Tục ngữ là gì (chi tiết nhất)
Bài viết Tục ngữ là gì chi tiết nhất, đầy đủ khái niệm, đặc điểm, cách đọc hiểu & bài tập có đáp án chi tiết giúp bạn nắm vững kiến thức trọng tâm về Tục ngữ.
Tục ngữ là gì (chi tiết nhất)
1. Khái niệm tục ngữ
Tục ngữ là những câu nói ngắn gọn lưu truyền trong dân gian, có nhịp điệu, hình ảnh, thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân về mọi mặt như : tự nhiên, lao động sản xuất, con người, xã hội…
2. Đặc điểm của tục ngữ
- Về nội dung, tục ngữ thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân về thiên nhiên, lao đọng sản xuất, con người và xã hội.
- Về hình thức, tục ngữ có các đặc điểm:
+ Thường ngắn gọn (câu ngắn nhất gồm 4 chữ, câu dài có thể trên dưới 16 chữ).
+ Có nhịp điệu, hình ảnh.
+ Hầu hết đều có vần và thường là vần lưng. Vần lưng trong tục ngữ có thể được gieo ở hai tiếng liền nhau (gọi là “vần sát”) hoặc gieo ở hai tiếng cách nhau (gọi là “vần cách”).
+ Thường có hai vế trở lên. Các vế đối xứng nhau cả về hình thức lẫn nội dung.
+ Thường đa nghĩa nhờ sử dụng các biện pháp tu từ, nhất là tục ngữ về con người và xã hội.
3. Ví dụ một số câu tục ngữ
- Thương người như thể thương thân.
- Lá lành đùm lá rách.
- Một miếng khi đói bằng một gói khi no.
- Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.
- Cái răng cái tóc là góc con người.
- Thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn.
- Có công mài sắt có ngày nên kim.
- Đói cho sạch, rách cho thơm.
- Của một đồng, công một nén.
- Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ
- ….
4. Cách đọc hiểu một câu tục ngữ
Khi đọc văn bản theo thể loại tục ngữ, em nên chú ý:
- Xác định số dòng, số chữ, vần, cấu trúc các vế trong các câu tục ngữ
- Xác định nghĩa của những từ ngữ khó hiểu
- Chú ý những từ ngữ, hình ảnh độc đáo.
- Tìm và phân tích hiệu quả của những biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản (nếu có).
5. Một số bài tập liên quan đến thể loại tục ngữ.
5.1. Trắc nghiệm
Câu 1: Tục ngữ là gì?
A. Là những cụm từ ngắn gọn, hàm súc, thường có vần điệu, có hình ảnh, giúp cho lời ăn tiếng nói thêm sâu sắc, sinh động, có tính biểu cảm cao
B. Là cách nói phóng đại mức độ, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả nhằm gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm
C. Là những câu nói dân gian ngắn gọn, hàm súc, thường có vần điệu, có hình ảnh, nhằm đúc kết kinh nghiệm về thế giới tự nhiên và đời sống con người
D. Là dùng cách diễn đạt tế nhị, khéo lé nhằm tránh gây cảm giác quá đau buồn, nặng nề hoặc tránh sự thô tục, thiếu lịch sự
Đáp án: C
Câu 2: Về nội dung, tục ngữ thể hiện điều gì?
A. Những kinh nghiệm của nhân dân về thiên nhiên, lao động sản xuất, con người và xã hội.
B. Mượn chuyện về loài vật, đồ vật, cây cỏ… làm ẩn dụ, hoặc chính chuyện con người để nói bóng gió, kín đáo chuyện đời, chuyện người, nhằm nêu lên bài học luân lí.
C. Những câu chuyện tưởng tượng xoay quanh một số nhân vật quen thuộc như nhân vật tài giỏi, nhân vật dũng sĩ người mồ côi, người em út… và cả những câu chuyện về các con vật nói năng và hoạt động như con người.
D. Kể về sự kiện và nhân vật lịch sử (hoặc có liên quan đến lịch sử), phần lớn theo xu hướng lí tưởng hóa, qua đó thể hiện sự ngưỡng mộ và tôn vinh của nhân dân đối với những người có công với đất nước, dân tộc hoặc cộng đồng cư dân của một vùng.
Đáp án: A
Câu 3: Về hình thức, tục ngữ có các đặc điểm gì?
A. Thường ngắn gọn, có nhịp điệu, hình ảnh
B. Hầu hết đều có vần và thường có hai vế trở lên
C. Thường đa nghĩa nhờ sử dụng các biện pháp tu từ
D. Tất cả đáp án trên
Đáp án: D
Câu 4. Tục ngữ có thể được hình thành từ những nguồn nào?
A. Từ thực tiễn cuộc sống
B. Được tách và rút ra từ tác phẩm văn học dân gian
C. Từ sự vay mượn của nước ngoài
D. Tất cả đáp án trên
Đáp án: D
Câu 5: Trong các câu tục ngữ sau, câu nào có ý nghĩa trái ngược với câu “ Uống nước nhớ nguồn”?
A. ăn quả nhớ kẻ trồng cây
B. Uống nước nhớ kẻ đào giếng
C. ăn cháo đá bát
D. ăn gạo nhớ kẻ đâm xay giần sàng
Đáp án: C
Câu 6: Nội dung nào không có trong nghĩa của câu tục ngữ “ Học thầy không tày học bạn” ?
A. Đề cao ý nghĩa, vai trò của việc học bạn
B. Khuyến khích mở rộng phạm vi và đối tượng học hỏi
C. Không coi học bạn quan trọng hơn học thầy
D. Không coi trọng việc học thầy hơn học bạn.
Đáp án: D
Câu 7. Trường hợp nào cần bị phê phán trong việc sử dụng câu tục ngữ “Một mặt người bằng mười mặt của” ?
A. Phê phán những trường hợp coi trọng của cải hơn con người
B. An ủi, động viên những trường hợp mà nhân dân ta cho là “của đi thay người”
C. Nói về tư tưởng đạo lí, triết lí sống của nhân dân ta: đặt con người lên trên mọi thứ của cải
D. Khuyến khích việc sinh đẻ nhiều con.
Đáp án: D
Câu 8: Câu tục ngữ nào dưới đây có ý nghĩa khuyên người dân lao động dự đoán được thời tiết, để chủ động trong việc gieo trồng, gặt hái, cày bừa..
A. Mau sao thi nắng, vắng sao thì mưa.
B. Tấc đất tấc vàng.
C. Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.
D. Nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền.
Đáp án: A
Câu 9: Những kinh nghiệm được đúc kết trong các câu tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất có ý nghĩa gì?
A. Giúp nhân dân lao động chủ động đoán biết được cuộc sống và tương lai của mình.
B. Giúp nhân dân lao động có một cuộc sống vui vẻ, nhàn hạ và sung túc hơn.
C. Là bài học dân gian về khí tượng, giúp nhân dân lao động chủ động dự đoán thời tiết và nâng cao năng suất lao động.
D. Giúp nhân dân lao động sống lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống và công việc của mình.
Đáp án: C
Câu 10: Đối tượng phản ánh của tục ngữ về con người và xã hội là gì ?
A. Là các quy luật của tự nhiên
B. Là quá trình lao động, sinh hoạt và sản xuất của con người.
C. Là con người với các mối quan hệ và những phẩm chất, lối sống cần phải có.
D. Là thế giới tình cảm phong phú của con người.
Đáp án: C
5.2. Tự luận
Câu 1: Đọc văn bản sau
TỤC NGỮ VIỆT NAM
(Từ điển THÀNH NGỮ VÀ TỤC NGỮ VIỆT NAM – NXB Văn hóa, 1995)
1. Học một biết mười.
2. Học ăn học nói, học gói học mở.
3. Luyện mãi thành tài, miệt mài tất giỏi.
4. Học khôn đến chết, học nết nết đến già.
5. Dao có mài mới sắc, người có học mới nên.
6. Học chẳng hay cày chẳng biết.
7. Dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng.
9. Học chẳng hay, thi may thì đỗ.
10. Học như gà bới vách.
11. Học thầy học bạn vô vạn phong lưu.
1. Dòng nào nói đặc điểm cơ bản của các văn bản trên?
A. Ngắn gọn, hàm súc, chứa đựng lời khuyên.
B. Giàu vần điệu, dễ nhớ.
C. Ví von, giàu hình ảnh.
D. Kiệm lời, giàu ý.
2. Mười câu tục ngữ trên cùng nói về điều gì?
A. Phương pháp học.
B. Chọn thầy để học.
C. Vai trò, tác dụng, kinh nghiệm học tập.
D. Học phải kiên trì.
3. Nhận định “Học dốt, đỗ được là do may mắn” phù hợp với câu tục ngữ nào?
A. Dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng.
B. Học chẳng hay, thi may thì đỗ.
C. Học như gà bới vách.
D. Học thầy học bạn vô vạn phong lưu.
4. Câu tục ngữ “Học khôn đến chết, học nết nết đến già” có mấy vế, khuyên con người điều gì?
A. Một vế, khuyên không ngừng học tập để nâng cao hiểu biết.
B. Hai vế, khuyên không ngừng học tập để nâng cao hiểu biết.
C. Hai vế, khuyên người già vẫn phải học.
D. Hai vế, khuyên người già học khôn, học nết rất nhanh.
5. “Học ăn học nói, học gói học mở” khuyên ta điều gì?
A. Điều gì cũng cần phải học.
B. Học ăn nói trước tiên.
C. Học gói mở để là trở thành người khéo léo.
D. Không học hỏi sẽ là người vụng về.
6. Dòng nào nói lên ý nghĩa của câu tục ngữ “Dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng”?
A. Đã học là phải hiểu kỹ.
B. Thà không biết còn hơn là biết lơ mơ.
C. Biết lơ mơ thì đừng nói.
D. Nói năng cần chặt chẽ.
7. Câu tục ngữ nào trong 10 câu trên có ý nghĩa ẩn dụ?
A. Học ăn học nói, học gói học mở.
B. Luyện mãi thành tài, miệt mài tất giỏi.
C. Học khôn đến chết, học nết đến già.
D. Dao có mài mới sắc, người có học mới nên.
8. Kẻ lười biếng không chịu học hành, không chịu lao động là ý nghĩa thuộc câu tục ngữ nào sau đây?
A. Dao có mài mới sắc, người có học mới nên.
B. Học chẳng hay cày chẳng biết.
C. Dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng.
D. Học thầy chẳng tày học bạn.
9. Câu tục ngữ nào sau đây có lập luận chặt chẽ nhất?
A. Học ăn học nói, học gói học mở.
B. Luyện mãi thành tài, miệt mài tất giỏi.
C. Học khôn đến chết, học nết đến già.
D. Dao có mài mới sắc, người có học mới nên.
10. Xác định vần, ý nghĩa của câu tục ngữ sau “Học thầy học bạn vô vạn phong lưu”
A. Vần liền. Nên học cả thầy và bạn.
B. Vần chân. Muốn phong lưu hãy chịu khó học hỏi.
C. Vần cách. Chịu khó học hỏi ắt giàu có.
D. Vần liền. Cội nguồn của phong lưu là học tập.
11: Ý nghĩa của câu tục ngữ số 1 và số 9 có đối lập nhau không? Em rút ra bài học gì từ 2 câu tục ngữ đó?
12: Viết một đoạn văn (7-9 câu) giải thích câu tục ngữ vem cho là hữu ích nhất trong các câu trên.
Đáp án:
1. A
2. C
3. B
4. B
5. A.
6. B
7. C
8. B
9. B
10. C
11. Câu tục ngữ Học một biết mười và Học chẳng hay, thi may thì đỗ là hoàn toàn đối lập nhau:
+ Câu số 1: nói về người thông minh, sáng ý, học ít hiểu nhiều, hiểu sâu xa.
+ Câu số 9: Học không có kết quả.
– Rút ra bài học: cần học cho hiệu quả, không phải cứ nhiều, học tràn lan…
12. Con người phải học từ cách ăn nói đến ứng xử, bởi vậy ông cha ta đã có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Câu tục ngữ sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ. Từ “học” được nhắc lại đến bốn lần kết hợp với các động từ chỉ hành động thường làm của con người “ăn, nói, gói, mở”. Đầu tiên là “học ăn” sao cho từ tốn, đúng với lễ nghi. Tiếp đến là “học nói” cho lịch sự, phù hợp với từng đối tượng. Và cuối cùng là “học gói, học mở” chính là học cách ứng xử. Chúng ta cần phải biết ứng xử khéo léo. “Gói” hay “mở” đúng lúc, đúng chỗ để tránh làm mất lòng mọi người. Những kĩ năng trên là vô cùng cần thiết trong cuộc sống. Bởi nó sẽ giúp chúng ra hoàn thiện bản thân ngày càng tốt đẹp hơn.
Câu 2: Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
1. Có công mài sắt, có ngày nên kim
2. Học ăn, học nói, học gói, học mở
3. Lá lành đùm lá rách
1. Câu tục ngữ sau có mấy vế?
Có công mài sắt, có ngày nên kim
A. Hai vế
B. Bốn vế
C. Ba vế
D. Năm vế
2. Câu tục ngữ nào ở ngữ liệu có cách ngắt nhịp 2/2/2/2?
A. Câu 1
B. Câu 2
C. Câu 3
D. Câu 1 và câu 2
3. Cả ba câu tục ngữ trên đều sử dụng biện pháp tu từ nào sau đây?
A. So sánh
B. Ẩn dụ
C. Hoán dụ
D. Điệp ngữ
4. Nghĩa của câu tục ngữ Học ăn, học nói, học gói, học mở là “Khuyên ta phải biết học cách ăn uống cho thanh lịch, học cách nói năng cho nhã nhặn và học cách ứng xử cho khôn khéo, đúng mực” đúng hay sai?
A. Đúng
B. Sai
5. Câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách nhắn gửi đến chúng ta điều gì?
A. Sự đoàn kết trong cuộc sống
B. Sự sẻ chia trong cuộc sống
C. Cách ăn mặc trong cuộc sống
D. Cách ứng xử trong cuộc sống
6. Biện pháp nói quá được sử dụng trong câu tục ngữ nào?
A. Câu 1
B. Câu 2
C. Câu 3
D. Câu 1 và câu 2
7. Ngoài phần ngữ liệu trên, em hãy lựa chọn một câu tục ngữ mà mình thích và đặt câu với câu tục ngữ đó.
8. Viết một đoạn văn ngắn (7-9 câu) giải thích ngắn gọn ý nghĩa của câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim”.
Đáp án:
1. A
2. B
3. B
4. A
5. B
6. A
7.
- Em thích câu tục ngữ: Ở hiền gặp lành
- Đặt câu: “Những câu chuyện cổ tích đã dạy cho chúng ta bài học vô cùng quý giá đó là ở hiền gặp lành”.
8. “Có công mài sắt, có ngày nên kim” nhắc nhở đến mỗi người bài học ý nghĩa về lòng kiên trì. Xét về nghĩa đen, câu tục ngữ đã gợi ra một hình ảnh có trong thực tế nói về công việc của những người thợ rèn. Họ có thể rèn từ khối sắt to lớn và thô sơ thành chiếc kim sắc nhọn và sáng bóng. Còn theo nghĩa bóng, câu tục ngữ muốn nói rằng lòng kiên trì sẽ giúp con người vượt qua mọi thử thách, làm nên thành công. Một vài tấm gương có thể kể đến như Thomas Edison, người đã đối mặt với thất bại vô số lần để phát minh thành công ra những sản phẩm vĩ đại cho nhân loại. Hay Nick Vujicic, người đàn ông không có cả chân lẫn tay nhưng vẫn không từ bỏ, mà vẫn cố gắng để trở thành diễn giả nổi tiếng, một trong những người truyền cảm hứng cho giới trẻ. Tuy nhiên, vẫn có một số người sống thiếu nghị lực, không kiên trì. Khi gặp phải khó khăn, họ dễ dàng cảm thấy chán nản, chấp nhận đầu hàng và nhận lấy thất bại. Tóm lại, “Có công mài sắt có ngày nên kim” đã giúp mỗi người có động lực, niềm tin hơn trên con đường chinh phục ước mơ của chính mình.
Câu 3: Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
1. Chị ngã em nâng
2. Nghĩa tử là nghĩa tận
3. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn
4. Người không học như ngọc không mài
5. Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
1. Trong các câu tục ngữ trên, câu nào được viết theo thể thơ lục bát?
A. Câu 2
B. Câu 3
C. Câu 4
D. Câu 5
2. Các câu tục ngữ trong ngữ liệu trên thường có bao nhiêu vế?
A. Hai vế
B. Bốn vế
C. Ba vế
D. Năm vế
3. Theo em hiểu, nghĩa của chữ tử trong câu Nghĩa tử là nghĩa tận là gì?
A. Chết
B. Khai sáng
C. Đứa trẻ
D. Đi
4. Câu tục ngữ Đi một ngày đàng học một sàng khôn đã dùng cách gieo vần như thế nào?
A. đàng - sàng
B. đàng - khôn
C. ngày - đàng
D. ngày - khôn
5. Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong câu tục ngữ sau:
Người không học như ngọc không mài
A. Điệp ngữ
B. So sánh
C. Hoán dụ
D. Nhân hóa
6. Câu tục ngữ nào sau đây không cùng chủ đề với các câu được nêu ở ngữ liệu?
A. Trông mặt mà bắt hình dong
B. Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa
C. Ăn trông nồi, ngồi trông hướng
D. Lửa thử vàng, gian nan thử sức
7. Đặt câu với câu tục ngữ Chị ngã em nâng.
8. Viết đoạn văn ngắn (5-7 câu) rút ra bài học gì từ câu tục ngữ Người không học như ngọc không mài?
Đáp án:
1. D
2. A
3. A
4. A
5. B
6. B
7. Đặt câu: “Chị ngã em nâng là câu nói mà mẹ hay nhắc nhở hai chị em em để chúng em luôn yêu thương, đùm học nhau”.
8. Trong cuộc sống, luôn xuất hiện những biến cố mà chúng ta không thể dự đoán trước. Để đối mặt và vượt qua những khó khăn và biến cố đó, chúng ta cần phải trang bị cho mình một nền tảng kiến thức vững chắc. Cái quan trọng là tự tin trong bước tiến vào cuộc sống với niềm tin: "Người không học như ngọc không mài." Người không chịu học hỏi, không cố gắng để nâng cao tri thức cho bản thân sẽ dẫn đến hiểu biết hạn hẹp, khó có thể đối mặt với những thách thức lớn, tỏa sáng, và góp phần vào xã hội. Cuộc sống quá ngắn ngủi để lãng phí thời gian. Hãy trau dồi bản thân, trở thành người có ích cho xã hội và cống hiến những điều tốt đẹp nhất cho cuộc đời.
Câu 4: Đọc văn bản sau:
TỤC NGỮ VIỆT NAM
(Từ điển THÀNH NGỮ VÀ TỤC NGỮ VIỆT NAM – NXB Văn hóa, 1995)
1. Chớ khinh khó, chớ cậy giàu
2. Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo
3. Chung lưng đấu cật
4. Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu
5. Chuột chù đeo đạc
6. Yêu người mới được người yêu
7. Yêu con yêu sau lưng, giận con giận trước mặt
8. Yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo
9. Yêu nhau rào giậu cho kín
10. Gà què ăn quẩn cối xay
1. Dòng nào nói lên nội dung cơ bản của đa số các câu tục ngữ trên?
A. Về ứng xử
B. Phong phú, đa dạng
C. Về kinh nghiệm dạy con
D. Về tình yêu
2. Từ “sóng cả” ở câu tục ngữ 2 được hiểu như thế nào?
A. Là khó khăn, thử thách
B. Là vinh hoa, phú quý
C. Là thành tựu to lớn
D. Là chiến thắng hiển hách
3. Nhận định “Sự yêu ghét thường làm người mất sáng suốt, đối xử thiên vị, không khách quan” phù hợp với câu tục ngữ nào?
A. Yêu người mới được người yêu
B. Yêu con yêu sau lưng giận con trước mặt
C. Yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo
D. Yêu nhau tào giậu cho kín
4. Câu “Chuột chù đeo hạc” được hiểu như thế nào?
A. Biết cách sử dụng phụ kiện
B. Đua đòi, đài các rởm, không tự biết phận mình
C. Hay đánh du
D. Không biết gì mà cũng dùng
5. Trong câu tục ngữ “Yêu nhau rào giậu cho kín”, “rào giậu cho kín” được hiểu thế nào? Câu tục ngữ khuyên ta điều gì?
A. Phân minh, rạch tòi, quan hệ mới được lâu bền
B. Có lúc cần ngăn cách, tình cảm cần được thử thách
C. Phân minh, rạch ròi, mình mới không bị người ta lấn lướt
D. Giữ khoảng cách, quan hệ mới không bị nhạt dần
6. Đâu là những nhận xét thực tiễn, chưa nêu thành kinh nghiệm, phán đoán, bản thân nó chưa mang tính suy luận?
A. Yêu con yêu sau lưng, giận con giận trước mặt
B. Yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo
C. Yêu nhau rào giậu cho kín
D. Gà què ăn quẩn cối xay
7. “Yêu con yêu sau lưng, giận con giận trước mặt” đúc kết kinh nghiệm gì?
A. Kinh nghiệm nuôi dạy trẻ
B. Kinh nghiệm bày tỏ tình cảm
C. Kinh nghiệm ứng xử
D. Kinh nghiệm chơi đùa với trẻ em
8. Câu tục ngữ nào cho ta biết tình cảm có khả năng chi phối cách nhìn nhận đánh giá con người?
A. Yêu người mới được người yêu
B. Yêu con yêu sau lưng, giận con giận trước mặt
C. Yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo
D. Yêu nhau rào giậu cho kín
9. Tìm hai câu tục ngữ khuyên ta nên có ý chí trong cuộc sống?
10. Người Mỹ có câu tục ngữ: “Love me, love my dog” (khi yêu ai thì yêu luôn cả chó của người ấy), em hãy tìm 2 câu tục ngữ/ ca dao của Việt Nam có nghĩa tương đương, từ đó nhận xét về điểm chung đó.
Đáp án:
1. B
2. A
3. C
4. B
5. A
6. D
7. A
8. C
9. Hai câu tục ngữ khuyên ta nên có ý chí trong cuộc sống:
- Thua keo này, ta bày keo khác
- Có công mài sắt, có ngày nên kim
10.
- Hai câu tục ngữ/ ca dao:
+ Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông ty họ hàng
+ Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua
- Nhận xét: cả 2 dân tộc đều có điểm chung về nét văn hóa ứng xử: tình cảm chi phối cách nhìn nhận, đánh giá con người. sự yêu ghét thường làm người ta mất sáng suốt, đối xử thiên vị không khách quan
Câu 5: Cho câu: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
1. Câu tục ngữ trên được xếp vào thể loại văn bản nào? Nêu khái niệm thể loại văn học đó?
2. Biện pháp nghệ thuật sử dụng trong câu tục ngữ trên?
3. Câu tục ngữ trên sử dụng kiểu câu nào? Tác dụng?
4. Nêu nội dung của câu tục ngữ?
5. Viết đoạn văn ngắn (5-7 câu) nêu lên bài học từ câu tục ngữ trên?
Đáp án:
1.
- Thể loại: Tục ngữ
- Khái niệm: Tục ngữ là những câu nói dân gian ngắn gọn, ổn định, giàu nhịp điệu, hình ảnh. Thể hiện kinh nghiệm của nhân dân về mọi mặt đời sống và được vận dụng vào lời ăn tiếng nói hằng ngày.
2 - BPNT: ẩn dụ
3.
- Kiểu câu: rút gọn.
- Tác dụng: Làm cho câu ngắn gọn hơn, thông tin nhanh hơn, ngụ ý hành động là của chung mọi người.
4 - Khi được hưởng thành quả (vật chất, tinh thần) nhớ ơn những người đã tạo ra thành quả đó.
5. "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, là biểu hiện của lòng biết ơn, vốn là đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay. Biết ơn là trân trọng và ghi nhớ công ơn của người khác đã làm cho mình hoặc để lại cho mình một giá trị nào đó. Lòng biết ơn khẳng định phẩm chất cao quý của con người. Người sống có lòng biết ơn luôn biết quý trọng của cải, vật chất và các giá trị tinh thần do người khác để lại, không bao giờ xâm phạm, phung phí những giá trị ấy. Những gì chúng ta đang thụ hưởng hôm nay chính là do biết bao thế hệ đi trước để lại. Chúng ta cần phải phải biết trân trọng và ghi nhớ công ơn ấy. Vừa hưởng thụ, vừa tạo ra nhiều hơn để lại cho các thế hệ mai sau. Có làm được như vậy, xã hội mới phát triển, cuộc sống mới bình yên và hạnh phúc.
Xem thêm các bài viết về định nghĩa và khái niệm môn Văn chọn lọc, hay khác:
- Truyện cười là gì?
- Truyện thần thoại là gì?
- Sử thi là gì?
- Kịch bản chèo/tuồng là gì?
- Truyện đồng thoại là gì?
Tủ sách VIETJACK luyện thi vào 10 cho 2k10 (2025):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Đề thi lớp 1 (các môn học)
- Đề thi lớp 2 (các môn học)
- Đề thi lớp 3 (các môn học)
- Đề thi lớp 4 (các môn học)
- Đề thi lớp 5 (các môn học)
- Đề thi lớp 6 (các môn học)
- Đề thi lớp 7 (các môn học)
- Đề thi lớp 8 (các môn học)
- Đề thi lớp 9 (các môn học)
- Đề thi lớp 10 (các môn học)
- Đề thi lớp 11 (các môn học)
- Đề thi lớp 12 (các môn học)
- Giáo án lớp 1 (các môn học)
- Giáo án lớp 2 (các môn học)
- Giáo án lớp 3 (các môn học)
- Giáo án lớp 4 (các môn học)
- Giáo án lớp 5 (các môn học)
- Giáo án lớp 6 (các môn học)
- Giáo án lớp 7 (các môn học)
- Giáo án lớp 8 (các môn học)
- Giáo án lớp 9 (các môn học)
- Giáo án lớp 10 (các môn học)
- Giáo án lớp 11 (các môn học)
- Giáo án lớp 12 (các môn học)