Thơ tám chữ là gì (chi tiết nhất)
Bài viết Thơ tám chữ là gì chi tiết nhất, đầy đủ khái niệm, đặc điểm, cách đọc hiểu & bài tập có đáp án chi tiết giúp bạn nắm vững kiến thức trọng tâm về Thơ tám chữ.
Thơ tám chữ là gì (chi tiết nhất)
1. Khái niệm thơ tám chữ
- Thơ tám chữ là thể thơ mỗi dòng có tám chữ.
2. Đặc điểm thơ tám chữ
- Số chữ trong mỗi dòng: Mỗi dòng thơ có tám chữ.
- Ngắt nhịp đa dạng.
- Gieo vần theo nhiều cách khác nhau nhưng phổ biến nhất là vần chân.
- Bài thơ tám chữ có thể gồm nhiều đoạn dài với số dòng không hạn định hoặc có thể được chia thành các khổ.
3. Ví dụ một số tác phẩm thơ tám chữ
- Thớ rừng, Khúc hoài xuân,… (Thế Lữ)
- Tiếng Việt (Lưu Quang Vũ)
- Bếp lửa (Bằng Việt).
- Quê hương (Tế Hanh)
- Người con gái Việt Nam (Tố Hữu)
- ….
4. Cách đọc hiểu một văn bản thơ tám chữ
- Khi đọc hiểu bài thơ tám chữ, cần chú ý:
+ Chú ý số chữ, khổ thơ, cách ngắt nhịp, gieo vần, thanh bằng trắc và biện pháp tu từ có trong bài thơ.
+ Dựa vào trải nghiệm, trình độ của bản thân để cảm thụ và thấu hiểu nội dung của bài thơ.
+ Tìm hiểu rõ về xuất xứ (tác giả, hoàn cảnh sáng tác) của bài thơ.
+ Phát hiện ra các từ ngữ, hình ảnh tạo cảm xúc.
5. Một số bài tập liên quan đến thể loại thơ tám chữ.
5.1. Trắc nghiệm
Câu 1: Thể thơ được gọi tên dựa theo đặc điểm nào?
A. Nhịp thơ
B. Số tiếng trong mỗi dòng thơ
C. Số câu thơ trong đoạn
D. Cách gieo vần
Đáp án: B
Câu 2: Nhận định Số lượng dòng trong mỗi bài không hạn chế đúng hay sai?
A. Đúng
B. Sai
Đáp án: A
Câu 3: Vần thường được đặt ở cuối dòng gọi là gì?
A. Vần lưng
B. Vần liền
C. Vần chân
D. Vần cách
Đáp án: C
Câu 4. Đâu là cách ngắt nhịp thường thấy ở thơ tám chữ?
A. 1/3
B. 2/2
C. 3/1
D. đa dạng
Đáp án: D
Câu 5: Thơ tám chữ thường được sử dụng để
A. miêu tả cảnh vật
B. biểu đạt cảm xúc
C. biểu đạt cảm xúc, miêu tả cảnh vật và kể chuyện
D. kể chuyện.
Đáp án: C
Câu 6: Hai nhân tố quan trọng nhất trong luật thơ là gì?
A. Nhân vật trữ tình và tứ thơ
B. Tứ thơ và tiết tấu
C. Tiết tấu và vần
D. Vần và thể thơ
Đáp án: C
Câu 7. Dòng nào sau đây nêu đúng về hình ảnh trong thơ?
A. Là những chi tiết, cảnh từ thực tế đời sống, được tái hiện bằng ngôn ngữ thơ ca.
B. Góp phần diễn tả cảm xúc, suy ngẫm của nhà thơ về thế giới và con người
C. Cả A và B đều đúng
D. Cả A và B đều sai
Đáp án: C
Câu 8: Thơ có khả năng thể hiện:
A. Cách tính cách, nhân cách khác nhau của con người.
B. Những biến động phức tạp/thăng trầm của đời sống xã hội.
C. Thế giới nội tâm, từ các cung bậc của tình cảm cho tới những chính kiến, những tư tưởng triết học.
D. Những ước mơ về khoa học kỹ thuật của con người.
Đáp án: C
Câu 9: Tính hàm súc của ngôn ngữ thơ được hiểu là:
A. Khả năng miêu tả cuộc sống thần kỳ nhất.
B. Hàm súc cũng có nghĩa là phải chính xác, giàu hình tượng, có tính truyền cảm và thể hiện cá tính của người nghệ sĩ.
C. Khả năng của ngôn ngữ có thể miêu tả cuộc sống, thể hiện cảm xúc một cách cô đọng, ít lời mà nói được nhiều ý/ ý tại ngôn ngoại.
D. Cả b & c.
Đáp án: D
Câu 10: Dòng nào nói lên sự biểu hiện của tình cảm, cảm xúc trong thơ?
A. Luôn vận động từ rung động trực tiếp đến chiều sâu của nhận thức bởi sự kết hợp giữa cảm xúc và suy nghĩ.
B. Luôn đồng nhất, tĩnh tại.
C. Luôn thể hiện trong sự kết hợp giữa cảm xúc và suy nghĩ.
D. Luôn thể hiện gián tiếp qua mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình.
Đáp án: A
5.2. Tự luận
Câu 1: Đọc văn bản sau:
BÀI THƠ QUÊ HƯƠNG
(Nguyễn Bính)
... Quê hương tôi có cây bầu cây nhị
Tiếng “đàn kêu tích tịch tình tang...
Có cỗ Tấm náu mình trong quả thị,
Có người em may túi đúng ba gang.
Quê hương tôi có ca dao tục ngữ,
Ông trăng tròn thường xuống mọi nhà chơi.
Một đĩa muối cũng mặn tình chồng vợ,
Một dây trầu cũng nhắc chuyện lứa đôi.
Con chim nhỏ cũng đau hồn nước mất
“Cuốc cuốc” kêu rỏ máu những đêm vàng
Chân ngựa đá cũng dính bùn trận mạc.
Theo người đi cứu nước chống xâm lăng.
Quê hương tôi có bà Trưng, bà Triệu
Cưỡi đầu voi, dấy nghĩa, trả thù chung.
Ông Lê Lợi đã trường kỳ kháng chiến,
Hưng Đạo vương đã mở hội Diên Hồng.
Quê hương tôi có múa xoè, hát đúm,
Có hội xuân liên tiếp những đêm chèo.
Đinh là Có Nguyễn Trãi, có “Bình Ngô đại cáo”.
Có Nguyễn Du và có một “Truyện Kiều”.
Quê hương tôi có Trường Sơn một dải,
Có Hồng Hà lại có Cửu Long Giang
Có Hà Nội có hồ Tây, hồ Kiếm.
Chợ Đồng Xuân bày đủ mặt hàng.
Quê hương tôi có sầu riêng, măng cụt
Lòng bưởi đào, lòng gấc đỏ như son.
Có gạo tám xoan thổi nồi đồng điếu,
Cam xã Đoài ai bóc cũng thơm ngon.
Cánh đồng nào cũng chôn vàng giấu bạc,
Bờ biển nào cũng chói ngọc ngời châu.
Có thanh quế ngửi qua là khỏi bệnh,
Có cây lim đóng cả một thân tàu.
Quê hương tôi có những người con gái
“Một ngày hai bữa cơm đèn...
Cách sống cái cũng bắc cầu dải yếm,
Cho chàng sang đính ước chuyện nhân duyên.
Trong bụng mẹ đã từng mê tiếng hát;
Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ.
Những trẻ nhỏ nằm nôi hay đặt võng,
Sớm hay chiều, đều mượn cánh cò đưa.
Khi có giặc những tre làng khắp nước,
Đều xả thân làm ngọn mác, mũi chồng,
Những trai gái thôn Đông, xóm Bắc
Thoắt vươn vai thành những anh hùng...
(Hoàng Xuân, Nguyễn Bính - thơ và đời. NXB Văn học, 2003)
Trả lời câu hỏi từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn)
Câu 1. Xác định đề tài, thể loại của văn bản Bài thơ quê hương của Nguyễn Bính?
Câu 2. Nêu cảm hứng chủ đạo của bài thơ. Và cho biết cách thể hiện cảm hứng đó.
Câu 3. Quê hương tôi được gợi tả như thế nào trong khổ thơ thứ 3, 4? Phân tích một số hình ảnh, từ ngữ làm rõ hình ảnh quê hương tôi và cảm xúc của tác giả.
Câu 4. Con người và quê hương tôi được hiện lên như thế nào? Nhận xét nghệ thuật thể hiện vẻ đẹp của con người, của quê hương?
Câu 5. Bài thơ quê hương của Nguyễn Bính đã khơi gợi trong em những tình cảm nào dành cho quê hương, đất nước – nơi mình đã sinh ra và lớn lên?
Đáp án:
Câu 1.
- Đề tài: Quê hương.
Thể loại: thơ 8 chữ (có một biến thể về số chữ và luật bằng trắc).
Câu 2.
- Cảm hứng chủ đạo của bài thơ: tự hào (về quê hương tôi).
- Cách thể hiện cảm hứng: qua điệp ngữ Quê hương tôi (đứng đầu các khổ thơ).
Câu 3.
- Quê hương tôi.
+ Quê hương tôi: đã từng trải qua những năm tháng đớn đau bởi mất nước.
+ Quê hương tôi dấn thân, kiên cường, bền bỉ trong hành trình cứu nước. .
+ Quê hương tôi với bao anh hùng, ở bao thời đại đã làm rạng danh đất nước.
- Nghệ thuật (phân tích một số hình ảnh, từ ngữ).
+ Nghệ thuật nhân hóa, ẩn dụ: Con chim nhỏ cũng đau hồn nước mất; đêm vàng.
+ Từ ngữ: rỏ máu, trả thù chung.
+ Yếu tố, nhân vật lịch sử: bà Trưng, bà Triệu, Lê Lợi, Hưng Đạo vương, hội Diên Hồng.
-> Các nghệ thuật từ ngữ, yếu tố lịch sử đã tái hiện năm tháng đau thương mà anh dũng quật cường.
-> Thể hiện nỗi đau mất nước và niềm tự hào dân tộc (về những anh hùng, những sự kiện chói ngời trong sử sách).
Câu 4.
- Con người (HS tự đưa dẫn chứng).
+ Yêu say đắm những áng ca dao, tiếng đàn bầu (văn học truyền thống).
+ Sống nghĩa tình, thủy chung.
+ Yêu quê hương đất nước.
- Vẻ đẹp quê hương.
+ Giàu truyền thống văn hóa với bản sắc riêng.
+ Địa lý phong phú, đa dạng, hùng vỹ.
+ Sản vật phong phú gắn với từng vùng đất.
-> Nhân hóa: Ông trăng tròn thường xuống mọi nhà chơi; Ẩn dụ: Cánh đồng nào cũng chôn vàng giấu bạc/Bờ biển nào cũng chói ngọc ngời châu.
-> Vận dụng sáng tạo yếu tố văn hóa dân gian, những hình ảnh thơ giàu sức gợi, nghệ thuật ẩn dụ, nhấn hóa để gợi tả, khắc họa không gian và con người của quê hương. Quê hương trù phú, tươi đẹp, con người bình dị, nghĩa tình, có đời sống tinh thần và truyền thống văn hóa riêng.
Câu 5.
Bài thơ gợi cho em tình yêu và lòng biết ơn quê hương bởi đây không chỉ là nơi em sinh ra và lớn lên mà còn nuôi dưỡng và giáo dục em nên người. Trong kí ức tuổi thơ, quê hương gắn liền với những trò chơi dân gian độc đáo: ô ăn quan, chơi chuyền, rồng rắn lên mây,.... Đó là tiếng ru của mẹ, là lời kể của bà, là giếng nước, gốc đa, tất cả đã tạo nên một tuổi thơ đáng nhớ. Dường như tuổi thơ của em đã trở nên thú vị hơn nhờ những nét đặc trưng độc đáo mà chỉ có quê hương mới đem lại điều đó. Trải qua hàng chục năm, hình bóng quê hương cũng có nhiều thay đổi nhưng mỗi lần trở về, em đều cảm thấy bâng khuâng và rạo rực. Quê hương sẽ mãi in đậm trong tâm trí vì đây không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn mà còn là nơi vun đắp cho em tình yêu, niềm hi vọng để vững bước tương lai.
Bài tập 2: Đọc văn bản sau:
BÀI CA ĐÊM VƯỢT LỘ
(Anh Ngọc)
Ngồi lại đây trước lúc vượt qua đường
Trong ánh chiều một ngày hè sắp tắt
Đừng sốt ruột vì đường còn bóng giặc
Cứ yên lòng đêm nay ta sẽ qua
Hãy nghe chiều nhẹ xuống trong lòng ta
Với xao xác bầy chim bay về tổ
Trong đáy mắt những người chờ vượt lộ
Ngôi sao chiều đã mọc phía quê hương
Ngồi lại đây trên cỏ ướt hơi sương
Giọt nắng cuối cùng lung linh hình nốt nhạc
Nhìn môi bạn gọi thầm lên tiếng hát
Một giọng trầm giao cảm dọc hành quân
Đêm râm ran tiếng bọn địch rất gần
Vòng tay mở ôm choàng vai bè bạn
Giọt mồ hôi cứ se dần thanh thản
Đêm dịu dàng nếp trán toả bình yên
Ngồi lại đây trong nỗi nhớ niềm quên
Bao giấc mơ của một thời đánh giặc
Chỉ còn lại một giấc mơ duy nhất
Những bàn chân bật dậy vượt qua đường.
(Anh Ngọc, Gửi lại thời gian. NXB Văn học, 2008)
Trả lời câu hỏi từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn)
Câu 1. Xác định thể thơ của tác phẩm và luật bằng trắc của khổ thơ đầu.
Câu 2. Xác định nhân vật trữ tình và cảm xúc chủ đạo của bài thơ
Câu 3. Khổ thơ thứ nhất cho độc giả biết điều gì về nhân vật trữ tình? Cảm xúc của nhân vật trữ tình được thể hiện như thế nào?
Câu 4. Phân tích một số từ ngữ, biện pháp tu từ diễn tả cảm xúc trong tâm hồn người lính khi ngồi chờ vượt đường trong đêm.
Câu 5. Xác định chủ đề và bức thông điệp của bài thơ. Và cho biết bài thơ đã khơi gợi trong em tình cảm gì về người lính, quê hương đất nước?
Đáp án:
Câu 1.
- Thể thơ: 8 chữ.
- Luật bằng trắc: cả khổ đều sáng tạo trong luật bằng trắc (học sinh tự đối chiếu để thấy sự sáng tạo).
Câu 2.
- Nhân vật trữ tình: người lính phục kích giặc trong đêm.
- Cảm xúc chủ đạo: bình yên, dạt dào cảm xúc khi ngắm nhìn quê hương và tin vào ngày mai.
Câu 3.
- Khổ 1 là cảnh, không gian, thời gian bộc lộ cảm xúc:
+ Bên vệ đường trong một chiều hè, cuối ngày.
+ Nhiệm vụ: Chờ vượt đường.
- Cảm xúc: Nóng lòng để thực hiện nhiệm vụ.
Đừng sốt ruột vì đường còn bóng giặc.
Cứ yên lòng đêm nay ta sẽ qua.
-> Tự nhủ lòng mình: kiên nhẫn chờ đợi, đêm nay sẽ hoàn thành nhiệm vụ
-> Cảm xúc của nhân vật trữ tình được bộc lộ trực tiếp qua từ ngữ giản dị.
Câu 4.
- Khi chiều buông:
+ Hãy nghe chiều nhẹ xuống trong lòng ta.
Với xao xác bầy chim bay về tổ.
-> Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, từ láy gợi tả bước đi của thời gian những chuyển biến của cảnh vật vang động vào tâm hồn người lính: chiều xuống, hoàng hôn dần buông, những cánh chim về tổ ấm của mình.
+ Trong đáy mắt những người chờ vượt lộ.
Ngôi sao chiều đã mọc phía quê hương.
-> Hình ảnh ẩn dụ Ngôi sao chiều đã mọc phía quê hương diễn tả nỗi nhớ nhà nhớ quê của người lính, chờ vượt lộ, lòng hướng về quê nhà.
- Khi đêm xuống:
+ Ngắm nhìn sương, gọi thầm tên bạn và ngân nga hát (diễn trong tâm tưởng)
+ Lắng nghe tín hiệu ở chiến trường (tiếng giặc).
-> Những xao động, xúc cảm về thiên nhiên, quê hương, đất nước và bè bạn
trong khi làm nhiệm vụ đã thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người lính...
Câu 5.
- Chủ đề: tình yêu quê hương đất nước, vẻ đẹp tâm hồn người lính. - Bức thông điệp:
+ Cảm nhận vẻ đẹp của quê hương đất nước, nghĩ về bạn bè, quê hương luôn khiến lòng mình thanh thản.
+ Tình yêu quê hương, con người, đất nước sẽ là động lực để người lính chiến đấu, vượt qua muôn ngàn thử thách.
- Bài thơ đã khơi gọi trong em tình cảm gì về người lính, quê hương đất nước: tình cảm yêu mến, tự hào đối với vùng đất xa xôi của Tổ quốc, đối với những con người đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ Tổ quốc. Đọc bài thơ, em cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm với Tổ quốc, phải có ý thức gìn giữ và bảo vệ biển đảo quê hương.
Bài tập 3: Đọc văn bản sau:
GỌI CHO MẸ
(Tanya Alelasjitsuke)
Gọi cho mẹ, tuần một lần cũng được
Gọi chơi thôi, hỏi thăm mẹ thế nào...
Ở nhà mẹ, ngoài cửa, đông giá buốt
Cửa nhà con, đang nhộn nhịp, xuân trào....
Về thăm nhé, mẹ luôn luôn mừng đón
Mẹ biết con đang bận rộn bao điều...
Mẹ biết lắm, nên chỉ cần chút ít
Mẹ muốn con biết mẹ ngóng con nhiều...
Nếu con về, mẹ pha trà, nướng bánh,
Mẹ nhớ con thuở bé thích ăn chi...
Hiểu giùm mẹ, giờ mẹ hay tủi phận
Lỡ con mình đã quên hẳn mình đi...
Về thăm nhé, mẹ không cần quà cáp,
Mọi thử đủ dùng... Mẫu tử tình sâu...
Mẹ còn sống thì con còn được bé,
Thấu điều này, phải tới những ngày sau...
Gọi cho mẹ, khi thu còn chưa hết,
Những ngày đời, con ạ, rất mau qua...
Mai từ sớm, lỡ đâu con muốn gọi,
Tuyết ngập trời... mà chả thấy ai thưa...
(Hồng Thanh Quang dịch từ tiếng Nga - giaoducthoidai.vn)
Trả lời câu hỏi từ 1 đến 5 ( trình bày ngắn gọn)
Câu 1. Xác định thể thơ của tác phẩm và luật bằng trắc của khổ thơ đầu.
Câu 2. Xác định nhân vật trữ tình và cảm hứng chủ đạo của bài thơ.
Câu 3. Phân tích nét đặc sắc nghệ thuật trong 2 dòng thơ: Ở nhà mẹ, ngoài cửa, đông giá buốt/ Cửa nhà con, đang nhộn nhịp, xuân trào....và cho biết vì sao người mẹ nói Hiểu giùm mẹ, giờ mẹ hay tủi phận/ Lỡ con mình đã quên hẳn mình đi...
Câu 4. Phân tích một số từ ngữ, biện pháp tu từ làm nổi bật hình ảnh người mẹ (cảnh ngộ, cảm xúc, tâm trạng, mong muốn) trong bài thơ.
Câu 5. Cảm nhận của em về người con trong bài thơ? Và cho biết cảm xúc của em trước hai dòng cuối bài Mai từ sớm, lỡ đâu con muốn gọi/Tuyết ngập trời... mà chả thấy ai thưa...?
Đáp án:
Câu 1.
- Thể thơ: 8 chữ.
- Về luật bằng trắc ở khổ thơ đầu:
Gọi cho mẹ, tuần một lần cũng được
Gọi chơi thôi, hỏi thăm mẹ thế nào...
Ở nhà mẹ, ngoài cửa, đông giá buốt
Cửa nhà con, đang nhộn nhịp, xuân trào....
Yêu cầu luật bằng trắc của thơ 8 chữ: Chữ thứ 8 có thanh trắc thì chữ thứ 3 trắc, chữ thứ 5 và 6 bằng; Chữ thứ 8 có thanh bằng thì chữ thứ 3 bằng, chữ thứ 5 và 6 trắc.
-> Ba dòng thơ đầu khổ: chữ thứ 6 không tuân thủ luật bằng trắc của thể thơ
8 chữ (có thể coi đó sáng tạo luật bằng trắc của nhà thơ).
-> Dòng thơ cuối khổ tuân thủ luật bằng trắc của thơ tám chữ.
Câu 2.
- Nhân vật trữ tình: người mẹ nơi quê nhà.
- Cảm hứng chủ đạo: thương cảm (người mẹ già nơi quê nhà đang ngóng chờ con).
Câu 3.
- Hai dòng thơ: Ở nhà mẹ, ngoài cửa, đông giá buốt/Cửa nhà con, đang nhộn nhịp, xuân trào....
- Sử dụng thủ pháp đối lập xuân trào>< đông giá buốt, hình ảnh hàm xúc, giàu sức gợi để diễn tả hiện thực và cảm xúc của lòng người: buốt giá, xuân trào được cả nghĩa đen và nghĩa bóng, mùa đông lạnh lẽo, sự trống vắng của lòng người mẹ, ngôi khi thiếu vắng bóng con; nhà con tưng bừng mùa xuân, đông vui, náo nhiệt (có thể gợi ra cảnh thực về khí hậu đối lập ở 2 vị trí địa lý khác biệt).
=> Dấu 3 chấm lửng (...) gợi ra bao cảnh đông vui của mùa xuân nơi cửa nhà con.
=> Hai dòng thơ không chỉ diễn tả nỗi khao khát cháy bỏng trong lòng mẹ mà còn gợi bao nỗi thương cảm về người mẹ già nhớ con nơi xa.
- Người mẹ nói: Hiểu giùm mẹ, giờ mẹ hay tủi phận/ Lỡ con mình đã quên hẳn mình đi...? Vì mẹ biết mình đã già, luôn mong ngóng con, lo ngại sẽ làm phiền con...nhưng mẹ không thể nói vì lo lắng con quên mất mẹ..
Câu 4.
- Biện pháp tu từ, từ ngữ:
+ Điệp ngữ, điệp cấu trúc câu: Về thăm nhé, mẹ luôn luôn mừng đón/Về thăm me, khi nhé, mẹ không cần quà cáp; Gọi cho mẹ, tuần một lần cũng được/Gọi cho thu còn chưa hết đứng đầu các khổ thơ đã diễn tả nỗi mong ngóng cháy dạ, nỗi khát khao đến khắc khoải của người mẹ được con gọi điện, được con về thăm.
+ Từ ngữ: Một lần cũng được; Gọi chơi thôi, hỏi thăm; lỡ...ngày mau qua; chả thấy ai thưa -> mang đến cho người đọc bao sự tưởng tượng, hình dung đau lòng: con quên mẹ, con chưa gọi chưa về.. mà mẹ đã đi xa...
- Người mẹ.
+ Cảnh ngộ: già mua nơi quê nhà đang mong ngóng con.
+ Tha thiết mong con gọi điện hoặc trở về thăm mẹ.
+ Người mẹ nhân hậu, thấu hiểu con, luôn sẵn sàng chăm sóc con mà không đòi hỏi gì.
+ Người mẹ lo lắng một ngày bị quên lãng và không nghe tiếng con gọi.
Câu 5.
- Về người con:
+ Đã lâu không gọi điện hỏi thăm, không về thăm mẹ.
+ Không hiểu nỗi lòng của mẹ, tưởng thời gian còn rất dài.
+ Để mẹ nhớ mong khắc khoải.
+ Đứa con còn non dại (Mẹ còn sống thì con còn được bé/Thấu điều này, phải tới những ngày sau...)
- Cảm xúc trước 2 câu thơ cuối: HS trả lời theo cảm xúc chân thành của cá nhân.
Bài tập 4: Đọc văn bản:
ĐI ĐI EM
Rứa là hết! Chiều ni em đi mãi
Còn mong chi ngày trở lại Phước ơi!
Quên làm sao, em hỡi, lúc chia phôi
Bởi khác cảnh, hai đứa mình nghẹn nói.
Em len lét, cúi đầu, tay xách gói
Áo quần dơ, cắp chiếc nón le te
Vẫn chưa thôi, lời day dứt nặng nề
Hàng dây tiếng rủa nguyền trên miệng chủ!
Biết không em, nỗi lòng anh khi đó?
Nó tơi bời, đau đớn lắm em ơi
Bàn chân em còn luyến tiếc không rời
Nơi em đã cùng anh vui phút chốc.
Những đêm tối, anh viết bài em học
Cho em quên bớt nỗi nhọc ban ngày
Nơi bao nhiêu âu yếm tuổi thơ ngây
Anh đã trút cho lòng em tất cả!
Em ngoái cổ nhìn anh ta chi trả
Thầm cho nhau đôi mắt ướt ly sầu
Biết làm sao, em hỡi, nói cùng nhau?
Tiếng chưởi mắng vẫn phun hoài, nhục nhã
Thì em hỡi! Đi đi, đừng tiếc nữa!
Ngại ngùng chi? Nấn ná chỉ thêm phiền!
Đi đi em, can đảm bước chân lên
Ừ đói khổ đâu phải là tội lỗi!
Anh mới hiểu: càng ngậm ngùi khổ tủi
Càng dày thêm uất hận của lòng ta
Nuôi đi em, cho đến lớn, đến già
Mầm hận ấy, trong lồng xương ống máu
Để thêm nóng mai kia hồn chiến đấu
Mà hôm nay anh đã nhóm trong lòng!
Huế, tháng 2-1938 (Thơ Tố Hữu, NXB Thời đại, 2014, tr.32-34)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Bài thơ Đi đi em được viết theo thể thơ nào? Chỉ ra đặc trưng về cách gieo vần, ngắt nhịp của thể thơ trong khổ thơ thứ nhất.
Câu 2. Tìm những chi tiết miêu tả nhân vật em Phước lúc ra đi được khắc hoạ ở khổ thơ thứ hai.
Câu 3. Trong bài thơ, người anh đã hồi tưởng lại kỉ niệm với em Phước, qua đó cho thấy tình cảm người anh dành cho em Phước như thế nào?
Câu 4. Hãy phân tích tác dụng của việc điệp lại cụm từ đi đi em trong bài thơ.
Câu 5. Ngày nay, chúng ta đã được sống trong hòa bình, no ấm, nhưng vẫn còn đâu đó những mảnh đời, những thân phận cơ cực, nghèo khổ. Bài thơ Đi đi em giúp em bồi đắp những tình cảm, thái độ gì với những con người kém may mắn như vậy?
Đáp án:
Câu 1. Bài thơ Đi đi em được viết theo thể thơ tám chữ. Đặc trưng về cách gieo vần, ngắt nhịp của thể thơ tám chữ trong khổ thơ thứ nhất:
- Vần chân: ơi - phôi
- Ngắt nhịp linh hoạt: 3/5 đan xen 3/3/2.
Câu 2. Những chi tiết miêu tả nhân vật em Phước lúc ra đi được khắc hoạ ở khổ thơ thứ hai:
- Em len lét, cúi đầu, tay xách gói.
- Áo quần dơ, cắp chiếc nón le te.
Câu 3. Trong bài thơ, người anh đã hồi tưởng lại kỉ niệm với em Phước, qua đó cho thấy tình cảm người anh dành cho em Phước:
Người anh rất thương yêu em Phước, thấu hiểu những bất hạnh của em phải đi làm công ở đợ khi còn rất nhỏ.
Muốn tìm cách bù đắp phần nào cho em bằng việc dạy em học chữ, mang đến cho em những niềm vui trong học tập để quên bớt nhọc nhằn, vất vả em phải trải qua.
Câu 4. Tác dụng của việc điệp lại cụm từ đi đi em trong bài thơ:
- Tạo liên kết, tạo nhịp điệu giục giã, làm cho lời thơ trở nên sinh động, hấp dẫn, gợi hình gợi cảm, tăng hiệu quả diễn đạt.
- Nhấn mạnh, làm nổi bật nhan đề của bài thơ, cũng là mong muốn của nhà thơ dành cho em Phước: cổ vũ em hãy mạnh mẽ, quyết tâm bước đi, rời xa nơi mà em thường xuyên bị mắng chửi nhục nhã, bị hành hạ, bóc lột sức lao động.
- Qua đó, thể hiện tình thương yêu, sự thấu hiểu, đồng cảm của nhà thơ Tố Hữu với em Phước và rộng ra là với những kiếp người nghèo khổ, bất hạnh trong cuộc đời.
Câu 5. Bài thơ Đi đi em giúp em bồi đắp những tình cảm, thái độ với những con người kém may mắn như:
- Biết cảm thông, thương xót những con người nghèo khổ, bất hạnh;
- Giúp đỡ, sẻ chia, động viên họ về vật chất, tinh thần trong khả năng của mình.
- Không chế giễu, khinh miệt hay ruồng rẫy họ;
Bài tập 5: Đọc văn bản sau:
MỘT LÀNG THƯƠNG NHỚ
Làng ấy, buồn ủ rũ một bên sông
Hồn thương nhớ đắm chìm trong dĩ vãng
Thuở phong lưu, sắc đời đầy tươi sáng
Tơ lụa vàng chói rạng khắp bao thôn
Dưới trời xanh, soi biếc cả tâm hồn
Dâu tăm tắp từ đồng ra đến bãi
Đi hái lá, buổi chiều về cô gái
Vẳng lời ca ân ái khúc xuân tình
Tiếng chim ca nô nức với bình minh
Người thôn nữ, thấy lòng như lụa mướt
[...]
Nhưng một hồi tơ lụa phải ra đi
Hàng ngoại hóa giết dần hàng nội hóa
Vắng bóng kẻ sớm chiều đi hải lả
Dáng dâu mềm lả lướt đã nhường cho
Vẻ nặng nề không sắc của khoai ngô
Cỏ từ đây hắt hiu niềm nhớ tiếc
Những đôi lửa bỗng nhiên đành vĩnh biệt
Thôi còn đâu tha thiết với đường tơ
Việc hàng ngày vất vả, quả thô sơ
Đời lam lũ lấy gì thơ với mộng
Trước khung cửi nằm im chờ nhện đóng
Phận con tằm lỡ dở nghĩ mà thương
Bao trái tim goá bụa giữa tầm thường.
(Trích Một làng thương nhớ, Tế Hanh, in trong Thơ Tế Hanh,
NXB Văn hoá thông tin, tr.29)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.
Câu 2. Tìm các từ thuộc trường từ vựng “nghề trồng dâu nuôi tằm” xuất hiện trong văn bản.
Câu 3. Nêu nội dung của văn bản.
Câu 4. Nhận xét về tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình trước sự khác biệt của làng trong quá khứ và làng trong hiện tại.
Câu 5. Nhận xét về hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ sau:
Làng ấy, buồn ủ rũ một bên sông
Hồn thương nhớ đắm chìm trong dĩ vãng
Câu 6. Đoạn thơ đã nhắc đến sự việc một làng nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống đang bị mai một dần. Từ sự việc trên, em hãy cho biết việc giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống có vai trò như thế nào đối với mỗi người và xã hội?
Câu 7. Đoạn thơ đã khơi gợi cho em những tình cảm gì đối với quê hương của mình? Hãy chia sẻ những tình cảm đó trong một đoạn văn khoảng 5 – 7 dòng.
Đáp án:
Câu 1. Thể thơ: Thơ tám chữ.
Câu 2. Các từ thuộc trường từ vựng nghề trồng dâu nuôi tằm xuất hiện trong văn bản: Tơ lụa, dâu, đường tơ, khung cửi, con tằm.
Câu 3. Nội dung của đoạn thơ: Đoạn thơ bày tỏ cảm xúc buồn, thương nhớ của nhân vật trữ tình khi mà nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống của làng đang bị mai một và dần đi vào dĩ vãng. Qua đó, ta thấy tình yêu quê hương da diết của tác giả.
Câu 4. So sánh sự khác biệt về làng trong quá khứ và làng trong hiện tại:
- Làng trong quá khứ: Với nghề nuôi tằm, dệt lụa phát triển, cuộc sống của làng tươi sáng, có nhiều khởi sắc tơ lụa vàng chói rạng khắp bao thôn, dâu tăm tắp từ đồng ra đến bãi, con người vui vẻ, hứng khởi thấy lòng như lụa mướt, tiếng chim ca cũng nỗ nức hoà chung niềm vui.
- Làng trong hiện tại: khó khăn bởi mặt hàng tơ lụa truyền thống đã dần bị hàng ngoại thay thế, không khí làng quê vì thế trầm lắng hẳn - vắng người đi hái lá, những ruộng dâu nhường chỗ cho khoai ngô, con người hiện lên vất vả, lam lũ.
- Tình cảm của nhân vật trữ tình trước sự thay đổi đó: buồn, nuối tiếc vì nghề nuôi tằm truyền thống gắn bó với làng, làm cho làng đẹp, phát triển hơn nay đã dần mất đi ngay trước mắt.
Câu 5
- Biện pháp tu từ hoán dụ: làng ấy – hoán dụ người trong làng.
- Tác dụng: Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho câu thơ. Nhấn mạnh nỗi buồn mà nhà thơ nhắc đến không phải ở một nhân vật cụ thể mà nỗi buồn đó bao trùm cả làng: Cả làng buồn, thương nhớ về một thời dĩ vãng.
Câu 6. Vai trò của việc giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thông
đối với mỗi người và xã hội:
- Tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân.
- Góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá; phong tục tập quán của các vùng miền
trên đất nước.
- Góp phần trong việc giáo dục về tình yêu, niềm tự hào về quê hương, đất nước.
- Thúc đẩy nền kinh tế chung của đất nước phát triển.
Câu 7.
Đoạn thơ thể hiện tình cảm sâu sắc, gắn bó của nhà thơ với quê hương. Tình cảm ấy đã lan toả và làm rung động bao trái tim người đọc. Đoạn thơ khơi gợi cho em sự gắn bó, đồng cảm với quê hương; trái tim hoà cùng nhịp đập với niềm vui, nỗi buồn của quê hương. Em cảm thấy vui, thấy tự hào trước những cảnh đẹp, sự khởi sắc của quê hương; cảm thấy buồn, đau xót khi quê hương gặp khó khăn, gian khổ. Em cũng như bao người khác luôn khát vọng xây dựng quê hương giàu đẹp. Quê hương là nhà, là nơi yêu khi ở gần, nhớ khi đi xa và luôn khao khát được trở về khi cần tìm sự an yên trong tâm hồn.
Xem thêm các bài viết về định nghĩa và khái niệm môn Văn chọn lọc, hay khác:
- Thơ tự do là gì?
- Thơ song thất lục bát là gì?
- Thơ Đường luật là gì?
- Thơ trào phúng là gì?
- Truyện thơ dân gian là gì?
Tủ sách VIETJACK luyện thi vào 10 cho 2k10 (2025):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Đề thi lớp 1 (các môn học)
- Đề thi lớp 2 (các môn học)
- Đề thi lớp 3 (các môn học)
- Đề thi lớp 4 (các môn học)
- Đề thi lớp 5 (các môn học)
- Đề thi lớp 6 (các môn học)
- Đề thi lớp 7 (các môn học)
- Đề thi lớp 8 (các môn học)
- Đề thi lớp 9 (các môn học)
- Đề thi lớp 10 (các môn học)
- Đề thi lớp 11 (các môn học)
- Đề thi lớp 12 (các môn học)
- Giáo án lớp 1 (các môn học)
- Giáo án lớp 2 (các môn học)
- Giáo án lớp 3 (các môn học)
- Giáo án lớp 4 (các môn học)
- Giáo án lớp 5 (các môn học)
- Giáo án lớp 6 (các môn học)
- Giáo án lớp 7 (các môn học)
- Giáo án lớp 8 (các môn học)
- Giáo án lớp 9 (các môn học)
- Giáo án lớp 10 (các môn học)
- Giáo án lớp 11 (các môn học)
- Giáo án lớp 12 (các môn học)