Kí, hồi kí, du kí, nhật kí là gì (chi tiết nhất)
Bài viết Kí, hồi kí, du kí, nhật kí là gì chi tiết nhất, đầy đủ khái niệm, đặc điểm, cách đọc hiểu & bài tập có đáp án chi tiết giúp bạn nắm vững kiến thức trọng tâm về Kí, hồi kí, du kí, nhật kí.
Kí, hồi kí, du kí, nhật kí là gì (chi tiết nhất)
1. Khái niệm
- Kí là tên gọi một nhóm các thể/ tiểu loại tác phẩm văn xuôi phi hư cấu có khả năng dung hợp các phương thức tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thông tin,... nhằm tái hiện những trạng thái đời sống đang được xã hội quan tâm và bộc lộ trực tiếp những cảm nghĩ của tác giả.
- Hồi kí là truyện kể bằng chính ngôi kể tác giả kể về những sự kiện có thật trong quá khứ mà tác giả đã chứng kiến hoặc trải qua.
- Du kí là thể loại kí ghi chép về những chuyến đi tới các vùng đất, các xứ sở nào đó. Người viết kể lại hoặc miêu tả những điều mắt thấy tai nghe trên hành trình của mình.
- Nhật kí là một thể loại thuộc loại hình kí, là hình thức tự thuật có độ tin cậy cao, được thể hiện dưới dạng ghi chép hằng ngày, có đánh số ngày, tháng, năm. Những cuốn nhật kí có giá trị văn học không đơn thuần ghi chép sự việc hằng ngày của một cá nhân mà còn giàu tính nhân văn, đặc sắc về ngôn từ và nghệ thuật, ví dụ như nhật kí của Tôn-xtôi (Tolstoi), An-na Phrăng (Anne Frank), Nguyễn Huy Tưởng, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc,…
2. Đặc điểm
- Đặc điểm của kí:
+ Đề tài và nội dung đều lấy đề tài về con người và cuộc sống cực khổ của người dân lao động nghèo khổ.
+ Đều chứa chan tinh thần nhân đạo.
+ Ngoài ra còn nằm giữa báo chí và văn học, gồm nhiều thể, chủ yếu là văn xuôi tự sự như bút kí, hồi kí, du kí, phóng sự, kí sự, nhật kí, tùy bút,...
- Đặc điểm của hồi kí:
+ Người kể chuyện: Thường xưng “tôi”, “chúng tôi”, là hình ảnh của tác giả, nhưng không hoàn toàn đồng nhất với tác giả. Bởi vì giữa tác giả và người kể chuyện ngôi thứ nhất trong hồi kí luôn có những khoảng cách về tuổi tác, thời gian hay những sự khác biệt trong nhận thức, quan niệm…
+ Hình thức ghi chép và cách kể sự việc: “Ghi chép” hiểu theo cách thông thường là việc chuẩn bị nguồn tư liệu về những điều có thật, đã xảy ra để viết nên tác phẩm. Tư liệu được “ghi chép”, hiểu cách khác, cũng chính là viết, kể, sáng tác. Theo nghĩa này, người viết hồi kí không thể bê nguyên cái có thật, từng xảy ra ngoài đời vào văn bản mà phải ghi sao cho thành chuyện và kể sao cho hấp dẫn, sâu sắc.
- Đặc điểm của du kí:
+ Phản ánh, truyền đạt những nhận biết, những cảm tưởng, suy nghĩ mới mẻ của bản thân người du lịch về những điều mắt thấy tai nghe ở những xứ sở xa lạ, nơi mọi người ít có dịp đi đến, chứng kiến
+ Người kể chuyện: Thường là người trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến sự việc. Có thể xưng “tôi”, có vai trò như người kể chuyện. Khi kể, tác giả kết hợp trình bày suy nghĩ, cảm xúc, sự quan sát, liên tưởng, tưởng tượng của mình về sự việc
+ Mạch kể: Sự việc thường kể theo trình tự thời gian
+ Du ký không chỉ gần gũi mà còn gắn bó mật thiết với báo chí.
- Đặc điểm của nhật kí: Ở thể loại nhật kí, thường sử dụng hình thức trần thuật ngôi thứ nhất, số ít. Nhật kí là thể loại độc thoại, song lời độc thoại của tác giả hoặc nhân vật lại có thể là cuộc đối thoại ngầm với người khác về con người, cuộc đời và bản thân mình.
3. Ví dụ một số tác phẩm kí/ hồi kí/ du kí/ nhật kí
- Kí: Lòng yêu nước (I- li- a Ê renbua), Cây tre Việt Nam (Thép Mới), Ai đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường),…
- Hồi kí: Lao xao (Duy Khán), Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng), Cuộc đời tôi (Võ Nguyên Giáp),…
- Du kí: Nhật kí hành trình (Phạm Phú Thứ), Tuỳ bít sông Đà (Nguyễn Tuân), Đường vào xứ Nghệ (Hoàng Phủ Ngọc Tường),…
- Nhật kí: Nhật kí trong tù (Hồ Chí Minh), Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm, Mãi Mãi tuổi hai mươi (Nguyễn Văn Thạc),…
4. Cách đọc hiểu một văn bản kí/ hồi kí/ du kí/ nhật kí
- Kí là thể loại ghi chép lại những câu chuyện, sự kiện có thực, mang đậm dấu ấn cá nhân. Khi đọc hiểu một văn bản kí, cần chú ý:
+ Hoàn cảnh sáng tác: Văn bản ra đời trong bối cảnh nào? Có liên quan đến sự kiện lịch sử hay không?
+ Người kể chuyện: Thường là tác giả, người trực tiếp chứng kiến hoặc tham gia vào câu chuyện.
+ Nội dung chính: Văn bản ghi lại điều gì? Sự kiện, con người hay địa danh nào được đề cập?
+ Giọng điệu và phong cách: Giọng văn có tính trữ tình, hùng hồn, khách quan hay mang tính triết lý?
+ Giá trị tư tưởng và nghệ thuật: Văn bản muốn truyền tải thông điệp gì? Nghệ thuật thể hiện có gì đặc sắc?
- Hồi kí là thể loại ghi lại những sự kiện có thật trong quá khứ, thường mang tính tự truyện. Khi đọc hiểu, cần lưu ý:
+ Người viết là ai? Thường là người nổi tiếng, có vai trò trong lịch sử, văn học, chính trị…
+ Thời gian và không gian: Sự kiện xảy ra trong khoảng thời gian nào? Tại đâu?
+ Tính chủ quan: Vì là hồi tưởng nên văn bản mang đậm dấu ấn cá nhân, có thể không hoàn toàn khách quan.
+ Giá trị lịch sử và nhân văn: Hồi kí giúp hiểu sâu hơn về một giai đoạn lịch sử hoặc cuộc đời nhân vật.
+ Ngôn ngữ, giọng điệu: Có thể giàu cảm xúc, mang tính chiêm nghiệm hoặc hài hước, sâu sắc.
- Du kí là những bài viết ghi chép về hành trình, những nơi tác giả đã đi qua, kết hợp với cảm xúc và nhận xét cá nhân. Khi đọc hiểu du kí, cần lưu ý:
+ Hành trình của tác giả: Văn bản nói về chuyến đi đến đâu? Những địa danh nào xuất hiện?
+ Sự quan sát, miêu tả: Tác giả chú ý đến điều gì? Cảnh sắc thiên nhiên, con người hay văn hóa địa phương?
+ Cảm xúc cá nhân: Tác giả thể hiện sự ngạc nhiên, thích thú, suy tư hay cảm giác tiếc nuối?
+ Thông tin và giá trị văn hóa: Văn bản cung cấp những tri thức gì về địa lý, lịch sử, phong tục tập quán?
+ Phong cách nghệ thuật: Ngôn ngữ có giàu hình ảnh không? Cách viết tả thực hay đậm chất trữ tình?
- Nhật kí là thể loại ghi lại suy nghĩ, cảm xúc của cá nhân theo từng ngày. Khi đọc nhật kí, cần quan tâm:
+ Tính cá nhân và riêng tư: Đây là thể loại rất cá nhân, mang dấu ấn tâm trạng của người viết.
+ Thời gian ghi chép: Nhật kí ghi theo ngày tháng, phản ánh quá trình thay đổi suy nghĩ, cảm xúc của tác giả.
+ Cảm xúc và tâm trạng: Vui, buồn, cô đơn, hi vọng hay tuyệt vọng?
+ Bối cảnh xã hội: Nhật kí có thể phản ánh một giai đoạn lịch sử nhất định (ví dụ: "Nhật kí Anne Frank" viết trong thời kỳ phát xít Đức đàn áp người Do Thái).
+ Cách diễn đạt: Ngôn ngữ thường giản dị, chân thực nhưng giàu cảm xúc.
5. Một số bài tập liên quan đến thể loại kí/ hồi kí/ du kí/ nhật kí.
5.1. Trắc nghiệm
Câu 1. Thể loại văn học nào dưới đây thường được viết theo ngôi thứ nhất và mang tính chất tự sự?
A. Truyện ngắn
B. Ký
C. Kịch
D. Thơ
Đáp án: B
Câu 2: Văn bản nào dưới đây thuộc thể loại ký?
A. "Chuyện người con gái Nam Xương" - Nguyễn Dữ
B. "Lặng lẽ Sa Pa" - Nguyễn Thành Long
C. "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" - Hoàng Phủ Ngọc Tường
D. "Truyện Kiều" - Nguyễn Du
Đáp án: C
Câu 3: Đặc điểm nào dưới đây không phải của thể ký?
A. Phản ánh hiện thực một cách chân thực
B. Có sự hư cấu hoàn toàn
C. Có sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình
D. Người viết thường kể về những sự việc có thật
Đáp án: B
Câu 4. Hồi ký là gì?
A. Là thể loại văn kể về những sự kiện có thật trong đời sống, do người chứng kiến hoặc tham gia viết lại
B. Là thể loại văn kể lại những kỷ niệm, sự kiện quan trọng trong cuộc đời tác giả
C. Là thể loại văn kể lại chuyến đi thực tế của tác giả
D. Là những dòng tâm sự được ghi chép hàng ngày của tác giả
Đáp án: B
Câu 5: Tác phẩm nào sau đây thuộc thể loại hồi ký?
A. "Những ngày thơ ấu" - Nguyên Hồng
B. "Thượng kinh ký sự" - Lê Hữu Trác
C. "Bình Ngô đại cáo" - Nguyễn Trãi
D. "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" - Nguyễn Đình Chiểu
Đáp án: A
Câu 6: Văn bản nào sau đây thuộc thể loại du ký?
A. "Tôi đi học" - Thanh Tịnh
B. "Vượt thác" - Võ Quảng
C. "Thượng kinh ký sự" - Lê Hữu Trác
D. "Tắt đèn" - Ngô Tất Tố
Đáp án: C
Câu 7. Đặc điểm nổi bật của thể loại du ký là gì?
A. Ghi chép những sự kiện chính trị, lịch sử của đất nước
B. Kể lại những chuyến đi, khám phá vùng đất mới
C. Ghi lại những suy nghĩ, tâm tư của tác giả trong cuộc sống hàng ngày
D. Phản ánh nội tâm nhân vật thông qua những câu chuyện hư cấu
Đáp án: B
Câu 8: Thể loại nhật ký có đặc điểm nào sau đây?
A. Viết theo hình thức ghi chép hàng ngày
B. Chỉ ghi lại sự kiện lịch sử quan trọng
C. Không có yếu tố trữ tình, cảm xúc cá nhân
D. Được viết để công bố ngay lập tức
Đáp án: A
Câu 9: Nhật ký thường sử dụng ngôi kể nào?
A. Ngôi thứ nhất
B. Ngôi thứ hai
C. Ngôi thứ ba
D. Cả ba ngôi kể đều phổ biến
Đáp án: A
Câu 10: Tác phẩm nào sau đây thuộc thể loại nhật ký?
A. "Nhật ký trong tù" - Hồ Chí Minh
B. "Số đỏ" - Vũ Trọng Phụng
C. "Dế Mèn phiêu lưu ký" - Tô Hoài
D. "Bên kia sông Đuống" - Hoàng Cầm
Đáp án: A
5.2. Tự luận
Câu 1: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
BUỔI ĐẦU TIÊN HỌC TRƯỜNG YÊN PHỤ
Tôi chỉ có tội ham chơi chứ học không đến nỗi dốt lắm, vì cha tôi dạy tôi chữ Nho rồi chữ Quốc ngữ chung với vài đứa em họ tôi và con một người bạn của mẹ tôi. Chúng đều hơn tôi hai, ba tuổi mà học kém tôi.
Học như vậy được khoảng hai năm, rồi cha tôi nhờ một thầy kí có bằng Tiểu học Pháp Việt dạy vần Tây cho tôi. Đầu năm Canh Thân (1920), cha tôi xin cho tôi được vào học lớp dự bị Trường Yên Phụ. Lúc đó, vào giữa năm học, chắc tôi không được chính thức ghi tên vô sổ.
Buổi học đầu tiên của tôi nhằm ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch. Cha tôi dậy sớm, sắp xếp bút mực, thước kẻ, sách vở vào cái cặp da nhỏ (một xa xỉ phẩm thời đó) rồi khăn áo chỉnh tề, thuê một chiếc xe kéo bánh sắt (chưa có bánh cao su) để đưa tôi tới trường ở dưới chân đê Yên Phụ, cách nhà tôi hai cây số, dắt tôi lại chào thầy Hà Ngọc Chử, gởi gắm tôi với thầy. Ngày nay, đọc lại hai trang đầu bài Tựa cuốn Thế hệ ngày mai, trong đó, tôi chép lại một buổi học đầu tiên của tôi và buổi học đầu tiên của con tôi ngoài hai chục năm sau vẫn còn bùi ngùi: tình cha tôi đối với tôi, và tình vợ chồng tôi đối với con tôi, sự săn sóc của chúng tôi đối với con y như nhau, hai thế hệ một tấm lòng, một tinh thần.
Tôi còn thấy rõ nét mặt của cha tôi, của thầy Chử, cảnh sân trường, cảnh lớp học, tưởng đâu như việc mới xảy ra tháng trước, thế mà đã sáu chục năm qua rồi. Bài Tựa đó đã làm cảm động nhiều độc giả, có người định lựa cho vào một tập Văn tuyển.
Hôm đó, cả sáng lẫn chiều, cha tôi đưa tôi tới trường, rồi đợi tan học lại đưa tôi về. Nhưng chỉ ngày hôm sau, cha tôi kiếm được một bạn học cùng lớp với tôi, lớn hơn tôi một, hai tuổi, nhà ở Hàng Mắm gần nhà tôi, và nhờ em đó hễ đi học thì rẽ vào nhà tôi, đón tôi cùng đi. Từ đó, người khỏi phải đưa tôi nữa, và mỗi ngày tôi với bạn đi đi về về bốn lượt, từ nhà tôi tới trường, từ trường về nhà. Mùa hè để tránh nắng, chúng tôi theo bờ đê Nhị Hà, qua phố Hàng Nâu, Ô Quan Chưởng gần cầu Đu-me (Doumer) (cầu Long Biên), bến Nứa để hưởng hương thơm ngào ngạt của vài cây đuôi chồn (loại lilas) ở khỏi dốc Hàng Than, lá mùa xuân xanh như ngọc thạch, mùa đông đỏ như lá bàng. Mùa đông để tránh gió bấc từ sông thổi vào, chúng tôi theo con đường ở phía trong, xa hơn, qua phố Hàng Đường, Hàng Than, sau nhà máy nước, nhà máy thuốc lá. Có lẽ, nhờ đi bộ như vậy, mỗi ngày tám cây số, luôn năm, sáu năm trời nên thân thể cứng cáp, mặc dầu thiếu ăn thiếu mặc.
(Theo Nguyễn Hiến Lê)
1: Văn bản trên thuộc thể loại gì?
A. Hồi kí
B. Du kí
C. Truyện ngắn
D. Tiểu thuyết
2: Nội dung chính của văn bản trên được thể hiện rõ ở phần nào?
A. Câu mở đầu văn bản
B. Câu cuối văn bản
C. Tiêu đề (nhan đề) của văn bản
D. Câu mở đầu các đoạn văn
3: Dòng nào dưới đây ghi đúng tính chất thể loại của văn bản này?
A. Ghi lại những sự việc có thực mà tác giả đã trải qua
B. Ghi lại những sự việc trọng đại đã xảy ra trong quá khứ
C. Ghi lại những câu chuyện của các danh nhân nổi tiếng
D. Ghi lại những lời giáo huấn, răn đe
4: Tính chất xác thực của văn bản trên thể hiện ở chi tiết nào sau đây?
A. Bài Tựa đó đã làm cảm động nhiều độc giả
B. Hôm đó, cả sáng lẫn chiều, cha tôi đưa tôi tới trường, rồi đợi tan học lại đưa tôi về.
C. Chúng tôi theo bờ đê Nhị Hà, qua phố Hàng Nâu, Ô Quan Chưởng…
D. Cha tôi dậy sớm, sắp xếp bút mực, thước kẻ, sách vở vào cái cặp da nhỏ.
5: Dòng nào chứa cảm xúc của người viết:
A. Buổi học đầu tiên của chúng tôi nhằm ngày 7 tháng Giêng Âm lịch
B. Lúc đó vào giữa năm học, chắc tôi không được ghi tên chính thức vào sổ
C. …thế mà đã sáu chục năm qua rồi!
D. … cha tôi tới đón tôi ở trường, rồi đợi tan học lại đưa tôi về.
6: Câu nào sau đây khái quát đúng ý nghĩa của văn bản trên?
A. Sự quan tâm của người cha tới việc học hành của con cái là hết sức quan trọng, đặc biệt là buổi học đầu tiên
B. Sự quan tâm của bạn bè cùng thế hệ là hết sức quan trọng, đặc biệt là buổi học đầu tiên
C. Sự quan tâm của thầy cô giáo với học trò là hết sức quan trọng, đặc biệt là buổi học đầu tiên
D. Sự quan tâm của nhà trường đối với học trò là hết sức quan trọng, đặc biệt là buổi học đầu tiên.
7. Trong câu: “Cha tôi dậy sớm… để đưa tôi tới trường ở dưới chân đê Yên Phụ”, từ “chân” được hiểu theo nghĩa nào? Từ “chân” là một từ đa nghĩa, em hãy đặt câu với từ “chân” có nghĩa khác với nghĩa trên và giải thích rõ nghĩa.
8. Văn bản được kể theo ngôi thứ mấy? Nêu tác dụng của ngôi kể đó?
Đáp án:
1: A
2: C
3. A
4. C
5. C
6. A
7.
- Đặt câu với từ “chân” có nghĩa khác: Cô ấy bị đau chân sau khi chạy bộ quá lâu.
- Giải thích: Trong câu này, “chân” được hiểu theo nghĩa bộ phận của cơ thể người hoặc động vật dùng để di chuyển. Nghĩa này khác với nghĩa “chân” trong câu gốc (phần dưới cùng của sự vật).
8.
- Văn bản được kể theo ngôi thứ nhất.
- Tác dụng của ngôi kể thứ nhất:
+ Giúp tác giả dễ dàng ghi lại những cảm xúc, tâm trạng, quan sát, … mà chính tác giả đã trải qua trong buổi học đầu tiên…
+ Câu chuyện được kể giản dị, chân thực – gây xúc động cho người đọc.
Câu 2: Học sinh đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi phía dưới
CẢNH NHÀ SAU KHI CHA TÔI MẤT
(Trích hồi kí - Nguyễn Hiến Lê)
[...] Cha tôi mất là bắt đầu thời suy của gia đình tôi. Mẹ tôi buồn khổ nhưng không than thở, không thất vọng, âm thầm chống với nghịch cảnh. Người lại đi bán hàng, tôi lại đi học, không có gì thay đổi, chỉ khác có thêm bàn thờ của cha tôi và dải khăn số trên đầu mẹ tôi.
Trước kia mọi việc trong nhà như cúng giỗ, giao thiệp với họ hàng bên nội bên ngoại, thu tiền nhà, cha tôi lo hết; nay mẹ tôi phải đảm đương lấy, bà ngoại tôi đi chợ nấu cơm, giặt giũ, săn sóc bốn anh em tôi, mà em út tôi lúc đó chắc mới thôi bú.
Người ra đi từ mờ đất, mùa đông cũng như mùa hè, ngày mưa cũng như ngày nắng, ra bến sông ở gần Cầu Đất cách nhà tôi độ một cây số, đón ghe để mua trái cây: dưa hấu, dứa, bưởi, mía... tùy mùa, rồi thuê xe kéo chở về chợ Đồng Xuân, chia lại cho bạn hàng để lấy chút huê hồng, còn thì bán buôn cho những người ở những chợ nhỏ, cũng bán lẻ nữa.
Bốn giờ chiều tan chợ, người nghỉ bán, đi đòi tiền bạn hàng thiếu, tối mới về tới nhà, lâu lâu đội về một thúng gạo. Có hồi đội về một thúng lạc để bóc vỏ thuê cho người ta: cả nhà ăn cơm xong, xúm lại bóc độ một giờ là xong, tiền công không biết được bao nhiêu, lợi là vỏ lạc về mình để đun bếp, đỡ mua củi. Mùa hè, anh em chúng tôi đi lượm những quả bàng chín, rụng về phơi khô, bửa hột ra, lấy nhân ăn bùi, béo hơn lạc, còn cùi cũng để dun bếp; cuối thu, lá bàng rụng chúng tôi lượm về từng thúng. Khi bà cháu, anh em làm chung thì chỉ thấy vui và thương yêu nhau chứ không thấy khổ
Nhà tôi ở Long Xuyên hiện nay, trước cửa có một cây ninh cao 15, 16 thước, thân lớn hai ôm, cử tới đầu xuân là thay lá: ban đêm tôi nằm nghe thấy lá rụng ào ào, sáng dậy sân và đường đã đầy những lá đen, và một cô giáo với hai đứa con bảy tám tuổi, đã tới từ hồi nào để quét và hốt dồn vào những cái bao ni lông lớn. Cô giáo cột vào xe đạp chở về. Có khi mẹ bận, hai đứa nhỏ phải đội những bao đó đi bộ về nhà. Chúng thật dễ thương, có trái cây hay một miếng bánh tráng chúng cũng chia nhau: con chị cắn trước rồi chìa cho tháng em, em cắn một miếng rồi đưa lại cho chị. Nhìn họ tôi vui được sống lại tuổi thơ. Thì ra thời này củi quế gạo châu như 60 năm trước. Lượm lá cây như vậy mỗi ngày đỡ được hai đồng bạc củi, mà lương giáo viên được 60 đồng mỗi tháng. Nhưng chỉ được nửa tháng, trút hết lá, cây nính lại mơn mởn dưới ánh nắng ban mai, lại phải đợi dầu xuân năm sau mới được cái vui quét lá.
Chúng tôi phải tiết kiệm, rút mọi chi tiêu xuống mức tối thiểu. Anh em tôi không được ăn kẹo tây nữa, không được dắt đi chơi, đi xem hát, không có áo mới; bà tôi nhịn ăn trầu. Nhưng còn may là không phải ăn độn, và mỗi sáng đi học tôi còn được một xu hay một trinh (nửa xu) để mua một củ khoai lang tròn, lớn bằng nắm tay, hoặc một khúc sẵn (khoai mì) dài non một gang tay, nhiều bột, bở, trắng tinh, ngon hơn khoai và sắn ngày nay nhiều.
Mẹ tôi cũng lo việc học cho chúng tôi, có ai đâu để nhờ cậy? Tôi còn nhớ buổi trưa hôm đó, không rõ là ngày thất tuần hay trăm ngày của cha tôi, mẹ tôi bưng một cái quả (thứ tráp lớn, tròn) đựng xôi và thịt quay, cùng với tôi ngồi xe lại nhà thầy giáo tôi ở trên một gác nhỏ, khu hàng Bún để biếu thầy, và kể tình cảnh mẹ góa con côi của chúng tôi, nhờ thầy săn sóc sự học của tôi.
Người lại tìm thầy dạy vần Quốc ngữ và vần Tây cho em trai tôi để sau xin cho nó vào học lớp Năm cũng trường Yên Phụ. Hơn nữa, người còn cho tôi, con trưởng, thỉnh thoảng có dịp nào tiện thì về thăm quê nội ở Phương Khê. Lần đầu tôi theo một người anh họ, đi tàu thủy từ Hà Nội lên Sơn Tây, rồi từ Sơn Tây đi xe kéo về làng; lần thứ nhì chúng tôi đi xe kéo suốt từ Hà Nội về phủ Quảng Oai, rồi đi bộ về làng. Sau khi đoạn tang chồng, mẹ tôi nhân dịp Tết, người lại đưa tôi và em út tôi về Phương Khê nữa. Như vậy là phải nghỉ bán hàng sáu ngày vì đi đường mất hai ngày, về mất hai ngày rồi.
Tết nào không về được thì người gởi biểu bác Hai tôi trái cây, đồ nấu, hương thơm, trà mứt để cúng tổ tiên, y như hồi cha tôi còn sống, không thay đổi gì cả. Trên bàn thờ cha tôi thì tết nào cũng có hai giò thủy tiên đặt trong hai cái cốc quý bằng thủy tinh như trước chỉ khác thủy tiên không đẹp bằng vì mua ở chợ chiều 30 tết cho rẻ.
Ngày nay nhớ lại đời sống và ngôn hành của người, tôi thấy người không kém bà Tú Xương. Bà Tú:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.”
Thì mẹ tôi cũng quanh năm mua ở ven sông, bán ở chợ, và cũng nuôi đủ bốn con - có khi thêm một đứa cháu ở bên chồng nữa - với một mẹ già.
Việc gì người tính toán cũng kín đáo và chu tất, xử sự ngay thẳng và đàng hoàng. Tôi nghiệm thấy phụ nữ người nào từ dung mạo tới tính tình, có nhiều nam tính hơn nữ tính thì hầu hết đảm đang, gây dựng nổi cơ đồ, nhưng đời thường vất vả. Mẹ tôi thuộc hạng người đó. Thật là một phúc lớn cho chúng tôi và cả cho gia đình bên nội tôi nữa. Nếu người tái giá thì chắc anh em chúng tôi phải li tán, kẻ về Sơn Tây ở với ông bác, kẻ đi ở nhờ một bà dì, nếu không thì cũng phải sống tủi nhục với người chồng sau của mẹ; cả trong hai trường hợp đó, chúng tôi đều không học hành được gì, may lắm là biết đọc, biết viết rồi kiếm nghề để mưu sinh. Nhưng dù người không tái giá mà không có bà ngoại tôi thì chúng tôi cũng không nên người được. Công của bà rất lớn. [...]
(https://goeco.link/jbEgr)
1. Văn bản trên thuộc thể loại nào? Căn cứ nào để xác định điều đó ?
A. Du kí, vì kể về chuyến đi về quê mất 2 ngày.
B. Truyện ngắn, vì kể về những biến cố trong gia đình.
C. Hồi kí, vì tác giả kể những việc xảy ra trong quá khứ của gia đình mình.
D. Văn biểu cảm, vì bộc lộ cảm xúc về mẹ mình.
2. Người kể chuyện xưng “tôi” có phải là tác giả không? Vì sao?
A. “Tôi” không phải là tác giả. Vì tác giả là người trưởng thành.
B. “Tôi” là tác giả. Vì tác giả đang kể về chuyện nhà mình.
C. “Tôi” chính là tác giả.Vì “tôi” đang kể về những điều mình đã trải qua.
D. “Tôi” chính là tác giả. Vì hồi kí là kể lại chuyện mình đã trải qua.
3. Các sự việc được kể diễn ra vào quãng thời gian nào trong cuộc đời của tác giả?
A. Khi tác giả đã trưởng thành.
B. Khi tác giả còn nhỏ, đang đi học.
C. Khi tác giả đã đi học xa.
D. Khi tác giả đã đi công tác.
4. Hình ảnh người mẹ trong văn bản thuộc chân dung nào sau đây?
A. Chân dung tỉnh thần.
B. Chân dung được khắc hoạ.
C. Chân dung tự hoạ.
D. Chân dung vừa tự hoạ, vừa được khắc hoạ.
5. Hình ảnh người mẹ trong văn bản là người như thế nào
A. Người mẹ mạnh mẽ, chống chọi với nghịch cảnh, đảm đang, tháo vát.
B. Người mẹ hiền lành, nhưng đảm đang tháo vát.
C. Người mẹ cứng rắn, cương trực, nhưng yêu con.
D. Người mẹ nhút nhát nhưng tần tảo, hay lam hay làm.
6. Việc “Nhờ thầy săn sóc sự học của tôi...Người lại tìm thầy dạy vẫn Quốc ngữ và vận Tây cho em trai tôi” chứng tỏ điều gì ở người mẹ
A. Rất trọng người thầy.
B. Thích nói chuyện học hành.
C. Quan tâm, coi trọng việc học hành của con.
D. Làm theo lời của người chồng đã khuất.
7. Câu sau cho thấy tác giả kết hợp sử dụng phương thức biểu đạt nào ở hồi kí?
Tôi nghiệm thấy phụ nữ người nào từ dung mạo tới tính tình, có nhiều nam tính hơn nữ tính thì hầu hết đảm đang, gây dựng nổi cơ đồ, nhưng đời thường vất vả.
A. Miêu tả.
B. Biểu cảm.
C. Nghị luận.
D. Tự sự.
8. Vì sao tác giả luôn gọi mẹ mình là “người”?
A. Vì 2 mẹ con rất xa cách.
B. Vì kính trọng và yêu thương mẹ.
C. Vì mẹ rất nghiêng khắc.
D. Vì mẹ rất lạnh lùng.
9. Tác giả đã học được những điều gì từ việc quan sát cuộc sống gia đình, xã hội? Em có thói quen quan sát cuộc sống quanh mình để rút ra nhận xét không?
10. Đọc câu sau và trả lời câu hỏi a,b
Mẹ tôi buồn khổ nhưng không than thở, không thất vọng, âm thầm chống với nghịch cảnh
a. “nghịch cảnh” trong câu trên được hiểu như thế nào?
b. Em đồng ý với nhận xét của tác giả về mẹ mình trong câu trên không? Vì sao?
Đáp án:
1. C
2. D
3. B
4. B
5. A
6. C
7. C
8. B
9.
- Tác giả đã học được:
+ Nghị lực sống từ người mẹ của mình: âm thầm làm việc, đối mặt, không kêu ca,…
+ Thái độ sống: chia sẻ, yêu thương nhau từ câu chuyện của mẹ con cô giáo)
- Em có thói quen quan sát: Việc quan sát cuộc sống xung quanh và rút ra nhận xét là một thói quen rất tốt, giúp ta hiểu rõ hơn về thế giới, con người và cả bản thân mình. Nếu em có thói quen này, em sẽ có khả năng suy nghĩ sâu sắc hơn, biết cách phân tích vấn đề và đưa ra những nhận định đúng đắn.
10.
a. Nghịch cảnh là những khó khăn, thử thách và là điều không may mắn, không suôn sẻ trong cuộc sống của mỗi một con người. Đó là những trắc trở, rủi ro mà chúng ta không hề mong muốn như: Xung đột, chiến tranh, bệnh tật,…
b. Em đồng ý với nhận xét của tác giả về mẹ mình trong câu trên. Vì câu văn thể hiện sự kiên cường, nhẫn nại và mạnh mẽ của người mẹ. Dù gặp phải nghịch cảnh, bà không than vãn hay thất vọng mà âm thầm chịu đựng và đấu tranh để vượt qua. Đây là đức tính cao đẹp, đáng trân trọng của người mẹ.
Câu 3: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
2.10.1971
Nhiều lúc mình không ngờ nổi rằng mình đã đến đây. Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá, và cũng đột ngột quá.
Thế là thế nào? Cách đây ít lâu mình còn là sinh viên. Bây giờ thì xa vời lắm rồi những ngày cắp sách lên giảng đường, nghe thầy Đường, thầy Đạo... Không biết bao giờ mình sẽ trở lại những ngày như thế. Hay chẳng còn bao giờ nữa! Có thể lắm. Mình đã lớn rồi. Học bao lâu, mà đã làm được gì đâu, đã sống được gì đâu? Chỉ còm cõi vì trang sách, gầy xác đi vì mộng mị hão huyền.
28 ngày trong quân ngũ, mình hiểu được nhiều điều có ích. Sống được nhiều ngày có ý nghĩa. Dọc đường hành quân, có dịp xem lại lòng mình, soát lại lòng mình.
Mình bắt đầu sống có trách nhiệm từ đâu, từ lúc nào? Có lẽ từ 9.3.71 tháng 3 của hoa nhãn ban trưa, của hoa sấu, hoa bằng lăng nước.
...Trên mũ là ngôi sao. Ta lặng ngắm ngôi sao, như hồi nào ta chỉ cho bạn: Kia là ngôi sao Hôm yêu dấu... Nhưng khác hơn một chút. Bây giờ, ta đọc trong ngôi sao ấy, ánh lửa cầu vồng của trận công đồn, màu đỏ của lửa, của máu…
Ta như thấy trong màu kì diệu ấy có cả hồng cầu của trái tim ta.
(Trích Mãi mãi tuổi hai mươi, nhật kí của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc)
1: Xác định phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong đoạn trích trên.
2: Phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên là gì?
3: Nội dung của đoạn trích trên là gì?
4: Nhìn những ngôi sao trên mũ, tác giả đọc được những gì? Ý nghĩa của những hình ảnh đó?
5: Tại sao tác giả viết: “Học bao lâu, mà đã làm được gì đâu, đã sống được gì đâu?”?
6: Tác giả muốn gửi gắm thông điệp gì qua đoạn trích
Đáp án:
1: Phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong đoạn trích là: Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.
2: Phương thức biểu đạt trong đoạn trích là: tự sự
3: Nội dung của đoạn trích trên: những ngày làm bộ đội, cậu sinh viên đã hiểu rõ thật nhiều điều về cuộc sống
4:
– Nhìn ngôi sao trên mũ, tác giả thấy:
Ánh lửa cầu vồng.
Màu đỏ của lửa, của máu.
Hồng cầu của trái tim.
– Ý nghĩa: Biểu thị cho ngọn lửa đấu tranh, sức mạnh quật cường; nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc; lí tưởng cao đẹp, khát vọng cống hiến cho Tổ quốc, nhân dân.
5:
– Tác giả viết: Học bao lâu, mà đã làm được gì đâu, đã sống được gì đâu? vì:
Việc học chỉ có ý nghĩa khi nó được áp dụng vào cuộc sống.
Sự sống không phải chỉ biết cho cá nhân mình.
Khi Tổ quốc lên tiếng gọi tuổi trẻ sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường vì Tổ quốc…
6: Thông điệp của đoạn trích mà tác giả muốn gửi gắm là: bản thân mỗi cá nhân phải sống có ích và có trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc.
Câu 4: Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
19.5.1970
Được thư mẹ, mẹ của con ơi, mỗi dòng chữ, mỗi lời nói của mẹ thâm nặng yêu thương, như những dòng máu chảy về trái tim khao khát nhớ thương của con. Ôi! Có ai hiểu lòng con ao ước được về sống giữa gia đình, dù chỉ là giây lát đến mức nào không? Con vẫn hiểu điều đó từ lúc bước chân lên chiếc ôtô đưa con vào con đường bom đạn. Nhưng con vẫn ra đi vì lí tưởng. Ba năm qua, trên từng chặng đường con bước, trong muôn vàn âm thanh hỗn hợp của chiến trường, bao giờ cũng có một âm thanh dịu dàng tha thiết mà sao có một âm lượng cao hơn tất cả mọi đạn bom sấm sét vang lên trong lòng con. Đó là tiếng nói của miền Bắc yêu thương, của mẹ, của ba, của em, của tất cả. Từ hàng lim xào xạc trên đường Đại La, từ tiếng sóng sông Hồng dào dạt vẽ đến cả âm thanh hỗn tạp của cuộc sống Thủ đô vẫn vang vọng trong con không một phút nào nguôi cả.
(Trích Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005)
Thực hiện các yêu cầu sau:
1: Đoạn văn được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?
2: Trong đoạn văn có sử dụng phương thức biểu đạt chính nào?
3: “Lí tưởng” mà liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm nhắc đến trong đoạn văn trên là gì?
4: Đọc đoạn nhật kí trên, điều gì khiến anh (chị) xúc động nhất?
5: Anh/ chị nghĩ gì về sự hi sinh của những người trẻ tuổi trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc? (trình bày trong khoảng 7 dòng)
Đáp án:
1:
Đoạn văn được viết theo phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.
2:
Trong đoạn văn có sử dụng phương thức biểu đạt chính là: Biểu cảm.
3:
“Lí tưởng” mà liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm nhắc đến trong đoạn văn trên là lý tưởng hy sinh tuổi thanh xuân của mình để chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.
4:
Đọc đoạn nhật kí trên, điều khiến em xúc động nhất là nỗi nhớ mẹ của cô con gái.
5:
Để được sống trong hòa bình, hạnh phúc như ngày hôm nay là nhờ công lao của ông cha ta trong những năm kháng chiến chống thực dân bảo vệ Tổ quốc. Trong các cuộc kháng chiến đó, có rất nhiều người chiến sĩ là những thanh niên trẻ đã hy sinh. Họ là những người có lý tưởng sống cao đẹp và đã không ngần ngại bỏ lại sau lưng tất cả mọi thứ để lên đường chiến đấu về sự độc lập toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Đó là điều mà chưa chắc trong thời bình những người trẻ tuổi có thể làm được. Em rất ngưỡng mộ, tự hào và trân trọng những người trẻ như thế.
Câu 5: Đọc đoạn văn dưới đây và khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng cho mỗi câu hỏi:
“Trong hang Én, hàng vạn con chim én vẫn hồn nhiên cư ngụ và chưa phải biết sợ con người. Bốn vách hang, trần hang – nơi nào cũng dày đặc chim én. Cộng đồng én thoải mái sống “cuộc đời” của chúng, không mảy may để ý đến sự hiện diện của nhóm du khách. Én bố mẹ tấp nập đi, về, mải mốt mớm mồi cho con; én anh chị rập rờn bay đôi; én ra ràng chấp chới vỗ cánh bên rìa hốc đá,... Nhiều bạn én thiếu niên ngủ nướng, say giấc ngay trên những mỏm đá thấp dọc lối đi. Nếu đặt lên vai, bạn sẽ rúc vào tóc hoặc đậu trên đầu mình để... ngủ tiếp!”
(Trích Hang Én, Hà My, Ngữ văn 6, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2021)
1. Đoạn văn trên giúp em khám phá được hình ảnh nào?
A. Sự chăm sóc của con người dành cho gia đình én.
B. Cuộc du ngoạn của khách tới thăm hang Én.
C. Cuộc sống của chim én trong hang.
D. Sự sống của con người và én trong hang.
2. Tác dụng của dấu ngoặc kép trong câu: “Cộng đồng én thoải mái sống “cuộc đời” của chúng, không mảy may để ý đến sự hiện diện của nhóm du khách” nhằm nhấn mạnh điều gì?
A. Loài én cũng có cuộc đời như những con vật khác.
B. Loài én cũng có đời sống như con người.
C. Hãy trân trọng cuộc đời của loài chim én.
D. Loài én cũng cần sự tự do trong cuộc đời của mình.
3. Biện pháp tu từ nhân hóa trong câu văn: “Én bố mẹ tấp nập đi, về, mải mốt mớm mồi cho con; én anh chị rập rờn bay đôi; én ra rang chấp chới vỗ cánh bên rìa hốc đá,…” có tác dụng gì?
A. Giúp người đọc hình dung được cảnh sinh sống của loài én.
B. Tái hiện sinh động cuộc sống tấp nập của gia đình loài én.
C. Thể hiện khả năng dùng từ ngữ linh hoạt của tác giả.
D. Cả 3 phương án A, B và C.
4. Việc đến khám phá những nơi xa sẽ mở rộng tầm hiểu biết cho chúng ta. Theo em, hành trình đó còn đánh thức những điều gì ở con người?
A. Sự hiểu biết về loài én
B. Giúp tinh thần sảng khoái
C. Tinh thần trách nhiệm với công việc hằng ngày
D. Tình yêu thiên nhiên, đất nước và sự trân trọng những giá trị của cuộc sống
5: Hãy nêu hiểu biết của em về thể loại du kí? Nêu tên một tác phẩm
Đáp án:
1: C
2: B
3: D
4: D
5:
- Du kí là thể loại kí ghi chép về những chuyến đi tới một vùng đất, xứ sở nào đó. Người viết kể lại hoặc miêu tả những điều mắt thấy, tai nghe trong hành trình của mình.
- Văn bản cùng thể loại: Cô Tô.
Xem thêm các bài viết về định nghĩa và khái niệm môn Văn chọn lọc, hay khác:
- Tùy bút và tản văn là gì?
- Hài kịch là gì?
- Bi kịch là gì?
- Thơ, Thơ trữ tình là gì?
- Thơ có yếu tố tự sự, miêu tả là gì?
Tủ sách VIETJACK luyện thi vào 10 cho 2k10 (2025):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Đề thi lớp 1 (các môn học)
- Đề thi lớp 2 (các môn học)
- Đề thi lớp 3 (các môn học)
- Đề thi lớp 4 (các môn học)
- Đề thi lớp 5 (các môn học)
- Đề thi lớp 6 (các môn học)
- Đề thi lớp 7 (các môn học)
- Đề thi lớp 8 (các môn học)
- Đề thi lớp 9 (các môn học)
- Đề thi lớp 10 (các môn học)
- Đề thi lớp 11 (các môn học)
- Đề thi lớp 12 (các môn học)
- Giáo án lớp 1 (các môn học)
- Giáo án lớp 2 (các môn học)
- Giáo án lớp 3 (các môn học)
- Giáo án lớp 4 (các môn học)
- Giáo án lớp 5 (các môn học)
- Giáo án lớp 6 (các môn học)
- Giáo án lớp 7 (các môn học)
- Giáo án lớp 8 (các môn học)
- Giáo án lớp 9 (các môn học)
- Giáo án lớp 10 (các môn học)
- Giáo án lớp 11 (các môn học)
- Giáo án lớp 12 (các môn học)