu trả lời là sự tổng hợp thông tin dựa vào kiến thức mà OpenAI huấn luyện ChatGPT với bộ dữ liệu văn bản có sẵn (trên 300 tỷ từ vựng với số liệu cập nhật tới năm 2021). Do đó người dùng cần có sự kiểm chứng và tự đánh giá độ xác thực của nội dung phản hồi từ ChatGPT.
Với vai trò là công cụ trợ lý, công nghệ trí tuệ nhân tạo như phần mềm ChatGPT chỉ nên được xem xét trong việc hỗ trợ con người thu thập thông tin, kiến thức và đề xuất, tư vấn một câu trả lời “phù hợp” nhất theo quan điểm của bộ dữ liệu văn bản cực lớn ban đầu của OpenAI. Người dùng cần có tư duy phản biện, năng lực đánh giá nội dung thông tin và nên coi đó như một nguồn tham khảo có độ tin cậy nhất định, chứ không phải tuyệt đối.
PV: Mới đây nhất, Ủy viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) Thierry Breton, cho biết EU sẽ áp đặt các quy định mới liên quan đến AI nhằm giải quyết những lo ngại về rủi ro của công cụ chatbot nổi tiếng ChatGPT và bảo đảm người dùng ở châu Âu có thể tin tưởng công nghệ AI. Vậy đối với Việt Nam các cơ quan quản lý cần phải có hành động như thế nào trước việc phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo như hiện nay, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Trường Thắng: Nguy cơ lớn hơn là việc chúng ta sẽ bị phụ thuộc vào công nghệ và kiến thức của các tập đoàn công nghệ toàn cầu. Như đã nói ở trên, với dữ liệu dựng sẵn của OpenAI, nó có ảnh hưởng trực tiếp tới nhận thức của ChatGPT về các mặt kinh tế – văn hóa – xã hội với mỗi chủ thể.
Nếu kho tài liệu này chứa các dữ liệu không phù hợp với hoàn cảnh kinh tế – xã hội của Việt Nam, khả năng cao là ChatGPT sẽ như một “đứa trẻ” bị nhồi các kiến thức, quan điểm không đúng về Việt Nam. Và hệ quả là các phản hồi của nó sẽ không chính xác, dẫn đến nguy cơ nhận thức lệch lạc cho người dùng nếu họ đặt niềm tin quá lớn vào công cụ này.
Mỗi quốc gia, các ngành kinh tế, doanh nghiệp phải tăng cường thông tin, hình ảnh tích cực của mình thông qua nhiều bài viết có nội dung tích cực và số liệu phù hợp, cập nhật. Càng nhiều bài viết được đẩy lên internet thì chúng ta sẽ tăng cường sức mạnh truyền tải nội dung, quan điểm chính thống của Việt Nam tới các công cụ thông minh như Google Search hay ChatGPT để trở thành dữ liệu huấn luyện cơ bản cho các hệ thống học máy của Google hay OpenAI.
Trân trọng cảm ơn ông!
(Chinhphu.vn)
Trả lời câu hỏi từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn)
1. Xác định đề tài/chủ đề, hình thức cuộc phỏng vấn ở văn bản Ứng xử thế nào voi ChatGPT?
2. Văn bản phỏng vấn trên liên quan trực tiếp về một vấn đề thời sự/sự kiện nổi bật nào?
3. Phân tích, nhận xét câu hỏi phỏng vấn của nhà báo Hoàng Giang (chú ý: thông tin, khả năng mở rộng vấn đề).
4. Đọc câu trả lời của PGS.TS. Nguyễn Trường Thắng và trả lời câu hỏi kế tiếp
a) Tác giả lý giải như thế nào về việc học sinh, sinh viên có thể sử dụng phần mềm này để làm bài tập về nhà hay làm luận văn
b) Vì sao PGS.TS. Nguyễn Trường Thắng khẳng định: ChatGPT chưa thể thay thế được con người?
c) Nội dung trả lời nào của PGS.TS. Nguyễn Trường Thắng cho thấy, chúng ta có hành động trước nguy cơ bị phụ thuộc vào công nghệ và kiến thức của các tập đoàn công nghệ toàn cầu?
5. Những thông tin thu được từ bài phỏng vấn này sẽ giúp ích như thế nào cho em trong học tập?
Đáp án:
1.
- Đề tài của văn bản: Trí tuệ nhân tạo (AI).
- Hình thức: Phỏng vấn trực tiếp (gặp mặt, đối thoại).
2.
- Văn bản liên quan trực tiếp về một vấn đề thời sự: Sự ra đời của ChatGPT;
- Vấn đề thời sự: ChatGPT đe dọa nhiều ngành nghề;
- Liên quan đến sự kiện: Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp đặt các quy định mới
liên quan đến AI
3.
- Câu hỏi cung cấp nhiều thông tin và nêu những vấn đề rất cụ thể, chi tiết:
+ ChatGPT là mối đe dọa của nhiều ngành nghề, ảnh hưởng tới thị trường lao động; ChatGPT sẽ viết mã, viết bài luận, làm văn, thơ, tìm dữ liệu tổng hợp, viết báo, quảng cáo .. Hay học sinh, sinh viên có thể sử dụng phần mềm này để làm bài tập về nhà hay làm luận văn, sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực.
- Câu hỏi bám sát diễn biến sự kiện (sự ra đời, ứng dụng, nguy cơ của ChatGPT)
- Câu hỏi đặt ra vấn đề cho nhà quản lý (trong bối cảnh của thế giới đang ứng phó với ChatGPT).
→ Các câu hỏi, câu trả lời gắn bó chặt chẽ, bổ sung cho nhau.
→ Câu hỏi số 3 có khả năng mở rộng vấn đề.
→ Các câu hỏi chứng tỏ sự hiểu biết sâu rộng của phóng viên về hành trình của ChatGPT từ khi xuất hiện đến hiện tại.
4.
a. ChatGPT hoàn toàn có thể thay thế con người trong những việc làm phổ thông, còn yêu cầu về chất lượng và độ sâu chuyên môn cao ChatGPT không đáp ứng được.
→ Nên muốn xử lí vấn đề này, giáo viên phải có trình độ chuyên môn sâu. Tức là giao bài tập, luận văn phải thoát ra khỏi kiến thức phổ thông.
b. ChatGPT được xem xét trong việc hỗ trợ con người thu thập thông tin, kiến thức
- Bản chất của những tri thức, bí quyết chuyên sâu nằm ở kinh nghiệm của chuyên gia, không thể số hóa được hoặc số hóa rất ít với số lượng không đáng kể trong kho dữ liệu dựng sẵn của OpenAI hay Google. Người dùng cần kiểm chứng và tự đánh giá độ xác thực.
c. Mỗi quốc gia, các ngành kinh tế, doanh nghiệp phải tăng cường thông tin, hình ảnh tích cực thông qua nhiều bài viết có nội dung tích cực và số liệu phù hợp, cập nhật.
- Càng nhiều bài viết được đẩy lên internet thì chúng ta sẽ tăng cường sức mạnh truyền tải nội dung, quan điểm chính thống của Việt Nam tới các công cụ thống minh như Google Search hay ChatGPT...
5.
- HS tự trả lời theo nhận thức, năng lực tiếp nhận tri thức mới của cá nhân.
- Yêu cầu câu trả lời phải là những đúc rút có căn cứ từ văn bản đọc.
Câu 2: Đọc văn bản sau:
VẤN ĐỀ BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG
(Kim Chiến thực hiện)
(ĐCSVN) - Thời gian qua, trên mạng internet xuất hiện các video clip liên đến bạo lực học đường. Đây là những hành vi phản cảm trong môi trường học đường gây bức xúc cho xã hội. Vậy dưới góc độ của chuyên gia ngành giáo dục, hiện tượng trên được nhìn nhận như thế nào?
Các hành vi bạo lực, hành hung bạn cùng lớp, cùng trường... có lẽ đã không còn quá cá biệt, hiếm hoi trong môi trường học đường hiện nay. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Phó trưởng Khoa Quản lí (Học viện Quản lí giáo dục).
Phóng viên (PV): Thưa TS. Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, dưới góc độ chuyên môn, Tiến sĩ có thể cho biết nguyên nhân tâm lí cơ bản, mấu chốt của hiện trạng trên là gì?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Hạnh: Theo tôi, hiện trạng trên do một trong nguyên nhân chính sau đây:
Thứ nhất, do sự chuyển biến về tâm lý của bản thân đối tượng từ 12 - 17 tuổi. Đây là giai đoạn hình thành nhân cách ở con người. Cùng với đó là tâm lý không ổn định và cái tôi cá nhân cao (mà không biết sử dụng đúng cách) khiến các em thấy bức bối và muốn giải thoát. Trong giai đoạn này chỉ cần những tác động, kích thích xấu từ thế giới bên ngoài cũng khiến các em học theo.
Thứ hai, do sự phát triển thiếu toàn diện, thiếu hụt về nhân cách, thiếu khả năng ứng xử của bản thân và sự non nớt trong kĩ năng sống, sai lệch trong quan điểm sống, chưa định hình được lí tưởng sống dẫn đến thái độ sai trong nhận thức và hành động.
Thứ ba, do sự giáo dục chưa đúng đắn từ cha mẹ. Một số cha mẹ thường nặng lời quát tháo con cái, ít quan tâm tới con hoặc phụ huynh bị stress và xả stress bằng bạo hành con cái gây ra những tổn thương trong tâm hồn trẻ không thể chữa lành, dẫn đến hình thành những nhân cách méo mó về giá trị sống.
Cuối cùng, do ảnh hưởng từ môi trường văn hóa bạo lực như: Phim ảnh, sách báo, games bạo lực, đồ chơi mang tính bạo lực (kiếm, súng...). Hiện nay, các trò chơi trên mạng internet có tới 77% là trò chơi là đánh nhau, giết người.
Có thể thấy, mỗi người có một phong cách sống khác nhau. Không ai kiểm soát được diễn biến tâm lý xảy ra hằng ngày với người đó. Do vậy, không ai nghĩ đến việc cần ngăn chặn bạo lực học đường từ ngay các bạo lực trong đời sống nội tâm... Nguyên nhân tâm lý bị xem thường đó lại là nguyên nhân chính.
Phóng viên: Để giải quyết được vấn đề bạo lực học đường từ “gốc”, chúng ta cần làm gì, và bắt đầu từ đâu?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Hạnh: Một là, về phía gia đình, cần có sự quan tâm của các bậc cha mẹ. Ít nhất, cha mẹ cần phải nhận ra những biểu hiện tâm lý bất thường ở con cái. Gia đình phải tạo lập cuộc sống hạnh phúc, bình đẳng, không bạo lực. Cha mẹ và người thân phải thấu hiểu con cái để định hướng việc học tập, rèn luyện chứ không đặt ra kỳ vọng quá cao, gây áp lực cho con cái. Khi con chưa thành công phải biết động viên, khích lệ con vượt qua khó khăn chứ không phải mắng nhiếc... Ngay từ bé, các em phải được hưởng sự đối xử dễ chịu trong các cách ứng xử, dạy giải quyết xung đột bằng phương pháp không bạo lực...
Hai là, về phía nhà trường, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương sáng cho các em, chú trọng đến kỹ năng giao tiếp, ứng xử thuyết phục được học sinh. Sự tận tụy, yêu thương chân thành của người thầy sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức và hành vi của các em với mọi người xung quanh.
Nhà trường cần tăng cường hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh hơn là chạy theo bệnh thành tích để áp đặt lên vai các em những ước muốn của người lớn. Cần đưa vào nội dung giáo dục giúp học sinh có được kỹ năng làm chủ cái “tâm”, vốn được xem là “kiến trúc sư” của hành vi.
Trong trường học, cần xây dựng hành vi, giảng giải cho học sinh những hành vị tốt nên làm. Hãy bớt đi các lệnh cấm, thay vào đó là các khẩu hiệu định hướng hành động. Chẳng hạn, “Điều gì mà mình không muốn thì đừng làm với người khác”; “Là một công dân văn minh thì không nói tục, chửi bậy”... Tôi không đồng tình với việc cứ học sinh đánh nhau là đuổi học.
Nhà trường nên lựa chọn biện pháp giáo dục bằng kỷ luật tích cực. Khi các em va vấp, phải cảm hoá các em bằng tình yêu thương, vì chỉ có tình yêu bao dung, nhân hậu mới có thể cảm hóa được con người quay về với chính nghĩa. Các thầy cô giáo, những nhà giáo dục cần hiểu rằng: Những hành vi tiêu cực/mắc lỗi của học sinh thường do những khó khăn mà học sinh gặp phải trong cuộc sống gây ra, tác động đến hành vi của các em. Khó khăn của học sinh có thể bao gồm khó khăn trong học tập, những vấn đề trong gia đình, khi bị đối xử tàn tệ, bị tổn thương tâm lý, bị hiểu lầm...
Ba là, về phía xã hội, phải đề cao vai trò của xã hội, của các tổ chức, đoàn thể, vì đó là những kênh có ảnh hưởng lớn đến các em. Học sinh thì phải có hoạt động đoàn, hội, thông qua đó để giáo dục nhân cách các em. Phải có chiến lược về giáo dục đạo đức học sinh, giáo dục cách ứng xử để học sinh có được những hành vi đúng.
Phóng viên: Xin cảm ơn Tiến sĩ
(dangcongsan.vn)
Trả lời câu hỏi từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn)
1. Xác định đề tài và hình thức của cuộc phỏng vấn trong văn bản Vấn đề bạo lực học đường.
2. Văn bản phỏng vấn trên thuộc loại văn bản phỏng vấn nào sau đây? Dấu hiệu nào để nhận biết điều đó?
- Về một sự kiện nổi bật.
- Về vấn đề thời sự có ý nghĩa xã hội.
- Giới thiệu/khắc họa chân dung của những nhân vật được họ quan tâm.
3. Phân tích, nhận xét câu hỏi phỏng vấn của nhà báo Kim Chiến (chú ý: tính logic và khả năng gợi mở vấn đề).
4. Đọc câu trả lời của TS. Nguyễn Thị Tuyết Hạnh và trả lời các câu hỏi kế tiếp.
a) Đọc nội dung lời dẫn ở câu hỏi, độc giả sẽ chờ đợi điều gì?
b) Câu trả lời của TS. Nguyễn Thị Tuyết Hạnh có đúng trọng tâm không? Nội dung nào thể hiện điều đó ?
c) Nội dung trả lời của TS. Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho công chúng thấy nguyên nhân nào dẫn đến bạo lực học đường chưa được chú ý?
5. Bài phỏng vấn trên có mục đích, ý nghĩa như thế nào? Bài phỏng vấn đã đến cho em những thông tin quý giá nào?
Đáp án:
1.
- Đề tài: bạo lực học đường.
- Hình thức: Phỏng vấn trực tiếp.
2.
- Thuộc loại văn bản phỏng vấn về vấn đề thời sự có ý nghĩa xã hội: Bạo lực học đường.
- Dấu hiệu nhận biết: toàn bộ đoạn sapo, câu hỏi, câu trả lời và nhan đề văn bản đều đề cập đến các khía cạnh của vấn đề bạo lực học đường.
+ Phần dẫn ở đầu bài báo:
+ Trong các câu hỏi của phóng viên Kim Chiến (HS tóm tắt ngắn gọn dẫn chứng).
+ Nội dung trả lời của Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Phó trưởng Khoa Quản lí (Học viện Quản lí giáo dục) (HS tóm tắt ngắn gọn dẫn chứng).
3.
Câu hỏi phỏng vấn của nhà báo Kim Chiến:
+ Thưa Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, dưới góc độ chuyên môn, Tiến sĩ có thể cho biết nguyên nhân tâm lí cơ bản, mấu chốt của hiện trạng trên là gì?
+ Để giải quyết được vấn đề bạo lực học đường từ “gốc”, chúng ta cần làm gì, và bắt đầu từ đâu?
- Tính logic và khả năng gợi mở vấn đề của câu hỏi
+ Tính logic: câu hỏi 1 kết nối với vấn đề gợi ra từ mở đầu cuộc phỏng vấn (Các hành vi bạo lực -> Mấu chốt của hiện trạng trên là gì; Kết nối logic từ câu hỏi 1 sang câu hỏi 2 (từ hiện trạng đến giải quyết vấn đề...).
-> Các câu hỏi, câu trả lời gắn bó chặt chẽ, bổ sung cho nhau.
- Câu hỏi số 2 có khả năng mở rộng vấn đề: Để giải quyết được vấn đề bạo lực học đường từ “gốc”, chúng ta cần làm gì, và bắt đầu từ đâu
-> Các câu hỏi có phạm vi chủ đề rõ ràng, để đem đến cho công chúng những thông tin đáng tin cậy, giải đáp được vấn đặt ra trong bài phỏng vấn.
-> Câu hỏi và câu trả lời tạo nên nhịp điệu và sự tương tác, dẫn dắt bạn đọc một cách uyển chuyển, logic.
4.
a. Độc giả chờ đợi: nguyên nhân chính dẫn đến nạn bạo lực học đường và giải pháp khả thi để ngăn chặn bạo lực học đường hiện nay.
b. Câu trả lời của TS. Nguyễn Thị Tuyết Hạnh đúng trọng tâm, rõ ràng bởi đã điểm lần lượt các nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường và giải pháp cụ thể để ngăn chặn hiện tượng bạo lực học đường hiện nay.
c. Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường chưa được chú ý: không ai nghĩ đến việc cẩn ngăn chặn bạo lực học đường từ ngay các bạo lực trong đời sống nội tâm... Nguyên nhân tâm lý bị xem thường đó lại là nguyên nhân chính.
5.
- Mục đích của bài phỏng vấn:
+ Để độc giả hiểu rõ các nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường và giải pháp cụ thể để ngăn chặn hiện tượng bạo lực học đường hiện nay.
+ Để HS, thầy cô giáo và các nhà quản lý giáo dục nhận thức tận gốc vấn đề, cùng chung tay giải quyết vấn nạn bạo lực học đường.
- Ý nghĩa của bài phỏng vấn:
+ Quan tâm và nếu vấn đề nóng ở trường học.
+ Chứng tỏ các chính quyền, các chuyên gia đều quan tâm đến lứa tuổi học sinh, giáo dục của nước nhà.
+ Vấn đề bạo lực học đường được nhìn nhận, phân tích thấu đáo bởi các chuyên gia tâm lý khiến người đọc hiểu rõ hơn về bạo lực học đường.
- Bài phỏng vấn đã mang đến cho em những thông tin quý giá: HS tự trả lời theo nhận thức và góc nhìn, quan điểm của cá nhân.
Câu 3: Đọc văn bản sau:
CẬU BÉ 11 TUỔI PHỎNG VẤN TỔNG THỐNG MỸ
(Benjamin Ngo lược dịch theo ABC News)
* Một số thông tin về cuộc phỏng vấn
Cậu bé Damon Weaver đã khiến giới truyền thông quốc tế xôn xao sau khi thực hiện cuộc phỏng vấn Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay tại Nhà Trắng. Phỏng vấn Tổng thống Mỹ là một cơ hội mà không phải phóng viên kỳ cựu nào cũng có thể thực hiện được một lần trong đời. Một cuộc phỏng vấn riêng ngay tại Nhà Trắng là điều khó khăn gấp bội. Nhưng một học sinh 11 tuổi ở tiểu bang Florida đã làm được điều đó.
Vào ngày 13/8/2009, cậu bé Damon Weaver đã có cuộc phỏng vấn kéo dài 10 phút với người đứng đầu nước Mỹ tại Nhà Trắng. Với bộ đồ vét, cà vạt y như một quý ông, Weaver tự tin bước vào phòng Ngoại giao ở Nhà Trắng để thực hiện cuộc phỏng vấn để đời.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn
Tổng thống Barack Obama: “Ồ, xin chào ngài, hân hạnh được gặp ngài. Trông ngài rất chững chạc với bộ trang phục này”.
? Thưa tổng thống, được biết ngài dự định sẽ nói chuyện về giáo dục, ngài có thể cho chúng tôi biết cụ thể về điều này?
Tổng thống Barack Obama: “Vào ngày 8/9, khi các bạn trẻ trên khắp đất nước bắt đầu trở lại trường, tôi sẽ có một bài phát biểu lớn về tầm quan trọng của giáo dục, về tầm quan trọng của việc đi học, về phương pháp cải tiến hệ thống giáo dục và tại sao điều đó quan trọng đối với đất nước này”. nsnd
? Ngài có thẩm quyền nâng cao chất lượng các bữa ăn trưa tại trường không?
- Tổng thống Barack Obama: Ồ, bạn biết đấy, tôi nhớ mình cũng từng ăn trưa tại trường, đôi khi đồ ăn không được ngon. Tôi phải thừa nhận điều đó. Chúng tôi đang tìm hiểu xem có thể làm điều gì để ít nhất nâng cao giá trị dinh dưỡng của các bữa ăn trưa. Các bữa ăn trưa tại trường có nhiều khoai tây chiên, pizza, khoai tây xay. Tất cả những thứ này không làm nên một bữa ăn cân đối. Vì thế chúng tôi muốn đảm bảo rằng sẽ có thêm trái cây và rau trong trường. Trẻ con có thể không thích nhưng điều này thực sự tốt.
? Tôi đề nghị là nên có khoai tây chiên và xoài trong các bữa trưa.
- Tổng thống Barack Obama: Bạn biết đấy. Nếu bạn là người lên kế hoạch cho các bữa ăn trưa, điều bắt buộc là thức ăn phải ngon miệng, nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ giúp bạn lớn và khỏe như bạn muốn. Điều mà chúng tôi muốn là đảm bảo thức ăn vừa ngon miệng vừa tốt cho sức khỏe.
? Được biết là tổng thống cũng thường bị bắt nạt. Ngài xử lý chuyện này thế nào?
- Tổng thống Barack Obama: Tôi bị bắt nạt, ý bạn là người ta nói điều không tốt về tôi chứ gì? Ồ, bạn biết đấy, tôi nghĩ là khi bạn trở thành tổng thống, bạn sẽ chịu trách nhiệm về nhiều thứ. Nhiều người gặp khó khăn và họ phát cáu. Và, bạn biết đấy, tôi luôn cố gắng tập trung để làm việc tốt, phải cố gắng thấu hiểu rằng đôi khi người ta có thể nổi cáu về điều gì đó. Nhưng nếu tôi làm việc tốt, tôi làm hết mình, tôi luôn tìm cách giúp đỡ mọi người, thì tôi sẽ có thể xử lý mọi chuyện dễ dàng.
Damon Weaver: Xin cảm ơn Ngài!
(Benjamin Ngo, Phỏng vấn báo chí. NXB Trẻ, 2013)
Trả lời câu hỏi từ 1 đến 6 (trình bày ngắn gọn)
1. Xác định đề tài/chủ đề, hình thức cuộc phỏng vấn ở văn bản trên.
2. Văn bản phỏng vấn trên liên quan trực tiếp về một vấn đề thời sự/ sự kiện/ nhân vật nổi bật nào? Điều đó sẽ khiến công chúng quan tâm đến nội dung/vấn đề cơ bản nào? (0.25đ)
3. Ai là người mở đầu cuộc phỏng vấn? Nội dung đó đã chứng tỏ điều gì?
4. Đọc lượt phỏng vấn thứ nhất và trả lời các câu hỏi kế tiếp.
a) Câu hỏi phỏng vấn cho độc giả biết điều gì về người phỏng vấn?
b) Câu trả lời của Tổng thống Mỹ Barack Obama có đúng trọng tâm không, có mở ra thông tin mới nào không?
c) Nội dung câu trả lời đã chứng tỏ Tổng thống Mỹ Barack Obama là người như thế nào? Sự thông minh, khéo léo của câu trả lời thể hiện ở điểm nào?
5. Câu hỏi nào chứng tỏ Weaver là một cậu bé luôn chú ý, quan tâm sở trường của lứa tuổi mình? Câu trả lời của Tổng thống có định hướng gì?
6. Những thông tin em thu được, những kinh nghiệm ứng xử em học được từ bài phỏng vấn này?
Đáp án:
1.
- Đề tài: Học đường/Trường học.
- Hình thức phỏng vấn: trực tiếp (gặp mặt đối thoại).
2.
- Liên quan đến sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama nhậm chức (20/01/2009).
- Khiến công chúng quan tâm đến:
+ Tổng thống Mỹ mới - Barack Obama.
+ Sự quan tâm của tổng thống tới giáo dục và trẻ em.
3.
- Tổng thống Mỹ Barack Obama là người chủ động mở đầu cuộc phỏng vấn.
- Nội dung: Ồ, xin chào ngài, hân hạnh được gặp ngài. Trông ngài rất chững chạc với bộ trang phục này.
→ Nội dung đã chứng tỏ Tổng thống Mỹ Barack Obama: rất trân trọng, tôn trọng người phỏng vấn và vui mừng khi được trả lời phỏng vấn.
4.
a. Cấu hỏi phỏng vấn cho độc giả biết về người phỏng vấn:
- Am hiểu về tình hình thời sự gắn với tổng thống mới nhậm chức, biết rõ dự
định, kế hoạch của tổng thống dành cho giáo dục.
- Dám đi thẳng ngay vào vấn đề trọng tâm.
- Cách xưng hô Ngài - chúng tôi -> trịnh trọng, bình đẳng.
b. Câu trả lời của Tổng thống Mỹ Barack Obama:
- Đúng trọng tâm;
- Mở ra thông tin mới: tầm quan trọng của giáo dục, tầm quan trọng của việc đi học, phương pháp cải tiến hệ thống giáo dục...
c. Nội dung câu trả lời đã chứng tỏ Tổng thống Mỹ Barack Obama:
- Rất quan tâm tới giáo dục và trẻ em của đất nước mình, gắn giáo dục với phát triển của đất nước.
- Sự thông minh, khéo léo của câu trả lời: hé lộ thông tin sẽ nói về những vấn đề, khía cạnh nào... nhưng không tiết lộ thông tin cụ thể, sẽ làm mất sức hấp dẫn của bài phát biểu vào ngày khai trường 8/9.
5.
- Weaver: Tôi đề nghị là nên có khoai tây chiên và xoài trong các bữa trưa.
-> Quan tâm nhiều tới sự ngon miệng.
Câu trả lời của Tổng thống có định hướng: Điều mà chúng tôi muốn là đảm bảo thức ăn vừa ngon miệng vừa tốt cho sức khỏe.
-> “Chúng tôi” -> sự quan tâm của Chính phủ tới trẻ em (không riêng Tổng thống); những điều này đã có kế hoạch và sự luận bàn của Chính phủ.
6.
Bài phỏng vấn "Cậu bé 11 tuổi phỏng vấn Tổng thống Mỹ" mang đến nhiều bài học và kinh nghiệm ứng xử quan trọng, giúp em phát triển kỹ năng giao tiếp và học tập. Dưới đây là những điều em có thể rút ra:
- Bài học về sự tự tin
+ Cậu bé 11 tuổi dám đứng trước một người có vị trí quan trọng như Tổng thống Mỹ để đặt câu hỏi.
+ Điều này cho thấy sự chuẩn bị kỹ càng và bản lĩnh, giúp em hiểu rằng nếu có sự chuẩn bị tốt, em cũng có thể tự tin giao tiếp với thầy cô, bạn bè hoặc trong các buổi thuyết trình.
- Kỹ năng đặt câu hỏi thông minh
+ Câu hỏi của cậu bé chắc chắn không hời hợt mà có sự suy nghĩ, chọn lọc kỹ lưỡng.
+ Em học được cách đặt câu hỏi ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn thể hiện sự quan tâm và hiểu biết. Điều này giúp ích khi em phỏng vấn, tranh luận hoặc làm bài tập nhóm.
- Cách lắng nghe và ứng xử khéo léo
+ Khi phỏng vấn, không chỉ đặt câu hỏi, cậu bé còn biết cách lắng nghe câu trả lời một cách chăm chú.
+ Điều này giúp em rèn luyện sự tập trung khi học trên lớp và khi giao tiếp với người khác.
- Sự chủ động trong học hỏi
+ Thay vì chờ đợi ai đó dạy bảo, cậu bé chủ động tìm hiểu thông tin và đặt câu hỏi với người có chuyên môn.
+ Đây là bài học quan trọng trong học tập: thay vì chỉ tiếp nhận kiến thức thụ động, em cần chủ động đặt câu hỏi, tìm kiếm thông tin để mở rộng hiểu biết.
- Tinh thần dám nghĩ, dám làm
+ Không phải ai cũng có cơ hội phỏng vấn một nhân vật lớn, nhưng cậu bé đã mạnh dạn thử sức.
+ Điều này nhắc nhở em rằng nếu có cơ hội, hãy mạnh dạn nắm bắt, đừng sợ thất bại hay e ngại mình chưa đủ giỏi.
=> Từ bài phỏng vấn này, em học được sự tự tin, khả năng đặt câu hỏi thông minh, kỹ năng lắng nghe và tinh thần chủ động học hỏi. Những điều này sẽ giúp em rất nhiều trong học tập và giao tiếp hàng ngày.
Câu 4: Đọc văn bản sau:
CHATGPT – THÁI ĐỘ VÀ CÁCH CHẤP NHẬN CÁI MỚI
(Thu Lương)
[VOV2] - Sau ChatGPT sẽ còn rất nhiều những công cụ hỗ trợ khác. Đó là bước tiến bất khả kháng của trí tuệ nhân tạo. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn tâm thế để đón nhận, tiếp cận khai thác, sử dụng nó một cách thông minh và hiệu quả.
ChatGPT xuất hiện với những tính năng ưu việt hơn hẳn nhiều công cụ làm cho không ít người hoang mang về vai trò của con người rồi đây sẽ ra sao khi trí tuệ nhân tạo AI phát triển một cách bứt phá như vậy? Với Giáo dục và Đào tạo, ChatGPT tác động thế nào đến hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, kiểm tra đánh giá? Mỗi người cần trang bị cho mình những gì để sẵn sàng đón nhận cái mới và ứng dụng nó một cách hiệu quả, tích cực? Đây là nội dung cuộc phỏng vấn của Phóng viên VOV2 với TS. Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học, Viện Khoa học Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
PV: Quan điểm của ông như thế nào về sự xuất hiện của ChatGPT? Theo ông thì nó sẽ có bước đột phá như thế nào đối với ngành giáo dục ?
TS Lê Đông Phương: ChatGPT thực chất là một công cụ, là bước phát triển tiếp theo của công nghệ. Những người sử dụng internet từ lâu thì thì đã biết, các công cụ tìm kiếm trên mạng từ những năm 1995 có AltaVista, sau đó có Yahoo rồi Google. Tôi nghĩ rằng ChatGPT là đại diện cho một thế hệ trí tuệ nhân tạo mới, sẽ giúp cho con người làm chủ được khối lượng kiến thức hiện nay. Bởi vì những năm 80, người ta nói rằng, chỉ mất 10 năm là tri thức loài người được nhân đôi. Đến khoảng năm 2010 thì cho rằng 1 năm và tôi nghĩa rằng đến thời điểm này, sẽ có người bảo rằng chỉ mất nửa năm là tri thức loài người nhân đôi. Rõ ràng khả năng xử lý thông tin của bộ não người sẽ không kịp lượng kiến thức sản sinh ra. Vì vậy những công cụ dạng ChatGPT này thì sẽ giúp chúng ta nắm bắt thông tin, tìm kiếm những điều chưa biết hoặc những điều đã khẳng định trong quá khứ để giảm bớt thời gian phải “học gạo” hoặc lần mò tự tìm kiếm. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là cần phải có những người dùng thật sự thông minh. Và cũng phải hiểu rằng, đây chỉ là một công cụ, không thay thế được tri thức ở trong đầu mỗi người. Người học cần nâng cao năng lực thông qua khả năng phản biện, tìm ra chân lý ở khối lượng thông tin khổng lồ. Giáo viên cũng cần biết cách tìm kiếm và sử dụng thông tin để từ đó phân biệt được đâu là sản phẩm đích thực của học sinh và đầu là sản phẩm máy tạo ra.
PV: Nhiều người lo ngại rằng, việc ra đời ChatGPT sẽ làm lu mờ vai trò của giáo viên. Theo ông, giáo viên cần chuẩn bị như thế nào để có thể khẳng định được vai trò, vị trí của mình?
TS Lê Đông Phương: Như chúng ta đều biết, trong quá khứ, việc tiếp cận thông tin, tri thức còn khó thì giáo viên là người làm chủ, là trung tâm của quá trình dạy học. Nhưng với sự phát triển của công nghệ khoảng 30 năm trở lại đây thì giáo viên không còn là nguồn thông tin chính, mà trở thành cố vấn cho học sinh trong việc tìm kiếm thông tin đúc kết thành tri thức. Để làm được điều đó, giáo viên phải hiểu được quá trình vận động của tri thức và các công nghệ có liên quan, tự cập nhật, nâng cao khả năng của mình trong việc nhận định, đánh giá về kết quả làm việc của học sinh. Đồng thời cũng phải hình dung được, với sự vận động của công nghệ như này thì phải dạy và kiểm tra kiến thức của học sinh như thế nào? Không nên cực đoan, cấm đoán mà phải tiên phong tìm hiểu công nghệ mới và đem vận dụng vào quá trình dạy học.
PV: Như ông nói thì rõ ràng đây là tín hiệu mừng chứ không phải vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, khoảng 10 ngày nay, dư luận rất băn khoăn về sự xuất hiện của công cụ này. Theo ông thì các nhà trường nên có định hướng như thế nào về tiếp thu cái mới và sử dụng nó một cách thông minh?
TS Lê Đông Phương: Tôi nghĩ rằng mọi công nghệ hay mọi phương thức mới khi xuất hiện đều gặp sự phản ứng đôi khi cũng thái quá. Rất đơn giản là vì có những thế hệ cũ không theo kịp, thích ứng được đối với sự thay đổi của xã hội. Thế nhưng những người nắm bắt, làm chủ được công nghệ hay tri thức mới sẽ rất thích thú. Trong trường hợp của ChatGPT, những thanh niên làm chủ được công nghệ sẽ tiết kiệm được thời gian và thu được nhiều thông tin hữu ích. Nhà giáo phải là người tiên phong trong tiếp thu những kiến thức mới và thay đổi hoạt động dạy và học của mình. Còn đối với nhà trường, cần có sự hướng dẫn cho người học và kể cả người dạy trong việc sử dụng công nghệ mới này thông qua trải nghiệm. Tôi nghĩ rằng, làm theo cách đó, giáo viên sẽ nâng được vị thế của mình, hướng học sinh đến những điều tốt đẹp, thay vì để cho các em sử dụng nó vào các việc vô bổ.
PV: Vâng xin cảm ơn ông về những chia sẻ này.
(vov2.vov.vn)
Trả lời câu hỏi từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn)
1. Xác định đề tài/chủ đề, hình thức cuộc phỏng vấn ở văn bản ChatGPT - Thái độ và cách chấp nhận cái mới.
2. Văn bản phỏng vấn trên liên quan trực tiếp về một vấn đề thời sự/sự kiện nổi bật nào? Điều đó sẽ khiến công chúng quan tâm đến nội dung/vấn đề cơ bản nào?
3. Phân tích, nhận xét câu hỏi phỏng vấn của nhà báo Thu Lương (chú ý: tính logic và khả năng gợi mở vấn đề).
4. Đọc câu trả lời của TS Lê Đông Phương và trả lời các câu hỏi kế tiếp.
a) Đọc nội dung lời dẫn ở câu hỏi, độc giả sẽ chờ đợi điều gì?
b) Câu trả lời của TS Lê Đông Phương có đúng trọng tâm không? Nội dung nào thể hiện điều đó?
c) Nội dung trả lời nào của TS Lê Đông Phương cho công chúng thấy: chúng ta không đáng lo ngại trước sự xuất hiện của chat GPT?
5. Những thông tin em thu được từ bài phỏng vấn này sẽ giúp ích như thế nào cho em trong học tập?
Đáp án:
1.
- Đề tài của văn bản: Trí tuệ nhân tạo (AI).
- Hình thức: Phỏng vấn trực tiếp (gặp mặt, đối thoại).
2.
- Văn bản liên quan trực tiếp về một vấn đề thời sự: Sự ra đời của ChatGPT.
- Điều đó sẽ khiến công chúng quan tâm: Liệu ChatGPT có thay thế con người ? Ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề dạy và học của ngành giáo dục và nhiều nghề nghiệp khác có khả năng biến mất, con người sẽ thất nghiệp?
3.
- Câu hỏi phỏng vấn của nhà báo Thu Lương:
+ Quan điểm của ông như thế nào về sự xuất hiện của ChatGPT? Theo ông thì nó sẽ có bước đột phá như thế nào đối với ngành giáo dục?
+ Nhiều người lo ngại rằng, việc ra đời ChatGPT sẽ làm lu mờ vai trò của giáo viên. Theo ông, giáo viễn cần chuẩn bị như thế nào để có thể khẳng định được vai trò, vị trí của mình?
+ ...Theo ông thì các nhà trường nên có định hướng như thế nào về tiếp thu cái mới và sử dụng nó một cách thông minh?
- Tính logic và khả năng gợi mở vấn đề của câu hỏi:
+ Tính logic: Đi từ sự xuất hiện của ChatGPT -> đến đột phá trong ngành giáo dục -> chuyển sang nội dung mở rộng và hướng vào thực trạng: lo ngại ChatGPT làm lu mờ vai trò của giáo viên -> Kết thúc bằng: định hướng như thế nào về tiếp thu cái mới?
-> Các câu hỏi, câu trả lời gắn bó chặt chẽ, bổ sung cho nhau.
- Câu hỏi số 2, 3 có khả năng mở rộng vấn đề:
-> Các câu hỏi có phạm vi chủ đề rõ ràng, để đem đến cho công chúng những thông tin đáng tin cậy, giải đáp được vấn đặt ra trong bài phỏng vấn về ChatGPT trong lĩnh vực giáo dục.
-> Câu hỏi và câu trả lời tạo nên nhịp điệu và sự tương tác, dẫn dắt bạn đọc một cách uyển chuyển, logic.
4.
a. Độc giả chờ đợi những vấn đề gợi ra từ câu hỏi của phóng viên sẽ được giải quyết như thế nào (HS tự đưa dẫn chứng).
b. Câu trả lời của TS Lê Đông Phương đúng trọng tâm, rõ về: sự đột phá.
+ Sự đột phá của ChatGPT trong giáo dục: sẽ giúp chúng ta nắm bắt thông tin, tìm kiếm những điều chưa biết hoặc những điều đã khẳng định trong quá khứ để giảm bớt thời gian phải “học gạo” hoặc lần mò tự tìm kiếm.
+ Vai trò của con người trước ChatGPT: chỉ là một công cụ, không thay thế được tri thức ở trong đầu mỗi người.
c. GV phải nỗ lực hơn: là cố vấn cho học sinh; phải nâng cao trình độ mới thành cố vấn cho học sinh trong việc tìm kiếm thông tin đúc kết thành tri thức; đánh giá được học sinh (giáo viên không còn là nguồn thông tin chính mà trở , viên phải hiểu được quá trình vận động của tri thức và các công nghệ có liên , tự cập nhật, nâng cao khả năng của mình trong việc nhận định, đánh giá về kết quả làm việc của học sinh).
5.
- Bài phỏng vấn này có thể giúp ích cho em trong học tập theo nhiều cách:
+ Phát triển tư duy cởi mở: Bài phỏng vấn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sẵn sàng đón nhận cái mới, điều này giúp em linh hoạt hơn trong việc tiếp thu kiến thức, đặc biệt là trong những môn học có sự đổi mới như Địa lí, Công nghệ, Khoa học.
+ Tăng cường kỹ năng tự học: Khi có thái độ tích cực với sự thay đổi, em sẽ chủ động tìm kiếm thông tin mới, học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau thay vì chỉ dựa vào sách giáo khoa.
+ Ứng dụng công nghệ trong học tập: ChatGPT hay các công cụ trí tuệ nhân tạo khác có thể giúp em tìm hiểu sâu hơn về các chủ đề, giải đáp thắc mắc và hỗ trợ trong việc nghiên cứu, làm bài tập.
+ Phát triển tư duy phản biện: Khi tiếp nhận cái mới, em cần biết cách đánh giá, chọn lọc thông tin thay vì tiếp thu một cách thụ động. Điều này giúp em học tập hiệu quả hơn và tránh bị ảnh hưởng bởi những thông tin sai lệch.
+ Nâng cao sự sáng tạo: Chấp nhận cái mới không chỉ là tiếp thu kiến thức mà còn là biết cách vận dụng để tạo ra điều mới mẻ. Trong học tập, điều này giúp em có nhiều ý tưởng sáng tạo khi làm bài tập nhóm, dự án hay bài viết cá nhân.
- Tóm lại, bài phỏng vấn giúp em hiểu rằng thái độ tích cực và linh hoạt với cái mới sẽ giúp em học tập hiệu quả hơn, chủ động hơn và phát triển nhiều kỹ năng quan trọng.
Câu 5: Đọc đoạn phỏng vấn sau và trả lời các câu hỏi ở dưới:
- Thưa ông, lượng khách đến Cù Lao Chàm đã khá đông nhưng họ kêu ca về sự thiếu tiện nghi, sản phẩm du lịch thô sơ, chưa xứng tầm với một khu bảo tồn thiên nhiên và khu dự trữ sinh quyển thế giới…
Cù Lao Chàm được đưa vào quy hoạch phát triển du lịch nhiều năm, nhưng chúng tôi vô cùng cẩn trọng, chưa có đầu tư lớn. Nhiều nhà đầu tư đã đến với các dự án xây dựng khu nghỉ mát và các dịch vụ giải trí. Nhiều nhà đầu tư nhỏ đến đây mua đất tích trữ đợi thời cơ. Nhưng chúng tôi không để Cù Lao Chàm thành Hội An.
- Ý ông là có điều gì đó không được hài lòng với Hội An hôm nay?
- Bạn có thấy Hội An luôn luôn ở trong trạng thái mỏng manh dễ tổn thương về văn hóa không? Áp lực với chính quyền và người dân nơi đây rất lớn. Du khách đến đem theo nhiều va đập văn hóa, các nhà đầu tư đến đem theo nhiều khát vọng làm ăn chưa chắc đã phù hợp với định hướng phát triển của Hội An.
Đã đến lúc Hội An phải suy tính tiếp đón bao nhiêu khách là vừa. Hiện nay là 1,7 triệu lượt khách mỗi năm mà đã quá tải, tăng thành 3 triệu khách sẽ là nguy cơ mất Hội An. Chúng tôi biết phát triển là trả giá, nhưng trả cái giá nào là phù hợp.
Hội An từ nay sẽ kiên quyết giảm quy mô lễ hội lớn, khôi phục lế hội nhỏ, có chiều sâu, có lợi cho người dân, giữ được nét đẹp truyền thống. Cái gì ngoại lai, truyền thống không có thì chúng tôi dẹp bỏ.
Phải có sản phẩm làm nên hồn vía cho phố cổ. Ví dụ trước đây, chúng tôi chỉ có khả năng vận động người dân hát bài chòi, đánh cờ, mặc áo xường xám bán hàng, tắt bớt đèn điện trong gia đình, nay thỉnh thoảng bạn bặt gặp một nhúm hát Bô-lê-rô, một dàn hợp xướng nhỏ từ phương xa tới biểu diễn ngay trên vỉa bờ không tách biệt với khán giả.
Thỉnh thoảng một nghệ sĩ nổi hứng, xuống thuyền thổi saxophone trên sông Hoài. Những chi tiết nhỏ tạo ra sự sống động cho Hội An chứ không phải những lễ hội đình đám.
(Phỏng vấn bí thư Tỉnh ủy Hội An – Theo Doanhnhansaigon.vn ngày 2/4/2015)
1: Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào? Đặc điểm của phong cách ngôn ngữ đó.
2: Hãy xác định nội dung cơ bản của văn bản trên.
3: Phần trả lời của Bí thư Thành ủy Hội An đặt ra vấn đề gì? Vấn đề đó có ảnh hưởng như thế nào đến sự tồn tại và phát triển của Hội An hôm nay?
4: Những giải pháp mà Bí thư Thành ủy Hội An đưa ra để “giữ hồn vía cho phố cổ” là gì? Theo anh chị, ngoài những giải pháp đó, có thể đề xuất thêm những giải pháp nào để vừa phát triển du lịch vừa bảo tồn các giá trị văn hóa.
Đáp án:
1.
- Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ báo chí.
- Đặc điểm của phong cách ngôn ngữ đó là:
+ Là phong cách ngôn ngữ dùng để thông báo tin tức thời sự trong nước và quốc tế, phản ánh chính kiến của tờ báo và dư luận quần chúng, nhằm thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.
+ Được dùng trong lĩnh vực thông tin của xã hội về tất cả những vấn đề thời sự.
+ Phong cách ngôn ngữ báo chí được dùng trong các dạng văn bản phản ánh tin tức, văn bản phản ánh công luận, thông tin quảng cáo.
2.
- Nội dung cơ bản của văn bản trên là xác định phương hướng phát triển của Hội An, để vừa bảo tồn giá trị truyền thống, vừa phát triển hiện đại, văn minh.
3.
- Phần trả lời của Bí thư thành ủy Hội An có liên quan đến vấn đề thu hút khách du lịch của Hội An làm sao để có sức hấp dẫn nhưng bảo vệ được truyền thống, cái gì ngoại lai sẽ loại bỏ, giữ gìn những lễ hội nhỏ, phải làm ra được hồn vía của phố cổ.
- Vấn đề đó có ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của Hội An hôm nay: Làm thế nào để tu hút được đông khách du lịch nhưng không phải vì mục đích kinh tế đặt lên hàng đầu mà là giữ gìn văn hóa của phố cổ.
4.
- Những giải pháp Bí thư thành ủy đưa ra để “giữ hồn vía cho phố cổ” là:
+ Vận động người dân hát bài chòi, đánh cờ, tắt bớt đèn điện trong gia đình, nay thỉnh thoảng bạn bặt gặp một nhúm hát Bô-lê-rô, một dàn hợp xướng nhỏ từ phương xa tới biểu diễn ngay trên vỉa bờ không tách biệt với khán giả.
+ Thỉnh thoảng một nghệ sĩ nổi hứng, xuống thuyền thổi saxophone trên sông Hoài. Những chi tiết nhỏ tạo ra sự sống động cho Hội An chứ không phải những lễ hội đình đám.
- Đề xuất thêm giải pháp:
+ Đào tạo những đội ngũ học các môn nghệ thuật truyền thống để biểu diễn.
+ Giữ gìn cảnh quan của phố cổ để không bị hao mòn.
+ Tạo ra không gian văn hóa riêng, kinh doanh với mục đích quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Muốn vậy, những người bán hàng phải thuộc sự quản lí của chính quyền để không chặt chém khách, nhất là khách nước ngoài.
Xem thêm các bài viết về định nghĩa và khái niệm môn Văn chọn lọc, hay khác:
- Văn bản thông tin là gì?
- Văn bản thông tin thuyết minh về một hiện tượng tự nhiên là gì?
- Văn bản thông tin giới thiệu về một cuốn sách, bộ phim là gì
- Văn bản thông tin thuyết minh về một danh lam thắng cảnh là gì
- Văn bản thông tin khoa học là gì?
Tủ sách VIETJACK luyện thi vào 10 cho 2k10 (2025):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Đề thi lớp 1 (các môn học)
- Đề thi lớp 2 (các môn học)
- Đề thi lớp 3 (các môn học)
- Đề thi lớp 4 (các môn học)
- Đề thi lớp 5 (các môn học)
- Đề thi lớp 6 (các môn học)
- Đề thi lớp 7 (các môn học)
- Đề thi lớp 8 (các môn học)
- Đề thi lớp 9 (các môn học)
- Đề thi lớp 10 (các môn học)
- Đề thi lớp 11 (các môn học)
- Đề thi lớp 12 (các môn học)
- Giáo án lớp 1 (các môn học)
- Giáo án lớp 2 (các môn học)
- Giáo án lớp 3 (các môn học)
- Giáo án lớp 4 (các môn học)
- Giáo án lớp 5 (các môn học)
- Giáo án lớp 6 (các môn học)
- Giáo án lớp 7 (các môn học)
- Giáo án lớp 8 (các môn học)
- Giáo án lớp 9 (các môn học)
- Giáo án lớp 10 (các môn học)
- Giáo án lớp 11 (các môn học)
- Giáo án lớp 12 (các môn học)