Truyện đồng thoại là gì (chi tiết nhất)
Bài viết Truyện đồng thoại là gì chi tiết nhất, đầy đủ khái niệm, đặc điểm, cách đọc hiểu & bài tập có đáp án chi tiết giúp bạn nắm vững kiến thức trọng tâm về Truyện đồng thoại.
Truyện đồng thoại là gì (chi tiết nhất)
1. Khái niệm truyện đồng thoại
Truyện đồng thoại là thể loại văn học dành cho thiếu nhi. Nhân vật trong truyện đồng thoại thường là loài vật hoặc đồ vật được nhân hoá. Vì thế, chúng vừa phản ánh đặc điểm sinh hoạt của loài vật vừa thể hiện đặc điểm của con người.
2. Đặc điểm của truyện đồng thoại
- Nhân vật trong câu chuyện là các loài vật được nhân hóa (có tên gọi, hành động, suy nghĩ như con người)
- Các con vật vừa giữ được các đặc điểm tự nhiên vốn có (thức ăn, nơi ở, sở thích), vừa có những đặc điểm của con người (làm việc, nghỉ ngơi, lo nghĩ về tương lai...).
- Cốt truyện đồng thoại: gồm các sự kiện được sắp xếp theo trật tự thời gian, với kết cấu: sinh ra (tuổi thơ) - trưởng thành - biến cố - thành công, nhận được bài học (kết thúc có hậu).
- Người kể chuyện: là nhân vật do nhà văn tạo ra để kể lại câu chuyện.
Gồm có hai kiểu người kể chuyện thường gặp trong truyện đồng thoại:
+ Người kể chuyện ngôi thứ nhất: xưng “tôi”, trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm
+ Người kể chuyện ngôi thứ ba (người kể chuyện giấu mình): không tham gia và câu chuyện, nhưng có khả năng biết hết mọi chuyện.
- Lời người kể chuyện trong truyện đồng thoại
+ Là thuật lại các sự việc trong câu chuyện, bao gồm cả việc thuật lại mọi hoạt động của nhân vật và miêu tả bối cảnh không gian, thời gian của các sự việc, hoạt động ấy.
+ Lời nhân vật: là lời nói trực tiếp của nhân vật (đối thoại, độc thoại), có thể được trình bày tách riêng hoặc xen lẫn với lời người kể chuyện.
3. Ví dụ một số văn bản thuộc thể loại truyện đồng thoại
- Bài học đường đời đầu tiên (trích Dế Mèn phiêu lưu kí - Tô Hoài).
- Nếu cậu muốn có một người bạn… (trích Hoàng tử bé)
- Giọt sương đêm (Trần Đức Tiến)
- Cô gió mất tên (Xuân Quỳnh)
4. Cách đọc hiểu một văn bản thuộc thể loại truyện đồng thoại
- Khi đọc truyện đồng thoại, việc đầu tiên là phải thấy được những sự kiện được kể, nhất là những sự kiện chính.
- Kế đó, cần phải chỉ ra được những nhân vật là các loài vật đã được nhà văn miêu tả, trong số đó, nhân vật nổi bật nhất, xuất hiện xuyên suốt câu chuyện sẽ là nhân vật chính.
- Tiếp theo, cần đi sâu tìm hiểu hình dạng, điệu bộ, cử chỉ, ngôn ngữ, tính cách,... của các con vật được thể hiện trong truyện, xem chúng vừa giống loài vật ấy, vừa giống con người ở chỗ nào, từ đó, phát hiện bài học mà truyện muốn thể hiện.
- Cuối cùng, cần liên hệ bài học ấy với cuộc sống của bản thân em.
5. Một số bài tập liên quan đến thể loại truyện đồng thoại.
5.1. Trắc nghiệm
Câu 1. Dòng nào sau đây không nói đúng khái niệm về truyện đồng thoại?
A. Là những tác phẩm tự sự nên nó cũng mang những đặc điểm cơ bản nhất mà các tác phẩm tự sự đều có như: cốt truyện, nhân vật, ngôi kể.
B. Là loại truyện thường lấy loài vật làm nhân vật.
C. Là truyện có nhân vật là người thông thái.
D. Các con vật trong truyện đồng thoại được các nhà văn miêu tả khắc họa như con người (nhân cách hoá).
Đáp án: C
Câu 2: Dòng nào không nói lên đặc điểm nổi bật của truyện đồng thoại?
A. Nghệ thuật xây dựng nhân vật- nhân cách hóa.
B. Ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhạc điệu.
C. Giàu chất hư cấu tưởng tượng.
D. Hướng đến mục đích giáo dục.
Đáp án: B
Câu 3: Hệ thống nhân vật trong truyện đồng thoại có đặc điểm gì?
A. Rất phong phú, trong đó có cả con người nhưng chiếm đa số là loài vật, vừa mang đặc tính vốn có của loài vật, vừa mang đặc điểm của con người.
B. Gán cho loài vật những đường nét tính cách, tình cảm của con người.
C. Nhân vật là con chó, con vịt, bút chì, thước kẻ… nhưng vẫn đem đến những bài học về cuộc sống xung quanh các em.
D. Nhân vật là loài vật đóng vai trò trung tâm.
Đáp án: A
Câu 4. Nhân vật trong truyện đồng thoại được xây dựng bởi phép tu từ nào?
A. So sánh.
B. Nhân hóa.
C. Ẩn dụ.
D. Tượng trưng
Đáp án: B
Câu 5: Dòng nào sau đây không nói lên vai trò của truyện đồng thoại?
A. Vừa vẽ nên bức tranh thế giới loài vật sinh động, hấp dẫn đồng thời lại cho các em thấy “có mình” trong đó.
B. Các em được sống trong câu chuyện, sau đó tự liên hệ đến mình.
C. Đem đến sự giải thích về hiện tượng tự nhiên, khát vọng của con người cổ đại.
D. Đem đến những bài học về cuộc sống xung quanh các em.
Đáp án: C
Câu 6: Dòng nào không nói lên đặc điểm của nhân vật đồng thoại?
A. Mang một đặc điểm, tính cách nào đó của con người.
B. Mang đặc điểm của loài vật mà nó mang tên.
C. Hội tụ những đặc tính xấu của con người.
D. Gán cho loài vật những đường nét tính cách, tình cảm của con người… cho các em thấy “có mình” trong đó.
Đáp án: C
Câu 7. Dòng nào không nói lên mục đích miêu tả thiên nhiên của truyện đồng thoại:
A. Tạo nên yếu tố lãng mạn, nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên.
B. Khắc họa môi trường tồn tại của nhân vật; gợi tả tâm trạng, tình cảm nhân vật.
C. Thiên nhiên có những tương thông nhất định với tâm trạng của nhân vật.
D. Thể hiện quan điểm thẩm mĩ của tác giả, giúp người đọc thấy được mối quan hệ chiếu ứng giữa con người và thiên nhiên.
Đáp án: A
Câu 8: Tiếng cười trong truyện đồng thoại có đặc điểm, tác dụng như thế nào?
A. Mang tính chất châm biếm sâu cay, có ý nghĩa tố cáo.
B. Mang tính chất vui tươi, nhẹ nhàng có ý nghĩa phê phán.
C. Mang tính chất mỉa mai, chế giễu.
D. Mang tính chua chát, để kỳ thị tính xấu.
Đáp án: B
Câu 9: Các cách xây dựng cốt truyện của các nhà văn viết truyện đồng thoại là:
A. Nhà văn dựa vào những cốt truyện có sẵn, lấy nguồn từ dân gian, rồi chế tác thành câu chuyện mới; nhà văn tự mình tạo ra cốt truyện mới.
B. Trung thành với dân gian, các tác giả cần có những sáng tạo nhất định nhằm tạo nên cảm giác mới mẻ cho người đọc.
C. Nhà văn sẽ dựa vào khả năng hư cấu, tưởng tượng để hình thành nên cốt truyện mới.
D. Nhà văn vay mượn cốt truyện của nước ngoài để Việt hóa chúng.
Đáp án: A
Câu 10: Truyện đồng thoại thường có kết truyện như thế nào?
A. Có hậu: thông báo kết quả của sự việc hay số phận nhân vật; nêu lên bài học giáo dục.
B. Kết thúc mở, gợi nhiều dự đoán.
C. Kết thúc đóng: nêu lên bài học giáo dục.
D. Kết thúc bất ngờ khiến độc giả ngỡ ngàng, thích thú.
Đáp án: A
5.2. Tự luận
Câu 1: Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
CÂU CHUYỆN ỐC SÊN
Ốc sên con ngày nọ hỏi mẹ:
- Mẹ ơi! Tại sao chúng ta từ khi sinh ra phải đeo cái bình vừa nặng vừa cứng trên lưng như thế? Thật mệt chết đi được!
- Vì cơ thể chúng ta không có xương để chống đỡ, chỉ có thể bò, mà bò cũng không nhanh - Ốc sên mẹ nói.
- Chị sâu róm không có xương cũng bò chẳng nhanh, tại sao chị ấy không đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?"
- Vì chị sâu róm sẽ biến thành bướm, bầu trời sẽ bảo vệ chị ấy.
- Nhưng em giun đất cũng không có xương, cũng bò chẳng nhanh, cũng không biến hoá được, tại sao em ấy không đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?
- Vì em giun đất sẽ chui xuống đất, lòng đất sẽ bảo vệ em ấy.
Ốc sên con bật khóc, nói:
- Chúng ta thật đáng thương, bầu trời không bảo vệ chúng ta, lòng đất cũng chẳng che chở chúng ta.
- Vì vậy mà chúng ta có cái bình! - Ốc sên mẹ an ủi con - Chúng ta không dựa vào trời, cũng chẳng dựa vào đất, chúng ta dựa vào chính bản thân chúng ta.
(Theo Quà tặng cuộc sống, NXB Thanh niên, 2009)
1. “Câu chuyện ốc sên” được viết theo thể loại nào?
A. Truyện cổ tích
B. Truyện đồng thoại
C. Truyền thuyết
D. Thần thoại
2. Phương thức biểu đạt chính của văn bản là gì?
A. Tự sự
B. Miêu tả
C. Biểu cảm
D. Thuyết minh
Câu 3. Câu chuyện có mấy nhân vật chính?
A. Một
B. Hai
C. Ba
D. Bốn
4. Từ “bảo vệ” được hiểu là: Bảo quản, che chở cho một thứ gì đó, nhằm tránh hư hại, tổn thất, là đúng hay sai?
A. Đúng.
B. Sai.
5. Vì sao Ốc sên con lại bật khóc và cảm thấy mình đáng thương?
A. Vì phải đeo cái bình vừa nặng, vừa cứng trên lưng.
B. Vì cơ thể không có xương để chống đỡ, chỉ có thể bò.
C. Vì không được bầu trời bảo vệ, lòng đất cũng chẳng che chở.
D. Vì Chị sâu róm không có xương cũng bò chẳng nhanh.
6. Em hiểu thế nào về câu nói của Ốc sên mẹ: “Chúng ta không dựa vào trời, cũng chẳng dựa vào đất, chúng ta phải dựa vào chính bản thân chúng ta”?
A. Chúng ta phải tin vào chính bản thân mình, biết trân trọng, yêu quý.
B. Không nên tị nạnh, so đo với người khác và cũng chẳng phải dựa vào ai.
C. Chúng ta phải tin rằng mình có nhiều đặc điểm mà người khác không có được.
D. Biết chấp nhận hoàn cảnh, cố gắng vươn lên, dựa vào nội lực của chính mình.
7. Phép tu từ được người viết sử dụng trong văn bản trên.
A. Hoán dụ.
B. Nhân hóa.
C. So sánh.
D. Ẩn dụ
8. Ốc Sên đã tự so sánh mình với những ai?
A. Với mẹ Ốc Sên
B. Với Giun Đất và Bướm
C. Với Sâu Róm và Bướm
D. Với Giun Đất và Sâu Róm
9. Viết đoạn văn ngắn (5-7 câu) trình bày quan điểm của em về thông điệp được đặt ra trong văn bản.
10. Em có đồng ý với cách suy nghĩ và hành động của Ốc sên con trong câu chuyện không? Vì sao?
Đáp án:
1. B
2. A
3. A
4. A
5. C
6. D
7. B
8. D
9. Câu chuyện trên mượn hình ảnh nhân hóa của các loài động vật để gửi gắm tới chúng ta những thông điệp bổ ích. Thông điệp đầu tiên mà câu chuyện gửi đến chúng ta chính là bản thân chúng ta là đặc biệt là độc nhất, vì vậy đừng so sánh với bất kỳ ai, mỗi người mỗi vẻ ai cũng có nét đẹp riêng của bản thân mình. Thông điệp tiếp theo muốn nhắn nhủ tới chúng ta rằng điều mà chúng ta có chính là điều mà người khác mơ ước , chúng ta cần tự hào về điều này. Và cuối cùng, thông điệp quan trọng và quý báu nhất chính là thành công là do chúng ta, bản thân chúng ta cần tự mình cố gắng, không cần phải dựa dẫm vào ai để đạt được điều mà mình ước mơ. Những thông điệp trên đều là những thông điệp đắt giá và ý nghĩa mà câu chuyện trên đem đến cho chúng ta.
10.
- Đồng ý. Vì khi có sự hỗ trợ từ gia đình, từ môi trường sống sẽ giúp chúng ta dễ vươn đến thành công hơn.
- Không đồng ý. Vì: Không ai được lựa chọn nơi mình sống, cách mình sinh ra nên hãy sống theo cách của mình, không nên so bì, tị nạnh với cuộc sống của người khác.
Câu 2: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các bài tập:
Tôi là đứa con bé nhất của mẹ Dẻ Gai trong rừng già, trên sườn núi cao cheo leo.
Mùa xuân đến, từ trên cánh tay và mái tóc của mẹ, từng nụ hoa dẻ nhú ra như quả cầu xanh có tua gai nhỏ. Rồi hoa lớn dần thành những trái dẻ xù xì gai góc. Anh chị em chúng tôi ra đời như thế đó.
Chúng tôi lớn lên trong mùa hè nắng lửa, mưa dông. Những cơn mưa ào đến gội ướt đẫm tóc mẹ và tắm mát cho chúng tôi. Nắng làm bỏng rát cả làn da và mái tóc của mẹ.
Khi thu về, trái dẻ khô đi, lớp áo gai đã chuyển sang màu vàng cháy. Hạt dẻ căng tròn làm nứt bung cả tấm áo gai xù đã quá chật chội.
Tôi vẫn nằm im trong lớp áo gai xù, nép vào một cánh tay của mẹ. Tôi chẳng muốn chui khỏi tấm áo ấm áp, an toàn đó chút nào.
Nhưng rồi những ngày thu êm ả cũng trôi qua.
Gió lạnh buốt bắt đầu thổi ù ù qua khu rừng. Gió vặn vẹo những cánh tay dẻo dai của mẹ. Gió lay giật tấm thân vững chãi của mẹ. Nhưng mẹ vẫn bền gan đứng trên sườn núi cheo leo.
Khi mùa đông đến, tôi cứ thu mình mãi trong tấm áo gai xù ấm áp của họ nhà dẻ gai và nép mãi vào tay mẹ, tóc mẹ. Tôi sợ phải xa mẹ, sợ phải tự sống một mình. Tôi sợ những gì lạ lẫm trong rừng già. Nhưng tôi nghe tiếng mẹ thì thầm:
- Bé Út của mẹ, con nhỏ nhất nhà so với các anh chị nhưng con cũng đã lớn rồi đấy. Con là một bé dẻ gai rất khoẻ mạnh. Hãy dũng cảm lên nào, con sẽ bay theo gió và sẽ trở thành một cây dẻ cường tráng trong cánh rừng này nhé!
Tôi cố quẫy mình... Tấm áo gai dày và ấm bất chợt bung ra. Và tôi nhìn rõ cả cánh rừng già, cả sườn núi cao, cả bầu trời mây gió lồng lộng ào ạt trôi trên đầu mẹ. Hoá ra tôi là trái dẻ cuối cùng đang nép trên cánh tay vươn cao nhất của mẹ. Mẹ đưa tay theo chiều gió và thì thầm với riêng tôi: “Tạm biệt con yêu quý, hạt dẻ bé bỏng nhất của mẹ. Dù thế nào con cũng sẽ lớn lên, hãy dũng cảm và đón nhận cuộc sống mới nhé!“
Tôi bỗng thấy mình bay nhẹ theo làn gió, tung mình vào khoảng không bao la rồi rơi êm xuống thảm lá ấm sực của rừng già... “Tạm biệt mẹ! Con yêu mẹ!”- tôi gọi với theo gió trước khi chìm vào giấc ngủ đông ấm áp. Và tôi mơ...
(Theo Phương Thanh Trang, trích Câu chuyện của hạt dẻ gai, tạp chí Văn học và tuổi trẻ, số 12 (465), 2020)
Chọn phương án trả lời đúng cho các câu hỏi sau:
1. Câu chuyện được kể bằng lời của nhân vật nào?
A. Mẹ Dẻ Gai
B. Một cây dẻ trong rừng già
C. Một nhân vật trong câu chuyện
D. Nhân vật “tôi” - đứa con bé nhất của mẹ Dẻ Gai
2. Từ “chúng tôi” trong câu chuyện được dùng để chỉ những nhân vật nào?
A. Mẹ, hạt dẻ gai và các anh chị em
B. Nhân vật “tôi” và các anh chị em
C. Nhân vật “tôi” và các bạn trong rừng già
D. Những hạt dẻ gai trong rừng già
3. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu: “Và tôi nhìn rõ cả cánh rừng già, cả sườn núi cao, cả bầu trời mây gió lồng lộng ào ạt trôi trên đầu mẹ."?
A. Ẩn dụ
B. Điệp ngữ
C. Hoán dụ
D. So sánh
4. Vì sao khi mùa đông đến, “tôi” cứ mãi thu mình trong tấm áo gai xù ấm áp?
A. Vì “tôi” nhỏ nhất nhà và chưa đủ lớn.
B. Vì “tôi” rất thích tấm áo gai xù ấm áp.
C. Vì “tôi” sợ gió lạnh, sợ mùa đông đến.
D. Vì “tôi” sợ xa mẹ, sợ tự lập và những gì lạ lẫm.
Trả lời các câu hỏi sau:
5. Nhân vật “tôi” thể hiện được những đặc điểm gì của nhân vật trong truyện đồng thoại?
6. Hãy tìm ba từ mà em cho là phù hợp để nêu bật đặc điểm của nhân vật “tôi”.
7. Viết đoạn văn (từ 5-7 câu) nêu lên bài học cuộc sống mà em có thể rút ra từ câu chuyện của hạt dẻ gai trong đoạn trích.
Đáp án:
1. D
2. B
3. B
4. D
5. Nhân vật “tôi” thể hiện được những đặc điểm của nhân vật trong truyện đồng thoại: Nhân vật “tôi” được nhân cách hóa với những suy nghĩ, đặc điểm, tính cách giống như con người.
6. Theo em 3 từ có thể phù hợp với đặc điểm của nhân vật “tôi” là: sợ sệt, dũng cảm, đáng yêu.
7. Bài học cuộc sống mà em có thể rút ra đó chình là lòng dũng cảm đối mặt với các thử thách khó khăn trong đời sống. Đứa con nào rồi cũng phải lớn lên phải biết mạnh mẽ, đối mặt với mọi sóng gió ngoài kia, Cha mẹ không thể chở che, bảo vệ cho con hoài được. Những khó khăn, chông gai, thử thách không là gì nếu như ta có lòng dũng cảm, luôn nỗ lực, phấu đấu không ngừng thì nhất định sẽ thành công.Ta sẽ chỉ nhỏ bé và yếu đuối mang tâm thái ỷ lại khi được cha mẹ mãi chở che, bảo vệ, và nâng niu. Chúng ta hãy bước ra ngoài và tập đối mặt với thế giới ngoài kia ta sẽ nhận ra cuộc sống thật khắc nghiệt, để từ đó trau dòi năng lực, sức mạnh nghị lực biết vươn lên, phấn đấu vì một tương lai tươi sáng.
Câu 3: Đọc văn bản sau:
CHIẾC LÁ
Chim sâu hỏi chiếc lá:
- Lá ơi! Hãy kể chuyện cuộc đời bạn cho tôi nghe đi!
- Bình thường lắm, chẳng có gì đáng kể đâu.
- Bạn đừng có giấu! Nếu bình thường vậy, sao bông hoa kia lại có vẻ rất biết ơn bạn?
- Thật mà! Cuộc đời tôi rất bình thường. Ngày nhỏ, tôi là một búp non. Tôi lớn dần lên thành một chiếc lá và cứ là chiếc lá như thế cho đến bây giờ.
- Thật như thế sao? Đã có lần nào bạn biến thành hoa, thành quả, thành một ngôi sao, thành vầng mặt trời đem lại niềm vui cho mọi người như trong các câu chuyện cổ tích mà bác gió thường rì rầm kể suốt đêm ngày chưa?
- Chưa. Chưa một lần nào tôi biến thành một thứ gì khác tôi cả. Suốt đời, tôi chỉ là một chiếc lá nhỏ nhoi bình thường.
- Thế thì chán thật! Bông hoa kia đã làm tôi thất vọng. Hoa ơi, bạn chỉ khéo bịa chuyện.
- Tôi không bịa chút nào đâu. Mãi mãi tôi kính trọng những chiếc lá bình thường như thế. Chính nhờ họ mới có chúng tôi những hoa, những quả, những niềm vui mà bạn vừa nói đến.
(Theo Những truyện hay viết cho thiếu nhi của Trần Hoài Dương, NXB Kim Đồng, năm 2019)
Thực hiện các yêu cầu:
1. Văn bản trên được viết theo thể loại nào?
A. Truyện cổ tích
B. Truyền thuyết
C. Truyện đồng thoại
D. Truyện ngụ ngôn
2. Nhận xét nào nêu lên đặc điểm của nhân vật trong văn bản trên?
A. Nhân vật là loài vật, sự vật được nhân cách hóa như con người.
B. Nhân vật là loài vật, sự vật có liên quan đến lịch sử.
C. Nhân vật là loài vật, sự vật có những đặc điểm kì lạ.
D. Nhân vật là loài vật, sự vật gắn bó thân thiết với con người như bạn.
3. Văn bản trên sử dụng ngôi kể nào?
A. Ngôi thứ nhất
B. Ngôi thứ ba
C. Kết hợp sử dụng ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba
D. Cả ba phương án đưa ra đều đúng
4. Em hiểu nghĩa của từ nhỏ nhoi trong câu Suốt đời, tôi chỉ là một chiếc lá nhỏ nhoi bình thường. là gì?
A. nhỏ và trông cân đối, dễ thương
B. có kích thước ngắn
C. không có gì khác thường, không có gì đặc biệt
D. nhỏ bé, ít ỏi, gây ấn tượng ít ỏi, mong manh
5. Tại sao chim sâu cho rằng Bông hoa kia đã làm tôi thất vọng?
A. Vì chim sâu tưởng rằng, hoa biết ơn chiếc lá thì lá phải làm được điều gì đó phi thường, kì diệu; nhưng khi hỏi lá, chim sâu thấy lá rất nhỏ nhoi, bình thường.
B. Vì chim sâu nghĩ bông hoa đã hiểu sai về chiếc lá, hoa tưởng chiếc lá có thể biến thành quả, thành sao, thành vầng mặt trời đem lại nhiều niềm vui cho mọi người.
C. Vì chim sâu không được bông hoa kính trọng và biết ơn như chiếc lá.
D. Vì chim sâu nghĩ rằng bông hoa đã cố giấu mình rất nhiều điều thú vị về chiếc lá.
6. Vì sao bông hoa trong câu chuyện trên lại khẳng định: Mãi mãi tôi kính trọng những chiếc lá bình thường như thế.?
A. Vì chiếc lá có thể biến thành một ngôi sao, thành vầng mặt trời đem lại niềm vui cho mọi người.
B. Vì mặc dù chỉ là một chiếc lá nhỏ nhoi bình thường nhưng suốt đời chiếc lá chưa một lần nào biến thành một thứ gì khác.
C. Vì chính nhờ sự tồn tại của những chiếc lá bình thường như vậy mới có sự sống, sự sinh sôi, phát triển của cây.
D. Vì bác gió thường rì rầm kể câu chuyện về cuộc đời chiếc lá suốt đêm ngày cho hoa nghe.
7. Từ nào dưới đây không phải là từ ghép?
A. Chiếc lá
B. Rì rầm
C. Bông hoa
D. Chim sâu
8. Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ nào qua những từ được gạch chân trong câu văn sau? Đã có lần nào bạn biến thành hoa, thành quả, thành một ngôi sao, thành vầng mặt trời đem lại niềm vui cho mọi người như trong các câu chuyện cổ tích mà bác gió thường rì rầm kể suốt đêm ngày chưa?
A. Điệp ngữ
B. So sánh
C. Nhân hóa
D. Ẩn dụ
9. Từ văn bản trên, em rút ra cho mình những bài học gì trong cuộc sống?
10. Trong cuộc sống, có những người rất bình dị nhưng đóng góp của họ cho xã hội thật đáng trân trọng. Em hãy viết một đoạn văn ngắn (7-9 câu) ghi lại những đóng góp tốt đẹp cho cuộc đời của những con người như vậy.
Đáp án:
1. C
2. A
3. C
4. D.
5. B
6. C
7. B
8. C
9. Từ văn bản, em rút ra được bài học: hãy luôn trân trọng, biết ơn những người xung quang mình, dù họ có bình dị nhưng họ vẫn luôn âm thầm đóng góp những giá trị tốt đẹp cho xã hội.
10. Trong cuộc sống, có những người rất bình dị nhưng những đóng góp của họ cho xã hội thật đáng trân trọng. Theo em, họ là những người nông dân, công nhân, những người lái đó hay những nác sĩ, y tá, bộ đội,... Họ đã đóng góp cho cuộc đời thêm tốt đẹp qua hành động của chính mình. Những người nông dân cung cấp những hạt lúa, lương thực phục vụ cho đời sống sinh hoạt của con người. Những người công nhân cung cấp nguyên nhiên liệu cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những người lái đò là những người thầy người cô giảng dạy, giáo dục cho thế hệ trẻ giúp ích cho tương lai đất nước. Những người bác sĩ, y tá cứu bệnh cho mọi người, duy trì sự sống, góp ích xây dựng đất nước giàu mạnh, phát triển hơn. Đến những người bộ đội, đó là sự bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Câu 4: Đọc ngữ liệu sau và thực hiện yêu cầu:
Xương Rồng và Cúc Biển
“Xương Rồng sống ở bãi cát ven biển đã lâu mà chẳng được ai để ý đến. Bông Cúc Biển thấy lão sống lặng lẽ quá nên xin đến ở chung. Lão hơi khó chịu nhưng vẫn đồng ý. Một hôm, đàn bướm nọ bay ngang qua, kêu lớn:
- Ôi, bác Xương Rồng nở hoa đẹp quá!
Xương Rồng hồi hộp chờ Cúc Biển lên tiếng nhưng nó chỉ im lặng, mỉm cười.
Nhiều lần được khen, lão vui vẻ ra mặt.
Thời gian trôi qua, hết Xuân đến Hè, hoa Cúc Biển tàn úa. Vài chú ong nhìn thấy liền cảm thán:
- Thế là đến thời hoa Xương Rồng tàn héo!
Nghe mọi người chê, Xương Rồng liền gân cổ cãi:
- Ta chẳng bao giờ tàn héo cả. Những bông hoa kia là của Cúc Biển đấy!
Cúc Biển chẳng nói gì nhưng không cười nữa. Đợi chị gió bay qua, nó xin chị mang mình theo đến vùng đất khác.
Mùa Xuân đến, bướm ong lại bay qua nhưng chẳng ai còn để ý đến Xương Rồng nữa. Lão tiếp tục sống những ngày tháng cô độc như trước.”
(Trích từ tập sách Giọt sương chạy trốn của Lê Luynh, NXB Kim Đồng 2020)
Lựa chọn đáp án đúng:
1. Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ mấy?
A. Ngôi thứ ba
B. Ngôi thứ hai
C. Ngôi thứ hai và ngôi thứ ba
D. Ngôi thứ nhất
2. Câu chuyện có mấy nhân vật?
A. Một
B. Hai
C. Ba
D. Bốn
3. Hãy chỉ ra từ láy trong câu văn sau: “Bông Cúc Biển thấy lão sống lặng lẽ quá nên xin đến ở chung”
A. Cúc Biển
B. Lão sống
C. Lặng lẽ
D. Ở chung
4. Cúc Biển giúp Xương Rồng không cô độc bằng cách nào?
A. Cúc Biển trò chuyện vui vẻ cùng Xương Rồng
B. Cúc Biển rủ Xương Rồng đi chơi
C. Cúc Biển xin đến nhà Xương Rồng ở chung
D. Xương Rồng đến nhà Cúc Biển ở chung
5. Cử chỉ, hành động của Cúc Biển thể hiện phẩm chất gì?
A. Đoàn kết
B. Tự tin
C. Dũng cảm
D. Khiêm tốn
6. Từ “cô độc” trong câu sau có nghĩa là gì: “Lão tiếp tục sống những ngày tháng cô độc như trước.”
A. Một mình, tách biệt với thế giới xung quanh
B. Chỉ có một mình, không biết nhờ cậy ai
C. Lẻ loi, vắng vẻ, một mình
D. Bơ vơ, không nơi nương tựa
7. Vì sao Cúc Biển muốn sống cùng Xương Rồng nhưng cuối cùng Cúc Biển lại bỏ đi?
A. Vì Cúc Biển không muốn ở đó nữa
B. Vì Cúc Biển thất vọng về Xương Rồng
C. Vì Cúc Biển muốn đi nơi khác vui hơn
D. Vì Cúc Biển muốn có thêm bạn mới
8. Vì sao Xương Rồng lại phải sống những ngày tháng cô độc như trước?
A. Vì Xương Rồng mải chơi
B. Vì Xương Rồng không có bạn
C. Vì Xương Rồng ích kỉ
D. Vì Xương Rồng thích một mình
Thực hiện yêu cầu:
9. Hãy rút ra bài học mà em tâm đắc nhất sau khi đọc câu chuyện “Xương Rồng và Cúc Biển.”
10. Em có đồng ý với cử chỉ và hành động của Xương Rồng trong câu chuyện không? Vì sao?
Đáp án:
1. A.
2. D
3. C
4. C
5. D
6. A
7. B
8. C
9. Bài học mà em tâm đắc nhất sau khi đọc câu chuyện "Xương Rồng và Cúc Biển":
- Không nên coi thường, khinh bỉ hay tỏ thái độ không tốt những người xung quanh ta vì có thể chính những người đó lại mang cho ta niềm vui, không bị cô độc mà bản thân chúng ta không hề để ý tới.
- Sống ở đời phải có lòng độ lượng, khoan dung và biết tôn trọng, cảm thông cho những người xung quanh, không nên chỉ biết nghĩ cho bản thân mình.
10. Em không đồng ý với cử chỉ và hành động của Xương Rồng. Vì đó là hành động ích kỉ, nhờ những đoá hoa tuyệt đẹp của Cúc Biển mà Xương Rông được khen ngợi mà khi héo úa, Xương Rồng lại phải đi ngay lập tức.
Câu 5: Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:
MĂNG TRE
Sau những trận mưa tầm tã, bên khóm tre già đã bị chặt cụt, đất bỗng nứt ra, và một búp măng ló đầu lên, đội lá mục, phá vỡ con đường bọn mối đang đắp. Lũ mối chạy tán loạn, la lên:
– Làng nước ơi! Có kẻ cướp, kẻ cướp!
Bọ xít chêm vào:
– Ừ, mùi nó hôi quá!
Mấy cái nấm dại chụm đầu nhau bàn tán:
– Nó là giống gì vậy? Không cành, không lá, cây chẳng ra cây!
Nhái bén làm ra vẻ thâm thúy:
– Hãy nhìn kĩ mà xem. Đầu nó nhọn hình lưỡi mác, chắc là nó có mưu đồ nham hiểm!
Thế là cả bọn hùa vào nguyền rủa măng tre, cầu mong cho măng tre bị thui chột mà chết. Rồi lũ kiến bâu đến cắn măng, thi nhau hút nhựa măng…
Mặc những tiếng ỉ eo, mặc những sự phá rối, búp măng cứ lừng lững vươn cao. Và mưa rào đã giúp măng đẩy trôi hàng nghìn con kiến xuống vũng ao tù.
Nhái bén ngước mắt nhìn ngọn măng rồi nói kháy:
– Hừ, leo cao ngã đau!
Mấy cái nấm thấp lè tè ghen tức:
– Nó lớn nhanh như thế, chắc là bị bệnh!
Chỉ có chim chèo bẻo bay lượn trên cao là biết rõ dòng dõi nhà măng. Chèo bẻo cất tiếng:
– Chòe…choẹt! …chòe… choẹt!… Cười người hôm trước, hôm sau người cười! Ngốc quá bạn ơi!
Nhái bén xanh tái cả da. Lũ nấm cụp hết đầu lại.
Vươn lên đủ độ cao, ngọn măng nảy cành, ra lá. Một cây tre non tơ, xanh mướt in hình trên nền trời thu trong trẻo.
Dường như không nghe thấy những lời chửi bới, dèm pha của lũ mối, kiến, nấm và nhái, cây tre hiền từ cao cả mỗi ngày một thêm xanh tốt. Không thèm chấp những lời nói xằng của lũ vật bé mọn kia, cây tre quanh năm tỏa rộng lá cành chắn gió che mưa cho chúng.
Và sớm sớm, đậu chót vót trên ngọn tre cao, chim chèo bẻo cất tiếng kêu cần mẫn báo hiệu một ngày mới đã bắt đầu.
(Vũ Tú Nam, “Những truyện hay viết cho thiếu nhi” - NXB Kim Đồng, tr.142, 143)
1: Câu chuyện được kể theo ngôi thứ mấy?
A. Ngôi thứ nhất
B. Ngôi thứ hai
C. Ngôi thứ ba
D. Kết hợp ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba
2: Trong những từ sau đây, từ nào không phải là từ láy?
A. Tầm tã
B. Lừng lững
C. Trong trẻo
D. Tán loạn
3: Nhận xét nào nêu đúng nhất đặc điểm của các nhân vật trong văn bản trên?
A. Nhân vật là loài vật, sự vật được nhân cách hóa như con người.
B. Nhân vật là loài vật, sự vật có liên quan đến lịch sử.
C. Nhân vật là loài vật, sự vật có những đặc điểm kì lạ.
D. Nhân vật là loài vật, sự vật gắn bó thân thiết với con người như bạn.
4: Biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng trong văn bản có tác dụng gì?
A. Làm cho câu chuyện được kể sinh động, biểu hiện được những suy nghĩ của nhân vật măng tre.
B. Làm cho câu chuyện được kể sinh động, biểu hiện được những suy nghĩ của nhân vật chim chèo bẻo.
C. Làm cho câu chuyện được kể sinh động, biểu hiện được những suy nghĩ, lời nói và hành động của các nhân vật giống như con người.
D. Làm cho câu chuyện được kể sinh động, giúp ta hiểu những thông điệp được gửi gắm trong văn bản.
5: Nhận xét nào sau đây đúng với chủ đề của truyện?
A. Truyện thể hiện sự kiêu ngạo, coi thường những người xung quanh của măng tre.
B. Truyện thể hiện tình bạn sâu sắc của măng tre và chim chèo bẻo.
C. Truyện thể hiện sự ngưỡng mộ của các nhân vật đối với măng tre.
D. Truyện thể hiện sự tự tin, mạnh mẽ, vượt lên mọi lời chê bai, giễu cợt của măng tre.
6: Câu văn: “Chòe…choẹt! …chòe… choẹt!… Cười người hôm trước, hôm sau người cười! Ngốc quá bạn ơi!” thể hiện thái độ gì của chèo bẻo với các nhân vật mối, kiến, nhái, nấm?
A. Tức giận
B. Chế giễu
C. Coi thường
D. Khen ngợi
7. Hành động nào của măng tre để lại ấn tượng sâu đậm nhất đối với em ? Vì sao?
8. Qua câu chuyện trên, em rút ra bài học gì cho bản thân?
9. Giả sử có lúc em rơi vào hoàn cảnh bị chế giễu như măng tre, em sẽ làm gì khi gặp hoàn cảnh ấy?
Đáp án:
1. C
2. D
3. A
4. C
5. D
6. B
7.
– Em ấn tượng nhất với hành động của măng tre: Mặc những tiếng ỉ eo, mặc những sự phá rối, búp măng cứ lừng lững vươn cao.
– Vì :
+ Măng tre biết bỏ ngoài tai những lời nói chê bai, chế nhạo của bọ xít, mối, nấm và nhái bén…
+ Măng tre nỗ lực, cố gắng hết mình để vượt qua khó khăn.
+ Măng tre luôn mạnh mẽ, tự tin vào bản thân.
8. Bài học:
+ Không nên chê bai, dèm pha nói xấu người khác;
+ Không được ghen ghét, đố kị, làm hại người khác;
+ Luôn mạnh mẽ, tự tin vươn lên trong cuộc sống mặc kệ những lời dèm pha, nói xấu của những người xung quanh;
+ Luôn có lòng vị tha, bao dung cho lỗi lầm của người khác;
+ Luôn cố gắng nỗ lực hết mình để vươn tới thành công;
9. Giả sử có lúc em rơi vào hoàn cảnh bị chế giễu như măng tre, em sẽ:
+ Giữ bình tĩnh tự tin, không nổi nóng hay phản ứng tiêu cực;
+ Thay vì tranh cãi phản bác chế giễu em sẽ chứng minh bản thân qua hành động;
+ Tìm kiếm sự hỗ trợ của những người xung quanh;
+ Kiên nhẫn chứng minh bản thân ;
+ Học hỏi để hoàn thiện bản thân;
Xem thêm các bài viết về định nghĩa và khái niệm môn Văn chọn lọc, hay khác:
- Truyện ngắn là gì?
- Truyện khoa học viễn tưởng là gì?
- Truyện lịch sử là gì?
- Truyện truyền kì là gì?
- Truyện trinh thám là gì?
Tủ sách VIETJACK luyện thi vào 10 cho 2k10 (2025):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Đề thi lớp 1 (các môn học)
- Đề thi lớp 2 (các môn học)
- Đề thi lớp 3 (các môn học)
- Đề thi lớp 4 (các môn học)
- Đề thi lớp 5 (các môn học)
- Đề thi lớp 6 (các môn học)
- Đề thi lớp 7 (các môn học)
- Đề thi lớp 8 (các môn học)
- Đề thi lớp 9 (các môn học)
- Đề thi lớp 10 (các môn học)
- Đề thi lớp 11 (các môn học)
- Đề thi lớp 12 (các môn học)
- Giáo án lớp 1 (các môn học)
- Giáo án lớp 2 (các môn học)
- Giáo án lớp 3 (các môn học)
- Giáo án lớp 4 (các môn học)
- Giáo án lớp 5 (các môn học)
- Giáo án lớp 6 (các môn học)
- Giáo án lớp 7 (các môn học)
- Giáo án lớp 8 (các môn học)
- Giáo án lớp 9 (các môn học)
- Giáo án lớp 10 (các môn học)
- Giáo án lớp 11 (các môn học)
- Giáo án lớp 12 (các môn học)