Thơ bảy chữ là gì (chi tiết nhất)

Bài viết Thơ bảy chữ là gì chi tiết nhất, đầy đủ khái niệm, đặc điểm, cách đọc hiểu & bài tập có đáp án chi tiết giúp bạn nắm vững kiến thức trọng tâm về Thơ bảy chữ.

Thơ bảy chữ là gì (chi tiết nhất)

Quảng cáo
Cài đặt app vietjack

1. Khái niệm thơ bảy chữ

Thơ bảy chữ là thể thơ mỗi dòng có bảy chữ. Mỗi bài gồm nhiều khổ, mỗi khổ thường có bốn dòng thơ và có cách gieo vần, ngắt nhịp đa dạng.

2. Đặc điểm thơ bảy chữ

- Các dòng trong bài thơ thường ngắt nhịp 4/3. Cách ngắt nhịp còn phụ thuộc vào nghĩa của câu thơ, dòng thơ.

- Bài thơ bảy chữ thường có nhiều vần. Vần thường là vần chân (được gieo ở cuối dòng thơ thứ nhất, thứ hai, thứ tư ở mỗi khổ), có thể gieo vần liền (vần được gieo liên tiếp ở các dòng thơ) hoặc vần cách (vần không được gieo liên tiếp mà thường cách ra một dòng thơ).

3. Ví dụ một số tác phẩm thơ bảy chữ

- Nhớ ngoại (Bảo Ngọc)

- Nắng mới (Lưu trọng Lư)

- Nhớ đồng (Tố Hữu).

- Chái bếp (Lý Hữu Lương)

- Bác ơi (Tố Hữu)

- ….

Quảng cáo

4. Cách đọc hiểu một văn bản thơ bảy chữ

- Khi đọc bài thơ bảy chữ, các em cần chú ý:

+ Bài thơ có được chia khổ hay không? Vần trong bài thơ được gieo như thế nào? Các dòng thơ được ngắt nhịp ra sao?

+ Bài thơ viết về ai, về điều gì? Người đang bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ trong bài thơ là ai? Mạch cảm xúc của tác giả thể hiện qua các phần của bài thơ như thế nào?

+ Bài thơ có những từ ngữ, hình ảnh, biện pháp nghệ thuật đặc sắc nào và tác dụng của chúng là gì?

5. Một số bài tập liên quan đến thể loại thơ bảy chữ.

5.1. Trắc nghiệm

Câu 1: Đặc điểm chính của thơ bảy chữ:

A. Mỗi bài gồm bảy khổ. Số câu trong bài không hạn định.

B. Mỗi khổ gồm bảy dòng. Số câu trong bài không hạn định.

C. Mỗi bài gồm bảy đoạn. Số câu trong bài không hạn định.

D. Mỗi dòng gồm bảy tiếng. Số câu, khổ trong bài không hạn định.

Đáp án: D

Quảng cáo

Câu 2: Các khổ, đoạn trong bài thơ bảy chữ được chia:

A. Theo quy định.

B. Theo bố cục mà tác giả đã xây dựng.

C. Linh hoạt tuỳ theo nội dung hoặc cảm xúc.

D. Theo trình tự các sự kiện.

Đáp án: C

Câu 3: Gieo vần ở thơ bảy chữ:

A. Gieo vần giống thơ lục bát.

B. Gieo vần rất đa dạng (Vần chân, vần lưng, vần liền, vần cách).

C. Gieo vần liền, vần cách.

D. Chỉ gieo vần chân.

Đáp án: B

Câu 4. Thơ bảy chữ có thể kết hợp phương thức biểu đạt nào?

A. Phương thức tự sự và trữ tình.

B. Nghị luận.

Quảng cáo

C. Biểu cảm.

D. Tất cả các ý trên.

Đáp án: A

Câu 5: Yếu tố nào giữ vai trò cốt lõi trong tác phẩm thơ bảy chữ?

A. Trữ tình.

B. Nhạc điệu.

C. Vần.

D. Hình ảnh.

Đáp án: A

Câu 6: Đọc hiểu thơ bảy chữ cần khai thác:

A. Mạch cảm xúc.

B. Thế giới cảm xúc.

C. Điều nhà thơ gửi gắm/bức thông điệp.

D. Cả ý b và c

Đáp án: D

Câu 7.  Để đọc hiểu thơ bảy chữ học sinh cần tuân thủ quy trình nào sau đây?

A. Đọc văn bản, hiểu nghĩa bề nổi, phân tích cảm xúc của nhân vật trữ tình.

B. Phân tích cảm xúc của nhân vật trữ tình, đối thoại với văn bản.

C. Hiểu nghĩa bề nổi, phân tích cảm xúc của nhân vật trữ tình.

D. Đánh giá bức thông điệp của bài thơ.

Đáp án: A

Câu 8: Mục đích của văn bản thơ bảy chữ là:

A. Kể một sự kiện làm nảy sinh cảm xúc.

B. Giãi bày cảm xúc tâm trạng; gửi đến người đọc bức thông điệp.

C. Thể hiện quan điểm cá nhân về một vấn đề.

D. Thể hiện suy nghĩ về một hiện tượng xã hội.

Đáp án: B

Câu 9: Dòng nào không nói lên cách đặt nhan đề cho tác phẩm thơ trữ tình?

A. Chọn một chi tiết đặc sắc của tác phẩm.

B. Chọn một hình ảnh, âm thanh tiêu biểu nhất.

C. Chọn cảm xúc/sự việc gây ấn tượng.

D. Chọn vấn đề nổi bật nhất.

Đáp án: D

Câu 10: Cảm hứng chủ đạo trong bài thơ được hiểu là:

A. Trạng thái cảm xúc, tình cảm mãnh liệt được thể hiện xuyên suốt tác phẩm.

B. Tình cảm mãnh liệt dành cho nhân vật được thể hiện xuyên suốt tác phẩm.

C. Trạng thái cảm xúc, tình cảm mãnh liệt thể hiện qua ngôn từ của văn bản.

D. Trạng thái cảm xúc, tình cảm được thể hiện đậm nét nhất trong văn bản.

Đáp án: A

5.2. Tự luận

Bài tập 1: Đọc văn bản:

Lưu bút hồng

(Nguyễn Như Mây)

Tóc con gái đợi ngày hè đến

Nghiêng nửa vai để thấy môi hồng

Rủ nhau ngồi trắng hết bờ sông

Và chép tặng những lời hoa cỏ.

 

Ai cũng hái theo cành phượng đỏ

Để hoá trang nhân vật của mình

Chín mười năm ngồi ghế học sinh

Giờ lưu bút, viết sao cho hết!

 

Nước mắt ai để dành trang viết

Chờ thả dòng mực tím bâng khuâng

Nắng chiều hè rưng rức bên sông

Quên nhuộm tím áo dài bè bạn

 

Chưa bao giờ bọn mình hò hẹn

Để rồi cùng đưa mắt nhìn nhau!

Ai viết xong trước, hãy chiêm bao

Cho lưu bút lắng hồn mực tím.

 

Ai còn cầm viết và bịn rịn

Xin trao mình một nửa môi cười

Còn nửa kia... mai mốt xa xôi

Đành gói nửa vầng trăng thương nhớ...

(Nguồn: thivien.net)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

A. Sáu chữ

B. Bảy chữ

C. Lục bát

D. Tự do

Câu 2. Bài thơ có cách ngắt nhịp chủ yếu là:

A. Ngắt nhịp 3/3 hoặc 4/3

B. Ngắt nhịp 2/2/3 hoặc 3/2/2

C. Ngắt nhịp 2/5 hoặc 5/2

D. Ngắt nhịp 1/3/2 hoặc 1/2/3

Câu 3. Nội dung chính của bài thơ là:

A. Cảm xúc lưu luyến, bịn rịn của tác giả về những dòng lưu bút khi xưa

B. Cảm xúc lưu luyến, bịn rịn của tác giả khi viết những dòng lưu bút trong giờ phút chia tay

C. Cảm xúc lưu luyến, bịn r!ịn của nhân vật trữ tình khi chia tay nửa kia...mai mốt xa xôi

D. Cảm xúc lưu luyến, bịn rịn của tác giả khi mùa hè đến, hoa phượng nở

Câu 4. Em hiểu như thế nào về từ “lưu bút” trong bài thơ?

A. Những chiếc bút được lưu lại trong quãng đời ngồi trên ghế học sinh

B. Những tâm sự, nỗi niềm hàng ngày của mình được viết vào trong một cuốn sổ

C. Những lời chúc mừng được viết cho bạn bè trong ngày chia tay

D. Những lời kỉ niệm, tâm sự hoặc chúc mừng được viết để lại khi chia tay

Câu 5. Trong bài thơ, tác giả nhắc đến “cành phượng đỏ” gắn với điều gì?

A. Học sinh thường dùng hoa phượng ép khô vào trang lưu bút

B. Mỗi khi học sinh viết lưu bút thường ngắm hoa phượng đỏ

C. Học sinh hái cành phượng đỏ để hóa trang nhân vật của mình

D. Hoa phượng đỏ báo hiệu mùa hè đến gợi mùa chia tay của các cô, cậu học sinh

Câu 6. Ý nào nói đúng nhất về cách hiểu của từ “hồng” trong nhan đề “lưu bút hồng” của bài thơ?

A. Cuốn sổ lưu bút có màu hồng.

B. Cuốn số viết toàn những điều tốt đẹp về cuộc sống (cuộc sống màu hồng)

C. Cuốn sổ viết ở quãng thời gian tuổi hồng (tuổi trẻ)

D. Cuốn sổ khiến con người yêu đời hơn, thấy cuộc sống màu hồng hơn

Câu 7. Dấu “...” trong các câu thơ sau có tác dụng gì:

Còn nửa kia... mai mốt xa xôi

Đành gói nửa vầng trăng thương nhớ...

A. Biểu đạt ý còn nhiều sự vật, hiện tượng tương tự chưa liệt kê hết

B. Thể hiện chỗ lời nói bỏ dở hay ngập ngừng, ngắt quãng

C. Biểu thị lời trích dẫn bị lược bớt

D. Mô phỏng âm thanh kéo dài, ngắt quãng

Câu 8. Hai câu thơ sau sử dụng biện pháp tu từ gì?

Nắng chiều hè rưng rức bên sông

Quên nhuộm tím áo dài bè bạn

A. So sánh

B. Ẩn dụ

C. Nói quá

D. Nhân hóa

Trả lời câu hỏi/Thực hiện yêu cầu:

Câu 9.  Nhận xét về cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ. Những từ ngữ, hình ảnh nào trong bài thơ thể hiện điều đó?

Câu 10. Tưởng tượng em đang là học sinh cuối cấp và sắp chia tay bạn thân của mình, em sẽ viết những dòng lưu bút để kỉ niệm bạn ấy trước lúc chia tay. Hãy chia sẻ những dòng lưu bút ấy bằng một đoạn văn từ 7 – 10 dòng.

Đáp án:

Câu 1: B

Câu 2: A

Câu 3. B

Câu 4. D

Câu 5. C

Câu 6. C

Câu 7. B

Câu 8. D

Câu 9.

- Cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ: Bâng khuâng, lưu luyến, bịn rịn, nuối tiếc.

- Những từ ngữ, hình ảnh thể hiện cảm xúc đó: Nước mắt, bâng khuâng, rưng rức, lắng hồn mực tím, bịn rịn, thương nhớ,...

Câu 10.

Đã bao lần muốn nhắn nhủ với bạn điều này, nhưng phải đợi đến khi viết lưu bút mình mới thổ lộ được chỉ vì mình hơi ngại bày tỏ. Những năm học qua được học cùng bạn là một niềm vui với mình. Dù bạn không học giỏi như bạn A, không bảnh bao như bạn B, nhưng bạn lại có nụ cười tỏa nắng, sự chu đáo đối với các bạn gái. Ngày chia tay sắp đến, mình cũng có chút bùi ngùi khi sắp phải xa trường, xa bạn bè và cả bạn nữa. Mong bạn thì tốt và lớp mình luôn đoàn kết, đầy đủ trong những lần họp lớp nhé!

Câu 2: Đọc văn bản:

BÁC ƠI

Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa...

Chiều nay con chạy về thăm Bác

Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa!

 

Con lại lần theo lối sỏi quen

Đến bên thang gác, đứng nhìn lên

Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?

Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!

 

Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!

Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời

Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội

Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!

 

Trái bưởi kia vàng ngọt với ai

Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài!

Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm

Quanh mặt hồ in mây trắng bay...

 

Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi

Năm canh bớt nặng nỗi thương đời

Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông, mọi kiếp người.

 

Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau

Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu

Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ

Cho hôm nay và cho mai sau...

 

 Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già.

 

Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà

Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha

Bác nghe từng bước trên tiền tuyến

Lắng mỗi tin mừng, tiếng súng xa.

 

Bác vui như ánh buổi bình minh

Vui mỗi mầm non, trái chín cành

Vui tiếng ca chung hoà bốn biển

Nâng niu tất cả, chỉ quên mình.

 

Bác để tình thương cho chúng con

Một đời thanh bạch, chẳng vàng son

Mong manh áo vải hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

(Tố Hữu, Ra trận, NXB Văn học, 1972)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?

A. Thơ lục bát

B. Thơ tự do

C. Thơ 7 chữ

D. Thơ 8 chữ

Câu 2. Em hiểu sắc thái tình cảm của người nói thể hiện qua từ “đi” trong câu thơ “Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!” là gì?

A. Giảm bớt cảm giác đau buồn, mất mát, giúp câu thơ trở nên nhẹ nhàng hơn.

B. Sắc thái lịch sự, nhã nhặn

C. Thân mật, gần gũi

D. Lễ phép, kính trọng

Câu 3. Cảm xúc bao trùm toàn bài thơ “Bác ơi” là:

A. Biết ơn, ngợi ca công lao của Bác với đất nước nhân dân.

B. Sự ngậm ngùi, tiếc thương của tác giả trước giờ phút tiễn đưa Bác.

C. Tự hào của nhà thơ về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

D. Sự ngậm ngùi, tiếc thương của tác giả khi về thăm lại nhà Bác.

Câu 4. Tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ trong hai câu thơ sau là gì?

“Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa...”

A. Thể hiện nỗi buồn đau của dân tộc trước sự ra đi của Bác

B. Thể hiện nỗi buồn đau của nhà thơ trước sự ra đi của Bác

C. Diễn tả khung cảnh bi thương và sự đau xót của toàn dân tộc trước sự ra đi của Bác

D. Miêu tả khung cảnh thiên nhiên ngày đưa tiễn Bác.

Câu 5. Câu thơ “Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!” thể hiện cảm xúc gì của tác giả?

A. Cảm xúc nhớ thương, đau xót khi Bác ra đi.

B. Đau xót, chưa muốn tin vào sự thật Bác ra đi.

C. Tiếng gọi Bác từ sự đau xót, tiếc thương khi Bác ra đi.

D. Tất cả các ý trên.

Câu 6. Câu thơ nào Tố Hữu ca ngợi lòng yêu nước thương dân, tình nhân ái bao la của chủ tịch Hồ Chí Minh?

A. “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà

     Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha”

B. “Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

     Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa...”

C. “Bác nghe từng bước trên tiền tuyến

     Lắng mỗi tin mừng, tiếng súng xa”

D. “Bác sống như trời đất của ta

    Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa” 

Câu 7. Đáp án nào dưới đây không phải giá trị nghệ thuật của bài thơ “Bác ơi!”?

A. Bài thơ có kết cấu ba phần rõ ràng.

B. Giọng điệu trữ tình đặc trưng, ngọt ngào, thiết tha của tình thương mến.

C. Nghệ thuật biểu hiện của bài thơ đậm đà bản sắc dân tộc.

D. Kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố thơ và nhạc về cấu tứ; sức gợi mở đa dạng, phong phú về hình ảnh và sự mởi mẻ về ngôn từ.

Câu 8. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì?

A. Biểu cảm

B. Tự sự

C. Miêu tả

D. Nghị luận

Trả lời câu hỏi/Thực hiện các yêu cầu:

Câu 9. Em hiểu câu thơ “Bác sống như trời đất của ta” như thế nào?

Câu 10. Từ bài thơ trên, em rút ra bài học gì về cách biểu đạt cảm xúc khi tập làm thơ sáu chữ, bảy chữ?

Đáp án:

Câu 1: C

Câu 2: A

Câu 3: B

Câu 4: C

Câu 5. B

Câu 6. D

Câu 7. D

Câu 8. A

Câu 9.

-  “Trời đất của ta” là quê hương đất nước, là xứ sở thân yêu của ta vô cùng tươi đẹp, rộng lớn và vĩnh hằng. Cuộc đời của Bác được so sánh với “trời đất của ta” nhằm ca ngợi tầm vóc lớn lao và cao cả của Người. Đó là sự nghiệp cách mạng cứu nước cứu dân, là lí tưởng và đạo đức cách mạng của Bác Hồ. Đó là một tâm hồn trong sáng, thanh cao, thoát khỏi mọi ràng buộc của danh lợi vươn tới cái vô cùng, cái cao cả.

-  Câu thơ đã ca ngợi công lao và trái tinh yêu thương của Bác, khẳng định sự trường tồn bất diệt của Bác với đất nước, nhân dân.

- Câu thơ gửi gắm niềm yêu kính, biết ơn vô hạn của nhà thơ cũng như nhân dân ta đối với Bác.

Câu 10.

- Biểu đạt cảm xúc trực tiếp trước sự việc, con người, câu chuyện được nói tới bằng các từ ngữ như thán từ “Chao ôi, Than ôi, thay, sao…: hoặc các động từ như xúc động, đau, buồn, vui, …

- Biểu đạt cảm xúc gián tiếp qua thông qua từ ngữ, hình ảnh  miêu tả thiên nhiên, con người hoặc các biện pháp tu từ, …

Bài tập 3: Đọc văn bản sau:

NHỚ NGOẠI

“Con về quê cũ trời thưa vắng

Ngõ cúc buồn tênh dậu cúc già

Bên thềm trầu úa không người hái

Cau đã mấy mùa quên trổ hoa.

 

Nhớ xưa bóng ngoại nghiêng chiều nắng

Tóc trắng cùng mây trắng dưới trời

Xòe tay ngoại đếm từng thu cuối

Con nào hay biết mỗi thu vơi?

 

Con đi mỗi bước xa, xa mãi

Dáng ngoại bên hiên. Nắng tắt dần

Lá nghiêng về cội con tìm ngoại

Tê tái chiều buông tím góc sân!"

(“Nhớ ngoại” – Bảo Ngọc, in trong “Giữ lửa”, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2015)

Trả lời các câu hỏi:

Câu 1: Chỉ ra dấu hiệu để xác định thể thơ của văn bản trên.

Câu 2: Xác định chủ thể trữ tình của bài thơ.

Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ sau:

Con đi mỗi bước xa, xa mãi

Dáng ngoại bên hiên. Nắng tắt dần

Câu 4: Nhận xét cấu tứ của bài thơ.

Câu 5: Từ cảm xúc của nhân vật trữ tìnhanh/ chị có suy nghĩ gì về vai trò của kí ức đối với cuộc sống của con người.

Đáp án:

Câu 1. B

Câu 2. C

Câu 3: D

Câu 4: B

Câu 5: B

Câu 6. B

Câu 7. A

Câu 8. Câu hỏi tu từ có tác dụng:

- Tạo nhịp điệu cho câu thơ, đoạn thơ.

- Nhấn mạnh vai trò của quê hương và tình cảm của mỗi người đối với quê hương.

Câu 9. Thông điệp mà nhà thơ muốn gửi gắm qua đoạn thơ

- Quê hương là cội nguồn, là sự gắn bó máu thịt đối với mỗi người

- Phải biết nhớ về quê hương, nguồn cội

Câu 10.

Quê hương có một vai trò vô cùng quan trọng trong trái tim và thế giới tình cảm của con người. Mỗi người dân Việt Nam đều có tình cảm thiêng liêng gắn bó với quê hương xứ sở của mình. Đối với những con người lao động, nhất là người nông dân, họ đã gắn bó mật thiết với quê hương. Từ lúc cất tiếng khóc chào đời, rồi tuổi thơ đẹp đẽ, những công việc lao động, rồi cuộc sống gia đình, cho tới lúc chết họ đã sống gắn liền với làng quê. Tình cảm yêu quê hương đất nước là một truyền thống tốt đẹp và đáng quý của dân tộc Việt Nam. Cho dù có ở nơi xa nhưng mỗi người vẫn luôn nhớ về quê nhà của mình. Quê hương như một người mẹ hiền ôm ta vào lòng và dành cho ta những gì tốt đẹp nhất. Quê mẹ là nơi ấp ủ tình yêu thương, nơi nuôi ta lớn, dạy dỗ, an ủi che chở cho ta. Quê hương - hai tiếng thân thương mỗi lần nghe thấy chúng ta không khỏi xúc động bồi hồi. Tình yêu quê hương đã ăn sâu vào máu thịt, đi sâu vào lòng mỗi con người. Vì vậy nếu ai chưa nhận thức chưa có tình cảm gắn bó với xứ sở của mình thì hẳn họ chưa được coi là trưởng thành. Quê hương đi vào lòng con người một cách rất tự nhiên. Người ta có thể nhớ tới quê hương đất nước của mình chỉ qua một món ăn bình dị hay một địa danh đã gắn liền với những kỷ niệm đẹp...

Câu 4: Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi:

“Mỗi lần nắng mới hắt bên song,

Xao xác, gà trưa gáy não nùng,

Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,

Chập chờn sống lại những ngày không.

Tôi nhớ mẹ tôi, thuở thiếu thời

Lúc người còn sống, tôi lên mười;

Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,

Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.

Hình dáng mẹ tôi chửa xóa mờ

Hãy còn mường tượng lúc vào ra:

Nét cười đen nhánh sau tay áo

Trong ánh trưa hè trước giậu thưa.”

(Nắng mới – Lưu Trọng Lư, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2000, Tr288)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của bài thơ

Câu 2: Anh/chị hãy chỉ ra những câu thơ miêu tả hình ảnh người mẹ?

Câu 3: Nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: Mỗi lần nắng mới gieo ngoài nội?

Câu 4: Anh/chị có nhận xét gì về hình ảnh “nắng mới” trong việc thể hiện cảm xúc thơ?

Câu 5: Theo tác giả, yếu tố nào của ngoại cảnh đã khơi gợi dòng hồi tưởng về mẹ?

Câu 6: Nêu nội dung chính của đoạn thơ?

Câu 7: Nhận xét của em về mối quan hệ giữa “nắng mới” và “me tôi” trong bài thơ?

Câu 8. Kỉ niệm riêng của Lưu Trọng Lư gợi trong em xúc cảm gì về một người thân yêu nhất của mình?

Đáp án:

Câu 1.

– Phương thức biểu đạt chính của bài thơ là: Biểu cảm

– Trong đoạn thơ trên tác giả đã sử dụng các phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm.

Câu 2.

– Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,

– Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.

– Nét cười đen nhánh sau tay áo

– Trong ánh trưa hè trước giậu thưa.

Câu 3.

– Biện pháp tu từ nhân hóa

– Tác dụng:

Tăng sức gợi hình, gợi cảm, nâng cao hiệu quả biểu đạt.

Cho thấy một không gian sinh động, rực rỡ, vui tươi. Qua đó thể hiện sự náo nức, thiết tha trong nỗi nhớ của tác giả.

Câu 4.

Hình ảnh nắng mới trong bài thơ vừa là không gian gợi mở những cảm xúc trữ tình của nhà thơ về mẹ, vừa là hình ảnh làm cho bóng hình của mẹ hiện lên trong nỗi nhớ thật tươi tắn, ấm áp và sâu đậm hơn trong nhà thơ.

Câu 5.

Theo tác giả, yếu tố ngoại cảnh đã khơi gợi dòng hồi tưởng về mẹ đó chính là sự xuất hiện của nắng mới và “tiếng gà trưa gáy não nùng”.

Câu 6.

Nội dung chính của đoạn thơ: Những dòng hồi tưởng đẹp, đầy xúc động về mẹ, qua đó thể hiện tình yêu mẹ của tác giả.

Câu 7.

Mối quan hệ giữa “nắng mới” và “me tôi” trong bài thơ: Nắng mới là hình ảnh gắn liền với những kí ức về mẹ, gần gũi, thân thuộc, dường như là hình ảnh tượng trưng cho mẹ nên mỗi lần nhìn thấy nắng mới, tác giả đều liên tưởng tới mẹ của mình.

Câu 8.

Kỉ niệm riêng của Lưu Trọng Lư gợi trong em cảm xúc nỗi nhớ mong mẹ qua những hình ảnh đẹp đẽ và hiền hậu của mẹ. Qua đó ta thấy người mẹ yêu thương con với tình yêu thương bao la, cao cả có vai trò quan trọng trong cuộc đời của nhà thơ.

Bài tập 5:  Đọc văn bản :

HOA CỎ MAY

Cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ,
Không gian xao xuyến chuyển sang mùa.
Tên mình ai gọi sau vòm lá,
Lối cũ em về nay đã thu.

Mây trắng bay đi cùng với gió,
Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ.
Đắng cay gửi lại bao mùa cũ,
Thơ viết đôi dòng theo gió xa.

Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may
Áo em sơ ý cỏ găm đầy
Lời yêu mỏng mảnh như màu khói,
Ai biết lòng anh có đổi thay?

(Thơ Xuân Quỳnh, Kiều Văn chủ biên, NXB Đồng Nai, 1997)

Thực hiện các yêu cầu sau :

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào? 

Câu 2. Xác định đề tài của bài thơ trên.

Câu 3. Khung cảnh mùa thu được thể hiện qua những hình ảnh nào trong đoạn thơ sau:

Cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ,

Không gian xao xuyến chuyển sang mùa.

Tên mình ai gọi sau vòm lá,

Lối cũ em về đã sang thu.

Câu 4. Tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong câu thơ “Lời yêu mỏng mảnh như màu khói”?

Câu 5. Bài thơ thể hiện tâm trạng, cảm xúc gì của nhân vật trữ tình?

Câu 6. Các từ láy “ngẩn ngơ”, “ xao xuyến” nhằm diễn tả điều gì ?

Câu 7.  Nhận xét của anh/chị về bức tranh thu.

Câu 8. Cảm nhận của anh/ chị về vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình “em” trong bài thơ. Trình bày từ 5 đến 7 dòng.

Đáp án:

Câu 1: Thể thơ 7 chữ

Câu 2: Đề tài tình yêu

Câu 3: Các hình ảnh: cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ

Câu 4.

- Làm cho câu thơ gợi hình, gợi cảm hoặc tạo nhịp điệu cho câu thơ

- Nhấn mạnh tâm trạng lo âu, suy tư của tác giả với những dự cảm về tình yêu tan vỡ.

Câu 5. Cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến khi đất trời vào thu và những lo âu, trăn trở, dự cảm về hạnh phúc, tình yêu.

Câu 6. Diễn tả những thay đổi  bỡ ngỡ của thiên nhiên vạn vật, thời gian và  sự lưu luyến của lòng người khi mùa thu đến

Câu 7. Bức tranh mùa thu: thơ mộng, mơ màng với vẻ đẹp nhẹ nhàng, êm dịu của thiên nhiên trong tiết trời thu.

Câu 8.

Từ xưa đến nay, từ thơ ca cổ đến hiện đại, thiên nhiên là một người bạn của thi nhân và giữ vai trò quan trọng. Hay phải nói là, thiên nhiên là nguồn cảm hứng bất tận và là một “nàng thơ” của biết bao văn sỹ. Với Xuân Quỳnh cũng vậy, nhưng khác với thơ cổ mang tính ước lệ thì thiên nhiên trong mắt bà lại phóng khoáng hơn nhiều. Tựa như so với những người phụ nữ phong kiến, tâm hồn người con gái trong mắt Xuân Quỳnh giờ đây tự do và phóng khoáng, có thể thoải mái yêu đương. Trong sự tự do và phóng khoáng ấy, ta lại bỗng dưng nhìn thấy được vẻ mộc mạc, giản dị đặc trưng của người Việt tự bao đời. Thiên nhiên có mây, có núi, có nắng và gió như người đồng hành trên con đường trở về quá khứ của nhân vật trữ tình. Khi thu vừa ghé, tâm hồn người con gái vừa dịu dàng, chất chứa trong đó là bao hoài niệm buồn vui đối với người mình yêu thương nhưng giờ lại phải xa nhau vì chiến tranh. Có lẽ trong lòng người phụ nữ cũng thấy buồn tủi, bao hờn ghen gửi theo gió, còn nỗi nhớ được viết trong thư. Nhưng cô ấy lại mạnh mẽ vô ngần! Không một câu oán than vì hiểu cho người yêu ở nơi phương xa, cũng chẳng than trời trách phận. Chỉ là những nỗi nhớ theo mùa vây lấy người con gái ở, cùng với đó là ngọn cỏ manh.

Xem thêm các bài viết về định nghĩa và khái niệm môn Văn chọn lọc, hay khác:

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Đề thi, giáo án các lớp các môn học