Truyện truyền kì là gì (chi tiết nhất)

Bài viết Truyện truyền kì là gì chi tiết nhất, đầy đủ khái niệm, đặc điểm, cách đọc hiểu & bài tập có đáp án chi tiết giúp bạn nắm vững kiến thức trọng tâm về Truyện truyền kì.

Truyện truyền kì là gì (chi tiết nhất)

Quảng cáo
Cài đặt app vietjack

1. Khái niệm

Truyện truyền kì là một thể loại văn xuôi tự sự thời trung đại, phản ánh hiện thực qua những yếu tố kì lạ, hoang đường. Ớ Việt Nam, truyện truyền kì được viết bằng chữ Hán, phát triển mạnh ở thế kỉ XVI - XVII, tiêu biểu là Thánh Tông di thảo, tương truyền của Lê Thánh Tông, Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ.

2. Đặc điểm

- Không gian truyền kì: Trong truyện truyền kì, thế giới con người và thế giới thánh thần, ma, quỷ có sự tương giao. Điều này làm nên đặc điểm riêng cho không gian truyện truyền kì - không gian giàu yếu tố kì ảo.

- Thời gian truyền kì: Có sự khác biệt về thời gian ở cõi trần với cõi âm ti, thuỷ phủ hoặc nơi thượng giới (biểu hiện qua nhịp độ nhanh chậm của thời gian); con người có thể sống nhiều đời, nhiều cuộc đời hoặc sống nhờ các phép thuật kì ảo.

- Nhân vật trong truyện truyền kì: Nhân vật có thể là con người hay thần linh, ma, quỷ... Nếu nhân vật là con người, họ thường có nét đặc biệt nào đó; nếu nhân vật là thần linh, ma, quỷ, họ thường mang hình ảnh, tính cách của con người.

- Cốt truyện trong truyện truyền kì: Truyện truyền kì thường sử dụng yếu tố kì ảo tạo nên những biến đổi bất ngờ và hợp lí hóa những điều ngẫu nhiên, bất bình thường trong cốt truyện.

- Lời của người kể chuyện: Lời của người kể chuyện trong truyện truyền kì là lời kể của một người biết hết mọi chuyện ở trần gian, địa phủ, thượng giới; mọi hành động, suy nghĩ của nhân vật. Lời của người kể chuyện thường chiếm tỉ lệ cao trong văn bản.

3. Ví dụ một số tác phẩm thuộc thể truyện truyền kì

Quảng cáo

- Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ)

- Thánh Tông di thảo (tương truyền của Lê Thánh Tông)

- Hải khẩu linh từ (Đoàn Thị Điểm)

- Muối của rừng (Nguyễn Huy Thiệp)

- …

4. Cách đọc hiểu một văn bản thuộc thể loại truyện truyền kì

Để đọc hiểu các tác phẩm truyền kỳ, bạn có thể thực hiện theo các bước sau:

- Đọc lướt tác phẩm:

+ Tóm tắt nội dung:Đọc nhanh để nắm bắt cốt truyện và các nhân vật chính.

+ Ghi chú các yếu tố nổi bật: Như bối cảnh, nhân vật và sự kiện quan trọng.

- Phân tích nhân vật:

+ Xác định các nhân vật chính: Tìm hiểu động cơ, tính cách và sự phát triển của từng nhân vật.

+ Xem xét mối quan hệ giữa các nhân vật:Nhấn mạnh xung đột, mâu thuẫn và sự tương tác.

Quảng cáo

- Xác định bối cảnh:

+ Thời gian và không gian: Tìm hiểu về bối cảnh lịch sử, văn hóa nơi câu chuyện diễn ra.

+ Ý nghĩa của bối cảnh: Cách bối cảnh ảnh hưởng đến hành động và cảm xúc của nhân vật.

- Phân tích các chủ đề chính:

+ Xác định các chủ đề: Như tình yêu, lòng trung thành, sự phản bội, hoặc số phận.

+ Liên hệ chủ đề với các tình huống trong tác phẩm: Tìm hiểu cách tác giả truyền đạt thông điệp qua các tình huống cụ thể.

- Khám phá các yếu tố nghệ thuật:

+ Phong cách viết: Phân tích ngôn ngữ, hình ảnh và biện pháp tu từ được sử dụng.

+ Cấu trúc tác phẩm: Tìm hiểu cách mà tác giả xây dựng câu chuyện, từ phần mở đầu đến kết thúc.

- Đặt câu hỏi và liên hệ:

+ Đặt câu hỏi: Tự hỏi về ý nghĩa sâu xa của tác phẩm, cảm xúc của nhân vật, và cách mà câu chuyện phản ánh thực tế.

+ Liên hệ với thực tiễn: So sánh các chủ đề và vấn đề trong tác phẩm với cuộc sống hiện đại.

- Viết cảm nhận:

+ Tóm tắt ý tưởng chính: Viết lại những gì bạn đã hiểu về tác phẩm.

+ Chia sẻ cảm xúc cá nhân: Nêu rõ suy nghĩ, cảm xúc và ấn tượng của bạn về tác phẩm.

Quảng cáo

5. Một số bài tập liên quan đến thể loại truyện truyền kì.

5.1. Trắc nghiệm

Câu 1: Nhận định nào sau đây nói đúng về truyện truyền kì?

A. Là những truyện kể về các sự việc hoàn toàn có thật

B. Là những truyện kể có sự đan xen giữa những yếu tố có thật và yếu tố hoang đường

C. Là những truyện kể về các sự việc hoàn toàn do tác giả tưởng tượng ra.

D. Là những truyện kể về các nhân vật lịch sử.

Đáp án: B

Câu 2: Truyện truyền kì là gì?

A. Những câu chuyện được kể giống như truyện truyền thuyết

B. Những câu chuyện có yếu tố hoang đường, kì ảo

C. Những câu chuyện kì lạ được ghi chép tản mạn, thường có yếu tố hoang đường kì ảo, nhân vật thường là người phụ nữ đức hạnh, khao khát cuộc sống yên bình, hạnh phúc

D. Câu chuyện liên quan tới các nhân vật do trí tưởng tượng tạo nên

Đáp án: C

Câu 3: Đặc điểm nổi bật của truyền kì?

A. Cốt truyện mang màu sắc dân gian hoặc dã sử.

B. Nhân vật xuất hiện theo hàng trạng nhân vật.

C. Sự kết hợp giữa yếu tố kì lạ và yếu tố thực.

D. Lời văn đan xen giữa văn xuôi và thơ.

Đáp án: C

Câu 4. Tác phẩm nào sau đây không thuộc thể loại truyện truyền kì?

A. Thánh Tông di thảo

B. Truyền kì mạn lục

C. Truyền kì tân phá

D. Hoàng Lê nhất thống chí.

Đáp án: D

Câu 5: Trong văn học Việt Nam, cho đến thế kỉ XVI có hai tác phẩm nổi tiếng thuộc thể loại truyền kì là:

A. Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ) và Lan trì kiến văn lục (Vũ Trinh).

B. Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ) và Tân truyền kì lục (Phạm Qúy Thích).

C. Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ) và Thánh Tông di thảo (Lê Thánh Tông).

D. Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ) và Truyền kì tan phả (Đoàn Thị Điểm).

Đáp án: C

Câu 6: Hệ thống nhân vật trong truyện truyền kì có đặc điểm gì?

A. Rất phong phú, trong đó có cả con người nhưng chiếm đa số là loài vật, vừa mang đặc tính vốn có của loài vật, vừa mang đặc điểm của con người.

B. Nhân vật hoặc tốt, hoặc xấu từ đầu đến cuối tác phẩm.

C. Nhân vật là con chó, con vịt, bút chì, thước kẻ… nhưng vẫn đem đến những bài học về cuộc sống xung quanh các em.

D. Thế giới nhân vật khá đa dạng, phong phú, trong đó nổi bật nhất là ba nhóm: thần tiên, người trần và yêu quái.

Đáp án: B

Câu 7. Không gian truyền kì có đặc điểm gì?

A. Thế giới con người tách biệt với thế giới thánh thần, ma, quỷ.

B. Thế giới con người đối kháng với thế giới thánh thần, ma, quỷ.

C. Thế giới con người và thế giới thánh thần, ma, quỷ có sự tương giao.

D. Thế giới con người và thế giới thánh thần, ma, quỷ hòa nhập làm một.

Đáp án: C

Câu 8: Cốt truyện trong truyện truyền kì có đặc điểm gì?

A. Chủ yếu sử dụng những địa điểm, con người, sự kiện có thực trong lịch sử, có tính xác thực.

B. Thường sử dụng yếu tố kì ảo tạo nên những biến đổi bất ngờ và hợp lí hoá những điều ngẫu nhiên, bất bình thường trong cốt truyện.

C. Chỉ sử dụng yếu tố kì ảo để xây dựng cốt truyện tạo nên những biến đổi bất ngờ và hợp lí hoá những điều ngẫu nhiên, bất bình thường trong cốt truyện.

D. Mượn những cốt truyện và điển tích, điển cố từ Trung Hoa, sáng tạo và biến đổi cho phù hợp với văn hóa và quan niệm của Việt Nam.

Đáp án: B

Câu 9: Lời của người kể chuyện trong truyện truyền kì có đặc điểm gì?

A. Chiếm tỉ lệ thấp trong văn bản.

B. Là lời kể của một người biết hết mọi chuyện ở trần gian, địa phủ, thượng giới; mọi hành động, suy nghĩ của nhân vật.

C. Là lời kể của một người biết hết mọi chuyện ở trần gian, chiếm tỉ lên cao trong văn bản.

D. Là lời dẫn dắt những diễn biến, tình tiết chính của văn bản.

Đáp án: B

Câu 10: Thời gian truyền kì có đặc điểm gì?

A. Thời gian ở cõi trần và cõi âm ti, thủy phủ hay thượng giới giống nhau.

B. Con người chỉ có một cuộc đời và sống nhờ các phép thuật kì ảo.

C. Thời gian ở cõi trần khác biệt với cõi âm ti, thủy phủ hay thượng giới, con người có thể có nhiều cuộc đời, có thể sống nhờ các phép thuật kì ảo.

D. Con người chỉ có một cuộc đời, hoàn toàn sống theo thời gian ở cõi trần.

Đáp án: C

5.2. Tự luận

Câu 1: Đọc văn bản sau:

(Tóm tắt phần đầu: Nguyễn sinh người Thanh Trì, diện mạo đẹp đẽ, tư chất thông minh, giọng hát ngọt ngào. Chàng sớm mồ cô cha, nhà nghèo nên học hành dang dở, chàng làm nghề chèo đò. Vì say đắm giọng hát và vẻ ưa nhìn của chàng nên cô con gái một nhà giàu họ Trần đã đem lòng yêu mến, sai người hầu đem khăn tay đến tặng, dặn chàng nhờ người mối manh đến hỏi. Nguyễn sinh nhờ mẹ bảo người mối manh đến nhà nàng nhưng bố nàng chê chàng nghèo nên không nhận lời, còn dùng lời lẽ không hay để mắng bà mối. Chàng phẫn chí bỏ đi xa để lập nghiệp; cô gái biết chuyện âm thầm đau khổ chẳng thể giãi bày cùng ai, dần sinh bệnh, hơn một năm sau thì nàng qua đời.)

Trước khi nhắm mắt, nàng dặn cha:

- Trong ngực con chắc có một vật lạ. Sau khi con nhắm mắt, xin cha cho hỏa táng để xem vật đó là vật gì?

Ông làm theo lời con. Khi lửa thiêu đã lụi, ông thấy trong nắm xương tàn, sót lại một vật, to bằng cái đấu, sắc đỏ như son, không phải ngọc cũng chẳng phải đá, nó trong như gương, búa đập không vỡ. Nhìn kĩ thì thấy trong khối ấy có hình một con đò, trên đò một chàng trai trẻ tuổi đang ngả đầu tựa mái chèo nằm hát. Nhớ lại việc nhân duyên trước kia của con, ông chợt hiểu ra vì chàng lái đò mà con gái ông chết, hối thì không kịp nữa. Ông bèn đóng một chiếc hộp con, cất khối đỏ ấy vào trong, đặt lên giường của con gái. Nguyễn sinh bỏ nhà lên Cao Bằng làm khách của trấn tướng. Chàng vì hát hay nên được trấn tướng yêu quý. Hơn một năm sau, chàng dần dần có của nả, rồi lại mấy năm nữa tích cóp lại được hơn hai trăm lạng vàng. Chàng nghĩ: “Số vàng này đủ để chi dùng cho việc cưới xin”. Xong, chàng sửa soạn hành trang trở về. Đến nhà, chàng hỏi thăm ngay cô gái nọ. Được nghe tất cả đầu đuôi về nàng, chàng vô cùng đau đớn, vội sắm sửa lễ vật đến điếu nàng. Khi chàng làm lễ xong, bố cô có mời chàng ở lại dùng cơm. Chàng xin ông cho xem vật đã được cất giấu trong hộp con. Ông mở hộp lấy ra đưa chàng. Chàng nâng niu cầm lấy, lòng vô cùng xúc động, hai dòng lệ trào ra nhỏ xuống khối đá đỏ. Bỗng khối đá tan ra thành nước, giọt giọt đều biến thành máu tươi, chảy đầm đìa vào tay áo chàng. Chàng cảm kích mối tình của nàng, thề không lấy ai nữa.

(Trích Chuyện tình ở Thanh Trì, Lan Trì kiến văn lục, Vũ Trinh, in trong cuốn Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 1, Nguyễn Đăng Na giới thiệu và tuyển soạn, NXB Giáo dục, 1997, tr 424-426)

Thực hiện các yêu cầu:

1. Thể loại của văn bản có chứa đoạn trích trên?

2. Nêu chủ đề của văn bản.

3. Chàng trai xem chiếc hộp con chứa khối đỏ trong hoàn cảnh nào?

4. Viết một đoạn văn (7-9 câu) nêu cảm nhận của em về chi tiết “Chàng nâng niu cầm lấy, lòng vô cùng xúc động, hai dòng lệ trào ra nhỏ xuống khối đá đỏ. Bỗng khối đá tan ra thành nước, giọt giọt đều biến thành máu tươi, chảy đầm đìa vào tay áo chàng.”

5. Từ câu chuyện tình ở Thanh Trì, em có suy nghĩ gì về khát vọng tình yêu thời phong kiến?

Đáp án:

1. Thể loại của văn bản có chứa đoạn trích trên: truyện truyền kì

2. Chủ đề của truyện: Qua câu chuyện tình yêu bi kịch của chàng trai và cô gái ở Thanh Trì, tác giả Vũ Trinh muốn thể hiện khát vọng tình yêu tự do của lứa đôi thời phong kiến và phê phán sự ngăn cản của gia đình đại diện cho sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội xưa.

3. Chàng trai xem chiếc hộp con chứa khối đỏ trong hoàn cảnh: Sau vài năm chàng trai đi xa, nay có đủ vàng về lo chuyện cưới xin, đến nhà cô gái mới hay cô đã chết vì nỗi oan tình. Chàng đến viếng nàng và được bố cô đem cho xem chiếc hộp con chứa khối đỏ mà thể xác con gái sau khi chết đã để lại.

4. Chi tiết "chàng nâng niu cầm lấy, lòng vô cùng xúc động, hai dòng lệ trào ra nhỏ xuống khối đá đỏ, bỗng khối đá tan ra thành nước, giọt giọt đều biến thành máu tươi chảy đầm đìa vào tay áo chàng" là một hình ảnh mạnh mẽ, gợi lên nhiều cảm xúc sâu sắc. Hình ảnh chàng trai nâng niu khối đá đỏ không chỉ thể hiện tình yêu thương mà còn là sự kết nối sâu sắc với những giá trị tinh thần. Khối đá tượng trưng cho nỗi đau, mất mát hay những kỷ niệm đau thương. Khi hai dòng lệ rơi xuống, đó không chỉ là nước mắt của sự xúc động mà còn là biểu hiện của nỗi buồn sâu thẳm trong lòng chàng. Sự chuyển hóa từ nước mắt thành máu tươi cho thấy nỗi đau này không chỉ là cảm xúc tạm thời, mà là nỗi đau tồn tại mãi mãi, chảy trong huyết quản của chàng. Những giọt máu, chảy đầm đìa, gợi lên hình ảnh của sự hy sinh và những tổn thương mà con người phải gánh chịu trong cuộc sống. Qua đó, tác giả đã khéo léo khắc họa sự chịu đựng, nỗi buồn và tình yêu thương của con người. Đoạn văn này khiến tôi cảm nhận được sự mong manh của cuộc sống, những mất mát mà chúng ta phải trải qua, nhưng cũng là động lực để chúng ta trân trọng và gìn giữ những giá trị tốt đẹp, bất chấp mọi đau thương.

5. Từ câu chuyện tình ở Thanh Trì, em có suy nghĩ về khát vọng tình yêu thời phong

kiến:

- Câu chuyện tình ở Thành Trì là mối tình giữa chàng trai nghèo làm nghề chèo đò với cô gái con nhà giàu. Cô gái chủ động mong muốn kết duyên với chàng trai, chàng trai cũng mong kết duyên cùng nàng, điều đó thể hiện khát vọng tình yêu tự do vượt lên trên những hà khắc của lễ giáo phong kiến, định kiến phân biệt giàu nghèo trong xã hội. Kết thúc của mối tình là kết thúc bi kịch.

- Suy nghĩ về khát vọng tình yêu trong xã hội phong kiến:

+ Khát vọng tình yêu là khát vọng chính đáng của con người ở mọi thời. Những đôi lứa sống trong xã hội phong kiến mong muốn tình yêu tự do, muốn vượt lên khỏi những ràng buộc của lễ giáo phong kiến như “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “môn đăng hộ đối”,...

+ Tình yêu của nhiều cặp đôi vấp phải những sự ngăn cản, cấm đoán đến từ gia đình, xã hội.

+ Dù cho bị ngăn cản, nhưng những đôi lứa vẫn dành tình yêu trọn vẹn cho nhau, cái chết cũng không thể chia lìa tình yêu của họ.

Câu 2: Đọc văn bản sau:

"Phạm Tử Hư quê ở Cẩm Giàng, là một người tuấn sảng hào mại không ưa kiềm thúc. Theo học nhà xử sĩ Dương Trạm, Trạm thường răn Tử Hư về cái tính hay kiêu căng. Từ đấy chàng cố sức sửa đổi, trở nên người có đức tính tốt. Khi Dương Trạm chết, các học trò đều tản đi cả, duy Tử Hư làm lều ở mả để chầu chực, sau ba năm rồi mới trở về. Năm 40 tuổi, Tử Hư đi thi vẫn chưa đỗ; đời Trần, sang du học ở kinh, ngụ ở trong một nhà dân bên bờ hồ Tây.

Một buổi sáng, ở nhà trọ đi ra, trong áng sương mù thấy có một đám những tán vàng kiệu ngọc bay lên trên không; kế lại có một cỗ xe nạm hạt châu, kẻ theo hầu cũng rất chững chạc. Tử Hư khẽ dòm trộm xem thì người ngồi trong xe, chính thầy học mình là Dương Trạm. Chàng toan đến gần sụp lạy nhưng Trạm xua tay nói: - Giữa đường không phải chỗ nói chuyện, tối mai nên đến đền Trấn Vũ cửa Bắc, thầy trò ta sẽ hàn huyên. Tử Hư bèn sắm rượu và thức nhắm, đúng hẹn mà đến. Thầy trò gặp nhau vui vẻ lắm, chàng nhân hỏi rằng:

- Thầy mới từ trần chưa bao lâu, thoắt đã trở nên hiển hách khác hẳn ngày trước, xin

thầy cho biết rõ duyên do để con được vui mừng. Dương Trạm nói:

- Ta thuở sống không có một điều thiện nào đáng khen, chỉ có hay giữ điều tín thực đối với thầy bạn, quý trọng những tờ giấy có chữ, hễ thấy rơi vãi liền nhặt mà đốt đi. Đức Đế quân đây ngài khen là có bụng tốt tâu xin cho làm chức trực lại ở cửa Tử đồng. Hôm qua ta hầu lính giá ngài lên chầu Thiên cung, tình cờ lại gặp nhà ngươi, đó cũng là vì thầy trò mình có cái mối duyên..."

(Trích Chuyện Phạm Tử Hử lên chơi Thiên Tào, Truyền kì mạn lục, Nguyễn Dữ, NXB Trẻ, 2016, Tr.142)

Trả lời câu hỏi/ thực hiện yêu cầu:

1. Xác định thể loại của đoạn trích trên

2. Điều gì khiến Dương Trạm được Đức Đế quân khen là có bụng tốt và tâu xin cho làm chức trực lại ở cửa Tử đồng?

3. Từ Hán Việt "kiềm thúc" được hiểu nghĩa như thế nào?

4: Hiệu quả nghệ thuật của chi tiết kì ảo được sử dụng trong đoạn trích?

5. Từ những hành động và tình cảm của Tử Hư dành cho người thầy của mình, em hãy viết một đoạn văn (7-9 câu) trình bày suy nghĩ gì về truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ta?

Đáp án:

1. Thể loại của đoạn trích trên: Truyện truyền kì

2. Điều khiến Dương Trạm được Đức Đế quân khen là có bụng tốt và tâu xin cho làm chức trực lại ở cửa Tử đồng là: Giữ điều tín thực với thầy bạn, quý trọng những tờ giấy có chữ, hễ thấy rơi vãi liền nhặt mà đốt đi

3. Từ Hán Việt "kiềm thúc" được hiểu là: Kiềm chế bó buộc trong hoạt động.

4. Hiệu quả nghệ thuật của chi tiết kì ảo được sử dụng trong đoạn trích:

- Ca ngợi phẩm chất cao quý của Tử Hư.

- Tạo ra sự sinh động, tạo hứng thú tăng tính hấp dẫn cho người đọc.

- Muốn bất tử hóa nhân vật Dương trạm vì đã có những phẩm chất tố.

5. Tôn sư trọng đạo là phẩm chất và truyền thống quý báu tốt đẹp mà ông cha ta vẫn thường hay khuyên dạy con cháu của mình. Tôn sư trọng đạo là kính trọng thầy cô giáo, những người đã có công dạy dỗ và truyền đạt kiến thức cho mình. Ông cha ta từng dạy là:"Một chữ cũng thầy, mà nửa chữ cũng thầy". Sự dạy dỗ của thầy cô chính là công ơn mà các học sinh, học trò phải khắc ghi sâu vào trong lòng mình. Chính nhờ những sự dạy dỗ ấy đã chắp cánh ước mơ cho bao thế hệ học trò khác nhau. Các em được xây dựng nền móng kiến thức, truyền cảm hứng, nghị lực và chắp cánh ước mơ để bay đến những phương trời mới lạ. Tôn trọng và biết ơn thầy cô giáo chính là 1 truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta. Chính vì vậy truyền thống và tôn sư trọng đạo là phẩm chất quý báu và tốt đẹp của dân tộc ta vì nó giúp duy trì xã hội được tốt đẹp và văn minh hơn. Và nó cần trang bị ở mỗi học sinh để bất cứ học sinh nào cũng trở thành con ngoan trò giỏi.

Câu 3: Đọc văn bản sau:

(Tóm tắt phần đầu: Từ Nhị Khanh vốn con nhà nghèo, kết duyên cùng Phùng Trọng Quỳ, con quan Thiêm thư giàu có. Nhị Khanh tuy hãy còn nhỏ, nhưng sau khi về nhà họ Phùng biết cư xử rất khéo, được mọi người ta khen là người nội trợ hiền. Trọng Quỳ lớn lên, dần sinh ra chơi bời lêu lổng; Nhị Khanh thường vẫn phải can ngăn. Trọng Quỳ cùng cha vào vùng đất Nghệ An cai trị 6 năm trời không tin tức gì, Nhị Khanh ở nhà thủ tiết chờ chồng, “quyết không mặc áo xiêm của chồng để đi làm đẹp với người khác”. Sau Nhị Khanh nhờ người bõ già lặn lội vào tận Nghệ An hỏi thăm tin tức mới hay cha chồng đã mất được mấy năm rồi, vì Trọng Quỳ ham chơi nên gia sản sạch sành sanh. Trọng Quỳ về đến nhà, vợ chồng mừng rỡ, cùng trông nhau mà khóc.)

Song Phùng sinh vì quen thân phóng lãng, thuộc tính chơi bời, về nhà ít lâu rồi nết cũ lại đâu đóng đấy, hằng ngày cùng người lái buôn là Đỗ Tam bê tha lêu lổng. Sinh thì thích Đỗ có tiền nhiều. Đỗ thì ham sinh có vợ đẹp. Những khi uống rượu với nhau rồi đánh bạc, Đỗ thường lấy lợi nhử sinh. Sinh đánh lần nào cũng được, thấy kiếm tiền dễ như thò tay vào túi mình lấy đồ vật vậy. Nhị Khanh vẫn răn bảo rằng:

- Những người lái buôn phần nhiều là giảo quyệt, đừng nên chơi thân với họ; ban đầu tuy họ thả cho mình được, nhưng rồi họ sẽ vét hết của mình cho mà xem.

Sinh không nghe. Một hôm sinh cùng các bè bạn họp nhau đánh tứ sắc. Đỗ bỏ ra trăm vạn đồng tiền để đánh và đòi sinh đánh bằng Nhị Khanh. Trọng Quỳ quen mui vẫn được luôn, chẳng suy nghĩ gì, liền bằng lòng cách ấy. Giấy giao kèo viết xong rồi vừa uống rượu vừa gieo quân. Trọng Quỳ gieo ba lần đều thua cả ba, sắc mặt tái mét; cử tọa cũng đều ngơ ngác buồn rầu hộ.

Trọng Quỳ phải cho gọi Nhị Khanh đến, bảo rõ thực tình, đưa tờ giao kèo cho xem và yên ủi rằng:

- Tôi vì nỗi nghèo nó bó buộc, để lụy đến nàng. Việc đã đến thế này, hối lại cũng không kịp nữa. Thôi thì bi hoan tán tụ cũng là việc thường của người ta. Nàng nên tạm về với người mới, khéo chiều chuộng hắn, rồi bất nhật tôi sẽ đem tiền đến chuộc.

Nàng liệu cơ không thể thoát khỏi, giả vờ nói tử tế rằng:

- Bỏ nghèo theo giàu, thiếp lẽ đâu từ chối. Số giời xếp đặt, há chẳng là tiền định hay sao! Nếu chồng mới không nỡ rẻ bỏ, còn đoái thu đến cái dung nhan tàn tạ này, thiếp xin sửa túi nâng khăn, hết lòng hầu hạ như đã đối với chàng xưa nay. Nhưng xin cho uống một chén rượu, mượn làm một chén tiễn biệt và cho về từ giã các con một chút.

Đỗ cả mừng, rót đầy một chén rượu xà cừ đưa mời nàng uống. Uống xong, nàng về nhà ôm lấy hai con, vỗ vào lưng mà bảo rằng:

- Cha con bạc tình, mẹ đau buồn lắm. Biệt ly là việc thường thiên hạ, một cái chết với mẹ có khó khăn gì. Nhưng mẹ chỉ nghĩ thương các con mà thôi.

Nói xong, lấy đoạn dây tơ thắt cổ mà chết.

Trọng Quỳ hối hận vô cùng, sắm đồ liệm táng tử tế rồi làm một bài văn tế vợ.

(Lược dẫn: Sau khi vợ chết, Trọng Quỳ hối hận vô cùng. Nhị Khanh sau khi chết được Thượng đế thương là oan uổng nên cho coi giữ sổ sách ở tòa đền Trưng Vương. Một hôm đi đường xa, Trọng Quỳ ngủ dưới gốc cây thì được Nhị Khanh báo mộng, hẹn gặp ở đền Trưng Vương. Trọng Quỳ đúng hẹn đến trước đền, đợi từ chiều tà đến nửa đêm thì Nhị Khanh xuất hiện).

Nhị Khanh nói:

- Vừa rồi thiếp nhân theo xe mây, lên có việc ở nơi Đế sở. Vì cớ có chàng nên thiếp đã phải bẩm xin về trước đấy; thành ra cũng sai hẹn với chàng một chút.

Bèn dắt tay nhau đi nằm, cùng nhau chuyện trò thủ thỉ. Khi nói đến việc hiện thời, Nhị Khanh chau mày:

- Thiếp thường theo chầu tả hữu Đức Bà ở đây, được trộm nghe chư tiên nói chuyện với nhau, bảo Hồ triều sẽ hết vào năm Bính Tuất, binh cách nổi lớn, số người bị giết chóc đến chừng hơn 20 vạn, ấy là chưa kể số bị bắt cướp đi. Nếu không phải người trồng cây đức đã sâu thì chỉ e ngọc đá đều bị cháy cả. Bấy giờ có một vị chân nhân họ Lê, từ miền tây nam xuất hiện; chàng nên khuyên hai con bền chí đi theo vị ấy, thiếp dù chết cũng không nát.

Trời gần sáng, Nhị Khanh vội dậy để cáo biệt, vừa đi vừa ngoảnh đầu nhìn lại, rồi thoắt chốc thì biến đi mất.

Trọng Quỳ bèn không lấy ai nữa, chăm chỉ nuôi hai con cho nên người. Đến khi vua Lê Thái Tổ tuốt gươm đứng dậy ở Lam Sơn, hai người con trai đều đi theo, trải làm đến chức Nhập thị nội. Đến nay ở Khoái Châu hiện còn con cháu.

(Trích Người nghĩa phụ Khoái Châu, Truyền kì mạn lục, Nguyễn Dữ, in trong cuốn Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 1, Nguyễn Đăng Na giới thiệu và tuyển soạn, NXB Giáo dục, 1997, tr 242 – 250)

Trả lời câu hỏi/ thực hiện yêu cầu:

1. Đoạn trích được kể theo ngôi kể nào?

2. Lí do nào khiến Nhị Khanh tìm đến cái chết?

3. Từ Hán Việt nào có yếu tố đồng âm khác nghĩa với yếu tố in đậm trong câu sau: “Trọng Quỳ phải cho gọi Nhị Khanh đến, bảo rõ thực tình, đưa tờ giao kèo cho xem và yên ủi rằng...”

4. Chỉ ra và nêu tác dụng của yếu tố kì ảo trong văn bản trên.

5. Từ số phận của nàng Nhị Khanh trong đoạn trích, em hãy viết một đoạn văn (7-9 câu) trình bày suy nghĩ về nguyên nhân gây ra những bất hạnh cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa?

Đáp án:

1. Đoạn trích được kể theo ngôi kể thứ 3.

2. Lí do khiến Nhị Khanh tìm đến cái chết:

- Đau buồn khi Trọng Quỳ bạc tình.

- Thủy chung trong tình cảm vợ chồng với Trọng Quỳ .

- Quyết không mặc áo xiêm của chồng để đi làm đẹp với người khác.

3. Từ Hán Việt có yếu tố đồng âm khác nghĩa với yếu tố in đậm trong câu sau: “Trọng Quỳ phải cho gọi Nhị Khanh đến, bảo rõ thực tình, đưa tờ giao kèo cho xem và yên ủi rằng...” là: Yên ba.

4.

- Yếu tố kì ảo trong đoạn trích:

+ Nhị Khanh sau khi chết, được Thượng đế cho coi giữ sổ sách ở tòa đền Trưng Vương.

+ Nhị Khanh báo mộng để hẹn gặp Trọng Quỳ

+ Cuộc gặp giữa Nhị Khanh và Trọng Quỳ

+ Câu chuyện của chư tiên mà Nhị Khanh nghe được, dự báo Hồ triều sẽ hết vào năm Bính Tuất, binh cách nổi lớn, có một vị chân nhân họ Lê, từ miền tây nam xuất hiện, đó chính là Lê Thái Tổ.

- Tác dụng của yếu tố kì ảo:

+ Làm câu chuyện thêm lôi cuốn, hấp dẫn người đọc.

+ Thể hiện thái độ, tình cảm của tác giả phê phán triều Hồ và ủng hộ vua Lê Thái Tổ.

5. Trong đoạn trích, nàng Nhị Khanh là một nhân vật điển hình cho số phận bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Nguyên nhân chính dẫn đến bất hạnh của Nhị Khanh chính là chế độ xã hội đầy bất công và áp bức. Trong xã hội phong kiến, phụ nữ bị gò bó trong những khuôn khổ, quy định nghiêm ngặt về phẩm hạnh, nhân cách và vai trò của mình. Họ không có quyền tự quyết định cuộc sống của bản thân mà phải lệ thuộc vào gia đình, vào chồng, vào xã hội. Nàng Nhị Khanh, dù xinh đẹp, tài giỏi nhưng lại không có quyền lựa chọn tình yêu và hạnh phúc của mình. Được gả cho một người đàn ông mà không hề yêu, nàng chỉ có thể chấp nhận cuộc sống khổ sở, mờ mịt trong những quy tắc của hôn nhân và gia đình. Điều này phản ánh sự bất công trong xã hội phong kiến, nơi phụ nữ bị kìm hãm bởi những định kiến, phải sống cuộc đời lệ thuộc và chịu đựng đau khổ, thiếu tự do. Như vậy, nguyên nhân gây ra những bất hạnh cho người phụ nữ không chỉ đến từ hoàn cảnh gia đình mà còn từ những bất công trong cấu trúc xã hội phong kiến, nơi họ bị coi nhẹ và đối xử bất công.

Câu 4: Đọc văn bản sau:

(Tóm tắt phần đầu: Từ Thức làm quan Tri huyện Tiên Du, nhân một buổi xem hội hoa mẫu đơn mà cứu giúp một người con gái đẹp. Vì tính ham thơ mến cảnh nên chàng đã từ quan mà chọn sống chốn nước biếc non xanh. Một hôm Từ Thức mải vãn cảnh mà lạc vào động tiên, gặp lại người con gái mà chàng đã cứu hôm đi hội, mới biết hóa ra cô gái đó chính là nàng tiên Giáng Hương, con của bà tiên cai quản vùng núi Phù Lai, động tiên thứ 6 trong 36 động tiên bồng bềnh ngoài biển cả. Để báo đáp ơn cứu mạng trước kia, phu nhân đã tác hợp cho Từ Thức và Giáng Hương nên duyên vợ chồng trong sự chúc phúc của quần tiên.)

Nhưng từ khi chàng bỏ nhà đi thấm thoát đã được một năm, ao sen đã đổi thay mầu biếc. Những đêm sương sa gió thổi, bóng trăng sáng nhòm qua cửa sổ, tiếng thủy triều nghe vẳng đầu giường, đối cảnh chạnh lòng, một mối buồn bâng khuâng, quấy nhiễu khiến không sao ngủ được. Một hôm trông ra bể, thấy một chiếc tàu buôn đi về phương nam, Từ trỏ bảo Giáng Hương rằng:

- Nhà tôi đi về phía kia kìa, song biển cả trời xa, chẳng biết là ở tận đâu.

Rồi nhân lúc rỗi, chàng nói với nàng rằng:

- Tôi bước khách bơ vơ, lòng quê bịn rịn, lệ hoa thánh thót, lòng cỏ héo hon, dám xin thể tình mà cho được tạm về, chẳng hay ý nàng nghĩ thế nào?

Giáng Hương bùi ngùi không nỡ dứt. Từ lang nói:

- Tôi xin hẹn trong một thời kỳ bao nhiêu lâu, để về cho bạn bè gặp mặt và thu xếp việc nhà cho yên, sẽ lại đến đây để với nàng cùng già ở chỗ làng mây bến nước.

Giáng Hương khóc mà nói:

- Thiếp chẳng dám vì tình phu phụ mà ngăn cản mối lòng quê hương của chàng. Song cõi trần nhỏ hẹp, kiếp trần ngắn ngủi, dù nay chàng về, nhưng chỉ e liễu sân hoa vườn, không còn đâu cảnh tượng như ngày trước nữa.

Nàng nhân thưa với phu nhân, phu nhân nói:

- Không ngờ chàng lại thắc mắc vì mối lòng trần như vậy.

Nhân cho một cỗ xe cẩm vân để chàng cưỡi về. Nàng cũng đưa cho chàng một bức thư viết vào lụa mà nói:

- Ngày khác trông thấy vật này, xin đừng quên mối tình cũ kĩ..

Rồi trào nước mắt mà chia biệt.

Chàng đi chỉ thoắt chốc đã về đến nhà, thì thấy vật đổi sao dời, thành quách nhân gian, hết thảy đều không như trước nữa, duy có những cảnh núi khe là vẫn không thay đổi sắc biếc màu xanh thủa nọ. Bèn đem tên họ mình hỏi thăm những người già cả thì thấy có người nói:

- Thuở bé tôi nghe nói ông cụ tam đại nhà tôi cũng cùng tên họ như ông, đi vào núi mất đến nay đã hơn 80 năm, nay đã là năm thứ 5 niên hiệu Diên Ninh là đời ông vua thứ ba của triều Lê rồi.

Chàng bấy giờ mới buồn bực bùi ngùi; muốn lại lên xe mây để đi, nhưng xe đã hóa làm một con chim loan mà bay mất. Mở thư ra đọc, thấy có câu: "Kết lứa phượng ở trong mây, duyên xưa đã hết, tìm non tiên ở trên biển, dịp khác còn đâu!" mới biết là Giáng Hương đã nói trước với mình những lời ly biệt. Chàng bèn mặc áo cừu nhẹ, đội nón lá ngắn, vào núi Hoành Sơn, rồi sau không biết đi đâu mất.

(Trích Từ Thức lấy vợ tiên, Truyền kì mạn lục, Nguyễn Dữ, in trong cuốn Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 1, Nguyễn Đăng Na giới thiệu và tuyển soạn, NXB Giáo dục, 1997, tr 259 - 260)

Thực hiện các yêu cầu sau:

1. Chỉ ra đặc điểm không gian và thời gian nghệ thuật trong đoạn trích trên.

2. Theo đoạn trích, khi trở lại chốn cũ quê xưa, Từ Thức thấy những cảnh tượng gì?

3. Chỉ ra và nêu tác dụng của yếu tố kì ảo trong đoạn trích.

4. Em hãy lí giải sự lựa chọn của Từ Thức ở cuối đoạn trích: Chàng bèn mặc áo cừu nhẹ, đội nón lá ngắn, vào núi Hoành Sơn, rồi sau không biết đi đâu mất.

5. Rút ra một thông điệp ý nghĩa nhất và lí giải.

Đáp án:

1.

- Không gian trong đoạn trích: đan xen giữa cõi trần và cõi tiên.

+ Cõi trần: huyện Tiên Du, quê cũ của Phạm Tử Hư.

+ Cõi tiên: vùng núi Phù Lai – động tiên thứ 6 trong 36 động tiên bồng bềnh ngoài biển cả.

- Thời gian: kết hợp thời gian thực và thời gian kì ảo

+ Thời gian thực: năm thứ 5 niên hiệu Diên Ninh, đời ông vua thứ ba triều Lê.

+ Thời gian kì ảo: thời gian ngưng đọng; Từ Thức ở động tiên khoảng một năm nhưng ở cõi trần đã hơn 80 năm.

2. Theo đoạn trích, khi trở lại chốn cũ quê xưa, Từ Thức thấy những cảnh tượng: vật đổi sao dời, thành quách nhân gian, hết thảy đều không như trước nữa, duy có những cảnh núi khe là vẫn không thay đổi sắc biếc màu xanh thủa nọ.

3.

- Yếu tố kì ảo trong đoạn trích:

+ Từ Thức gặp tiên và kết duyên với nàng tiên Giáng Hương trong sự chúc phúc của quần tiên.

+ Cỗ xe cẩm vân đưa Từ Thức về nhà trong thoáng chốc.

+ Xe mây thoáng chốc đã hóa chim loan mà bay mất.

- Tác dụng của các yếu tố kì ảo:

+ Tạo ra sự sinh động, khiến câu chuyện thêm hấp dẫn, thú vị, tạo hứng thú tăng tính hấp dẫn cho người đọc.

+ Kín đáo bộc lộ thái độ của người viết: Cõi tiên là hình ảnh của thế giới mà con người muốn tìm đến khi chán ngán thế giới thực tại. Nhưng thế giới cũng chỉ là hư vô như giấc mộng chiêm bao.

4. Sự lựa chọn của Từ Thức ở cuối đoạn trích phản ánh tâm trạng và sự khát khao tự do của nhân vật:

+ Khi Từ Thức mặc áo cừu và đội nón lá, anh không chỉ thay đổi trang phục mà còn chuyển mình từ một người đàn ông bình thường sang một người hành hiệp tự do, thoát khỏi những ràng buộc của cuộc sống thường nhật.

+ Việc anh “không biết đi đâu mất” biểu hiện cho sự tìm kiếm bản thân, sự phiêu lưu và khám phá những điều mới mẻ. Điều này có thể thấy là một biểu tượng cho khát vọng sống chân thật và theo đuổi những điều mình đam mê, không bị ràng buộc bởi thực tại hay những quy chuẩn xã hội. Từ Thức chọn cách rời bỏ thế giới quen thuộc để hướng tới những điều chưa biết, thể hiện tâm hồn lãng mạn và tinh thần phóng khoáng của anh. 

5. Thông điệp: Cuộc đời con người chúng ta không tồn tại vĩnh viễn mà chỉ là khoảng thời gian hữu hạn, chúng ta cũng không được hưởng đặc ân vô biên từ tạo hóa.

Câu 5: Đọc văn bản sau:

(Lược một đoạn: Đào Cảnh Long, hiệu là Vân Hiên cư sĩ, là một học trò nghèo sống vào cuối đời Lê Chiêu Thống, đức độ rộng rãi, tính tình chất phác, trọng danh nghĩa, chuộng khí khái. Năm Bính Thìn, vì nhà thiếu ăn, chàng phải đi dạy học thuê cho một nhà giàu).

Ở chỗ dạy học, anh có nuôi một con chó già, sớm hôm chơi đùa với nó. Anh đi đâu, nó cũng đi theo. Anh ngồi đâu, nó cũng đứng chầu bên cạnh. Anh đặt tên nó là Hàn Lư. Anh thường đùa với nó:

– Mày được ta chăm nuôi, mày có chịu dốc sức liều chết vì ta không? Con vật gật đầu, nghoe nguẩy đuôi như tỏ ý nhận lời.

Mấy tháng sau, anh có việc phải trở về quê hương. Con chó phải ở lại. Nó quanh quẩn ra vào ở cửa phòng học. Ban ngày xua đuổi gà lợn, ban đêm phòng giữ kẻ gian. Nhiều khi bọn trẻ lãng quên, không cho ăn, tiếng sủa của con chó không còn được sang sảng nữa..

Bấy giờ, trong làng có một phú ông họ Trương thấy vậy, thương hại, đem cơm đến cho ăn.

Vừa bước vào cửa phòng học, liền bị con chó cắn phải. Ông trách mắng:

– Hàn Lư! Hàn Lư! Vì thương mày đói lâu nay, nên ta đến đưa cơm cho mày ăn. Ta đâu phải là kẻ bất nhân! Mày tuy là giống vật, nhưng cũng biết suy nghĩ chút ít. Sao mày lại lấy oán trả ân?

Ông chưa dứt lời, con vật chồm lên, nhe răng, giơ vuốt, nói bằng tiếng người:

– Ngày chủ tôi đi có căn dặn tôi phải bảo vệ phòng học, trông nom bọn trẻ. Ngăn chặn kẻ ác, cấm đoán kẻ gian là trách nhiệm của tôi. Ông tới đột ngột, lại không có chủ tôi đón tiếp, thì bị cắn một miếng là đúng lẽ thôi! Thế mà còn trách mắng nặng lời gì nữa!

Thấy con chó biết nói tiếng người, lại nói đúng lẽ, phú ông thầm nghĩ trong bụng nó là con vật kì lạ, ý muốn dụ dỗ, bèn nói:

– Ông chủ của mày bản chất là thầy đồ nghèo. Mình hắn chẳng đủ miếng ăn, lấy đâu ra dành cho mày nữa. Bây giờ chi bằng mày bỏ chỗ tối, tới chỗ sáng, bỏ nhà nghèo, tới nhà giàu, tìm nơi no đủ, sung sướng suốt đời, có phải hơn không? Tội gì mà phải chịu khổ mãi?

Con chó nói:

– Ôi! Ông cũng là người, sao nỡ mở miệng buông lời như thế. Kẻ sĩ trung nghĩa, không vì cùng hay thông mà thay đổi ý chí, cho nên đến mùa rét mới biết rõ bách tùng tươi tốt hơn các cây khác, gặp gió mạnh mới hay cây đứng được vững chắc. Giống súc vật tuy khác với loài người, song vẫn có tính trời phú, biết giữ vững khí tiết đối với chủ của mình. Huống hồ ông chủ của tôi lại là một người luôn biết giữ lòng chân chính, sống nghề quang minh, trung để thờ vua, tín để kết bạn, hiếu với cha mẹ, hòa thuận họ hàng, trời sắp giao cho trách nhiệm quan trọng, cho nên bắt phải cùng khổ thiếu thốn, để trau dồi cho được thành công tốt đẹp đó thôi! Ông nói năng lung tung chẳng đúng gì, nên tôi tha thứ cho. Nếu không miệng này sẽ cắn cho một miếng nữa, chẳng ngần ngại gì! Hãy mau mau lui về, chớ để sau phải hối tiếc!

Phú ông nghe xong, sửng sốt ngây dại, hiểu rõ con vật có nghĩa, không thể giành giật được, đành mang cơm ra về.

Vài hôm sau, Đào Cảnh Long trở về, con chó mừng rỡ ra cửa đón tiếp, hình dáng tiều tụy khôn xiết. Nghe xóm giềng kể lại câu chuyện, Đào Cảnh Long cảm động lắm, ngậm ngùi lấy làm lạ mãi. Anh kiểm tra lại phòng sách, thì khóa cửa không di chuyển, giường chiếu còn y nguyên, đều là nhờ con chó hết sức canh giữ.

Ôi! Con chó là loài súc vật, mà còn biết giữ lòng tiết nghĩa thờ chủ. Dù dùng lời đường mật dụ dỗ, cũng không thể lay chuyển lòng dạ sắt đá của nó. Huống gì con người ăn lộc nhà vua, nếu giữ vững đầy đủ cái lòng tiết nghĩa ấy để đền ơn nước, xông ra đánh giặc, giặc nào chẳng tan; cố sức giữ thành, thành nào chẳng vững...

Than ôi! Sao mà lòng người chẳng còn được như xưa, thói đời đổi thay nhiều dạng? Lúc nước nhà yên vui thì bợ đỡ cầu vinh, lúc cuộc đời rối ren thì trở mặt đổi giọng, bán nước kiếm ăn, theo thời cầu lợi, không còn chút liêm sỉ, thật là quá quắt!

Vì vậy, tôi cho rằng ở đời nhiều kẻ không bằng con Hàn Lư đấy! Nhân ghi lại mẩu chuyện để răn bảo người đời.

(Trích Chuyện con chó có nghĩa của một nhà nghèo, Phạm Quý Thích, in trong Truyện truyền kì Việt Nam, Vũ Ngọc Khánh – Nguyễn Quang Ân sưu tầm, tuyển chọn, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.320 – 332)

Thực hiện các yêu cầu sau:

1. Xác định ngôi kể của văn bản.

2. Chỉ ra lời của nhân vật, lời của người kể chuyện trong những câu văn sau:

Anh thường đùa với nó:

– Mày được ta chăm nuôi, mày có chịu dốc sức liều chết vì ta không?

Con vật gật đầu, nghoe nguẩy đuôi như tỏ ý nhận lời.

3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của yếu tố kì ảo được sử dụng trong văn bản.

4. Xác định chủ đề của văn bản.

5. Em rút ra được những bài học gì cho bản thân sau qua văn bản trên?

Đáp án:

1. Ngôi kể của văn bản: Ngôi thứ ba.

2.

- Lời của người kể chuyện: Anh thường đùa với nó; Con vật gật đầu, nghoe nguẩy đuôi như tỏ ý nhận lời.

- Lời của nhân vật (Đào Cảnh Long): Mày được ta chăm nuôi, mày có chịu dốc sức liều chết vì ta không?

3.

- Yếu tố kì ảo trong đoạn trích: chú chó Hàn Lư biết nói tiếng người.

- Tác dụng của các yếu tố kì ảo:

+ Tạo ra sự sinh động, khiến câu chuyện thêm hấp dẫn, thú vị, tạo hứng thú tăng tính hấp dẫn cho người đọc.

+ Giúp tác giả bộc lộ quan điểm về lòng trung nghĩa.

4. Mượn câu chuyện về chú chó tình nghĩa với chủ, văn bản thể hiện chủ đề:

- Ca ngợi những con người có tấm lòng trung nghĩa, những người biết giữ lòng trung, sống quanh minh chính đại.

- Đồng thời phê phán những kẻ bất trung bất nghĩa, vì ham vinh hoa phú quý mà sẵn sàng bán nước cầu vinh, theo thời cầu lợi, không có liêm sỉ.

5. Những bài học cho bản thân sau qua văn bản:

- Chúng ta cần giữ vững khí tiết, lòng trung nghĩa trong bất kì hoàn cảnh nào.

- Không được thỏa hiệp với cái xấu, cái ác, đánh mất lòng trung nghĩa vì lợi danh.

- Cần đề phòng những cám dỗ trong cuộc đời.

Xem thêm các bài viết về định nghĩa và khái niệm môn Văn chọn lọc, hay khác:

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Đề thi, giáo án các lớp các môn học